Jul 26, 2020

đặc quyền

(tiếp tục "Chroniques HN: một phố", "[tiện bút] Rìa khu rừng""Trong lúc đọc Huysmans (1)")


"L'aristocratie a trois âges successifs:
l'âge des supériorités, l'âge des privilèges et l'âge des vanités.
Sortie du premier, elle dégénère dans le second
et s'éteint dans le dernier."



Muốn nhìn vào đặc quyền và sự vận hành của nó, có một cách rất dễ: nhìn vào trường Thực nghiệm Hà Nội (Thực nghiệm Giảng Võ) ấy. Bởi vì, giống mọi thứ, đặc quyền cũng thay đổi theo thời gian.

Nhất là khi, đó đã trở thành một dạng business gia đình.

Tức là, có thể làm một việc không thể đơn giản hơn, một công việc thuộc về xã hội học sơ đẳng: xem các học sinh của trường Thực nghiệm là những ai, tiểu sử của họ etc. Nhất là quãng thời gian ban đầu.

Các đặc quyền xã hội, chúng là đặc quyền đúng nghĩa nếu nổi bật ở trong đó là yếu tố đặc quyền về cơ hội, cũng như một yếu tố khác nữa: sự kết nối của nhiều thế hệ. Giai cấp quý tộc (dẫu được gọi tên là gì đi nữa) bao giờ cũng được xây dựng dựa trên nguyên tắc cha truyền con nối (đây là một trong ba nguyên tắc chính của tổ chức xã hội - hérédité, mà trong xã hội Việt Nam có một khái niệm tương đồng: tập ấm; như một tất yếu [tất yếu lịch sử] thế nào cũng đến lúc nguyên tắc này bị cạnh tranh, thậm chí thay thế hẳn, nhưng thường cùng tồn tại, bởi nguyên tắc dùng tiền mua, tức là "vénalité" - còn nguyên tắc về sự xứng đáng, chế độ "méritocratie", luôn luôn được tuyên bố nhưng rất thường xuyên chỉ thuần túy thuộc về phía của mị dân mà không bao giờ là thực).

Trường Thực nghiệm Hà Nội là một trong những hình thức dùng để đảm bảo điều trên đây. Giới học hành ở mức độ cao tại Việt Nam (đặc biệt là Hà Nội) có sự gắn kết lớn: khu Hòa Lạc không trở thành trung tâm công nghệ gì cả, nhưng các nhà khoa học (ít nhất, một bộ phận) Việt Nam thì được hưởng lợi (về đất đai, chẳng hạn). Rất oái oăm (nhưng cần phải nói: hoàn toàn logic) khi chính những người ấy tự tuyên xưng mình chiến đấu chống lại "lợi ích nhóm".

Tạm bỏ lại điều trên đây: đặc quyền xã hội (theo dạng trường Thực nghiệm) có thể dẫn đến những hệ quả nào? Có một hệ quả nho nhỏ: những người từng qua môi trường đó rất nhiều khả năng coi đặc quyền là đương nhiên. Không ít người cả cuộc đời trông như là nhiều thành tựu về cơ bản không là gì khác ngoài sự cộng lại của đặc quyền và phái sinh của nó: đặc cách. Với sự đỡ đần của một cộng đồng khoa bảng (với sự gắn kết lớn, như trên đã nói).

Đặc quyền và đặc cách không tạo nên sự đặc biệt - nói cho đúng hơn, những cái đó còn đi ngược lại, bởi vì hướng của chúng là dẫn thẳng đến sự tầm thường; nhưng tại một xã hội thuộc dạng lộn ngược như xã hội Việt Nam hiện nay, đặc quyền và đặc cách lại trông như là đặc biệt (và do đó, có giá trị, thậm chí giá trị lớn, thậm chí tối cao, thậm chí duy nhất). Đây là cả một ảo tưởng mênh mông.

Và thêm nữa, rất đơn điệu: mấy thế hệ tiếp nối đều IMO, thì rõ là quá mức nghèo nàn (thì chính đó: đặc quyền thì có tính cách stérile, chứ không bao giờ khiến sinh sôi). Cũng chính vì thế, những người ở trong trạng thái ấy luôn luôn tìm cách tỏ ra mình có một cuộc đời đáng sống, đa dạng, giàu màu sắc nghệ thuật, văn chương etc. Nhưng các toán học gia Việt Nam (cả một dây tuyền như nhau: hết thơ ca lại hội họa, âm nhạc) là điển hình của mô ve gu. Và cũng vì nhận quá lắm đặc quyền, mặc cảm của họ xui khiến họ hễ có cơ hội là tỏ ra mình bình dị, tiết kiệm, hòa đồng etc. (cùng lúc, vục mặt vào cuộc sống nouveau riche, sát cánh cùng các nouveau riche điển hình hơn cả của thời đại).

Một hệ quả nữa: những người có thành tựu nào đó thường bắt xã hội phải gánh chịu một gánh nặng phụ: bạn của họ. Những người đó bỗng trở thành các nhân vật có tiếng nói, được lắng nghe, thậm chí trông giống như nhà tư tưởng - đã có những thứ cơ quan ngôn luận dùng cho điều này, nhất là tờ tạp chí Tia sáng, trong quãng thời gian vừa qua. Thêm một tất yếu: những người hưởng quá nhiều đặc quyền (và có quá trình học vấn thông qua vô số đặc cách) coi một số điều là đương nhiên (cái gì cũng nhận thì cũng có ý nghĩa ấy) - như trẻ con bây giờ hay nói, take everything for granted.

Tương ứng với đó (và quả thật, từ đây, có thể thấy đặc quyền là yếu tố lớn đến mức nào trong cuộc sống của chúng ta): các tổ chức thuộc dạng NGO (và ở một mức độ khác, các tổ chức hợp tác văn hóa).

(đã có một ít về các trung tâm văn hóa nước ngoài ởkia)

Chính với NGOs, có thể thấy rất rõ thời của chúng ta là một thời lộn ngược đến mức nào: các tổ chức kiểu như vậy luôn luôn có danh nghĩa xóa bỏ sự bất bình đẳng (giảm mức chênh lệch xã hội etc.) nhưng chúng lại tạo ra một đẳng cấp mới, một đẳng cấp của đặc quyền - và thông qua đó, tự cho thấy chúng nói dối, ngay từ đầu. Cái đó không hề khác so với chủ nghĩa thực dân trước đây - khẩu hiệu khai hóa văn minh mà ai cũng đã biết thật ra nói lên những gì. Các nhân viên bản địa của mấy NGO - hết sức ý nghĩa - được gọi là officer. Thêm một điều nữa: Liên Hợp Quốc còn ý nghĩa gì nữa không nhỉ, trong thế giới hiện nay?

Khỏi phải nói, một thời (cách đây chừng hai mươi năm), làm việc cho các tổ chức phi chính phủ là nguyện vọng đồng loạt của cả một thế hệ - thế hệ ấy bắt đầu biết nhận thức vào quãng giữa thập niên 90 của thế kỷ 20, khoảng thời gian đầy hứa hẹn, mà quốc tế thuộc vào số những từ lung linh hơn cả. Ước mơ đó (vì ấy đúng là một ước mơ), chỉ một điều khác sánh ngang được: ước mơ của bố mẹ họ muốn họ trở thành giáo viên, trí thức - đặc biệt, theo các ngành kinh tế. Kết quả của nó là không biết bao nhiêu người ngồi sau quầy các ngân hàng gặp thời điểm bùng nổ, cũng như một loạt nhân vật đi xóa bất bình đẳng nhưng lại rơi vào một dạng đặc quyền khác. Cũng khỏi phải nói, tầng lớp ấy, khi mọi thứ đã không còn lung linh cho lắm, vội vã kiếm những đường khác. Rất hay gặp các giám đốc PR, marketing xuất thân từ đó, và cũng có cả những người đi xuất bản sách - vẫn giữ nguyên cái nhìn của đặc quyền.

(gần một thế kỷ của truyền thống cộng hòa đã gần như không có ý nghĩa gì)

Tổng cộng những điều vừa nói dẫn đến một hiện tượng mới: hàng loạt người tìm cách ra nước ngoài sống - thường xuyên nhất là với danh nghĩa tị nạn giáo dục (tức là lo lắng cho tương lai con cái họ). Một cách thức mới để hướng đến đặc quyền.




(còn nữa)



6 comments:

  1. Giọt nước mắt quê hương, ôi còn chảy miên man

    ReplyDelete
    Replies
    1. Có một tay Yamaha nhựt bổn vừa vào thị trường xuất bổn ta tiên tri sắp cười rồi bác

      Delete
  2. mượn lời của Phan Ngọc: tìm cho được những người quan tâm tới sự thực là rất khó.

    ReplyDelete
  3. Lần đầu đọc bài này của NL, thề, ngoài mấy cái khác, đầu óc cứ nghĩ đến Dragon Ball 7 viên ngọc rồng :v
    Son Gohan học trường toán sao vàng, rồi sau này cả Gohan Goten thành bác sĩ kĩ sư gì đó hết, chả thằng nào giống bố cả, thế nên mới phải hồi sinh Mabu rồi đào tạo thành đệ tử ^^

    ReplyDelete
  4. bố em là con ma lớn, còn em, em là con ma nhỏ đấy

    ReplyDelete