Bắt đầu một bài mới về Henry James, thì bài cũ cũng đã hoàn thành luôn.
Lần này, người bình luận James là Tzvetan Todorov (Todorov: tìm theo label sẽ có nhiều, nhưng lại có hai label, "todorov" và "tzvetan-todorov"). Nếu bài trước là một essay của một người cùng thời với James, thì essay của Todorov được viết hơn nửa thế kỷ sau khi James chết - và đó là cái nhìn của một lý thuyết gia văn học (Todorov chính là một trong những người làm văn chương James trở nên đáng chú ý trở lại, trong giới nghiên cứu).
Bài của Todorov, "Bí mật của truyện: Henry James" có thể tìm được trong một cuốn sách, Poétique de la Prose.
Trong Poétique de la Prose ấn bản 1971 (cuốn sách sẽ có nhiều ấn bản; ở thời điểm này, Todorov đang cùng Genette phụ trách collection "Poétique" tại nhà xuất bản Seuil - tờ tạp chí Poétique sẽ ra đời vào năm 1980, với bài mở đầu của Roland Barthes) bài đầu tiên là "Typologie du roman policier" về tiểu thuyết trinh thám, bài thứ hai là "Le récit primitif: l'Odyssée", bài thứ ba là "Les hommes-récits: les Mille et une nuits", về Nghìn lẻ một đêm, bài thứ tư là "La grammaire du récit: le Décaméron" về Mười ngày của Boccaccio, bài thứ năm là "La quête du récit: le Graal" (Chén Thánh) và bài thứ sáu là về Henry James (cuốn sách còn một số essai khác nữa).
Cái tên "Poétique de la Prose", tự thân nó, đã là một oxymore (oxymoron).
Bí mật của truyện: Henry James
Tzvetan Todorov
I
Người ta biết nhiều hơn - dẫu ở Pháp thì không đủ - các tiểu thuyết của Henry James, trong khi các truyện ngắn cấu thành nên một nửa tác phẩm của ông (đây không phải là một trường hợp ngoại lệ: công chúng thích tiểu thuyết hơn truyện ngắn, thích cuốn sách dài hơn văn bản ngắn; không phải vì sự dài được xem như tiêu chí về giá trị, mà đúng hơn vì người ta không có thời gian, khi đọc một tác phẩm ngắn, quên đi rằng đó chỉ là "văn chương" chứ không phải "cuộc đời"). Nếu gần như tất tật những tiểu thuyết lớn của James đều đã được dịch ra tiếng Pháp, thì mới chỉ có một phần tư các truyện ngắn được dịch [kể từ khi Todorov viết bài này đến nay, chuyện đã thay đổi]. Tuy nhiên không phải những lý do số lượng đơn thuần là điều thúc đẩy tôi về cái phần kia trong tác phẩm của ông: các truyện ngắn đóng ở đó một vai trò đặc biệt. Theo cách nào đó chúng rất thích hợp cho những nghiên cứu lý thuyết: ở đó James đặt các vấn đề cảm năng lớn của tác phẩm của mình, và ông giải quyết chúng. Do vậy, những truyện ngắn tạo nên một con đường đặc quyền, mà tôi đã chọn nhằm đi vào vũ trụ phức tạp và hớp hồn ấy.
Các nhà diễn giải từng gần như lúc nào cũng bị rối trí. Các nhà phê bình đương thời và về sau đã nhất trí với nhau trong việc khẳng định rằng những tác phẩm của James hoàn hảo từ quan điểm "kỹ thuật". Nhưng tất tật cũng đồng ý với nhau trong việc trách cứ ở chúng sự thiếu các ý lớn, sự vắng của cái nồng ấm con người; đối tượng của chúng quá ít quan trọng (như thể dấu hiệu đầu tiên của tác phẩm nghệ thuật không phải chính là biến thành bất khả sự phân tách giữa những "kỹ thuật" và các "ý"). James đã được xếp vào số các tác giả bất khả xâm nhập đối với độc giả thông thường; người ta để lại cho những người chuyên nghiệp đặc quyền được nếm tác phẩm của ông, quá mức phức tạp.
Hẳn chỉ riêng việc đọc các truyện ngắn của James đã là đủ để xua tan sự hiểu nhầm. Thay vì "bảo vệ" chúng tôi sẽ thử miêu tả một số trong những hình tượng lớn của chúng.
II
Trong truyện ngắn nổi tiếng The Figure on the Tapestry (1896) James kể chuyện một nhà phê bình trẻ tuổi, vừa viết một bài báo về một trong những tác giả mà anh ta ngưỡng mộ nhất - Hugh Vereker - tình cờ gặp ông không lâu sau đó. Tác giả không giấu anh ta việc mình thất vọng với nghiên cứu anh ta viết. Không phải vì nó thiếu sự tinh xảo; nhưng nó không gọi tên được bí mật nơi tác phẩm của ông, bí mật ấy vừa là nguyên tắc động lực vừa là nghĩa tổng quát của tác phẩm. "Trong tác phẩm của tôi có một ý, Vereker nói rõ hơn, mà nếu không có hẳn tôi sẽ chẳng lý gì đến cái nghề nhà văn. Một ý định quý giá vô chừng. Tôi thấy, đưa được nó vào tác phẩm từng là một phép mầu của sự khéo léo và lòng nhẫn nại... Nó theo đuổi sự nghiệp của nó, xảo thuật nho nhỏ của tôi, xuyên qua tất tật những cuốn sách của tôi, và những gì còn lại nếu so sánh với nó thì chỉ toàn là các trò chơi trên bề mặt." Bị thúc ép bởi những câu hỏi của nhà phê bình trẻ tuổi, Vereker nói thêm: "Toàn bộ các nỗ lực sáng suốt của tôi đều chẳng là gì khác - mỗi trang của tôi và mỗi dòng của tôi, mỗi từ của tôi. Điều cần phải tìm ra cũng cụ thể như con chim trong lồng, như mồi câu cá, như mẩu pho mát trong cái bẫy chuột. Đấy là cái cấu thành nên mỗi dòng, lựa chọn mỗi từ, đặt dấu chấm lên tất tật các chữ i, viết ra tất tật những dấu phẩy."
Nhà phê bình trẻ tuổi bèn lao vào một cuộc tìm kiếm tuyệt vọng ("một nỗi ám ảnh sẽ vĩnh viễn vây bủa anh"); gặp lại Vereker, anh ta thử giành lấy thêm những gì rõ ràng hơn: "Tôi liều đưa ra ý kiến rằng đó hẳn là một yếu tố nền tảng trong kế hoạch tổng thể, một thứ gì đó giống một hình ảnh phức tạp trên một tấm thảm phương Đông. Vereker nồng nhiệt tán thành so sánh đó và dùng một so sánh khác: "Đấy là sợi dây, ông nói, nối các viên ngọc trai của tôi lại"."
Chúng ta hãy nhận lấy thách thức của Vereker vào lúc chúng ta tiếp cận tác phẩm của Henry James (Vereker nói: "Vậy thì hết sức tự nhiên đó là điều mà nhà phê bình hẳn phải tìm, theo tôi thậm chí đó còn là... cái mà hẳn nhà phê bình phải tìm được.") Chúng ta hãy thử khám phá hình ảnh trên tấm thảm của Henry James, bản kế hoạch tổng thể ấy, mà toàn bộ những gì còn lại phải nghe lời theo, đúng như nó hiện ra xuyên qua mọi tác phẩm của ông.
Sự tìm kiếm một bất biến như thế chỉ có thể được thực hiện (các nhân vật trong The Figure on the Tapestry biết rõ điều này) bằng cách đặt chồng lên nhau những tác phẩm khác nhau theo cách thức các bức ảnh lừng danh của [Francis] Galton, đọc chúng như thể chúng trong suốt xuyên qua nhau. Tuy nhiên tôi không muốn gây sốt ruột cho độc giả và tôi sẽ giao nộp bí mật ngay tắp lự, dẫu cho vậy thì, chính do đó, sẽ kém thuyết phục hơn. Những tác phẩm mà ta sẽ băng qua sẽ xác nhận giả thuyết thay vì để lại cho độc giả cái việc tự đi mà nói nó ra.
Truyện của James lúc nào cũng dựa trên cuộc đi tìm một nguyên nhân tuyệt đối và bị vắng mất. Chúng ta hãy làm cho hiển ngôn từng từ một trong câu vừa rồi. Tồn tại một nguyên nhân: ở đây từ này phải được hiểu trong một nghĩa rất rộng; đó thường là một nhân vật nhưng đôi khi cũng là một sự kiện hay một đồ vật. Hiệu ứng của nguyên nhân ấy là truyện, cái câu chuyện được kể cho chúng ta. Tuyệt đối: bởi mọi điều, trong truyện đó, rốt cuộc đều có được hiện diện của nó do nguyên nhân kia. Nhưng nguyên nhân bị vắng mất và người ta lên đường truy tìm nó: nó không chỉ vắng mặt mà phần lớn thời gian còn không được biết; toàn bộ những gì mà người ta nghi ngờ, ấy là tồn tại của nó, chứ không phải bản tính của nó. Người ta truy tìm nó: câu chuyện chính là sự đi tìm, sự truy đuổi nguyên nhân khởi đầu kia, yếu tính đầu tiên kia. Truyện dừng lại nếu người ta đạt được nó. Một mặt có một sự vắng (vắng mất nguyên nhân, yếu tính, sự thật) nhưng sự vắng ấy quy định mọi sự; mặt khác, một hiện diện (của sự truy tìm) vốn dĩ chỉ là cuộc tìm kiếm sự vắng. Bí mật của truyện jamesien, như vậy, chính là sự tồn tại của một bí mật cốt yếu, của một điều không được gọi tên, của một lực vắng mặt và siêu quyền, thứ làm cho vận hành toàn bộ cỗ máy hiện diện của tự sự. Chuyển động của James là kép và, ở vẻ ngoài, mâu thuẫn (điều này cho phép ông không ngừng tái khởi đầu nó): một mặt, ông bày ra tất tật các lực của mình nhằm đạt tới yếu tính bị giấu mất, nhằm hé ra đối tượng bí mật; mặt khác, ông không ngừng đẩy nó ra xa, bảo vệ nó - cho đến đoạn cuối của câu chuyện, nếu không phải là vượt quá đó. Sự vắng của nguyên nhân hoặc của sự thật hiện diện trong văn bản, thậm chí còn hơn, nó là nguồn gốc logic và lẽ sống của văn bản; nguyên nhân là thứ, do sự vắng của mình, làm văn bản trồi lên. Điều cốt yếu vắng mất, sự vắng có tính cách cốt yếu.
Trước khi minh họa các biến tấu đa dạng của "hình ảnh trên tấm thảm" ấy, cần phải đối mặt với một phản đối khả dĩ. Đấy là không phải tất tật những tác phẩm của James đều tuân theo cùng bức họa. Để chỉ nói tới các truyện ngắn, ngay cả nếu người ta phát hiện được nó nơi phần lớn chúng, thì vẫn có những truyện ngắn khác không dự phần vào chuyển động này. Như vậy ngay tức khắc cần phải có hai điều chấn chỉnh. Điều thứ nhất, ấy là "hình ảnh" kia, một cách đặc biệt hơn, được nối vào một giai đoạn trong tác phẩm của James: nó thống trị tác phẩm gần như một cách chuyên nhất kể từ năm 1892 và cho đến, ít nhất, năm 1903 (James đang ở độ tuổi năm mươi). James đã viết gần một nửa số truyện ngắn của ông trong vòng 12 năm đó. Những gì đi trước chỉ có thể được coi, dưới ánh sáng của giả thuyết này, như một công việc chuẩn bị, như một tập luyện, xuất sắc nhưng không độc đáo, toàn bộ để cho mình bị ghi vào bên trong bộ khung của bài học mà James rút được từ Flaubert và Maupassant. Điều thứ hai hẳn thuộc trật tự lý thuyết, chứ không phải lịch sử: người ta có thể cho, tôi thấy vậy, là một tác giả tiến được lại gần, trong một số tác phẩm thì nhiều hơn so với trong những tác phẩm khác, "hình ảnh trên tấm thảm" ấy, tiến lại gần cái tóm tắt lại và dựng ra tổng thể những gì người đó viết. Bằng cách ấy người ta sẽ giải thích được sự thể rằng, ngay cả sau năm 1892, James vẫn tiếp tục viết các truyện nằm trong dòng giống của những tập luyện "thực tại luận".
Chúng ta hãy thêm một so sánh vào với những so sánh mà Vereker đã đề xuất với người bạn trẻ tuổi của mình nhằm gọi tên "yếu tố nền tảng"; chúng ta hãy nói rằng yếu tố đó giống "grille" mà các nhạc cụ khác nhau trong một dàn nhạc jazz có chung với nhau. "Grille" cố định hóa các điểm định vị, mà nếu không có thì hẳn bản nhạc sẽ không thể được tạo ra; nhưng không phải vì thế mà phần của saxophone trở nên giống hệt với phần của trumpet. Cũng vậy, trong các truyện ngắn của mình, James khai thác các âm sắc rất khác nhau, những âm điệu nếu mới thoạt nhìn qua thì không có gì chung, dẫu bản vẽ tổng thể vẫn giống y. Tôi sẽ thử xem xét lần lượt từng âm điệu ấy.
III
Chúng ta hãy bắt đầu bằng trường hợp sơ đẳng hơn cả:
-----------
vì đã thế, cho nên
Rétro:
- hp
- lại hp
"Henry James, Jr" (essay của William Dean Howells)
RB (Henry James về Robert Browning)
Princess nữa (Casamassima)
Để thấy rõ (The Beast in the Jungle & The Altar of the Dead)
No comments:
Post a Comment