Apr 15, 2024

Khái Hưng viết thời luận (1)

(tiếp tục "Cầm ô đi trên đường đông", "Mai""người đã cùng tôi phụ rất tròn")


Câu chuyện của Khái Hưng: Khái Hưng Trần Khánh Giư có câu chuyện rất lớn; đấy là một trong những câu chuyện lớn nhất. Những ai có câu chuyện lớn? hãy nghĩ đến Nguyễn Văn Vĩnh, hay thậm chí, Nguyễn Du.

Những gì Khái Hưng viết vào những tháng cuối đời, trong vòng nhiều năm tôi đã đi tìm. Nhất là mục "Chuyện Lẩn Thẩn". Đây là một thứ không dễ.


Tôi đã không tìm được toàn bộ (tất tần tật), nhưng tôi đã tìm được phần lớn. Không tìm được bài cuối cùng, nhưng chắc chắn được về bài đầu tiên.



Chuyện lẩn thẩn

 

Nước Pháp tự cho mình là có một cái nền văn minh nhất hoàn cầu. Nước Pháp lại tự cảm thấy mình không ích kỷ, chẳng lẽ có một nền văn minh cao như thế mà lại cứ bo bo giữ lấy hưởng một mình thì nó khỉ khỉ thế nào ấy, nên các nhà cầm quyền Pháp ngứa ngáy thấy cần phải đem nền văm minh đó reo rắc [sic] cho những kẻ man ri [sic] biết. Và vì thế họ đã kéo đại đội văn minh đến giải [sic] đất Đông-dương mình.

 

Và cái văn minh đầu tiên, chúng ta được biết là hỏa lực của các pháo đạn, rồi chúng ta được biết cả những cái rất vô lý như những sự hà hiếp giết tróc [sic].

 

Cái văn minh thứ hai là chúng ta có một nước mẹ để mà cung phụng nếu không thì cái của cải của ta chắc chả biết dùng để làm gì. Những nguyên liệu đe chết đó nó làm cho con mắt văn minh tức tối nên nó đã được các quan tây mang về mẫu quốc và rồi chúng ta lại phải mua các đồ dùng bằng các thứ nguyên liệu đó. Nghĩa là chúng ta có rất nhiều quyền để mua rất nhiều các thứ hàng của mẫu quốc nhất là các xa xỉ phẩm. Trước kia thời dã man chúng ta bao giờ được biết dùng những thứ đồ cao quý đó.

 

Nhưng mà, cái ánh sáng văn minh của nước Pháp sao mà nó chói mắt, gắt gao quá, dân Việt-Nam, cứ cố chịu mãi cố chịu mãi mà nó vẫn nóng rát. Vì sợ sức nóng tăng lên quá mạnh nên dân Việt-Nam đã phải nhịn cả ăn lẫn mặc để các quan đầy những văn minh đó ăn mặc hộ.

 

Các quan Tây ơi! Nước chúng tôi đã tràn ngập cái văn minh của các quan rồi, lúc này các quan lại còn mang nó đến một lần nữa và lại mang thêm cả cái công-lý của các quan lại thì dân chúng đến chết ngốt người lên mất. Các quan còn lớn tiếng tự xưng mình là hùng cường, không bao giờ trả thù. Sao các quan cứ nghĩ lẩn thẩn thế. Chúng tôi với các ông ai là người phải trả thù. Chúng tôi chẳng thù ông thì thôi chứ, các ông cũng có thù với chúng tôi kia à? Thế thì thật phiền quá!

 

Chàng Lẩn Thẩn

(Việt Nam, số 95, 12/3/1946)




Chuyện lẩn thẩn

 

Người ta còn nhớ mấy tháng trước đây, cái bọn người tự nhận mình là người mẫu quốc lúc nào cũng khủng khỉnh coi dân bản xứ như mẻ, bọn đó ra phố với một vẻ mặt nhục nhằn nơm nớp lo sợ, mắt không dám nhìn thẳng mà chỉ dám lấm lét nhìn trộm những người Việt Nam của nước Việt-Nam độc lập thẳng thắn vui tươi đi trên đất nước của người ta. Bọn mắt xanh đó có tức giận, cái tức giận bất chính, cũng chỉ dám trao đổi với nhau một nụ cười chế nhạo hay một câu diễu [sic] vụng trộm. Vì nếu để cho dân Việt-Nam biết cái thái độ vô lễ của họ là dừ đòn ngay. Và rồi dần dần họ cũng thưa ra phố, hay chỉ ra để lếch thếch xách cái bị đi chợ mua thức ăn.


Dân Hà-nội thấy vắng bóng họ nhiều lắm. Ai ai cũng tưởng họ xấu hổ, những cái thân đã vong quốc tưởng họ rất lấy làm xấu hổ. Và cái dân tộc, tự xưng là có một cái nền văn minh cao nhất thế giới ấy phải có nhiều liêm sỉ nên họ tự đóng cửa để hối hận, để khóc thời oanh liệt của họ.


Kể cái thời xưa của họ oanh liệt thật. Từ anh lính quèn cho đến anh vô nghệ nghiệp thẩy đều đẫy đà mà chỉ có độ sáu bẩy tháng sau là sự thiếu thốn đến ngay với họ khiến họ trở nên gầy xọp. Một hôm đứng nói chuyện trên gác nhà bạn, bạn tôi bỗng chỉ ba người Âu đi ở dưới đường nói: này anh xem, bọn kia dạo trước tôi thấy nó giầu lắm, thằng nào cũng sang và ra ngoài là khoác tay hàng năm bẩy cô, thế mà bây giờ anh xem thằng nào cũng ngẳng ngheo đi thất thểu như ốm đói cả.

 

Tưởng đến thế là thời thực dân mạt kiếp mà những kẻ mang óc thực dân sẽ tủi và xấu hổ, phen này nếu yên ổn và thuận tiện họ sẽ kéo nhau về nước hết để làm ăn lương thiện, để tu bổ lại cái quốc gia bị tàn phá của họ. Nào ngờ, ít lâu nay nào nghe tin quân của họ thắng ở miền Nam, nào nghe tin quân của họ kéo vào miền Bắc lại hăm dọa đổ bộ lên Hải-phòng, những cái bộ mặt tiu nghỉu trước lại lên mặt dữ: nào họ biểu tình, nào họ vênh vang đi trong phố và nhất là sau ngày ký bản sơ bộ hiệp định Việt Pháp, họ lại dắt nhau bầu đoàn thê tử kéo ra phố rất nhiều. Họ sung sướng lắm, nom mặt kẻ nào cũng dương dương tự đắc, nhất là khi nghe tin D’Argenlieu tuyên bố sẽ có Chủ tịch liên hiệp quốc gia Việt-Nam Varenne (!) thì cái mặt thực dân của họ nở hẳn ra, dầy thêm lên một từng. Họ đều chắc chắn bảo nhau phen này thì dân Việt-Nam một lũ chúng mày lại thi nhau cho cổ vào cái tròng tự do của chúng ta. Và chắc có kẻ khi quan sát người Việt-Nam vẫn bình tĩnh ở Hà-nội, họ không khỏi bảo nhau: “Sao chúng nó ngu và khờ dại, dễ bị phỉnh phờ như thế được?”

 

Thôi đi, dơ dáng lắm rồi, các ông Tây ạ, dân chúng tôi không phải là đàn cừu đâu. Lòng công phẫn và tất cả sức mạnh đều kín đáo vì dân chúng tôi vốn sẵn mang cái chí quân tử của Á Đông chứ nếu mà có cái nóng nảy của Tây Phương thì các ông dễ sống yên được đâu. Ông đừng tưởng rằng dụ được một kẻ vong quốc nô, vô liêm sỉ ngày ngày nheo nhéo nói trên đài vô tuyến điện Sài-gòn và tưởng rằng cái thái độ bình tĩnh của dân Việt-Nam là tỏ rằng tất cả người Việt-Nam đều dễ bảo như thế cả. Các ông đừng tưởng rằng cái chí ăn cướp của các ông, chúng tôi không ai biết đến cả. Kể như các ông đáng lẽ phải biết thế nào là cái nhục vong quốc, vì các ông đã trải qua thời kỳ đó; thế mà các ông còn cứ lăm le muốn đô hộ nước người. Những kẻ như thế mà cứ đòi nói là mang lại hòa bình và công lý cho nhân loại thì thật không biết ngượng mồm chút nào.

 

Các ông ơi! nghe nói châm ngôn của các ông là: Liberté, Égalité, Fraternité vậy theo cách hành động của các ông tôi xin dịch ra sau đây: Ăn cướp, Bóc lột, Lừa bịp.

 

Nói thế thật tôi đã lẩn thẩn mà giải thích với các ông quá nhiều. Nhưng với những kẻ có bộ óc dầy như các ông chưa chắc nó đã thấm thía.

 

Chàng Lẩn Thẩn

(Việt Nam, số 96, 13/3/1946)

 

 

Chuyện lẩn thẩn

 

Người ta bảo thằng Cuội ở trên cung trăng. Và nó ở trên cung trăng mãi cho tới ngày nay. Nhưng mà ở thời buổi này, thế giới đông đúc yên vui thế mà chẳng lẽ cứ lủi thủi ở trên cung trăng lạnh lẽo ấy thì buồn lắm vì vậy Cuội đã bỏ chị Hằng Nga mà xuống trần. Cuội lại chọn Tây phương làm nơi đổ bộ. Và đây này hiện thân của thằng Cuội nó như thế này: tóc quăn, mũi lõ và nói tiếng Pháp.

 

Dù ở thời đại nào cái tính cách mẹ mìn dỗ dành con trẻ vẫn là tính của thằng Cuội, chả có thế mà bọn Gouin cho đến D'Argenlieu, Varenne đã coi dân tộc Việt Nam như dân tộc măng sữa. Chúng xoa đầu chính phủ ta như xoa đầu trẻ con và bảo: Này đây kẹo tự do, bánh độc lập, các em ăn đi, ăn nữa đi rồi các em ngủ để cho chúng ta hành động. Những thằng Cuội ấy lại có tính tham chỉ trỏ cho ta nhìn thấy những kẹo bánh, rồi chúng đi hành động việc của chúng. Hiệp ước ký dở dang mà chúng đã căn cứ vào sơ bộ của bản hiệp định để mà đổ bộ lung tung ở khắp nơi. Trong khi đó thì dân Việt Nam, thèm thuồng nhìn các thứ bánh kẹo kia, có chợp mắt được đi đâu mà để yên cho bọn họ hành động. "Đất nước Việt Nam giầu thế ấy mà, dân Việt Nam khờ dại thế ấy mà, chúng mình không chiếm, kẻ khác cũng chiếm mất, hoài của". Các ông Cuội Pháp bảo nhau thế.

 

Nhưng dân tộc Việt Nam dù dã man lắm, cũng biết tàn phá, cũng biết bắn súng, cũng biết giết kẻ xâm lăng, thế thì cũng hơi nguy hiểm. Chiếm được đất nó thì mình chết rồi còn đâu mà ngồi hưởng các của cải của chúng nữa. Mà nếu để cho quân mình chết quá nhiều thì có lẽ họ chán rồi phản đối thì cái mộng xâm lăng của bọn Cuội không thành. Vì thế trái với bản hiệp định nói là: toàn những người Pháp chính cống sẽ thay vào quân đội Tầu khi quân đội Tầu rút lui, dân Việt Nam đã ngạc nhiên khi thấy từ các tầu của Pháp đổ bộ lên đất Hải-phòng toàn những Pháp đen chính cống. Có lẽ những người Pháp đó mới chính là những người Pháp nguyên thủy, những thủy tổ của các người Pháp hiện tại chăng?

 

Các quan Pháp ơi! cái thời oanh liệt của thằng Cuội không còn nữa vì bây giờ chả còn nước nào quá măng sữa, chả còn dân tộc nào còn trẻ con nữa để các ông lừa bịp. Nhất là dân tộc Việt Nam, dân tộc đầu tiên đã tìm ra sự lừa bịp của thằng Cuội.

 

Chàng Lẩn Thẩn

(Việt Nam, số 97, 14/3/1946)

 

 

Chuyện lẩn thẩn

 

Khó chịu! thật là khó chịu! Cái công lý của người ta nó cứ bất công dần dần. Có lẽ một ngày kia, chúng ta cứ việc ra phố cướp bừa hành lý, tiền bạc của người rồi khi người ta có đòi lại thì mình gọi dân hàng phố ra mà trưng cầu ý kiến. Trong khi ấy mình xúi cho một bọn của mình lẩn vào dân phố để lấy đại đa số. Cái lối ăn cướp đó vừa hợp pháp vừa đỡ tốn công. Nếu mình thắng thì không ai chê vào đâu được. Nếu mình bại thì cũng chẳng sao vì công việc mình làm vẫn minh bạch lắm.

 

Cái văn minh cái công lý của người Pháp thế mà hay và cái thông minh của người Pháp thế mà được việc. Ừ! có thế chứ! ít ra từ khi người Pháp sang, chưa dạy chúng ta được cái gì có ích thì nay chúng ta cũng phải học được một mánh khóe chứ.

 

Nhưng học được cái mánh khóe đó mà không thi hành được rồi lại bị người Pháp thực hành ngay ở chính đất nước Việt Nam thì thật là phiền quá! Mà họ thực hành đúng phương pháp, quy củ, một cách rất thản nhiên. Cái fleg của người Anh có lẽ còn kém xa cái sans blague của họ; họ đã bước lên một mực, cái mực trơ tráo của một kẻ ăn cướp có nhiều thành tích. Mà sự hoạt đầu của những kẻ đi ăn cướp sao mà nó khả ố thế. Khi muốn nhờ ai giúp mình, thì chúng hết sức khúm núm tôn kẻ họ nhờ giúp như cha anh. Thái độ của người Pháp cũng thế, họ lén núp sau người Anh, nịnh nọt họ để họ cho bám gót vào đất Nam-kỳ rồi dùng thế tầm [sic] ăn rỗi mà cướp Nam-bộ. Và đến những cuộc điều đình cũng xảo trá và lén lút ở Bắc-bộ. Biết đâu cái anh chàng Sainteny đã không có phen đến gọi cụ Hồ là cha già, và đã không có một dạo trên báo của người Pháp họ nói dân tộc Việt Nam xứng đáng là một dân tộc độc lập. Ấy thế mà khi họ đã lẻn được vào nhà ta rồi, họ giữ thái độ lạnh ngắt và trơ tráo, chắc bây giờ họ đang sắp sửa lên mặt quan để khảo của. Kẻ cướp còn phải bôi nhọ mặt chứ còn họ thì họ cứ trơ ra đấy.

 

Nam-bộ đã bị họ cướp rồi, và họ đã gây cho một bọn Việt gian ngày ngày nheo nhéo ở vô tuyến điện để mà mạt sát đồng bào. Bọn này thật đặc biệt như bọn đầy tớ của nhà bị cướp khi kẻ cướp bắt được thì lạy van xin đưa đường chỉ nẻo và mách hết những nơi khổ chủ để tiền nong của cải. Người Pháp đòi trưng cầu ý kiến về Nam-bộ và tin tưởng rằng bọn kia sẽ giúp họ để lên tiếng lấy đại đa số. Quả như thế mấy hôm nay bọn đó đòi tự trị và hủy báng dân tộc mình. Bọn Việt gian, đất nước đã nuôi ngươi, ông cha ngươi có làm gì nên tội mà để cái quả báo đến đời ngươi. Các ngươi đã làm những việc bội bạc như thế để điếm nhục cho tổ quốc cho ông cha các ngươi.

 

Các người Pháp! cái lối ăn cướp của các người hay đấy, nhưng có lẽ không hay ở thế kỷ này. Bao giờ đến một thời đại khác, mà luân lý thay đổi trái ngược hẳn thì các người mới nổi tiếng là dân tộc đã phát minh ra cái công lý mới, cũng như ngày xưa ông cha các người đã là những người đầu tiên reo rắc [sic] cái triết lý cách mệnh trên thế giới. Còn hiện nay các người đòi trưng cầu ý kiến về việc thống nhất nước Việt Nam vẫn bị coi là một sự vô lý, vô lý quá quắt đến không ai tưởng tượng nổi. Chỉ riêng các ngươi vẫn trơ tráo cho việc mình làm là rất hợp công lý.

 

Chàng Lẩn Thẩn

(Việt Nam, số 99, 16/3/1946 [số 98 không có mục "Chuyện lẩn thẩn"; ở số 99, mục "Chuyện lẩn thẩn" nằm hoàn toàn ở trang sau chứ không có một phần ở trang nhất])



Chuyện lẩn thẩn

 

Bình tĩnh! dân chúng hãy bình tĩnh! Chỉnh phủ khuyên quốc dân như thế. Nhưng sự thực chính phủ chả cần phải khuyên: Dân chúng Việt Nam đã bình tĩnh quá sức tưởng tượng mà người ta có thể nói được đó là một dân tộc bình tĩnh nữa. Dân chúng Việt Nam bình tĩnh và lúc nào cũng muốn được yên thân[,] tất cả nguyện vọng của dân tộc ta là được sống yên ổn, an nhàn. Chả có thể mà một nhà văn Pháp và nhiều người ngoại quốc đã nhận thấy sự bình tĩnh đó ở tên các tỉnh mà ta đặt ra.

 

Dân chúng Việt Nam bình tĩnh lắm, bình tĩnh và nhún nhường rồi đến nhu nhược và hoảng sợ nữa. Đối với tình thế gay go, Tổ quốc lâm nguy như thế mà trong dân chúng chẳng thấy một tiếng vang nào. Trong khi đó các người dân của Nam-Dương, của Ai-Cập, của Ấn-Độ phẫn uất hùng hổ đứng dậy đòi cho được có võ trang, bắt cho được chính phủ phải cương quyết và lôi kéo được quân đội đi theo với mình và tự gây lực lượng cho mình. Còn dân chúng Việt Nam, dân chúng Việt Nam lặng lẽ hoặc túm năm tụm ba họp hội đồng chuột. Có kẻ hô đánh: nhưng chỉ hô thôi còn việc làm của họ vẫn bình tĩnh lắm. Có kẻ chép miệng tuy không dám nói ra nhưng trong thâm tâm họ tự nghĩ: chỉ vẽ chuyện gây ra những sự rối ren, làm cho họ mất cả làm ăn.

 

Và tất cả hai hạng người trên đều có một ý nghĩ: đi lánh nạn, đưa gia quyến họ về một nơi nào chắc chắn nhất để khỏi chết để sau này bình yên hẳn họ lại được sống dù là cái sống nhục nhã, cái sống làm nô lệ.

 

Giữa cái thời mà hơi một cử chỉ gì trái với chỉnh phủ đều là cử chỉ Việt gian cả nên dân chúng sợ tai tiếng lắm. Ừ thì những kẻ già cả, trẻ con không kể, còn một phần đông thanh niên chẳng lẽ họ cũng chạy như vịt sao. Có phải là cái hồi Nhật mới sang hay cái hồi mà Nhật gần thua đâu mà dân chúng được tự do tản cư để có thể từng đàn từng lũ chất đồ lên xe bò xe ô tô mà tự do đi về các ngả? Bây giờ họ phải kín tiếng rút lui dần dần. Chính phủ hãy nhìn xem chẳng có ai dọn đi cả thế mà thành phố Hà-nội cứ vắng dần.

 

Chúng ta có thể tiêu thổ kháng chiến được, nhưng đối với đất Việt Nam quá nhỏ hẹp này, chỉ có Hà-nội là nơi làm cho tiếng gọi của Việt Nam thành một tiếng vang trên thế giới. Dù sống chết chúng ta cũng phải bảo vệ lấy thủ đô. Và Chính phủ cũng cần phải để cho dân chúng có tự do tổ chức các đoàn thể kháng chiến của dân chúng.

 

Chính phủ khuyên dân bình tĩnh và lúc nào cũng chuẩn bị sẵn sàng nhưng không cho dân được quyền chuẩn bị thì chỉ là khuyên dân yên lặng không nên làm việc gì cả, yên lặng để mà chờ số mệnh. Dân chúng Việt Nam thì bình tĩnh mà dân chúng Pháp mà nhất là quân đội Pháp thì hết sức là khiêu khích. Như thế chỉ trừ những kẻ vong quốc nô tuy là người Việt Nam nhưng không còn huyết mạch của dân tộc Việt, những kẻ bán nước ngày ngày nheo nhéo nói ở đài vô tuyến điện Sài-gòn thì mới chịu nổi cái thái độ ấy. Và anh em tự vệ thành, anh em ngày ngày nhận huấn lệnh của Chính phủ để đi khuyên dân nên bình tĩnh, tôi chắc các anh mỗi khi đi bảo từng nhà như thế, các anh em cũng thấy ngượng ngùng trong sự khuyên giải.

 

Anh em tự vệ thành có bổn phận phải bảo vệ thành phố đến cùng, nên nhớ rằng ngày xưa cụ Hoàng Diệu tự sát khi Hà[-]nội thất thủ.

 

Chàng Lẩn Thẩn

(Việt Nam, số 100, Chủ nhật 17/3/1946)

 

 

Chuyện lẩn thẩn

 

Đôi lúc rỗi, đi lang thang ở ngoài phố, tôi thường phải chạm trán với các ông bạn lẩn thẩn. Các ông ấy túm lấy tôi và hỏi về tình thế hiện thời ra sao? Người ta cứ tưởng một người viết báo thì cái gì cũng biết. Tôi không phải là một chính khách, hơn nữa đối với tình thế hiện nay tôi đã có một thành kiến, là không bao giờ có thể có một cuộc đàm phán ổn thỏa mà có lợi cho mình nếu dân mình không tỏ ra có một tinh thần mạnh mẽ, nếu dân mình chưa tỏ ra tha thiết với nền độc lập, nghĩa là nếu dân mình chưa chịu đổ máu đến cùng, chưa làm cho địch phương phải khủng khiếp. Cho nên đối với các bạn hỏi tôi, tôi chỉ trả lời: tình thế do các anh định cả, các anh còn hỏi tôi làm gì vô ích.

 

Tuy thế nhưng họ cũng làm cho tôi thắc mắc. Tôi tự bảo: Tại sao họ quan tâm đến quốc gia như thế mà họ vẫn không tìm được một con đường để mà theo trong khi dân chúng ở các nước quanh họ, ở vào một tình thế khắt khe hơn, mà người ta còn gây được những dư luận xôn xao trên thế giới? Nào Hà-lan đôi ba phen muốn điều đình với Nam dương. Nào phong trào ở Ấn độ đã làm cho người Anh tỉnh ngộ.

 

Những kẻ có lương tri đều hiểu rằng cái chế độ thuộc địa hiện nay không còn hợp thời nữa. Vì thế dân chúng Anh đứng trước tình thế này, giới này cũng đều muốn công nhận nền độc lập của Ấn-độ.

 

Giải phóng thuộc địa là một điều cần cho hòa bình thế giới và lại lợi cho các nước có thuộc địa. Điều người ta nhận thấy trước hết là ảnh hưởng về tư tưởng về văn hóa mà các nước nhược tiểu đã nhận được của chính quốc. Cái ảnh hưởng đó có khi đã thay đổi cả những phong tục tập quán của các nước nhược tiểu, như thế sự liên lạc giữa các thuộc địa và chính quốc sẽ không bao giờ mất. Giải phóng các thuộc địa nghĩa là gây thêm lực lượng cho mình, trừ bớt một kẻ thù và thêm ra một người bạn. Còn đối với thế giới hiện nay phe dân chủ đứng trên một lập trường bấp bênh vì lý thuyết của các nước dân chủ không được sây [sic] trên một nền tảng vững vàng. Nếu theo thuyết dân chủ mà vẫn còn làm những việc áp bức xâm chiếm của đế quốc thì làm sao bênh vực nổi những thuyết lý của mình.

 

Hiện nay phong trào giải phóng dân tộc đã lan rộng khắp nơi[,] các nhược tiểu dân tộc đều nổi dậy và phần đông đều chịu đôi chút ảnh hưởng của Nga. Lúc này các nước nhược tiểu đều cảm thấy mình đã quá lạc hậu nếu còn chậm nữa tức là diệt vong nên họ đều cương quyết đứng dậy. Cuộc thế giới đại chiến thứ ba có thể bùng nổ, dưới sự liên hiệp của khối thuộc địa và nhất là khối đó có nước Nga hưởng ứng. Nhất là ở Ấn-độ tình thế lại càng lợi cho họ lắm, Nga đã chiếm Ba tư tức là đã đến gần sát với Ấn-độ và có thể trực tiếp giúp Ấn-độ nếu Anh cứ khăng khăng giữ Ấn-độ trong vòng cùm kẹp của mình. Vì thế Bác sĩ Ravers trong cuộc hội họp của các sinh viên trường Cambridge và Oxford đã tuyên bố: "Nếu các chính khách của ta không khôn khéo mà cho Ấn-độ được hoàn toàn độc lập thì sẽ có một cuộc cách mệnh mà thế giới chưa từng bao giờ thấy".

 

Dân chúng Ấn-độ là một dân chúng mà trong đó tôn giáo, và giai cấp đã chia rẽ rất nhiều; thế mà họ đã làm cho nước Anh phải nể phục. Còn nước Việt Nam mình, sự duy nhất đã thực hiện và [sic] người ta đã đoàn kết để lập một Chính phủ kháng chiến và để ký một hiệp định thiệt thòi để đi đón rước các quan đại Pháp trở lại đây. Thật người ta đã làm cho chữ kháng chiến thành ra mỉa mai. Có lẽ sau đây khi nào muốn hòa bình muốn đầu hàng thì người ta sẽ hô: Cương quyết kháng chiến đến cùng!

 

Chàng Lẩn Thẩn

(Việt Nam, số 101, thứ Ba 19/3/1946)

 

 

Chuyện lẩn thẩn

 

Đôi lúc tôi thấy buồn nản lạ lùng. Người ta nói thanh niên thời nay, nhất là trong lúc quốc gia hữu sự không có quyền được yếm thế. Tôi thường khi vẫn phải nhủ mình: Ta phải mạnh bạo cương quyết lên chứ, ta phải hăng hái phấn đấu. Và tôi hăng hái hết sức cổ động, hết sức làm cho người quanh mình phải lụy cái sinh lực của tôi. Tôi mong hấp dẫn được mọi người hăng hái trên con đường tranh đấu.

 

Nhưng người ta lãnh đạm quá chừng. Và nhất là người ta sợ... Người ta sợ mang tiếng là những kẻ phản động. Dân Việt Nam ở thời đại này tuy hô hào dân chủ, động hé môi ra là nói đến dân chủ nhưng chí cần vương đã ăn sâu vào tâm khảm họ. Họ sẵn sàng hy sinh vì chính phủ vì Hồ chủ tịch chứ không phải vì quốc gia dân tộc. Trong khi dân các nước chỉ biết có tổ quốc, họ bắt chính phủ phải làm việc theo ý muốn của họ thì dân ta yên lặng chờ mong ở chính phủ. Trong khi dân Ấn độ biểu tình ở khắp nơi để đòi cho kỳ được nền độc lập hoàn toàn thì dân chúng Việt Nam biểu tình để hoan hô chính phủ Hồ chí Minh, vì chính phủ ấy đã ký bản hiệp định sơ bộ với Pháp để Pháp kéo quân đội vào đất nước này.

 

Dự cuộc biểu tình ở Việt Nam Học xã tôi thấy vẻ nghiêm trang và âm thầm của dân chúng, tôi đã có một chút hy vọng ở trong lòng. Tôi cảm thấy một cái gì đang nung nấu ở trong lòng mọi người, một sự tức giận và căm hờn chỉ chờ một hành vi tích cực của địch phương là bùng nổ. Nhưng chiều nay tôi đã hiểu: Dân Việt Nam đóng trò giỏi, sự nghiêm nghị và bầu không khí nặng nề kia chỉ là một màn kịch. Người đi xem vở kịch đó được hài lòng một lúc và về ngủ được an tâm. Nhưng tôi, người hay tư lự, khi xem xong màn kịch đó tôi lại phải tiếp xúc ngay với đời thực tế, cái thực tế bất mãn nó làm cho tôi phải tức giận. Nhưng cái làm cho người ta nhục nhã nhất là thấy những người Việt Nam trăm phần trăm đeo dấu hiệu tam tài trên vai áo quân phục Pháp, và cũng nghênh ngang trong các phố. Ôi mỉa mai! Giữa đất Bắc-Việt nơi mà tinh thần Ái quốc, cùng tranh đấu lên cao nhất người ta còn thấy những bộ mặt ấy, nói chi một số con hoang trong Nam-bộ: chúng không quên tổ quốc làm sao được!

 

Dân chúng Việt Nam, Ấn-độ đã được người ta chú ý đến, mà chính vị thủ tướng [Clement] Attlee đã tuyên bố sẽ nhiệt liệt ủng hộ nền độc lập của Ấn-độ. Chúng ta hãy nhìn sang người bạn cùng cảnh ngộ. Họ có phải cần những cuộc đàm phán hay những bản hiệp định nào đâu? Họ chỉ cần đổ máu và đổ máu.

 

Chàng Lẩn Thẩn

(Việt Nam, số 102, 20/3/1946)


No comments:

Post a Comment