Feb 24, 2012

Lolita lên bệ phóng

lời cảm ơn của tôi: dịch giả Dương Tường, vì đã đi đến cùng một dự án khó khăn, vì đã có một bản dịch tuyệt vời, các cộng sự (anh Trần Tiễn Cao Đăng, các nhân viên chế bản bị tôi hành hạ luôn luôn), những người quan tâm, chỉ bảo, những người kiên nhẫn chờ đợi; lời xin lỗi của tôi: anh T. vì đã không dùng được lời bạt cho bản tiếng Việt lần này (cuốn sách tiếng Việt sẽ ở mức độ tối giản về các paratext), cùng các dự án khác bị chậm lại hoặc đơn giản là dừng luôn :p

trong sách, dịch giả Dương Tường đã chú thích rất kỹ lưỡng; bản thân tôi thấy nếu muốn vẫn có thể thêm vào một số chỗ nữa, chẳng hạn chỗ ám chỉ đến Victor Hugo, chỗ ám chỉ đến Shakespeare vân vân và vân vân, nhưng nghĩ đi nghĩ lại thì để chừa lại các khoảng trống có khi lại tốt hơn

-----------

1

Lolita[1], ánh sáng của đời tôi, ngọn lửa nơi hạ bộ của tôi. Tội lỗi của tôi, tâm hồn của tôi. Lo-lee-ta[2]: đầu lưỡi lướt xuống ba bước nhỏ dọc vòm miệng, khẽ đập vào răng ba tiếng. Lo. Li. Ta.

Buổi sáng, em là Lo, ngắn gọn là Lo thôi, đứng thẳng cao một mét bốn mươi sáu[3], chân đi độc một chiếc tất. Mặc quần thụng trong nhà, em là Lola. Ở trường học, em là Dolly[4]. Trên dòng kẻ bằng những dấu chấm, em là Dolores. Nhưng trong vòng tay tôi, bao giờ em cũng là Lolita.

Có ai trước em không nhỉ? Quả thật là đã có. Trên thực tế, có thể sẽ chẳng bao giờ có Lolita nào hết nếu vào một mùa hè nào đó, tôi đã không yêu một bé gái đầu tiên. Ở một công quốc bên bờ biển. Ờ, khi nào nhỉ? Khoảng ngần ấy năm trước khi Lolita ra đời, bằng số tuổi tôi vào mùa hè ấy. Một tên sát nhân bao giờ cũng sẵn văn phong cầu kì, quí vị có thể tin thế.

Thưa quí ông quí bà bồi thẩm, tang vật số một là cái mà những thiên thần thượng đẳng, những thiên thần ngây ngô, chất phác với đôi cánh cao quí, thèm muốn. Xin hãy nhìn mớ gai chằng chịt này.


2

Tôi sinh năm 1910 ở Paris. Cha tôi là một người dịu dàng, dễ tính, mang trong mình một hỗn hống gien của nhiều chủng tộc: một công dân Thụy Sĩ, gốc nửa Pháp nửa Áo, với chút xíu Danube trong máu. Lát nữa, tôi sẽ mời quí vị chuyền tay nhau xem một số bưu ảnh đẹp màu xanh láng bóng. Cha tôi có một khách sạn sang trọng ở Riviera. Ông nội tôi kinh doanh rượu vang và hai cố nội tôi, một cụ bán đồ trang sức, một cụ mở cửa hàng tơ lụa. Năm ba mươi tuổi, cha tôi lấy một cô gái người Anh, con gái nhà leo núi Jerome Dunn và cháu gái một cặp vợ chồng mục sư ở giáo xứ Dorset, chuyên gia về những đề tài bí ẩn - cụ ông về cổ thổ nhưỡng học, cụ bà về đàn phong hạc. Mẹ tôi, một thiếu phụ rất ăn ảnh, chết trong một tai nạn kì lạ (đi pích-ních, sét đánh) khi tôi mới lên ba và, ngoại trừ mảy hơi ấm ủ tận đáy sâu quá khứ, không một chút gì về bà còn sót lại trong những thung lũng của kí ức, mà bên trên đó, nếu quí vị còn chịu nổi cái thứ văn phong này của tôi (tôi đang viết dưới sự giám sát) mặt trời của tuổi ấu thơ tôi đã lặn: chắc chắn, tất cả quí vị đều biết những dư tàn lãng đãng của ngày lơ lửng cùng đám muỗi mắt bên trên hàng giậu nở hoa, hoặc bất chợt bị đột nhập và xuyên qua bởi kẻ lãng du dưới chân một quả đồi, trong nhập nhoạng chiều hè; hơi ấm của khăn choàng lông thú, đám muỗi mắt vàng rực.

Chị gái mẹ tôi, bác Sybil, lấy em họ cha tôi và sau khi bị ông này ruồng rẫy, về phục vụ gia đình tôi kiểu như một gia sư và quản gia không công. Sau này, có người kể cho tôi rằng dạo xưa bác phải lòng cha tôi và cha tôi đã hồn nhiên lợi dụng tình cảm đó vào một ngày mưa để rồi quên đi ngay khi trời nắng ấm trở lại. Tôi cực kì yêu mến bác bất chấp một số nguyên tắc của bác tỏ ra cứng nhắc, một sự cứng nhắc tai hại. Có lẽ bác muốn rèn cho tôi, tới kì viên mãn, trở thành một ông góa tốt hơn cha tôi. Bác Sybil có đôi mắt màu xanh da trời mí hồng và nước da võ vàng. Bác làm thơ. Bác mê tín một cách thơ mộng. Bác nói bác sẽ chết sau dịp sinh nhật lần thứ mười sáu của tôi, và đúng như vậy. Ông chồng bác, một nhân viên chào hàng cự phách trong ngành kinh doanh nước hoa, tiêu phần lớn thời gian tại Mĩ, cuối cùng, lập hãng và mua được ít đất đai ở bên đó.

Tôi là một đứa trẻ khỏe mạnh, sung sướng, lớn lên trong một thế giới tươi sáng gồm toàn những sách đầy tranh ảnh, bãi cát trắng sạch, những cây cam, những chú chó thân thiện, quang cảnh biển và những bộ mặt tươi cười. Xoay quanh tôi là khách sạn Mirana lộng lẫy như một vũ trụ của riêng tôi, một tiểu vũ trụ quét vôi trắng nằm giữa cái vũ trụ xanh lớn hơn lấp lánh bên ngoài. Từ chị lao công cọ bô đeo tạp dề đến ông trùm sỏ mặc đồ flanen sang trọng, ai cũng thích tôi, ai cũng chiều chuộng tôi. Những bà già người Mĩ chống gậy ngả người về phía tôi như những tòa tháp nghiêng Pisa. Những bà quận chúa Nga lụn bại, không còn khả năng để bao cha tôi, mua cho tôi những gói kẹo đắt tiền. Còn ông, mon cher petit papa[5], thì thường đưa tôi ra ngoài chơi, khi đi thuyền, khi đi xe đạp, dạy tôi bơi, lặn, lướt ván, đọc cho tôi nghe Don Quixote[6]Les Misérables*[7] (Những người khốn khổ), tôi tôn thờ và kính trọng ông, tôi cảm thấy vui sướng thay cho ông mỗi khi nghe lỏm thấy đám người làm trong nhà bàn tán về các bạn gái của ông, những người đẹp và khả ái rất quan tâm đến tôi, họ thường thủ thà thủ thỉ và nhỏ những giọt nước mắt xót thương cho tuổi thơ vui tươi nhưng thiếu mẹ của tôi.

Tôi học một trường ngoại trú của Anh cách nhà khoảng mấy cây số, ở đó tôi chơi quần vợt và ném bóng, được điểm tốt và rất thân thiện hòa đồng với các bạn học cũng như với các thầy cô giáo. Theo như tôi còn nhớ được, trước tuổi mười ba (tức là trước khi tôi gặp cô bé Annabel lần đầu), tôi chỉ có vỏn vẹn mấy trải nghiệm thực sự có liên quan đến tính dục, đó là: một cuộc trò chuyện trịnh trọng, đứng đắn và thuần túy lí thuyết về những bất ngờ của tuổi dậy thì trong vườn hồng của nhà trường với một thằng nhỏ người Mĩ, con trai một nữ tài tử điện ảnh nổi tiếng thời ấy mà nó họa hoằn mới được thấy trong thế giới ba chiều; và những phản ứng ngồ ngộ nơi cơ thể tôi khi ngắm một số tấm ảnh, ngọc ngà và mờ tối, với những khoảng da thịt lộ ra cực kì mềm mượt, trong cuốn La Beauté Humaine* (Vẻ đẹp người) lộng lẫy của Pichon mà tôi thó được trong thư viện của khách sạn, moi từ dưới một chồng tạp chí Graphics[8] đóng gáy màu cẩm thạch chất cao như núi. Về sau, cha tôi, theo cái cách vui vẻ, khoái hoạt của ông, truyền cho tôi tất cả những thông tin về tính dục mà ông nghĩ là tôi cần biết; đó là vào mùa thu năm 1923, ngay trước khi gửi tôi đến một lycée* (trường trung học) ở Lyon (chúng tôi qua ba mùa đông ở đây); nhưng than ôi, mùa hè năm ấy, cha tôi đi du lịch Ý cùng bà de R. và con gái bà, thành thử tôi chẳng có ai để than thở, chẳng có ai để thỉnh vấn.



[1] Lolita, tên của nhân vật chính là từ mở đầu “Lời nói đầu”, cũng là từ mở đầu và kết thúc cuốn tiểu thuyết. Điều đó, một lần nữa, cho thấy Nabokov coi trọng việc đặt tên nhân vật như thế nào. “Đối với tiểu nữ thần của tôi,” ông nói, “tôi cần một dạng tên rút gọn âu yếm với một nhịp du dương trữ tình. Một trong những chữ cái trong trẻo nhất, ngời sáng nhất là L. Tiếp vĩ ngữ “ita” chứa đầy chất âu yếm Latinh và cái đó, tôi cũng cần. Do đó. LOLITA. Mà đừng nên phát âm nó như (…) phần lớn người Mĩ thường phát âm: Low-lee-ta, với âm “L” nặng trịch, nhớp nháp và âm “O” kéo dài. Không, âm tiết đầu phải như trong “lollipop” (kẹo mút), âm “L” xuội luội và tinh tế, âm tiết “lee” không quá sắc. Người Tây Ban Nha và người Ý phát âm nó với một nốt chính xác: độ cong và mơn trớn cần thiết.” Và hãy nghe âm hưởng thắm thiết của chuỗi điệp âm “l” trong nguyên văn câu mở đầu cuốn tiểu thuyết: “Lolita, light of my life (Lolita, ánh sáng của đời tôi)”. Biết bao yêu thương tác giả đã dồn vào một cái tên!
[2] Lo-lee-ta: âm tiết giữa được viết là “lee”, thay vì “li” nhằm hàm chỉ bài thơ “Annabel Lee” của Edgar Poe. Dưới đây, ở chương 3, H. H. gần như khẳng định Annabel Leigh (cũng đọc là “li”) là khởi đầu bi kịch của mình. Ở chương 3, Phần Hai, có lúc H. H. đã kêu lên: “Annabel Haze, tức Dolores Lee, tức Lolita”.
[3] Trong nguyên bản là bốn feet mười. Chúng tôi chuyển sang hệ mét quen thuộc hơn với người Việt, để độc giả dễ hình dung.
[4] Tên gọi tắt của Dolores (xem thêm chú thích ở “Lời nói đầu”).
[5] Tiếng Pháp trong nguyên bản: cha thân yêu của tôi. Từ đây trở đi, những chỗ tiếng Pháp trong nguyên bản (rất nhiều) sẽ không chú thích ở cuối trang như thế này, mà chỉ in chữ nghiêng kèm theo dấu * và nghĩa tiếng Việt trong ngoặc đơn.
[6] Tác phẩm của đại văn hào Tây Ban Nha Miguel de Cervantes.
[7] Tác phẩm của đại văn hào Pháp Victor Hugo.
[8] Đồ Họa.

22 comments:

  1. bác ơi cuốn này cháu nghe nói nhiều và muốn hỏi bác bao giờ cuốn Lolita sẽ xuất hiện ở nhà sách ạ ?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Tôi chỉ phụ trách biên tập bản dịch này thôi, theo kế hoạch thì sẽ có sách trong tháng Ba tới, nếu thuận lợi thì có mặt cả ở Hội chợ Sách Sài Gòn tới đây.

      Delete
  2. Mình rất nghi ngờ việc để nghĩa tiếng Việt của các từ/câu tiếng Pháp vào trong văn bản như vậy. Có hợp lý không nhỉ? Có vi phạm văn bản không?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Tôi thấy đó là một lựa chọn tốt.

      Delete
  3. Xin được khiêm tốn đề xuất rằng dòng đầu của Lolita nó du dương êm ái nhịp thơ vì bằng trắc và alliteration của chữ L, chữ S: lllight of my lllife, my sssin, my sssoul, nó như một hơi thở dài. "ngọn lửa nơi hạ bộ của tôi" nghe hơi thô mịch, và thật tình, có ai dùng "hạ bộ của tôi" trong viết, nói, thời nay không nhỉ? Trong một thế giới tôi là vua, tôi sẽ dịch thế này: Lolita, đóm sáng đời tôi, lữa dục lòng tôi. Lao tù, linh hồn tôi.

    Thế nào nữa thì cũng chẳng bằng nguyên bản, nhỉ?

    Thầy Nabokov chắc cho tôi hột vịt, ông ấy viết rằng nên nghiêng về literal thay vì poetic khi dịch. Ông bảo các người ấy dám dạy nàng Scheherazade kể chuyện. Nhưng mà tôi thấy ông ấy hơi capricious, mạt sát người dịch Eugene Onegin vì người đó chêm vào bản dịch vị thơ không có trong bản chính. Và đồng thời mạt sát người dịch thơ Baudelaire vì bản dịch cục mịch không trầm bỗng như thơ của Baudelaire. Ở sao cho vừa lòng Nabokov? :)

    "Trên dòng kẻ bằng những dấu chấm", sau không được là "Trên giấy trắng mực đen em là Dolores" nhỉ? Anyway người ta nói chẳng có ai đúc tượng cho nhà phê bình. Lộng ngôn chút thôi. Chúc mừng dịch giã và biên tập.

    Viết thêm rằng Nabokov hơi bị điên về cách đọc tên, ông ấy đã viết một hơi về cách đọc tên ông cho đúng, Na - BOCK - off, không phải Na-bô-kov, p'nin, p nhỏ chứ không phải Pờ-nin, thiên tài sao mà khó ở. :D

    Anon2 :)

    ReplyDelete
    Replies
    1. Đọc NL đã hay, đọc bác còn hay hơn ;p kính bác :))

      Delete
    2. Anh bạn quá khen. Anh Nhị Linh viết về sách từ vị trí chuyên môn. Tôi chỉ thích vài tác giả, như người ta thích kem, thích phở. Một bên có đủ source và credential, một bên chỉ nói chuyện phiếm, trời vực so sánh thế nào được. Sao nữa cũng cảm ơn anh bạn.

      Anon2 :)

      Delete
    3. chị bạn đấy, không phải anh đâu:)

      Delete
  4. bình luận tuyệt :)

    chỗ Dolores thì đây ạ: "She was Dolores on the dotted line", ý Nabokov là khi viết tên chính thức trên giấy tờ, đơn từ (giấy chấm chấm sẵn) thì Lolita là Dolores, tức tên thật, tên khai sinh (cái tên này thì bác cũng biết rồi: Dolores, bang Colorado, là nơi Nabokov tìm được bướm sẽ mang tên ông :p)

    còn "hạ bộ" thì vẫn dùng nhiều chứ bác

    ReplyDelete
  5. Á! Hình như tôi đọc là Dolores, gốc dolor, douleur, là đau khổ. Jesus có một cách gọi đặc biệt là Man of Sorrows, l'homme de douleur, và tên Dolores là để kính Đức Mẹ Maria, trong dòng tu có khi gọi là Our Lady of Sorrows. Lolita sau này chết khi sinh một bé gái, cũng chết. Tên Dolores là một sự word-play ẩn dụ của Nabokov, hay là tôi nhầm? :)

    Anon2

    ReplyDelete
    Replies
    1. Thì có cả hàm nghĩa đó nữa, một chú thích trong sách cũng nói rõ :)

      Delete
  6. @ ano "hạ bộ":
    Tuyệt. Từ 'viên mãn" trong bản dịch cũng hỏng.
    Thành thực mà nói, tôi, NQT không đọc được DT, dịch giả cũng như thi sĩ

    ReplyDelete
  7. theo tôi thì mỗi chúng ta có một Lolita riêng, với người này thì Lolita vào đến lòng, người khác thì đến thận, người khác thì đến hạ bộ :p

    ReplyDelete
  8. Mình sẽ khoái hơn nếu dịch là "ngọn lửa nơi con chim của ta..."

    Mình không thích chữ "quý vị" bằng "các bạn"...

    Nhưng vẫn mong chờ khao khát Lolita hôm 15 tới đây. Ôi Lolita, lửa dục trong tái trym ta...

    ReplyDelete
  9. 60 bìa sách cho Lolita, http://www.salon.com/2012/03/13/the_right_cover_for_lolita/singleton/

    Enjoy!

    Anon2 :)

    ReplyDelete
    Replies
    1. Tuyệt, cám ơn bác :p nhân tiện mời bác ghé qua trang

      http://www.lolitavietnam.com/

      mới được chỉnh sửa một chút. Mong được bác góp ý :)

      Delete
    2. Được chỉnh sửa nhiều chứ, tốt hơn khi đã loại bỏ các bình luận lèm bèm về đạo đức. :) Bài dịch cho Zadie Smith, tuyệt! Phần tiếng Anh, một loạt đó là các bài phỏng vấn được Nabokov gom lại in trong quyển Strong Opinion, một quyển đọc rất thú vị trong cách của nó. Nabokov: "I think like a genius, I write like a distinguished professor and I speak like a child." Kiêu ngạo chết người không?

      Anon2 :)

      Delete
  10. It will be great if every famous novel has a website like "Lolita".

    Before, in a US central library, I saw "Lolita" is on the banned books list, and readers have to "call" for "freeing" it (This "looking down" perhaps helped it sound more exciting:-) while in Vietnam it's so festive.

    Ano's recommendation "lữa dục lòng tôi", or "lữa lòng tôi" is great!!!

    ReplyDelete
    Replies
    1. có cái thỏa thuận từ lâu mà vẫn chưa thanh ý được nhỉ, bác còn hào hứng không thì viết mail cho tôi đi :p

      Delete
  11. O yes, I will send you the number of titles. I hold on this because I am collecting some other great books for you, friend will go home soon. I will let you know my Vietnamese book list.

    ReplyDelete
  12. With havin so much content do you ever run into any issues of plagorism or copyright infringement?
    My website has a lot of completely unique content I've either authored
    myself or outsourced but it appears a lot of it is popping it up all over the internet
    without my authorization. Do you know any methods to help reduce content from being stolen? I'd genuinely appreciate it.

    ReplyDelete