Dec 22, 2013

Borges: Phúc âm theo Máccô

"Phúc âm theo Máccô" dưới đây, bản dịch của An Lý, là truyện mở đầu tập El informe de Brodie, 1970, xuất hiện lần đầu dưới nhan đề "El evangelio según Marcos" đăng trên tờ La Nación, 2/8/1970. Trước khi được đưa vào tập Doctor Brodie's Report, bản tiếng Anh đã xuất hiện trên tờ The New Yorker, dịch bởi Norman Thomas di Giovanni.

Bản dịch tiếng Việt chủ yếu sử dụng bản Norman Thomas di Giovanni, có tham khảo một bản dịch tiếng Anh khác, Collected Fictions (1999) của Andrew Hurley.




Phúc âm theo Máccô

(An Lý dịch)

Sự việc sau đây xảy ra ở trại Los Álamos, về phía Nam thành phố Junín, vào những ngày cuối tháng Ba năm 1928. Nhân vật chính là một sinh viên y tên Baltasar Espinosa. Có thể tạm mô tả đó là một trong những chàng trẻ tuổi thông thường ở Buenos Aires chúng ta, không có điểm gì thật đặc biệt ngoại trừ tài hùng biện đã không chỉ một lần mang lại giải thưởng cho anh tại trường Anh ngữ ở Ramos Mejía và lòng tốt gần như vô hạn. Anh không ưa tranh cãi, nếu người đối thoại mới là kẻ ở thế đúng thì anh còn vui vẻ hơn nhiều. Và mặc dù tính thất thường của các trò may rủi hấp dẫn anh, anh vẫn là một tay chơi tồi, vì không ham thắng cuộc. Trí tuệ phong phú của anh khá chây ì; ba mươi ba tuổi rồi anh vẫn chưa kết thúc nổi môn cuối để ra trường, mà đấy là môn anh thích nhất. Cha anh, một người có tư tưởng độc lập cũng như hầu hết các señor của thời đại, đã dìu dắt anh vào dưới ảnh hưởng của Herbert Spencer, nhưng mẹ anh, trước một chuyến đi tới Montevideo, đã dặn con hằng đêm nhớ đọc kinh Lạy Cha và làm dấu thánh. Và chưa lần nào trong những năm sau anh phụ lời hứa này. Anh không thiếu gan dạ: một lần, vẻ thờ ơ hơn là điên giận, anh đã giáng và nhận vài cú đấm với mấy cậu bạn cùng lớp định ép anh tham gia bãi khóa. Bản tính dễ thuận theo người khác khiến anh sở hữu nhiều thói quen hoặc ý nghĩ có vấn đề: tổ quốc với anh không đáng kể bằng nguy cơ người ngoại quốc có thể nghĩ chúng ta vẫn còn giắt lông chim trên đầu; anh sùng bái Pháp quốc và dè bỉu người Pháp; nhìn người Mỹ bằng nửa con mắt nhưng vênh vang vì ở Buenos Aires cũng có nhà chọc trời; anh một mực cho các chàng gaucho đồng cỏ cưỡi ngựa giỏi hơn cao bồi miền núi. Khi ông anh họ Daniel mời về nghỉ hè ở Los Álamos, anh gật đầu tức khắc, vì thích cảnh nông thôn thì ít, mà đúng hơn vì muốn làm vừa lòng và cũng vì không nghĩ ra lý do lắc đầu.
Nhà chính của trang trại khá lớn tuy hơi tàn tạ; nhà của người quản lý, họ Gutre, cách đó không xa. Họ có ba người tất cả: ông bố, người con trai là một mẫu vật hiếm hoi về độ thô lậu, và cô con gái mà mối liên hệ máu mủ ruột rà có vẻ đáng ngờ. Cả ba đều cao, khỏe, xương thô, mái tóc ngả sang hung đỏ và mặt pha những nét thổ dân. Họ đều thuộc loại ít nói. Bà vợ đã chết nhiều năm trước.

Sống ở nông thôn, Espinosa hiểu ra những điều anh chưa bao giờ biết, chưa bao giờ ngờ là có. Chẳng hạn, khi tới gần nhà ở không được cho ngựa tế lên, và không ai lên ngựa ra ngoài trừ khi có công chuyện. Dần dà anh còn học được cách phân biệt các loài chim qua tiếng kêu.

Mới được vài ngày Daniel đã phải đi thủ đô chốt một vụ mua bán gia súc. Anh ta nói ước tính mất cùng lắm một tuần. Espinosa, vốn đã hơi ngấy bài ca về bonnes fortunes cùng niềm đam mê từng khía cạnh nhỏ nhặt về thời trang đàn ông của ông anh, quyết định ở lại trại với đống giáo trình. Trời nóng đến tắc thở và ban đêm cũng không đỡ hơn. Cho đến một ngày, khoảng rạng đông, anh tỉnh giấc khi nghe tiếng sấm. Gió đang táp vào những cây phi lao. Espinosa lắng nghe mưa bắt đầu rơi và tạ ơn Chúa. Thình lình luồng khí lạnh thốc tới. Chiều hôm đó, dòng Salado tràn bờ.

Hôm sau, đứng ở hàng hiên nhìn bình nguyên tràn lũ, Baltasar Espinosa nhận ra so sánh cũ kỹ ví pampa với mặt biển cũng không hoàn toàn sai, ít ra là sáng hôm đó, mặc dù Hudson có lưu ý rằng biển có vẻ rộng hơn, bởi ta đứng từ boong thuyền nhìn xuống chứ không phải dưới mặt đất hay trên lưng ngựa. Mưa mãi không chịu dừng; nhà Gutre, có anh chàng thành thị trợ giúp hay cản mũi, cứu được phần lớn số vật nuôi, nhưng nhiều con đã bị cuốn đi. Tới trang trại có bốn đường khác nhau: tất cả đều ngập nước. Được ba ngày, nhà của ba cha con bị dột; Espinosa cho họ vào ở một phòng cuối nhà chính, gần kho chứa dụng cụ. Chuyện này tạo cớ cho tình thân, họ thậm chí còn ăn cùng nhau trong phòng ăn rộng. Chuyện trò không dễ dàng; nhà Gutre, dù hiểu nông thôn như lòng bàn tay, lại không tìm được cách diễn tả. Một tối, Espinosa hỏi xem có ai còn nhớ những đợt da đỏ tấn công, từ cái thời tiền đồn quân sự còn đóng ở Junín. Họ nói có, nhưng họ cũng sẽ nói y vậy nếu được hỏi có nhớ ngày Charles đệ nhất bị chặt đầu. Espinosa nhớ lại bố mình đã nói hầu như mọi trường hợp sống thọ ở thôn quê đều là kết quả của trí nhớ kém hoặc lẫn lộn ngày tháng. Các gaucho nói chung đều không rõ mình sinh ra năm bao nhiêu cũng như bố đẻ mình tên gì.

Tất cả sách báo tìm được trong cả ngôi nhà là vài số tạp chí nông nghiệp La Chacra, một cẩm nang thuốc thú y, ấn bản đặc biệt của Tabaré, một quyển Lịch sử gia súc sừng ngắn ở Argentina, vài cuốn truyện xếch hoặc trinh thám và một tiểu thuyết ra gần đây, Don Segundo Sombra. Mong muốn cải thiện khoảng lặng không trốn nổi sau bữa tối, Espinosa đọc vài chương cho nhà Gutre, vốn chẳng ai biết chữ. Chẳng may người quản lý đã từng đi lùa gia súc rồi, và thấy chuyện một tay lùa gia súc khác chẳng có gì hấp dẫn. Ông ta bảo công việc dễ mèm, rằng lúc nào cũng có lừa thồ mọi thứ đồ dùng cần thiết, và rằng nếu không làm nghề đó hẳn ông ta chưa bao giờ đi xa đến tận hồ Gómez, thị trấn Bragado, hay trại Núñez, ở Chacabuco. Trong bếp có một cây ghi ta; trước thời diễn ra câu chuyện tôi kể đây, những người làm thường ngồi thành vòng ở đây, một ai đó sẽ cầm lấy nó mà lên dây tuy không bao giờ đánh. Cái đó gọi là guitarreada.

Espinosa, lúc này đã trổ râu, chốc chốc lại dừng lại trước gương ngó nghía bộ mặt mới mà cười khi tưởng tượng bạn bè ở Buenos Aires sắp tới sẽ ngáp dài khi nghe kể chuyện dòng Salado tràn bờ. Ngộ cái là anh thấy nhớ những nơi mình chẳng mấy khi ghé đến: góc phố Cabrera chỗ có thùng thư, đôi sư tử xi măng trên cổng phố Jujuy cách quảng trường Once vài khối nhà, một quán rượu sàn lát gạch mà giờ anh cũng không nhớ ở đâu nữa. Còn ông bố và các anh, hẳn lúc này đã được Daniel báo cho anh đang bị kẹt giữa ốc đảo - phải, không có cách diễn đạt nào chính xác hơn - vì nước lũ.

Lục khắp ngôi nhà vẫn bị vây giữa bể nước, anh bắt được một cuốn Kinh Thánh bằng tiếng Anh. Trong các trang cuối những người nhà Guthrie - tên họ vốn gốc là như vậy - đã ghi lại lịch sử gia đình. Nguyên quán họ ở Inverness; đã đến lục địa này, hiển nhiên để làm nhân công, hồi đầu thế kỷ mười chín, và kết hôn với thổ dân. Ghi chép đến khoảng 1870 thì dừng, vì không còn ai biết viết. Chỉ cần vài thế hệ họ đã quên tiếng Anh, và đến khi Espinosa gặp, cả tiếng Tây Ban Nha họ cũng bắt đầu ngọng nghịu. Họ không có đức tin, tuy trong máu họ, như những vết tích tăm tối, vẫn còn lòng cuồng tín cứng nhắc kiểu Calvin cùng nỗi mê tín vùng pampa. Espinosa kể phát hiện của mình nhưng họ chẳng mấy hào hứng.

Lật cuốn sách anh thấy mình dừng lại ở chương đầu Phúc âm theo thánh Máccô. Để luyện tập dịch và có lẽ cũng để thử xem liệu nhà Gutre có hiểu gì chăng, anh quyết định chọn đây làm sách đọc sau bữa tối. Anh ngạc nhiên thấy họ lắng nghe chăm chú và mê mải. Chữ vàng trên bìa sách có lẽ cũng làm tăng thêm độ kính trọng. Cái đó ở trong máu họ, anh nghĩ. Anh còn nghiệm ra rằng, suốt từ thời có sử, con người chỉ kể đi kể lại hai câu chuyện: chuyện con tàu lạc lối băng qua Địa Trung Hải tìm hòn đảo yêu dấu, và chuyện vị thần đã để mình bị đóng đinh trên đồi Sọ. Nhớ lại các bài học hùng biện ở Ramos Mejía, Espinosa đứng dậy khi giảng các dụ ngôn.

Nhà Gutre nuốt vội nuốt vàng thịt bò nướng và cá hộp để chóng đến giờ Phúc âm.

Cô gái có một con cừu nhỏ thắt dải băng màu da trời ở cổ, một hôm giẫm phải dây thép gai. Họ định cầm máu bằng mạng nhện, nhưng Espinosa lấy thuốc chữa cho nó. Lòng ngưỡng mộ vô bờ họ dành cho anh sau đó khiến anh kinh ngạc. Trước đó, bởi không tin họ, anh đã giấu hai trăm bốn mươi peso mang theo trong một cuốn sách; bây giờ vắng mặt chủ nhà, anh bắt đầu tiếp quản và ra những mệnh lệnh dè dặt, được ba người kia lập tức tuân theo. Nhà Gutre bắt đầu lẽo đẽo đi theo anh từ phòng này sang phòng khác ra cả hiên, như bị lạc. Trong giờ đọc sách, anh để ý thấy họ vét đi những mẩu vụn bánh mì anh để rơi trên bàn. Một hôm anh bắt chợt họ đang nói về anh bằng những lời ngắn ngủn và sùng kính. Sau khi đọc hết Phúc âm theo Máccô, anh muốn đọc sang một trong ba sách kia, nhưng người bố yêu cầu anh đọc lại từ đầu, để họ hiểu rõ hơn. Espinosa nghĩ họ giống lũ trẻ con, thích lặp lại hơn là thay đổi hay mới lạ. Đêm đó anh mơ thấy trận Đại hồng thủy, kể cũng dễ hiểu, và tiếng búa đóng tàu Noe khiến anh tỉnh dậy, nghĩ chắc mình vừa nghe tiếng sấm. Nhưng quả là cơn mưa, trước đã ngớt, giờ lại bắt đầu. Gió lạnh cắt da. Nhà Gutre đã nói với anh mưa làm hỏng mái kho dụng cụ, khi nào sửa xong các xà nhà họ sẽ chỉ cho anh. Giờ anh không còn là người lạ mà được họ chăm chút rất cẩn thận, gần đến mức nuông chiều. Cả ba đều không uống cà phê, nhưng luôn có sẵn sàng một cốc cho anh, bỏ đường đầy ụ.

Cơn bão quay lại vào thứ Ba. Đêm thứ Năm, anh thức giấc khi nghe gõ nhẹ trên cửa, vẫn khóa từ trước do không tin tưởng. Anh dậy khỏi giường ra mở: đấy là cô con gái. Trong bóng tối không nhìn rõ, nhưng nghe tiếng chân anh biết được cô đi chân trần, và lúc sau, đã vào giường, anh hiểu ra cô đã đi từ tận cuối nhà tới đây trần trụi. Cô không ôm anh cũng không lên tiếng; cô nằm xuống bên anh mà run rẩy. Đây là lần đầu cô nằm với đàn ông. Khi đi cô không hôn anh; Espinosa nhận ra tên cô anh cũng không biết. Do một tình cảm thầm kín nào đó không muốn tìm cách lý giải, anh tự hứa về Buenos Aires sẽ không hé răng chuyện này.

Ngày hôm sau cũng khởi đầu như mọi ngày khác, ngoại trừ người bố tới hỏi Espinosa có phải Ki tô đã tự nguyện chết để cứu toàn bộ loài người không. Espinosa, vốn cũng có tư duy độc lập như cha mình, nhưng lại thấy cần bênh vực những điều mình đã đọc, trả lời:

“Phải, để cứu tất cả thoát khỏi hỏa ngục.”

Gutre hỏi tiếp:

“Hỏa ngục là gì?”

“Một chỗ ở dưới đất nơi các linh hồn bị thiêu mãi mãi.”

“Thế những người đóng đinh cũng được cứu chứ?”

“Được,” Espinosa trả lời, về thần học anh rất mù mờ.

Anh chỉ sợ người quản lý hỏi anh đêm qua có chuyện gì với con gái mình. Sau bữa trưa, họ bảo anh đọc lại mấy chương cuối lần nữa.

Espinosa ngủ một giấc dài chiều hôm đó, giấc ngủ không sâu, chốc lại tỉnh vì tiếng búa chan chát và linh cảm không lành. Gần tối anh trở dậy, đi ra hiên. Anh nói như đang nghĩ thành tiếng:

“Nước rút rồi. Không còn lâu đâu.”

“Không còn lâu đâu,” Gutre lặp lại, như tiếng vọng.

Ba người đó đã đi theo ra đến đây. Quỳ xuống trước mặt anh, họ xin anh ban phước. Rồi họ chửi anh, nhổ vào mặt anh, và lôi anh xềnh xệch đến cuối nhà. Cô gái khóc. Espinosa nhận ra cái gì đang chờ mình sau cánh cửa. Khi cửa mở, anh nhìn thấy bầu trời. Có tiếng chim ré lên: chim sẻ vàng, anh nghĩ. Phòng kho không mái, họ đã dỡ xà xuống để dựng cây Thập tự.


Văn chương và thời gian

Borges: Mấy truyện ngắn trong Sách cát

3 comments:

  1. "Tổ quốc với anh không đáng kể bằng nguy cơ người ngoại quốc có thể nghĩ chúng ta vẫn còn giắt lông chim trên đầu" - yeah! đó mới là vấn đề!

    ReplyDelete
  2. Có phải vì Borges không phải người Do Thái nên ông chọn Phúc âm theo thánh Máccô?

    ReplyDelete
  3. Espinosa đáng thương

    ReplyDelete