Dec 5, 2013

Erich Auerbach, văn chương, bắt chước, hiện thực

Tờ The New Yorker số ra ngày 9 tháng Chạp 2013 có bài "The Book of Books. Erich Auerbach and the making of Mimesis" của Arthur Krystal, quay trở lại với cuốn sách kinh điển Mimesis của Auerbach.

Auerbach sinh ra trong một gia đình Berlin giàu có năm 1892. Có thể hình dung Auerbach là một trường hợp tiêu biểu của những trí thức Do Thái có cha mẹ và vài thế hệ đi trước đã dồn sức kiếm tiền để trở nên giàu có, với mục đích con cháu họ có được cuộc sống vật chất sung túc nhất và đời sống tinh thần cao cấp nhất.

Từng học đại học ở Heidelberg, Auerbach dường như đã gặp ở đây Georg Lukács, Walter Benjamin và Karl Jaspers. Ngay sau đó Thế chiến thứ nhất nổ ra, Auerbach đi lính. Nhưng đến Thế chiến thứ hai thì câu chuyện chính của Auerbach mới diễn ra. Là một nhà bác học vô cùng uyên bác, Auerbach thuộc vào hàng các nhà nghiên cứu văn học dòng "nhân văn chủ nghĩa", giống như Étiemble hay Curtius. Năm 1929, Auerbach được bổ nhiệm làm giáo sư tại Đại học Marburg, trước đó vị trí này từng được giữ bởi Leo Spitzer (một chuyên gia lớn về phong cách học, từng phát ngôn rất đáng nhớ rằng phong cách là một sự lệch chuẩn). Cũng Marburg này là nơi Martin Heidegger vừa rời khỏi ngay trước đó. Cùng dạy học với Auerbach ở đây còn có Hans-Georg Gadamer. Tình hình chính trị ở Đức trở nên nghiệt ngã, một người Do Thái, kể cả từng đi lính cho nước Đức như Auerbach, cũng không thể an toàn. Leo Spitzer chính là người đã "lobby" để Auerbach được kế nhiệm ông ở Istanbul (khi ấy Spitzer chuẩn bị sang Mỹ; trong số các đối thủ học giả của Auerbach vào vị trí này có Victor Klemperer, sau đó Klemperer đã ở lại Đức và trải qua một quãng thời gian bi thảm, sau này lời chứng của Klemperer đã gây xao động lớn trong giới trí thức, trong đó có không ít trí thức Việt Nam).

Như vậy, Auerbach rời nước Đức để sang Istanbul vào năm 1935 (nhưng có vẻ đến Istanbul vào tháng Chín 1936). Câu chuyện Mimesis bắt đầu ở đây.

Auerbach ở Istanbul mười một năm rồi sang Mỹ. Năm 1947 ông rời Thổ Nhĩ Kỳ thì 1946 là năm ra đời cuốn sách của cuộc đời ông, Mimesis: The Representation of Reality in Western Literature. Nó dùng lại một từ Hy Lạp, "mimesis", đã được bàn rất nhiều bởi Platon và Aristote, ở đây chủ yếu thoát thai từ Platon, nó bàn đến khái niệm then chốt "representation" (trình hiện/tái hiện/trình bày), và nó đi sâu vào khái niệm "hiện thực", nó đặc biệt "erudite" (uyên bác) với những phân tích truyền thống Do Thái-Thiên chúa giáo và truyền thống Hebrew. Trước hết, Auerbach là một nhà ngữ văn học/bác ngữ học (philologist).

Cũng như đối với mọi cuốn sách huyền thoại, xung quanh Mimesis của Erich Auerbach là một huyền thoại. Cốt yếu của huyền thoại ấy là: sự lưu vong của người trí thức, như một điều kiện sống, một biến cố bi thảm nhưng cũng có thể là một biến cố nhiều lợi ích trí tuệ (Mimesis nhiều lúc được coi là lời đáp trả của một trí thức Do Thái đối với Holocaust, một lời đáp nhân văn chủ nghĩa). Nhưng không chỉ có huyền thoại xoay quanh sự lưu vong, mà còn là huyền thoại này: xưa nay, Mimesis luôn luôn được miêu tả là một cuốn sách đồ sộ và vĩ đại được ra đời vào lúc tác giả của nó chịu rất nhiều thiếu thốn về sách vở. Viết lại cả một truyền thống văn chương phương Tây nhưng Auerbach không có đủ nguồn tư liệu tham khảo và tra cứu.

Bài báo trên The New Yorker này giải trừ một phần huyền thoại ấy. Arthur Krystal dẫn cuốn sách East West Mimesis của Kader Konuk cho biết Istanbul hồi năm 1936 không hề là một chốn khỉ ho cò gáy về tri thức. Ở Istanbul những năm ấy, nhiều trí thức có những tủ sách rất lớn, các hiệu sách và thư viện quanh thành phố cũng vô cùng bề thế. Chẳng hạn, Auerbach hoàn toàn có thể đến thư viện của trường dòng Dominic San Pietro di Galata, ở đó có bộ Patrologia Latina gồm hàng trăm quyển, chứa đựng những lời bình luận của các nhân vật lớn của Nhà Thờ. Bản thân ông giám đốc đại học nơi Auerbach làm việc cũng là một nhà bác học và sưu tầm có hạng, sở hữu khoảng 16.000 quyển sách.

Như vậy, hoàn toàn có thể hình dung: chính nhờ điều kiện sống lưu vong, lại có thể xâm nhập những kho sách lớn, Erich Auerbach đã viết ra được tác phẩm lớn của cuộc đời mình. Dân lưu vong thấy thế nào :p

Cuối cùng, Mimesis viết về cái gì? Nó gồm hai mươi chương, mở ra bằng "vết sẹo của Ulysses", tức là khúc ca gần cuối của Odyssey (à xin lỗi, Odyssêy), xuyên suốt lịch sử văn chương phương Tây (Auerbach còn là một chuyên gia rất có thẩm quyền về Dante, cũng là người từng dịch tác phẩm của Vico), kết thúc ở chương 20 về To the Lighthouse của Virginia Woolf.

Dưới đây là mục lục cuốn sách, ấn bản lần thứ 15, có lời dẫn nhập của Edward Said:


4 comments:

  1. Exile-toi, NL, sinon tu resteras pour toujours un poète anonyme !

    Les poissons escaillez aiment les moites eaus

    Les poissons escaillez aiment les moites eaus,
    Les fleuves et les lacs : les animaus sauvages
    Aiment les bois touffus, les creus et les boccages.
    Et l'air dous et serain est aimé des oiseaus :

    Les grillons babillars aiment l'email des preaus
    S'esgayant au Printems parmi le verd herbage,
    Les lesars et serpens envenimez de rage
    Aiment des murs rompus les humides caveaus.

    Bref naturellement chacun aime et desire
    Le lieu originel d'où sa naissance il tire
    Auquel mesmes il doit resider longuement :

    L'homme seul derivant comme plante divine
    Du ciel spirituel sa feconde origine,
    Prefère à sa patrie un long bannissement.

    Jean-Baptiste CHASSIGNET (1571-1635)
    LH

    ReplyDelete
  2. mà cái ông này làm thơ xon nê lấy cảm hứng Việt Nam rõ quá nhỉ

    có từ lâu rồi mà:

    Con cá bơi yêu nước
    Con chim ca yêu trời
    Chỉ con người mới, trời ơi
    Đi yêu những thứ ở nơi tít mù

    =D

    ReplyDelete
    Replies
    1. trời ơi, một sự viết lại vĩ đại

      Delete