Dec 3, 2013

Hà Nội và Sài Gòn

tiếp tục ký sự dài lần trước còn đang bị bỏ dở ở đoạn tàu dừng ở ga Đà Nẵng đủ lâu cho khách tắm và nhìn ngó qua khe cửa dòm lẫn nhau

Hà Nội và Sài Gòn không chỉ khác nhau ở chỗ một đằng gọi mọi thứ là chả trong khi đằng kia gọi là giò hay nem, mà có một lần khi đi ăn bánh cuốn Liên Hương, nhìn mấy thứ người ta dọn ra tôi vẫn cứ tưởng đây là món gì đó dạo đầu ăn trước để đợi bánh cuốn, mãi không thấy có gì thêm mới bẽn lẽn hiểu ra đó chính là bánh cuốn

năm 1999 tôi ở một thời gian khá dài trong Sài Gòn, cộng với háo hức của những cuộc tình duyên chóng vánh là khoản tiền pocket money được trả hằng ngày; hồi ấy đâu đó quanh khách sạn Caravelle, rẽ qua một chỗ ngoặt là có một hàng ăn ngay trên hè phố, sáng trưng, hai ba giờ sáng vẫn có thể mua đồ ăn rồi ngồi xuống ngay vỉa hè phía trước mà ăn, đó cũng là lúc Sài Gòn được tuyên truyền như là một thành phố có tiềm năng trở thành tương tự Bangkok về mức độ tắc đường (à quên kẹt xe) và trộm cướp trên phố

khi hai mươi tuổi, lại có tiền rủng rỉnh trong túi, dĩ nhiên là ta la cà quán xá, cho đến tận bây giờ tôi vẫn thích vào quán cà phê Sài Gòn, gọi một cốc cà phê sữa đá thật to; ngoài Hà Nội “nâu đá” (hay được gọi một cách diễm lệ là “lâu đá”) na ná nhưng không giống, và nói cho đúng thì ở Hà Nội tôi không bao giờ uống “lâu đá”, chỉ trừ ở những quán đến vì tình cờ, chưa biết trước, thì mới uống “lâu đá” vốn dĩ là một món an toàn hơn cả (lý thuyết của tôi là cà phê Hà Nội rất đặc trưng với cái vị gì đó mà tôi từng có lần lỡ miệng gọi là “nước đái mèo”, gây ra bao nhiêu phản ứng tiêu cực :p)

khoảng một năm, một năm rưỡi gì đó trở lại đây, đột nhiên có một sự thay đổi nào đấy tại các quán ở Hà Nội, cả quán cà phê lẫn quán ăn, dường như có một quyết tâm của hiệp hội chủ quán nhằm cải thiện điều tiếng không mấy hay ho xưa nay

dường như có cả một nơi nào đó, trung tâm chẳng hạn, chuyên đi đào tạo nhân viên phục vụ quán, và thế là đột nhiên từ cuộc chiến trong đó ta đối đầu với những nhân viên hoặc như thể mở miệng chỉ để nói câu gì đó rất khó chịu, chỏng lỏn (và thường xuyên ngọng theo kiểu “lâu đá”) hoặc cười tít mắt như một người bạn thân ngày nào cũng gặp, sẵn sàng bá vai bá cổ ta và gọi ta là “anh giai” mặc dù mới là lần đầu tiên ta bước chân vào đó, từ cuộc chiến ấy ta chuyển sang cuộc chiến phải đối đầu với các nhân viên phục vụ đang chật vật học thuộc lòng những công thức nói năng và rất khổ tâm trong sự học tập đó

những “thưa anh, thưa chị” có âm sắc thế nào đó khiến ta bỗng thấy chột dạ chỉ muốn nhìn quanh tìm chỗ trốn, những dáng người thẳng đuỗn không giống một người sẽ giúp ta có được một thứ đồ ăn hay đồ uống gì đó mà giống một chiến binh trong một trận đánh hung hiểm hơn, và rồi đến màn “em đọc lại những gì anh/chị vừa order nhé” thì ta dễ bị rợn tóc gáy, gai ốc nổi lên đầy người, phờ phạc cả ra và chỉ muốn thẽ thọt thốt lên thôi thôi để chiến binh đứng bên cạnh kia đừng đọc to như thế mọi thứ lên, to đến nỗi người ở đầu phòng bên kia cũng được dịp nén cười vì biết ta đã nông nổi chọn một món rất là… ờ… ì oặp

thành ra hay là như kiểu cũ còn hơn? hic

kính cẩn nghiêng mình trước một sự bất thình lình :p

3 comments:

  1. Oh my god... Hà Lội của tôi thế à? Thật không? Sài Gòn ra sao thì tôi biết, dù là 40 năm về trước nhưng tôi tin là "nàng" vẫn như vậy, vì đó là đã là văn hóa rồi. (lv)

    ReplyDelete
    Replies
    1. chậc, thật ra chắc cũng không đến nỗi thế, chắc làng Hà Nội vẫn vậy thôi :p

      Delete
  2. anh mà bẽn lẽn chắc chết mất

    ReplyDelete