Bản dịch của An Lý câu chuyện về viên quan trưởng lễ Kotsuké no Suké (rút từ tập A Universal History of Infamy)
Viên trưởng lễ quan xấc xược Kotsuké no Suké
An Lý dịch
Kẻ lưu xú trong chương này là viên trưởng lễ quan xấc xược
Kotsuké no Suké, tên quan triều đình bất hạnh đã đưa đến cảnh suy vi và cái chết
cho vị chúa thành Ako rồi không chịu tự sát vì danh dự khi phải đối mặt với đòn thù
đích đáng. Con người này đáng được dành cho lòng biết ơn của mọi con người, vì
nhờ hắn mà lòng tận trung quý báu được đánh thức, một cơ hội đen nhưng cần thiết
được mở ra cho một công nghiệp bất hủ. Sự kiện này đã được kỷ niệm trong cả
trăm tiểu thuyết, bài nghiên cứu, luận án tiến sĩ hay nhạc kịch, đấy là chưa kể
cơ man đồ sành sứ, lam ngọc có vân hay sơn mài. Đến cả món phim nhựa đa năng cũng
không ngoài, vì Truyện Bốn Mươi Bảy Võ Sĩ - sự tích này tên là thế - đã trở
thành nguồn cảm hứng hay được viện đến nhất cho điện ảnh Nhật. Sự vinh danh sâu
sát qua mối quan tâm nồng nhiệt này không chỉ là hữu lý: người ta thấy ngay đấy
là công lý.
Tôi kể theo bản của A. B. Mitford, trong đó bỏ qua các mô tả
màu sắc địa phương gây sao lãng cho người đọc mà tập trung vào mạch câu chuyện
vinh quang như nó diễn ra. Sự vắng mặt các chi tiết “Đông phương học” kiểu ấy
khiến người ta phải đoán rằng đây là một bản kể lấy thẳng của người Nhật.
DẢI DÂY TUỘT
Vào cái mùa xuân năm 1702 đã đi vào
dĩ vãng, vị chúa lỗi lạc thành Ako nhận lệnh chuẩn bị đón tiếp và thết đãi đoàn
khâm sai từ hoàng cung. Hai ngàn ba trăm năm lễ tục (một phần chìm trong thần
thoại) đã biến các nghi thức tiếp sứ trở thành rắc rối đến khổ sở. Khâm sứ thay
mặt cho hoàng đế, nhưng lại theo lối ẩn dụ, biểu tượng: một độ tinh vi mà đi
quá hay chưa tới đều nguy hiểm. Để tránh những sơ suất dễ khiến mất đầu, một
viên quan từ lâu đài Yedo được cử đến trước làm quan trưởng lễ. Rời xa chốn triều
đình thanh lịch, bị khép vào cuộc villégiature
nơi thảo dã mà hẳn ông ta coi là một chuyến đi đày, Kotsuké no Suké phân phát
các bài học lễ nghi một cách lỗ mãng. Giọng điệu ông ta không chỉ cao đạo mà
nhiều lúc đến mức hỗn hào. Làm học trò ông ta, vị chúa thành hết sức gắng lờ đi
những câu khiêu khích. Ngài không biết đáp lại thế nào mà luật lệ nghiêm cấm
dùng vũ lực. Tuy nhiên, một hôm, viên lễ quan bị tuột dải rút tất bèn sai ngài
buộc lại. Ngài nhẫn nhịn làm theo, dù lòng giận bừng bừng. Viên trưởng lễ quan
xấc xược nói, ngài quả thật thuộc loại không dạy nổi, và chỉ đứa quê mùa thô lậu
mới đi buộc nút vụng về đến như vậy. Vị chúa thành rút kiếm chém một nhát. Đối
phương bỏ chạy, trên trán vạch một đường máu rỉ… Mấy hôm sau tòa án quân sự ra
phán quyết buộc kẻ hành hung tự tận. Giữa sân chính thành Ako dựng bục dạ đỏ, tội
nhân xuất hiện giữa bục, được trao con dao bằng vàng và ngọc, lớn tiếng thú nhận
tội với công chúng, trần mình đến thắt lưng, rồi tự mổ bụng mình, hai nhát rạch
theo nghi thức, và chết cái chết võ sĩ đạo, màu dạ đỏ làm những người ở xa
không thấy máu. Một người già nua, cẩn thận vung gươm chặt đầu ngài: đấy là
quân sư Kuranosuké đóng vai trò phụ tá.
NGƯỜI VỜ LƯU XÚ
Thành của Takumi no Kami bị tịch biên; các võ sĩ bị giải
tán; gia tộc bị lụn bại và lu mờ; tên tuổi bị phỉ nhổ. Lời đồn thì nói ngay
chính đêm ngài tự quyết, bốn mươi bảy
võ sĩ đã lên đỉnh núi lập mưu, lên kế hoạch đến từng chi tiết sự việc rồi sẽ xảy
ra một năm về sau. Còn sự thực là việc ấy đã diễn ra với những khoảng gián đoạn
hợp lý, và vài buổi gặp mặt diễn ra không phải trên đỉnh núi trắc trở, mà trong
một ngôi đền trong rừng, một tòa đình xoàng xĩnh bằng gỗ trắng, bài trí duy nhất
chỉ có cái hộp chữ nhật đựng cái gương. Họ
khao khát trả thù, mà trả thù dường như nằm ngoài tầm với.
Kira Kotsuké no
Suké, viên trưởng lễ quan bị căm ghét, cho phòng thủ nơi ở thật vững chắc,
quanh kiệu cắt đặt vô số tay cung kiếm. Ông ta tung ra rất nhiều do thám, tất cả
đều bí mật, chuẩn xác và không thể mua chuộc được. Bị theo dõi sát nhất không
ai ngoài người được coi là cầm đầu những kẻ báo oán: ông quân sư Kuranosuké. Tình
cờ mà ông được biết, liền lấy đó sắp đặt kế hoạch báo cừu.
Ông chuyển đến Kyoto, thành phố những sắc màu thu danh lừng
cả nước. Ông lê la trong các nhà thổ, các động đổ bác, các tửu điếm. Ông chen
vai thích cánh với đám gái đĩ, đám nhà thơ, bất chấp đầu đã bạc, cả những hạng
vô loài hơn nữa. Một hôm bị tống khỏi quán rượu, ông ngủ gục ngoài cửa đến tận
sáng, đầu gục vào vũng ói mửa.
Một người quê Satsuma nhìn thấy, vừa buồn vừa giận nói: Này
đây có phải quân sư của Asano Takumi đó không, người đã phụ tá cho ngài trong
lúc chết nhưng không báo thù cho chúa mà lại quăng mình vào khoái lạc và ô nhục?
Mi thật không xứng với cái tên Samurai!
Và người đó giẫm lên rồi nhổ bọt vào mặt người đang ngủ. Được
do thám thuật lại cảnh nhịn nhục đó, Kotsuké no Suké lấy làm nhẹ người.
Sự việc không dừng ở đó. Người quân sư đuổi vợ và con trai
út rồi mua vợ bé ở nhà chứa về, hành vi lưu xú đồn xa ấy làm hởi lòng và vợi bớt
lòng thận trọng run sợ của kẻ thù. Cuối cùng ông ta bãi nửa số gác.
Một đêm mùa đông buốt da buốt thịt năm 1703, bốn mươi bảy võ
sĩ tập hợp trong khu vườn xơ xác ngoại ô Yedo, gần một cái cầu và xưởng sản xuất
bài. Trước khi tiến đánh, họ thông báo cho dân trong vùng đây không phải cướp
bóc mà là một chiến dịch quân sự vì công lý chính nghĩa.
VẾT SẸO
Hai toán tấn công vào cung điện của Kira Kotsuké no Suké.
Người quân sư chỉ huy một toán, đánh vào cửa trước; toán thứ hai là trưởng nam
của ông, cậu sắp sang tuổi mười sáu và chết vào đêm ấy. Lịch sử còn ghi lại bao nhiêu giây phút cơn ác mộng
sống động này: những thân người đung đưa mạo hiểm tuột thang dây, tiếng trống
khai mào trận đánh, bước chân rầm rập của phe thủ thành, dây cung căng trên nóc
mái, đường tên bay định mệnh nhắm vào yếu huyệt, màu máu vấy trên đồ sứ, cái chết
nóng rãy chuyển sang giá băng, nỗi trơ trẽn và bối rối trong sự chết. Chín võ
sĩ bỏ mạng; quân trong thành cũng không kém dũng cảm, nhất định không lùi bước.
Quá nửa đêm, mọi chống trả đã dừng hẳn.
Kira Kotsuké no
Suké, nguồn cơn khốn nạn của sự tận trung ấy, thì chẳng thấy đâu. Họ lục soát hết
mọi xó xỉnh cung điện vang tiếng khóc lóc, đã sắp tuyệt vọng thì người quân sư
già nhận thấy chăn giường còn ấm. Tìm tiếp, họ phát hiện cửa sổ hẹp giấu sau tấm
gương đồng. Bên dưới, trong mảnh sân mờ tối, bóng người áo trắng nhìn lên.
Thanh gươm run rẩy trong tay phải. Họ trèo xuống, kẻ kia nộp mình không kháng cự.
Trên trán còn vết sẹo: dấu tích lưỡi gươm Takumi no Kami.
Tới đó, các võ sĩ
người lấm máu gieo mình trước mặt oan gia mà nói mình là thuộc hạ của vị chúa
thành Ako, người đã vì ông ta mà bị tru diệt, và nay cầu khẩn ông ta tự quyết,
theo đúng hành xử của các samurai.
Hoài công mà nói
chuyện chính trực với một tâm hồn đê hạ. Danh dự không lọt nổi vào đầu hắn; đến
bình minh, họ buộc phải xuống tay.
LỜI CHỨNG
Thù đã trả xong
(nhưng không giận dữ, không xao xuyến, cũng không nuối tiếc), các võ sĩ trở về
đền đặt di hài chủ. Cái thủ cấp kinh hồn của Kira Kotsuké no Suké họ bỏ trong
thùng và thay nhau trông. Họ đi qua làng, qua tỉnh giữa ban ngày trong sáng. Mọi
người cầu nguyện cho họ và khóc. Lãnh chúa Sendai muốn mời khoản đãi, nhưng họ
từ chối mà nói chúa mình chờ đã gần hai năm rồi. Họ đến bên nấm mồ tăm tối,
dâng cái đầu cừu nhân.
Tòa tối cao tuyên
án. Đúng như dự kiến: họ được dành đặc ân tự xử. Tất cả thi hành, nhiều người với
vẻ tự tại nhiệt thành, và được đặt yên nghỉ cạnh chúa mình. Người lớn, trẻ con
tới cầu khấn bên mộ những người trung nghĩa.
NGƯỜI TỪ SATSUMA
Trong số những
người viếng mộ, có một cậu thanh niên mệt mỏi lấm bụi đường dường như từ xa tới.
Cậu phủ phục trước bia viên quân sư Oishi Kuranosuké mà nói lớn: Tôi thấy
ngài nằm trước cửa lầu xanh ở Kyoto, chẳng biết ngài đang toan tính báo thù cho
chúa, chỉ nghĩ ngài là thứ thần tử bất trung, tôi đã nhổ vào mặt ngài. Nay tôi
đến đây đáp lỗi. Nói rồi liền thực hiện harakiri.
Ông thủ từ khâm
phục lòng dũng cảm, cho chôn cậu bên những người võ sĩ.
Đến đây là hết câu chuyện về bốn mươi bảy trung thần - ngoại trừ câu chuyện sẽ không bao giờ hết, vì những con người khác, có lẽ chưa được trung thành, nhưng vẫn chẳng đánh mất hy vọng có ngày được vậy, sẽ còn vinh danh họ bằng lời lẽ của chúng ta.
Người Pháp và Borges
Borges: Avelino Arredondo và Sách Cát
No comments:
Post a Comment