Mar 30, 2014

Salman Rushdie (4) Quê nhà tưởng tượng

"Imaginary Homelands" là bài tiểu luận được Salman Rushdie viết không lâu sau khi Những đứa con của nửa đêm được ấn hành, và trở thành nhan đề chung cho tập tiểu luận giai đoạn 1981-1991.


Quê nhà tưởng tượng

Mar 27, 2014

Salman Rushdie (3) Fatwa, hay là văn chương trước áp chế và kiểm duyệt

Nói đến cuộc đời và văn nghiệp Salman Rushdie, nếu muốn toàn diện một cách tương đối, lẽ dĩ nhiên không thể bỏ qua “án fatwa” mà ông từng phải gánh chịu. Tuy nhiên nếu quá nhấn mạnh vào yếu tố này thì ta sẽ dễ đi đến chỗ thu giảm Salman Rushdie thành “nhà văn từng chịu fatwa”, điều này cũng bất công không kém nếu bàn về Salman Rushdie mà né tránh fatwa.

Fatwa do lãnh tụ Khomeini tuyên vào năm 1989 đẩy Salman Rushdie vào một tình thế nguy hiểm đến tính mạng thường trực. Nó ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống riêng của Rushdie, như ta thấy rõ trong hồi ký Joseph Anton. Sống ở một đất nước xa lạ nhưng thật ra gần gũi vì đã gắn bó từ thuở nhỏ, tại một xứ tự do nhưng thường xuyên phải được cảnh sát chăm sóc, Salman Rushdie rơi vào một tình thế nghịch lý kép.

Điều đó khiến cho cuộc xa nhà thực sự trở thành lưu vong (The Satanic Verses cũng nhanh chóng bị cấm ở Ấn Độ), và điều kiện cuộc sống tự do (thân thể và ngôn luận) bị phá hỏng. Giống như là hiện tại bỗng dưng bị quá khứ đuổi kịp, mà quá khứ thì lại to lớn khổng lồ hơn hẳn hiện tại; hoặc giả giống như “hợp đồng với quỷ” (Faustian contract) do không xem xét kỹ nên Rushdie đã bỏ sót mất một điều khoản về “sự quá đà”.

Mar 26, 2014

Salman Rushdie (2) Ở giữa

Sau những cái tên riêng luôn luôn có ý nghĩa, nhiều khi có ý nghĩa lớn, như đã thấy, ta chuyển đến khái niệm "ở giữa", khái niệm hết sức quen thuộc ở Salman Rushdie (Rushdie đã bắt đầu bài tiểu luận danh tiếng "Imaginary Homelands" với một đoạn văn có trích dẫn câu mở đầu của tiểu thuyết The Go-Between của Hartley).

 giữa quá khứ và hiện tại, ở giữa Ấn Độ và nước Anh, ở giữa man rợ và văn minh, ở giữa tự do và áp chế.

Bài tiểu luận này, đặt ở đầu tập tiểu luận cùng tên Imaginary Homelands - thực sự là một tác phẩm quan trọng trong văn nghiệp Salman Rushdie (kiểu như Crowds and Power đối với Canetti, Inner Workings đối với Coetzee hay The Captive Mind đối với Milosz) - được Salman Rushdie trình bày năm 1982 tại London, Festival of India. (tức là không lâu sau khi Những đứa con của nửa đêm được ấn hành)

Câu trích dẫn cuốn tiểu thuyết của L. P. Hartley: "The past is a foreign country", quá khứ là một đất nước xa lạ. Một đất nước xa là mà ta phải tìm về, trong toàn bộ sự bất toàn của thời gian và ký ức lộn xộn như một tấm gương vỡ.

Salman Rushdie (1): Những tên riêng

Ta có thể bắt đầu với Salman Rushdie bằng cách đi ngược, với tác phẩm (lớn) gần đây nhất: Joseph Anton. A Memoir; trong cuốn sách này, sự "đi ngược" cũng được Rushdie nhấn mạnh bằng tên chương "A Faustian Contract in Reverse": trong khi viết The Satanic Verses, phía trên bàn viết Rushdie dán một mảnh giấy ghi dòng chữ "To write a book is to make a Faustian contract in reverse".

Người như Salman Rushdie, từng trải qua những năm tháng khó khăn vật lộn, không hẳn về vật chất mà vì những đau khổ nội tâm do không viết văn được cho ra hồn, phải lay lắt sống đời copywriter cho  hãng Ovilgy, hẳn hiểu rất rõ hợp đồng với quỷ tức là thế nào; nhất là khi đề tài cuốn sách nổi tiếng nhất của Rushdie (nhưng chưa hẳn là cuốn sách vĩ đại nhất) là về "satanic verses", nguyên gốc là lời mặc khải "dỏm" mà Muhammad nhận được.


Mar 24, 2014

Sách tháng Ba 2014

Tôi phải kết thúc sớm mục sách trong tháng, sớm hơn nhiều so với thường lệ, trước khi đống sách mới của Hội chợ Sài Gòn kịp thực sự ập xuống :p

Cho đến giờ đã lũ lượt đổ về nhiều lắm rồi.

- Trần Hậu Yên Thế, Song xưa phố cũ, NXB Thế giới, 351tr. (sách khổ vuông), 150.000đ.

Không nghi ngờ gì nữa, đây là một công trình nghiên cứu lịch sử-mỹ thuật mà chúng ta muốn có từ rất lâu, nó rất có giá trị trong lựa chọn đề tài (cửa, ban công, các chi tiết nhỏ) của nhà ở Hà Nội, giá trị trong công phu sưu tầm tư liệu, hình ảnh, rất kỳ công phân loại (tuy rằng cách phân loại của tác giả có thể không thuyết phục được mọi độc giả). Với những người sống ở Hà Nội lâu năm (như tôi), cuốn sách còn đem lại những hiểu biết mới về một số ngôi nhà mà mình biết khá rõ, thậm chí quen biết chủ nhà. Tóm lại, đây là một cuốn sách hay trên nhiều phương diện.

Mar 23, 2014

Phạm Xuân Ẩn (tiếp)

Cuốn sách xuất sắc nhất về Phạm Xuân Ẩn cho tới thời điểm này là của Thomas Bass, The Spy Who Loved Us. The Vietnam War and Pham Xuan An's Dangerous Game; để xuất hiện ở Việt Nam, cuốn sách đã phải mang cái tên lệch đi, Điệp viên Z21, Kẻ thù tuyệt vời của nước Mỹ.

Perfect Spy chứa đựng câu chuyện mà Phạm Xuân Ẩn muốn có; là một cuốn tiểu sử "chính thức", tác giả Larry Berman đã được Phạm Xuân Ẩn cung cấp một version "kiểu Phạm Xuân Ẩn" (kiểu Phạm Xuân Ẩn có lẽ then chốt nhất nằm ở chỗ: lúc nào cũng nói sự thật; kể cả khi cùng một lúc gửi báo cáo về Bắc Việt và viết bài cho Time, với cả hai bên Phạm Xuân Ẩn đều nói sự thật), một version hoàn hảo, nhưng đầy "mất mát". Trong những thứ quá mức phức tạp, hướng đến bức tranh chung hoàn hảo là một cách tốt nhất để hứng lấy những thất thoát to lớn.


Wladimir Ashkenazy ở Hà Nội

Cuộc đời này thật trớ trêu, lần đầu tiên tôi được nghe Ashkenazy chơi nhạc hóa ra lại là ở Hà Nội.

Vì vội vã chưa kịp nghiên cứu từ trước, khi nhìn thấy hai cây đàn trên sân khấu, tôi mới hiểu ra, bản Divertissement à la hongroise (à mà thật ra là "à la hongroise" hay "à l'hongroise" nhỉ, chưa bao giờ tôi chắc được chỗ này) sẽ không được chơi bốn tay theo cách truyền thống.

Wladimir Ashkenazy ở Hà Nội, tôi nhớ đến Hennessy lần thứ nhất, tôi 16 tuổi, Rostropovich đã chơi ở đây, cho đến tận bây giờ mới lại có thêm một tượng đài tầm cỡ ấy; giữa hai mốc thời gian, tôi từng đi nghe nhiều người khác, nhưng phải gần năm năm nay tôi không còn đến Nhà hát lớn, thú thực tôi nghĩ mình sẽ chịu không thấu cái cảnh ngồi nghe các concerto của Rachmaninov hay các bản nhạc của Traikovsky.



Mar 19, 2014

Đảo: hổn hển hay không hổn hển

Tập truyện Đảo của Nguyễn Ngọc Tư gồm toàn những thứ rất khó viết, vì nó viết về các cảm giác.

"Hổn hển hay không hổn hển" là sự tình rối bời của người vợ khi làm tình với chồng, trong truyện "Xác bụi": hổn hển thì chồng vui, nhưng không hổn hển thì người tình cũ đang là vong hồn lẩn quất ngoài kia sẽ vui. Biết làm thế nào đây, cuộc đời người phụ nữ là một cái bẫy, tình ái cũng là một cái bẫy.

Mar 15, 2014

Trọn vẹn một tình yêu

Văn chương có thể tạo ra những câu chuyện tình yêu, và tình yêu cũng có thể trơ thành một đối tượng dạng trừu tượng để được phân tích (dưới dạng hay được gọi là triết học).

Còn Alain de Botton gộp cả hai vào, trong cuốn Essays in Love.

Mar 14, 2014

Khen, chê và kỷ niệm

Một nhà phê bình văn học thông thường sẽ làm gì?

Làm những việc như Marcel Reich-Ranicki đã thể hiện một cách tuyệt vời, ở tầm mức cao nhất: khen, chê và kỷ niệm.

Mar 13, 2014

Thế chiến thứ nhất: những ngôi sao

Như hôm trước đã nói, trong Thế chiến thứ nhất, Henri Barbusse là một nhà văn quan trọng, với cuốn tiểu thuyết Khói lửa (Le Feu). Bản dịch Khói lửa là sản phẩm của dịch thuật miền Bắc.

Nhưng Henri Barbusse chưa phải ngôi sao của văn chương Thế chiến thứ nhất. Hai ngôi sao lớn nhất của giai đoạn đó là một người Mỹ, Ernest Hemingway, và một người Đức, Erich Maria Remarque. Hai ngôi sao đích thực này hết sức thu hút dịch thuật miền Nam một thuở.

Hemingway:

Mar 9, 2014

Xung quanh Salammbô

Cuốn tiểu thuyết thứ hai của Flaubert, Salammbô, không gây nhiều sóng gió như Madame Bovary, những sóng gió khiến Flaubert thậm chí còn phải ra tòa. Salammbô lại còn là một thành công thương mại rất lớn. Sau đó thì các cuốn tiểu thuyết còn lại, L'Éducation sentimentale, La Tentation de saint Antoine và Buvard et Pécuchet, đương nhiên được coi là tác phẩm của một nhà văn lớn.

Không gây rất nhiều sóng gió cho Flaubert, nhưng Salammbô cũng không yên bình.

Mar 4, 2014

Văn chương và Thế chiến thứ nhất

Năm nay, tròn 100 năm bùng nổ Thế chiến thứ nhất, các chuyên gia văn học cũng có công việc phải làm. Dưới đây là bài trả lời phỏng vấn tờ Lire số tháng Ba 2014 của Antoine Compagnon.


“Chiến tranh đã đóng góp cho tính hiện đại văn chương”

Xoay xở trong thế giới sách cổ

Câu lạc bộ Dumas, mặc dù rất khôn ngoan với một cái nháy mắt đến đỉnh cao của thể loại truyện trinh thám lặn ngụp trong sự kỳ bí của thế giới sách, Tên của đóa hồng (bằng việc nhắc đến tên huynh William Baskerville), không phải là một tác phẩm lớn về mặt văn chương. Nó có kiểu rất thô đặc trưng của văn chương Latinh (Tây Ban Nha, Ý và Mỹ Latinh) nhưng lại không có những quật khởi ghê người của các mường tượng lạ lùng; nó cung cấp một hình dung sơ giản về thế giới ma quỷ; nó tạo ra những nhân vật không quyến rũ, dẫu cho có cô gái bí ẩn (Irene Adler: nhân vật này thì lại thuộc thế giới Sherlock Holmes, là tên một nhân vật xuất hiện trong một truyện của Conan Doyle và địa chỉ ghi trong hộ chiếu là 221B phố Baker; nhân tiện đã bác nào đến cái nhà trên phố Baker này chưa?) được miêu tả là đẹp; nó nhiều lúc vụng về trong cuộc chạy theo cốt truyện Ba người lính ngự lâm; nó lại rất hời hợt trong việc xử lý mấy cái chết, một tội ác khó có thể tha thứ, một sự bỏ qua khó có thể chấp nhận trong một cuốn tiểu thuyết tự muốn mình được coi là trinh thám.

Nhưng Câu lạc bộ Dumas lại vẫn hấp dẫn.