May 17, 2018

Trong hiệu sách (2)

Tiếp tục bản trường ca trong hiệu sách.

Và cũng tiếp tục "Ra một cái đề thi (văn)".

Tôi nghĩ là lần đầu tiên tôi thực sự có ý thức về một hiệu sách chính là khi đọc, hồi còn rất nhỏ, truyện ngắn của Stefan Zweig về một người Do Thái bán sách cũ, tên là Mendel thì phải. Tôi chưa bao giờ đọc lại truyện ấy, và tôi cũng rất mau chóng thấy văn chương Zweig quá mức tầm thường, nên tuy đã đọc hết sạch mọi thứ gì có thể tìm thấy của Zweig (kể cả Mesmer hay Magellan), chẳng bao giờ tôi sờ lại nữa. Dẫu sao, tôi vẫn rất nhớ, chính cái truyện ngắn đó của Zweig mang tới cho tôi một hình dung.

Một hình dung là rất quan trọng. Ta đi đến thực tại qua các hình dung (đó là một con đường - một con đường cũng có thể rất lừa mị, bởi vì hình dung chỉ thuộc về một mình ta nên về cơ bản ta sẽ mặc sức nhào nặn chúng, sao cho đạt tới sự thỏa mãn nào đó cho bản thân: độc giả của David Hume không xa lạ với điều này: đây là cách để thông báo chuyên đề về Hume sắp được mở).

Và rồi, ai hay đến (các) hiệu sách, tất yếu sẽ chuyển dần sách từ đó về nhà mình. Hình dung lúc này bắt đầu trở nên thật theo hình thức của chuyển dịch (cụ thể hơn: mang vác - nhiều lúc rất nặng). Kết quả của thật sẽ là: thực.

Thậtthực là hai điều (hai phạm trù) có mối tương quan không dễ nhìn nhận.

Những ai có cái nhìn vượt lên trên thực tại (thực tại là quan trọng, nhưng nhiều lúc cần vượt lên trên nó) rồi sẽ đến lúc hiểu ra: sách từ hiệu sách về tới nhà (của ta), chúng không còn thực sự là chúng nữa. Có thay đổi. Nhưng là thay đổi như thế nào?

Hiệu sách (và thư viện) xếp sách đứng; thế cho nên tư thế điển hình của người đi mua sách ngoài hiệu hoặc chọn sách từ các giá thư viện là: người nghiêng nghiêng, đầu nghiêng nghiêng, từ từ tiến về phía trước (nhưng sẽ là giật lùi nhiều hơn: những người cẩn thận thì sẽ giật lùi, những người nóng vội thì sẽ tiến lên). Những người thực sự có nhiều sách (tất nhiên, chuyển từ [các] hiệu sách về - không loại trừ cả từ [các] thư viện nữa, nhưng điều này có thể tạm bỏ qua) sẽ dần dần nhận ra: xếp sách nằm mới là khôn ngoan, chứ không phải là xếp sách đứng.

Rien n'est impossible.

Trông tôi vậy thôi, nhưng tôi từng được rất nhiều người hỏi nên xếp sách thế nào. Bao giờ tôi cũng trả lời: không có cách xếp nào tốt hơn là bắt đầu từ sàn nhà, cứ thế chồng lên, chạm trần thì bắt đầu xếp chồng mới (tất nhiên, nói thế thôi, chẳng ai dại xếp kịch trần). Một chồng từ sàn lên đến trần, dẫu trần nhà có thấp mức nào, cũng nhiều hơn so với bất kỳ ngăn bất kỳ giá nào. Tôi không hề chống lại giá, kệ - không hề một chút nào, nhưng ai đã đọc Die Blendung rồi ắt còn nhớ Peter Kien di chuyển "tủ sách" của mình như thế nào, đêm ngủ ở khách sạn thì cứ thế xếp hết chồng nọ sang chồng kia: tuyệt đối không có cách nào xếp được nhiều sách hơn cách này. Không có đâu. Cứ thử tìm đi.

Và trông tôi vậy thôi, nhưng tôi cũng rất hay được hỏi làm thế nào để bảo quản sách, để sách đừng bị hỏng hay bị dính các vấn đề. Tôi sẽ để riêng điều này lại sau, vì nó tương đối cần trình bày nhiều thứ, nhưng ngay lúc này tôi có thể nói: đừng làm gì, nhất thiết đừng có băng phiến với cả rang hạt tiêu cho vào cái tất (chết cười). Cách bảo quản sách tốt nhất chính là đừng có làm gì. Tôi sẽ còn trở lại.

Ngay sau đây tôi sẽ nói một điều, một điều mà tôi nói xong một cái, ai cũng sẽ thấy là hiển nhiên, nhưng ngay giây phút trước đó, điều ấy chẳng hề hiển nhiên chút nào (tức là, thêm một lần nữa, David Hume: đã không có ấn tượng).

Điều đó là: trong vòng khoảng mười năm vừa qua, không thể mua được cuốn tiểu thuyết nào của Balzac tại hiệu sách Việt Nam.

César Birotteau chính là cái mà tôi làm để phá vỡ đi điều mà tôi nhận ra ấy. Tôi từng nói, nhà văn Việt Nam không đọc được Balzac, thế cho nên etc. Nhưng vấn đề còn trầm trọng hơn nhiều: một nền xuất bản là kém nếu không có sách của Balzac; hiệu sách sẽ trở nên đê tiện nếu kéo dài tình trạng không bày được quyển Balzac nào cho người ta mua.

Và, điều gì đã xảy ra?

Điều gì đã xảy ra? Đã có những chuyển dịch nào, mà chỉ cần nhìn các hiệu sách là đã có thể thấy?

Ta quay trở lại với hiệu sách Hà Nội năm 1960.


Năm 1960, có một người ở Hà Nội đi mua sách ngoài hiệu sách, người ấy mua được hai quyển sách (một trong đó nằm ngay bên dưới tờ phiếu) và nhận tờ "Hóa đơn" như trong ảnh, do người bán hàng viết cho. Tổng số tiền phải trả cho hai quyển sách: "9,8". Đó là ngày 30 tháng Bảy năm 1960, mà ta có thể tưởng tượng là một ngày rất nóng. Nhưng cũng có thể là một ngày mưa.

Chắc người đi mua sách sung sướng lắm. Quyển số 1 ghi trên tờ hóa đơn: "Marxisme", quyển số 2: "La Critique".

Những ai sinh từ năm 1990 chắc hẳn không còn biết đến các "hiệu sách nhân dân", "hiệu sách quốc văn", "hiệu sách ngoại văn" trước đây. Cả một hệ thống, phần lớn hiện nay đã biến mất, một số (nhất là khu vực quanh Bờ Hồ) vẫn liên quan đến sách vở, nhưng có thể đã biến thành cửa hàng bán văn phòng phẩm (văn phòng phẩm chính là một định mệnh của sách: rồi nhiều cơ sở xuất bản sách hiện tại của Việt Nam sẽ nhanh chóng trở thành nơi buôn bán văn phòng phẩm một cách thuần túy cho mà xem; quá trình này đã bắt đầu, đối với các cơ sở xuất bản nảy sinh từ cú boom của xuất bản ở đây hồi 2005-2006).

Như vậy, vào một ngày tháng Bảy năm 1960, có một người ở Hà Nội đi mua sách ở "cửa hàng ngoại văn", mua được hai quyển sách như ghi trong hóa đơn; rất tiếc là tờ hóa đơn có dòng chữ "bán cho" nhưng người bán hàng đã không thực sự làm đúng quy định là hỏi tên người mua, nếu không ta đã biết người nào mua hai quyển sách đó ngày hôm ấy, chỉ cần vậy thôi là ta đã có một tài liệu nói lên một phần thực tại của các hiệu sách một thời.


Quyển bên tay phải chắc chắn là một trong hai quyển ghi trong tờ hóa đơn (số 2: "La critique"), đây là Góp phần phê phán kinh tế chính trị học của Karl Marx. Quyển bên tay trái thì tôi tiện tay để vào thôi, chứ không chắc là quyển ghi trong hóa đơn (nó là Das Kapital, quyển I, tập 1). Cả hai quyển sách đều là sản phẩm của Édition Sociales; đây là một nhà xuất bản Pháp hoạt động mạnh mẽ hồi thập niên 40, 50, 60 của thế kỷ trước, tôi sẽ còn đặc biệt quay trở lại với nó.

Vì bỗng có Karl Marx, áp dụng luôn biện chứng: cả hai quyển sách trên đây đều chưa hề được rọc. Tôi chính là người rọc cả đôi đấy; mất gần một tiếng mới xong. Như thế tôi gọi là "đọc với một con dao".

Quay trở lại với hiệu sách ngày hôm nay. Hiệu sách ở Hà Nội ngày hôm nay nói lên điều gì? Như ở kia đã nói, thời ngay trước và thời ngay sau có tương quan đối đầu, thời trước chuộng cục mịch thì đời sau chuộng văn hoa. Thời của tờ hóa đơn trên đây là thời chuộng cục mịch, còn thời chúng ta thì chuộng văn hoa.

Và, cái văn hoa của ngày hôm nay có (những) thuộc tính nào?

Ai có cái nhìn ở trong thực tại đồng thời (ít nhất, một số khoảnh khắc) vượt trên thực tại, sẽ nhìn thấy điều sau đây: tất cả (không có ngoại lệ nào, không phân biệt hình thức tổ chức) cơ sở xuất bản Việt Nam hiện nay đều chọn sách thông qua một số bảng xếp hạng, đặc biệt bảng xếp hạng của amazon.

Đây chính là điểm (có thể gọi là cơ sở, cũng có thể: phạm trù) có thể dùng làm xuất phát cho đặc điểm không biết đọc của giới xuất bản Việt Nam. Sau khi đã có sự không biết đọc của giới nghiên cứu văn học Việt Nam, sự không biết đọc của độc giả trên diện rộng (thể hiện bằng goodreads hoặc một thứ mang màu sắc local: Read Station - nhưng phải là Reading Station chứ), giờ ta đến với sự không biết đọc của giới xuất bản Việt Nam.

Sự không biết đọc ấy thể hiện chính xác ở chỗ, không hề biết rằng nếu không có tiểu thuyết Balzac, nếu không làm được cho hiệu sách bày bán được Balzac, thì hoàn toàn chẳng có ý nghĩa quái gì (độc giả văn chương cũng vậy: chẳng ai không đọc Balzac mà có thể gọi là độc giả văn chương hết, giả vờ hết cả). Và điểm này liên quan đến một đặc trưng nữa: đối với những người xuất bản ở Việt Nam hiện nay, té ra Balzac chẳng mấy có ý nghĩa. Đó là bởi vì họ được giáo dục để nhìn nhận Balzac không có ý nghĩa lắm; đó là vì giáo trình đại học chuyên ngành văn học phương Tây (ở Hà Nội: Tổng hợp và Sư phạm) không nhìn nhận được Balzac. Điểm "giáo trình" này (một điểm không nhỏ thuộc thực tại) tôi sẽ còn trở lại.

Tức là, thêm một phạm trù: dẫu biểu hiện có là như thế nào đi nữa, những người xuất bản Việt Nam hiện nay (và không chỉ những người xuất bản) không hề thoát khỏi một phạm trù (lại thêm một phạm trù): con ngoan trò giỏi. Phạm trù này hết sức quan trọng, giải thích được cho rất nhiều điều, thời gian tới tôi sẽ còn sử dụng nhiều.

Đi hiệu sách ở Việt Nam (thật ra, tôi rất ít đi hiệu sách), tôi có thể dễ dàng nhận ra vài điều, chẳng hạn các dịch chuyển: nhân vật này trước ở chỗ này, sau chuyển qua chỗ kia. Nhà xuất bản Kim Đồng mất đi người này, có thêm người kia, từ chỗ khác chuyển qua, etc. Cũng có khi một nhân vật đặc biệt ngớ ngẩn cũng chuyển dịch, như Vũ Thái Hà. Vũ Thái Hà là một người luôn luôn ra cái vẻ bông lơn đùa cợt, tưởng chừng như vậy là hài hước, nhưng thật ra đó chỉ là để che giấu cái sự phửng của mình; tôi nhớ nhất có cái quyển Trương Vĩnh Ký do Alphabooks in và Vũ Thái Hà phụ trách bản thảo, nó là cả một câu chuyện cười ghê rợn. Giờ, dường như Vũ Thái Hà đã chuyển qua một chỗ khác; tôi sẽ còn quay trở lại với cái chỗ mới kia và một ấn phẩm gần đây của nó (có lẽ là trong phần thứ ba của các bài "trong hiệu sách").

Tôi còn nhận ra ngay, chỉ cần vài chi tiết, đằng sau những cuốn sách kia, ai là cố vấn. Đằng sau những cuốn sách của một dạng mà tôi gọi là "sách kiểu Mường" sẽ là một đại tá ("không chờ thư" - vì có ai viết thư cho đâu), một người tuyên truyền cho kỹ thuật bảo quản sách bằng hạt tiêu rang cho vào bít tất.

Tôi không bao giờ là "cố vấn" của bất kỳ đâu hết. Chưa bao giờ, và có lẽ cũng sẽ chẳng bao giờ. Thậm chí tôi còn có chút thấy khinh bỉ cái sự cố vấn. Một điều nữa mà tôi khinh bỉ: cái sự đứng tên "hiệu đính": tôi chẳng bao giờ ghi tên hiệu đính cái gì hết, mặc dù hàng trăm hàng nghìn thứ qua tay tôi, mức độ công việc của tôi bỏ vào đấy vượt gấp cả triệu lần những người hiệu đính. Thêm một điều nữa mà tôi khinh bỉ: viết lời tựa, viết ý kiến của mình cho in vào sách (bìa sau, tay gấp, etc.). Tôi chưa viết đến quá năm lời tựa đâu, trong đó có một cái làm tôi thấy rất bực mình, sẽ có lúc tôi quay trở lại với cái lời tựa ấy của tôi.


Một giáo trình:


(trong ảnh là ấn bản sớm của cuốn sách; cụ thể hơn, ấn bản nhì, 1985)

Cuốn giáo trình trên đây rất đáng chú ý, nhất là phần về "văn học lãng mạn". Không, tất nhiên là tôi biết, một giáo trình viết vào quãng thời gian ấy thì có thể như thế nào (nó sẽ đi theo mô hình có sẵn, nó sẽ nhắc lại một loạt thứ gắn chặt vào một số ý luận, etc.) nhưng dẫu sao thì cuốn sách đó cũng thể hiện một sự hoàn toàn không hiểu Chateaubriand (mà trong sách gọi là "Sa-tô-bri-ăng" - mãi tôi mới đoán ra nhân vật "Se-li" được nhắc tới trong đó có thể là ai). Điều này giải thích cho phần dịch tệ hại tập Swann của cùng một người: "cô bé nhìn mưa" không hề là độc giả của Proust, mà chỉ giả vờ đọc Proust; rất đơn giản, làm gì có chuyện đọc Proust nếu không có sẵn ở một "bình đồ" nhất định (tôi dùng lại từ này của chính nhân vật hữu quan, dùng để diễn đạt cái mà người ta hay gọi là "bình diện") Chateaubriand. Chateaubriand là chìa khóa quan trọng nhất để đi vào văn chương Pháp kể từ đầu thế kỷ 19. Một nhân vật nữa cũng giả vờ đọc Proust: Hoàng Ngọc Biên; khi đọc cuốn sách về Proust của Hoàng Ngọc Biên, tôi dễ dàng thấy đây lại không phải một độc giả của Proust.

Và không có gì đáng ngạc nhiên (nữa) khi đối với tuyệt đại đa số nhân vật của giới xuất bản Việt Nam ngày nay (vốn dĩ về cơ bản là "con ngoan trò giỏi", và là trò giỏi từng học theo những cuốn sách kiểu như giáo trình "lãng mạn" và "hiện thực" trên đây), văn chương cổ điển Pháp tức là Victor Hugo. Đây là một điều ngớ ngẩn tệ hại: giống Voltaire, Hugo là một nhân vật đặc biệt bị mất nghĩa, mà ngày nay chỉ còn rất ít thứ còn "nói với chúng ta điều gì đó" (tôi sẽ quay trở lại rất cụ thể với những gì còn lại đó).

Và vậy là, một mặt, kiểu giáo trình (tức là, kiểu dạy dỗ) trên đây làm văn chương cổ điển Pháp ở Việt Nam chỉ còn chủ yếu là vệt Voltaire-Hugo-Zola-France (thêm những người Công xã như Jules Vallès hay một nhà văn khác, Romain Rolland), mà vệt của Balzac mờ hẳn đi; Balzac vẫn còn là có, nhưng sẽ không bao giờ thấy Jules Barbey d'Aurevilly, Villiers de l'Isle-Adam hay Joris-Karl Huysmans, chẳng hạn thế. Các chuyên gia văn học phương Tây thật ra đã làm gì? Tôi từng nghe rất nhiều điều (tốt đẹp) về một nhân vật: Nguyễn Đức Nam, từng giữ vai trò không nhỏ trong ngành nghiên cứu văn học phương Tây ở Hà Nội. Đây là một người gần như không viết gì bao giờ, cho nên rất khó tìm hiểu. Cho tới ngày tôi tìm được cuốn sách tuyển tập bài viết, chắc hẳn do học trò in, đọc rồi thì mới thấy, đó lại là một trường hợp fake (những cuốn sách do học trò in cho thầy thật ra rất hấp dẫn: gần đây có cuốn của Phan Cự Đệ, nhan đề như thế này này: Bút danh người còn mãi với thời gian). Trong cùng mảng, còn có một nhân vật rất trọng yếu, mà tôi sẽ sớm quay trở lại: Trọng Đức Đỗ Đức Dục. Ở đây mới nói riêng đến phần văn chương Pháp.

Mặt khác, kiểu dạy dỗ như vậy còn dẫn đến một điều nữa: đó là tạo lập vị trí cho các nhân vật như Trần Hinh hay Đào Duy Hiệp. Cả hai nhân vật này đều không đủ khả năng đọc thông một đoạn văn (rất giống bên chuyên ngành Hán-Nôm: nhiều người có danh hiệu ra phết, nhưng đọc đại tự ba chữ, thế nào cũng sẽ sai một chữ). Và truyền thống ấy vẫn tiếp tục, hiện nay là: Phùng Ngọc Kiên. Phùng Ngọc Kiên có hiểu gì Mimesis của Auerbach không? Để tôi trả lời ngay cho: không hiểu gì. Cách đây cỡ mười năm, Phùng Ngọc Kiên đưa tôi bản dịch nhờ xem hộ, tôi xem và lẳng lặng không nói gì (đôi khi tôi cũng rất ý nhị), thế rồi một ngày tôi thấy nó được in ra, thấy viết lời cảm ơn người này người kia, tôi kiếm một quyển xem lại, nhưng đâu có khá gì hơn so với trước đây: vẫn không hiểu gì. Có buổi (có mặt Phùng Ngọc Kiên), tôi cũng nói đến vài chỗ thế này thế kia trong bản dịch ấy, nhưng đâu đã có thể nói rõ hơn được. Và, Phùng Ngọc Kiên có phải chuyên gia Flaubert như chính Phùng Ngọc Kiên (cùng nhiều người khác) tưởng hay không? Cũng không nốt. Ở trên đã nói đến trường hợp Marcel Proust, trường hợp Flaubert cũng vậy nốt: mọi thứ gì liên quan đến Flaubert (kể cả một cách gián tiếp, chẳng hạn Les Choses của Georges Perec - tôi sẽ quay trở lại với trường hợp cụ thể này) ở Việt Nam đều nở hoa ngạt ngào.

Trước đây, có một kinh nghiệm để nhận ra đâu là hàng rởm trong số những người du học nước ngoài (chủ yếu là Đông Âu): những ai mà trong tên luận án có dính "phương Đông", rồi thì "âm dương ngũ hành", rồi thì "văn hóa phồn thực" các thứ ấy. Còn ngày nay, cũng có bí quyết để nhận ra: cứ xem những ai làm luận án, luận văn mà trong tên có idiom ở Việt Nam ấy.

Một nhân vật đặc biệt rực rỡ: Lê Huy Bắc. Không đáng ngạc nhiên khi Lê Huy Bắc bổ nhào vào "chủ nghĩa hậu hiện đại". "Văn học phi lý", "văn học hiện thực huyền ảo" và "chủ nghĩa hậu hiện đại" là ba mảng cho thấy rất rõ nhiều khía cạnh của các nhà phương Tây Việt Nam.




(còn nữa)



Trong hiệu sách (1)

29 comments:

  1. Giá mà được biết tiệm sách (bán sách cũ) mà chú thường xuyên ghé đến nhất thì quả là tuyệt... những tiệm sách mới thì cái nào cũng như nhau.

    ReplyDelete
  2. ơ Cá Chép Cá Mập đấy còn gì

    (cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe)

    ReplyDelete
  3. Mốt bây giờ là mua online

    ReplyDelete
  4. à đấy, đang định đoạn sau nói đến online

    thôi bỏ luôn vậy, đỡ quá

    ReplyDelete
  5. :)) "trông tôi như vậy thôi"

    ReplyDelete
  6. vẫn lẽo đẽo trong đầu cái câu và cái đoạn gì có ý là không phàn nàn, nạn nhân chính là đao phủ mà không nó nằm ở post nào. nhưng cái ý đó rất là thú vị. Nói một cách thô thiển, cái đó có tính trí tuệ và tính giáo dục với tôi.

    ReplyDelete
  7. Cháu mới tậu được bộ Tư Bản. Lúc cầm nó trên tay cháu không tin vào mắt mình. Hiếm khi nào đi mua sách cháu gặp may đến thế. Lại còn một quyển thơ Baudelaire của Gallimard (cái cmt nhảm mới đây của cháu :v). Hoá ra cháu không vô duyên với sách như cháu từng nghĩ.

    VVD

    ReplyDelete
  8. người xa xôi quá tôi buồn lắm. giám khảo khoa này bác cử nhu. cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe. lại đây cho chị dạy làm thơ. kkk

    ReplyDelete
  9. bộ Tư Bản tiếng Việt à? có mấy tập tất cả? (bộ bìa mềm hay bộ bìa cứng?)

    ReplyDelete
  10. Bản bìa mềm tiếng Việt ạ. Có 3 tập (chắc là đủ bộ rồi).

    VVD

    ReplyDelete
  11. tức là 3 quyển cả thảy? vậy thì gần như chắc chắn là chưa đủ

    Das Kapital có 3 quyển, nhưng "quyển" ở đây là giống như "book", đơn vị ước lệ, không phải 3 book thì trọn bộ sẽ là 3 quyển (sách cụ thể)

    ví dụ để dễ hình dung: Les Miserables của Hugo gồm tổng cộng 48 livre (=book), mỗi "quyển" lại có nhiều chương, 48 "quyển" này phân bổ vào 5 phần (partie), trong đó 3 phần đầu mỗi phần 8 quyển, phần IV gồm 15 quyển và phần V gồm 9 quyển

    có hiểu gì không?

    ReplyDelete
  12. Cháu hiểu r. Tức là như chú hay nói, đại để, xuất bản Việt Nam hay lừa đảo :v

    VVD

    ReplyDelete
  13. Đúng là bộ sách của cháu thiếu thật ha ha
    Đã thế lại còn thiếu nhiều.

    VVD

    ReplyDelete
  14. tất nhiên

    bộ đó hình như ít nhất phải 8 quyển

    bộ bìa cứng thì hơi khác

    ReplyDelete
  15. Cháu vừa check lại bìa sau. Đúng là 8 quyển. nói cho chính xác là 8 tập. Thêm quyển IV có 2 tập thì tổng cộng có 10 tập.

    Nãy cháu lỡ mồm nói oan cho xuất bản VN, xin rút lại ha ha. Cuối cùng vẫn là đường đọc sách của cháu tối như cái tiền đồ chi Dậu :v

    VVD

    ReplyDelete
  16. Nhờ đọc blog khoảng 2 tháng nay mà em tiếp cận được nhiều tên tuổi lớn. Cả tháng nay cứ hễ thấy tác giả nào, em liền search xem có được nhắc tới ở đây chưa. Hôm nay biết thêm Mặc Đỗ và Balzac. Cảm ơn anh.
    PQT

    ReplyDelete
  17. Page của anh càng ngày càng pro nhỉ;) dùng cả cookie của google cơ^^

    ReplyDelete
  18. This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete
  19. đừng tin lời bọn tư bản

    ReplyDelete
  20. Em đang đọc Pierre và Jane. Em nhớ rõ ràng có lần anh post lên ảnh quyển sách này ở entry nào đó mà không tìm lại được nhỉ?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Đây a
      http://nhilinhblog.blogspot.com/2018/05/ra-mot-cai-de-thi-van.html

      Delete
  21. lẽ ra viết sai tên sách thì không nên giúp như vợi

    ReplyDelete
    Replies
    1. Hix, em type vội quá :(

      Delete
  22. Trong khoảng mười năm vừa rồi, ngoài hiệu sách, cháu vẫn thấy Balzac (nhưng không phải bộ của NXB Thế Giới) ít nhất là Goriot rồi E.Grandet rồi Miếng da lừa (nếu không nhầm thì Goriot còn được được đưa vào SGK thời cháu học, nghĩa là khoảng tầm hơn 5-6 năm trước, không rõ bây giờ thế nào)

    VVD

    ReplyDelete
  23. mắt có vẻ rất tinh

    hiệp hội bác sĩ nhãn khoa gửi lời chúc mừng

    ReplyDelete
  24. Thôi chả nhận lời khen của chú đâu. "Bạn A giói quá. Cả lớp cho bạn một tràng pháo tay". Như cho kẹo trẻ con vậy :v
    Dạo này học về hành chính (cô pháp luật dạy) chợt nghĩ đến Kafka :v Kiểu như anh A, chị B làm nhớ đến cái tay K., ấy là giả dụ hành chính ở chỗ ông ý cũng dùng từ giống như mình (thực ra chưa bao giờ cháu đọc nghiêm túc 1 cuốn nào của Kafka, trừ 1-2 cái truyện ngắn, cũng như hồi bé thấy Kiều có cái gì đó, tránh quách cho khoẻ)

    VVD

    ReplyDelete
  25. Lâu lâu cháu lại lảm nhảm lung tung đấy. Thôi đừng để ý.

    VVD

    ReplyDelete
  26. từng hỏi một người trong ngành ai hiểu Proust nhất VN. anh ta không do dự bảo Đào Duy Hiệp là chuyên gia Proust, nổi tiếng với công trình nghiên cứu thời gian của Proust. bữa nào NL viết về Đào Duy Hiệp đi. còn Trần Hinh thì khỏi nói, giờ còn dạy cả điện ảnh

    ReplyDelete