"Không phải vì con người là thứ có hai chân mà có thể biến 50 người (tập hợp lại với nhau) thành một loài thú trăm chân."
Sản xuất là hoạt động khiến con người trở thành con người ("Cổng làng rộng mở ồn ào/Nông phu lững thững đi vào nắng mai" - Bàng Bá Lân): vừa xong là một mở bài theo đúng dạng kinh điển của các loại luận văn, khóa luận, luận án etc.
Sản xuất tiếng ồn là sở trường của dân Hà Nội Kẻ Chợ. Ở xứ ấy, mọi thứ đều được phép và cần phải hết cỡ, hết nấc (loa đài, kể cả đài phường lẫn loa tại gia), nhất là cổ họng thú (bị chọc tiết, nơi quán nhậu) và người. Điều này tương ứng cả trong chuyển dịch vào xe cộ: phong trào bảo vệ môi trường (xăng bớt ô nhiễm, bài trừ túi li lông) - có tác động bằng đúng số không trên phương diện còi xe ô tô, thậm chí còn trầm trọng hơn, khi Hà Nội đã bắt đầu lậm sâu vào phong trào xe moto phân khối lớn ("Trung đoàn năm xưa nay đã thành sư đoàn"). xem thêm ởkia
Các nhân vật có tinh thần èo uột đặc biệt thích to, về mặt âm thanh. Một nhà báo xuất thân phố cổ đi xe thì phải bán tải độ, có cả cái gì trông như ống khói nhô cao, xe máy thì phải cào cào và không bao giờ vắng mặt trong mấy trò phượt (gần đây đã hết mốt); nhưng cũng chính nhân vật đó, hễ cần người rên rỉ trên báo hay tivi là thế nào cũng xuất hiện ngay: nhận mình là nạn nhân của nghiện ngập, của ấu dâm, mọi thứ gì có thể trông đáng thương hại. Và đồng thời không ngớt chơi trò nặc danh, tên giả: điều hài hước của thời chúng ta nằm ở chỗ, các nhà báo - những người có rất nhiều chỗ để nói năng - lại chính là những người hay nặc danh nhất. Muốn làm cọp, nhưng lại mang bản chất chuột. ("lũ chuột Giang Đông" etc.) và muốn làm nhà văn, nhưng chỉ làm được một việc là đi bắt chước (nhất là bắt chước mấy nhân vật văn chương rởm đời dân phố)
Hoạt động của báo chí thuộc loại hoạt động tạo ra nhiều tiếng ồn hơn cả: nó, một phần, thay thế cho mõ làng trước đây. Cũng không khác mấy so với trước đây, hoạt động đó liên quan chặt chẽ đến lợi ích và phân chia lợi ích (đụng lợn, một miếng giữa làng, etc.). Ví dụ mới nhất: đồng loạt không ít nhà báo có máu mặt nhận tiền để quảng cáo - nói hay nói đẹp, hướng dẫn dư luận đi đến chỗ bớt ác cảm, nói ngắn gọn là "làm truyền thông"; từ đó mà hiện lên rõ vai trò của các "giám đốc PR", trong số đó không ít là cựu phóng viên - cho một nhà tài phiệt. Điều đáng nói là trong dàn đồng ca ấy có cả những người trước đây từng phê phán, lên án cũng nhà tài phiệt kia rất kinh (liên quan rất nhiều đến tàn phá môi trường, tất nhiên): các nhà báo lên án cái này hay cái kia trong lúc chờ: đợi được chiêu hồi.
Nhưng tại sao lại cần nhiều ồn ào đến thế? Tại sao loa nhất định bật hết âm lượng, giọng nói không thể không ở mức tuyệt đối gần với gào (người nào nói to hết cỡ, lại hay rung chân và không những thế, bụng phệ, là những người có hệ thần kinh rệu rã gần như không hoạt động được nữa: các hăm dọa, rất nghịch lý, phần nhiều lại chính là biểu hiện của hoảng loạn và van xin)? và tại sao xe cộ lúc nào cũng inh tai nhức óc? (cũng như nhà báo rất hay chơi trò nặc danh?)
Đấy là vì mặc cảm (đã nói rồi mà, "mặc cảm" là một trong những từ quan trọng của năm nay): mặc cảm hết sức cơ bản, xuất phát từ nỗi sợ bị vô hình. Những chuột và những gián không chịu nổi cái sự mình không được ai trông thấy.
Ngồi trên (rất rất nhiều, ngày nay) những cái xe moto phân khối lớn (đến đêm hay chạy lung tung khắp mấy khu vực mới của Hà Nội, rít ầm ầm, không ít thuộc loại nhiều nghìn phân khối) về cơ bản có hai loại: một là đám đàn ông béo, vai u lên nần nẫn, chạy xe trong ảo tưởng mình có vận động (thể dục thể thao), nhất là trong ảo tưởng về nam tính, virility (tôi tiên đoán, sau thực phẩm chức năng đã bắt đầu hết mốt, sau rau củ quả sạch, bio, cũng đã bắt đầu hết mốt, thời gian tới đây nhóm sản phẩm bán chạy nhất sẽ là những thứ bổ thận tráng dương, mọi thứ gì làm cho con người nouveau riche nuôi dưỡng được ảo tưởng về bản thân mạnh mẽ). Nhóm thứ hai, bọn èo uột, chuột bọ mà lại tưởng mình là hùm với cọp, như đã nói ở trên. Điều hài hước là, tiền dễ không tạo ra cuộc sống dễ dàng.
Người ta gào lên ở khắp mọi nơi, trong cái xã hội có vẻ tự nhận mình là "văn minh", "tiên tiến" và nhất là "tử tế" (ơ, hình như các nhà báo Việt Nam không kêu gọi tử tế nữa hay sao ấy nhỉ: hết tử tế rồi à?). Đào tạo nhân sự, bán hàng đa cấp, dạy làm giàu, team building (rất hay mang chủ đề "kết nối yêu thương" hay tương tự và thường xuyên có trò chơi một anh một chị kẹp quả bóng bay ở giữa, không được dùng tay phải ép sao cho nó nổ: cả một đợt sóng lớn của - lại như mọi khi - buôn nước bọt. Cứ có tí khiếu nói năng là đi dạy dỗ hết - và nói giống hệt nhau, giống đến cả sự trầm bổng lên xuống lẫn mấy câu đùa ngu xuẩn. Lại Văn Sâm đã chắc chắn cái hình ảnh người của một thời.
(còn nữa)
Giờ khùng dữ vậy bác?
ReplyDeleteđấy, màn nặc danh đã bắt đầu, quả nhiên không sai
ReplyDeleteNhắc Lại Văm Sâm thì nhớ ngay đến SV 96 và 3 chữ XIN CÁM ƠN!
ReplyDeleteđấy là thời con giả-nhơn ngồi trên vai chú võ-tòng: vừa tan đây-a-nốp thì là cơn mộng mị đạo đức giả tân nho giáo những "thanh thiên" "tể tướng gù" "càn long" v.v. những cái "rễ" ko từ "trời" mà từ địa ngục. là rễ.
ReplyDelete“mặc cảm hết sức cơ bản, xuất phát từ nỗi sợ bị vô hình. Những chuột và những gián không chịu nổi cái sự mình không được ai trông thấy.”
ReplyDeleteBác ghét trò quote dưng tôi xin cứ quote lại vì nó đúng đến phát sợ phát khùng. Với bác ra định mức hơi thấp, “mặc cảm” là một từ quan trọng không chỉ của năm nay mà của cả năm đời