Jul 8, 2019

Mann (không Up)

Tôi rất thích, khi trong Watermark (cuốn sách nhỏ về thành phố Venice, với đậm dấu ấn Henri de Régnier), Joseph Brodsky nói rằng mình không thích Der Tod in Venedig của Thomas Mann. Đúng vào lúc (ngoài một số cuộc trở lại khác) tôi quay trở lại với Thomas Mann - Mann nói chung thì đúng hơn, chứ không chỉ Thomas.

Quay trở lại với văn chương Thomas Mann, ban đầu (và chủ yếu) tôi muốn đọc bộ tiểu thuyết về "Joseph".




Tức là, tôi định đọc Joseph und seine Brüder - bộ sách dài khủng khiếp, mà Thomas Mann viết trong vòng suốt mười năm, với dự đồ tạo ra tác phẩm thực sự lớn của đời mình; cũng tương tự rất nhiều dự đồ tương tự, bộ "Joseph" của Mann ngày nay có lẽ chẳng có ai đọc, thậm chí còn không được biết đến. Lotte in Weimar (liên quan đến Goethe, tất nhiên) chắc giờ cũng đã rơi vào quên lãng. Vì cách đây vài năm tôi đã đọc được (cho đến cùng, không nhảy cóc dòng nào, tuy giữa chừng rất nhiều lúc suýt làm rơi sách) Wilhelm Meister của Goethe (và thấy nó hay không ngờ), tôi nghĩ cũng có thể làm được điều tương tự với Thomas Mann, với Joseph.

Nhưng - rất có thể, lại thêm một lần nữa: câu chuyện của thời độ - cuối cùng tôi vẫn chưa đọc thực sự được bộ Joseph. Nói đúng hơn, tôi muốn xem, trong số những bộ lớn (Thomas Mann có không ít bộ tiểu thuyết lớn: tôi nhớ đến Sainte-Beuve từng bình luận về Chateaubriand một điều rất đặc biệt như sau: thông thường người ta chỉ có một thiên thần hộ mệnh - là cùng, nhưng Chateaubriand có đến hai - ý Sainte-Beuve muốn nhắc tới hai người bạn thân của Chateaubriand, Joubert và nhất là Fontanes; không phải tiểu thuyết gia nào cũng chỉ có một tác phẩm lớn) của Mann, còn những gì ngày nay có thể đọc. Tôi nghĩ chỉ còn lại Doktor Faustus (thêm một lần nữa: rất nhiều âm hưởng Goethe) - tất nhiên, đấy là tôi còn chưa đọc Joseph.

Và, ý định thì hướng đến chuyện đọc Joseph, cuối cùng tôi lại đọc (lại) Tonio Kröger, tức là một novella, giống Der Tod in Venedig và viết trước Tod chừng mười năm - cái cuốn sách mở đầu bằng hình ảnh "mặt trời mùa đông" ấy. Rất nhiều người quay trở lại với thời mình đi học: không chỉ Thomas Mann mà còn rất nhiều người khác nữa, như chẳng hạn Robert Musil (Törless). Nhưng trong số những gì ngắn của Thomas Mann mà tôi đọc vừa rồi, tôi lại thích Der kleine Herr Friedemann hơn cả.

Thomas Mann (cùng cả một loạt nhà văn một thời: Oscar Wilde, André Gide, James Joyce - để chỉ kể những cái tên to nhất) không bao giờ thoát được khỏi một hình thức. Đó vừa là hình thức, vừa là lý tưởng: hình thức của nghệ sĩ. Thật không ngờ, nghệ sĩ chính là một trong những gì mất ý nghĩa khủng khiếp nhất. Ngày nay, một nghệ sĩ hay một nhà ngoại giao cũng lố bịch y như một hiệp sĩ Trung cổ hay một mưu sĩ dạng Giả Hủ. Nhưng tại sao? (một nhà ngoại giao đồng thời chơi trò văn nhân thì lại càng đẩy mức lố bịch lên cực điểm: Hồ Anh Thái hay Nham Hoa Hoàng Trang Hải)

(ai đã nhìn ra từ rất sớm sự sụp đổ của hình tượng nhà ngoại giao vào ngay cái lúc hình ảnh ấy vẫn còn rất hùng mạnh? đó là Marcel Proust, với nhân vật marquis de Norpois của Tìm thời gian mất; rất có thể, Talleyrand đã hút cạn mọi khả thể của hình ảnh đó, sau Talleyrand các nhà ngoại giao chỉ còn là những hình ảnh biếm họa: Philippe Berthelot dùng thanh thế lớn của mình tại Bộ Ngoại giao Pháp để tạo ra vườn trẻ cho các nhà văn mà mình yêu quý, Paul Claudel, Jean Giroudoux, Paul Morand, etc.; dẫu thế nào, các nhà ngoại giao Việt Nam tại các sứ quán khắp nơi làm gì? họ thu tiền không hóa đơn)

Nhưng tại sao suốt một thời nghệ sĩ lại quan trọng đến thế? Chắc hẳn vẫn vì một lý do hết sức phổ thông: vì thế giới thay đổi. Những lúc thế giới quá thay đổi, luôn luôn xuất hiện một hoặc một vài yếu tố như để đối trọng, như để bù trừ. Giai đoạn 1789 khiến cho nảy sinh một yếu tố rất mạnh, xã hội, hay nói đúng hơn là các "community", rất nhiều tính cách Phi Lai, do khởi xướng của không biết bao nhiêu nhân vật, Lamennais, Fourier, Proudhon, Enfantin, etc. Giống như là thế giới cần được cứu vãn, cần được tái thiết lập sự cân bằng; quãng đầu thế kỷ 20, nghệ thuật trở thành vấn đề lớn, quá lớn. Và không chỉ nghệ thuật: kể từ 1789, văn nhân thoát khỏi địa vị sống nhờ quý tộc và triều đình, bắt đầu nhập thân vào cuộc sống công cộng ở những tầng cao - và rất nhiều khi quá hào hứng với điều đó (Chateaubriand ngài đại sứ etc.); Romain Rolland và Aldous Huxley, Stefan Zweig và Heinrich Mann xuất hiện ở mọi nơi, chưa kể hai André, André Gide và André Malraux, những người đặc biệt nói giỏi, histoire d'épater les Russes. Một thế giới vỡ (theo một kiểu khác với hồi 1789 và tiếp sau đó) cần được hàn gắn, theo đường lối riêng của nó.

Gia đình Mann thoạt đầu ở Lübeck, vùng Schleswig-Holstein miền Bắc Đức, nói ngắn gọn là "vùng Hanse". Khi "ông nghị" Mann qua đời, người vợ Julia (một phụ nữ rất "exotic") đưa các con đến sống ở miền Nam, thành phố Munich. München là nơi bốn anh chị em nhà Mann lớn lên. Heinrich là con cả, rồi đến Thomas, sau đó thêm hai chị em nữa. Ở Munich, Thomas Mann sẽ lấy con gái nhà Pringsheim - vợ chồng Thomas Mann có sáu người con, với Klaus Mann (ngay sau Erika) là con thứ hai.

Cần phải đọc hồi ký Klaus Mann (trong bức ảnh đầu tiên là hai ấn bản tiếng Pháp, bên trái là ấn bản đầu: Klaus Mann là một nhân vật được phát hiện trở lại) mới thấy rõ miêu tả về gia đình - "bộ lạc Mann", như người ta hay gọi (trong Tonio Kröger, có đoạn nhân vật chính ghé "thành phố quê hương" nơi ngôi nhà gia đình cũ đã trở thành thư viện công cộng, trước khi đi nữa lên phía Bắc, sang Đan Mạch - đoạn ấy có rất nhiều âm hưởng Thomas Mann quay trở về thành phố vùng Hanse). Klaus Mann tất nhiên là đứa con cưng của cả gia đình - con cưng nhưng cũng đồng thời nhận lời nguyền rủa ghê gớm: cái đó là từ cái tên trở đi, vì tên đầy đủ của Mann là Klaus Heinrich Thomas Mann (sở dĩ như vậy là vì Klaus Mann có hai bố đỡ đầu, ông bác Heinrich anh trai của bố và ông bác - hoặc cậu - Klaus anh em sinh đôi của mẹ). Và là đứa trẻ thần đồng (trong số các tác phẩm ngắn của Thomas Mann có câu chuyện "Đứa trẻ thần đồng" về một thằng bé Hy Lạp chơi đàn rất giỏi). Ởkia đã nói đến chuyện Stefan Zweig có mặt ở khắp mọi nơi: Zweig cũng có mặt trong câu chuyện Klaus Mann; khi Klaus Mann in cuốn tiểu thuyết đầu tay (trong bức ảnh thứ hai trên đây là ấn bản tiếng Pháp của nó) năm mười chín tuổi (trong lời tựa nhắc ngay đến một nhân vật văn chương rất precocious khác, Raymond Radiguet), về cơ bản người ta chế nhạo Klaus Mann rất kinh, nhưng Stefan Zweig là người vội vã viết thư cho Klaus Mann khen ngợi hết lời và động viên Klaus Mann, nói rằng mình không coi Klaus là con trai Thomas. Trong số những người nhạo báng Klaus Mann khủng khiếp nhất vào thời điểm ấy, có Bertolt Brecht (để trung hòa điều đó, tốt nhất là lấy một nhận xét về Brecht lấy từ sổ tay của Ionesco: Ionesco nói rằng Brecht cứ tưởng mình "primitif" nhưng Brecht không "primitif" mà "primaire").

Từng xảy ra một đảo chiều trong bộ lạc Mann: ban đầu Heinrich Mann mới là nhà văn nổi tiếng. Heinrich Mann cũng đặc biệt nổi tiếng trong giai đoạn người Đức lưu vong do chế độ nazi.

(quyển sách bên trái trong bức ảnh thứ ba, cuốn tiểu thuyết của Heinrich Mann, câu chuyện về Diederich Hessling, tôi từng dùng để tập đọc bằng tiếng Đức - tuy tôi đã không đi được xa lắm với cuốn sách của Mann, nhưng đó chính là cách tốt hơn cả để đọc trong một thứ tiếng mà chúng ta không thực sự thạo: chọn lấy một cuốn sách mà ta đã biết càng rõ nội dung càng tốt, rồi cứ thế đọc; tất nhiên sẽ không hiểu được hết từng chữ, nhưng sẽ không quá mức lạc đường, và lúc nào cũng có thể bắt đầu trở lại, tức là đọc tiếp nó - rồi sẽ đọc hết thôi)

(quay trở lại với Thomas Mann: mấy bản dịch tiếng Việt gần đây, Der Tod in Venedig cũng như Felix Krull gây biến dạng Thomas Mann ở mức không nhỏ; đấy là vì người dịch có ham muốn quá lớn về phía trôi chảy: bất kỳ câu văn nào cũng có xu hướng đổ sang thành ngữ, sang sự chiều chuộng độc giả, nói ngắn gọn là sự êm tai; cái đó chắc chắn rất vừa tai độc giả nouveau riche; độc giả nouveau riche muốn có những thứ như vậy, nịnh bợ họ, ve vuốt họ, kể cả với cái giá là chẳng còn mấy liên quan tới tác giả; chưa hết, cuốn tiểu thuyết về Felix Krull, gần như mọi chi tiết liên quan đến nước Pháp, nhất là Paris - chiếm dung lượng lớn, như ai đọc rồi cũng đều đã biết - đều dịch sai ráo cả; còn có Der Zauberberg, nhưng tôi đã không đọc bản dịch tiếng Việt cuốn tiểu thuyết đó, vì ngay lập tức vấp phải một lời tựa nouveau riche; một "lời tựa nouveau riche" nghĩa là thế nào? nghĩa là giống như chẳng hạn lời tựa bản dịch Der Zauberberg, trong đó tác giả lời tựa nói rằng mình có một người bạn Đức, người bạn Đức ấy nói Der Zauberberg là một cuốn tiểu thuyết lớn; một ví dụ khác về lời tựa nouveau riche: một bản dịch Kierkegaard, người viết lời tựa nói đi nói lại một điều là Kierkekaard rất yêu thành phố Copenhagen; sở dĩ có các lời tựa như vậy là vì những người nouveau riche Việt Nam không hề biết đọc, mà chỉ posing sự đọc - có rất nhiều người không hề là độc giả của tác giả mà họ bình luận, thậm chí ở mức viết lời tựa, cũng như có không ít người không hề độc giả của những ai họ trao giải hoặc hiệu đính: hỏng hóc về đọc là một sự vị xã hội toàn thể)

Đã có một đảo chiều trong câu chuyện "bộ lạc Mann": Heinrich Mann, môn đệ của Stendhal và D'Annunzio (theo lời Klaus Mann) ban đầu mới là nhân vật lớn. Klaus Mann cũng kể, trong hồi ký, về chuyến Thomas Mann sang Thụy Điển nhận giải Nobel (Văn chương, tất nhiên - ít nhất thì không phải Vật lý), mấy đứa con của Mann ở nhà, bật radio để nghe tin tức, và mấy anh chị em nhà Mann, trong đó có Klaus cười như điên vì giọng nói quá mức truyền cảm và nghiêm trọng của phát thanh viên tường thuật buổi lễ.

Nhưng lại có một đảo chiều nữa, lần này liên quan đến chính Klaus Mann. Giờ đây, rất có thể nhiều người biết đến Thomas Mann thông qua Klaus Mann, tức là vì đọc Klaus Mann mà tìm hiểu thêm, và biết đến Thomas Mann; tức là chính xác đối xứng với những gì từng xảy ra xưa kia, khi Klaus Mann luôn luôn là "con trai Thomas Mann".


(Doktor Faustus tiếng Đức, Der Zauberberg bản tiếng Pháp và một tuyển tập Thomas Mann, trong có Tonio Kröger cùng lời bạt của Edmond Jaloux)





(còn nữa, lát mát viết nốt)




PS. Tại sao lại có cái tít có "Mann" và "Up" - tất nhiên gợi nhớ ngay đến một tờ tạp chí (một e-magazine) như thế kia?


PS2. nhân tiện, đã tiếp tục "Saramago và cây ô liu", "Berlin", và để chuẩn bị kết thúc chương 1 của Ferdydurke, tiếp tục bài "Witold Gombrowicz"





Hai cuốn tiểu thuyết (về Felix Krull)
Thomas Mann và Hermann Hesse
Những gì không chết (về Chết ở Venice)

6 comments:

  1. tiếp tục (đã sắp đủ bài)

    ReplyDelete
  2. Mới gặp mua Mann ban sáng thì ban tối đã thấy Mann. He he

    ReplyDelete
  3. vị trí biểu kiến nhìn từ viễn-đông Thomas Mann thì "xa" Lev Tolstoy thì "gần". nếu trong một thời độ phi tưởng K.Marx thành công ở Đức như hậu bối Lenin thì có khác ko.
    "nhà nghệ sĩ" thì lúc vào thơ Nguyễn Bính đã cạn đến lộ cái đáy rồi.
    còn ông "Giáo hoàng văn học Đức" trên kia - có phải thế ko nhỉ?

    ReplyDelete
  4. "gặp mua Mann" à, nghe quen quen

    ReplyDelete
  5. "ít nhất thì không phải Vật lý" ???

    ReplyDelete
  6. (hí hí) cái PS.
    KlausMann có up- startup sóng gió anw ^^

    ReplyDelete