Jun 22, 2023

Herr

(tiếp tục "Coloane", "Goethe nói""Lời")

(tuy tôi rất xa lạ với audiobook nhưng tất nhiên tôi cũng hiểu, nhiều người rất thích nghe: nghe sự đọc; thử cái này xem, giọng là của một nhân vật rất đặc biệt)


Khi thấy "Herr", người ta sẽ hỏi ngay: Herr gì? Herr tên (họ) gì? Nhưng đây lại chỉ là Herr, Herr không thêm gì khác nữa, thậm chí còn không phải "Freiherr".

Trong vòng ngót bốn mươi năm, Lucien Herr là quản thủ thư viện (bibliothécaire) của thư viện trường Normale Sup: làm thủ thư không phải lựa chọn tạm thời của Herr, mà đấy đúng là vocation, là Beruf của Herr. Herr trở thành một dạng bậc thầy: như vậy, thời ấy, có thể nói là tuổi trẻ Pháp có hai ông thầy, một là Alain, hai là Herr. Cụ thể là những người trẻ tuổi như Paul Nizan.

Nhìn cái họ (Herr) của đối tượng cuốn sách trong ảnh, cũng như họ của tác giả (Andler), có thể thấy ngay là rất Đức. Đây (cả hai) đều thuộc vào số những người có thể trở thành Đức, nếu lựa chọn. Đấy là những người Alsace: ông bố của Herr rời Alsace vào thời điểm cuối cùng, vì chọn nước Pháp.


Năm 1888 (mốc dễ nhớ), hai mươi tư tuổi, Lucien Herr trở thành Bibliothécaire của École Normale Supérieure, và một mạch cho đến khi qua đời (năm 1926). Thông thường, người ta nhận làm thủ thư (nhất là lại của thư viện trường) trong vòng vài năm, ngay từ đầu đã với mục đích có một quãng thời gian (tương đối) nhàn rỗi để hoàn thành một việc định làm nào đó. Lucien Herr nói ngay lập tức với giám đốc trường (hồi đó là Georges Perrot) là mình thực sự coi đây là công việc lâu dài - và tất nhiên, sau đó đã chứng minh đúng là vậy: một công việc của cả cuộc đời. Có một đoạn thời gian Herr cũng phụ trách Musée pédagogique, tức là viện bảo tàng sư phạm; nó nằm trên phố Gay-Lussac, tức là không xa rue d'Ulm, thuận tiện cho Herr (Herr sống gần đó, Val-de-Grâce lâu nhất, và vài nơi khác).

Lucien Herr chính là người dịch bộ sách ấy (dưới đây tôi sẽ còn quay trở lại với riêng bộ sách). Đối với Charles Andler (cũng như rất nhiều người), Lucien Herr là trí tuệ mạnh nhất của cả một thế hệ. Đi cùng điều đó, tất nhiên, là sự nuối tiếc Herr đã không viết nhiều hơn.

Cuốn sách về cuộc đời Lucien Herr do Charles Andler, một người bạn của Herr, viết, không phải là một cuốn sách lớn. Chỉ vì nhất định muốn biết từng chi tiết về Herr nên tôi nhất quyết đọc đến hết. Đây là một (trong muôn vàn) cuốn sách chỉ vì muốn giải thích quá nhiều điều cho nên không thể là một cuốn sách lớn, thậm chí còn chẳng giải thích được gì (mấy). Nhất là những khi Andler lái câu chuyện sang câu chuyện chung của những người socialiste Pháp. Tất nhiên, đấy là câu chuyện quan trọng trong cuộc đời Lucien Herr, mối quan hệ của Herr với những nhân vật then chốt như Jean Jaurès, etc., nhưng socialisme không thể che mờ đi sự thể rằng Herr quan trọng hơn thế.





NB. trước khi tiếp tục câu chuyện Lucien Herr, có một thông báo: những ai đang ở Hà Nội có thể đến nghe, tại Nhà thờ lớn (Saint-Joseph) của Hà Nội, tối 30 tháng Sáu tới đây vào lúc 20 giờ, chương trình biểu diễn "pipe organ" - tức là cái đàn rất to, cả một hệ thống ống hơi mà ai cũng nhìn thấy khi tới nhà thờ - của Nguyễn Thụy Đan. Nhiều người đã biết Nguyễn Thụy Đan, một chuyên gia Hán-Nôm, một học giả trẻ tuổi của Đại học Columbia, nhưng đây còn là một nhạc sĩ đã qua đào tạo lâu năm. Trong chương trình, ngoài tác phẩm của các nhân vật nổi tiếng như Bach (bố, Johannes Sebastian, chứ không phải những người con trai), Pachelbel, Brahms, Arvo Pärt, còn có thêm một số nhạc sĩ ít được biết hơn, như Buxtehude: khi Buxtehude biểu diễn, Bach từng sẵn sàng lặn lội đường sá để đi nghe.


6 comments:

  1. nb. gấp khúc, lại đi quanh phòng
    -lncy-

    ReplyDelete
  2. Sách, thường nghe người ta nói, là thức ăn cho tinh thần. Vậy theo anh, với sách thì có chuyện hết hạn sử dụng, bị ôi, bị hư đi, bị lên mốc không ạ?

    ReplyDelete
  3. chẳng có gì là không có thể, thậm chí còn kinh hơn thế nhiều:

    https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid02N3vRzFYbbd2jbtfa6vJHdMP6g9oQHihivh1c37FPGE63YHJSNaUKyZ4oeLEZk7Atl&id=100090639946775

    ReplyDelete
  4. Nhiều “kết quả tìm kiếm” thế ạ, biết đường đâu mà mò tới ạ.

    ReplyDelete
  5. Cuối tháng tàn ngày lại có một sự kiện hiếm như thế.

    ReplyDelete
  6. có lần em đọc bản dịch Ông Teste (Monsieur Teste) của Paul Valéry ở một ngôn ngữ khác, nhan đề dùng đúng Herr luôn- Herr Teste, nhiều người mang cái tên hiển nhiên không thể hiển nhiên hơn

    ReplyDelete