Jun 17, 2023

Hoa hồng cửa sổ

(đã đi được - khá xa - vào Francisco Coloane)

["và cơn mưa đến"]


Hoa hồng và cửa sổ: hai cụm, hai chuỗi thơ của Rilke, có những bài thơ cửa sổ và những bài thơ hoa hồng. Hai trong số các loạt thơ mà Rilke viết bằng tiếng Pháp. Trong số chúng, giữa hoa hồng và cửa sổ, ban đầu tôi chọn hoa hồng, chứ không phải là cửa sổ. Điều đó gần như là tất nhiên.


Tôi không hề thích Rilke: nói cho đúng, Rilke không thuộc về phía của tôi. Một trong những điều khiến tôi càng không thích Rilke hơn nữa, đấy là vì những người như Phạm Công Thiện (& Co.) rất nâng niu Rilke. Tôi nghĩ đây là một manh mối không hề nhỏ (không hề thiếu chắc chắn), để thấy nhiều điều. Một khi những người như thế làm như vậy, thì tức là.

Điều đó không ngăn cản tôi biết Rilke ở mức nào. Đấy là một nhân vật rất lớn. Nhưng không thuộc phía của tôi. Tôi hoàn toàn hiểu, đó là một nhân vật như thế nào, nhưng không vì vậy mà tôi thấy gần gũi: gần như không có "affinité" nào. Tốt nhất là không lại (quá) gần. Giữ khoảng cách bao giờ cũng là điều không dễ. Dẫu Malte Laurids Brigg (đấy mới là cái Rilke nhất): thì sự thể vẫn cứ là, rất ít điểm chung, hoặc có thể nói là không hề có.

(Rilke rất giống Chet Baker, ở chỗ: ai cũng thích; người có cái nhìn hết sức lucide vào Rilke, thêm một lần nữa, là Lukács: cf. Lukács, Lịch sử (ngắn) văn chương Đức, những đoạn Lukács dùng để bình luận thơ của Rilke; khi cần nói đến một nhà thơ, Hermann Broch đã chọn Hofmannsthal thay vì Rilke, tuy chắc chắn Broch biết Rilke lớn hơn Hofmannsthal nhiều)

Linda Lê là người dẫn tôi đến với mười bài thơ cửa sổ của Rilke: nói đúng hơn, cuốn sách của Linda về Marina Tsvetaieva: thời điểm ấy, biết Linda viết một cuốn sách về Marina Tsvetaieva (không những thế, Tsvetaieva còn xuất hiện trong cuốn tiểu thuyết Oeuvres vives tức Chìm xuống, ở đoạn đầu), tôi ngỏ ý muốn đọc nó, và Linda đã gửi quyển sách cho tôi. Không chỉ cuốn sách khiến tôi, sau rất nhiều năm, lại đọc thơ Marina Tsvetaieva, mà nó còn dẫn tôi tới Rilke (trong sách có đoạn về correspondance Rilke-Tsvetaieva).

Vậy thì, hoa hồng và cửa sổ.

(và thêm nữa, tôi rất ghét dịch thơ: chuyện - tức là chuyện ghét dịch thơ: đã kể)

Thậm chí tôi đã bắt đầu dịch những bài hoa hồng (tổng cộng có 24 bài: 10 bài cửa sổ và 24 bài hoa hồng). Nhưng rốt cuộc đấy (và là cho đến tận bây giờ) vẫn cứ là bản nháp. Vả lại, tôi nghĩ là tôi sẽ không hoàn thành (tức là không kết thúc); lý do nằm ở chỗ, tôi nghĩ là tôi biết về hoa hồng ít nhất ở mức không kém hơn so với Rilke.

Và thế là, cửa sổ. Mười bài cửa sổ của Rilke.

Tất nhiên, trong lúc dịch chúng (10 bài cửa sổ: X-cs), có sự tham gia của Linda. Đấy là nguồn cảm hứng. Vừa chỉ đường (dẫn đường), lại vừa là cảm hứng.

Khó khăn (thử thách) thứ nhất: nằm ở khổ thứ hai của bài I. Khi từ "mái đầu" được tìm ra (và sau đó, "Kết tóc mềm thành lọ") thì bài thơ coi như xong, và cuộc đi một mạch đã có thể thực sự bắt đầu.

Mọi thứ rất nhanh: "mi đã biết cách đóng khung nàng", và tôi có thể chắc chắn, ai cũng sẽ thích bài số V, và là tổng thể cả bài, chứ không chỉ vài câu ("nhờ mi người ấy giống/một chút với chính mình"; "Đứa bé con buồn chán/tựa vào mi để mơ"); có người từng bảo với tôi là đặc biệt thích mấy câu trong bài VIII: "Giống như là lũ chó/đi ngủ chân đặt lên/giấc mơ bất chợt thở").

Vẫn với Linda đi cùng, từ đầu đến cuối, như Virgile trong chuyến đi ấy, đến bài X thì, khi gửi bản dịch của tôi cho Linda đọc, tôi nói là tôi thấy tôi dịch bài này đặc biệt thành công (tôi vẫn còn thuộc nhiều câu, như "tay em chìa/vào đêm chia ly", etc.); đọc xong thì Linda reply rằng mình cũng thấy bài ấy đặc biệt thành công.

Đấy chính là irony của câu chuyện: chính vào lúc bắt đầu thấy là thành công được thì hết.


Giờ đây, X-cs đã được in (theo cách thức "hors-commerce", hay nói đúng hơn, "confidentiel"), tôi muốn kể lại câu chuyện.

Những ai muốn có thêm một chút dấu hiệu vào đó thì có thể tìm cách làm cho nó đến tay tôi: tôi sẽ viết thêm vào đó một dòng chữ, "Bản dịch được đề tặng và tưởng niệm Linda Lê"; nếu muốn có thêm chữ ký thì tôi cũng sẽ ký.

(tốt nhất là via nhà xuất bản)


2 comments:

  1. Mong mãi cơ hội có “một chút dấu hiệu” cuối cùng cũng đến (cùng cơn mưa)

    ReplyDelete
  2. Đọc câu chuyện và kinh nghiệm của anh về chuyện kết quả (đơm hoa), nếu đúng thế thì chẳng thèm thành công, t.c buồn bã.

    ReplyDelete