Dec 25, 2023

Milady đến

pew pew

vậy là Milady đã sắp đến: tôi luôn luôn tò mò, Milady đã thực sự có vai trò và ý nghĩa như thế nào trong đào tạo tình dục ở những thằng bé, và là như vậy từ rất nhiều thế hệ; nói cách khác, bao nhiêu thằng bé đã tìm thấy ở nhân vật ấy gợi ý lớn cho sự "coming of age" (cụm từ đặc trưng của Margaret Mead, nhân vật mà ta sẽ bàn tới, dưới đây) của mình

(tiếp tục TB)


Nói đúng hơn, điều mà tôi thấy rất đáng kinh ngạc nằm ở chỗ dường như phụ nữ không hề đọc Les Trois Mousquetaires, hoặc nếu đọc, thì cũng chẳng thấy có gì hay. Trong khi, ngược lại, bất kỳ thằng bé con nào đọc cuốn sách ấy, dẫu đó là một cuốn sách thực sự dày (đọc mãi không hết) đều sẽ giữ từ đó ấn tượng rất lớn, nhiều khi là cả đời. Rất nhiều trường hợp mà tôi biết, khi đã già rồi thì đọc lại nó. Bản tiếng Pháp đầu tiên tôi có trong đời là của một ông già (rất già) tặng cho tôi, một ông già rất Hà Nội, cách đây ngót ba mươi năm. Quyển sách thực sự to, được bọc lại rất cẩn thận, và thấy rõ là đã được dùng để đọc rất nhiều. Chắc chắn, người ta đọc Les Trois Mousquetaires, ngoài câu chuyện của bốn nhân vật chính, còn có ấn tượng (mạnh, cũng rất mạnh) về những điều khác: thứ nhất là nỗi sợ mà nhân vật giáo chủ Richelieu mang lại (dần dà, câu chuyện về các mousquetaire sẽ có thay đổi: từ Richelieu chuyển sang Mazarin, một giáo chủ - Cardinal - kiêm tể tướng khác: từ nỗi hãi hùng chuyển sang sự chế nhạo thói keo kiệt) và thứ hai, Milady. Đây là nhân vật hé lộ thế giới tình dục: làm thế nào mà Milady thoát thân được khi bị nhốt kín ở bên Anh.

Khi câu chuyện về cái vòng đeo cổ của hoàng hậu (đây không phải câu chuyện "Vòng đeo cổ của hoàng hậu" tức là áp phe về Collier de la Reine: câu chuyện rối rắm, lừng danh và nhiều hệ lụy đó có nhân vật chính là Marie-Antoinnette, tức là đời vua Louis XVI, còn đây là vào đời Louis XIII) bắt đầu xuất hiện (vua nghe lời Richelieu đòi hoàng hậu đeo vòng dự bữa tiệc sắp tổ chức, nhưng hoàng hậu lại vừa tặng nó cho quận công Buckingham mất), bốn nhân vật chính sắp sửa lên đường từ Paris sang London (chỉ một mình d'Artagnan đến được nơi): chính đấy là thời điểm để Milady đến - trước đó, trong vòng hơn 15 chương đầu tiên, đấy mới chỉ là một cái bóng mờ, mà người ta bắt đầu đoán được là gián điệp của Richelieu.

Tôi từng nhiều lần thử làm cho một số phụ nữ đọc Les Trois Mousquetaires, kết quả nghèo nàn đến không ngờ: phần lớn không đọc, người nào có đọc thì cũng chẳng nói gì - có thể hiểu là không thấy có gì hay. Why?


Những người hiểu được ngay tại sao Dumas mở đầu Les Trois Mousquetaires bằng cảnh d'Artagnan đi đến Meung, những người ấy giờ đây gần như không có nữa: nhưng Dumas viết sách trước tiên là viết cho những người cùng thời với mình, những người cùng thời đó, cơ may họ biết tại sao lại phải là Meung (một cái "ấp", như Nguyễn Văn Vĩnh gọi), cơ may ấy lớn hơn rất nhiều.

Ngay khi vào truyện, tuy rất kín đáo nhưng Dumas cho thấy ngay mình muốn làm gì: đặt cuốn tiểu thuyết của mình vào một truyền thống. Truyền thống đó đi từ một cuốn sách xa xưa (ta hãy biết đại khái: từ mạt kỳ Trung cổ): Le Roman de la Rose. Tác giả cuốn sách ấy là Jean de Meung. Như chúng ta có thể biết thêm, đó là một trong hai tác giả; người còn lại là Guillaume de Lorris. Truyền thống ấy như thế nào? hết sức ngắn gọn: ca ngợi tình yêu và tinh thần nghĩa hiệp.

Le Roman de la Rose nói bằng ngôn ngữ của phúng dụ, các allegory: tức là giống một cuốn sách khác từng nhắc đến. Ngôn ngữ của phúng dụ - nếu muốn hiểu nhanh - là cái khiến cho tinh thần hiểu được tâm hồn. Cuốn "tiểu thuyết" liên quan đến Jean de Meung gây ra cơn thịnh nộ của một nhân vật khủng khiếp: một Jean khác, Jean Gerson. Với Gerson thì ta có thể đi vào câu chuyện (dài) của sự kiểm soát suy nghĩ với trung tâm là Sorbonne.

Tất nhiên, tất nhiên, tuyệt đại đa số những ai đọc Les Trois Mousquetaires không biết những điều như vậy, và cũng không cần phải biết những điều như vậy. Đấy là ý nghĩa rất lớn của tác phẩm văn chương, vì sức mạnh của cuốn tiểu thuyết nằm ở Richelieu, vừa đúng là Richelieu có thực lại vừa không phải. Và ở Milady. Người đọc, ngoài việc không cần biết đến Jean de Meung, cũng chẳng cần biết điều sau đây: bản thân câu chuyện (câu chuyện về các mousquetaire) ở đâu chui ra? Chỉ con mắt của érudition mới tìm cách biết điều đó (về cơ bản, đấy là một ánh mắt chẳng cần thiết mấy) - điều này đã nói.


Margaret Mead có đọc Les Trois Mousquetaires không? Một câu hỏi rất khó, đằng nào thì tôi cũng không thực sự biết rõ về nhân vật ấy. Những gì Mead đã làm ở nhiều nơi, nhất là Samoa, tất nhiên không thể không làm người ta quan tâm: đây là nhân vật một thời được nhìn nhận như là sự rực rỡ lớn nhất của dân tộc học, điền dã, miêu tả và lý giải các xã hội gọi là sơ khai. Margaret Mead nhận được tất tật những vinh dự mà người ta có thể tưởng tượng, trong công việc nghiên cứu. Nhưng kể từ đó, gió đã xoay chiều: ít nhất người ta không còn mấy tin vào chuyện Mead đã tìm ra được những điều to lớn, hay Mead có thực sự làm công việc của mình một cách chu đáo và đáng tin hay không. Thậm chí, trường hợp này còn hay được lấy làm ví dụ (tấm gương nên tránh) cho việc nhất thiết không được dùng nghiên cứu hiện trường để tìm cách chứng minh cho một lý thuyết nào đó, nhất là khi rất khó kiểm tra.


Milady còn hiện diện trong cả Vingt ans après: một hiện diện thông qua đại diện (con trai, Mordaunt, nhân vật gớm ghê). Épisode xử tội Milady là một trong những trường đoạn kinh khiếp nhất mà Alexandre Dumas từng viết (viên đao phủ ở Lille, etc.).


4 comments:

  1. Từ ngày chăm chỉ đọc blog của anh, đôi từ tiếng Pháp đã thuộc, rất tiếc sách đã mua nhưng em cũng chưa đọc

    ReplyDelete
  2. Mead's ritual: https://www.youtube.com/watch?v=Z8YC0dnj4Jw

    (làm cùng her third husband, Gregory Bateson)

    ReplyDelete
  3. Ngưu tầm ngưu mã tầm mã chó tầm chó

    ReplyDelete
  4. ơ, không bđs nữa à? thị trường đang xuống quá à?

    ReplyDelete