Dec 17, 2013

Borges: mấy truyện ngắn trong Sách Cát

Năm 1975, Borges cho in El libro de arena (Sách Cát). Sau Sách Cát, không còn nhiều tác phẩm nữa. Trong số những gì xuất bản hậu Sách cát, đáng kể có loạt bài giảng mang tên Seven Nights, trong đó có một bài về chủ đề ác mộng và một về Nghìn lẻ một đêm.

Borges về già rất khác với Borges hồi trẻ, hay cả sự nghiệp văn chương của Borges là một sự tiếp nối toàn diện, thống nhất? Chúng ta sẽ đi vào vấn đề hóc búa này sau.


Mấy truyện ngắn trong Sách Cát dưới đây được dịch từ bản tiếng Pháp (Le Livre de sable) của Françoise Rousset, sau này được Barnès chỉnh sửa, đối chiếu từng câu với bản tiếng Anh (The Book of Sand) của Norman Thomas di Giovanni (hai bản này có nhiều chỗ chênh nhau, một số chỗ thậm chí còn khác nhau khá lớn).


Tại Việt Nam, tác phẩm của Borges mới chỉ xuất hiện dưới dạng một "tuyển tập" gồm cả thơ, văn và tiểu luận, xuất bản ngay thời điểm dịch giả Nguyễn Trung Đức qua đời. Tôi cũng sẽ quay trở lại với tuyển tập này sau.




Kẻ khác

Chuyện xảy ra vào tháng Hai năm 1969, tại Cambridge, phía Bắc Boston. Tôi đã không chép nó lại ngay bởi vì lúc đầu tôi chỉ mong quên phứt nó đi để khỏi bị mất trí. Giờ đây, vào năm 1972, tôi nghĩ rằng nếu tôi chép lại nó, người ta sẽ nghĩ nó là truyện và theo thời gian, rất có thể, với tôi nó cũng sẽ trở thành truyện.

Tôi biết rằng khi xảy ra nó thật đáng sợ, còn đáng sợ hơn nữa trong những đêm mất ngủ tiếp theo đó. Nhưng như thế không có nghĩa cái truyện tôi sắp viết ra đây sẽ làm bất kỳ ai khác thấy xúc động.

Lúc ấy là khoảng mười giờ sáng. Tôi ngồi trên một cái ghế băng nhìn ra sông Charles. Cách tôi chừng năm trăm mét về phía tay phải có một tòa nhà cao mà tôi chưa bao giờ biết tên. Lập lờ giữa làn nước xám xịt là những mảng băng lớn. Không thể tránh khỏi, dòng sông khiến tôi nghĩ đến thời gian. Cái hình ảnh nghìn năm tuổi của Héraclite. Đêm trước tôi ngủ ngon và giờ giảng bài buổi chiều trước đó chắc là đã thu hút đám sinh viên của tôi. Xung quanh không có lấy một bóng người.

Đột nhiên tôi có cảm giác (theo các nhà tâm lý học đây là do mệt mỏi) mình đã sống qua khoảnh khắc này.

Có một người đang ngồi cùng tôi trên ghế băng, ở đầu bên kia. Tôi muốn được ở một mình, nhưng lại không muốn đứng lên ngay vì sợ tỏ ra bất lịch sự. Người kia bắt đầu huýt sáo. Chính vào lúc đó xuất hiện nỗi hoang mang đầu tiên của buổi sáng hôm ấy. Anh ta đang huýt sáo, đang cố huýt sáo (tôi chưa bao giờ có tài thẩm âm) điệu nhạc créole La Tapera của Elías Regules.

Điệu nhạc này đưa tôi về một patio giờ đã không còn, và kỷ niệm về người ông họ Álvaro Melián Lafinur, đã chết từ lâu. Rồi tiếng hát cất lên. Câu mở đầu. Giọng thì không phải của Álvaro, nhưng nó cố làm sao cho giống giọng của Álvaro. Tôi kinh hoàng nhận ra giọng nói ấy.

Tôi xích lại gần anh ta, hỏi:

“Thưa anh, anh là người Uruguay hay Argentina?”

“Tôi là người Argentina, nhưng từ năm 1914 tôi sống ở Genève.”

Đó là câu trả lời của anh ta.

Một quãng im lặng. Rồi tôi lại lên tiếng:

“Ở số 17 phố Malagnou, đối diện với nhà thờ Nga phải không?”

Anh ta bảo là đúng thế.

“Nếu vậy,” tôi cả quyết nói với anh ta, “anh tên là Jorge Luis Borges. Tôi cũng là Jorge Luis Borges. Ta đang ở thành phố Cambridge, vào năm 1969.”

“Không phải,” anh ta đáp bằng giọng của chính tôi nhưng nghe hơi xa xôi.

Ngừng một lúc, anh ta trở nên cương quyết:

“Tôi đang ở Genève, ngồi trên một cái ghế băng, cách sông Rhône vài bước chân. Thật kỳ quặc vì chúng ta rất giống nhau, nhưng ông già hơn tôi nhiều, tóc ông bạc hết cả rồi.”

Tôi đáp:

“Tôi có thể cho anh thấy là tôi không nói dối. Tôi sẽ nói cho anh những điều mà một người lạ không thể biết. Ở nhà có một cốc uống maté bằng bạc có chân uốn hình rắn mà cụ chúng ta đã mang từ Peru về. Có cả cái bồn rửa treo tòng teng ở yên ngựa của cụ nữa. Trong tủ phòng ngủ của anh có hai hàng sách. Ba tập Nghìn lẻ một đêm bản dịch của Lane, có hình trang trí kiểu khắc đồng và có những ghi chú chữ nhỏ ở cuối các chương, cuốn từ điển Latinh của Quicherat, Germania của Tacite bằng tiếng Latinh và có bản dịch tiếng Anh của Gordon, một cuốn Don Quichotte do nhà Garnier xuất bản, có Tablas de Sangre của Rivera Indarte với lời đề tặng của tác giả, Sartor Resartus của Thomas Carlyle, một cuốn tiểu sử Amiel và, giấu đằng sau những quyển khác, một quyển sách bìa mềm về tập tục tình dục của các tộc người sống ở Balkan. Tôi cũng còn chưa quên cái lần vào cuối một buổi chiều trên tầng hai một ngôi nhà ở quảng trường Dubourg.”

“Dufour,” anh ta chữa lại.

“Đúng rồi, Dufour. Anh thấy như thế đã đủ chưa?”

“Chưa,” anh ta đáp. “Những bằng chứng đó không chứng tỏ được điều gì. Nếu tôi đang mơ thấy ông thì cũng là tự nhiên nếu ông biết những gì tôi biết. Bảng kiểm kê của ông có dài đến đâu thì cũng vậy thôi.”

Lời phản đối hữu lý. Tôi nói:

“Nếu buổi sáng hôm nay và cuộc gặp này là mơ, thì cả hai chúng ta đều nghĩ mình là người đang mơ. Có thể chúng ta sẽ ngừng mơ, cũng có thể không. Trong lúc đó, chúng ta buộc phải chấp nhận giấc mơ giống như chúng ta đã chấp nhận thế giới, chấp nhận mình được sinh ra, biết nhìn và biết thở.”

“Thế nếu giấc mơ cứ kéo dài mãi?” anh ta lo lắng hỏi.

Để trấn an anh ta và cũng để tự trấn an mình, tôi vờ tỏ ra mình rất chắc chắn mặc dù không hề cảm thấy thế. Tôi bảo anh ta:

“Giấc mơ của tôi đã kéo dài bảy mươi năm rồi. Xét cho cùng, khi nhớ lại, con người ta chỉ có thể thấy lại mình với chính mình. Đây chính là chuyện đang xảy đến với chúng ta, trừ mỗi việc là chúng ta có hai người. Anh không muốn biết vài thứ trong quá khứ của tôi, tức là trong cái tương lai đang đợi sẵn anh à?”

Anh ta lẳng lặng gật đầu. Tôi nói tiếp, hơi có chút hoang mang:

“Mẹ vẫn sống khỏe mạnh ở nhà mẹ, nơi góc phố Charcas và Maipú bên Buenos Aires ấy, nhưng bố thì mất ba mươi năm rồi. Bố mất vì bệnh tim. Bố bị liệt nửa người, tay trái của bố đặt lên tay phải trông giống như tay một đứa bé đặt lên tay một người khổng lồ. Bố đã rất mong được chết cho nhanh nhưng không hề than thở một lời. Bà qua đời trong cùng căn nhà ấy. Vài hôm trước khi mất, bà gọi mọi người lại bên và bảo: “Ta đã là một bà lão, giờ ta đang chết đi, rất chậm chạp. Đừng có ai thấy đau lòng vì một chuyện thông thường và tầm phào như thế đấy nhé.” Norah, em gái của anh, đã lấy chồng và có hai con trai. À nhân tiện, ở nhà mọi người thế nào?”

“Ổn. Bố vẫn suốt ngày nghĩ ra những lời đùa bôi bác tôn giáo. Tối qua bố bảo Jesus giống như tụi gaucho không bao giờ chịu để liên lụy đến mình, thế nên ông ấy rao giảng bằng các dụ ngôn.”

Anh ta ngập ngừng rồi hỏi:

“Thế còn ông?”

“Tôi không biết anh sẽ viết bao nhiêu cuốn sách, nhưng tôi biết là quá nhiều. Anh sẽ viết những bài thơ, chúng khiến anh vô cùng sung sướng nhưng người khác thì không thấy vậy, rồi những truyện có tính chất huyền ảo nữa. Giống bố và nhiều người khác trong nhà, anh sẽ dạy học.”

Tôi mừng vì anh ta không hỏi gì về thất bại hay thành công của những cuốn sách đó. Tôi nói tiếp, giọng đổi đi một chút:

“Còn về lịch sử thì… Có thêm một cuộc chiến tranh nữa, gần như vẫn là giữa những nhân vật chính cũ. Nước Pháp sẽ sớm đầu hàng; Anh và Mỹ nhảy vào đánh nhau với một tay độc tài người Đức tên là Hitler, trận Waterloo long trời lở đất [tôi thấy rất khó hiểu cụm từ này: la bataille cyclique de Waterloo/the cyclical battle of Waterloo]. Quãng 1946, Buenos Aires sinh ra một độc tài Rosas mới, khá giống với người họ hàng của chúng ta. Năm 1955, tỉnh Córdoba cứu chúng ta, như tỉnh Entre Ríos đã làm hồi xưa. Hiện tại mọi chuyện đều tồi tệ. Nước Nga đang chiếm lấy toàn thế giới; nước Mỹ không thể quyết định trở thành một đế chế được vì mắc bệnh mê tín dân chủ. Càng ngày đất nước của chúng ta càng đậm chất tỉnh lẻ hơn. Tỉnh lẻ hơn và kiêu ngạo hơn, cứ như tự bịt mắt không chịu nhìn ngó ấy. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu thấy người ta đưa tiếng Guaraní vào dạy ở nhà trường thay cho tiếng Latinh.”

Tôi để ý thấy anh ta không mấy chú tâm lắng nghe. Nỗi sợ căn bản về sự bất khả tuy thế lại đầy vẻ chắc chắn đang làm anh ta hoảng sợ. Tôi, vốn dĩ chưa từng làm bố, chợt cảm thấy tràn đầy yêu thương với anh chàng tội nghiệp này, anh ta còn thân thiết với tôi hơn cả nếu như anh ta là máu thịt của máu thịt tôi. Tôi thấy anh ta đang cầm một quyển sách trên tay. Tôi hỏi đó là quyển gì.

Lũ người quỷ ám, hay theo tôi đúng hơn phải là Lũ quỷ, của Fedor Dostoievski,” anh ta trả lời, thoáng chút vênh váo.

“Tôi gần như quên mất nó rồi. Nó thế nào nhỉ?”

Vừa hỏi xong tôi đã hiểu câu nói của mình là một sự báng bổ.

“Bậc thầy Nga,” anh ta gằn giọng, “đã tiến sâu hơn bất kỳ ai khác vào mê cung tâm hồn Xlavơ.”

Cách nói hoa mỹ này khiến tôi nghĩ anh ta đã hoàn hồn.

Tôi hỏi anh ta đã đọc những cuốn sách nào khác của bậc thầy này.

Anh ta kể ra dăm cái tên, trong đó có Là bóng hay là hình.

Tôi bèn hỏi đọc chúng như thế anh ta có phân biệt rõ ràng được các nhân vật hay không, giống như khi đọc Joseph Conrad, và anh ta có định đọc hết các tác phẩm khác của Dostoievski không.

“Thật ra là không,” anh ta đáp, hơi ngạc nhiên.

Tôi hỏi anh ta đang viết gì, anh ta đáp đang chuẩn bị in một tập thơ, chắc anh ta sẽ đặt tên là Khúc đỏ. Anh ta cũng đã nghĩ đến chuyện gọi nó là Nhịp đỏ.

“Tại sao lại không nhỉ?” tôi nói với anh ta. “Anh có thể viện dẫn những tập thơ hay trước đây. Thơ xanh của Rubén Darío và khúc nhạc xám của Verlaine.

Chẳng buồn nghe tôi nói, anh ta giải thích rằng tập thơ của anh ta ca ngợi tình anh em giữa mọi con người. Là thi sĩ vào thời này thì không thể quay lưng với thời cuộc.

Tôi trở nên tư lự mất một lúc, rồi tôi hỏi anh ta có thực sự cảm thấy mình là người anh em của tất cả. Chẳng hạn như anh em của tụi chủ nhà đám, bưu tá hay thợ lặn, của mọi kẻ sống ở các số nhà chẵn, của mọi kẻ không có khả năng nói, vân vân. Anh ta bảo tập thơ của anh ta hướng tới đông đảo những người bị áp bức và những người khốn cùng.

“Đông đảo những người bị áp bức và những người khốn cùng của anh,” tôi đáp, “chỉ là một sự trừu tượng. Chỉ các cá nhân mới tồn tại, nếu quả thật có ai đó tồn tại. Người của hôm qua không phải người của hôm nay, một tay Hy Lạp nào đó từng nói vậy. Hai chúng ta, trên cái ghế băng Genève hoặc Cambridge này, chính là bằng chứng cho điều đó.”

Trừ ở những trang nghiêm trọng của lịch sử, các sự kiện đáng nhớ đâu cần đến những câu văn đáng nhớ. Một người sắp chết cố nhớ lại một bức tranh hồi bé mình từng ngắm; đám lính sắp xung trận nói về bùn hoặc tay chỉ huy. Tình huống chúng ta ở vào là duy nhất và, nói cho đúng, chúng ta không hề được chuẩn bị cho nó. Cứ như số phận muốn vậy ấy, chúng tôi đã nói về văn chương; tôi e là đã nói không khác những gì tôi vẫn nói với cánh nhà báo. Alter ego của tôi tin vào sự bịa ra hay phát hiện những ẩn dụ mới; còn tôi thì tin vào những ẩn dụ tương ứng với các liên quan gần gũi và hiển nhiên mà trí tưởng tượng của chúng ta đã chấp nhận. Tuổi già của con người và hoàng hôn, những giấc mơ và cuộc đời, thời gian trôi và nước. Tôi trình bày ý kiến của mình với anh ta để nhiều năm sau này anh ta sẽ trình bày nó trong một cuốn sách.

Anh ta chẳng mấy lắng nghe. Đột nhiên, anh ta nói:

“Nếu ông là tôi thì ông giải thích thế nào về việc ông đã quên mất cuộc gặp với một ông già từng bảo với ông rằng ông ta cũng là Borges, vào năm 1918?”

Tôi chưa hề nghĩ đến điểm trớ trêu này. Tôi đáp, không mấy tin tưởng:

“Có thể chuyện ấy quá mức kỳ quặc nên tôi đã cố quên nó đi.”

Anh ta ngập ngừng hỏi một câu rụt rè:

“Trí nhớ của ông thế nào rồi?”

Tôi hiểu ra rằng với một cậu con trai chưa tròn hai mươi tuổi, một ông già trên bảy mươi giống như là đã chết. Tôi đáp:

“Phần lớn thời gian nó giống như sự quên lãng ấy, nhưng nó vẫn tìm ra được những gì mà nó được yêu cầu đi tìm. Tôi đang học tiếng Anh cổ và không bị đội sổ trong lớp đâu nhé.”

Cuộc trò chuyện của chúng tôi đã kéo quá dài, không giống một giấc mơ nữa.

Đột nhiên tôi nảy ra một ý.

“Tôi có thể chứng minh ngay lập tức,” tôi bảo anh ta, “rằng không phải là anh đang mơ thấy tôi. Nghe cho kỹ câu thơ này nhé, anh chưa bao giờ đọc nó đâu, nhưng tôi thì biết.”

Tôi chậm rãi đọc câu thơ nổi tiếng:

L’hydre-univers tordant son corps écaillé d’astres

Tôi cảm nhận được sự sững sờ gần như hoảng sợ của anh ta. Anh ta nhỏ giọng nhắc lại nó, ngâm nga từng từ rực rỡ.

“Đúng vậy,” anh ta thì thầm. “Tôi sẽ chẳng bao giờ viết nổi một câu thơ như thế này.”

Victor Hugo đã kết hợp chúng tôi với nhau.

Trước đó, giờ thì tôi đã nhớ lại, anh ta say sưa đọc đi đọc lại bài thơ ngắn của Walt Whitman trong đó nhà thơ nhớ đến một đêm vô cùng hạnh phúc bên bờ biển.

“Whitman ca ngợi cái đêm đó,” tôi nêu nhận xét, “là bởi ông ấy mong mỏi nó nhưng nó chưa từng diễn ra. Bài thơ đẹp hơn nếu ta đoán định được nó diễn đạt một ham muốn chứ không kể lại một câu chuyện.”

Anh ta nhìn tôi một lúc lâu.

“Ông không biết rõ ông ấy rồi,” anh ta kêu lên. “Whitman không bao giờ nói dối.”

Nửa thế kỷ trôi qua đã không phí hoài. Qua cuộc trò chuyện giữa những người có sự đọc trộn lẫn và gu thẩm mỹ khác nhau này, tôi hiểu ra là chúng tôi chẳng bao giờ hiểu được nhau. Chúng tôi quá khác nhau và quá giống nhau. Chúng tôi không thể bắt lỗi lẫn nhau, điều đó khiến cho sự đối thoại trở nên khó khăn. Chúng tôi là bản sao đầy tính chất biếm họa của nhau. Tình huống quá mức bất thường nên không thể kéo thật dài được. Khuyên nhủ hay tranh luận đều là vô ích, bởi vì số phận không thể tránh khỏi của anh ta là sẽ phải trở thành tôi.

Bỗng tôi nhớ đến một câu chuyện của Coleridge. Một người nằm mơ anh ta đi ngang qua thiên đường và được tặng một bông hoa làm bằng chứng. Lúc anh ta tỉnh dậy, bông hoa vẫn ở đó.

Tôi nảy ra ý định làm một việc tương tự.

“Nghe này,” tôi nói với anh ta, “anh có tiền trên người không?”

“Có,” anh ta đáp. “Tôi có khoảng hai mươi franc. Tối nay tôi sẽ mời Simon Jichlinski đến quán Crocodile.”

“Bảo Simon là cậu ấy sẽ làm nghề bác sĩ ở Carouge, và cậu ấy sẽ làm rất nhiều việc tốt… Giờ thì đưa tôi một đồng xu đi.”

Anh ta lấy ra ba đồng bạc và một ít xu lẻ. Mặc dù không hiểu gì, anh ta vẫn đưa cho tôi một đồng bạc lớn.

Tôi đưa lại cho anh ta một tờ tiền Mỹ không mấy hữu lý, chúng bằng nhau chằn chặn cho dù mang mệnh giá bao nhiêu. Anh ta chăm chú săm soi nó.

“Không thể nào,” anh ta kêu lên. “Đây là tiền năm 1964!”

Mấy tháng sau, tôi được nói cho biết là tiền giấy không bao giờ ghi năm.

“Thật là kỳ diệu,” anh ta thốt lên, “mà những điều kỳ diệu thì gây sợ hãi. Những người chứng kiến Lazare sống lại chắc phải kinh hãi với kỷ niệm ấy lắm.”

Bọn ta chẳng hề thay đổi gì cả, tôi nghĩ. Lúc nào cũng là trò viện dẫn sách vở ấy.

Anh ta xé nhỏ tờ tiền của tôi và nhét đồng tiền của mình trở lại túi.

Tôi những muốn ném nó xuống sông. Đường bay của đồng xu bạc cắm xuống mặt nước bạc hẳn sẽ mang lại cho câu chuyện của tôi một hình ảnh sống động, nhưng số phận đã quyết định khác hẳn về nó.

Tôi đáp lại rằng chuyện siêu nhiên sẽ không còn đáng sợ nếu xảy ra hai lần.

Tôi đề nghị ngày hôm sau chúng tôi sẽ gặp lại nhau trên cùng cái ghế tồn tại cùng lúc ở hai thời điểm và hai địa điểm này.

Anh ta nhận lời ngay và bảo tôi rằng anh ta đã bị muộn giờ, mà không nhìn đồng hồ đeo tay. Cả hai chúng tôi đều đang nói dối và đều biết người kia đang nói dối. Tôi bảo anh ta là sắp có người đến tìm tôi rồi.

“Đến tìm ông à?”

“Phải. Khi nào bằng tuổi tôi, anh sẽ gần như bị mù. Anh sẽ chỉ còn nhìn thấy màu vàng, ánh sáng và bóng tối. Đừng lo. Mù lòa dần dần không phải là chuyện gì bi thảm đâu. Giống như một buổi tối mùa hè chầm chậm buông xuống thôi.”

Chúng tôi tạm biệt nhau, không hề chạm vào người nhau chút nào. Hôm sau tôi không đến chỗ hẹn. Anh ta chắc cũng không đến.

Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về cuộc gặp ấy, mà tôi chưa từng kể cho một ai. Tôi tin mình đã tìm được lời giải cho nó. Cuộc gặp là thực, nhưng kẻ khác đã nói chuyện với tôi trong mơ và bởi vậy nên đã có thể quên tôi đi; còn tôi, tôi nói chuyện với anh ta trong trạng thái tỉnh và ký ức về anh ta vẫn còn khuynh đảo tôi.

Kẻ khác mơ về tôi, nhưng cũng không chính xác là vậy. Anh ta, giờ thì tôi đã hiểu, mơ thấy cái năm bất khả ghi trên tờ đô la.





Cõi không tưởng của một người mệt mỏi

Ông ta gọi nó là Cõi không tưởng, cái từ có nguồn gốc Hy Lạp này muốn nói rằng một nơi như thế không tồn tại.

Quevedo

Không ngọn đồi nào giống ngọn đồi nào nhưng khắp nơi trên trái đất đồng bằng đều y hệt nhau. Tôi bước đi trên một con đường đồng bằng. Tôi tự hỏi, nhưng không thấy điều này có gì quan trọng, đây là Oklahoma, Texas hay cái vùng của Argentina mà trong văn chương người ta vẫn hay gọi là pampa. Cả bên phải lẫn bên trái đều không thấy có hàng giậu nào. Thêm một lần tôi chậm rãi ngâm mấy câu thơ của Emilio Oribe:

Ở giữa dải đồng bằng bất tận đáng sợ
Nơi ấy, gần Braxin,

Chúng cứ không ngừng to lớn và mở rộng thêm.

Con đường gập ghềnh. Mưa bắt đầu rơi. Cách chừng vài trăm mét tôi nhìn thấy ánh đèn một ngôi nhà. Đó là một ngôi nhà thấp hình chữ nhật, cây cối vây xung quanh. Người đàn ông mở cửa cho tôi cao lớn đến mức gần như khiến tôi sợ hãi. Ông ta vận đồ màu xám. Tôi có cảm giác ông ta đang đợi một ai đấy. Trên cửa không có ổ khóa.

Chúng tôi bước vào một căn phòng rộng bốn bề là tường gỗ. Một ngọn đèn trần tỏa xuống thứ ánh sáng vàng lợt. Không hiểu sao tôi thấy cái bàn có vẻ gì đó kỳ quặc. Trên bàn đặt một cái đồng hồ cát, tôi mới chỉ từng nhìn thấy những cái đồng hồ tương tự trên một bức tranh khắc cổ xưa nào đó. Người đàn ông chỉ cho tôi một cái ghế.

Tôi thử nói nhiều thứ tiếng khác nhau nhưng chúng tôi không sao hiểu được nhau. Khi cất tiếng, hóa ra ông ta dùng tiếng Latinh. Tôi đành gom góp những gì còn nhớ được từ hồi xa xưa khi còn đi học để chuẩn bị bước vào cuộc đối thoại.

“Căn cứ vào trang phục của anh,” ông ta nói với tôi, “tôi thấy là anh từ một thế kỷ khác đến. Sự đa dạng ngôn ngữ tạo điều kiện thuận lợi cho sự đa dạng tộc người và cho cả chiến tranh nữa; thế giới đã quay trở về với tiếng Latinh rồi. Nhiều người sợ rằng tiếng Latinh rồi sẽ lại biến chất để trở thành tiếng Pháp, tiếng Limousin hay tiếng Papiamento, nhưng đó không phải là một nguy cơ nhãn tiền. Dẫu có thế thì tôi cũng không quan tâm đến quá khứ hay tương lai.”

Tôi không nói gì, thế là ông ta tiếp tục:

“Nếu không thấy khó chịu khi nhìn người khác ăn, anh có muốn ăn cùng tôi không?”

Tôi hiểu rằng ông ta đã nhận ra sự bối rối của tôi và nhận lời mời của ông ta.

Chúng tôi đi qua một hành lang cả hai bên đều có những cánh cửa, nó dẫn tới một căn bếp hoàn toàn làm bằng kim loại. Chúng tôi quay trở lại, tay cầm khay đựng đồ ăn: những bát ngũ cốc, một chùm nho, một thứ quả lạ có hương vị khiến tôi nghĩ đến sung, và một bình to đựng nước. Tôi nghĩ là không có bánh mì. Đường nét khuôn mặt ông chủ nhà sắc nhọn và trong ánh mắt ông ta có một vẻ gì đó rất lạ. Tôi sẽ không quên nổi khuôn mặt khắc khổ nhợt nhạt ấy, mà sau này tôi sẽ không gặp lại. Trong lúc nói ông ta không làm một cử chỉ nào.

Tôi ngại ngần vì phải nói chuyện bằng tiếng Latinh, nhưng vẫn nói được với ông ta:

“Tôi xuất hiện đột ngột thế này mà ông không thấy ngạc nhiên à?”

“Không,” ông ta đáp. “Từ thế kỷ này sang thế kỷ khác chúng tôi thỉnh thoảng vẫn có những chuyến viếng thăm như thế này. Những chuyến thăm ấy không kéo dài lắm đâu; chậm nhất là ngày mai anh sẽ về nhà thôi.”

Giọng nói cả quyết của ông ta khiến tôi trấn tĩnh. Tôi thấy cần tự giới thiệu:

“Tôi tên là Eudoro Acevedo. Tôi sinh năm 1897 ở thành phố Buenos Aires. Tôi đã hơn bảy mươi tuổi. Tôi là giáo sư văn chương Anh-Mỹ, tôi viết truyện huyền ảo.”

“Tôi nhớ là đã đọc,” ông ta đáp, “hai truyện huyền ảo, tôi thấy cũng hay. Những cuộc du hành của thuyền trưởng Lemuel Gulliver, được nhiều người nghĩ là chuyện thực, và Summa Theologiae. Nhưng ta đừng nói về những điều cụ thể. Giờ đây chẳng còn ai quan tâm đến các sự kiện nữa đâu. Đó chỉ là những điểm khởi đầu cho sáng chế và suy luận mà thôi. Ở trường, chúng tôi được học nghi ngờ và nghệ thuật quên. Trước tiên là quên những gì thuộc về cá nhân và địa phương. Chúng ta sống trong thời gian, nó là thứ tiếp diễn, nhưng chúng tôi thử sống sub specie aeternitatis [theo kiểu vĩnh viễn]. Từ quá khứ chúng tôi chỉ giữ lại vài cái tên mà ngôn ngữ tìm cách quên đi. Chúng tôi tránh những điều cụ thể vô ích. Không còn ngày tháng cũng chẳng còn lịch sử. Cũng không còn thống kê nữa. Anh bảo anh tên là Eudoro; nhưng tôi thì không nói được tôi tên là gì, vì tôi chỉ được gọi là một ai đó.”

“Thế bố ông tên là gì?”

“Ông ấy không có tên.”

Trên một bức tường tôi thấy một giá sách. Tôi cầm đại một quyển mở ra xem; các chữ trong đó được viết bằng tay, sắc nét và không hiểu nổi. Kiểu chữ góc cạnh khiến tôi nghĩ đến bảng chữ cái Runes, thế nhưng loại chữ này thường chỉ được dùng để viết mộ chí. Tôi tự nhủ người tương lai không chỉ cao lớn hơn chúng ta mà còn khéo léo hơn. Theo bản năng, tôi liếc nhìn những ngón tay thon dài của người đàn ông.

Ông ta bảo tôi:

“Giờ tôi sẽ cho anh xem một thứ mà anh chưa bao giờ nhìn thấy.”

Ông ta cẩn trọng chìa cho tôi một bản Utopia của More, in ở Basel vào năm 1518, quyển sách không có các trang và các minh họa.

Tôi đáp, hơi có chút bần thần:

“Đây là một quyển sách in. Ở nhà tôi có hơn hai nghìn quyển, nhưng dĩ nhiên chúng đều không cổ và không quý bằng quyển này.”

Tôi đọc to nhan đề cuốn sách.

Ông ta phá lên cười.

“Chẳng có ai đọc được hai nghìn cuốn sách đâu. Trong vòng bốn thế kỷ đã sống qua chắc tôi đọc không đến nửa chục cuốn. Vả lại, điều quan trọng không phải là đọc, mà là đọc lại. Sự in ấn giờ đây đã bị hủy bỏ, nó từng là một trong những thảm họa tồi tệ nhất của loài người, vì nó có xu hướng sản xuất ra những văn bản vô tích sự nhiều đến chóng cả mặt.”

“Thời của tôi, mới vừa đây thôi,” tôi đáp, “có một sự mê tín rằng từ hôm nay đến ngày mai sẽ xảy ra những sự kiện mà nếu không biết thì thật là đáng xấu hổ. Hành tinh này đầy rẫy những bóng ma tập thể: Canada, Braxin, Congo thuộc Thụy Sĩ và Thị trường chung. Gần như chẳng có ai biết gì về lịch sử trước đó của những thực thể Platon này, nhưng ngược lại họ biết tất tật về hội nghị mới nhất của ngành sư phạm, những đoạn tuyệt về quan hệ ngoại giao sắp xảy ra, rồi những thông báo được viết bởi tay thư ký của tay thư ký, bằng cái thứ văn phong rất thiếu chính xác đặc trưng ấy. Người ta đọc những thứ đó để rồi quên ngay, vì chỉ vài tiếng đồng hồ sau lại có thêm những chuyện vớ vẩn khác xóa nhòa chúng đi. Trong số mọi nghề ngỗng trên đời, nghề chính trị gia chắc hẳn là nghề nổi nhất. Một đại sứ hay một bộ trưởng giống như kẻ tàn tật cần được chuyển từ chỗ này sang nơi khác trên những loại xe dài và ồn ĩ, vây quanh là đám xe máy và lũ cận vệ, bị tụi nhiếp ảnh gia hau háu rình mò. Như thể bọn họ bị chặt mất chân ấy, mẹ tôi vẫn hay nói thế. Hình ảnh và chữ in còn thực hơn bản thân mọi thứ. Chỉ những gì in ra là có thực. Esse est percipi (ta chỉ tồn tại nếu được chụp ảnh), đó là khởi đầu, trung tâm và kết thúc của thế giới quan đặc thù của chúng tôi. Trong quá khứ của tôi, người ta ngây thơ lắm; họ tin một thứ hàng hóa là tốt bởi vì kẻ sản xuất ra nó khẳng định điều đó rồi cứ thế nhắc đi nhắc lại. Cũng hay có trộm cắp, mặc dù chẳng ai không biết rằng sở hữu tiền bạc chẳng hề làm người ta hạnh phúc hay thanh thản hơn.”

“Tiền à?” người đàn ông nhắc lại. “Giờ thì chẳng ai còn phải chịu cảnh nghèo khó nữa, chắc hẳn đó là thứ không thể chịu đựng nổi, cũng không phải chịu cảnh giàu có, hẳn đó là hình thức thô lậu đáng bực mình hơn cả. Ai cũng có một phận sự.”

“Giống như các rabbi,” tôi nói.

Ông ta có vẻ không hiểu, vẫn nói tiếp:

“Cũng không còn các thành phố nữa. Nếu căn cứ vào đống đổ nát của Bahia Blanca, mà tôi từng thăm thú vì tò mò, thì chúng tôi đã không mất đi nhiều nhặn gì. Vì không còn sở hữu nên cũng không có thừa kế nữa. Ở tuổi một trăm, khi đã trưởng thành, con người đã sẵn sàng đối diện với chính mình, đối mặt với sự cô đơn. Ở tuổi ấy anh ta cũng đã sinh một đứa con trai.”

“Chỉ một thôi à?” tôi hỏi.

“Đúng. Chỉ một thôi. Chẳng có lý do gì để phát triển giống người. Một số người nghĩ rằng con người là một cơ quan của thần linh, cơ quan ấy giúp hắn nhận thức được vũ trụ, nhưng chẳng ai biết chắc được rằng một thần linh như thế có tồn tại hay không. Tôi nghĩ giờ đây chúng tôi đã đến giai đoạn thảo luận về ưu và nhược của tự sát dần dần hay ngay lập tức đối với toàn thể cư dân hành tinh. Nhưng thôi, ta hãy quay trở về với những điều đang bàn đã.”

Tôi gật đầu đồng ý.

“Đến tuổi một trăm, con người có thể không cần đến tình yêu và tình bạn nữa. Những bất trắc và cái chết bất như nguyện không còn là một mối đe dọa đối với anh ta. Anh ta thực hành một nghệ thuật nào đó, lao vào triết học, toán học hoặc chơi cờ một mình. Khi nào muốn, anh ta tự sát. Con người trở thành người chủ cuộc sống và cả cái chết của mình.”

“Nghe như một câu trích dẫn nhỉ?” tôi hỏi.

“Đúng rồi. Giờ chúng tôi chỉ còn các trích dẫn thôi. Ngôn ngữ là một hệ thống các trích dẫn.”

“Thế còn cuộc phiêu lưu vĩ đại của thời tôi, những chuyến bay vào vũ trụ, thì sao?” tôi hỏi.

“Chúng tôi đã từ bỏ những chuyến du hành đó từ nhiều thế kỷ rồi. Chắc chắn là chúng rất đáng ngưỡng mộ, nhưng ta đâu có thể thoát khỏi nơi đây và lúc này.”

Và với một nụ cười ông ta nói thêm:

“Vả lại, tất cả các chuyến đi ấy đều diễn ra trong không gian. Đi từ hành tinh này sang hành tinh khác thì đâu có khác gì đi từ đây sang nông trại trước mặt. Khi anh bước vào căn phòng này thì cũng có nghĩa anh đang thực hiện một chuyến đi trong không gian.”

“Đúng thế,” tôi đáp. “Người ta cũng hay nói về các chất hóa học và các loài thú.”

Giờ đây người đàn ông quay lưng về phía tôi và nhìn ra cửa sổ. Bên ngoài, đồng bằng trắng xóa tuyết và ánh trăng.

Tôi đánh liều hỏi:

“Còn có các viện bảo tàng và thư viện không?”

“Không. Chúng tôi muốn quên đi quá khứ, trừ khi viết những bài ca tụng. Không còn các lễ tưởng niệm, kỷ niệm hay tượng người chết nữa. Mỗi người chúng tôi phải tự chế tác ra khoa học và nghệ thuật mà mình cần.”

“Vậy thì ai cũng phải trở thành Bernard Shaw, Đấng Ki-tô và Archimède của chính mình.”

Ông ta gật đầu.

“Các chính phủ thì thế nào?” tôi hỏi.

“Theo truyền thống, chúng dần dà trở nên lạc hậu. Chúng tổ chức bầu cử, tuyên bố chiến tranh, thu thuế, tịch thu các tài sản, bắt người, tìm cách kiểm duyệt nhưng có ai trên đời thèm quan tâm đâu. Báo chí đã ngừng đăng các bài diễn văn và ảnh của họ. Đám chính trị gia phải tự tìm những nghề nghiệp lành mạnh; một số trở thành diễn viên giỏi hoặc người chữa bệnh giỏi. Thực tế từng diễn ra hẳn là phức tạp hơn những gì tôi vừa mới tóm tắt sơ lược.”

Ông ta nói tiếp, giọng đã thay đổi:

“Tôi đã dựng ngôi nhà này, nó giống hệt mọi ngôi nhà khác. Tôi tự làm đồ đạc và các thứ dụng cụ. Tôi cày bừa trên mảnh ruộng kia, nó sẽ được những người mà tôi không quen biết cải thiện thêm. Tôi có nhiều thứ cho anh xem lắm.”

Tôi theo ông ta vào một phòng bên cạnh. Ông ta bật một ngọn đèn cũng treo trên trần nhà. Trong một góc, tôi nhìn thấy một cây đàn hạc chỉ có vài dây. Trên tường treo những bức tranh hình chữ nhật, màu chủ đạo là vàng. Có vẻ như chúng không được cùng một bàn tay vẽ ra.

“Tác phẩm của tôi đấy,” ông ta tuyên bố.

Tôi xem các bức tranh và dừng lại trước bức nhỏ nhất, nó vẽ hay gợi lên cảnh hoàng hôn, ở nó có điều gì đó như vô tận.

“Nếu thích thì anh có thể lấy nó, coi như kỷ niệm về một người bạn tương lai,” ông ta nói với tôi, giọng bình thản.

Tôi cảm ơn ông ta, nhưng có những bức tranh khiến tôi cảm thấy khó ở. Tôi sẽ không nói chúng gần như có màu trắng, nhưng cũng gần như vậy.

“Chúng được vẽ bằng những màu mà mắt quá khứ của anh không nhìn thấy được đâu.”

Một lúc sau, hai bàn tay thanh nhã của ông ta gảy các sợi dây đàn hạc, tôi chỉ nghe thấy vài âm thanh mơ hồ.

Đúng lúc ấy có tiếng gõ cửa.

Một người đàn bà cao lớn cùng ba hay bốn người đàn ông bước vào. Có thể nói họ là anh chị em ruột, hoặc giả rốt cuộc thời gian đã làm họ trở nên giống nhau. Ông chủ nhà của tôi nói chuyện với người đàn bà trước.

“Tôi đã biết là kiểu gì tối nay cô cũng sẽ đến mà. Cô có gặp Nils không?”

“Thỉnh thoảng. Anh ấy vẫn vẽ hăng lắm.”

“Mong sao cho anh ấy còn thành công hơn bố.”

Công việc tháo dỡ bắt đầu. Các cảo bản, tranh, đồ đạc, dụng cụ, chúng tôi không để lại thứ gì trong nhà.

Người đàn bà cũng làm việc cùng cánh đàn ông. Tôi thấy ngượng vì mình quá ốm yếu không giúp được gì nhiều. Không ai đóng cửa và chúng tôi đi ra, mang theo đống đồ. Tôi nhận thấy ngôi nhà có mái dốc.

Đi được mười lăm phút, chúng tôi rẽ sang trái. Tôi nhìn thấy từ xa một ngôi nhà như tòa tháp mái tròn.

“Đây là lò hỏa thiêu,” một người cất tiếng. “Trong đó có căn phòng chết. Người ta bảo nó là phát minh của một nhà nhân đạo, hình như tên là Adolf Hitler.”

Người gác, mang thân hình to lớn giờ đây không còn làm tôi kinh ngạc nữa, mở cổng cho chúng tôi.

Ông chủ nhà của tôi lẩm bẩm vài câu. Trước khi bước vào đó, ông ta vẫy tay chào tạm biệt chúng tôi.

“Chắc tuyết còn rơi nữa,” người đàn bà nói.

Trong phòng làm việc ở phố Mexico tôi vẫn giữ bức tranh mà ai đó sẽ vẽ, hàng nghìn năm nữa, bằng những chất liệu giờ đây đang rải rác đâu đó trên hành tinh.

14 comments:

  1. "the cyclical battle of Waterloo" có lẽ ám chỉ đến khái niệm Eternal Return, khi so sánh Napoleon và Hitler.

    ReplyDelete
    Replies
    1. nghĩ nhiều khía rồi nhưng đều chưa thấy make sense, thôi cứ tạm note lại đó đã

      Delete
    2. Cách hiểu trên của em dựa vào bài "The Doctrine of Cycles" cũng của Borges. Trong đó có đọan cước chú như sau.

      "Nietzsche, in 1874, jeered at the Pythagorean thesis that history repeats itself cyclically ( V Nutzen und Nachteil der Historie). (Note added in 1953.)"

      Bài "The Doctrine of Cycles" có thể xem là phản đề của bài "Circular Time", sử dụng lí thuyết của Cantor để phản bác giả thiết nền móng của Eternal Return, "The number of all the atoms that compose the world is immense but finite, and as such only capable of a finite (though also immense) number of permu­tations."

      Delete
    3. đây rồi, tìm ra manh mối rối:

      trong bài trả lời phỏng vấn Dick Cavett, Borges nói: "Khi mà người ta ngưỡng mộ Napoléon, thì tại sao họ lại không ngưỡng mộ cả Hitler? Với tôi hai người ấy là một cặp" (trích từ "Jorge Luis Borges et la littérature française" của Ricardo Romera Rozas

      thế thì hiểu được là với Borges, việc các nước tập hợp đánh Pháp (Waterloo) không khác khi các nước tập hợp đánh quân Đức của Hitler

      Delete
    4. há há Mr.Tinvan cũng "đi một đường" về vụ này rồi nè

      Trong lời Bạt, "Thiên Tài của Từ", Genius of the Word, Willis Barnstone (Oakland, 2013) kể giai thoại, khi cuộc chiến Malvinas vào năm 1982, giữa Argentia và Anh, xẩy ra, Borges được hỏi, ai đúng. Borges, tất nhiên đặc Á Căn Đình, nhưng bà ngoại của ông, Ăng Lê, bèn trả lời, đây đúng là cuộc chiến giữa hai anh đầu trọc, vì 1 chiếc lược, "The Falklands thing was a fight between two bald men over a comb".

      Phải là 1 thiên tài về từ - một Borges buồn phiền, u uẩn - thì mới có thể chuyển sự phù phiếm của chiến tranh thành 1 ẩn dụ khùng: Only a rueful Borges could turn war’s futility into mad metaphor.

      Ông viết, đâu đó, Hitler là kẻ muốn thua, một cách nào đó.
      [You wrote about Hitler somewhere that you saw him as a man who wanted to lose, in some way]

      Borges. Có, Yes, nhưng có thể trọn câu chuyện này chỉ là “đồ chơi” văn học, a literary game, của tôi. Nhưng mà này, kể từ khi có người ngưỡng mộ Napoleon, thì tại làm sao, không ngưỡng mộ Hitler? Cũng là thứ ăn cướp như nhau. Nếu bạn ngưỡng mộ ăn cướp thì bạn trở thành ăn cướp, chính bạn.

      http://www.tanvien.net/Viet/Greene_Borges_Memory.html

      Delete
    5. có đọc truyện này cách đây 3-4 năm trên số xuân tờ Văn nghệ, nhưng chắc k phải bản dịch này :p

      Delete
    6. truyện này là truyện nào í nhờ? cái số xuân thần thánh í quên gần hết là có những gì rồi hehe

      Delete
    7. thì El otro đấy. e cũng chả nhớ. giờ dò la ra người thực hiện cái chuyên đề ấy chắc cũng không khó hehe

      Delete
    8. Đồng Nhơn đúng đấy, dịch là "trận Waterloo muôn thuở" có được không ?
      @ Dong Nhon : Vous êtes jeune, je vois !
      LH

      Delete
  2. Lâu lắm mới lại được đọc Borges, mà có người dịch rất lịch lãm mới chết chứ :D

    ReplyDelete
  3. Hình như nhà biên khảo HNT của TV cũng đả dịch Sách Cát? NQT

    ReplyDelete
    Replies
    1. Thưa với Mr.Tinvan là HNT dịch duy nhất truyện “El disco” (Chiếc đĩa) trong tập "El libro de arena " (HNT dịch là "Cuốn sách của cát").

      http://www.tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=875

      Delete
  4. Đúng vậy. Truyện ngắn Cái Dỉa. NQT

    ReplyDelete
  5. Cuốn sách của cát, là cái tít tiếng Tây: Le Livre de sable. Tôi có cuốn này, mua lần qua Paris, tá túc nhà Kiệt Tấn. NQT

    ReplyDelete