Dec 19, 2013

Văn chương Raymond Carver

Đọc đến Cathedral, tập truyện ngắn thứ ba của Carver in tại Việt Nam, chợt nhận ra vì sao lâu nay tôi lại mang ác cảm sâu xa như vậy với văn chương như thế này.

Lại nhớ đến What We Talk About When We Talk About Love, thoạt tiên nó là Beginners, dưới bàn tay biên tập của editor Gordon Lish thì mới có cái tên kia; vấn đề là tại sao Gordon Lish lại sửa như vậy, và tại sao Gordon Lish biên tập truyện của Carver một cách ghê rợn, theo bảng tổng kết của Max, có những truyện Lish gạch bỏ 80% khỏi bản thảo đầu.


Gordon Lish là minh chứng cho thấy giới editor cũng có thiên tài, điều đó thì hiển nhiên rồi, nhưng còn thêm nữa: What We Talk About When We Talk About Love là một cái gì đó rất kỳ quặc: nó hoàn toàn có thể là What We Talk About Love, hoặc About Love, nhưng Gordon Lish đã chọn What We Talk About When We Talk About Love: theo tôi ấy là vì Gordon Lish đã nhận ra ở Carver cái khía cạnh man rợ, "Love" trong mắt của Carver là một thứ kỳ cục, bệnh hoạn, cả cụm What We Talk About When We Talk About Love như là cách để Lish báo trước: cẩn thận đi, đề phòng đi, cha này không vừa đâu :p

Haruki Murakami, một người rất rành Carver, đã sửa lại cái nhan đề này, làm cho nó bớt hẳn màu sắc man rợ đi: What I Talk About When I Talk About Running: đặt một thứ bình thường là Running thế vào Love, Murakami vuốt lại một Carver quá hiểm độc, cho bình thường hơn, yên ổn hơn; trong Cathedral có truyện "Where I'm Calling From" cũng có chi tiết nhân vật rơi xuống giếng, cái giếng Carver dĩ nhiên cũng khác hẳn giếng cứu rỗi của Murakami.

Để hình dung một cách thô thiển về "cách nhìn của Carver", để tôi nói thế này hehe.

Ở Việt Nam phụ nữ hay đi xe máy, nhiều người lại mặc váy bó lại khá ngắn, dạng robe moulante, tầm chiều chiều đường đông rất hay có cảnh chị này chị kia đang đi thì phải phanh kít rồi thả chân xuống giữ thăng bằng, trong khoảnh khắc ấy hầu như tất cả đều để lộ một cái ta gọi là xơ níp.

Chuyện này là rất bình thường, đàn ông chín chắn trong nhiều tình huống đa dạng trên đường đều biết trước sắp lộ xơ níp đến nơi rồi, đàn ông Hà Nội đi ngoài đường chắc đều từng không ít lần như thế, nhòm thấy phụ nữ không quen ngoài đường mặc xơ níp màu gì.

Người bình thường sau vài lần nói chung chắc đều tránh nhìn vì thấy gớm quá, chả có gì hay ho, nhất là tầm chiều muộn sau cả một ngày, cái í nhìn chung không thể sạch sẽ được nữa, nhưng sẽ có loại thứ hai, nhìn cho bằng được, thậm chí còn phấn khích, trong người tự dưng tăng lên một loại hóa chất nào đó.

Cái nhìn của Raymond Carver thuộc loại thứ hai này, thế cho nên đọc truyện của Carver luôn luôn có cảm giác rất ghê người, nhìn chung xưa nay phê bình về văn chương Carver rất nhiều người đã công nhận trong lúc đọc thấy có "thrill" rất kinh, là vì Carver không dừng lại ở chỗ lẽ ra người ta nên dừng lại, nhòm vào những cái chỗ người khác tự biết ngăn mình không nhòm vào.

Trong một lần trả lời phỏng vấn, nhà văn António Lobo Antunes, đang không liên quan gì, bỗng nhắc tới Raymond Carver, rồi bảo kinh chết cha cái trò soi mói từng li từng tí phòng khách nhà bếp con người ta, những xấu xa bẩn tính chi li của con người.

Raymond Carver lại còn có rất nhiều chiêu độc, ví dụ như trong truyện "Feathers" của Cathedral, hai vợ chồng nhà này đến chơi nhà vợ chồng kia, đến trong sân thì thấy có một con công rất hung tợn; sau khi cuộc chiến tạm ngừng với cái con công í thì Carver thả vào một câu, tóm tắt toàn bộ cuộc đời quá khứ của anh chủ nhà: các nhà văn khác coi trọng miêu tả quá khứ nhân vật, con công nếu có thì chỉ là một chi tiết rất nhỏ, còn Carver làm ngược lại, con công được dành cho rất nhiều trang, còn đời anh kia chỉ có nhõn một câu; về sau truyện ngắn Mỹ đã áp dụng cách thức này một cách huy hoàng và đa đạng, nhưng chả có ai thâm hậu được như Carver, vì chắc chả ai khinh miệt mọi thứ đến thâm căn cố đế tới mức như Carver.

Truyện "Cathedral" thì lại là một kiệt tác về xách mé tôn giáo, hiểm dã man :p


Xem thêm ở đây

2 comments:

  1. Ví dụ đi các chị đi xe máy ở HN đầy tính "giáo cụ trực quan", haha!

    ReplyDelete
  2. sau từng ấy năm “tầm chiều muộn sau cả một ngày” nhìnchung vẫn cứ thế à anh hihihehehaha

    ReplyDelete