Nov 20, 2017

Barthes: Michelet, Lịch Sử và Chết

Để đánh dấu đã kết thúc tập thứ nhất (đoạn 1942-1961) chuyển sang tập thứ hai bộ sách của Roland Barthes (bộ toàn tập, 5 tập, cho đến nay vẫn là bộ đầy đủ nhất) - trong đó đọc lại cũng nhiều - tôi quyết định tiếp tục mục "đọc lý thuyết" bằng một texte khác của Barthes thời trẻ (nhưng đã có bao giờ Barthes trẻ hay chưa?) Xem bắt đầu từ ở kia.

À, mà có ai "theo vụ này" không (tức là vụ đọc toàn bộ Barthes - đừng nhầm với một cầu thủ bóng đá, dường như là một thủ môn)?

Roland Barthes bình luận Jules Michelet: tôi đã nói rất kỹ ở kia, nhưng Michelet là một nhân vật đặc biệt quan trọng đối với Barthes (đặc biệt quan trọng vào thời kỳ một Roland Barthes nhất thiết cần khuôn được bản thân mình: Michelet và Gide là hai nhân vật đặc biệt quan trọng trong quá trình mà tôi sẵn sàng gọi là "tự nhận ra chính mình" của Barthes), vậy nên ta sẽ đến với một texte của Barthes viết trước cuốn sách Michelet (cụ thể hơn, cuốn sách Michelet in năm 1954, còn bài dưới đây, "Michelet, l'Histoire et la Mort", được đăng trên tạp chí Esprit số tháng Tư năm 1951). Tự thân nó, bài tiểu luận dưới đây là một tác phẩm hoàn chỉnh: vì nó được viết trước khi Barthes cho xuất bản Michelet, ta hoàn toàn có thể nghĩ Barthes đã lấy lại nhiều chi tiết trong đó cho vào sách, nhưng kiểm tra kỹ thì gần như không hề: chắc hẳn Barthes cũng thấy bài tiểu luận là hoàn chỉnh, tức là khác so với cuốn sách.

Barthes đọc Michelet là một trong những khoảnh khắc đặc biệt quan trọng đối với tôi trong chuyện hiểu xem lịch sử có thể là gì. Tạ Chí Đại Trường là một khoảnh khắc khác: tôi đã gộp cả hai câu chuyện này vào trong bài viết ở đường link vừa xong. Còn vài thời điểm nữa đặc biệt có ý nghĩa, mà tôi có thể kể một cách chính xác: khi đọc Emerson, khi đọc một cuốn sách (rất ít được quan tâm, ở Việt Nam chắc chắn không ai đọc) của Nietzsche và, mặc dù điều này trông có vẻ kỳ quặc đến đâu, khi đọc phần "introduction" của Balzac cho cuốn tiểu thuyết Sur Catherine de Médicis. Chắc sẽ có lúc tôi nói đến từng điểm một.



Michelet, Lịch Sử và Chết


Ta biết rằng ở Vico chuyển động của Lịch Sử đi theo các vòng và các vòng lại. Nhân loại đi qua ba pha tương tự nhau (thần quyền, hérocratie [dường như Barthes nói nhịu, “hérocratie” không hiểu định nói gì: nếu cứ chiểu theo lý thuyết về lịch sử của Vico thì chỗ này sẽ là phong kiến hoặc quân chủ], dân chủ) được bố trí như các linh kiện của một cơ học phổ quát: Lịch Sử chẳng cần làm gì khác nữa ngoài lăn đi trên chính nó. Ở Michelet, nó phải không ngừng chết. Thứ lăn bánh theo “đường sắt lịch sử” của ông không còn là những vạt lớn bất động của một Lịch Sử được quy định giống một thế giới tỏa tròn như một ngôi sao; mà là tất tật những gì có thể được định nghĩa bằng sự tăng trưởng của chúng, thắng lợi của chúng và cái chết của chúng: một người, một tư tưởng, một hệ thống, một tôn giáo, một đất nước. Và xét cho cùng chính sự suy đồi, quyền năng biến chất của một đối tượng, mới là thứ chỉ định nó như món mồi cho Lịch Sử và dây chuyền Thời Gian. Sự suy đồi chứ không phải cái chết. Các Trạng Thái của Vico tự hư vô hóa; các hệ thống của Michelet thì thoái hóa (cũng như các nhân vật của Balzac). Michelet từng luôn luôn miêu tả những chặng cuối như là các khoảnh khắc lịch sử được ưu tiên: sự phân tán của Đế Chế La Mã, cái chết của Ki-tô giáo, sự suy đồi của Trung Cổ, sự lụi tàn của các vua nhà Mérovingiens, cuộc ngủ thiu thiu dần dà của một số vùng đất (Provence), tất cả những khoảnh khắc ấy đối với ông đều như thể mang tính chất lịch sử một cách cốt yếu, bởi vì mù mờ, mang trong chúng một sự sinh ra, các địa điểm cho một sự quay trở lại được tạo thành căn cứ theo hình ảnh của Tự Nhiên sống động, nơi luôn luôn chết và sống kéo theo nhau. Sự biến chất đối với ông chính là dấu hiệu của cái lịch sử, đến mức Lịch Sử của ông đã giữ sự trơ ì như địa điểm của một tan rã, vậy nên là của một biểu nghĩa: có một triển hạn của khoáng tính, một số phận của vòm cung nhọn, chẳng hạn thế. Cái chết phải là một trạng thái thì hơn là một sự kiện, bởi vì ở tư cách này nó chỉ là một sinh ra phái sinh trong Thời Gian. Vậy nên đó chính là một Lịch Sử-Thực Vật, nơi các tăng trưởng, các chuỗi sinh vật, các tàn lụi, nói tóm lại chu trình của sự sống, tạo nên một Hình Thức chung, trong đó động vật học (tức là động vật học của Lamarck), hóa học (tức là hóa học của Lavoisier) và địa chất học (tức là địa chất học của Elie de Beaumont) có chỗ trú ngụ ngang hàng với các sự kiện lịch sử lớn, hoàn toàn giống như một trăm năm trước đó, cùng một hình ảnh về vật chất như thế từng nâng đỡ cho Newton và Vico. Vậy nên người ta phải tìm thấy lại, trong *discours* của Michelet, hai chuyển động của cây, sự tiếp nối và sự bày ra [étalement], hai đối tượng tu từ học, truyện [récit] và tranh [tableau].

Trong truyện, Michelet ở sát sạt khối tổng thể của Lịch Sử, trong tương quan với nó ông không hề bước lùi lại, ông bước đi ở trong nó, so với ông nó là theo chiều thẳng đứng, và như bức vách, ông không sở hữu nó. Như vậy trong truyện của Michelet có cả một sự thống thiết của chuyển di: nỗi mệt, niềm hy vọng, sự xuất hiện khắp mọi nơi của một hạn định được thoải mái tri nhận từ rất lâu về trước qua các chặng của một sự truyền tin đích thực. Nói cho đúng, trật tự của các sự kiện không có tính cách logic, cũng không có tính cách niên đại; đó là một trật tự địa dư; mỗi sự kiện là một nơi chốn nối kết với phần còn lại của không gian lịch sử bằng bản thân cơ thể của sử gia-lữ khách. Lịch Sử-Truyện luôn luôn tự hé lộ thông qua một sự vội vã hoặc một nỗi sợ hãi, không bao giờ trong một ngơi nghỉ (chức năng này sẽ được đẩy sang cho Tranh). Như vậy truyện kể [narration] tuân phục trước một tập tính [comportement] của sự đi, nó tương ứng với cuộc đi lên đầy nghiêm khắc của cơ thể con người trong một phong cảnh khép kín. Sử Gia bằng xương thịt bị giữ chặt trong cảm giác bản thể [cénesthésie: có lần tôi đã nói kỹ về từ này, đại khái là tổng thể của ngũ quan] của chuyến đi, của cuộc đi lên, của một sự tiến lên mù quáng giữa một vật chất lịch sử thô ráp, nổi loạn, nó nặng nề bỏ chạy về mọi phía của truyện. “Tôi chèo thuyền đi trong Louis XI”, Michelet nói [câu này của Michelet, Barthes đặc biệt thích, trích lại rất nhiều lần (tương tự một câu của Baudelaire); dường như Barthes nhận ra, nhờ chính câu này, hay những gì mà câu này che giấu, yếu tính của Michelet]. Truyện là một Dục Vọng: Michelet đau khổ, nhọc nhằn, hy vọng, ông tiến về phía ngơi nghỉ của một trạm [station] nơi rốt cuộc mọi thứ sẽ được giữ lấy trong sự bất động, nơi dạng điều kiện này, vừa lưu động lại vừa bị vây bọc, sẽ rơi đi khỏi ông và để cho ông trở thành người sở hữu chứ không còn là lữ khách của Lịch Sử nữa.

Như vậy Tranh [Tableau: cần hiểu từ này theo cả hai nghĩa, là bức tranh nhưng đồng thời cũng là “bảng lược đồ”; ai từng đọc Michelet sẽ biết ngay tại sao Barthes lại dùng từ này: Michelet từng dựng các bảng lược đồ lịch sử Pháp] là trạm dừng cần thiết của Truyện. Michelet đã rất yêu quý cái vị thế siêu hiển hiện [supervisibilité] này, nó cho phép sắp xếp Lịch Sử giống như một cảnh tượng chứ không phải như một chuyển động. Trong trường của tranh, các đối tượng tìm lại được tính chất đồng loạt tức thì của tồn tại, mà chỉ một thao tác bắt chước của cái nhìn mới có thể trả về. Khi ấy sử gia chuyển từ thức Dục Vọng sang thức Sáng Tạo. Được đặt vào trung tâm và phía bên trên chất [substance: từ đặc biệt quan trọng - hãy nhớ đến Spinoza, tất nhiên] lịch sử, lần này được tập hợp lại chứ không còn kéo dãn ra, chính xác ông ở vào vị thế biểu hình của Chúa: các đối tượng lịch sử tạo dựng một bên-dưới, chứ không còn là một xung quanh, ngay tức thì nối với nhau và được phú cho một biểu nghĩa: sử gia, nhờ Tranh, bay phía trên chúng, dịch chuyển chúng, liên kết chúng, làm gì với chúng thỏa thích và sở hữu chúng. Nhưng cũng nhờ đó mà ông khẳng định một tính chất khả đảo nhất định của Thời Gian; ông giả định rằng thời gian không phải sự trôi chảy thuần túy, rằng Lịch Sử không phải sự trôi đi thuần túy; hình hài thần thánh của ông mang lại cho ông quyền năng nắm bắt trong Thời Gian các kháng cự, các mối nối, và trong Lịch Sử một sự hé lộ, các cấu trúc. Vì các đối tượng có thể được trích xuất khỏi đường thời gian của chúng để nằm cạnh nhau trong một trường tri giác là bởi giữa chúng có một cái gì đó kháng cự lại Thời Gian, cái gì đó kết thúc, thứ được biểu hiện thông qua chức năng thị giác của sử gia. Tranh của Michelet do vậy đóng vai trò gần giống các vũ trụ luận cổ xưa: trong cả hai trường hợp, trái đất và quá khứ đều được tri nhận như là một sự sáng tạo; có được một trật tự không gian, chúng trở thành đối tượng dưới cái nhìn hoặc trong bàn tay của một người vận hành. Lịch Sử càng kỹ càng, sử gia càng sở hữu được nó nhiều hơn. Thế nhưng Tranh là một tính toán thuần túy; vậy nên nó là con đường của một sự sở hữu đầy đủ. Khi Michelet đọc ra Louis XI, ông bị tha hóa bởi mọi thứ gì vuột mất khỏi truyện của ông, vốn dĩ kết nối một cách thụ động với một lựa chọn tất yếu, gắn vào với một Louis XI chỉ là toàn thể ở tư cách đối tượng được ham muốn của Lịch Sử, chẳng bao giờ như đối tượng được kể. Ngược lại, lúc Michelet bay lơ lửng phía trên vùng Flandre thế kỷ 15, nhất thể của *discours* không còn là thành quả của một sự cắt xẻo, một nỗi cô đơn hay một nỗ lực; nó là một sự tập hợp được nắm bắt từ trên cao, nó là một sự hòa giải hé lộ cho sử gia thấy sự hiện diện mọi nơi đầy sâu thẳm của các nguyên nhân và kết quả, các cơ thể, tư tưởng và hành động. Trong Truyện, cái gì đã bị vượt qua bị nhấn chìm vào trong một hư vô không thể cứu chữa; trong Tranh, cái vô hình thì thân thuộc, cái không thể nói thì không bị bỏ mặc. Có một khó nhọc [aporie] của Truyện, có một hân hoan [euphorie] của Tranh.

Lịch Sử của Michelet vừa là sự khổ hạnh đó, vừa là bữa tiệc đó, nó là sự căng giữa cuộc đi lên và trạm nghỉ, giữa truyện và tranh. Nó tiến lên theo các đợt sóng [hình ảnh tuyệt đối quan trọng]: truyện luôn luôn được đưa về phía một sự bày ra; và tranh thì không bao giờ đóng kín lại, nó thành tựu ở một sự mở dự đoán từ trước sự tái hồi của một phần mới của Lịch Sử tiếp nối. Không bao giờ một chương sách của Michelet thực sự có tính cách kết luận, không bao giờ một đường sự kiện không chứa đựng động hướng [tropisme]. Như vậy đó là một *discours* không gióng đôi đích thực. Ở trong đó mọi thứ đều được nối lại với nhau, không phải nhờ tu từ học, mà nhờ tempo, và bởi Lịch Sử với tư cách tăng trưởng chứ không phải trát đòi, ở đó mọi thứ đều là quá độ, cả truyện cũng như tranh. Nhưng cũng chính bởi vấn đề là các chất chứ không phải các tư tưởng, những cấu âm không phải các cấu âm của logic. Lịch Sử không phát triển như một trật tự những lời giải thích, mà như một loạt phương trình, nó khiến từ một đối tượng lại chui ra một đối tượng khác, tương tự một cách sâu thẳm, khác biệt ở mặt hình thức. *Discours* là một hệ thống rộng lớn của các chuyển hóa, dành để đặt Lịch Sử như một liên tục thực vật, chứ không phải như một mở rộng biện chứng [đây là điểm ngay từ trước rất lâu đã chuẩn bị sẵn để khoảng mười lăm năm sau Barthes dễ dàng “nhận ra” Bakhtine]. Tính nhân quả biến mất đi [một trong những chủ đề lớn của triết học giai đoạn này là suy nghĩ lại về “nhân quả”] để dành chỗ cho căn cước. Jeanne d’Arc tiến ra từ người nông dân Jacques, không phải dưới lốt một tất định luận lịch sử bày ra trong thời gian mà bởi họ giống như hai vế của một dấu bằng phương trình toán học: họ ngang bằng một giá trị chung, đó là Dân Chúng, phản phong kiến và chống lại người Anh. Cũng vậy, có một dạng ngòi nổ chung giữa các đối tượng lịch sử cũng khác nhau như hình học và Vico: đó là sự chuẩn xác của thiên tài Latin, chuẩn mực chung cho phép chuyển hóa dần dần toán học Ý thành kiến trúc, rồi thành Dante, và rốt cuộc thành Vico. Lịch Sử của Michelet như vậy thực sự là một Tự Nhiên, ở đó các sự kiện tiếp nối dần lên, trong liên thuộc, sinh ra lẫn nhau thông qua các biến tấu ở vẻ bên ngoài, như những con người. Nó là một thang bậc người chết, tương đồng ở mọi điểm với scala viventium của các nhà tự nhiên học thời ấy. Có một thuyết Lamarck về Lịch Sử cũng như có một chuyển hóa luận của tự nhiên. Jeanne tái tạo Jacques, còn Vico tái tạo Tartaglia [một nhà toán học Ý], giống con sứa chỉ là một biến tấu của amíp, người phụ nữ là biến tấu của tiên cá, và bản thân chủ đề động vật, từ chủ đề khoáng vật. Sự biến chất của các đối tượng lịch sử chẳng bao giờ là toàn thể, Lịch Sử luôn luôn thân quen, bởi Thời Gian chỉ ở đó nhằm chống đỡ cho một căn cước; chuyển động của nó là theo dạng phương trình, biện chứng của nó thì có hai vế.

Vậy nên nội dung của Lịch Sử kiểu Michelet luôn luôn có hai chiều: mỗi sự kiện lại hàm chứa một lời nhắc, một nghĩa, một liên hệ; *discours* được ngầm đỡ bởi một đường căn cước. Lịch Sử là tuyến tính, nhưng sâu; một trật tự theo chiều đứng được đưa vào trong Thời Gian lịch sử. Và sự đa âm [polyphonie, tất nhiên: Barthes không cần đợi Bakhtine] của Lịch Sử trong đó các đối tượng hội với nhau, trùm lên nhau, vượt qua nhau, đó chính là sự tăng trưởng của một cái cây: cả ở đây nữa, mỗi loài cũng là một khoảnh khắc. Cây hay Lịch Sử, thì sự sát kề sâu thẳm cũng loại trừ trống rỗng. Trong một Thời Gian được không gian hóa, đối tượng lịch sử nào cũng không một mình, nó cảm thấy sức ép từ thế thân xưa kia hoặc ngày mai của nó, Lịch Sử thì đầy, sử gia thì no nê, bởi vì ông đã đưa vào quá khứ trật tự sống của vật chất.

*
*       *

Có một thời điểm khi đối âm lịch sử được giải quyết: đó là Cách Mạng Pháp. Tại đây Lịch Sử dừng lại và bị phế truất, vị Chúa xã hội được dựng lên. Toàn bộ Lịch Sử chỉ là bằng chứng được phát ngôn cho sự nhất trí của loài người về Người Công Chính: Cách Mạng là bằng chứng được tập hợp lại, là incarnatus est của Công Lý. Như vậy là có một thần hiện [théophanie] đích thực của Cách Mạng; nó đã phân chia Thời Gian chính xác giống như Christ, can thiệp khi đến kỳ đến hạn một truyền tin dài dặc, làm đảo lộn chuỗi liên tục của những ngày, chấm dứt thế giới và biến đổi tự nhiên cùng trật tự Lịch Sử. Toàn bộ Lịch Sử tính tới 1789, và là kể từ Ấn Độ cổ đại, đã chỉ còn là một quãng thời gian chuẩn bị: chính Cách Mạng đã quy nạp toàn bộ lịch sử thế giới, bằng cách bố trí vào đó lực cố kết của một trận chiến, trật tự của một mối tương quan sáng tỏ giữa dục vọng con người và kết cục - mà họ chẳng hay biết - biện minh cho họ. Biểu nghĩa sâu thẳm này của toàn bộ Lịch Sử, cái hoàn toàn vỡ tung trong Cách Mạng, chuyển hóa cuộc khủng hoảng lịch sử ấy, biến nó thành một giá trị phi thời gian đích thực, một alibi thường hằng của quá khứ. Trên thực tế, sử gia hoàn toàn có quyền dựng Cách Mạng, vừa là điểm kết thực thể vừa là nghĩa của Lịch Sử, vào bất kỳ khoảnh khắc nào trong quá khứ: ở đó nó luôn luôn có chỗ của mình. Michelet đã nhìn thấy tính hợp pháp của đứt gãy này khi mà, vừa ngoan ngoãn đến được với Louis XI của ông [nghĩa là Michelet đang viết dở bộ sách về lịch sử Pháp, mới đến thời Louis XI, thì chuyển sang viết luôn bộ sách về Cách mạng 1789], ông đọc thấy trên các bức phù điêu ở Reims nguyên lý cách mạng, sự đòi hỏi vĩnh hằng của Người Nghèo, được ghi khắc vào vòng tròn dân chúng xung quanh nền quân chủ. Ông đã hiểu ra rằng Cách Mạng là một tổng thể cung cấp chất nuôi dưỡng cho mọi thời điểm của Lịch Sử, và bất cứ lúc nào người ta cũng có thể bửa nó ra khỏi tiến trình lịch sử, đặt nó toàn vẹn như một yếu tính vào chính giữa Thời Gian, mà không vì thế gây rối loạn cho trật tự sâu sắc của các sự kiện [đoạn trên đây vô cùng “đặc”, đọc cẩn thận].

Chỉ có điều, nếu Cách Mạng là sự tựu thành của Lịch Sử, thì phải làm gì với Lịch Sử tiếp sau Cách Mạng? Cùng vấn đề ấy từng được đặt ra cho các Ki-tô hữu, họ, sau khi Christ đã tới, hết ngày này qua ngày khác đợi kết cục của thế giới. Họ và Michelet từng cùng cảm thấy cùng một nỗi kinh ngạc, cùng một sự bồng bềnh trước thời độ [durée: từ trước đến nay, về cơ bản, từ này (nhất là trong triết học Bergson) hay được dịch sang tiếng Việt là “thời biến”; cuối cùng tôi đã tìm được từ tiếng Việt cho nó, là “thời độ” - chúng ta sẽ còn quay trở lại với nó], sự sống sót của Lịch Sử sau sự hoàn thành của chính nó. Đối với các Ki-tô hữu, cái thời gian treo lơ lửng này là thời gian “Patience de Dieu”: đối với Michelet, đó là thế kỷ 19, cái thế kỷ đã gây phiền nhiễu cho ông một cách sâu sắc [Michelet và thế kỷ 19: cả một chủ đề lớn, rất lớn], mà hẳn cần phải gọi bằng một từ của Cournot: hậu-Lịch Sử. Thứ hậu-Lịch Sử này có một cấu trúc khác so với Lịch Sử: quá khứ được xây dựng như một giai điệu, như một đường cong gồm các điểm mang chức năng phát triển lên theo một thế duy nhất với cách thức một cái cây trong thời gian; hậu-Cách Mạng, hậu-Lịch Sử là một toàn thể không có chiều thời gian đích thực. Nói một cách khác, Thời Gian không vô tận (đây đã là ý tưởng của Locke trong luận án viết bằng tiếng Latin). Nhưng hậu-Lịch Sử này, đó lại chính là khoảnh khắc của Michelet, người như vậy cảm thấy mình sống trong một sự treo lại lạ thường của cái thời gian có kết thúc này. Suốt cuộc đời, khởi đầu từ bản thân cái chết của Cách Mạng [Michelet sinh năm 1798, hơn Balzac một tuổi], Michelet chứng kiến sinh ra và tăng trưởng một sự mù mờ: Lịch Sử dần dà lộ ra là đã chưa hoàn thành; nó sống sót sau Cách Mạng và tái sản sinh những tính cách của bản thân tiền-Cách Mạng. Chính sự mù mờ này là thứ tạo ra sự điếc đặc rất đặc biệt của Michelet đối với thời của ông; được đặt vào buổi bình minh của huyền thoại cách mạng, ông đã sống xuyên qua nó và chỉ tỏ ra nhạy bén trong quá khứ. Bà Quinet nói ông là người cộng hòa trong Lịch Sử. Nhưng ông không thể biết thời sự theo đường lối thẳng thừng, trừ khi đặt nó vào liên hệ với một sự kiện thuộc huyền thoại học, Cách Mạng, mà vả lại ông luôn luôn từ chối sự chưa đầy đủ. Một Ki-tô hữu có thể nghĩ gì về Othon hay Galba [xem thêm lịch sử La Mã]? Quyết định duy nhất của một hậu-Lịch Sử dai dẳng, xét cho cùng là cảm thấy nó như một tận thế. Michelet đã miêu tả thế kỷ của ông trầm mình vào định mệnh tính, và rất xa với việc đeo vương miện cho Lịch Sử, hoặc thậm chí quay trở lại với nó, dần dà vạch ra khoảng của một không-Lịch Sử, của một thế giới sầu não, thiếu vắng con người, chỉ có các trại lính và nhà máy là cư dân. Vậy nên Cách Mạng, được đặt một cách sáng lòa vào đêm trước một tận thế, vẫn cứ là tác nhân sắp đặt tuyệt đối của Thời Gian. Thời Gian vẫn luôn luôn kết thúc, bị định hướng, thống thiết, bởi vì rất có thể thế giới suy đổ, bởi vì có lẽ là có một con người sau chót, giống như nhân vật chính trong bài thơ của Grainville, mà Michelet không ngừng trích dẫn [điều này Barthes nhắc lại khá nhiều lần, Michelet và bài thơ của Grainville: ai có nhu cầu thì tự tìm hiểu thêm, rất dễ].

Thế nhưng mọi Lịch Sử chứa theo một hạn định đều là một huyền thoại. Ở Michelet, hạn định vừa là kết cục vừa là nguyên lý, bởi Cách Mạng, quay trở ngược, nắm bắt lấy toàn bộ Lịch Sử về trước và mang lại hình thức cho nó. Cái hạn định-giá trị này, thứ chuyển hóa Lịch Sử thành Huyền Thoại, như vậy nhất quyết chính là luân lý Michelet [chú thích của Barthes: “Nó khẳng định tính chất thiên bẩm của Người Công Chính trong Dân Chúng”]. Đạo đức này, phun ra theo đường lối hồi cố từ một sự đóng kín của Thời Gian, như vậy là một giá trị và một trình tự niên đại, một vĩnh cửu và một Lịch Sử. Bằng cách chiếm lấy, trong các tương liên giữa các đối tượng lịch sử, lúc vị trí của thời gian, khi lại là vị trí của một đạo đức học, nó, theo một cách thức mù mờ, vừa là lý trí vừa là dục vọng, và ở tư cách này nó định ra rõ cực tôn giáo hoặc ma thuật, hiện diện trong mọi truyện kể thuộc huyền thoại. Luân Lý Michelet như vậy không ngừng được nhìn thấy đang giao đi, theo đường lối thờ ơ, các chức năng thống thiết hoặc giải thích. Do đó nó được dẫn dắt tới chỗ thay thế, lúc cho tính nhân quả, khi thì cho tính kết cục. Điều quan trọng nằm ở chỗ một thế nào đó của Thời Gian được đảm bảo, cho đến ngày Thời Gian tan vào Cách Mạng thực. Nói ngắn gọn, đạo đức của Michelet là một sự trộn lẫn tôn giáo và khoa học, chính xác vào khoảnh khắc cái này nhường đường cho cái kia, khi tôn giáo được thế tục hóa, và khi khoa học được đạo đức hóa [điểm này: chuyển hóa tự thân của khoa học, ngày nay có thể thấy rõ hơn bao giờ hết, hơn bất kỳ ai có thể tưởng, bởi vì chúng ta đang ở chính xác vào giai đoạn khoa học thực sự trở thành tôn giáo, hay nói cách khác, thành thuốc phiện của nhân dân; lý trí là ma túy tổng hợp, tức là mang chức năng gây ảo giác]. Như vậy đạo đức Michelet, hết sức tự nhiên, có một giá trị công cụ, bởi vì nó là một hình thức chung đóng góp vào sự cố kết của chất lịch sử. Chính nhờ vậy mà có các “luật” đạo đức, theo nghĩa vật lý của từ này, nghĩa là các sự kiện đạo đức chứa đựng một tất yếu cơ học. Michelet chấp nhận rút ra một suy luận ở mức vật chất từ một định đề hoàn toàn đạo đức: chẳng hạn, Hy Lạp cần phải không từng biết đến chế độ nô lệ, bởi vì Hy Lạp nghĩa là toàn bộ ánh sáng và nụ cười; sự sinh sản bộc phát cần phải tồn tại, bởi vì hẳn sẽ thật nhơ nhớp nếu không tin điều đó. Có những sự kiện là không thể chịu đựng đối với tính nhân quả về mặt đạo đức, hoàn toàn giống như các sự kiện khác không tương thích về mặt cơ học với Tự Nhiên. Điều này quay trở lại chuyện đặt ra một tự nhiên tính cho Đạo Đức, xét về mọi điểm tương đồng với tự nhiên tính của Tự Nhiên thực thể và hoàn toàn có thể trao đổi với nó. Như thế vị trí của khoa học trong Lịch Sử đã được chuẩn bị đầy đủ, nhưng tạm thời bị chiếm chỗ bởi một Đạo Đức, vả lại nó vay mượn toàn bộ vật liệu của nó từ các môn khoa học tự nhiên, đã được đạo đức hóa trong lúc đợi bản thân Đạo Đức này được hoàn toàn tự nhiên hóa [đoạn này thể hiện rất rõ cái nhìn cấu trúc của Barthes].

Đạo Đức Michelet, bởi bản tính mang quan hệ của nó, như vậy đóng vai trò giống như một Hình Thức, như một phạm trù; nó chiếm lấy một số cơ chế; nó nối các đối tượng từng sở hữu, trong thời gian tồn tại của chúng, toàn bộ sự mờ tối của vật chất; nắm vị trí của một dạng tính nhân quả tuyến tính (“sợi dây lịch sử” của đạo đức tính), nó từng bao giờ cũng chỉ, theo gương tính nhân quả tuyến tính, là một phần của Huyền Thoại. Bởi các chiều sâu của huyền thoại thì vượt quá nhiều nhân quả; có nhiều thứ khác nữa, trong huyền thoại, ngoài chuyển động của các nguyên nhân và cảnh tượng của kết thúc. Cụ thể là có vật chất, cả cái thế giới đồ vật ấy, không còn là một thế giới của các liên hệ nữa. Và huyền thoại là cái đó, một sức căng giữa một cực hình thức và một cực chất, giữa các phạm trù, các nguyên nhân, các kết cục, các liên hệ, một đạo đức, một khoa học, một Lịch Sử, nếu muốn, và các cơ thể, các đồ vật, thực, mờ, kỳ, một vật chất, một Thơ Ca. Công việc vĩ đại của Lịch Sử Michelet từng là bảo vệ các đồ vật của Lịch Sử, lưu giữ bê bối khỏi tính vật chất của chúng, thành thử luôn luôn là những con người bằng da bằng thịt tạo nên sự kiện chung quyết của cái biết lịch sử.

*
*       *

Từ César đến Danton, vài trăm cá nhân bị xuyên qua bởi dòng chảy của Lịch Sử Michelet. Thế nhưng, nhìn chung, một nhân vật của Michelet thì được bày ra với toàn bộ da thịt. Ở phương diện này, Lịch Sử của Michelet rất khác so với tiểu thuyết Balzac [dù cho mọi vẻ bên ngoài, Balzac chính là “thiên thần hộ mệnh” của toàn bộ “tính chất Roland Barthes”, luôn luôn là như vậy, kể cả vào khoảnh khắc Alain Robbe-Grillet, tức là “Váy Cháy”, theo Céline]. Ở Balzac, chính các liên hệ giữa những con người, chứ hoàn toàn không phải những con người ấy bằng xương bằng thịt, mới là kết cùng của sự miêu tả. Một chân dung của Balzac, có lẽ chính trong chừng mực nó rất tỉ mỉ, chỉ tạo nên một décor, nơi từ đó một hành động sẽ khởi phát. Các bộ phận của cơ thể có một độ lớn, một màu, một biểu nghĩa, chứ không bao giờ là một chất. Ngay tức khắc chúng được diễn giải; chúng chỉ nảy sinh với tư cách trạm trung chuyển tức thì của một tính cách hoặc một câu chuyện: chúng là những yếu tố của một bộ khung [économie]. Vả lại miêu tả của Balzac, do phương pháp của nó, do độ dài của nó, do chuyển động bày ra của nó, xác định một dạng giải phẫu học, một tâm trạng nhưng giống như là một sự cộng vào nhau của các địa điểm mang nghĩa. Chân dung của Balzac được xây dựng: con người [của] Balzac là một mẩu của không gian, chứ không phải là một mẩu của vật chất [điểm hết sức quan trọng; triết học giai đoạn này đang hướng cái nhìn vào không gian, nhất là sau Bergson]. Đối với Michelet, ngược lại, mỗi cơ thể có yếu tính của nó. Có một độ đặc không thể giảm trừ của cơ thể con người. Họa ra trong thời gian thật dài một vầng trán, cặp môi, là việc không có nghĩa mấy, bởi vì mỗi chi tiết của cơ thể chỉ tồn tại nhờ sự tham gia của nó vào một sự phức tạp tổng thể; chính nó mới là thứ cần đưa ra; vậy nên mỗi nét đều được nhận về sự đặc thù của nó, thứ hoàn toàn không còn là bộ phận của một đại số tổng quát nữa, mà là chức năng rất hẹp, rất ngắn của một bí ẩn thuộc da thịt. Tất cả các cơ thể lịch sử mà Michelet bận tâm, những người này thì béo, những người kia thì ngẳng, những người khác nữa cường huyết, lại có những người da bủng, đều tham gia một số lượng đơn giản của chất, và trước hết xa lạ với một biểu nghĩa thuần túy; chắc hẳn là có khả năng tự vượt qua hướng về phía Lịch Sử mà họ dự phần (có một đạo đức về Tâm Trạng), họ vẫn cứ bất kham không chịu bày ra tính vật chất sâu thẳm, thứ tập hợp họ lại và củng cố họ.

Sự mờ tối này của da thịt theo cách nào đó hấp thụ toàn bộ cuộc sống xã hội của các tạo vật Michelet. Chúng chỉ sống với nhau trên bình diện của một trạng thái thích kích [nervosité] nào đó, có tính chất dục tình hoặc chất chứa dục vọng [“passion” nghĩa là dục vọng, không phải “niềm đam mê” hay “niềm say mê”]: những mối quan hệ loạn luân của các ông vua và gia đình họ (Néron, François Đệ Nhất, Louis XV, Quan Nhiếp Chính [Philippe d’Orléans], Napoléon), nỗi bực tức của Louis XIII trước Anne d’Autriche thích cười toe toét, cuộc chinh phục Louis XIV bởi nữ công tước de Bourgogne tinh nghịch, sự tuân phục khó diễn tả của hoàng hậu Anne trước Sarah Marlborough [chuyện bên nước Anh], màn cọ quẹt của Mirabeau và Marie-Antoinette, ngần ấy tình huống nơi các khí chất mới là thứ thu hút nhau hoặc đối đầu với nhau, hơn nhiều so với các tính cách. Những con người lịch sử được biến trở lại thành đối tượng như vậy, mà không đánh mất đi chút gì từ cuộc đời họ, bởi vì người ta thu giảm họ về một thứ chất nhạy cảm, nhưng được xác định, mờ tối, nhưng được phú cho các động hướng, những cố chấp. Và, đặt sang một bên các chuyển động thuộc dạng hút hoặc đẩy nhau của họ, những người được khách quan hóa này có các tương liên máy móc, mà tổng thể tạo nên một décor y hệt từ đầu này sang đầu kia của Lịch Sử: tất tật những gì trong con người không dự phần vào mật độ xác thịt, đều sử dụng một cỗ máy đồng phục phụng sự cho cả các ông, vua, lính tráng, những người cách mạng, các ông bộ trưởng, lẫn người trong bình dân, v.v… Mọi nhân vật của Michelet, khác biệt sâu sắc đến thế ở phương diện cơ thể họ, lại nói cùng một thứ ngôn ngữ, ở trong cùng một nội thất, có chung nhau các phong hóa cuộc sống vợ chồng, vận dụng cùng một đạo đức. Vậy nên khi nhân vật [của] Michelet bỗng trở nên không còn cơ thể nữa, từ anh ta chỉ còn lại độc một cách thức của sáo mòn về đạo đức và có tính chất trưng bày, nhưng chẳng hề là con người một chút nào, chẳng hạn La Révellière-Lépeaux, hero cuối cùng của Michelet (người ốm yếu, nhà thực vật học và một “théophilanthrope” [đại khái là một tín ngưỡng nhấn mạnh vào tin Chúa và yêu con người]). Ngược lại, nếu Michelet tìm lại được nhất thể xác thịt của nhân vật, dẫu cho đó chỉ là một gợi nhớ đơn giản về chất (thánh Thomas, con bò câm to lớn của Sicile), Lịch Sử tức thì lấy lại được toàn bộ mật độ của nó và quay trở lại với các kích thước của thơ.

Vậy, những cơ thể con người từng là cư dân của Lịch Sử, mỗi cơ thể lại có nhất thể về chất của chúng. Chẳng hạn, Condé được đồng hóa với một con chim săn mồi, Law [nhân vật rất hấp dẫn, nên tìm hiểu] với một phụ nữ, Marat với một con cóc, Robespierre với một con mèo, Danton với một con bò tót. Thế nhưng căn cước này không hoàn toàn nhất loạt hướng tới chuyện đưa vẻ đáng sợ vào Condé, sự thiếu kiên định vào Law, sự đáng ghê tởm vào Marat, sự tàn nhẫn vào Robespierre và sức mạnh vào Danton. Cái cần đưa lại là một chất lượng nhất định của làn da, của cái nhìn hoặc của khuôn người, thứ sẽ cung cấp một nguyên tắc về nhất thể hiển nhiên cho toàn bộ nhân vật. Điều mà Michelet nhìn thấy trong hình ảnh con mèo, không rõ ràng và độc lập là sự thiếu nhạy cảm. Mà đúng hơn là một tồn tại đặc biệt, một tổng của những uốn chuyển, một chất lượng của không gian, một chủ đề của bản tính thú vật, thứ từng vạch ra các kích thước và sự cố của miêu tính, dẫu cho đó là miêu tính của mèo, của nhân sư hay của Robespierre. Tương tự, Marat là cóc hay thằn lằn bởi vì tính chất bò sát là một điều kiện đủ mức chung để có thể tác động đến đôi mắt (màu xám, lồi ra), cái miệng (rộng, ngoác mồm ếch), làn da (màu vàng, ánh đồng), tứ chi (mảnh khảnh), áo chùng (mỡ màng, đa sắc). Các nhân vật lịch sử, bởi cơ thể họ, bằng cách đó được nhập vào cho một điều kiện vượt quá họ và gò bó họ. Law, được đặt vào tính nữ (bởi vẻ đẹp “không thuần hậu đối với một người đàn ông” của ông) đóng vai phụ nữ và lôi kéo những đàn bà mang nam tướng mua các cổ phiếu ở Thị trường Chứng khoán. Robespierre lấy được từ loài miêu vẻ chăm chăm của ánh mắt, dáng dấp hay rình rập, Tòa Án Dị Giáo. Condé, chim săn mồi, sẽ dữ tợn và ngoan ngoãn. Henri II, thiên về Thổ Tinh tính [tức là sầu muộn], bị đồng hóa với chì, kim loại nặng, xấu xa và dẹt, sẽ mang bất hạnh tới. Diane de Poitiers [người tình của vua, tức là tình địch của Catherine de Médicis], thiên về trăng, ăn vận đen và trắng, sẽ hay thay đổi và chung thủy, sẽ điều hành Lịch Sử giống như trăng điều hành phụ nữ và thủy triều.

Như vậy đối với Michelet vấn đề là nhập được các nhân vật của ông, tìm ra cho họ một điều kiện xác định họ nói chung, đã định vị ngay họ bởi tính khí của họ, cách xa một số hành động và trong tầm của một số hành động khác. Điều kiện thân thể vận hành chính xác giống như một điều kiện xã hội. Louis XV khô, Louis XVI thì mỡ chính xác giống như một người khác thì là công nhân - và vả lại cũng như bản thân họ là vua. Như thế nền quân chủ lúc thì mỡ, khi lại khô. Điều quan trọng nằm ở chỗ nó là một cái gì đó theo đường lối thuần chất, ở chỗ không bao giờ một nhân vật dẫu có tầm vóc nào bị để cho trôi nổi ở giữa hai khí chất, giữa hai điều kiện. Cần phải hội độc giả với một dạng đánh giá về phương diện thân thể, khiến cho họ phải tự tuyên bố, tùy thuộc vào tính khí của họ thì nhiều hơn là đạo đức, ủng hộ hay chống lại những nhân vật-chất này. Chính bằng cách ấy mà các cơ thể được phục sinh, khi mà từ đáy của Lịch Sử, họ vẫn có thể gây chán ghét, đẩy sử gia - và độc giả của anh ta - phải cảm thấy ghê tởm một cách sâu sắc, theo trật tự thực vật hoặc tồn tại. Trong một chân dung của Michelet lúc nào cũng có một cái gì đó kéo độc giả đến bên bờ một hành động thể chất, khiến bản thân anh ta phải dự phần vào một trạng thái của bản tính xác thịt, và dẫn hiểu biết biết lịch sử tới một trong hai hoặc ba động tác lớn, xích lại gần hoặc buồn nôn, những thứ nối con người với chất các vật. Máu, chẳng hạn, nếu nó là chìa khóa cho một tính khí, được bày ra hoặc như cái phần khó phân hủy nhất của cơ thể, phương tiện cho một sự băng hoại và nguyên nhân của một sự hóa lỏng mau chóng (đó là trường hợp của những phụ nữ tóc vàng đẹp tuyệt vời như La Soubise và La Fontanges [đại khái là mấy tình nhân vua chúa]), hoặc như sự ứ máu của một tính nữ xâm chiếm mọi thứ, một đất nước và một tôn giáo (Marie Alacoque, sinh ra tại vùng rượu vang Bourgogne, sáng lập dòng tu Sacré-Coeur đẫm máu của Jesus). Ở kia là sự mong manh, ở đây là sức mạnh, máu luôn luôn được nối vào với một cử chỉ xa xưa của thu hút hoặc của bước lùi lại. Người ta luôn luôn là đồng lõa với một chân dung của Michelet, cũng như người ta đồng lõa theo đường lối thơ ca với các đồ vật mà chất sâu thẳm bị trụi đi mất. Như vậy huyền thoại [mythologie] về da thịt này có thể, rất hợp thức, thuộc trật tự dinh dưỡng: Napoléon, nhợt nhạt, khi chuyển sang sự béo mỡ bệnh tật, rốt cuộc đạt tới mật độ gây buồn nôn của mỡ bò [suif: “Viên Mỡ Bò” của Maupassant là “Boule de Suif”]. Madame de Pompadour, nhạt nhẽo, mềm oặt, trắng nhờ, nhào mọi thứ, giống như kem bôi hoặc thạch cao. Vợ của Philippe V thì lại là một phụ nữ Lombardie to béo “đẫm bơ và pho mát pacma”.

Chỉ khi nào đã được phú cho khí chất, thì các nhân vật mới có thể bước vào Lịch Sử và dự vào một chuỗi nhân quả. Khi ấy sống bằng toàn bộ sự kinh tởm - hoặc bằng một tình cảm nào đó mù mờ hơn - mà họ khơi dậy, họ có quyền xâm nhập một điều kiện lịch sử rõ ràng. Vẻ như sáp của Napoléon, tính chất vật chất thấp của Louis XIV, sự nhẽo của Louis XVI khi đó có thể kéo theo một sự mất giá chung của chính quyền quân chủ. Nhưng sâu sắc hơn, chính là nhờ một trò chơi bị che giấu của những kết hợp mà Khí Chất nhận về luân lý của nó: chẳng hạn, mỡ của Napoléon biến ông, ở đoạn cuối, thành một hình ảnh huyễn hoặc. Thế nhưng phải biết rằng sự huyễn hoặc gắn liền với một chủ đề [của] Michelet đặc biệt có tính chất độc hại, chủ đề xổ số, của Chơi (bản thân nó lại lệ thuộc vào một chủ đề rộng hơn, chủ đề Ân Sủng đối lập với Công Lý). Buonaparte, đã được dành sẵn cho Vận May thông qua cái đích tâm linh cái tên ông, khi đó bị giảm giá với tư cách bạo chúa thì ít hơn với tư cách kịch sĩ, ảo thuật gia (Một Jupiter-Scapin). Louis XV, Sieyès và Fouché thì lại sống dưới sao chiếu mệnh của một trạng thái nhân ba của vật chất: khô hạn, lạnh lẽo, cô độc; thế nhưng ở đây đó là ba phân hạng của một chủ đề lớn về chết: sự trừu tượng. Hiểu điều đó rồi, sẽ chỉ cần nói “Louis XV khô” hoặc “Sieyès lạnh”, là đằng sau các thuộc ngữ chỉ tự nhiên đó đã vang lên một sự bất tán thành to lớn, một nỗi ghê tởm thực sự huy động toàn bộ Michelet, mọi thứ ở trong ông liền chối từ trước hư vô của sự vô sinh. Madame de Maintenon, phi giới tính (hoặc lưỡng giới tính), vừa là người rao giảng vừa là tình nhân của Vua, vận đồ đen và cầm trên tay một bông hồng, dự vào chủ đề Cái Đáng Ngờ, của Cái Mù Mờ. Như vậy có một thông diễn học của chân dung [của] Michelet, bởi vì mỗi cơ thể là một bí mật, và bởi, trong Lịch Sử, bí mật này im lìm, vì mỗi nhân vật chỉ có thể là một hỗn hợp được vĩnh cửu hóa gồm da thịt và hành động. Hành động bị bắt chợt quả thật là một chiều tất yếu đối với trình hiện cơ thể con người trong Lịch Sử. Chính vì thế không thể có chân dung lịch sử, vẽ hoặc viết, nào mà không được hoàn thành thông qua một sự trang trọng nhất định. Ở Michelet, dáng điệu này không hề có tính chất trang trí, như chẳng hạn ở một họa sĩ của Đế Chế. Các cơ thể của vua luôn luôn được trình bày với tính chất lặt vặt, còn cơ thể các phụ nữ thì với sự háu ăn. Nhưng sự cường điệu, cần thiết cho mọi bức tranh lịch sử, không nhất thiết là cao quý; và ở đây cũng như ở kia, con người của Lịch Sử được trình bày trong một cử chỉ được kích rộng lên, nhuốm một sự huyền hoặc, nó dịch chuyển họ xuyên qua Thời Gian, không chết cũng chẳng sống, vào một trạng thái thứ ba của cuộc sống được mơ thấy, nó khiến anh ta lớn lên. Vào thời điểm này chất của cơ thể thực sự làm ra Lịch Sử, nó trở nên cái mang một numen, nó lay động Thời Gian. Dẫu Napoléon của Michelet có bị tổn hại đến mức nào, thì ông cũng có cùng vật chất với Napoléon của [Antoine-Jean] Gros, chẳng hạn: cả hai đều có cái vẻ bì bì không thực của con người được anh hùng hóa; sự bất động của họ trước sử gia, hoặc trước họa sĩ, giữ làm tù nhân một hệ cử chỉ, một phong cách hành động, và do vậy một Lịch Sử.

*
*       *

Đối với Michelet, các gốc rễ của sự thật lịch sử là những tài liệu giống như giọng nói, chứ không phải giống như các chứng nhân. Ông không giữ lại tính chân thực của họ, vẻ giống thật của họ, cũng như sự trung thực của họ, không gì hết từ những thứ mà sự phê phán đòi hỏi ở họ. Ông chỉ nhìn nhận nơi họ cái phẩm chất từng là một thuộc tính của cuộc đời. Vấn đề không nằm ở chỗ tìm lại sự thật lịch sử như một phối cảnh nào đó của lý tính nơi sự giải thích phân tách cái đúng khỏi cái sai; cái đúng, nhìn chung đó là những gì đã được sở nghiệm; sự thật lịch sử, như vậy, là cuộc đời với tư cách phẩm chất thực của tự nhiên, chứ không phải với tư cách một vế của ẩn dụ. Thế nhưng cuộc đời không được tìm kiếm, mà nó được làm lại; do đó sử gia không phải một tinh thần phê phán, được trang bị một quyền năng giải thích, và được đặt vào một tư thế để thăm dò; đó không phải một người đọc quá khứ; anh ta không giải mã, mà anh ta tái lập; đó là một người chuyên vận hành, một nhà hóa học mà những thao tác hướng vào các thứ đối tượng vĩnh cửu của giả kim thuật: cuộc sống, cái chết, những trao đổi giữa chúng. Và các tài liệu lịch sử, còn xa mới là các giấy tờ cho một vụ kiện cần phục dựng, là các chất nơi gắn vào một sự tồn dư của cuộc đời; chúng là một toàn thể, chúng có một bí ẩn; chúng là duy nhất, đặc biệt; chúng không phơi ra các yếu tố của một diễn giải; chúng là các đường dẫn của một lực, từ đó mà Sử Gia làm lại cuộc sống không bị phân chia của quá khứ.

Vậy nên, tài liệu càng xích lại gần một giọng nói, thì nó lại càng ít tách xa khỏi cái cơ thể con người đã tạo ra nó và lại càng là nền tảng đích thực của tính khả tín lịch sử hơn. Chính vì thế tài liệu nói thì cao hơn tài liệu viết, truyền thuyết thì hơn các văn bản. Căn cước sâu thẳm này của huyền thoại và của Lịch Sử xuất phát từ vị trí trung tâm được trao cho cơ thể con người như cấp xét xử đầu tiên và cuối cùng của sự thật lịch sử. Truyền Thống Quốc Gia là khả tín, bởi vì nó đưa lại vào trong Lịch Sử chiều của da thịt, mà nếu thiếu thì hẳn đã không hề có Lịch Sử. Lời chung [lời nói tập thể] của một dân tộc chuyển hình ảnh về quá khứ của mình giỏi hơn nhiều so với những tác phẩm viết của các thầy họ hoặc các chứng nhân của họ, bởi vì lời này, được dồn đống lên từ thế hệ này qua thế hệ khác, kéo dài ra, như một sự rung trung thành, cú va chạm đầu tiên của sự kiện vào cơ thể dân tộc. Vậy nên da thịt nối tiếp nhau của những con người giữ được dấu vết tối [dấu vết không còn rõ cho lắm, mờ] các tai biến của Lịch Sử, cho tới ngày sử gia, giống một nhiếp ảnh gia, hé lộ, thông qua một thao tác gần giống phản ứng hóa học, những gì từng được sở nghiệm về trước. Do đó sử gia hoàn toàn không đi theo sự tổ chức theo kiểu hồi cố của quá khứ; anh ta nhìn về phía sự trồi lên trở lại của một bí ẩn cuộc đời.

Cuộc đời này, được Truyền Thống chuyển đi, tuyệt đối không mang tính cách ẩn dụ. Vấn đề không nằm ở chỗ tái thiết lập theo đúng nghĩa đen một quá khứ hẳn sẽ sống lại nhờ một dạng ủy quyền tu từ học. Điều mà Michelet phải tìm thấy lại là một cuộc đời cụ thể, mà ông gọi là cuộc đời đặc biệt, và nó, tiên quyết, chính là tồn tại của những con người từng cư trú Lịch Sử. Và cũng chính sự kháng cự này của quá khứ, sự mờ của đối tượng lịch sử này đối với sử gia là bản thân ký hiệu của Lịch Sử. Công việc của sử gia, như vậy, hẳn sẽ bất khả nếu anh ta không tin tưởng vào quyền năng duy nhất có khả năng hiểu cuộc đời và cái chết trong cùng một chuyển động, nghĩa là tin vào Giấc Mơ: Lịch Sử là một Giấc Mơ, bởi vì nó, không kinh ngạc cũng chẳng giải thích, dung hòa chết và sống vào với nhau. Nó bèn có các chiều lạ thường [điểm then chốt], vừa thân quen vừa kỳ quái, của một cơn mộng lớn khép kín, được nuôi dưỡng chỉ thuần bằng cơ chế tự cung tự cấp, và chẳng bao giờ bị ngắt ngang bởi sự thức dậy của một cái nhìn phê phán hẳn sẽ tìm cách phân tách chết khỏi sống, và xé rách lớp đồng chất nối quá khứ của Lịch Sử với hiện tại của sử gia. Như vậy, mỗi khi một cơ thể con người chết đi và bước vào Lịch Sử, nó liền chuyển từ cuộc đời đơn giản của tồn tại vào cuộc đời kép của giấc mơ, nó đặt chồng lên trên trật tự của một cá nhân tính đã chết trật tự của một phổ quát tính vẫn còn sống. Sử gia, cùng lúc là một người phát biểu để bày Lịch Sử ra, cũng là người đẻ ra Chết của một Mơ. Như thế nào? Bằng cách cho những người chết quá khứ mượn cái nhìn của hiện tại, nối vào với kỷ niệm về những người chết đã qua nghĩa của cuộc đời họ, đưa lại cho những người chết một ký ức phổ quát, ở thang bậc của Lịch Sử. Lịch Sử là một hệ thống xử án, sử gia là một vị quan tòa chịu trách nhiệm cai quản, giống như Camoens ở Ấn Độ [Camões, nhà thơ Bồ Đào Nha vĩ đại, độc giả của Pessoa hẳn không xa lạ], tài sản của những Người Chết, nghĩa là hành động của họ, tình cảm của họ, nỗi đau của họ, sự hy sinh của họ, đã được ký ức hóa, được trao cho một thời gian khả tri, được cứu khỏi cái chết, nhưng không vì thế mà ngừng tiếp tục chìm đắm vào trong cái chết. Cái mà sử gia phải trả cho những người chết không phải kỷ niệm thô về tồn tại của họ; mà là cái tồn tại được định dạng, được giải thích, được tiêm vào thứ ánh sáng chỉ soi rọi một cuộc đời vào đúng kết cục của nó. Bởi nghĩa của cuộc đời chỉ xuất hiện vào khi chết. Chính vì thế chỉ sử gia mới có thể trả lại cuộc đời. César, dưới những nhát đâm của Brutus, công tước d’Orléans dưới những nhát đâm của đám Bourguignon, công tước de Guise dưới những nhát đâm của Henri III, đã chỉ là chính họ, nằm đó trong hình định đích thực của họ, khi đã chết, gục dưới chân những kẻ giết họ giống như một con người bí hiểm mới, kỳ khôi, khác với cái cũ bằng toàn bộ khoảng cách của một khải ngộ, thứ làm toát ra những đường nét thực, sự mạch lạc tối hậu của một số phận. Đấy là bởi Michelet đã nhìn họ, sử gia đã nhận lấy họ để phụ trách, ông đã giải thích cho họ về cuộc đời của họ; ông đã lấy từ họ một cuộc đời thô, mù quáng, hỗn loạn, không hoàn chỉnh, phi lý, rồi trả lại cho họ một cuộc đời sáng, một cuộc đời mãn, đẹp thêm lên bởi một biểu nghĩa lịch sử tối hậu. Những Người Chết từng là tù nhân trong một sự mù mờ bởi vì họ sống mà không biết - nếu chẳng phải là biết rất mơ hồ - tại sao. Sử gia là cái người làm ngừng sự mù mờ ấy, bằng cách đưa sự mạch lạc và trong suốt vào trong hỗn độn điên cuồng của những cuộc đời đã qua. Anh ta là người đã làm đảo ngược Thời Gian, đi ngược trở lại sau, thế chỗ cho những Người Chết và tái khởi đầu cuộc đời họ trong một nghĩa sáng tỏ và hữu ích; anh ta là đấng sáng tạo nối những gì tản mát, đứt đoạn, không thể hiểu lại; anh ta nối lại tình huynh đệ lớn lao của những người chết mà sự dịch chuyển kỳ vĩ, dọc theo Thời Gian, tạo nên sự mở rộng của Lịch Sử, mà sử gia dẫn dắt đi giật lùi, được tập hợp lại dưới cái nhìn của anh ta. Bởi Giấc Mơ là một trật tự tối cao, một trật tự toàn thể, không kèm các bó buộc.

Như vậy nền tảng của Lịch Sử, ở cấp sau chót, là cái chết xác thịt của hàng triệu người. Sử gia, vị quan tòa của chết chóc, phải áp sát càng gần càng tốt cái Chết này. Anh ta phải sống sự Chết, nghĩa là anh ta phải yêu nó; với cái giá này, anh ta sẽ cùng Chết, cùng những Người Chết, bước vào một dạng ban thánh thể nguyên sơ. Lễ nghi xích lại gần Chết này, là toàn bộ Lịch Sử của Michelet. Lịch Sử là sự biết cái Chết trong chừng mực sử gia tự đồng hóa mình theo đường lối ma thuật với nó. Và sự xích lại gần này là một màn trục quỷ. Chết trở nên đối tượng cần và đủ của cuộc đời sử gia. Michelet ngốn ngấu những Người Chết, ông là một trong số họ; ông làm Lịch Sử, ông làm lại cuộc đời, vậy nên ông sở hữu Lịch Sử, ông đoạt lấy Chết. Bên dưới kết cục về mặt đạo đức của Lịch Sử [của] Michelet, có một kết cục thầm kín, thứ chỉ định toàn bộ quá khứ giống như dưỡng chất của Michelet; toàn bộ Lịch Sử được lộ ra để Michelet lấy nó mà sống, để ông giành, về phía Chết, một sự thân tình có tính chất sống. Một tương quan ma thuật hiến thế giới làm đồ ăn của sử gia hoặc nhà thơ, đánh dấu anh ta như hạn định của một sự tiêu thụ. “Các vị thần, Homère nói, bố trí các số phận người và quyết định sự sa đọa của người nhằm làm sao cho các thế hệ tương lai có thể viết ra các khúc ca.” Do đó Chết được đặt vào trung tâm một nghi thức đồng hóa: Lịch Sử trở nên kinh nghiệm mới về cái thiêng; nó là tôn giáo, không phải với tư cách ẩn dụ, mà như liên hệ cốt yếu giữa sự cô độc đầy hãi sợ của cuộc đời và tất tật người chết không còn sợ nữa; như là tiền dạng đã sở nghiệm của Chết, Lịch Sử cho phép sử gia không ngừng sống cái chết của anh ta, vượt lên trên ly cách gây sợ hãi đặt đối lập hai trạng thái sát kề tàn khốc. Làm lại cuộc đời những người chết, leitmotiv [của] Michelet này, trên thực tế có nghĩa xích lại gần cái chết của họ. Mục đích không phải một tái sinh đầy đủ, thứ hẳn sẽ vẫn luôn luôn để cho lay lắt cuộc đời, cùng cuộc đối đầu của nó với cái chết. Vấn đề không nằm ở chỗ biến chết thành sống; vấn đề là loại trừ đi giữa sống và chết cái chuyển biến đột ngột gây sợ hãi ấy, thứ làm ngắt quãng thế của thời gian để làm lợi cho một bí ẩn. Bằng cách đưa những người chết xích lại gần cuộc đời, bằng cách đưa cuộc đời anh ta xích lại gần cái chết của họ, sử gia tái thiết lập một thềm đồng chất giữa hai trạng thái Thời Gian. Cuộc đời mà Michelet đưa trở lại cho những người chết bị tác động bởi một hệ số chết chóc nặng nề và đầy đến nỗi sự tái sinh trở nên yếu tính khởi nguyên, tuyệt đối tươi và hoàn toàn không nhiễm Chết, giống như trong các giấc mơ nơi người ta nhìn thấy đang sống một người chết mà chẳng hề thấy kinh ngạc khi biết người đó đã chết. Trong những tái sinh đó, Chết nặng, thực, rộng. Nó không phải hư vô, cũng chẳng phải sự đăng quang của một cuộc đời lý tưởng. Không thiên đường cũng chẳng nấm mộ, nó là bản thân cuộc đời, nhưng được mơ thấy, hòa giải bên trong nó các đường nét quen thuộc của tồn tại và sự biết hoàn toàn cái chết. Nó là cái chết được vận lên mình chất của cuộc đời, để có vẻ đã giải trừ được nỗi sợ trong cái nhìn của sử gia. Mọi huyền thoại về phía tái sinh đều là một trò chơi chết chóc tối cao: trong tái sinh [của] Michelet của quá khứ, cái chết không bị loại bỏ, mà nó được nếm náp trong yếu tính ngoạn mục của nó. Chính cái chết mới là thứ, ở mỗi lần, tái sinh. Lịch Sử của Michelet là Giấc Mơ về một cuộc đời và một cái chết được hòa giải ấy. Chính bởi thế ông mới có thể cho phái sinh dễ dàng đến vậy bản thân sự hữu cơ của ông lên chuyển vận vĩ đại của Lịch Sử, và đổi mới không ngừng ở trong ông sự nghỉ ngơi của Antée. Mỗi ngày lại chết đi ở trong nó, gắn bó một cách căng thẳng vào tất tật tuần hoàn của nó, đối với ông Lịch Sử chính là vở kịch câm diễn sự Chết của ông.






chuyên mục "cách đây hơn 1000 post":

ở kia

trong đường link là bài báo tôi viết năm 2009 cho một tờ tạp chí, nó xuất hiện ở vị trí thứ nhất của tờ tạp chí ấy; đó là một tờ tạp chí chỉ ra được đúng một số duy nhất :p




"đọc lý thuyết":


Roland Barthes: "Văn hóa và bi kịch"
Octavio Paz về André Breton
Jean Paulhan: Les Fleurs de Tarbes
George Steiner: Râu Xanh
Maurice Merleau-Ponty: Văn xuôi thế giới
Lý thuyết văn học và triết học

Michel Foucault: "Thư viện huyền hoặc" (về Flaubert)
Albert Béguin: Tâm hồn lãng mạn và giấc mơ

15 comments:

  1. "Ở trong đó mọi thứ đều được nối lại với nhau, không phải nhờ tu từ học, mà nhờ tempo, và bởi Lịch Sử với tư cách tăng trưởng chứ không phải trát đòi, ở đó mọi thứ đều là quá độ, cả truyện cũng như tranh. Nhưng cũng chính bởi vấn đề là các chất chứ không phải các tư tưởng, những cấu âm không phải các cấu âm của logic. Lịch Sử không phát triển như một trật tự những lời giải thích, mà như một loạt phương trình, nó khiến từ một đối tượng lại chui ra một đối tượng khác, tương tự một cách sâu thẳm, khác biệt ở mặt hình thức." - một trong những điều thú vị nhất ở bài này là vị thế "tương tự một cách sâu thẳm" của "tu từ học" với "chất". đặc biệt là ở dạng thức "Truyện" của Lịch Sử, dù Barthes mô tả quá tuyệt vời cái cảm thức da thịt "bản thể" đụng chạm với "le Territoire" đó. càng như thế lại càng ngạc nhiên thấy "tu từ học" hóa ra là sống động, thiết yếu và gắn bó cơ hữu trong Lịch Sử.

    "Ông đã hiểu ra rằng Cách Mạng là một tổng thể cung cấp chất nuôi dưỡng cho mọi thời điểm của Lịch Sử, và bất cứ lúc nào người ta cũng có thể bửa nó ra khỏi tiến trình lịch sử, đặt nó toàn vẹn như một yếu tính vào chính giữa Thời Gian," - và nếu như vậy thì cái tất yếu Cách Mạng ấy chẳng phải là chơ vơ lắm hay sao nhỉ, tức thực ra ngẫu nhiên ngẫu nhĩ, như một cái tổ kiến trôi trên một dòng sông. mặt khác thì "tu từ học" Lịch Sử vẫn tiếp tục đấy chứ: "Cách Mạng là bằng chứng được tập hợp lại, là incarnatus est của Công Lý." mà dù biểu nghĩa của "incarnatus est" có bị sử dụng thế nào thì nguồn gốc của mệnh đề ấy vẫn không thể khác, là từ Bible, cái "bệ đỡ căn cước" í nhỉ.

    ReplyDelete
  2. câu hỏi rất lớn và rất thích đáng: cần phải làm gì sau cách mạng, khi mà lịch sử đích thực đã kết thúc? :p hậu-cách mạng là hậu-lịch sử và do đó là hậu-Chúa, và tu từ học cũng biến chất nốt (trong bài Barthes sử dụng từ "tha hoá" có í nghĩa rất lớn)

    ReplyDelete
  3. chưa thấy phần "còn nữa" nên chưa biết nó tha hóa thế nào :P nhưng Lịch Sử vẫn "sống sót" thì tu từ học cũng sống sót. và, noi theo chính văn, tha hóa là một "quá độ" hơn là một "trát đòi". và "mọi Lịch Sử chứa theo một hạn định đều là một huyền thoại" thế nên bản thân "Le motif du dernier homme" hẳn không thoát được cái phần số í.
    "Tại đây Lịch Sử dừng lại và bị phế truất, vị Chúa xã hội được dựng lên. ... nó đã phân chia Thời Gian chính xác giống như Christ, can thiệp khi đến kỳ đến hạn một truyền tin dài dặc," aha, thật là một lưỡi dao mổ bằng thép Thụy Điển chính cống! nó cho thấy sức mạnh của "tu từ học": nó nói sự thật và ko có gì ngoài sự thật. như thế nó trả lời cho những băn khoăn kiểu "What Is To Be Done?" sau này. sau Cách Mạng là Đế chế rồi Tư sản rồi ... cái "Tranh" lớn đó, nhỉ?

    ReplyDelete
  4. tiếp tục

    đoạn này bắt đầu rất rõ rồi đấy (không những thế, Barthes còn bình luận Michelet trong đối sánh với Balzac hehe)

    ReplyDelete
  5. như vậy thì "tha hóa", quả đúng vậy, liệu có phải "xét về mọi điểm tương đồng với tự nhiên tính của Tự Nhiên thực thể" không nhỉ?
    và Barthes bình luận ra hai yếu tính của cái Lịch Sử đó:là Đạo đức Michelet, rồi là Huyền thoại - không phải do tính hai mặt "hạn định-giá trị" mà do cái "tất yếu cơ học" của Đạo đức và sự trộn lẫn tôn giáo với khoa học.

    ReplyDelete
  6. "Ở Balzac, chính các liên hệ giữa những con người, chứ hoàn toàn không phải những con người ấy bằng xương bằng thịt, mới là kết cùng của sự miêu tả. Một chân dung của Balzac, có lẽ chính trong chừng mực nó rất tỉ mỉ, chỉ tạo nên một décor, nơi từ đó một hành động sẽ khởi phát."- tuyệt hay! làm cho "chủ nghĩa hiện thực" ngã ngửa. nó khiến nghĩ lại/đến những bức tượng Hy Lạp: cái "tổng thể" đó, tính "khởi phát hành động", tính Tinh thần của những hình hài khỏa thân đó.

    ReplyDelete
  7. pha đặt Balzac cạnh Michelet này là cú nắm thực tại rất ghê gớm của Barthes: khoảnh khắc Michelet-Balzac rọi chiếu khoảnh khắc Balzac và khoảnh khắc Michelet, và hơn thế một chút

    ReplyDelete
  8. "Các nhân vật lịch sử, bởi cơ thể họ, bằng cách đó được nhập vào cho một điều kiện vượt quá họ và gò bó họ." - cái là con người bị confined ở cái là văn minh. Michelet sâu sắc quá nhỉ.
    và cái đó nó thúc đẩy "đến bên bờ một hành động thể chất, khiến bản thân anh ta phải dự phần vào một trạng thái của bản tính xác thịt," và do đó "làm tù nhân một hệ cử chỉ, một phong cách hành động, và do vậy một Lịch Sử." - cho đến cái kết luận sau đó về căn tính "giọng nói" của "Lịch sử" thật là rõ đến muốn cười haha một cái! liệu đấy có từng là một quy tắc michelet áp dụng cho cả thuộc địa và xứ Pháp hải ngoại ko nhỉ, trong môn lịch sử của xứ ấy?

    ReplyDelete
  9. gây choáng. vì sự rõ ràng của Michelet mờ đục. nhưng đó là một cái rõ ko thể chia tách "giống như trong các giấc mơ nơi người ta nhìn thấy đang sống một người chết mà chẳng hề thấy kinh ngạc khi biết người đó đã chết."
    và còn choáng hơn, là tính huyền thoại của cái tổng phổ: lịch sử - michelet - sự chết, tương ứng là: "ma thuật/tôn giáo" và "chất". chỉ cần thay đổi nhạc trưởng và orchestra.
    như vậy, ý niệm "giấc mơ" ở đây ko còn là một ý, mà là một thực, với "giấc mơ" tức là những "giấc mơ" liên tục hội vào "Giấc Mơ"; và ko phải là một ẩn dụ, cũng ko phải là tưởng tượng, nó LÀ.
    Barthes ko phê phán Michelet, nhỉ.

    ReplyDelete
  10. Barthes là một trong mấy người hết sức quan trọng khiến cho ẩn dụ bớt hoành hành đi

    hoặc cũng có thể đã đến lúc ẩn dụ giảm vai trò của nó

    ReplyDelete
  11. 'Ce terme-valeur qui transforme l'Histoire en Mythe, c'est donc en définitive la moralité micheletiste.' - vì sao NL lại dịch thành 'luân lý Michelet', trong khi tất cả những 'moralité' khác trong bài đều để là 'đạo đức'?
    Nhân tiện, 'đạo đức' và 'luân lý'trong tiếng Việt ứng đối với 'moralité' và 'éthique' như thế nào, từ khi nào?

    ReplyDelete
  12. vì có một thay đổi tonalité ở đây, mà tôi nhận thấy - tôi luôn luôn gọi các moraliste thế kỷ 17 là "luân lý gia"

    trước đây tôi nghĩ nên gọi éthique là luân lý và morale, đạo đức, nhưng giờ tôi nghĩ là phải ngược lại: bộ sách của Spinoza là Đạo đức, như Đạo đức kinh

    ReplyDelete
  13. cuối cùng thì tôi cũng đã hiểu ra, tại sao Barthes lại dùng từ "hérocratie" (ngay ở đầu bài)

    không phải "hérocratie" (từ này rất dễ khiến người ta nghĩ đến "héros" tức là chẳng hề liên quan), mà đó là "hiérocratie": tức là "chế độ" tại đó đóng vai trò chính yếu là những "initié" (những người được khai trí); có một "truyền thống" coi hiérocratie cũng tương đương với théocratie (hay được dịch là "thần quyền")

    "théocratie", nếu tôi không nhầm, là từ do Flavius Josephus tạo ra

    ReplyDelete
  14. Michelet đã rất chuẩn xác khi bắt đầu "History of the French Revolution" với miêu tả khung cảnh chung: hai sự tầm thường nhìn nhau - "Politicians on either side! connivance against connivance! Where shall I turn to find the friends of truth?"

    nothing is left but gentleness, politeness, evasion, omission. có một sự đầu hàng chung, ngoảnh mặt đi khỏi mọi điều là giá trị

    rất sáng suốt, Michelet gạt đi cái rhetoric muốn (rất tiện) xếp religion vào domain của privacy, của taste (mà sau này Simone Weil sẽ hết sức đả kích). faith doesn't accept any fragmentation. Christianity và Revolution phải được đưa trở lại phối cảnh đúng của chúng: hai lực đối đầu nhau - và ta có lịch sử

    nhưng cho tới thời điểm đó, chưa ai làm được điều này, vì sợ hãi. sử gia đã nhận ra và nhận lấy sứ mệnh lịch sử của mình. cần phải dựng lại một thời, dựng lại tấm gương mà soi vào đó con người thấy lại/ nhận ra , trong lóe chớp, khuôn mặt thần thánh của mình (cũng metaphor tấm gương: Goethe, G.E.)

    cái nhìn của Michelet vào Revolution cũng có thể coi là cái nhìn từ bên ngoài (đúng hơn: đi một vòng). kháng cự người cha republican (and anti-clerical), Michele chọn baptized ở tuổi 18 và còn làm gia sư cho các princesses nhà Bourbon và Orleans. tia chớp Tháng Bảy định mệnh đến vào tuổi 32: "a great light dawned, and I became aware of France." cuộc rẽ ngoặt thần tốc bắt đầu từ đây

    bộ sử này dường như cũng là một cuộc để tang, một 'tìm thời gian mất'. Michelet dành dòng cuối Preface để tưởng niệm một sự kiện đầy tính biểu tượng: cha - người đầu tiên kể cho cậu bé Jules về Revolution, "the image and venerable witness of the Great Age" - qua đời. khi đó Michelet 48 tuổi

    ReplyDelete