Apr 15, 2019

Hôtel Savoy

quay trở lại (nói đúng hơn, tiếp tục) Roth


(tiếp tục - cùng chủ đề, hoặc gần như thế - "Những đêm")


Có những người đợi đến mùa xuân, nhưng cũng lại có những người đợi cho qua mùa xuân ("Ai đâu trở lại mùa thu trước" etc. etc.).

Nhiều người sống ở khách sạn, thậm chí cả đời. Có nhiều người như vậy hơn ta có thể tưởng, hoặc biết. Xét cho cùng cũng đáng buồn: chân trời của thế giới dường như thu hẹp lại, chật chội đến mức những phiêu lưu chỉ còn là chuyện ngủ đêm ở khách sạn. Cuộc sống của "nomade" cũng bất khả như hiện diện của những "monade".

Kafka nói đến giấc mộng Zionism như sau: trong suốt lịch sử, người Do Thái mơ đến tổ quốc trên phương diện thời gian (mọi thứ nằm trong Quyển Sách), giờ đến lúc giấc mơ ấy diễn ra trên cả bình diện không gian nữa. Bình luận Kafka, một trong những câu vĩ đại nhất (đồng thời cũng bí ẩn hơn cả) là của Borges, khi Borges nói đại ý Kafka quan trọng hơn "our time". Nhưng vấn đề là, nếu hiểu "our time" là "thời đại của chúng ta" thì tức là đã không hiểu gì - hay nói đúng hơn, đã hiểu hơi quá nhiều. Sự hiểu tràn ra khỏi thì cũng vô nghĩa như sự hiểu không đủ. Không gian làm Kafka khiếp sợ, ít nhất là dửng dưng. Những không gian nào? Lâu đài, trong cuốn tiểu thuyết cùng tên. Tòa nhà trong cuốn tiểu thuyết mang nhan đề Phiên tòa (sao lại có thể là "Vụ án"? phiên tòa là cái đón lõng vụ án, bao gồm vụ việc vào bên trong đó), phiên tòa có thể được tổ chức trên tầng áp mái của tòa nhà. Nhưng còn một dạng không gian khác nữa - biến thể của tòa nhà lớn: khách sạn, trong Amerika ("Khách sạn Phương Tây", xem ởkia). Đối với Joseph Roth, Zionism chỉ có thể nảy sinh từ một người sống ở thành phố Wien (nhà báo Theodor Herzl).

Trong Hôtel Savoy, cuốn tiểu thuyết miêu tả những con người "cùng sống trong đống bùn trong lúc chờ đợi cùng một cái chết", nhân vật chính, "tôi" (Gabriel Dan) vào khách sạn Savoy. Hôtel Savoy là một tòa nhà lớn. Một tòa nhà điển hình của thế giới bourgeois thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 là một dạng tôn ti ngược: càng lên cao càng hạ giá.

Joseph Roth sinh sau Franz Kafka mười một năm, chết sau mười lăm năm. Roth và Kafka giống nhau ở rất nhiều điểm, trong đó có việc cả Roth và Kafka đều chưa bao giờ đến Mỹ, nhưng đều viết một cuốn tiểu thuyết lấy nước Mỹ làm bối cảnh: trong Amerika, Karl Rossmann khi nhìn thấy bức tượng Nữ thần Tự do thì trên tay nữ thần không cầm ngọn đuốc, mà cầm thanh kiếm (cũng như, không phải "America" mà "Amerika"): đó là cuốn sách, ngoài nhiều điều khác, về Justice. Hiob. Roman eines einfachen Mannes của Roth (1930), ngoài nhiều điều khác, là cuốn sách về Grace (Michelet, khi bình luận về vương quyền nước Pháp, nói: "công lý và ân sủng là tất tật một ông vua" - ông vua lý tưởng). Hiob có một số phận không yên ổn trong cuộc lang thang qua các ngôn ngữ (từ ngữ của Roth cũng lang thang, như "Những người Do Thái lang thang", tên một tiểu luận lớn của Roth): bản dịch tiếng Pháp sớm tên là Job. Roman d'un simple juif in ngay năm 1931; về sau này, suốt một thời gian dài, người Pháp đọc bản dịch tên là Le Poids de la grâce; chỉ chưa đầy mười năm nay mới có bản dịch thứ ba, của Stéphane Pesnel, quay trở lại theo đúng nhan đề gốc: Job, roman d'un homme simple. Trong một quãng thời gian rất ngắn (Hành khúc Radetzky in sau Hiob chỉ hai năm), Roth thiết lập hai vế chính yếu (bộ khung lớn) cho tổng số tác phẩm văn chương của mình: một bên là sụp đổ của đế chế Habsburg, còn bên kia là người Do Thái.

Roth sinh ra tại vùng Galicia, nhưng không hoàn toàn thuộc vào địa dư của các "shtetl" Do Thái, mặc dù Roth thuộc vào số những người miêu tả phong cảnh sống đặc trưng ấy (chỉ thuần túy là đồng bằng phẳng lặng, không gần núi, gần rừng hay gần sông) của người Do Thái phía Đông, thảm đạm và buồn tẻ (khi viết, trong tiếng Đức, Roth gọi đó là "Staedtchen"). Vùng Galicia (nhất là Galicia-Volhynia, hay "Ruthenia") trước đó đã trở nên lừng danh trong văn chương nhờ một nhân vật xưa cũ hơn, Leopold von Sacher-Masoch (chỉ vì quá tin - lòng tin chật hẹp - vào định danh mà Krafft-Ebing dùng để miêu tả Sacher-Masoch, "masochism", mà người ta không mấy biết đó là một nhà văn rất lớn), nhất là Lviv (đây là tên trong tiếng Ukraine, trong tiếng Nga đó là Lvov, trong tiếng Ba Lan nó là Lwów và trong tiếng Đức, Lemberg). Roth tới Lemberg để học, trước khi chuyển đến Wien.

Kinh nghiệm đi lính (Thế chiến thứ nhất) khiến trong các tiểu thuyết của Roth có một loạt nhân vật anh lính trở về sau chiến tranh, như trong Mạng nhện, cuốn tiểu thuyết sớm, hay Gabriel Dan, nhân vật chính của Hôtel Savoy.

Trở về sau chiến tranh: phần lớn tiểu thuyết của Roth kể từ thời điểm 1927-1928 trở về trước kể điều đó. Andreas Pum của Die Rebellion (1924) quay trở lại với cuộc sống bình thường bằng một loạt quiproquo không chủ ý (tại bệnh viện quân y, đúng vào thời điểm người ta khám thương binh để quyết định họ sẽ được đối xử như thế nào, Pum lên một cơn run rẩy toàn thân kỳ quặc - như phép mầu - khiến các bác sĩ thấy đó là người cần được đối xử ưu tiên; Andreas Pum có được một cái "orgue de Barbarie" [google plz] để biểu diễn ngoài đường, và nhờ vậy sẽ có vợ, con cùng chỗ ở, theo cách thức rất bất ngờ), nhưng cũng lại một câu chuyện kỳ quặc trời ơi đất hỡi làm cho cuộc đời Pum bỗng xoay đi theo hướng hoàn toàn ngược lại. Về Gabriel Dan, nhân vật chính của Hôtel Savoy, người ta chỉ biết đó là một người trên đường về nhà sau khi bị quân địch bắt làm tù binh một thời gian (Siberia, etc.); chính trên đường về, Dan vào ở Khách sạn Savoy, nơi có ba tầng trên cùng trình hiện sự khốn cùng của xã hội con người trong đoạn hậu chiến. Nhưng chuyện tù binh chiến tranh Áo được miêu tả hết sức kỹ càng trong một cuốn tiểu thuyết khác, Die Flucht ohne Ende (1927), câu chuyện về một chuyến đi (một cuộc trốn chạy) không điểm kết, trong đó nhân vật Franz Tunda bị bắt đưa tới Siberia, trốn khỏi đó nhờ một người Ba Lan, nghe tin hết chiến tranh thì quyết định trở về Áo, nhưng sẽ vướng vào cuộc nội chiến ở Liên Xô và chiến đấu trong vòng một năm rưỡi cho Hồng quân. Những người như vậy, họ có thể có tổ quốc hay không? Tunda hiểu ra, Đế chế đã sụp đổ, các cựu chiến binh - dẫu còn sống - không thực sự biết làm gì nữa, cũng như không còn chỗ mà về.

Khi bị nhốt vào tù, Andreas Pum nhận ra - chỉ để nhận thức được, trong đầu óc tối tăm chẳng có mấy ánh sáng của trí tuệ, trước khi mọi thứ lại sụp đổ luôn - lòng tin là "tổ quốc của tâm hồn". Gabriel Dan, gặp tỉ phú Bloomfield trong nghĩa địa của thành phố nhỏ (một vọng âm của "shtetl": Bloomfield năm nào cũng từ Mỹ về đây viếng mộ bố mình, ông già Blumenfeld) và nghe Bloomfield nói: "Tổ quốc là nơi những người chết của chúng ta ở".

Cả Kafka và Roth đều viết về nước Mỹ. Những con người ưu tú nhất cả một thế hệ ấy (bởi ưu tú, họ quay trở về - nhập vào thì đúng hơn - tính cách tiên tri của dân tộc Do Thái) biết rằng nước Mỹ sẽ là một tổ quốc mới, thêm vào vô số tổ quốc khác của người Do Thái (trong miêu tả của Roth, người Do Thái, những con người "đầu cúi, gáy cứng" sống ở khắp mọi nơi, bên cạnh các dân tộc, ở rìa các quốc gia). Kafka và Roth: những Cassandre của một thời. Những nhân vật văn chương xuất chúng thuộc thế hệ sau đó sẽ miêu tả cuộc sống của người Do Thái trên đất Mỹ, như Isaac Bashevis Singer, và Edgar Hilsenrath, như để đáp lại mọi a priori, viết Fuck America.

Nhưng chuyện không đơn giản như vậy: trong một bài trả lời phỏng vấn, Hilsenrath nói, cuốn tiểu thuyết đầu tiên viết về Shoah thế kỷ 20 từ cái nhìn của đao phủ không phải Những kẻ thiện tâm mà là cuốn tiểu thuyết về cái trống của Grass. Nhưng có một cuốn tiểu thuyết còn sớm hơn thế nhiều, nó được viết ra từ khi mọi điều còn chưa thực sự xảy ra, thậm chí khi ấy người ta gần như còn chưa đoán được chuyện sẽ đi theo hướng nào: chính là cuốn tiểu thuyết Mạng nhện của Joseph Roth thời còn trẻ, một trong những tác phẩm đầu tay của Roth. Nhân vật Theodor Lohse của Mạng nhện tiên báo tất tật khuôn mặt sẽ tiến hành cuộc hủy diệt, những năm sau đó.

Joseph Roth không chỉ là nhà văn, đó còn là một nhà báo (và không chỉ ở tư cách người viết tiểu thuyết feuilleton, như Mạng nhện). Có lẽ đây là một trong những đại diện lớn cuối cùng của một báo chí rất khác báo chí ngày nay. Roth là nhà báo với quy chiếu lớn ban đầu là cuộc Thế chiến mới kết thúc (cuốn tiểu thuyết Zipper und sein Vater nói lên sự đứt gãy thế hệ do chiến tranh gây ra), và trong sự chờ đợi một cuộc Thế chiến nữa bùng nổ.

Cuốn tiểu thuyết về Zipper và (các) con trai sẽ làm độc giả ngày nay nghi hoặc: cứ như thể nó được viết bởi một Roth khác: Philip Roth, tất nhiên. Cách kể câu chuyện của Joseph Roth gây sửng sốt vì sự hiện đại, và điều đó không chỉ vì nó chứa đựng những đoạn chính xác vô song về các diễn viên điện ảnh (Hollywood là một trong những chủ đề suy nghĩ không nhỏ của Roth). Joseph Roth đi trước (tất nhiên) và cũng đi xa hơn rất nhiều so với Philip Roth, không chỉ với một sự sáng suốt đáng kinh ngạc (nhưng không rơi vào phán xét) mà còn với một sự rung động rất đặc trưng của những khoảnh khắc thực tại được chạm đến, một cách chuẩn xác. Đó cũng là cuốn tiểu thuyết giúp ta đoán định nghĩa đích thực của từ "contemporary", chủ đề suy nghĩ của một người sinh cùng năm với Kafka, triết gia Ortega y Gasset. Rất hiếm khi văn chương làm được điều này, nếu đó không phải Joseph Roth hay Kafka, hoặc một nhân vật nữa cũng thuộc về thời kỳ ấy: Robert Walser.

Trong thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, ở Pháp người ta như thể phát hiện trở lại Joseph Roth, nhất là Roth nhà báo. Liên tiếp nhiều tập bài báo của Roth được dịch, chẳng hạn Une heure avant la fin du mondeLa Filiale de l'enfer, tập thứ nhất bao gồm các bài báo cả trước và sau thời điểm 1933, tập thứ hai chỉ gồm những gì sau cái mốc đó; một số bài chỉ tồn tại ở dạng bản thảo (lưu trữ tại Leo Baeck Institute, New York). Hối hả đến mức hai tập sách trên in trùng nhau một bài (hai bản dịch khác nhau), bức "thư ngỏ" của Roth cho một nhân vật "governor" - đó là thời điểm quanh Anschluss, 1938. Roth từng mong mỏi nước Áo sẽ kháng cự lại được Đức Quốc xã. Hy vọng ấy sụp đổ. Roth rời Wien chỉ ba ngày trước khi quân Đức tiến vào Áo, trước sự quy phục của cựu đế chế. Đây đã là lần thứ hai Roth đi ngay trước khi thảm họa xảy ra: trước đó năm năm, vào đầu năm 1933, Roth lên tàu hỏa đi từ Berlin sang Paris, đúng vào lúc Adolf H. bắt đầu lên nắm quyền tại nước Đức. Giữa năm 1932, người ta kể, tại một quán cà phê Berlin, Roth đã nói với bạn: "Đến lúc phải đi rồi. Chúng sẽ đốt những quyển sách của chúng ta và chính chúng ta sẽ bị nhắm tới. Bất kỳ ai mang họ Wassermann, Doeblin hay Roth không được chần chừ. Chúng ta phải đi để cho chỉ những quyển sách của chúng ta trở thành mồi lửa". Như vậy là khép lại mười hai năm Berlin của Roth, trong đó những năm đầu cùng người vợ, Friedl Reichler (người vợ ấy bắt đầu có triệu chứng bị bệnh tâm thần vào năm 1928, đến năm 1930 thì Roth đưa Friedl về nhà bố mẹ của Friedl ở Wien nhưng Friedl nhanh chóng phải nhập viện, trong đó có quãng thời gian ở bệnh viện tâm thần Am Steinhof của Wien - trong cuốn tiểu thuyết nhan đề có cái tên Job, viết ngay thời điểm quanh việc này, cũng sẽ có một nhân vật phụ nữ bị đưa vào bệnh viện tâm thần, đó là khi gia đình Mendel Singer nhân vật của cuốn tiểu thuyết đã sang đến Mỹ được một thời gian). Trong cuộc lưu vong, chủ yếu Roth ở Paris, nhưng cũng có nhiều lúc đi các nơi khác, như Wien hay Thụy Sĩ, và nhất là Amsterdam, vì ở đó có vài nhà xuất bản in sách của Roth; trong hồi ký của mình, Klaus Mann (con trai của Thomas Mann - nhân vật mà Joseph rất không ưa) miêu tả không ít hình ảnh Joseph Roth tại thành phố Amsterdam. Paris không xa lạ với Roth: từ trước đó rất lâu, Roth đã là correspondant từ Paris, và từng rất đau lòng vì bị người khác thế chỗ (không những thế, người thay Roth ở Paris lại còn là một nhân vật bài Do Thái: Friedrich Sieburg). Paris có khách sạn Foyot gần vườn Luxembourg (phía Sénat) là nơi Roth thường xuyên ở; chính vì vậy, tháng Sáu năm 1938, khi khách sạn bị phá đi, trong bài báo miêu tả cuộc phá hủy ấy, Roth sẽ viết, mình đang chứng kiến ngay trước mặt nơi ở từ mười sáu năm nay bị phá. Và viết thêm: con người đánh mất đi "hết tổ quốc này đến tổ quốc khác". Roth còn một lần thoát khỏi vừa kịp lúc nữa: cũng giống khi rời Berlin đầu 1933 hay rời Wien trong mùa xuân năm 1938, Roth sẽ từ bỏ cuộc đời vào tháng Năm năm 1939, tại bệnh viện Necker, Paris. Người ta kể rằng ngay trước khi chết, Roth biết tin Ernst Toller vừa treo cổ tự sát bên New York. Như vậy, Roth chết không lâu trước khi quân Nazi tiến vào Paris. Thời điểm ấy của năm 1940, Ernst Weiss sẽ tự sát ở Paris, còn Walter Benjamin chạy sang Tây Ban Nha rồi tự sát ở biên giới.

Thế giới như thể biến đổi, từ chỗ biểu tượng của nó là một cây đàn "harpe d'Éole" ngân lên trong gió, đến chỗ chỉ còn là một "orgue de Barbarie" như thứ đồ vật kiếm tiền của cựu binh Andreas Pum trong Die Rebellion của Roth: từ chỗ là thế giới của các vị thần, nó chỉ còn là chỗ cho "Barbarie"; muốn phát được ra âm thanh, người ta phải quay ma ni ven cái "orgue de Barbarie" (một con lừa kéo xe chở nó những khi Andreas Pum đi ngoài phố kiếm tiền), và cái thùng gỗ không hẳn là một nhạc cụ đó cũng chỉ có thể phát ra một số giai điệu nghèo nàn. Nhờ một bản nhạc buồn đúng lúc, Andreas kiếm được vợ là một bà góa. Thời gian đầu, Andreas rất thích "chơi" bản quốc ca, nhưng càng ngày càng ít dần đi.

Claudio Magris không chỉ dành cho Joseph Roth một chương trong cuốn sách lớn về Đế chế Habsburg, mà còn viết cả một cuốn sách (có lẽ còn lớn hơn nhiều), Lontano da dove (1971), về Roth và người Do Thái Đông Âu. Trong cuốn sách, Magris đặc biệt hay nhắc lại câu nói của Bloomfield với Gabriel Dan, về chuyện tổ quốc là nơi có những người chết của chúng ta. Một chi tiết nữa cũng hay được Magris nhấn mạnh: đoạn hội thoại của vợ chồng Mendel Singer trong Job: "- Ông cư xử cứ như một tên Do Thái Nga ấy. - Tôi là một người Do Thái Nga."

Magris phê phán không ít những tiểu luận của Roth, nhất là tiểu luận về Antichrist: nhưng đó cũng là khi Roth, thêm một lần nữa, thực hiện công việc Cassandre đầy cay đắng của mình: trong tiểu luận ấy, Roth gọi tên được đích xác địa ngục của thời hiện đại chúng ta: đó là Hollywood, cái chốn sản xuất ra những cái bóng, thậm chí những cái bóng của những cái bóng của những cái bóng. Trong Những người Do Thái lang thang, Roth dễ dàng thấy rằng rồi một ngày Berlin sẽ trở thành trung tâm thế giới, dẫu vào thời điểm ấy còn chưa gì nói lên tương lai đó. Tương lai không mù mịt đối với con đường của tiên tri. Nhưng cái giá phải trả cho nó là vô tận đau đớn. Vả lại, thế giới đã biến từ cây đàn hạc sang loại nhạc cụ không hẳn là nhạc cụ mang ngay trong tên của nó yếu tố "Barbarie": càng ngày càng khó xuất hiện loại đàn phát ra những âm thanh nguyên sơ ấy - Joubert viết, trong cô độc và không trông mong sẽ có ai đọc mình, một ngày, tự nhận mình là một "harpe éolienne", không có khả năng tạo ra các giai điệu mà chỉ nương theo gió để cất lên những âm thanh thật mảnh. Mọi thứ đã bắt đầu - như người ta hay nói - tuột ra khỏi bản lề của chúng, để lung lay trong một cuộc sụp đổ phổ quát; đối với một người (Shakespeare), thứ bị trật ra khỏi bản lề chính là thời gian.

Tổ quốc - trong một tiểu luận ngắn - đối với Roth, không hoàn toàn là chuyện không gian. Dẫu thế nào, khó khăn có thể lớn đến mức nào, thì xét cho cùng người ta vẫn có thể đổi quốc tịch. Nhưng chẳng một ai thoát được khỏi thời của mình. Tổ quốc còn có chiều của thời gian. Đó mới thực sự là thứ không thể thoát. Tổ quốc thì thuộc vào bình diện thời gian, mà tiên tri thì lại phải đương đầu với không gian: chẳng gì còn dễ hình dung nữa.

Tổ quốc, Công lý và Ân sủng: những từ không bao giờ buông tha con người nào, nhất là người Do Thái - người Do Thái ở trong một hoàn cảnh có thể tóm tắt bằng một nghịch lý như sau: sự khó ở của các ngôn ngữ thường nằm ở chỗ phải dùng từ ngữ exotérique để nói những điều ésotérique thì ngôn ngữ của người Do Thái ngược chiều: làm cách nào để dùng từ ngữ của thiêng để nói lên thế giới của phàm? Một nhân vật trong tiểu thuyết của Isaac Bashevis Singer có thể sửng sốt trước từ "quảng cáo": sự bất tương thích giữa các thế giới đã trở nên kích cỡ cực đại. Justice cần đến các "Just", trong các tiểu luận của Roth hay có các Just ấy, những người chống đỡ cho thế giới: đối với Kabbalah, thế giới luôn luôn có 36 Just là Do Thái và 36 Just khác không phải Do Thái, họ sẽ duy trì thế giới. Nhưng công lý nào, khi tất tật mọi thứ đều không chỉ sụp đổ mà còn rơi vào sự không sao hiểu nổi? Và Cứu rỗi có thể nằm ở đâu?

Những yếu tố ấy, xuất hiện trở đi trở lại trong các tiểu thuyết của Joseph Roth, luôn luôn phủ bên trên một tấm màn của nỗi buồn, chúng nhúc nhích, tiếp xúc với nhau, và cả tranh đấu với nhau - để tạo nên một trong những thế giới văn chương mênh mông nhất mà thế kỷ 20 từng biết cách tạo ra, mà chỉ rất ít thế giới tương tự có thể so được về tầm vóc, cũng như sự rung chuyển nội tại: Jose Saramago, Witold Gombrowicz hay Sebald.

Quay trở lại với khách sạn Savoy: không nhà văn nào của giai đoạn ấy không đặc biệt quan tâm đến khách sạn. Khách sạn ở "Amerika" của Kafka, khách sạn ở Balbec của Proust; cả Kafka lẫn Proust đều hiểu cần phải nhìn vào đâu để thấy tinh thần của dạng tòa nhà như vậy: cái thang máy (trong ngôi nhà Do Thái kiểu cổ điển - đối với Isaac Bashevis Singer - thường xuyên có một con dế và một con yêu tinh sống, đằng sau lò sưởi). Càng lên cao càng mất giá, tại những tòa nhà bourgeois một thuở. Trong Hôtel Savoy, các miêu tả mấy tầng cao nhất của Roth chính là miêu tả địa ngục (Cioran tự nhận mình là "người của những tầng cao nhất"). Làm thế nào để giải quyết điều đó? Làm thế nào để thoát được khỏi sự mất giá - nỗi hãi hùng của thế giới bourgeois, cái thế giới đặt lòng tin không phải vào giá trị mà vào trị giá? Giải pháp đơn giản đến không ngờ: không phải là đừng xây nhà cao (năm, sáu, bảy, mười tầng), chỉ làm những nhà thấp, mà chính xác ngược lại: cần phải xây cao hẳn lên, cao vượt mãi lên. Thế giới, kể từ Kafka, Proust, Roth đã bước vào đoạn của những tòa nhà gọi là "chọc trời", ở đó những tầng cao lại có trị giá lớn hơn cả (penhouse etc.). Đầy hào hứng, nhà báo Joseph Roth đã viết một bài báo về tòa nhà "chọc trời" đầu tiên ở Berlin. Thế giới lại tiếp tục đảo ngược, không thể vãn hồi, trong sự đảo chiều vừa phức tạp vừa đơn giản đến mức vô sỉ tột cùng.




(sau cái post có tí chút tưởng niệm ởkia, đây là post số 1656)




Roth

11 comments:

  1. có vị thế tương đương như một "monade" nên khách sạn là bất khả với "nomade". nếu coi đói-bệnh-chết là hằng số thì thiên đường vẫn còn khi người ta còn có được những đời du cư. nếu thôi thì bạo mồm suy diễn chắc "our time" í của Borges là "địa ngục".

    ReplyDelete
  2. yes, đến tận Hannah Arendt vẫn còn tuyên bố (và là bằng thơ): "Hạnh phúc là những ai không có tổ quốc"

    ReplyDelete
  3. "au-dessus de l’hôtel Savoy, il y a plein de rues embouteillées, des ruelles encore sombres, ils passent le long de la grande montagne, peut-être que Diamant voudrait s’arrêter un instant dans les pins sur la montagne, elle aime tant l’odeur des aiguilles, elle voudrait que Dragon noir se décide à construire un nid, peut-être, un jour, mais lui bat vite des ailes" (J.-M. G. L. C.)

    ReplyDelete
  4. Offrez à vos voyageurs le meilleur confort et service

    ReplyDelete
  5. un hôtel ne pourrait guère servir d'atelier d'écriture aux filles (pas forcément en fleurs)

    ReplyDelete
  6. I reach the window where I can enjoy a unique panoramic view of the Literature city after hours.

    ReplyDelete