Feb 10, 2022

[tiện bút] lòng bàn tay


(tiếp tục 3 tiện bút gần đây - đúng, cả ba: một, và hai, rồi ba)



Đã đến những ngày các tờ giấy tự chúng quăn lại: những ngày giấy không thể phẳng phiu. Những ngày các feuille de papier nhớ ra chúng từng là feuille sans papier. Những ngày này, các bàn tay trở nên rất đáng ái ngại. Những bàn tay đầy ái ngại như quơ lấy vào trong chúng toàn bộ nỗi tráo trở của mưa gió nắng thất thường. Những bàn tay ấy không thể tơi.

Bàn tay thì có thể cầm dao: con dao không có chuôi, cũng không có lưỡi (con dao của Lichtenberg).


Việc ta thích một lòng bàn tay như thế nào cho thấy ta là người như thế nào, thuộc về hạng mục người nào. Thích lòng bàn tay khô, hay lòng bàn tay ướt? Nghe cứ như là đi ăn miến lươn ở Hà Nội: khô hay ướt?

Những người có lòng bàn tay ướt tất nhiên phải chịu đựng sự ra mồ hôi ở mức độ không nhỏ: lớn hơn thông thường. Tôi biết có người, chỉ từ tích tắc này sang tích tắc sau, lòng bàn tay đang khô cong bỗng ngập nước như một cái hồ, và như vậy thì chỉ cần thoáng có một ý nghĩ về một điều gì đó đáng sợ, chỉ một cái gì đó vô cùng nhỏ nhặt.

Như một cái hồ: tiếng Việt dùng cùng một từ, "lòng" cho bàn tay và ao, hồ, sông. Như vậy, ít nhất có một chút, nó mặc định rằng lòng bàn tay cần phải ướt. Nếu tay không ướt, thì đó không hẳn là bàn tay. Đó có thể là lá chuối hay gì đó khác, nhưng không phải bàn tay.


(nhưng có lẽ, nói giấy nhớ ra tiền thân lá cây không đúng bằng tiền thân vải của nó: thời bột giấy còn chưa được làm từ gỗ, tờ giấy rất dai và thấy rõ thớ, đúng gần như vải; vả lại, giấy quăn thì giống vải nhàu hơn; thậm chí còn có thể, quăn tít như lò xo)


Saint-Augustin nói rằng mình biết một người cứ muốn đổ mồ hôi là được ngay; rồi lại thêm, những người thích khóc là khóc luôn thì ai cũng biết: như vậy, sự dễ dàng về chất lỏng gây kinh ngạc rất nhiều, như thể con người luôn luôn quên mất mình được cấu tạo chủ yếu từ nước. Con người cứ tưởng mình đặc, vững, nhưng gần như không hề.

Khoan đã: một nhân vật như Saint-Augustin, có vị trí trọng yếu như thế trong những vấn đề không thể nghiêm túc hơn, một người mà nếu không có thì câu chuyện Giáo hội Thiên chúa giáo hẳn đã khác rất nhiều, mà lại có thể nói những điều vớ vẩn như một ai đó ra mồ hôi hay thích khóc?

Thứ nhưng lại đúng như vậy. Theo đúng cách lập luận điển hình của Saint-Augustin, ta có thể đặt ra hai giả thuyết song song: hoặc Saint-Augustin thực sự coi những gì mình nói (kể cả vớ vẩn như ra mồ hôi) là quan trọng; hoặc Saint-Augustin biết rằng chỉ nên nói những điều vớ vẩn, vì những điều vớ vẩn thật ra mới quan trọng - tôi thiên về giả thuyết thứ hai (một trong những lập luận đáng nhớ nhất của Saint-Augustin gồm một - trong hai - giả thuyết nói rằng con người - cụ thể hơn, đàn ông - từng dậy thì muộn, muộn hơn rất nhiều so với chúng ta vẫn quen, tức là những người trong Bible).

Nhưng Saint-Augustin chính là người có thể giải đáp rất nhiều thắc mắc. Chính tôi từng ngấm ngầm nghĩ, nhiều nhân vật trong Thánh Kinh (đặc biệt, ở đoạn đầu Cựu Ước) được viết sống năm, sáu, bảy trăm năm là vì "năm" không giống như năm mà chúng ta vẫn biết. Saint-Augustin tiêu diệt giả thuyết đó một cách gọn ghẽ: chẳng có gì như vậy hết, năm hồi đó và năm bây giờ thì vẫn thế. Nhưng, tôi có một điều thúc đẩy để (từng) nghĩ như vừa nói: đọc Tam Quốc diễn nghĩa, nói Lưu Bị cao bảy thước mấy, Quan Vũ cao tám hay chín thước mấy, hồi nhỏ tôi cứ tưởng đó là những người khổng lồ, nhưng hóa ra "thước" ấy là thước Tàu, chứ không phải thước Tây (thước mét). Ngược lại, người khổng lồ lại được Saint-Augustin coi là chủ đề hết sức nghiêm túc. Đặc biệt, sự tỉ mỉ của Saint-Augustin nhìn ra lời giải đáp cho một câu chuyện khó hiểu không nhỏ: nếu tính không khéo, thì Mathusalem sống sau cả Hồng Thủy.

Một vị thánh còn coi mồ hôi là chuyện đáng nhắc đến: thế đấy, sự ẩm ướt.


Một nhân vật khác nữa cũng rất để ý đến Mathusalem: John Locke. Locke nói rằng Mathusalem sống lâu hơn Énoch.





(tiếp tục "đâu đó", về văn chương Branimir Šćepanović - có vẻ như tôi đã bắt đầu thực sự viết được đúng cái tên rất khó viết đúng ấy, mà không cần nhìn bìa sách rồi chép; cũng định tiếp tục và kết thúc - tức là kết thúc thực sự - "thời chúng ta (7) thái độ", nhưng oải quá, ẩm quá, bàn tay nhiều vấn đề kinh khủng khiếp)


2 comments:

  1. Ơ... Thế giáo viên có nên gọi học sinh là con không ạ

    ReplyDelete