Feb 9, 2022

đâu đó




(cảm ơn người đã tặng tôi quyển sách)


Branimir Šćepanović viết không nhiều (quyển sách trong ảnh là tất tật: toàn tập), và là người gây rất nhiều khó chịu, bằng văn chương của mình. Vậy thì rất may, vì Šćepanović viết không nhiều; nếu không, sự khó chịu còn lớn đến đâu nữa? nhưng ngược lại, rất có thể chính vì viết rất ít cho nên Šćepanović mới gây nhiều khó chịu đến thế (một cái dằm chỉ thực sự nguy hiểm khi nó nhỏ xíu, nếu nó to thì lại chẳng gây khó chịu chút nào, thậm chí đó còn không phải một cái dằm). Một trong những nhân vật bị văn chương (hoặc cũng có thể, con người - điều này thì ta chẳng bao giờ biết chắc được, nhiều khi rất khó phân biệt) Šćepanović làm cho (rất) khó chịu là người đồng hương Danilo Kiš.

Trong thế giới của Branimir Šćepanović có đặc biệt nhiều một yếu tố: nỗi xấu hổ. Nỗi xấu hổ nằm trong nhan đề một cuốn tiểu thuyết (Mùa hè của nỗi xấu hổ) và một mình nó làm nên tên một truyện ngắn (một truyện ngắn dài - vì có những truyện ngắn ngắn, tập hợp vào một quyển được lấy làm tên chung cho toàn tập trong tiếng Pháp, bởi đó là tập inédit trong thế giới nói tiếng Pháp), truyện nằm cuối tập truyện ngắn chỉ gồm 4 truyện.


Šćepanović rất dễ làm chúng ta nhớ đến một thời, thời "văn chương Nam Tư" thuộc vào số những gì nếu không phải rất quen thuộc thì cũng không xa lạ lắm: nói chung là Đông Âu ngoài Liên Xô. Có một cái gì đó, ở trong đó, rất cứng rắn, sự cứng rắn bên dưới, và cũng rất quẫn, tất tật bọc ở trong các hình thức không mấy ve vuốt. Đối với Šćepanović, Nam Tư chủ yếu là Montenegro, những nhân vật của Šćepanović chủ yếu quay về đó để chết, nhưng cũng để nhận lấy (nhận thêm) những nhục mạ mới, sự thêm vào cho nỗi xấu hổ lúc nào cũng hiện diện, ở nhiều mức độ.


Nhưng kể cả khi nỗi xấu hổ là một trong những thème chính yếu của văn chương Šćepanović, thì ở đó vẫn có thể có nhân vật nói ra một câu đại ý, "nhất thiết phải thuộc về đâu đó". Dẫu cho nhân vật của Šćepanović có thể là một người bị tai nạn ô tô, cố bò ra vệ đường chờ người đến cứu, và sẽ nhận ra, suốt đêm, những người đi qua nhìn thấy đều tảng lờ đi, gần như tất tật đều như vậy - nguồn gốc gây ra nỗi xấu hổ cho chính người gặp tai nạn kia.

Một câu chuyện của Šćepanović có thể mang nội dung như sau: hai người đàn ông nói chuyện với nhau, nhắc đến một người thứ ba, là ân nhân của họ, nếu không có người đó, trong chiến tranh, hai nhân vật đã chết. Một trong hai người, sau đó, kể mình mới gặp con gái của người đã chết (vì cứu hai người này nên người thứ ba kia bị giết), giờ làm điếm, và đã ngủ với cô gái ấy. Người còn lại, nghe kể xong thì nói người kia không ra gì, người kia cũng rất lấy làm ngượng ngùng. Cuối cùng, người nghe kể chuyện hỏi cách làm thế nào để gặp được cô gái điếm và sử dụng dịch vụ.








(tiếp tục "sine, Tacite", "Lawrence & Thesinger" và thực sự kết thúc - tức là hết hẳn - "vẫn bẫy")

2 comments:

  1. bẫy thì giống sự thật, cho nhầm link cũng nhầm luôn

    ReplyDelete
  2. Sinh sau đẻ muộn, văn chương Đông Âu như NL nói, chỉ được đọc mỗi Cánh Cửa thôi, nhưng vậy cũng là rất tuyệt rồi
    Đọc một bài của Steiner trên talawas, nghe ông ấy nói đến Kosovo, bây giờ mà nói đến Kosovo, Yugoslavia thì cũng gần như chiến tranh Iraq, nhưng cái quyển tiểu thuyết về Kabul mà NL có lần nói ấy, Liên Xô vs Aghanistan thì chắc người ta có đọc đấy, hồi còn đi học thấy có một em gái đọc nó
    Nemanja Vidić, Dmitri Berbatov rồi gần đây thì Luka Modrić

    ReplyDelete