May 14, 2016

La Rochefoucauld: châm ngôn

Đã nói đến Chamfort rồi thì nhất thiết cũng phải nói đến La Rochefoucauld. Chamfort và La Rochefoucauld đều là a xít, Chamfort là nhân vật bí ẩn có tiểu sử không mấy rõ ràng, của thế kỷ XVIII, còn La Rochefoucauld là một quý tộc danh giá, con người của thế kỷ XVII (xem thêm ở kia).

La Rochefoucauld là điều nhất thiết nếu muốn hiểu nhân vật Charlus, Charlus lại là nhân vật quan trọng nhất, thậm chí còn ở mức cao hơn Swann, mà nếu không hiểu dẫu chỉ một cách tương đối thì coi như có thể chắc chắn không bao giờ hiểu gì về À la recherche du temps perdu (ta sẽ sớm, thêm một lần nữa, quay trở lại với Marcel Proust, và lần này sẽ đi sâu hẳn vào - xem thêm ở kia; Kafka cũng đến lúc cần được thực sự đi sâu: tôi bắt đầu nhận thấy sự diễn giải Kafka ở Việt Nam đã đạt mức ngớ ngẩn hiếm có).

Dưới đây là các châm ngôn của La Rochefoucauld tập trung vào passion (dục vọng); tôi thấy rất nực cười, có những người, cũng tỏ vẻ triết học này nọ, mà cứ nhìn thấy "passion" là khăng khăng phải là "niềm say mê".



Lòng tự ái là kẻ phỉnh nịnh vĩ đại nhất.


Dẫu ta có khám phá được nhiều điều đến đâu tại xứ sở của lòng tự ái, thì vẫn còn lại vô vàn mảnh đất xa lạ.


Lòng tự ái còn thiện xảo hơn kẻ thiện xảo nhất trên đời này.


Độ dài các dục vọng của chúng ta cũng không phụ thuộc vào chúng ta giống như độ dài cuộc đời của chúng ta.


Những hành động lớn lao và kỳ vĩ làm lóa mắt con người ta được các nhà chính trị giải thích là các hiệu ứng của những quyền lợi lớn, thế nhưng thông thường chúng là các hiệu ứng của tâm trạng và các dục vọng. Thế nên cuộc chiến tranh giữa Auguste [Augustus] và Antoine [Mark Antony], vẫn hay được coi là liên quan đến tham vọng trở thành chúa tể thế giới ở họ, là một hiệu ứng của lòng ghen tị.


Chỉ các dục vọng mới là những diễn giả lúc nào cũng đủ khả năng thuyết phục. Chúng giống một nghệ thuật của tự nhiên với các quy tắc chẳng bao giờ sai lầm; và con người chất phác nhất được dục vọng hướng lối còn thuyết phục giỏi hơn người nào chỉ sở hữu mỗi tài hùng biện.
[nghe như là đang miêu tả Adolf Hitler]


Các dục vọng có một sự bất công và một lợi ích riêng khiến cho sẽ thật nguy hiểm nếu tuân theo chúng, ngay cả khi chúng có vẻ hữu lý nhất.


Trong trái tim con người có một sự sản sinh miên viễn các dục vọng, thành thử khi một dục vọng suy đổ thì luôn luôn có một dục vọng khác được hình thành.


Mọi dục vọng đều chẳng là gì khác ngoài các mức của độ nóng và độ lạnh của máu.


Tất cả chúng ta đều đủ sức chịu đựng những nỗi đau của người khác.


Triết học dễ dàng chiến thắng những điều xấu xa đã qua, cùng những điều xấu xa còn chưa sẵn sàng xuất hiện, nhưng những xấu xa hiện tại thì chiến thắng triết học.


Phải cần đến những phẩm hạnh lớn, và với số lượng lớn hơn nhiều, thì mới có thể chịu đựng được vận mạng tốt, so với vận hạn xấu.


Không thể nào nhìn chăm chăm vào mặt trời và cái chết.


Ghen tuông là hữu lý, và theo cách nào đó là công chính, vì nó chỉ tìm cách giữ một thứ tài sản thuộc về chúng ta, hoặc chúng ta tưởng là thuộc về chúng ta; ngược lại, ghen tị là một sự cuồng loạn luôn luôn khiến chúng ta mong muốn sự sụp đổ tài sản của người khác.


Sự xấu xa mà chúng ta gây ra không hút đến sự hành hạ và lòng căm ghét nhiều bằng các phẩm chất tốt đẹp mà chúng ta sở hữu.


(trích từ Maximes)




Chamfort: châm ngôn
Pascal: châm ngôn
Cioran: châm ngôn
Pessoa: châm ngôn

châm ngôn viết ở rìa một khu rừng (17b)
châm ngôn viết ở rìa một khu rừng (17a)
châm ngôn viết ở rìa một khu rừng (3b)
châm ngôn viết ở rìa một khu rừng (3a)

2 comments:

  1. Câu đều đủ sức chịu đựng nỗi đau của kẻ khác hay quá :v

    ReplyDelete
  2. thật ra trong câu í nỗi đau đồng thời cũng muốn nói sự xấu xa, nhưng thôi tạm để đơn nghĩa thế đã cho dễ hiểu

    ReplyDelete