Jul 23, 2016

Khái Hưng ngoài Phong hóa, Ngày nay

Tôi từng (vài lần) nói đến chuyện, không dễ tìm dấu vết của Khái Hưng ngoài Phong hóa, Ngày nay (cũng như An Nam xuất bản cục và nhà xuất bản Đời nay), đặc biệt là Khái Hưng của giai đoạn "tiền Phong hóa". Ai cũng thấy ngay là ở tuổi của Khái Hưng khi Phong hóa khởi động, với một sự viết sắc nét ngay lập tức như vậy, không thể có chuyện là một tay mơ. Nhưng như thế thì thế nào?

Các nhà văn như Mặc Đỗ hay Phan Du, về cơ bản ta vẫn biết tương đối cụ thể hồi trẻ họ từng viết những gì, ở đâu, trên các tờ báo hay tờ tạp chí nào. Nhưng Khái Hưng đặc biệt bí ẩn.

Điều mỗi lúc một làm tôi thấy thêm kinh ngạc là các nhà nghiên cứu văn học Việt Nam ngày trước (và cả bây giờ) rất không quan tâm đến một số điều, và theo thời gian, tài liệu mai một, lắm thứ dường như đã trở nên vô vọng. Càng ngày tôi càng hay tự hỏi, các nhà nghiên cứu văn học Việt Nam, họ làm gì?

Điều oái oăm nằm ở chỗ, tôi khởi đầu từ lý thuyết văn học, và chẳng mấy quan tâm đến văn chương Việt Nam. Cho đến một thời gian dài, tôi bị cho ngồi chơi xơi nước chẳng có việc gì làm, thế là tôi tò mò xem quanh quất. Trước đây, tôi nghĩ, văn chương Việt Nam đã được giải quyết xong xuôi từ lâu rồi, còn có gì mà làm. Chính trong khoảng thời gian ngồi chơi xơi nước dài hạn và nhìn quanh quất ấy, tôi bỗng nhận ra là mình đã nghĩ sai. Thậm chí, gần như còn chưa có gì được làm. Cùng cảm giác này xuất hiện gần đây hơn, khi tôi bỗng muốn quay sang xem mảng nghiên cứu Hán Nôm ở Việt Nam (có lẽ vài năm nữa sẽ nói kỹ hơn).

Cùng lúc ấy, tôi chứng kiến giới nghiên cứu văn học đuổi bắt với đủ mọi thứ lý thuyết trên đời. Tôi xin nêu một nhận xét rất chừng mực: gần như không có ai thực sự hiểu mình nói gì.

Quay trở lại với Khái Hưng: trong folklore bao quanh ông ấy, người ta hay nhắc đến bút danh "Bán Than" (liên quan đến sự biến đổi liên hoàn Trần Giữa -> Trần Khánh Giư (Khánh Giư->Khái Hưng) -> Trần Khánh Dư); một số người nói chắc cú rằng trước Phong hóa, Khái Hưng ký bút danh Bán Than viết trên tờ Văn học tạp chí.

Trong nghiên cứu văn học ở Việt Nam, có rất nhiều thứ lửng lơ kiểu như vậy. Trong số chúng, không ít sẽ dần dần trở thành huyền thoại, rồi đến lúc khó lòng tách biệt thật và ảo nữa.

Trong thông tin ấy ẩn chứa một niềm tin, rằng Văn học tạp chí là một tờ báo cổ xưa, còn Phong hóa thì mới mẻ, nên Văn học tạp chí đương nhiên trước (và trước nhiều) so với Phong hóa. Nhưng không hề: Văn học tạp chíPhong hóa lại bắt đầu ra cùng một năm, năm 1932 (xem ở kia).

Chuyện Khái Hưng ký tên Bán Than đăng Văn học tạp chí khiến tôi phân vân rất lâu, tôi nhìn thấy ở trong đó rất nhiều điều.

Còn sự thật là Khái Hưng có đăng bài trên Văn học tạp chí, nhưng không có bút danh "Bán Than" nào (ở đây) cả, và không hề "trước Phong hóa".

Dưới đây là hai bài báo của Khái Hưng (ký "Trần Khánh Giư"), thuộc loại tài liệu rất khó tìm của mảng "Khái Hưng ngoài Phong hóa, Ngày nay")

Bài về Lão giáo trên Văn học tạp chí số 5, tháng Mười 1932:







Ghi tên "Trần Khánh Giư":


Cùng số này, có ảnh Nguyễn Mạnh Tường:


Bài thứ hai, so sánh Nguyễn Bỉnh Khiêm và Nguyễn Công Trứ, tiếp tục dựa trên căn bản của Lão giáo (số 6, tháng Mười một 1932):











(ký "T. K. Giư")

Ngay số 2 của chính Văn học tạp chí, đã có quảng cáo cho Phong hóa:



Một điều rất đáng kinh ngạc là dường như mới chỉ có duy nhất Thanh Lãng từng khảo cứu về Văn học tạp chí (nhưng không hề nói đến chi tiết Khái Hưng đăng bài ở đây: xét theo thời điểm, có thể suy ra Khái Hưng viết cho Văn học tạp chí đồng thời với Phong hóa, hoặc giả Văn học tạp chí nhận được bài từ trước nhưng thời điểm tháng Mười, tháng Mười một mới đăng).

Hai bài này cho thấy một Khái Hưng đặc biệt khác với hình ảnh Khái Hưng mà ta hay thấy. Cũng có thể thấy rằng Khái Hưng đang thực sự viết cả một khảo luận về Lão giáo trong văn chương Việt Nam. Khái Hưng ở chính giữa: một bên là Văn học tạp chí không thể cổ hơn ở thời điểm đầu thập niên 30 ấy, bên kia là Phong hóa không thể mới mẻ hơn. Cũng là ở chính giữa anh em nhà họ Dương một bên (nổi bật hơn cả trên Văn học tạp chí là Tuyết Huy Dương Bá Trạc, nhưng cũng có Dương Tự Nguyên, Dương Tụ Quán, Dương Quảng Hàm) và bên kia là anh em nhà Nguyễn Tường (Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam). Dường như Khái Hưng ngả sang bên nào là bên ấy sẽ khác hẳn. Kết quả thì ta đã biết.

Tôi càng thấy đậm nét hơn cảm giác mà Khái Hưng gây cho tôi: đó là một người ngoảnh nhìn quá khứ mà đi giật lùi về phía trước. Và, Khái Hưng thì ôm một pho Đạo đức kinh, mà Nhượng Tống thì một pho Nam hoa kinh.



về Khái Hưng:

Tự Lực: một sự nghiệp tuyệt đẹp
Tiểu luận thứ hai về Tự Lực văn đoàn

Tiểu luận thứ nhất về Tự Lực văn đoàn

Đã
Lên, lên nữa, lên mãi
Vàng và máu: một vị trí
Phan Cự Đệ vs Khái Hưng
Khái Hưng vs Nguyễn Tuân
Khái Hưng
Những câu chuyện rất là khác

12 comments:

  1. Ôi cách đây 10 năm khi còn là sinh viên em cũng từng có suy nghĩ ấu trĩ là "văn chương Việt Nam đã được giải quyết xong xuôi từ lâu rồi, còn có gì mà làm. " cho đến khi đọc blog này:D

    ReplyDelete
  2. Lại khoe báo! Nhiều khi thấy lão hơi lan man. Ông lọ đá ông chai nhưng bài này thì không.

    ReplyDelete
  3. mỉa đấy à?

    vẫn chưa thấy mang "Mây Tần" đến nhỉ

    ReplyDelete
    Replies
    1. Ai mỉa anh. Mà nhớ dai thế!Đợt tới em đưa.

      Delete
  4. Anh thấy ngày nay có nhiều bạn ôm một pho tam quốc diễn nghĩa đi giật lùi về phía trước

    ReplyDelete
  5. nếu mà làm được thế thật thì oách lắm đấy, chỉ có điều đời này đông đặc bọn dừng chân giữa đường (Romain Gary)

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cứ ôm cái chữ "oách" này mà lên đỉnh cũng được

      Delete
    2. sợ nhất là bọn không bao giờ lên được đỉnh mặc dù đã sử dụng thuốc kích dục quá liều í chứ, bọn í là rất nguy hiểm

      Delete
  6. Cảm ơn anh, tôi đã già lại kém ngoại ngữ, rất thích những bài nghiên cứu về văn học Việt Nam của anh, chúc anh sức khỏe và tiếp tục có nhiều bài hay.

    ReplyDelete
  7. Ở hội thảo vừa rồi có một chú viết về Nho học trên tờ Phong Hoá đấy :P

    ReplyDelete
  8. Em vừa đọc được bài này, kể về việc Khái Hưng gặp anh em Nguyễn Tường khi làm thư kí một hãng dầu hỏa (không phải mở đại lý dầu hỏa) ở Cẩm Giàng, chứ không phải đến khi dạy trường Thăng Long mới gặp. Người viết ghi theo lời kể của mẹ mình, Nguyễn Thị Tiết, chị họ đằng ngoại của KH. Không biết câu chuyện này có đáng tin hơn chuyện bút danh Bán Than (đáng ngờ) trên VHTC không ạ?
    https://langxuancau.blogspot.com/2013/11/me-toi-ke-ve-tu-luc-van-oan-nhung-nguoi.html

    ReplyDelete