Apr 18, 2017

Xiếc

Rạp xiếc (circus) là sự nối tiếp, xuyên qua thời gian, của đấu trường (arena) trong thế giới La Mã. "Trò giải trí", nhưng là trò giải trí căng thẳng, tuy về sau đỡ đẫm máu nhưng sự căng thẳng thì vẫn còn nguyên. Đã rất nhiều lần, tôi nhìn thấy trong các bản dịch tiếng Việt, "Piccadilly Circus" được gọi là "Rạp Xiếc Piccadilly".

Nhưng "xiếc" còn liên quan đến một điều nữa: sự kỳ ảo, sự kỳ ảo ấy lại càng có ý nghĩa lớn, trong thế giới rất thiếu vắng sự kỳ ảo ngày nay.

Patrick Modiano có một - tôi sẽ dùng một từ to tát - sứ mệnh: định nghĩa lại sự huyền hoặc. Đó là sứ mệnh ở bên cạnh sứ mệnh tiếp nối vở kịch Pháp, dòng lớn của văn chương nước Pháp, Balzac, Flaubert, Proust, Céline.

Un cirque passe đối xứng (đây là một nét quan trọng trong cấu trúc văn chương Modiano) với Từ thăm thẳm lãng quên: hai cuốn tiểu thuyết này cũng có niên đại sát kề nhau, trong đó "Cirque" là mở đầu, Từ thăm thẳm lãng quên là tiếp nối. Chúng như thể soi gương lẫn nhau. Về sau, Modiano viết thêm Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối, tạo thêm một cấu trúc khác, và ta có một "trilogy". Sống là đi xuôi, viết là đi ngược, như ở kia đã nói, nhưng vậy còn chưa đủ, còn một mối quan hệ nữa: viết là đi xuôi, còn đọc là đi ngược; thứ tự viết của Modiano là 1) Un cirque passe 2) Du plus loin de l'oubli 3) Dans le café de la jeunesse perdue, thì sự đọc của tôi ngược lại: 1) Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối 2) Từ thăm thẳm lãng quên 3) Một gánh xiếc qua.

Nói tóm lại, với Một gánh xiếc qua (sắp in) chúng ta sẽ đi đầy đủ một vòng tròn Modiano. Nói một cách khác, Modiano viết ba cuốn tiểu thuyết với các nhan đề dài dần ra, thì ba bản dịch tiếng Việt đi từ cuốn có nhan đề dài nhất đến cuốn có nhan đề ngắn nhất; dưới đây là "chương" mở đầu của Un cirque passe.



Một gánh xiếc qua


Tặng bố mẹ tôi


Tôi mười tám tuổi và người đàn ông mà tôi đã quên nét mặt gõ máy chữ lại các câu trả lời tôi dùng để trình bày thông tin về tôi, địa chỉ và danh hiệu sinh viên bịa ra. Ông ta hỏi khi rảnh rỗi tôi hay làm gì.

Tôi ngần ngừ mất mấy giây:

- Tôi đến rạp xem phim và ghé các hiệu sách.

- Cậu không chỉ hay tới các rạp chiếu phim và hiệu sách.

Ông ta nêu tên một quán cà phê. Có nhắc đi nhắc lại với ông ta là tôi chưa từng đặt chân đến đó thì tôi vẫn cảm thấy rõ ông ta không tin lời tôi. Rốt cuộc, ông ta quyết định gõ câu sau đây:

“Những lúc rảnh rỗi tôi hay đi xem phim và tới các hiệu sách. Tôi chưa bao giờ đến quán cà phê Tournelle, số 61 trên ke cùng tên.”

Các câu hỏi lại xoáy vào thời khắc biểu của tôi và vào bố mẹ tôi. Đúng, tôi có đến khoa văn nghe giảng. Nói lời dối trá này với ông ta thì cũng có sao đâu, bởi tôi có ghi danh ở trường thật, nhưng đấy chỉ là để kéo dài thời hạn miễn quân dịch. Về phần bố mẹ tôi, họ đã ra nước ngoài và tôi không biết khi nào mới quay về, đấy là giả dụ có lúc nào họ còn trở về.

Rồi, ông ta nêu tên một người đàn ông và một phụ nữ, hỏi tôi có quen họ không. Tôi đáp là không. Ông ta bảo tôi nghĩ kỹ thử xem. Nếu không chịu nói thật, tôi có nguy cơ sẽ phải gánh chịu những hậu quả rất nặng nề. Lời đe dọa này được thốt ra bằng một cái giọng bình thản, hờ hững. Không, thực sự, tôi không quen hai người kia. Ông ta gõ câu trả lời của tôi vào cái máy rồi chìa cho tôi tờ giấy ở dưới cùng ghi mấy chữ: đã đọc, đồng ý và ký tên. Thậm chí tôi còn chẳng đọc lại lời khai và ký tên bằng cái bút bi để lăn lóc trên mặt bàn.

Trước khi đi, tôi muốn biết tại sao tôi lại bị thẩm vấn như thế này.

- Tên cậu xuất hiện trong sổ agenda của một người.

Nhưng ông ta không nói người đó là ai.

- Chúng tôi sẽ triệu tập cậu nếu còn thấy cần.

Ông ta đưa tôi ra đến cửa phòng làm việc. Ngoài hành lang, trên băng ghế da, có một cô gái chừng hăm hai tuổi.

- Đến lượt cô rồi đấy, ông ta nói với cô gái.

Cô ta đứng dậy. Chúng tôi, cô và tôi, thoáng nhìn nhau. Qua cánh cửa mà ông ta vẫn để hé, tôi nhìn thấy cô ngồi xuống đúng cái chỗ mới lúc trước tôi đã ngồi.

*
*       *

Tôi ra đến ngoài ke. Đang là khoảng năm giờ chiều. Tôi đi bộ về phía cầu Saint-Michel với ý định sẽ đợi cô gái kia đi ra sau cuộc thẩm vấn. Nhưng tôi không thể lảng vảng trước lối vào tòa nhà của cảnh sát. Tôi quyết định trú vào quán cà phê nằm ở góc ke giao với đại lộ Palais. Thế nếu cô gái đi về hướng ngược lại, tức là xuôi phía Pont-Neuf, thì sao? Nhưng điều này, thậm chí tôi còn không nghĩ đến.

Tôi ngồi sau ô kính hàng hiên, ánh mắt chăm chăm về phía ke Orfèvres. Cuộc thẩm vấn của cô dài hơn rất nhiều so với cuộc thẩm vấn của tôi. Bóng tối đã buông, tôi mới nhìn thấy cô tiến về phía quán cà phê.

Đúng lúc cô đi ngang qua trước hàng hiên, tôi lấy mu bàn tay gõ lên kính. Cô ngạc nhiên nhìn tôi rồi đi vào bên trong tới chỗ tôi.

Cô ngồi xuống bàn như thể chúng tôi có quen biết và đang hẹn gặp. Cô là người lên tiếng trước:

- Họ có hỏi anh nhiều không?

- Tên tôi xuất hiện trong sổ agenda của ai đó.

- Thế anh có biết người ấy là ai không?

- Họ không nói. Nhưng có lẽ cô sẽ nói cho tôi biết.

Cô nhíu mày.

- Nói cho anh biết cái gì?

- Tôi cứ tưởng tên cô cũng xuất hiện trong quyển sổ đó và người ta thẩm vấn cô về cùng một chuyện.

- Không. Tôi thì chỉ là một vụ làm chứng thôi.

Trông cô có vẻ tư lự. Thậm chí tôi còn có cảm giác dần dà cô quên bẵng sự hiện diện của tôi. Tôi giữ im lặng. Cô mỉm cười với tôi. Cô hỏi tôi bao nhiêu tuổi. Tôi đáp hai mươi mốt. Tôi đã tự làm mình già đi ba tuổi: vừa hết tuổi vị thành niên, theo quy định thời ấy.

- Bạn có đi làm không?

- Tôi chạy việc cho hiệu sách, tôi nói bừa với cô, giọng cố sao nghe cho vững vàng.

Cô săm soi tôi và hẳn là tự hỏi có thể tin tôi hay không.

- Bạn giúp tôi một việc được không? cô hỏi tôi.

*
*       *

Tại quảng trường Châtelet, cô muốn đi tàu điện ngầm. Đang là giờ cao điểm. Chúng tôi phải ép sát người vào cánh cửa. Ở mỗi bến, những người đi xuống đẩy chúng tôi ra ngoài ke. Rồi chúng tôi lên tàu lại cùng các hành khách mới. Cô ngả đầu lên vai tôi và mỉm cười nói “sẽ chẳng ai có thể tìm ra chúng ta trong đám đông này”.

Ở bến Ga Bắc, chúng tôi bị lôi tuột theo dòng người đổ về phía các chuyến tàu ngoại ô. Chúng tôi băng ngang sảnh nhà ga và trong phòng các ngăn chứa đồ tự động cô mở một ô rồi lấy từ đó ra một cái va li bằng da màu đen.

Tôi xách cái va li, nó rất nặng. Tôi tự nhủ nó đựng những thứ không phải quần áo. Thêm một lần nữa, tàu điện ngầm, trên cùng tuyến, nhưng theo hướng ngược lại. Lần này chúng tôi có chỗ ngồi. Chúng tôi xuống tại bến Cité.

Ở đầu Pont-Neuf, chúng tôi đợi đèn chuyển sang đỏ. Càng lúc tôi càng thấy lo lắng hơn. Tôi tự hỏi Grabley sẽ đón tiếp như thế nào đây, chừng nào chúng tôi về tới căn hộ. Tôi có cần nói trước với cô vài điều về Grabley không nhỉ, để cô khỏi bị bất ngờ khi thấy có ông?

Chúng tôi đi dọc theo Nhà Tiền. Tôi nghe chuông đồng hồ của Học Viện Pháp điểm chín giờ.

- Bạn có chắc sẽ không làm phiền ai nếu mình đến nhà bạn không? cô hỏi.

- Không. Chẳng ai đâu.

Không có ánh đèn ở các cửa sổ căn hộ nhìn xuống ke. Có phải Grabley đã lui về phòng của ông phía trong sân? Lệ thường, ông đỗ xe ở giữa quảng trường nhỏ hõm vào giữa Nhà Tiền và Học Viện Pháp, nhưng lúc này nó không có đó.

Tôi mở cửa tầng năm và chúng tôi đi qua sảnh ngoài. Chúng tôi bước vào căn phòng mà bố tôi dùng làm phòng làm việc. Ánh sáng từ một bóng đèn không chao treo trên trần hắt xuống. Không có đồ đạc nào khác, ngoài cái trường kỷ cũ phủ vải đỏ lựu.

Tôi đặt cái va li xuống bên cạnh trường kỷ. Cô bước về phía một cửa sổ.

- Ở đây cảnh đẹp quá…

Bên trái là đầu mút cầu Nghệ Thuật và điện Louvre. Trước mặt, điểm cuối đảo Cité và khu vườn của Vert-Galant.

Chúng tôi ngồi xuống trường kỷ. Cô nhìn ra xung quanh và tỏ vẻ ngạc nhiên về sự trống trải của căn phòng.

- Đang chuyển nhà à?

Tôi nói với cô rằng, thật không may, chúng tôi phải rời nơi này trong vòng một tháng nữa. Bố tôi đã sang Thụy Sỹ để kết thúc cuộc đời ở đó.

- Tại sao lại là Thụy Sỹ?

Thực sự là quá dài để giải thích cho cô hiểu, tối hôm ấy. Tôi nhún vai. Grabley sắp về đến nơi rồi. Ông sẽ phản ứng như thế nào khi thấy cô gái, cùng cái va li? Tôi sợ ông sẽ gọi điện sang Thụy Sỹ cho bố tôi và bố tôi, đột nhiên bị cơn hối thúc của phẩm giá hành hạ, sẽ lại muốn đóng cái vai các ông bố cao quý bằng cách nói chuyện với tôi về việc học hành và tương lai thảm hại của tôi. Nhưng ông có làm thế thì cũng chỉ vô ích mà thôi.

- Mình thấy mệt…

Tôi bảo cô nằm lên trường kỷ. Cô đã không cởi cái áo gió. Tôi nhớ ra hệ thống sưởi không hoạt động nữa.

- Cô có đói không? Tôi sẽ xuống bếp xem có gì…

Cô vẫn ngồi trên trường kỷ, hai chân gập lại, ngồi trên hai gót.

- Khỏi đi. Chỉ cần có gì đó để uống thôi…

Ngoài sảnh không còn ánh đèn. Ô kính lớn của hành lang rộng dẫn xuống bếp rọi vào căn phòng những phản chiếu nhợt nhạt, như thể đang kỳ trăng tròn. Grabley đã không tắt đèn trần trong bếp. Trước thang máy cũ, đặt một cầu là trên đó tôi nhận ra cái quần dài bộ com lê kiểu Hoàng tử xứ Wales của ông. Ông tự tay là áo sơ mi và các thứ quần áo khác. Trên bàn chơi bài bridge, nơi thỉnh thoảng tôi dùng bữa cùng ông, có một hộp sữa chua rỗng, vỏ một quả chuối và một túi Nescafé. Tối nay, ông đã ăn tối ở đó. Tôi tìm được hai hộp sữa chua, một lát cá hồi, vài thứ hoa quả và một chai whisky vơi mất ba phần tư. Khi tôi quay lại, cô đang đọc một trong số các tờ tạp chí mà Grabley chất thành đống từ nhiều tuần nay trên lò sưởi phòng làm việc, các tạp chí “dễ dãi” như chính ông hay gọi và là thứ mà ông rất ham.

Tôi đặt cái khay trước mặt chúng tôi, trên sàn nhà.

Cô để xuống bên cạnh tờ tạp chí đang mở và tôi nhìn thấy bức ảnh đen trắng chụp một phụ nữ khỏa thân, từ sau lưng, tóc buộc đuôi ngựa, chân trái duỗi, chân phải gập lại, đầu gối gác lên khung một cái giường.

- Bạn đọc những thứ hay thật…

- Không, không phải tôi đâu… đó là một người bạn của bố tôi.

Cô cắn một quả táo và tự rót một ít whisky.

- Cô cho những gì vào cái va li này thế? tôi hỏi.

- Ồ, chẳng có gì đặc biệt… vật dụng cá nhân thôi…

- Nặng lắm. Tôi cứ nghĩ nó đựng vàng thoi.

Cô mỉm cười vẻ gượng gạo. Cô giải thích với tôi rằng cô sống tại một ngôi nhà ven Paris, về phía Saint-Leu-la-Forêt, nhưng chủ nhà tối qua vừa đột ngột về. Cô đã muốn đi khỏi đó vì quan hệ giữa cô và họ không êm ả lắm. Ngày mai, cô sẽ lấy một phòng khách sạn trong lúc chờ một nơi ở ổn định.

- Cô cứ ở lại đây đến chừng nào cô muốn.

Tôi chắc chắn rằng Grabley, chỉ cần qua khoảnh khắc ngạc nhiên đầu tiên, sẽ chẳng hề phản đối điều đó. Còn ý kiến của bố tôi, ông cũng chẳng quan tâm nhiều hơn so với tôi.

- Cô buồn ngủ rồi à?

Tôi đề nghị cô lên ngủ ở phòng phía trên. Tôi sẽ ngủ lại trên trường kỷ phòng làm việc.

Tôi đi trước dẫn đường, tay xách va li, leo cái cầu thang nhỏ dẫn lên tầng sáu. Căn phòng cũng trống trải hệt như phòng làm việc. Một cái giường kê sát bức tường phía cuối. Không còn bàn đầu giường cũng như đèn ngủ. Tôi bật mấy bóng nê ông lắp trong hai ô kính, ở hai bên lò sưởi, nơi bố tôi để bộ sưu tập quân cờ của ông nhưng chúng đã biến mất, cũng như cái tủ Trung Hoa nhỏ và bức tranh chép Monticelli vẫn để lại dấu vết trên vách gỗ màu xanh da trời. Tôi đã giao ba thứ đó cho một người buôn đồ cổ, tên là Dell’Aversano, để nhờ ông bán hộ.

- Phòng của bạn đây à? cô hỏi.

- Ừ.

Tôi đã đặt cái va li xuống trước lò sưởi. Cô lại ra đứng ở cửa sổ giống lúc trước, dưới phòng làm việc.

- Nếu nhìn hẳn sang bên phải, tôi nói với cô, cô sẽ thấy bức tượng Henri Đệ Tứ và tòa tháp Saint-Jacques đấy.

Cô lơ đãng liếc nhìn các giá sách, giữa hai cửa sổ. Rồi, cô nằm lên giường và cởi giày bằng một động tác uể oải của bàn chân. Cô hỏi tôi sẽ ngủ ở đâu.

- Dưới kia, trên trường kỷ.

- Ở lại đây đi, cô bảo tôi. Mình không thấy phiền đâu.

Cô vẫn mặc cái áo gió. Tôi tắt đèn trong các ô kính. Tôi nằm xuống bên cạnh cô.

- Bạn có thấy lạnh không?

Cô nằm sát lại và nhẹ nhàng đặt đầu lên vai tôi. Những phản chiếu và những cái bóng hình mắt lưới trượt trên các bức tường và trần nhà.

- Cái gì thế? cô hỏi tôi.

- Tàu ruồi đấy.




[Tiện bút] Đồ vật
Muốn thất bại
Céline: S, W, Y
Modiano: Catherine Certitude
Sách của bọn con trai
[tiện bút] mười năm
Trần Bạch Lan và tôi
[tiện bút] tôi ở rất xa
Từ thăm thẳm lãng quên
Đến London
Tương lai và sách
Sống, là làm sao...
Patrick Modiano (10/12/2014)
Patrick Modiano (22/9/2013)
Cà phê

7 comments:

  1. hay quá, mình rất thích ông này

    ReplyDelete
  2. tôi rất thắc mắc, khi sử dụng các "chỉ thị từ" như "đó", "này", người ta có thực sự hiểu được "giá trị ngữ nghĩa" cùng sắc thái (thường là khinh miệt) của chúng không nhỉ

    dường như là không, thậm chí rất ít người nghĩ đến

    ReplyDelete
    Replies
    1. thấy thường mà bác :))

      Delete
  3. chính vì thế nên mới nói "rất ít người nghĩ đến"

    nhưng ngôn ngữ là vậy mà, nó bộc lộ trong sự che giấu và giấu đi trong sự bày tỏ

    ReplyDelete
  4. Tàu ruồi là cái gì ạ?

    ReplyDelete
  5. tức là loại tàu khi đi trên đó không cần mắc màn chống muỗi

    ReplyDelete
  6. Nhưng mà em vẫn thích đọc sách giấy hơn nên em sẽ để dành:D

    ReplyDelete