Jun 11, 2019

Thể động và hành động

(bài dưới đây - một phần lớn - là tiếp tục của ởkia: tôi cũng sắp quay trở lại với một số câu chuyện còn dở dang, chẳng hạn như ởkia, cùng nhiều chỗ khác nữa; lịch sử đi theo đợt)

Tương đối là đơn giản, việc phân biệt giữa hành động (action) và hoạt động (activity/activité). Nhưng về cơ bản, tiếng Việt (và do đó, những gì đi kèm) không (chưa: đây là một irony) nắm bắt được một yếu tố có tương quan rất lớn với hành động, nếu không có thì gần như không thể hình dung được hành động. Tất nhiên, khỏi phải nói hành động thì quan trọng đến mức nào.

Tức là, trên bình diện của constitution: một hành động được tạo ra như thế nào? Lúc nào thì có một hành động? Thêm một lần nữa, tính hiển nhiên của một thứ như "hành động" không giúp cho việc hiểu nó, mà chính xác là ngược lại. Dẫu có đại khái đến mức nào, kiểu gì cũng sẽ có lúc đầu óc (dẫu đơn sơ) của bất kỳ ai đặt ra câu hỏi: nhưng tại sao lại có hành động được?

Nói ngắn gọn, một act/acte là gì? Nhất là trong ngôn ngữ học, "speech act" là cụm từ hết sức thông dụng. Nhưng có thể gọi đó là "hành động ngôn ngữ" như hiện nay gần như toàn bộ giới ngôn ngữ học Việt Nam gọi hay không? (điều đó đồng nghĩa với nhập nhằng giữa act và action) Câu trả lời hiểu nhiên là: không. Bởi vì act không phải action.

Ta không chỉ có hành động, mà ta còn có thể động.

Để dễ hình dung, ta sẽ xét phương diện constitution của một thứ nữa nếu không gần với phạm trù "hành động" thì ít nhất cũng chung một thuộc tính (ít nhất, một ấn tượng): thuộc tính hiển nhiên. Rất ít người tự hỏi một sự kiện nghĩa là gì. Nhưng một sự kiện là điều hết sức quan trọng, cũng như hành động.

Để có một sự kiện (event/événement), ta có những thứ nhỏ li ti (ít nhất là nhỏ trong tương quan với sự kiện): fact/fait. Đó là một "sự thể", một "sự tình"? Không, tuy trông hao hao với trường hợp hành động, nhưng khía cạnh constitution của một sự kiện lại dựa trên một cơ chế khác. Một sự kiện có tương quan chặt chẽ với các sự vị.

Như vậy: thể độngsự vị. Tôi sẽ còn quay trở lại với "sự vị", một từ rất quan yếu và vô cùng khó hình dung. Giờ chỉ tập trung vào "thể động".

Muốn nhìn vào nó, không gì bằng nhìn qua (tức là xuyên qua) tác phẩm triết học lớn về nó. Một tác phẩm rất lớn về thể động là Về thể động của Louis Lavelle:


(trên bìa quyển sách của tôi có hai con dấu: con dấu tròn rất đặc biệt, nó cho thấy quyển sách từng nằm ở trụ sở Cao ủy Pháp Đông Dương, nghĩa là câu chuyện Indochine từ hồi cuối 1946; nhưng con dấu hình chữ nhật, đỏ chót, ghi "Déclassé" cũng không hề kém phần đặc biệt)

Louis Lavelle là triết gia lớn thuộc thế hệ ngay sau Henri Bergson. De l'acte của Lavelle là một trong những nỗ lực của triết gia một thời tìm con đường mới đi vào siêu hình học (cái siêu hình học đã bị thực chứng luận nhất quyết gạt sang một bên, coi như đã chết, lại thêm từng phải chịu sự bắn phá mãnh liệt, đặc biệt từ Schopenhauer). Một nhân vật lớn của cùng nỗ lực ấy: xem ởkia. Bergson quan trọng đến mức cần phải nhìn cả vào những phản ứng lại triết học của Bergson.

A đây rồi, mãi cũng lục ra được quyển sách của Édouard Le Roy hồi viết bài "Về B." không thấy đâu:



(ấn bản đầu, 1912)

(Le Roy là người nói một cách tường minh nhất điều sau đây: có một thứ không bao giờ chạm đến được sự thật, đó là khoa học)

Hai Louis Lavelle khác:



Dưới đây là bản dịch Về thể động, những phần quan trọng nhất của cuốn sách




Về thể động

Louis Lavelle


Quyển I

Thể động thuần


Phần I

Phương pháp


Chương 1

Kinh nghiệm thể động


A) Thể động, nguồn gốc bên trong của chính tôi và của thế giới


Điều 1: Siêu hình học tìm cách thấy lại thể động nguyên thủy mà cả chính hữu thể tôi lẫn thế giới đều tùy thuộc.

Con đường dẫn về phía siêu hình học khó đặc biệt. Và ít người chấp nhận đi nó. Bởi chuyện nằm ở chỗ hủy bỏ mọi thứ gì như thể nâng đỡ tồn tại của chúng ta, những điều hữu hình, những hình ảnh cùng tất tật đối tượng quen thuộc của lợi ích hay ham muốn. Cái mà chúng ta tìm cách đạt đến là một nguyên tắc bên trong mà người ta hằng vẫn đặt cho cái tên thể động, thứ sản sinh mọi cái gì chúng ta có thể nhìn thấy, chạm vào hoặc cảm thấy, mà vấn đề hoàn toàn không nằm ở chỗ hình dung ra, mà là đặt vào hoạt động, và nó, thông qua thành công hay thất bại của thao tác chúng ta, giải thích cả kinh nghiệm mà chúng ta có ở trước mắt lẫn số phận mà chúng ta có thể tự trao cho chính mình.

Luôn luôn ở triết gia có một sự thẹn thùng bí mật. Bởi vì anh ta ngược lên tận chính các nguồn của mọi thứ gì *là*. Thế nhưng mọi nguồn đều có một tính cách bí ẩn và thiêng, và chỉ một cái nhìn dẫu nhỏ nhất cũng đủ làm chúng rối loạn. Ấy là vì nơi những nguồn đó vừa có sự thiết thân của ý chí thần thánh, mà tôi run rẩy khi tra hỏi, lại vừa có sự thiết thân của chính ý chí tôi, mà tôi run rẩy khi dấn vào. Bóng tối, sự thần bí, thường là các dấu hiệu cho nỗi thẹn thùng đó. Tôi có thể nắm bắt gì, tôi có thể diễn đạt gì, nếu chẳng phải những biểu hiện của ý chí thuần túy ấy, thứ xác định nó, cá nhân hóa nó, giới hạn nó, và cả đã làm băng hoại nó?

Các triết gia từng luôn luôn tìm xem đâu là sự vị nguyên thủy mà mọi sự vị khác đều tùy thuộc. Nhưng sự vị nguyên thủy nằm ở chỗ tôi không thể đặt hữu thể một cách độc lập với cái tôi, thứ nắm bắt nó, cũng không thể đặt cái tôi một cách độc lập với hữu thể trong đó nó được ghi vào. Thứ duy nhất tôi luôn luôn ở trong cùng hiện diện, sự vị duy nhất đối với tôi là đầu tiên và không thể nghi hoặc, là sự nhập chính tôi vào trong thế giới.

Nhưng đâu là điểm nhập đích thực? Đó vừa không phải trong suy nghĩ đơn độc của tôi, lại vừa chẳng phải là trong trở ngại chặn tôi lại và hé lộ cho tôi cái mà tôi không là nhiều hơn so với cái mà tôi là, cũng không phải trong nỗi sợ hãi, thứ, vào đúng khoảnh khắc tôi đã sẵn sàng để tự trao hữu thể cho chính mình, khiến tôi cảm thấy sự chao đảo của tôi giữa hữu thể và hư vô, dẫu cho suy nghĩ, trở ngại và sợ hãi là không thể tách rời khỏi sự sinh ra của ý thức, và thậm chí chúng còn không ngừng buộc nó phải tái sinh, vì chúng được dành để ngăn thói quen hình thành, hoặc để thoát khỏi đó, nếu nó đã có. Sự vị nguyên thủy ngụ trong một kinh nghiệm có tính cách thực chứng nhiều hơn vô tận, đó là kinh nghiệm về hiện diện tích cực của tôi với chính tôi; đó là cảm giác về trách nhiệm của tôi đối với chính tôi và đối với thế giới.

Như vậy, kinh nghiệm với đó bắt đầu cùng một lúc cả cảm xúc mà sự sống trao cho chúng ta lẫn khải ngộ về chính hữu thể ta, không đồng nghĩa với cảnh tượng bày ra trước cái nhìn chúng ta, mà bản thân chúng ta dự phần, mà với việc đưa vào vận hành một chuyển động mà chúng ta có khả năng hoàn tất, nó chỉ phụ thuộc vào chủ định của chúng ta, nó đánh thức chúng ta cho ý thức về chính chúng ta và nó, bằng cách làm thay đổi trạng thái thế giới, cho chúng ta thấy chính đế chế mà chúng ta có được. Ngay lúc tôi chú tâm vào quyền năng ở tôi trong việc nhúc nhích ngón tay út, tôi sẽ lặp lại cử chỉ đó cả trăm lần, với cùng sự ngây ngất phấn hứng. Chỉ vào khoảnh khắc ấy tôi mới bắt đầu nắm bắt cái thực từ bên trong, tức là trong chính hoạt động từ đó nó phái sinh, thứ tạo thành chính hữu thể tôi, mà tôi làm rung chuyển hay giữ cho yên bởi một quyết định chỉ tùy thuộc vào tôi.

Tuy nhiên ở đây chuyển động chỉ là dấu hiệu và chứng nhân cho một hoạt động bí mật hơn. Nhưng nó là đủ để cho thấy rằng thay vì tôi bị nhốt vào trong một triển hạn không điểm kết nơi tôi không ngừng thoát ra khỏi chính mình, ngược lại tôi chỉ nắm bắt được cái mà tôi là trong thể động ấy, nhờ đó tôi tự giật chính tôi ra khỏi triển hạn để không ngừng tái khởi đầu việc *là*, mà nếu không có hẳn tôi sẽ không tri nhận được bản thân triển hạn. Đó là một thể động của sáng tạo, luôn luôn nó là một đồng tình với những gì tôi muốn nghĩ, làm ra hay *là*.


Điều 2:




(còn nữa)

10 comments:

  1. những hợp phần "li ti" có theo thứ nguyên của chúng nhỉ?

    ReplyDelete
  2. chắc là có chứ, mọi thứ đều trông như là vô trật tự cho tới lúc thấy trật tự

    tiếp tục

    ReplyDelete
  3. cái nhìn vi tế rất hay. nhưng "ý chí thần thánh" và với "ý chí tôi" liệu có đi vào một nhị nguyên luận ko thể cùng triển hạn? thể động vì có "hữu thể" mà là "thể", tức thoát khỏi cái *là* của một "nguyên tắc" được ko?

    ReplyDelete
  4. đâu phải thế, sắp tiếp tục rồi đây - anw "hữu thể" là một diễn đạt quá kém nhưng chưa thay được, nó gây ra liên tiếp maya

    ReplyDelete
  5. liệu có phải sự vị nguyên thủy - ko cần quán từ - là ko thể xác định được, ngay cả chỉ bằng văn tự?

    ReplyDelete
  6. kể cả nếu là thế thật, thì có mất gì đâu nếu nhất định cho là không phải thế? nhất là bằng từ ngữ

    ReplyDelete
  7. hôm nào nói về speech act được không NL? hình như còn một vấn đề nữa khi dịch khái niệm này, speech hình như cũng chẳng phải là "ngôn ngữ"

    ReplyDelete
    Replies
    1. speech ở đây có ngôn, nhưng không có ngữ. Tôi có thấy speech act được gọi là hàm ngôn

      Delete
    2. "ngôn thể động"? vụ này mà NL đi sâu chắc lộ ra nhiều sự không đọc của ngành ngữ học

      Delete
  8. Mead cũng có một quyển Thể Động

    ReplyDelete