Jun 23, 2019

1969 (1): B. Traven

Tôi quay trở lại với cự li ưa thích của tôi: 50 năm (cho những ai còn không nhớ, năm ngoái là 1968 - một kế hoạch tương đối thất bại, xem thêm ởkia).


Khoảng cách 50 năm đặc biệt nhiều ý nghĩa với các editor (nhất là editor ở Việt Nam): theo luật định, 2019 là thời điểm các tác giả qua đời năm 1969 bắt đầu rơi vào "public domain". Nhưng tôi tin là điều hết sức đơn giản này, chẳng mấy ai (tuy hiện nay ở Việt Nam có rất nhiều cơ sở xuất bản) nghĩ đến.

Đấy là vì cứ mải chạy theo mấy cái bảng xếp hạng ngu ngốc, nhất là amazon. Trong khi, ngược lại, nếu là một độc giả, ta sẽ dễ dàng tìm được một số tác giả không còn phải mua tác quyền nữa - điều đó, dĩ nhiên, làm giảm chi phí rất đáng kể. Thế giới nouveau riche rất thích kiếm tiền, nhưng lại không bao giờ thực sự giảm được chi phí (tôi đoán chắc, chi phí vận hành các cơ sở xuất bản ở Việt Nam chỉ có càng ngày càng tăng, trong khi lẽ ra phải ngược lại). Không những thế, lựa chọn này có thể dẫn tới những bất ngờ rất lớn.

Chẳng hạn như B. Traven, một trong số các nhà văn qua đời năm 1969: đây là một nhà văn đặc biệt hấp dẫn (và cũng rất bí ẩn), người viết ra những cuốn tiểu thuyết quyến rũ đến cả Albert Einstein - đấy, chỉ cần chi tiết này thôi cũng đã có thể giúp tha hồ mà quảng cáo. Nhất là khi - tôi đã nói, ở đâu ấy nhỉ? - xã hội nouveau riche Việt Nam hiện nay coi ai là thần tượng? Sẽ rất ngẫn nếu tưởng là Steve Jobs: giới elite Việt Nam chỉ chăm chăm hít hà Einstein.

Nhưng tại sao các editor Việt Nam lại mê cuồng mấy thứ như bảng xếp hạng amazon (tới mức, trong coulisses, xảy ra những vụ giành giật copyright ở mức độ loạn đả, dẫn đến những pha phải đấu giá, như đúng logic của ebay, mà một ví dụ điển hình là Thomas Piketty, cách đây mấy năm: nhưng rồi rốt cuộc, cuốn sách của Piketty đã kịp trở nên lạc hậu thì nơi chiến thắng trong vụ auction năm ấy vẫn chưa ra được bản tiếng Việt, mà lý do thì hết sức đơn giản, đó là vì còn phải chạy theo đủ thứ trend mới - nhưng làm gì có trend, cũng như làm gì có best-seller; xét cho cùng, người ta cho rằng phải lao theo trend để có cơ hội, nhưng lại luôn luôn hụt mất trend - nếu mà có trend thật; thêm vào đó là những cạnh tranh có mức độ ngu xuẩn lớn (nơi này làm cái này thì tất tật những nơi khác cũng làm cái đó) đến độ dẫn tới hiện tượng rất không ngờ: tất tật các cơ sở xuất bản Việt Nam hiện nay giống hệt nhau)? Đấy là vì các editor không hề đọc sách. Ta có giới nghiên cứu (nhất là nghiên cứu văn học) không bao giờ đọc văn chương, các nhà nghiên cứu trở thành nhà nghiên cứu để không đọc, thì ta cũng có - rất đối xứng - các editor không đọc, không biết đọc, giả vờ đọc (nhưng rất giỏi nói: quyển này quyển nọ đang hot lắm). Hệ quả là, cạnh tranh ngu xuẩn (để trở nên giống nhau) ở một bên, và trò thể thao name-dropping cùng đọc sách bằng google, ở bên kia (cộng thêm đông đặc sự ngồi lê đôi mách trên facebook: trí thức Việt Nam là những người lê la facebook).




(còn nữa - nhân tiện đã tiếp tục "Ngắn" về văn chương Isaac Bashevis Singer, cũng mới thêm bonus (nữa) cho bài "Hội Trí Tri trình các quan")




chuỗi về năm 1968:

1968 (8)
1968 (7): Tết
1968 (6): Mồng một Tết Mậu Thân là ngày 29 tháng Giêng dương lịch
1968 (5): báo là báo và nhà báo là nhà báo
1968 (4)
1968 (3): Tết trồng cây
1968 (2): Ngày 5 tháng Giêng
1968 (1)



các năm khác:

1979
1967

1961
1946
1934
1933
1913
1789 (I)

1 comment: