Jul 10, 2023

Lại gặp

(tiếp tục "Ủng", "P&F", "Gide" và "Tant")

đây là "Lại gặp", còn "Gặp lại" thì


Tôi không đi họp lớp; một trong những hệ quả to lớn của điều này là những khi nào (vài lúc) tình cờ gặp một người bạn học cũ, đối với tôi đấy là cả một sự kiện. Sự kiện đó hay làm tôi trở nên đờ đẫn (đã cố đỡ lắm rồi nhưng vẫn chưa ăn thua), quá nhiều điều muốn nói khiến tôi gần như không nói được gì. Nhiều khi, thậm chí tôi còn chẳng dám nhìn.


Nhìn là sẽ thấy. Tôi không nghĩ là tôi muốn thấy quá nhiều điều. Nhưng ngược lại, cũng có những lúc, nhìn mà vẫn không thấy.

Một lần, trong một buổi tôi nói trước đông người (thật ra cũng không đông lắm - khi nói, rất dễ rơi vào cảm giác, thật ra là một stereotype, là mình đang rao giảng trong sa mạc), ngồi ở chỗ một cái bàn riêng (không để trên bục: vậy thì cũng bớt đi tính cách của sự dạy dỗ), với một số người ngồi ở nhiều bàn khác, ngoảnh mặt về phía tôi, tôi thấy có hai người bạn học cũ. Trong một hoàn cảnh như vậy, tất nhiên không thể đon đả chào hỏi; nhưng cũng tất nhiên, cần phải vượt qua nỗi bối rối mà những xuất hiện trở lại có thể gây ra cho chúng ta.

Mọi xuất hiện đều có một ý nghĩa nào đó, mang một dấu hiệu nhất định, có điều gần như không bao giờ ta hiểu được (ngay). Nhất là, nếu gặp rất ít, ấn tượng về việc chắc phải có ý nghĩa nào đó, có một dấu hiệu buộc ta phải tìm nghĩa, sẽ lại càng lớn hơn nhiều. Ảo tưởng này thay cho ảo tưởng kia. Nhưng sự xuất hiện trở lại, những quay lại, gây ra nhiều xáo trộn lớn: có thể tưởng tượng, đang cần phải làm sao trông như là mình đang tiến về phía trước (nói trước đông người - dẫu không đông lắm - đấy là điều kiện bắt buộc: một chuyển động về trước mặt tạo ra sự lôi cuốn, tức là cuốn người khác theo, vậy thì mới làm nảy sinh được sự chú ý; nếu không chẳng ai muốn nghe; dẫu khi bắt đầu nói, thế nào cũng có một hy vọng nhỏ nhoi nảy sinh: giá kể tất tật những người kia bỗng đi về hết, để mình khỏi phải nói gì nữa, dẫu có là như vậy thật, thì cũng vẫn cứ phải làm như mình biết cách làm một cái việc mà dẫu có làm bao nhiêu lần thì vẫn không bao giờ thực sự biết cách) thì một cái gì đó như thì thầm lời cay nghiệt bắt ta phải nghe thấy: quá khứ đã đuổi kịp rồi, không thể chạy trốn nổi đâu. Đấy là chưa kể, có những tái hiện hình chất chứa không ít thứ thuộc về tình cảm hoặc những gì tương tự: điều này thì tôi bỏ qua.

Xong buổi nói ấy, hai người bạn (đều là phụ nữ; đó đã là khoảng ba mươi năm sau quãng thời gian chúng tôi học cùng lớp) không ra về ngay. Nhưng đúng là phải thế: cần phải có ít nhất một lời chào. Cả hai đều không sấn sổ mà đợi tôi làm xong các thủ tục (những thứ hay phải làm, vào các buổi có nhiều người), như thể hết sức biết điều về hiện diện mờ nhạt của mình, trong trí nhớ của tôi. Tất nhiên, nếu quả thật họ nghĩ như vậy, thì họ đã nhầm.

Rốt cuộc cũng tới thời điểm phía trước cái bàn tôi ngồi quang quẻ hẳn (thậm chí là quạnh quẽ), người trong căn phòng cũng đã vãn đi phần lớn (chắc phải ba phần tư trong số ấy tự hỏi chẳng biết mình đến đây làm quái gì). Hai người bạn cũ từ chỗ họ đứng đợi tiến lại gần. Nỗi lo tôi hoàn toàn không nhận ra họ (điều này vẫn có thể xảy ra: tôi bị bệnh mất trí nhớ chẳng hạn; tôi cũng từng nghe một phụ nữ bán sách kể mình gặp lại một phụ nữ khác, đã trở thành một dạng ngôi sao trong giới báo chí, và ấm ức bảo rằng người kia vờ không nhận ra mình, coi như hai bên chưa bao giờ học cùng lớp với nhau, hồi còn nhỏ) nhanh chóng tan biến, vì tôi nói ngay là chúng tôi từng học cùng lớp hồi đó.

Nhưng tiếp theo thì không dễ dàng như vậy. Hai người phụ nữ đứng trước mặt tôi, một cao lớn, tôi nhớ tên rất chính xác (tôi đã không nói tôi còn nhớ rất rõ cái xe đạp người bạn ấy từng đi như thế nào) - đấy là người đến buổi hôm đó một phần vì công việc, và chính là người rủ nhân vật thứ hai, thấp nhỏ hơn nhiều, đến cùng mình: dường như chỉ vì người thứ hai làm ngay gần đó nên hôm ấy có thể tới, chứ không hẳn chỉ vì tò mò muốn biết một người bạn học từ bao nhiêu năm trước giờ trông như thế nào (và giọng nói ra sao: vì đấy là một buổi nói) - nhưng khi người ấy, đã thỏa mãn vì thấy tôi hoàn toàn nhớ, hỏi tôi có nhớ tên người bạn kia không, thì tôi bỗng rơi vào một cơn khó ở. (đã đến đoạn lẽ ra phải có một màn múa phụ họa)

Thật kỳ cục, suốt quãng thời gian mấy tiếng, tuy nhận ra trong phòng, giữa audience, có hai người bạn học cũ, nhưng chưa lúc nào tôi thử nhớ tên người thứ hai. Khi bị hỏi, tôi thấy mình nhớ mặt nhưng không nhớ tên. Điều này thật khó tin, đối với chính tôi: khi nhìn thấy người ấy, tôi có cảm giác mình biết mọi điều có thể biết (tức là, ở bên ngoài), thế nhưng hóa ra là không phải. Tôi đã bị pris au dépourvu, và trở nên gần như là đờ đẫn.

Trong một truyện ngắn (vì đúng là nhân vật ấy cũng viết truyện ngắn), Claudio Magris kể một câu chuyện về bạn học cũ: đó cũng là một phụ nữ. Một người xa lạ (cũng phụ nữ), ở một bữa ăn, bỗng nói với Magris (hoặc, nhân vật chính, "tôi", của truyện ngắn) rằng vợ một cousin của mình hay kể với mình hồi cấp ba từng học cùng và rất thân với Magris. Đấy là cả một đòn sấm sét đối với Magris, vì người được cho là bạn học cũ (và lại là bạn thân) kia từng là một thiếu nữ vô cùng xinh đẹp, học trên Magris một lớp. Đấy là niềm mơ ước của tất tật nam sinh trong trường, trong đó Magris không tự loại mình ra. Nhưng cô thiếu nữ đã chẳng hề đoái hoài đến các cậu bé cùng trường, cũng không bao giờ nói chuyện với Magris.

Vậy mà, giờ đây, Magris được (người khác) kể là thiếu nữ ngày ấy kể từng hết sức thân thiết với mình. Từ đó, Magris nhìn thấy cả một xoay chiều của thời gian, như thể có một sự kích thích để nhìn ra bản tính bị che giấu của thời gian, mà luật nhân quả lại chính là thứ thường xuyên đánh lừa không cho người ta ý thức được.

Nói tóm lại, dường như quả thật là có một bên ngoài thời gian.

Chắc do tôi thể hiện sự đờ đẫn quá rõ, cho nên khi hồi lại được từ đó (tất nhiên, chỉ một phần: một phần lớn của tôi vẫn còn ngơ ngác, như thể bị bứng đi đâu mất), tôi vội hỏi người bạn học cũ (người phụ nữ đang đứng trước mặt tôi, nhỏ bé, ăn vận như một cán bộ cấp trung của một công sở, jupe bút chì, áo sơ mi, ở dưới sẫm còn ở trên thì sáng màu, etc.) xem người ấy tên là gì. Thì tôi đã không nhận được câu trả lời nào: tức là tôi đã bị dỗi. Nói quấy quá thêm vài câu, người ấy kéo theo người còn lại đi khỏi - người, đã đi vài bước sắp đến chỗ các bậc cầu thang dẫn xuống dưới, còn ngoái đầu nhìn lại tôi, đấy là một ánh mắt ái ngại, và hẳn là, nếu tôi không nhầm, trộn lẫn cả thương xót.

Ngay khi họ khuất dạng, thì, hết sức quái gở, toàn bộ cơn đờ đẫn vụt tan biến, tôi thấy như tôi đang ở giữa chùm đèn chiếu sáng (loại đèn phát xít Đức hay chiếu để tìm những người chạy trốn, như ta vẫn thấy trong các bộ phim): tôi trở nên sáng suốt khủng khiếp. Tên của người bạn học cũ quay trở về với tôi, kèm với đó là mọi chi tiết, cho tới tận chỗ ngồi trong lớp của người bạn ấy, tất nhiên hồi đó cũng rất bé nhỏ. Thậm chí, tôi còn nhớ ra, tôi và người ấy từng bị chế với nhau (bây giờ, người ta còn biết từ này không nhỉ: rất có thể chính nó tạo ra một cú thắt nút làm tôi rơi như một cú ngã đâm đầu xuống đầm lầy của sự đờ đẫn).

Tôi chỉ muốn đập đầu vào tường, khoảnh khắc ấy. Không may (hay là may?) cho tôi, ở đó không dễ đập đầu vào tường: như đã nói, có một cầu thang dẫn xuống dưới, nó nằm sát một bức tường. Một bức tường khác trổ nhiều cửa sổ. Hai bức tường còn lại thì kê bàn sát vào: rõ ràng là không dễ có tiếp xúc với bức tường nào của căn phòng. Vả lại, dẫu gần như chẳng còn ai, ít nhất thì cũng phải giữ thể diện.

Nói tóm lại, giống Claudio Magris, tôi cũng có một cơ hội thoáng nhìn vào thời gian cùng các trò chơi xấu của nó.

Cũng giống Magris - như tôi bàng hoàng nhận ra, khi đọc truyện ngắn đã nói - tôi nghĩ đến Saint Augustin. Điều này không quá khó hiểu: đứng trước một cái gì đó liên quan tới thời gian, người ta hay nghĩ đến Saint Augustin. Nhưng sự nghĩ của Magris cụ thể hơn so với tôi (chắc vì Magris đọc Saint Augustin nhiều hơn tôi: gần như điều này là chắc chắn, vì nếu tôi nhớ không nhầm, Magris đã lấy bằng tiến sĩ): Magris nhắc lại ý của Saint Augustin, rằng thời gian là quảng tính của tâm hồn.


Hôm sau (vì tôi còn tiếp tục nói, trước một audience càng ngày càng vơi bớt: càng ngày càng giống với rao giảng giữa sa mạc hơn; vả lại, có người nghe đã là cả một điều thần kỳ, vì tôi đã tưởng sẽ chẳng có ai buồn quan tâm), người bạn ấy không quay trở lại để nghe tiếp nữa. Chắc cũng thuyết phục người thứ hai không đến: sự vắng mặt của họ tạo ra cả một khoảng trống rộng lớn mà những người khác không hề biết tôi phải cố công tới mức nào để chống chọi lại.


2 comments:

  1. độcgiảmớitoanhtoànhtoànhJul 10, 2023, 4:59:00 PM

    Anh ơi anh xem lại có mấy chỗ (dấu má lung tung ạ)
    chỗ thương xót này, chỗ chọi lại này,

    ReplyDelete