Jul 20, 2023

Forster ẩy


sau "tả""kể" thì đến "ẩy"



Tôi rất muốn làm một quyển: A Passage to India: đối với tôi, đây là đối xứng tuyệt vời của A Bend in the River của Naipaul: rất hiếm khi thực tại ấy được trả lại cho chúng ta rõ đến vậy: văn chương xung quanh thuộc địa có ít kiệt tác đến đáng kinh ngạc (cần phải loại bỏ các thứ hoa hòe hoa sói à la Pierre Loti). Đối xứng ấy lại càng đối xứng hơn khi mà một cuốn tiểu thuyết nhìn từ phía bên này, cuốn còn lại nhìn từ phía bên kia: hai cái nhìn duel với nhau.

Thế là tôi hỏi một số người xem có muốn dịch A Passage to India hay không. Tôi hỏi phải đến nửa chục người: tất tật đều từ chối sau khi xem nó: đấy là một cuốn tiểu thuyết có vẻ rất phức tạp. Đành để lại.

E. M. Forster: đây là một trong các nhân vật rất dễ nhớ họ nhưng tên (kép) thì luôn luôn viết tắt, chẳng mấy ai biết. Chẳng hạn như T. S. Eliot, không mấy ai biết T. S. là viết tắt của cái gì.

Rồi, khi Phan Lương dịch xong Những người châu Âu, tôi hỏi có muốn dịch Aspects of the Novel không (xoay Forster đi như vậy có lẽ dễ bắt đầu hơn). Tôi nhận được câu trả lời đồng ý: vậy thì rất logic (nhưng Logik nào?), vì đã động vào Henry James thì sẽ thấy ở E. M. Forster không ít gợi ý. Khi Phan Lương dịch xong, tôi hỏi Anh Hoa có muốn đọc nó (proofreading, sort of) không. Thêm một đồng ý. Thế là đã có một trận ping pong giữa hai bên. Tôi ở giữa. Thậm chí, tôi nghĩ tôi còn có đóng góp cho thể thao thế giới, tạo ra hẳn một môn mới: blind ping pong.


Với Aspects of the Novel, ngoài nhiều điều khác, ta đi vào câu chuyện của các bài giảng. Forster có loạt bài giảng trở thành cuốn sách hữu quan vào năm 1927, thì sang năm 1928, André Maurois cũng có loạt bài giảng tương tự. Maurois bèn lấy luôn tên loạt bài giảng của Forster, nhưng chỉ lấy một nửa: cụ thể, Maurois nói về Aspects de la Biographie. Tất nhiên, chúng cũng trở thành một cuốn sách. Ngược lại, nhờ nói chuyện với Maurois từ trước, trong khi chuẩn bị, mà Forster có, trong Aspects của mình, một xít tây xần rất đáng giá.


2 comments:

  1. nếu chuyện đúng là “đóng góp cho thể thao thế giới” thì tít đúng là “tôi ẩy Forster” (!pong!pong!pong)

    ReplyDelete
  2. cụ Forster phổ biến thế mà ở VN gần đây mới có bản dịch, mà đầu tiên người ta lại để ý đến cuốn truyện gay mới lạ chứ. tầm vóc của Forster chính xác nằm ở cuốn Nhị Linh nói, phải mau chóng tìm người cho dù khó cách mấy, có một người dư sức kham, không biết Nhị Linh hỏi chưa, đó là....CVD

    ReplyDelete