Jul 9, 2014

Từ Pan thành sói

Bài viết dưới đây về Sói thảo nguyên là của một cộng tác viên :p

Lâu lâu rồi nhắc lại về một cuốn sách ra đã lâu lâu kể cũng hay.

(bài viết có chút biên tập theo ý của chủ blog :p)


Từ Pan thành sói
Tabby Chino


Hesse từng tuyên bố Steppenwolf là cuốn sách bị hiểu lầm nhiều nhất bởi độc giả của ông. Khi tìm hiểu về cuốn sách, hoàn cảnh ra đời của nó và ý kiến của các nhà phê bình, bản thân tôi thấy thế giới này đang cố gắng một cách khá vô vọng để phân tích Steppenwolf, phân tích Hesse, cố mang lại cho tác phẩm này một ý nghĩa và kết cục mà họ mong chờ và có thể hiểu được. Tôi đổ lỗi cho họ đã quá khắt khe và định kiến với Hesse.

Dường như lúc đọc Steppenwolf những độc giả của Hesse vẫn mong họ được khai sáng theo cái cách Siddhartha đã làm với họ. Không còn sự hiện diện của những vị lãnh tụ tôn giáo hay của tri thức dẫn đường một cách lạc quan cho một con người trên con đường khám phá nội tâm tươi sáng của anh ta, theo đuổi những khát khao tìm đến Chân-Thiện-Mỹ. Steppenwolf ngập trong những suy nghĩ tuyệt vọng và giận dữ với cả thế giới và con người của chính Harry. Tôi nghĩ sự thay đổi này cũng tương tự như như khi Paulo Coelho ra cuốn Eleven Minutes khiến những tín đồ ngoan đạo của Chúa phải bất ngờ vì họ đã quen với những The Alchemist, Brida, The Valkyries hay By the River Piedra I Sat Down and Wept của ông. Nhưng khi xem xét kỹ lại, tôi thấy Steppenwolf mới là cái tôi gần gũi nhất, thật nhất của Hesse, cũng như Eleven Minutes, theo tôi, mới là tác phẩm gần với đời nhất của Coelho. Và tất nhiên, sau đấy Hesse lại trở về viết Narcissus and Goldmund, và The Glass Bead Game, còn Coelho quay lại cùng The Zahir, Witch of PortobelloManuscript Found in Accra để độc giả của họ không phải đọc thêm phần lời dẫn kèm xin lỗi của họ trước mỗi cuốn sách.

Tôi đã quá cái tuổi đọc sách thấy hay rồi bắt mọi người xung quanh mình đọc theo, như là lập fan club cho cuốn sách hay tác giả đó rồi thấy sung sướng khi có người nhao theo tuyên bố tình yêu với tác phẩm ấy giống tôi. Có những cuốn sách tôi coi như một trải nghiệm cá nhân của mình, hoàn toàn một mình tôi, thậm chí đến mức sở hữu nó một cách ích kỷ. Tôi biến nó thành một phần của riêng tôi, không ai được bàn luận về nó hay bước vào cái không gian tôi tạo ra cho nó chính bên trong mình. Lý do tôi có hành động như này là, có một số tác phẩm tạo ra không phải để được hợp lý. Hesse viết Steppenwolf có lẽ chỉ cho riêng ông. Nó giống như yêu một người mà lại bắt cái mũi người ta phải trông cho vừa mắt mình vậy. Tôi chấp nhận Steppenwolf như chính nó. Tôi yêu thích nó mà không cần phải hiểu vì sao Hesse lại tạo ra nó theo cách ấy. Tôi thấy tội nghiệp ông già khi sau gần bốn mươi năm xuất bản, trong bản in năm 1961 của Steppenwolf, Hesse đã viết thêm một chú ý nhỏ trước khi câu chuyện bắt đầu, trong đó chỉ rõ rằng ông già hi vọng người đọc không quá chú ý đến cái tuyệt vọng của Harry và quên mất rằng tác phẩm này còn có tác dụng cứu rỗi tinh thần nữa. Tôi thấy độc giả mới là người phải xin lỗi ông ấy.

Vì vậy khi viết những dòng này, tôi thấy như đang phản bội chính mình và Steppenwolf. Mà cũng có thể, hồi còn trẻ hơn tôi từng đặt câu hỏi về Steppenwolf, nhưng chẳng bao giờ nhận lại được câu trả lời vừa ý, nên tôi chấp nhận đầu hàng. Tôi yêu mù quáng. Chính lúc đó tôi nhận ra lẽ ra tôi không nên đặt câu hỏi ngay từ đầu. Một câu trả lời chắc gì đã dễ chịu hơn một câu hỏi (trích lời người tình Nhật Bản trong một truyện của Hải Miên). Và lần tiếp theo đọc Steppenwolf tôi đã tự hiểu.

Tuy thế, tôi vẫn sẽ ngồi viết kín ít nhất ba trang A4 cỡ chữ 14 [thật ra yêu cầu ban đầu là co 12 hehe] và khoảng cách dòng là single, về những gì tôi nghĩ về Steppenwolf. Vâng, tôi sẽ phản bội quyển sách và chính tôi, từ cái nhìn của một người ích kỷ thích nhận nhiều hơn là cho.

Khi mới đọc Steppenwolf tôi đã băn khoăn thế này.

Tôi không hiểu Hermine để dành cô ấy đến lúc cuối để làm gì. Nếu là tôi, tôi đã bỏ qua cái bữa tối xinh xẻo, mấy bài học khiêu vũ, bỏ qua Maria, bỏ qua vụ tranh cãi với Pablo, bỏ qua đêm hội, bỏ qua tất cả những gì đằng sau những cánh cửa mời gọi trong nhà hát ma thuật dành cho người điên ấy. Nếu tìm được một con sói đồng hoang khác như Harry, tôi đã chả mừng húm và yêu cầu anh ta giết phăng cái mạng tôi và không cần tra hỏi vì sao tôi lại có ước muốn ấy, anh ta hẳn đã tự hiểu. Hồi đó tôi mới phát hiện ra chứng Pan, và còn quá trẻ con, cái chết là Neverland với tôi. Người 20 tuổi có quarter-life crisis nào lại không như thế?

Tôi không hiểu được vì sao Harry Haller lại có những mâu thuẫn này trong trí óc và muốn tự tử. Dù Hesse đã giải thích cho độc giả lý do nhân vật chính thường trực cảm thấy ý muốn kết thúc sự tồn tại của mình, và thực chất dù cuốn sách đề cập phần lớn đến sự tuyệt vọng và chán chường nhưng trên tất cả nó lại đề cao khát vọng sống và tình yêu dành cho cái đẹp.

Tôi tìm thấy điểm tương đồng với Harry Haller và cả Hermine trong nỗi tuyệt vọng (và thực tế hai nhân vật này được cho là một - hay hai bộ mặt của cùng một con người. Tất nhiên trong bản thân Harry đã có ít nhất hai khía cạnh ông gọi tên ra (mà theo tôi nghĩ có đến hàng ngàn, nhưng khi đi đến mâu thuẫn nội tại thì tự anh sẽ biến nó thành hai phe) – nửa là con người của cuộc sống văn minh, nửa là con sói đồng cỏ, và bản thân Hermine cũng có hai bản ngã, một là người yêu những cái đẹp trung lưu, hai là người khao khát thoát khỏi những chính thứ tầm thường đó).

Cái gì trước đó đã khiến Harry trở nên như vậy? Con người có thể nào được sinh ra đã mang cái đó trong mình hay không? Vì nhiều lúc tôi nghĩ cái sự muốn từ bỏ cuộc sống nó không có gốc rễ cụ thể nào từ bên ngoài, mà bắt nguồn ngay trong chính tôi, không từ gì cả. Nó cứ thế xuất hiện, phát triển, và chiếm lĩnh tôi. Khi bạn không biết rõ bạn đang đối mặt với thứ gì và từ đâu nó sinh ra, làm sao bạn loại trừ được nó? Có khi bạn còn không có ý muốn chống lại nó. Có lẽ Harry còn hòa thuận với nó hơn tôi.

Điều tôi còn quan tâm nhiều hơn là sau cái chết của Hermine, hay sau cái chết của Harry, điều gì tới. Tôi không dại dột thử nghiệm nó trên chính tôi, thật ra là không đủ dũng cảm để làm điều đó, nên đọc Steppenwolf xong đương nhiên là tôi tò mò. Nhưng, một lần nữa, một câu trả lời chắc gì dễ chịu hơn một câu hỏi.

Có thể trong Steppenwolf không còn tình yêu cho Chúa nào cứu rỗi được linh hồn Harry nữa, cũng không có công cuộc tìm kiếm hay chinh phục kiến thức nào đủ thu hút ông khỏi ý muốn kết thúc cuộc đời mình trước khi gặp Hermine, và trước cả cái chết của Hermine nữa. Nhưng cái giữ Harry ở lại với cuộc đời, hay đúng hơn, cái giữ tôi ở lại với cuốn sách, nằm trên con đường dẫn đến đêm hội cuối cùng đó trong The magic theatre.

Steppenwolf đúng là một cuốn cảo thơm, chỉ mất vài ngày để đọc hết nó nhưng những gì đẹp đẽ từ cuốn sách thì còn ở lại mãi với tôi. Tôi dần dần học được, từ Hermine, cách trân trọng những gì đẹp dù là nhỏ nhất trong cuộc sống, những cái gì bourgeois, như mấy chậu hoa trên sân thượng nhà tôi, mùi xôi chè ướp hương bưởi mẹ tôi nấu ngày Chủ nhật, mùi chân con chó của tôi sau cả ngày lê la khắp chốn, và nhiều thức khác, ban đầu là để giữ tôi đi tiếp được vài giờ. Những cái đẹp lớn hơn, như một cuốn sách hay, một bộ phim tuyệt vời, một người bạn tốt, một công việc vừa ý sẽ giữ tôi đi tiếp được vài tháng, vài năm. Và những gì vĩ đại hơn nữa, như Hayden, như Schubert, như Hesse, hay Ondaatje biết đâu lại giữ được tôi đến khi tóc bạc trắng. Hay tốt hơn nữa, biết đâu tôi luyện được cách thiền và tĩnh tâm theo Phật, và đến lúc ấy thì chính tôi còn cứu được cả những Harry Haller khác.

Có những kẻ mãi mãi như Pan, để mất Edvarda và hối tiếc cả đời. Trong số những người đọc cuốn ấy cũng sẽ có kẻ như Pan, chẳng bao giờ học được cách đi tiếp. Nhưng cũng có những người như Harry, những cuốn sách như Steppenwolf, cứu rỗi được chúng ta. Có những người như tôi, bằng lòng để cho cuốn sách cứu lấy mình.

Tôi thích Eleven Minutes vì Coelho chẳng hề phỉ báng Chúa như mọi người vẫn nghĩ. Ông tôn vinh tính nữ và sự nhân văn. Nó rộng lớn hơn cả đạo Thiên Chúa. Cuộc đời và lòng nhân ái mới là tôn giáo lớn nhất trong đó. Tôi thích Steppenwolf hơn những cuốn khác của Hesse, vì nó không còn là một con người đi tìm bản ngã cho mình, đi tìm vinh quang, để làm chủ nghệ thuật hay tìm được cái cân bằng trong tâm hồn, Tất-đạt-đa, suy cho cùng, cũng đã bao giờ phải đối mặt để chiến thắng ý muốn tự tử đâu. Anh ta may mắn hơn Harry vì sinh ra đã được khai sáng. Nhưng Harry mới là người anh hùng lớn hơn. Anh ta đi tìm cách để sống tiếp. Anh ta chiến đấu, và đã chiến thắng.


xem thêm ở đây

5 comments:

  1. "Tôi đã quá cái tuổi đọc sách thấy hay rồi bắt mọi người xung quanh mình đọc theo, như là lập fan club cho cuốn sách hay tác giả đó rồi thấy sung sướng khi có người nhao theo tuyên bố tình yêu với tác phẩm ấy giống tôi." >>>>>> :)))))) Đoạn này chị có sửa câu từ nào không ạ.

    Tội nghiệp cuốn này, em đánh dấu gần hết, nhất là những đoạn in nghiêng. Còn mua dự trữ một cuốn để tặng. Hình như chưa được đọc tác phẩm nào miêu tả người yêu lại đẹp tuyệt trần như cuốn này.

    Em chưa có Siddhartha. Tò mò Hermann vì một tác phẩm múa rất hay của Đài Loan "Songs of the Wanderers" được biên đạo lấy cảm hứng sau khi đọc cuốn này.

    https://www.youtube.com/watch?v=2s-kWMapYCM


    ReplyDelete
    Replies
    1. đoạn này chị không sửa chữ nào, em :p

      Delete
    2. Vậy thì em hoài nghi là bạn ấy chưa đạt đến "cảnh giới" của việc đọc sách :D

      Tóm lại, thì cuốn này có những đoạn rất rất hay, có những đoạn khó hiểu, chưa ngộ ra được.

      Những đoạn miêu tả về phụ nữ quả là rất tình. Kiểu như: " Nàng nín lặng trong khi mắt vẫn không rời đóa lan, khuôn mặt dịu lại, như một nụ hoa nở bung dưới sức căng, và đột nhiên một nụ cười làm mê đắm rạng rỡ trên đôi môi, còn đôi mắt nàng vẫn đăm đăm nhìn một lúc như bị thôi miên. Đoạn nàng lắc cái đầu có những lọn tóc xoăn như một bé trai, hớp một ngụm nước, rồi sực nhớ ra chúng tôi đang dùng bữa, liền thích thú ăn uống ngon lành."

      Vì có nhiều đoạn quá hay để trích dẫn, nên câu ấn tượng nhất trong cuốn này là: "Làm thế nào giết người bằng tình yêu". Hơi tiếc, là đọc xong chưa tìm được câu trả lời thỏa mãn lắm. Hoặc có vẻ như mình chờ đợi một câu trả lời nào đó khác hơn, mà chưa biết là câu gì :D

      Liên tưởng đến một đoạn em rất thích trong "Tôi có quyền hủy hoại bản thân", lập luật chặt chẽ, sắc sảo, khiến cho cả cuốn sách "đau đầu" trở nên "độc đáo" hơn :D

      "Con người chỉ có đúng hai loại. Loại người có thể giết người và người không thể giết người. Nếu hỏi loại người nào xấu hơn thì người không thể giết người khác lại xấu xa hơn… Những người không dám giết một ai thì chẳng thể yêu ai thật lòng."

      Delete
    3. tức là "cảnh giới" là phải lập fan club, có phải không? :p

      Delete
    4. Lập fanclub, hay fanpage thì nhằm nhò gì, phải lập blog review sách như Nhị Linh mới là đạt đến "cảnh giới" :D

      Delete