Apr 28, 2009

Để chào Ballard

"Để chào" vừa có thể là "chào mừng" vừa có thể là "chào vĩnh biệt". Ở trường hợp của Ballard này thì là cái thứ hai.

Đọc thêm về Ballard (bản dịch từ tờ The Guardian). Nhân dịp Sci-Fi bắt đầu nhúc nhích sống dậy ở Việt Nam (Dune của Frank Herbert vừa được dịch), cũng cần phải tưởng nhớ một nhân vật lớn khác của dòng văn học thuộc "cận văn học" này (:).

Ở đầu Empire of the Sun, Ballard viết: "Empire of the Sun lấy cảm hứng từ những gì tôi đã trải qua ở Thượng Hải, Trung Quốc, trong Thế chiến thứ hai, và ở C.A.C (Civilian Assembly Centre) tại Longhua, nơi tôi bị giam từ năm 1942 đến năm 1945. Cuốn tiểu thuyết này chủ yếu dựa trên các sự kiện mà tôi đã quan sát trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng Thượng Hải và bên trong trại Longhua.

Người Nhật đã tấn công Trân Châu Cảng vào một sáng Chủ nhật, ngày 7 tháng Chạp năm 1941, nhưng vì khác múi giờ, khi ấy đã là buổi sáng ngày thứ Hai 8 tháng Chạp ở Thượng Hải."

Ngoài Crash đã được quay thành một bộ phim nổi tiếng, Empire of the Sun, dĩ nhiên nhiều người biết, cũng là tên bộ phim của Steven Spielberg. Phim này tập hợp toàn tên tuổi: kịch bản ngoài Ballard còn có sự tham gia của Tom Stoppard (là ai xin mời các bạn mê kịch tìm hiểu :), cũng là khởi đầu sự nghiệp của một anh rất khủng: Christian Bale. Trong số tất cả các phim tôi từng xem của Spielberg, thì đây là phim tôi thích nhất, và cũng là phim duy nhất không thấy khó chịu vì cung cách "tỏ ra mình là đạo diễn lớn" của Spielberg, kể cả trong Danh sách của Schindler hay cái phim gì có anh Tom Hanks trẻ măng. Cảnh Nhật đánh vào Thượng Hải và đám đông chạy loạn đúng là một cảnh gây choáng váng, cũng như lúc đám khói hình nấm bay lên từ đâu đó rất gần.

Pierre Assouline rend hommage à Ballard ở đây. Cũng ở đây có thể biết rằng cả đời mình Ballard chịu ảnh hưởng từ tranh các họa sĩ siêu thực như Dali, Delvaux, Ernst và Magritte (Ceci n'est pas une pomme). Từ điển Collins cũng ghi vào một "neologism" lấy từ tên của Ballard, chỉ: "dystopian modernity, bleak man-made landscapes and the psychological effects of technological, social or environmental developments".

Apr 27, 2009

Sushi Wasabi Bougie Mini

Các nhà văn nữ Nhật Bản được dịch ra tiếng Việt trong thời gian gần đây đã đưa đến một hình tượng văn chương hiếm khi thấy trong tiểu thuyết: hình tượng dịch giả. Người nghèo, người giàu, bác sĩ, luật sư, kẻ si tình, gã phụ bạc, cô nương diễm lệ, và đặc biệt nhà văn, tất thảy đều từng có những cái tên riêng gây lưu luyến cho người đọc bao đời. Nhưng dịch giả, cái kẻ từng bị nhà văn García Marquez gọi là “con khỉ” bắt chước mình, có lẽ không mấy gợi hưng phấn văn chương, cái công việc đều đều tẻ nhạt đặc thù của nghề này, sự cần mẫn thô kệch của nó dường như không thích hợp để tạo ra vòng hào quang thu hút, hay một sự say mê vượt khỏi cái thông thường, hay một sự nhọc nhằn đáng sợ, hay một tầm vóc lớn lao gây choáng ngợp…

Banana Yoshimoto có một nhân vật chính là dịch giả kỳ bí trong N.P, và gần đây hơn Yoko Ogawa cũng làm điều tương tự trong Quán trọ Hoa Diên Vỹ (Lan Hương dịch, Nhã Nam và NXB Văn học). Hoa diên vỹ (Iris) vừa là tên một loài hoa, vừa là tên một nữ thần trong thần thoại Hy Lạp. Dường như ngoài đó ra còn có thêm một dấu ấn thần thoại Hy Lạp khác nữa, ở nhân vật dịch giả - kẻ tự yêu mình Narcissus và nữ thần buồn bã Echo (cô gái trẻ Mari) cứ không ngừng chạy theo chàng Narcissus để si mê trong vô vọng.

Apr 26, 2009

Cuối tuần thì ta điểm báo

Trang web tờ Magazine littéraire (mãi mới lên được mạng, kém cả báo Công An của Việt Nam) mỗi ngày đưa một câu của một nhà văn nào đó; câu hôm nay của Marguerite Duras: "On ne trouve pas la solitude, on la fait" (Sự cô đơn, ta không tìm thấy, mà làm ra).

Trích dẫn lung tung thế thôi, chứ tôi không có ý định điểm báo ML. Điểm báo cũng không phải mặt mạnh của tôi, nhất là trong giới blog Việt Nam đã có các tên tuổi khét tiếng như là bác Linh, bác cavenui, hay chị Sonata (:). Đơn vị chuẩn của cá nhân tôi là sách, chứ không phải báo; nhưng thỉnh thoảng đổi gió chút cũng hay.

Tờ Tia Sáng mấy số mới có vẻ khá hơn hẳn trước đây về nội dung và bố cục (nhờ công của nhân tố mới, bạn Lê, chăng?). Số 8 (20/4 vừa rồi) có nhiều bài đáng đọc.

Thứ nhất là tôi đọc bài về Mendelsshohn (năm nay kỷ niệm 200 năm ngày sinh), nhân vật từng bị Wagner xử lý theo kiểu "posthumously", dẫn đến việc nhạc của Mendelsshohn bị Nazi cấm.

Bài (dịch) về màu sắc trong tranh Grunewald, bài của bạn Lê về phát triển kinh tế Trung Quốc đi kèm rất nhiều cái giá phải trả, rồi bài (chắc di cảo) của Lê Đạt về kinh nghiệm làm thơ, bài "Truyền thống dân chủ trong xã hội Việt Nam" (Cao Tự Thanh)... đều hay, nhưng tôi quan tâm nhất đến hai bài sau:

Bài "Nicola Tesla, nhà sáng chế lỗi lạc, vô tư nhất trong lịch sử". Tiêu đề bài báo hơi oách quá, nhưng các bạn đã đọc Moon Palace có thể tham khảo bài này để biết thêm về cuộc chiến ở thời kỳ đầu của ngành điện (dòng điện một chiều, dòng điện xoay chiều, AC/DC, Edison, Westinghouse, tham vọng làm điện không dây cho cả nhân loại xài năng lượng miễn phí, tòa tháp xây tại Long Island...) Quyển sách của Tesla, My Inventions, có thể dễ dàng tìm thấy trên mạng. Marco Fogg cũng có lần tình cờ tìm được cuốn sách này.

Sau đó là đến cụm bài về vụ gian lận khoa học liên quan tới Giáo sư Y học Scott Reuben. Các công trình khoa học của Reuben đã được xác định là giả mạo, vi phạm đạo đức khoa học, lừa dối... Đọc thấy có cả hậu quả dẫn đến việc một số thuốc như vioxx trở nên thông dụng và thu về doanh thu rất lớn, sợ thật. Thuốc vioxx này dính dáng đến không ít vụ việc đau lòng, nhưng chắc chắn là chỉ một số lượng rất nhỏ xuất hiện được trên báo chí.

Bình luận tiếp theo ở cụm bài này là của Đỗ Quốc Anh (hi :), phân tích khả năng sai lầm của hai hình thức đăng công bố nghiên cứu khoa học: một đằng là đăng rất nhanh (như ngành Y), một đằng là đăng rất muộn (như ngành Kinh tế - nhiều khi phải vài năm sau khi đã viết xong bài). Mấy ngành này tôi không biết nhiều lắm, nhưng có thể cung cấp ví dụ về công bố nghiên cứu trong ngành văn học (Pháp). Tôi có tìm hiểu khá nhiều về lĩnh vực này, và thấy là có thay đổi rất rõ ràng: trước đây (đại khái khoảng những năm 1970 trở về trước, người ta viết báo là để đăng "ngày hôm sau"), còn hiện nay nội dung và danh mục các số tạp chí đã được hoàn chỉnh từ trước ngày ra báo cỡ trên dưới một năm. Áp lực về công bố sớm ở ngành này không cao, và thường là các công bố cũng đã được phân tích, mổ xẻ ở nhiều hội thảo trước đó. Ở Việt Nam hiện nay (nhất là trong các ngành khoa học xã hội) quy trình đầy đủ về đăng bài nghiên cứu mới bắt đầu được áp dụng (sau này hẳn người ta sẽ còn nhớ cái mốc của quyển sách về Tín ngưỡng in năm vừa rồi). Cho đến gần đây, Nguyễn Hòa còn công khai phê phán một bài báo vì đã sử dụng quá nhiều trích dẫn - chắc NH chưa bao giờ nhìn thấy một bài báo khoa học theo đúng nghĩa nào.

Trong số Tia Sáng lần này còn có bài của Lê Nguyên Long giới thiệu cuốn Chủ nghĩa Marx và phê bình văn học của Terry Eagleton. Bản dịch này có nhiều lỗi và đã được NXB Tri Thức rút về để sửa chữa. Tuy nhiên theo tôi được biết thì bản dịch này đã được thực hiện từ rất lâu, hình như thuộc một dạng "công trình cấp trường" do cán bộ giảng dạy thực hiện. Như vậy đối tượng chính để blame về chất lượng dịch thuật hẳn phải là khoa văn của ĐHXH&NV.

(các bài nói đến ở đây hoặc đã có hoặc sẽ có trên trang http://www.tiasang.com.vn/ :)

Apr 25, 2009

Im lặng thở dài

Ngày 23 vừa rồi (tức là hôm kia ấy) chắc nhiều bạn chẳng biết là ngày gì. Đó là ngày được dành cho sách đấy. Hì, lục lọi báo chí thấy có mỗi bạn Nguyễn Vĩnh Nguyên có tưởng nhớ hehe. Còn thì đúng là tự đóng cửa mà chúc mừng nhau thôi. Thì thế thôi, có ai quan tâm đâu?

Cũng ngày này ở bên Pháp hàng đống sự kiện được tổ chức để vinh danh sách và những người làm ra sách: một loạt các chương trình được gọi dưới cái tên chung (chủ đề của năm nay): "Un livre une rose" (Một cuốn sách một bông hoa hồng), báo chí tập trung phỏng vấn tác giả nhà xuất bản. Mình chẳng ghen tị gì đâu ạ.

Còn thì ở nước ta sự nghiệp văn hóa đọc (rất nhiều mồm to kêu la ra rả) nó thể hiện trên mặt báo như thế nào? Lại thêm một ví dụ về tờ báo "có trang văn hóa khá" nhé: "Xung quanh việc dịch tên tác phẩm văn nghệ nước ngoài". Bây giờ hay là mở mục thi xem ai tìm được nhiều lỗi nhất trong cái bài kia nhỉ?

Đọc báo chí viết về sách vở tại Việt Nam trong thời gian vừa qua, tôi thấy mức độ tệ hại cao nhất nằm ở tờ Sài Gòn Giải phóng, đặc biệt là tập trung ở hai nhân vật tên là Tường Vy và Tân Tường (mà tôi nghĩ là một người). Các bác nên cảnh giác :)

À mà sao có nhiều người cứ bảo tôi là đanh đá thế nhỉ? Thật ra là tôi hay im lặng thở dài lắm í.

Apr 24, 2009

Paralysé :)

Đọc bình luận văn học trên các báo và tạp chí (tạm gọi là) phổ thông của nước ngoài cũng như tại Việt Nam, có thể thấy rằng các thành tựu của lý thuyết văn học đã thoát ra khỏi các đường biên giới hàn lâm để đến với công chúng. Cũng tương tự như là thuyết tương đối hẹp của Einstein (Special Theory hehe) được đại chúng sử dụng rộng rãi (cũng chẳng cần thực sự biết nghĩa). Những cái này như là đi vào collective memory, cái dễ dàng cái ngoằn ngoèo khúc khuỷu, nhưng đã đi vào là rất khó đi ra :)

Nhưng sự chuyển dịch từ địa hạt chuyên môn sang địa hạt (tạm gọi là) bình dân cũng đòi hỏi các yêu cầu đặc thù (các bác thấy tôi nói năng như ngồi chair hội thảo không?). Một ví dụ cho sự nhập nhằng này chúng ta có thể tìm thấy trong bài báo "Sự lên ngôi của cận văn học" đăng trên tờ Công An Nhân Dân ("tờ Công An có trang văn hóa khá", dixit GS. Trần Hữu Dũng).

Xếp tự truyện vào cận văn học (paralittérature), coi như tác giả đã có đóng góp cực lớn cho khoa nghiên cứu thể loại văn học. Theo tôi đây là lần đầu tiên có người (cả gan) nói như vậy. "Cận văn học" là cái gì? Là những cái thường bị coi là lăng nhăng, giải trí, kém giá trị, những dòng văn học rất đặc thù: chưởng, trinh thám, fantasy, sci-fi etc. Có người không dịch thành "cận văn học" mà là "bàng văn học", nghe rất chối nhưng cũng cho thấy thái độ của giới hàn lâm dành cho những cái vẫn hay được xếp vào "văn chương nhà ga".

Trong nghiên cứu văn học, ít nhất là vài chục năm gần đây người ta đã bàn nhiều đến ranh giới giữa "cận văn học" và "văn học", một cách suy tư lại về vị trí cũng như giá trị của "cận văn học". Tác phẩm quan trọng và cũng mới gần đây là của Daniel Fondanèche: Paralittératures. Thực tế là trong những gì vẫn hay bị coi nhẹ có các tác phẩm thực sự lớn, và nhiều tác giả trinh thám sau này được "chuyển lên" văn học không cộng thêm prefix nào.

Và không ai xếp tự truyện vào "cận văn học" cả. Sách vở nghiên cứu (mà tôi có dịp liếc qua) chưa từng thấy, mà check nhanh trên Internet cũng chưa từng thấy. Phát kiến của bài báo trên tờ Công An quả là vĩ đại.

Mà giọng của bài viết lại còn rất nhỏ nhẹ am hiểu, cứ như là đúng là nó là phải là thế. Hic

Apr 22, 2009

Read more

Vừa xong được mấy cái việc mệt quá (dĩ nhiên là còn cả đống chưa xong, nhưng thôi kệ cái đã), bắt đầu sờ đến được đống sách chưa kịp sờ.

- Những di chỉ của ký ức (Pierre Nora, sous la direction de). Gốc của nó là một bộ sách lớn (Les Lieux de mémoire), đi kèm với một khái niệm lớn của lịch sử, "lieu de mémoire", và một số tên tuổi lớn của ngành sử học Pháp (trong đó dĩ nhiên Pierre Nora nổi bật).

Bộ sách trong tiếng Pháp gồm mấy tập (ba thì phải) to sù sụ, bản tiếng Việt chỉ lấy lại hai mươi bài, tức mới chỉ là một phần khá nhỏ. Ý tưởng chung của bộ sách là để cho các sử gia viết ra những suy tư về một số "ký ức cộng đồng/tập thể", chia thành một số chủ đề lớn, như "Quốc gia" và "Nhà nước".

Đáng nói là ở Việt Nam, bộ sách này đã từng được xuất bản (một quyển rất nhỏ) và ở trong một tình trạng chất lượng ghê rợn, thảm hại đến từng dòng một. Vẫn bản dịch đó, nhưng chắc có bổ sung thêm so với lần trước (dưới sự chỉ đạo của Đào Hùng) vừa được NXB Tri Thức ấn hành. Đọc qua thấy ổn hơn rất nhiều, sửa chữa cẩn thận. (Sách lần trước cú nhất là trong bài của Mona Ozouf viết về điện Panthéon cứ thế tương Plutarque thành Phutarque nghe cứ như mù tạt).

- Thành phố quốc tế (Don DeLillo, tên nguyên bản: Cosmopolis), Nguyễn Mỹ Linh dịch, Bách Việt và NXB Thanh Niên. Hehe thôi để tôi nói ngay: sau bác Cormac McCarthy (The RoadNo Country for Old Men) thêm một siêu cao thủ nữa của dòng văn học hậu hiện đại Mỹ bị xử trảm tại Việt Nam. (NB: bản tiếng Anh có thể load dể dàng từ gigapedia - rất có ích nếu bạn đang chuẩn bị thi IELTS hehe)

- Trong những vòng tay (Camille Laurens, tên nguyên bản: Dans ces bras-là), La Phương Thủy dịch, NXB Phụ nữ. Càng đọc các nhà văn kiểu như thế này (chắc tình hình này sắp tới còn có cả thêm Christine Angot và Catherine Millet hehehe) tôi càng thêm hiểu vì sao văn chương Pháp ngày càng gây ác cảm sâu sắc. Tất cả bắt nguồn từ chính cái autofiction của nợ ấy. Nghiên cứu về bản thân khái niệm "autofiction" thì đúng là cũng có chỗ thích thú, nhưng đọc các tiểu thuyết "autofictionnel" thì hết chịu nổi rồi. Mà lại còn tràn lan trên diện rộng.

Camille Laurens cũng là một trong các "kiện tướng" của văn chương đương đại Pháp, một ví dụ rất rất điển hình về autofiction (nhân vật trong Trong những vòng tay cũng tên là Camille luôn, of course). Đọc được mấy chục trang thì tôi đâm tự hỏi việc quái gì mà cứ phải đổi ngôi kể chuyện liên tục thế này, rối tung lên chả biết là ai đang nói nữa. Đọc kiểu truyện này rất bực vì không biết đến dòng tiếp theo liệu có một thằng dở hơi bị bệnh tâm thần nào đó tự dưng nhảy ra nói lăng nhăng hay không. Thế thật thì điên lắm :)

Những đoạn không phải "tôi" mà kể về nhân vật ngôi thứ ba cứ dùng "chị ấy" mới tức chứ. Nói chung tức lại càng tức, với cả "bác sĩ phân tích tâm lý" là cái gì? Thôi đã tức chả đọc hết nữa.

Cụ Trứ, once for all

* Thỉnh thoảng cũng phải khủng bố các bạn một chút chứ nhỉ. Đợt vừa rồi có vẻ như là tôi hơi bị hiền, và hiền thì lại hay bị bắt nạt.

* Bài dưới đây là một dạng ý tưởng, còn rất nhiều điểm có thể/cần phải triển khai và đào sâu (post lên đây bị mất những chỗ in nghiêng, thật là mất đi bao nhiêu phần thi vị hehe).

Nguyễn Công Trứ là một nhân vật đặc biệt trong lịch sử Việt Nam, ở hơn một phương diện. Điều này đã được Trần Đình Hượu khẳng định ngay từ đầu bài viết của mình về Nguyễn Công Trứ: “Trong các danh nhân Việt Nam, không có ai giống Nguyễn Công Trứ. Ông là một nhân vật đặc biệt[1]”. Vấn đề của các nhà nghiên cứu (ở trường hợp Nguyễn Công Trứ là ở nhiều chuyên ngành, trong đó quan trọng hơn cả là sử học và văn học) là chỉ ra và lý giải những đặc biệt ấy. Đây là một vấn đề rất không dễ dàng, bởi cũng chính Trần Đình Hượu viết ngay sau nhận định nói trên rằng: “Đặc biệt vì ông đã lập nên một sự nghiệp lừng lẫy nhiều mặt, mặt nào cũng độc đáo. Và có lẽ đặc biệt hơn là con người, cách làm người của ông được nhiều người ngưỡng mộ nhưng ít khi được hiểu thật đúng[2]”. Những chỗ “ít khi được hiểu thật đúng” ở Nguyễn Công Trứ khiến cho tám mươi năm nghiên cứu Nguyễn Công Trứ ở Việt Nam[3] vẫn chưa đi sâu được vào nhiều khía cạnh của ông, nhất là những gì liên quan đến đặc sắc văn chương và những khác biệt về thái độ ở nhà nho Nguyễn Công Trứ so với trước đó cũng như so với đương thời.

Có thể nhanh chóng lược qua những điều đặc biệt hết sức nổi bật ở Nguyễn Công Trứ, nhân vật mà cuốn sách đầu tiên về ông, Sự nghiệp và thi văn của Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ của Lê Thước, đã trân trọng gọi là “một bậc tiền bối đáng hâm mộ, đáng tôn sùng”[4].

Apr 21, 2009

Để chào Paolo Giordano

Cuốn tiểu thuyết của Paolo Giordano (sinh năm 1982) đã trở thành một sự kiện thực thụ của văn chương và xuất bản Ý: La Solitudine dei Numeri Primi (Sự cô đơn của các số nguyên tố) đã đoạt giải thưởng danh tiếng Strega vào năm 2007 và tới giờ tiêu thụ được khoảng hơn một triệu bản.

Ý tưởng về số nguyên tố thêm một lần nữa được khai thác trong văn chương, sau một số tiểu thuyết chẳng hạn như Bí ẩn con chó lúc nửa đêm của Mark Haddon và Giáo sư và công thức toán của Yoko Ogawa. Dĩ nhiên, nói số nguyên tố thì đã có nghĩa là cô đơn, nhưng ở đây Giordano còn máu hơn (hehe), chơi ngay cái nhan đề sự cô đơn của các số nguyên tố.

Quyển này vừa có bản dịch tiếng Pháp: xem review ca ngợi trên Le Monde. Tên trong tiếng Pháp là La Solitude des nombres premiers. Truyện nói về hai nhân vật chịu chấn thương tâm lý từ nhỏ: Alice bị tai nạn nghiêm trọng khi trượt tuyết (như một cách thức để thoát khỏi sự quản lý quá mức của ông bố), còn Mattia thì mang mặc cảm tội lỗi vì làm đứa em gái tàn tật bị biến mất, do một lần sao nhãng quẳng em ở một công viên trong vài tiếng đồng hồ, sau đó không bao giờ tìm lại được nữa.

Độc giả Việt Nam sắp được đọc quyển này, và thậm chí còn sắp được gặp bạn Paolo Giordano, nghe đâu đang làm luận án tiến sĩ vật lý lý thuyết, nhưng vì yêu quý các bạn Việt Nam quá nên tạm bỏ đó để đi sang đây :)

1934

Tức thật, vèo một cái là thôi đấy, mây bay mất hút con mẹ hàng lươn :) Hàng khá khẩm mà người dùng lởm thì cũng chả ra gì.

Được lời như cởi cái quần (ối chết nhầm hehe) thôi chịu khó gõ lại mấy chi tiết vậy.

Stalin Epigram của Robert Littell lấy bối cảnh nước Nga năm 1934. Câu chuyện xoay quanh vợ chồng nhà thơ Osip Mandelstam và người vợ, Nadezhda Yakovlevna (tức "Nadenka"). Tất nhiên là còn nhiều nhân vật nổi tiếng bạn bè và kẻ thù của họ. Phần giới thiệu cho biết Anna Akhmatova (năm 1934 đó đã 45 tuổi) từng là người tình của Modigliani khi còn ở Paris cách đó khoảng 20 năm, ngồi làm mẫu cho Modi khi Modi còn chưa nổi tiếng. Akhmatova bị bố đẻ cấm dùng họ của gia đình (Gorenko) vì sợ làm ô nhục nó, và bị các watchdog của Bolshevik coi là "haft nun, half harlot", nghĩa là rất khinh miệt.

Nadenka và Mandelstam gặp nhau lần đầu tiên tại quán "cabaret" ("Entre chien et loup/Au cabaret du Val-d'Amour" - Phébus nói với Esmeralda) mang tên "Junk Shop" tại Kiev. Nadenka lần nào nghe chồng đọc thơ cũng nước mắt lưng tròng, sợ chưa?

Mấy câu đề từ của sách:

Một câu của Mandelstam, không hiểu sao lại bằng tiếng Pháp: "... et chacun effectuera avec son âme, telle l'hirondelle avant l'orage, un vol indescriptible" (đại ý là ai cũng sẽ giống như con chim én trước cơn bão kia, cùng với tâm hồn mình vẽ nên một đường liệng cánh không thể miêu tả).

Và: "I am alone; all around me drowns in falsehood: Life is not a walk across a field" (câu thơ trong bài "Hamlet" của Pasternak; bài thơ này bị cấm, và các bạn của Pasternak đã đọc nó tại đám tang của ông vào năm 1960, như một hình thức thách thức).

Apr 17, 2009

Thử thử

Tình hình là đời tôi ghét nhất chuyển nhà, thì cứ phải chuyển nhà liên tục.

Đời đúng là không như là mơ và lắm người chúng ta thật là gà mờ :))

Cuối mùa xuân có nhiều người chết, người ta chết đi hàng ngày, và người chết cũ phải nhường chỗ cho người chết mới, như một truyện ngắn cực kỳ cay đắng của Milan Kundera từng chỉ ra. Mặc dù không được nhân văn cho lắm, nhưng dù sao thì chết bớt đi cũng là một giải pháp hay. Ít nhất là đỡ tắc đường. Tuy thế cũng có những cái chết gây tiếc nuối (gỡ gạc lại tí nhân văn). Pierre Assouline vẫn viết đều đặn, gần đây là một bài về Henri Meschonic. Chẳng mấy ai biết Meschonic là ai, chắc chắn thế, nhưng đó là một nhân vật quan trọng của lý thuyết văn học, ở dịch thuật và thơ ca (thời này ngay cả ở Pháp thơ cũng teo tóp hổn hển trong cơn hấp hối). Tác phẩm của Meschonic dày đặc, ít người đọc. Meschonic từng nói, khi bàn về nhịp điệu, là "sống đâu có đủ". Ừa, sống đâu có đủ. Meschonic cũng là một trong những người hiếm hoi trong giới nghiên cứu Pháp bàn về vấn đề tính hiện đại, trong Modernité modernité, cùng với hai người khác nổi bật hẳn lên là Alain Touraine: Critique de la modernité (Phê phán tính hiện đại, đã có bản dịch tiếng Việt), và Antoine Compagnon: Cinq paradoxes de la modernité (Năm nghịch lý của tính hiện đại, còn lâu mới có bản tiếng Việt). Trong khi đó đề tài này được giới nghiên cứu Đức và Anh-Mỹ cày xới ác liệt, từ thời của Georg Simmel cho đến Habermas, Jameson vân vân và vân vân.

Liếc qua một chút một quyển sách của Henri Meschonic, viết về Victor Hugo: Victor Hugo chắc chắn là nhân vật mang tính kinh thánh nhất của thơ ca Pháp. Yep, thơ ca.

Apr 12, 2009

Orhan Pamuk: Ngài Flaubert, đó là tôi!

Orhan Pamuk là một nhà văn lớn, điều đó không phải bàn cãi, nhưng ông còn lớn hơn danh hiệu “nhà văn lớn” một chút nữa. Pamuk thuộc vào nhóm rất nhỏ các nhà văn đồng thời là nhà viết tiểu luận xuất sắc, cái nhóm gồm những người như Eliot, Borges, Gracq hay Coetzee. Tập tiểu luận của Pamuk in gần đây với nhan đề dịch sang tiếng Anh Other Colors (Những màu sắc khác) cho thấy tài năng ấy ở dạng thuần khiết nhất. Diễn từ nhận giải Nobel của ông (2006), “Chiếc vali của cha tôi” (bản tiếng Việt của Trần Tiễn Cao Đăng trên Vietnamnet) cũng để lộ chiều sâu tư tưởng và vẻ đẹp của suy tư ở Pamuk. Mới hơn một tuần trước, nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ lại có dịp chứng tỏ đẳng cấp tại lĩnh vực này nhân dịp được Đại học Rouen (Pháp) trao bằng tiến sĩ danh dự, trong một bài phát biểu-tiểu luận mang một cái tên đầy ý nghĩa: “Ngài Flaubert, đó là tôi!” (Monsieur Flaubert, c’est moi!)

Rouen là một thành phố nhỏ vùng Normandie, quê hương của Flaubert nhưng cũng là quê hương của một tác gia kiệt xuất nữa, nhà viết kịch Corneille. Maupassant cũng đã từng trải qua một phần tuổi trẻ mình ở nơi đây (việc Maupassant thân thiết với Flaubert và thường xuyên đến Croisset thăm người thầy tinh thần của mình đã khiến nảy sinh lời đồn đại cho rằng ông chính là con trai của Flaubert, nhưng điều này hoàn toàn không có căn cứ xác thực). Nhưng Rouen, đặc biệt là địa danh ven Rouen mang tên Croisset, gắn chặt với tên tuổi của Flaubert, người có biệt danh “con gấu Croisset”. Đến nơi đây nhận bằng tiến sĩ danh dự, Pamuk đã hết sức khéo léo khi chọn đề tài cho bài phát biểu đọc trước các giáo sư và sinh viên Đại học Rouen là tác giả tiểu thuyết Madame Bovary.