Oct 18, 2014

Những đám mây sẽ còn ở lại

Tại sao văn chương Nguyễn Bình Phương khác biệt?

Độc giả chuyên nghiệp hay không chuyên dễ dàng quy văn chương Nguyễn Bình Phương vào một chữ “lạ” (hay ít thiện chí hơn thì “khó hiểu”) rồi yên tâm với cách sắp xếp xét cho cùng rất yên ổn như vậy. Nhưng hết cuốn tiểu thuyết này đến cuốn tiểu thuyết khác, văn chương ấy cứ cựa quậy không ngừng, giống những cặp rắn trở đi trở lại mãi kể từ tác phẩm rất sớm như Bả giời, lúc nào cũng đe dọa vùng thoát khỏi một cách nghĩ hợp lý này hay một nhận định hợp lý khác. Nó sẵn sàng đi vào những khoảng trống phi lý, như thể liên tục nhắc nhở người ta nhớ rằng quả thật có tồn tại những khoảng khuất, và văn chương thật ra chia làm hai nửa: một nửa nỗ lực miêu tả phía bên này của mặt trăng, nửa kia thì tìm cách lấn vào quãng tối tăm khó dò còn lại.

Oct 13, 2014

Ngô Thúc Địch: Điếu văn Nhượng Tống

Ngày 8/9/1949, Nhượng Tống Hoàng Phạm Trân chết ở Hà Nội.

Hôm sau, đám tang Nhượng Tống được tổ chức.

Người đọc điếu văn là ông cử Ngô Thúc Địch, bài điếu văn như dưới đây.

-----------


Thưa các Cụ, các Bà, các Ông, nhân danh là một bạn đồng chí cũ của bạn Nhượng Tống, tôi xin thay mặt tang gia và các anh em đồng chí cảm tạ các ngài đã không quản khó nhọc, quá bộ đi đưa người bạn không may của chúng tôi đến nơi yên nghỉ cuối cùng này.

Sau nữa, xin phép các ngài cho tôi nói một lời với bạn Nhượng Tống trước khi vĩnh biệt.

Anh Nhượng Tống,

Oct 4, 2014

Đào Trinh Nhất viết báo

Trong Istanbul, Orhan Pamuk dành rất nhiều trang cho các nhà bỉnh bút chuyên về thành phố Istanbul, nhất là Ahmed Rasim. Các nhà bỉnh bút giữ mục (giữ cột - columnist, hay feuilletonniste) cứ ngày ngày, trong hàng chục năm, viết về đủ thứ trên đời, về những thứ họ nhìn thấy, đọc được hay nghĩ ra. Trong cuốn tiểu thuyết mới, Bảo tàng Ngây thơ của Pamuk cũng có một nhân vật bỉnh bút có biệt hiệu "Cẩm Chướng" gì đó. Các bỉnh bút báo chí, cái loài kỳ quặc ở thời điểm tồn tại, nhiều chục năm sau này ta mới thấy được giá trị của họ, khi mà khung cảnh chung mà họ sống ở trong không còn nữa, hình dung lại vô cùng khó nhọc. Nhất là ta đọc ra ý vị trong những câu chuyện họ kể và ngôn từ họ dùng.

Ở Việt Nam trước đây cũng từng có những nhà bỉnh bút như thế, trong đó Đào Trinh Nhất là một. Ngày nay phần lớn sách của Đào Trinh Nhất đã được in lại, nhưng cái ngòi bút gọn ghẽ và sự châm biếm nhẹ nhàng, bỡn cợt ấy phải tìm trong các bài báo. Đào Trinh Nhất sinh đúng vào năm 1900, con trai của Đào Nguyên Phổ nên dễ dàng có mối quan hệ với Đông Kinh Nghĩa Thục và Phan Chu Trinh, sau này có mười năm làm báo huy hoàng ở Nam Kỳ (1929-1939).

Dưới đây là mấy bài báo Đào Trinh Nhất đăng trong mục "Chuyện thị phi" của tờ Đuốc Nhà Nam, tờ báo tồn tại vào cuối thập niên 20 cho đến giữa thập niên 30. Bút danh của Đào Trinh Nhất cho mục này là Nam Chúc ("chúc" là đuốc, "nam" ý nói nước Nam). Đào Trinh Nhất nói đến vụ toàn quyền Pasquier bị rơi máy bay bỏ mạng đầu năm 1934 và gợi lại một lịch sử đi sứ của Việt Nam. Đặc biệt, Đào Trinh Nhất rất ghét Tàu; tác phẩm đầu tiên của Đào Trinh Nhất tên là Thế lực khách trú và vấn đề di dân vào Nam Kỳ xuất bản rất sớm trong đời Đào Trinh Nhất, vào năm 1924; ông cũng đối chiếu kiểu khinh người của dân Tàu với chính sách bài Do Thái của nước Đức thời Hitler (gọi là Hách-lê). Bài báo thứ ba dùng để chế nhạo tờ Công luận, cụ thể hơn là chĩa mũi dùi vào Diệp Văn Kỳ, một nhà báo nổi tiếng thời ấy.

Phát hiện ra Đào Trinh Nhất từng đọc báo Je suis partout, tờ báo cực hữu với yếu nhân là Lucien Rebatet.

nguồn tư liệu: courtesy of THC


Oct 2, 2014

Phạm Quỳnh và Charles Maurras

Bàn về “ảnh hưởng” - bản thân “ảnh hưởng” đã là một khái niệm giàu tính chất bất định[1] - không bao giờ là chuyện đơn giản. Sự khó khăn dường như không nằm ở chỗ rất khó tìm ra các ảnh hưởng mà, thật nghịch lý, lại nằm ở chỗ có vẻ như các ảnh hưởng quá dễ thấy. Ta rất dễ yên tâm quá mức nhanh chóng với các nhận định theo kiểu thơ tượng trưng, siêu thực ảnh hưởng lên Bích Khê hay nhóm Xuân Thu Nhã Tập, Vũ Hoàng Chương chịu ảnh hưởng của Đường thi hay Hoài Thanh mang nhiều dấu vết của Jules Lemaître, vân vân và vân vân. Ta dễ nhận ra rằng, như Harold Bloom đã lập luận (nhưng là đối với các nhà thơ), ở nhà nghiên cứu hay có một “nỗi âu lo” tìm ra các ảnh hưởng mà đối tượng của họ có thể từng nhận lấy; xét cho cùng đây là “nỗi âu lo” hướng lối cho nhu cầu tìm đến một ý hướng ít nhiều nhất quán, một tính chất liên tục, một tính mục đích nào đó ngõ hầu giúp hình dung quá khứ của ta thoát khỏi hư vô và hỗn loạn; tuy nhiên, những chuyện đã xảy ra trong lịch sử hoàn toàn có thể không đơn giản như vậy, hoặc còn tệ hơn, hoàn toàn có thể không phức tạp như vậy. Trong khi đó, một vẻ hao hao về ý tưởng hay tinh thần chung chưa chắc đã thể hiện một sự tiếp nhận có thực (điều kiện căn bản để xảy ra ảnh hưởng đúng nghĩa), thậm chí nhiều khi công việc khảo cứu còn chưa chỉ ra được phía nhận ảnh hưởng trên thực tế có am hiểu và hướng tinh thần của mình theo phía gây ảnh hưởng hay không, và nhiều lúc có ngay sự “quy kết” về ảnh hưởng chỉ vì nhận ra một sự nhắc tên nào đó, trong khi ở các hoạt động trước tác và nghiên cứu, dẫu là văn chương hay chính trị, “name dropping” là một việc thường gặp và rất có thể không mang ý nghĩa gì quan trọng. Khi một nhà văn Việt Nam có đọc một tác giả nước ngoài nào đó thì việc bàn đến ảnh hưởng và mức độ của ảnh hưởng ấy cũng vẫn quá khó; chưa kể nhà văn hoàn toàn có thể “nhào nặn ký ức” để tạo ấn tưởng về những ảnh hưởng tưởng tượng. Kể cả nếu một nhà văn hay bàn về một tác giả nước ngoài, thì vẫn có nhiều khả năng không hề có ảnh hưởng đích thực, mà lắm khi công việc nhất thời có thể buộc nhà văn phải có bài viết về một đề tài nào đó hoặc một tác giả nào đó. Lại có khả năng sự ảnh hưởng chỉ xuất hiện ở một hoặc một vài phương diện nhỏ bé, tùy theo sở đọc và cách tiếp cận của nơi nhận ảnh hưởng. Hoặc nữa: chủ thể chịu ảnh hưởng hiểu nguồn ảnh hưởng đến mức độ nào? Nghiên cứu ảnh hưởng hẳn không phải là bất khả thi, nhưng cần hết sức thận trọng, và ngay cả khi thận trọng vẫn có thể không dẫn đến đâu. Bài viết dưới đây không nhằm chứng minh về một ảnh hưởng từ Charles Maurras lên Phạm Quỳnh, mà cố gắng chỉ ra Phạm Quỳnh từng bàn đến tư tưởng của Charles Maurras, ít nhất là không dừng ở mức chỉ nhắc đến tên theo lối thoáng qua, tức là khác với bình luận của một số nhà nghiên cứu trước đây; như các đoạn sau sẽ chỉ rõ, Phạm Quỳnh đã thực sự nghiên cứu Charles Maurras, và vấn đề này dường như không được quan tâm mấy trong các nghiên cứu về Phạm Quỳnh cho tới nay, mặc dù đây là tác giả quan trọng trong tư duy quốc gia chủ nghĩa và thuyết bảo hoàng, quân chủ hay tôn quân, là những thứ gắn kết với Phạm Quỳnh nhà chính trị.

Oct 1, 2014

Phan Khôi và Đào Trinh Nhất: hai “cách tồn tại” trong báo chí văn chương Việt Nam trước 1945

Báo chí Việt Nam đã lớn mạnh vượt bậc ở giai đoạn sung sức nhất của Phan Khôi và Đào Trinh Nhất (với Phan Khôi có thể coi là đoạn từ 1928 đến 1933 còn với Đào Trinh Nhất là lúc ông từ Pháp trở về rồi bắt đầu ở hẳn Sài Gòn cộng tác với nhiều tờ báo, nghĩa là từ 1929 cho đến mấy năm sau đó - ta có thể thấy họ đạt tới độ chín của năng lực làm báo vào cùng một khoảng thời gian; điều này có ý nghĩa rất lớn vì chính ở giai đoạn này Phan Khôi và Đào Trinh Nhất đã cùng nhau giúp tờ Phụ nữ tân văn khiến cho nó nhanh chóng trở thành tờ báo quan trọng bậc nhất Việt Nam). Nó đóng vai trò rất lớn trong quá trình đào luyện chữ Quốc ngữ, đấu tranh xã hội, xiển dương, đấu tranh và tạo môi trường ấn hành cho tiểu thuyết và Thơ Mới. Báo chí thực sự trở thành một trung tâm thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội, và không đáng ngạc nhiên lắm khi báo chí dần dà trở thành một thế lực đáng kể[1]. Các nhà báo quan trọng của thời ấy (nếu chỉ tính riêng khu vực Nam Kỳ thì nổi bật “tứ đại làng báo”: Phan Khôi, Đào Trinh Nhất, Diệp Văn Kỳ và Bùi Thế Mỹ, những người làm sôi động làng báo Việt Nam với sự điều hành cũng như những bài viết trên các tờ báo như Đông Pháp, Thần chung, Trung lập, Phụ nữ tân văn); họ được quan tâm và chờ đón hết sức, đến mức tờ Trung lập từng phải vội vã công khai thanh minh rằng lời đồn Phan Khôi không còn cộng tác với mình là sai, vì bài viết Phan Khôi rất được độc giả đón đợi, lời đồn đại ông không còn viết cho Trung lập nữa rất có thể làm sụt giảm doanh số bán báo[2].