Jan 29, 2010

Sách (VII): Bad Scott & Napônêông


+ Sau Hội hè miên man, lại có thêm một tác phẩm nói không hay ho gì về Scott Fitzgerald, là cuốn tiểu thuyết Alabama Song của Gilles Leroy. Ở đây tác giả lấy giọng của Zelda Fitzgerald để miêu tả một Scott Fitzgerald bất tài, ăn cắp văn của vợ, đồng tính, xấu xa etc. Chuyện chồng ăn cắp văn của vợ, tức là vợ viết rồi chồng ký tên, đã từng xảy ra chẳng hạn như ở cặp Willy-Colette hồi đầu thế kỷ XX. Alabama Song mới là quyển được giải Goncourt 2007, chứ không phải quyển này. Chuyện tôi đã nói một lần rồi, chẳng muốn nói lại nữa. Gilles Leroy cũng cẩn thận, viết ở trong sách rằng đây là một truyện hư cấu, nhưng ai mà biết.

+ Để tưởng nhớ mùi hương.

+ Còn Napônêông? Chắc các bác cũng đoán ra rồi, đó là một loại đèn nêông hiệu Napô :) Giống như là khi người ta nói Ê-min Dô-na viết quyển Lala ấy. Thật ra thì tôi tìm được từ “Napônêông” này trong quyển sách được nhắc tới ở đây, quyển sách được đặc tuyển, quyển sách của năm tại Việt Nam. Thực sự là phải há mồm không ngậm lại được khi đọc cái tin ấy. HNV đúng là……….(kiểm duyệt đục bỏ)……….. Một quyển sách lèo tèo dăm ba bài, không bài nào dài nổi quá 5 trang sách, tức là tất tật chỉ trên dưới một trang A4 (kiểu như mục “Tiếng nói nhà văn”, ai hay đọc báo Văn Nghệ thì biết), không nói được một cái gì đặc biệt, ý tưởng vô cùng nhạt nhẽo, từ ngữ còn không phải là chuẩn hết, ví dụ như không hiểu đúng nghĩa từ “chính kiến”… thế mà là quyển sách của năm. Một trò hề thật là tợn.

+ Đặc biệt cảm ơn hai bạn đã gửi và mang hai quyển sách ở trong ảnh cho tôi. Quyển bên tay phải là Bao người chờ đợi, Đỗ Tử Trình dịch, NXB Thuận Hóa, 1988. Đây chính là tác phẩm đầu tay của Romain Gary, Éducation européenne (Giáo dục châu Âu), in năm 1945 ở bên Anh, khi chiến tranh còn chưa kết thúc. Bản dịch có lời giới thiệu cẩn thận. Quyển bên trái là Chó trắng, Nguyên Ngọc dịch, NXB Hội Nhà văn, 1996, xuất bản trong khuôn khổ quỹ tài trợ của Đại sứ quán Pháp. Nguyên gốc quyển này là Chien blanc (1970), đã có phim.

Tra trên trang web Thư viện Quốc gia Việt Nam theo tên Gary không ra kết quả nào, theo tên sách thì ra được Chó trắng nhưng không thấy ra Bao người chờ đợi. Kỳ quặc thật.

Cảm ơn hai bạn vì đã cho tôi sách, và nhất là vì đã giữ sách rất cẩn thận.

Jan 28, 2010

Còn Simone de Beauvoir?


Một hôm ở một hội thảo (tôi ít đi hội thảo hội nghị nhưng không phải là tuyệt đối không :) có người hỏi Simone de Beauvoir ở Việt Nam thì thế nào.

Không chắc lắm về khoản này nhưng tôi cũng có thể kể ra một số cái chính yếu đã có ở Việt Nam:

Le Deuxième Sexe đã dịch, thành Giới nữ. In cách đây khoảng 10 năm. Dịch "giới thứ hai" thành "giới nữ" dĩ nhiên là đã làm khác biệt đi rất nhiều ý tưởng của Beauvoir.

Một quyển non-fiction nữa đã dịch là Tuổi già. Khá kỳ quặc, nhưng đúng là quyển đó. Chắc chắn là Nguyễn Trọng Định có tham gia dịch, chắc cùng vài người nữa.

Tiểu thuyết của Beauvoir cũng có vài quyển (cần nhớ Beauvoir tuy được coi là triết gia nhưng lại từng đoạt giải Goncourt), Nỗi niềm kẻ bất tửNgười đàn bà bị hủy diệt.

Ngoài đó ra, còn cái này :)

Tức là cái ở trong ảnh, số 157, 1/7/1970, có các bài của Huỳnh Phan Anh, Đặng Phùng Quân và mấy bài dịch.

Jan 27, 2010

Émile Zola ở Việt Nam

Để cái title như thế cho nó giống tên luận án tiến sĩ :)

Nhân hôm trước nói chuyện với một bác về Émile Zola, tôi chợt nảy ra ý định xem xem chính xác thì ở Việt Nam đã có những gì của Zola rồi.

Trước tiên, để định vị Zola: Trong đây có tổng danh mục bộ tiểu thuyết lớn của Zola, bộ Les Rougon-Macquart (Gia đình Rougon-Macquart); trong đó cũng có luôn bảng phả hệ, cái hết sức quan trọng trong các saga. Sở dĩ có cái họ kép như vậy là vì bà tổ nhà này lấy hai chồng, ông Rougon thì căn cơ, chăm chỉ làm lụng, con cháu sau này có người làm tới chức bộ trưởng, khôn ngoan ranh ma, đầu cơ chính trị nhìn chung là đủ cả. Ông chồng thứ hai, Macquart thì du thủ du thực, con cháu sau này nhìn chung là tệ hại. Riêng bà tổ thì có chứng điên, sau này hậu duệ cũng có nhiều người điên. Đại khái ý tưởng chung của Zola là xây dựng một bộ tiểu thuyết nhằm chứng minh di truyền có vai trò lớn thế nào trong đời người (nhưng kết thúc khá tươi sáng, với nhân vật nhà khoa học Pascal bỏ thành thị về nông thôn sống với cây cỏ - tập 20 tức tập cuối). Giai đoạn của Zola cũng chính là giai đoạn “khoa học” đang thắng thế, ước vọng về tính chất khoa học đi cả vào trong sáng tác và phê bình văn học, thể hiện rõ nhất ở hai nhân vật rất được Việt Nam ưa chuộng: Taine và Brunetière.

Bộ sách này gồm 20 tập, viết trong vòng khoảng 20 năm, nghĩa là cứ khoảng một năm thì có một tập. Đề cương chi tiết được Zola lên ngay từ đầu, sau đó cứ thế mà thực hiện. Bối cảnh truyện trải rộng, nhưng tập trung ở Plassans, một biến thể của Aix-en-Provence, giống như Balzac luôn đưa thành phố quê hương Tours vào tác phẩm của mình.

Tất nhiên khi đi tìm danh mục sách của một tác giả nào đó thì, một cách tự nhiên, ta sẽ tra trong thư viện quốc gia. Sau đây là tất cả những gì tôi tìm thấy (đã sắp xếp lại theo trình tự xuất hiện trong bộ Les Rougon-Macquart).

+ Mồi ngon cho bầy sói : Tiểu thuyết / Emile Zola; Đinh Mạnh Thoại dịch theo bản tiếng Pháp. - Hải Phòng : Nxb. Hải Phòng, 1989. - 215tr ; 19cm
[La Curée]

+ Chinh phục Platxăng : Tiểu thuyết / Emile Zola; Nguyễn Thái Đông dịch từ nguyên bản tiếng Pháp. - Lâm Đồng : Sở Văn hoá thông tin Lâm Đồng, 1988. - 462tr ; 19cm
[La Conquête de Plassans]

+ Lỗi lầm của vị tu sĩ / Emile, Zola; Người dịch: Anh Trần. - Đồng Nai : Nxb. Đồng Nai, 1988. - 323 ; 19cm
[La Faute de l’abbé Mouret]

+ Quán rượu : Tiểu thuyết / Êmin Zôla; Hoàng Lâm dịch. - H. : Văn học, 1987. - 572tr. ; 19cm. - (Văn học hiện đại nước ngoài. Văn học Pháp)
[L’Assommoir]

+ Một trang tình sử : Tiểu thuyết / Emile Zola; Người dịch: Nguyễn Minh Nghiệm, Nguyễn Văn Sách. - Tp. Hồ Chí Minh : Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh, 1989. - 375tr ; 19cm
[Une page d’amour]

+ Hiệu hạnh phúc các bà : Tiểu thuyết / Emile Zola ; Người dịch: Đỗ Đức Dục. - Tp. Hồ Chí Minh : Nxb. Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh, 2001. - 618tr ; 19cm
[Au Bonheur des dames]

+ Nẩy mầm : Tiểu thuyết: hai tập / Êmilơ Zôla ; Huy Phương, Phạm Thuỷ Ba dịch. - H. : Văn học. - 19cm. - (Văn học cổ điển nước ngoài. Văn học Pháp). - 15000d. - 3000b, T.1. - 1995. - 495tr , T.2. - 1995. - 371tr
[Germinal]

+ Giấc mộng vàng : Tiểu thuyết / Emile Zola; Người dịch: Kim Thoa. - H : Pháp lý, 1989. - 187tr ; 19cm
Giấc mộng : Tiểu thuyết / Emile Zola; Mai Hương dịch từ nguyên bản tiếng Pháp; Huỳnh Lý hiệu đính. - Tp. Hồ Chí Minh : Nxb. Trẻ, 1989. - 205tr ; 19cm
[Le Rêve]

Nhận xét thứ nhất: Chưa bao giờ vấn đề dịch nguyên vẹn bộ sách Zola được đặt ra. Tập đầu, tập giải thích nguồn gốc gia đình Rougon-Macquart, chưa được dịch. Toàn bộ những gì đã dịch nằm lẻ tẻ trong bộ Les Rougon-Macquart, tất cả đều thuộc giai đoạn sau 1986. Có vẻ như Sài Gòn trước 1975 không hề dịch Zola, cũng như không dịch Flaubert. Điều này không tự nhiên lắm, vì trước 1945 nhiều người đã nhắc tới Zola (nhưng hình như cũng chưa có nguyên vẹn cuốn tiểu thuyết nào được dịch) và ngay đầu những năm 1940 Kiều Thanh Quế đã phân tích tính chất “tả thiệt xã hội” của Zola và xếp Vũ Trọng Phụng vào cùng dòng này.

Nhận xét thứ hai (và rất gay cấn :): Thư viện Quốc gia Việt Nam không đáng tin cậy. Danh mục sách của thư viện so với đống sách tôi thu thập được đã thiếu mất một quyển, là Nana, Hoàng Hữu Đản dịch, NXB Văn học, 1995. Nếu tôi nhớ không nhầm thì cả Tiền (L’Argent) lẫn Đất (La Terre) cũng đều đã được dịch, nhưng thông tin này chưa được kiểm chứng. Điều này (thư viện quốc gia thiếu tài liệu) thật ra ai làm nghiên cứu cũng đã biết từ lâu; tình trạng trầm trọng nhất có lẽ nằm ở lĩnh vực văn học, vì đây là lĩnh vực phức tạp hơn cả, nhiều sách vở hơn cả, và cũng gắn chặt với chính trị hơn cả.

Hệ quả của điều này là các nhà nghiên cứu Việt Nam phần lớn bị buộc phải trở thành nhà sưu tầm bất đắc dĩ. Nếu không thì coi như là không nghiên cứu. Công việc sưu tầm sách tuy có nhiều hứng thú nhưng cũng là một công việc mệt mỏi và tốn thời gian.

Nhận xét thứ ba (liên quan tới vấn đề phiên âm :): Vì có chút kinh nghiệm nên khi tra sách của Zola, tôi đã không chỉ tìm kiếm theo từ “Zola” (từ đây mà biết chắc Gianfranco Zola không viết quyển sách nào hehe) mà còn tra theo “Zôla” và “Dôla”; có tra như vậy thì mới ra được toàn bộ danh sách ở trên.

Như vậy, nếu thống nhất ngay từ đầu là chỉ viết tên Zola thành “Zola” thì tôi đã không phải mất công search đến ba lần. Đây chính là một trong các lý do khiến tôi luôn nghiêng về ủng hộ viết đúng tên gốc (hoặc ít ra là theo một cách thống nhất). Michel Houellebecq, chuyên gia đưa ra những chân lý kỳ quặc, từng viết đại ý sự cao quý thì nằm trong cái tivi, còn ở đây ta nên nói tính hợp lý nằm trong các search engin :)

Nhận xét thứ tư (đi liền với câu châm ngôn “có tìm có hơn”): Nhờ đi tìm nên tôi mới biết thêm hai điều: thứ nhất, quả thực Hiệu hạnh phúc các bà có hai tập, và tôi chỉ có tập một huhu. Quyển này tôi có và đọc từ hồi còn bé, đọc xong quyển mình có thì cứ tưởng là đã hết truyện rồi :) thứ hai, ở Việt Nam còn có dịch bài báo nổi tiếng “Tôi tố cáo” (J’accuse) in trên tờ L’Aurore mở màn cho một cuộc tranh đấu xung quanh vụ Dreyfus, khiến Zola phải đi đày (đúng hơn là đi trốn) sang Anh một thời gian và cũng là khởi sự tồn tại của từ “trí thức” (intellectuel) trong đời sống tinh thần của Pháp (từ này, cũng như những từ “dada”, “chủ nghĩa ấn tượng - impressionnisme” thoạt tiên được dùng với hàm nghĩa khá là miệt thị). Về lịch sử trí thức Pháp thế kỷ XX, ref. Michel Winock.

Nguyên văn phiếu tra của Thư viện Quốc gia:

“Tôi tố cáo / Êmin Dôla ; Lời bạt: Misenpolắc ; Người dịch: Lê Thu Thuỷ. - H. : Giáo dục, 1999. - 71tr : tranh vẽ ; 21cm”

Chỗ này thì phiên âm quá đáng, Misenpôlắc hẳn là Michel Polac.

Nhận xét cuối cùng: So sánh Émile Zola với Balzac chẳng hạn, có thể thấy rõ rằng xét về mặt tiếp nhận, ở Việt Nam Zola không có được vị thế lớn như Balzac, thậm chí có thể nói rằng công việc dịch Zola không được nghiêm túc cho lắm. Nhìn bìa những quyển sách đã in ở Việt Nam thì có cảm giác người ta coi Zola là một nhà văn tầm tầm, chuyên câu khách rẻ tiền.

Điều này thật là bất công, vì Zola chính là một trong vài nhà văn thành công nhất trong lịch sử văn học Pháp. Xếp ngang hàng với Zola về mặt danh tiếng và cả độc giả có lẽ chỉ có Guy de Maupassant. Cả hai ban đầu đều được xếp vào danh mục “tự nhiên chủ nghĩa”, nhưng nói vậy không đồng nghĩa với nhà văn tự nhiên chủ nghĩa nào cũng thành công dữ dội như Zola và Maupassant: chẳng hạn Henry Céard, và ngay cả Gustave Flaubert (yes, hồi đầu tiên cũng được xếp là nhà văn tự nhiên chủ nghĩa) cũng còn rất xa mới được vậy. Những quyển thành công nhất của bộ Les Rougon-Macquart (nhất là Nảy mầmQuán rượu, rồi Nana) in được tới quãng 200.000-300.000 bản, ước lượng ra bây giờ có lẽ phải tương đương với ngót hai triệu bản. Zola cực kỳ giàu có, còn Flaubert cả đời nghèo, làm “con gấu vùng Croisset”.

Zola chính là một trong những hiện tượng đầu tiên trong lịch sử về “nhà văn thành công”, khi khái niệm “nhà văn chuyên nghiệp” mới bắt đầu hình thành (ref.: Alain Viala).

Nếu biết sâu hơn một chút, thì Zola cũng có một nghiên cứu bằng tiếng Việt. Thư viện Quốc gia cũng ghi lại rõ ràng, gồm hai phiếu (tất nhiên là tôi biết trước rồi nên mới tra một choách là ra ngay):

Những sáng tạo và nghệ thuật tiểu thuyết của Emile zola : Luận án PTS KH ngữ văn: 5.04.03 / Lê Ngọc Tân. - H., 1996. - 196tr ; 32cm

Chủ nghĩa tự nhiên Zola và tiểu thuyết : Chuyên luận / Lê Ngọc Tân. - H. : Nxb. Hội Nhà văn, 2002. - 321tr ; 21cm
Đây là một luận án phó tiến sĩ (tức tiến sĩ) sau in thành sách, hình như do Phùng Văn Tửu hướng dẫn.

Jan 25, 2010

Mất bóng

Đánh mất đi cái bóng của mình là một việc rất nghiêm trọng. Lịch sử văn chương đã chứng kiến rất nhiều bận các nhà văn nhà thơ miêu tả cái bóng, thậm chí còn đi đến mức bàn luận, chơi đùa, uống rượu với bóng (Lý Bạch); Nhất Linh trong bài thơ mà ông gọi là đầu tay đã viết: “Con thuyền đè sóng tênh tênh vượt/Chiếc bóng sau người lướt thướt theo”. Cũng thỉnh thoảng có người chột dạ: nhỡ ra cái bóng bị mất đi thì sao? Haruki Murakami trong “Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới” (Lê Quang dịch, Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn) là một trong số ấy.

Còn trước Murakami, nếu muốn kể tên tác phẩm kinh điển về chủ đề này thì nhất thiết không thể bỏ qua cái tên Peter Schlemihl. Nhan đề đầy đủ của cuốn sách là “Câu chuyện huyền hoặc của Peter Schlemihl hay Người đã bán đi cái bóng của mình” của nhà văn người Đức gốc Pháp Adelbert von Chamisso. Viết năm 1814, cuốn truyện mỏng manh được coi như là một trong những thành tựu đặc sắc nhất của sơ kỳ chủ nghĩa lãng mạn châu Âu. Ở Việt Nam, tác phẩm này tồn tại dưới dạng một bản dịch ngày nay ít người biết đến, “Người mất bóng” (Cô Lữ dịch, Nguyệt Quế xuất bản, 1973).

Jan 22, 2010

Cuộc tiến hóa của dịch sách tại Việt Nam


Việt Nam là đất nước của dịch sách, từ khi bắt đầu Quốc Ngữ đã như vậy. Tại sao và như thế nào thì chưa bàn đến, tôi chỉ thấy là những người gần đây cứ kêu ca về việc sách dịch lấn át sách trong nước trên thị trường xuất bản ắt hẳn đã quá coi thường việc xem xét lịch sử.

Cái ảnh trên (mượn từ trên Internet) chụp lại bìa một cuốn sách dịch, lần đầu tiên do Đời Nay in tại Hà Nội năm 1944, bản này là Đời Nay tái bản tại Sài Gòn năm 1970.

Trong sách là tác phẩm của các nhà văn như Alphonse Daudet, Eugène Dabit, Luigi Pirandello, Stefan Zweig, Somerset Maugham..., người dịch là Thạch Lam, Khái Hưng, Thế Lữ, Huyền Hà, Vũ Minh Thiều.

Từ những tờ như Nam Phong dấu ấn dịch thuật đã rõ ràng lắm rồi, rất nhiều tờ báo và tạp chí khác trước 1945 cũng liên tục đăng tải các bản dịch, phần lớn là đăng nhiều kỳ, từ tiểu thuyết Tàu tới tiểu thuyết Pháp.

Nhà văn Việt Nam suốt một thời gian dài trước đây ngoài kích thước nhà văn còn có kích thước của nhà dịch thuật. Đến giờ thì tình hình đã đổi khác rất nhiều. Người lạc quan sẽ nói việc dịch thuật được chuyên nghiệp hóa, người bi quan sẽ nói nhà văn bây giờ dốt, người trung dung sẽ nói nhà văn Việt Nam tự loại trừ kích thước dịch thuật đi để được tự là mình :))

Jan 20, 2010

Sách (VI): Dại

Đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma, à nhầm, mài sắt nên kim, à vẫn nhầm, cứ tìm sẽ thấy cứ xin sẽ được :) Nói dài dòng một chút, chứ chuyện thật ra chỉ là hôm trước nói về quyển Giết chết một con chim mốc-kinh, nhân đọc trong lời giới thiệu có nói tới mấy quyển có liên quan đâm ra muốn được nhìn thấy, thì nay đã được cầm một trong số đó: Hoa dại - tập truyện ngắn Mỹ, Đắc Lê dịch, NXB Lao động, 1972 (in 20.130 cuốn).

Theo lời chú thì các truyện trong tập dịch từ nguyên bản tiếng Anh rút từ một số tập truyện của các nhà xuất bản Ngoại văn Mát-xcơ-va, Đại học Mát-xcơ-va, Bảy biển Béc-lin (CHDC Đức). Tên các tác giả đều phiên âm nhưng sách được làm rất cẩn thận, cuối sách có "Sơ lược tiểu sử các tác giả" và có ghi tên theo đúng tiếng Anh. Các nhà văn là Giéc Lăn-đơn (Jack London), Ô. Hen-ri (O. Henry), Ơ-xkin Con-đoen (Erskine Caldwell), Giéc Con-roi (Jack Conroy), Uy-li-ơm Xe-roi-ơn (William Saroyan), Rút Xtên-bớc (Ruth Steinberg), Phi-líp Bo-nô-xki (Phillip Bonosky), Rinh Lát-nơ (Ring Lardner), Đo-rơ-thi Pa-cơ (Dorothy Parker), Mi-len Bren (Millen Brand) và Leng-xtơn Hiu-dơ (Langston Hughes). 12 nhà văn, tổng cộng 20 truyện.

Ngoài Jack London, O. Henry và Langston Hughes quá nổi tiếng, các bác đặc biệt chú ý nhé: có hai nhà văn cùng quãng thời gian đó cũng được giới dịch thuật Sài Gòn khai thác không ít là William Saroyan và Erskine Caldwell. Người thứ hai thì mới gần đây NXB Văn hóa Sài Gòn đã cho in lại quyển Kinh nghiệm đời văn, Trần Phong Giao và Nhã Điển dịch.

Đặc biệt, chắc vì Hoa dại là một tập sách "trọng điểm" thành thử ra nó có cả một "Lời giới thiệu" rất oách của Nguyễn Đức Nam, một chuyên gia văn học phương Tây rất nổi tiếng thời ấy, của ĐH Tổng hợp (rất tiếc là Nguyễn Đức Nam không viết quyển sách nào cả). Lại một số đoạn hay:

"Trong các nhà văn này có người đã đi đến với chủ nghĩa cộng sản, như Phi-líp Bô-nô-xky. Ông đã từng sang thăm Việt-nam, được Hồ Chủ tịch tiếp chuyện và từng viết sách về Việt-nam."

"Nhìn chung, trong sáng tác, Ô. Hen-ri không có sức mạnh và chiều sâu của những nhà văn hiện thực Mỹ đầu thế kỷ như Giéc Lăn-đơn hay Thi-ơ-đo Đrai-dơ. Mặc dầu đã trải qua một con đường đời khá gian truân vất vả, Ô. Hen-ri vẫn không hết ảo tưởng về xã hội Mỹ, cho nên trong khá nhiều trường hợp, ông không tránh được bệnh tô hồng hiện thực, làm dịu nhẹ những mâu thuẫn có thật trong xã hội Mỹ, bằng cách tìm một lối kết thúc bất ngờ có hậu cho những câu chuyện của mình hoặc tô đậm màu sắc trữ tình, hài hước trong những tình huống mà ông miêu tả."

Jan 18, 2010

Thơ đến từ đâu trong một vài so sánh

Thơ đến từ đâu, tập sách phỏng vấn/đối thoại của Nguyễn Đức Tùng cùng hơn hai mươi nhà thơ trong nước và hải ngoại, ngay từ khi ra đời dưới dạng sách (NXB Lao động, 2009) đã làm dấy lên một cuộc tranh luận lớn xung quanh vấn đề kiểm duyệt và biên tập. Thử bỏ ra một bên những vấn đề chắc chắn là quan yếu ấy mà xét cuốn sách ở phương diện thể loại của nó và nhìn nhận vị trí tập sách ở phương diện lịch sử, có thể rút ra một số nhận xét hữu ích.

Gọi tên thể loại mà cuốn sách thuộc về là “phỏng vấn” (mặc dù có thể thấy các bộ phận của cuốn sách gần với dạng “entretien” hơn là “interview”; về hình thức, điều này dễ nhận ra ở một số điểm: dung lượng bài lớn, có sự trao đổi qua lại giữa hai bên tham gia chứ không chỉ một bên hỏi để có được câu trả lời của bên còn lại), có thể dễ dàng nhận ra rằng trong thời gian mấy năm trở lại đây, đã có một số ý tưởng khá tương đồng với Thơ đến từ đâu được thực hiện. Vào năm 2008, trang web Hội luận Văn học (http://hoiluan.vanhocvietnam.org) đã gửi một bảng câu hỏi chung tới nhiều người hoạt động ở lĩnh vực văn học trong nước và hải ngoại nhằm giải đáp một số vấn đề. Nhiều người đã tham gia trả lời, các bài được tập hợp trong chủ đề mang tên Hội Nhập giữa những người viết trong nước và hải ngoại.

Jan 13, 2010

Sách (V): Huế

Đọc bài "Bức ảnh quý về khí phách sinh viên Huế 1975" thấy ngay là đặt tên bài báo thế là không ổn. Bức ảnh chụp Hoàng Phủ Ngọc Tường không phải có niên đại 1975. Tất nhiên cũng có thể hiểu được rằng ý bài báo nói về sinh viên Huế trước 1975. Nhưng điều này thì còn dở hơn: xem tên bài và đọc bài, rồi xem bức ảnh, rất dễ tưởng bức ảnh này mới được tìm thấy lại từ thư khố gia đình Hoàng Phủ Ngọc Tường, chưa bao giờ được công bố.

Trong sách vở thời gian gần đây, bức ảnh trên đã xuất hiện ít nhất trong một quyển sách mang tên Viết trên đường tranh đấu, tập hợp văn thơ của nhóm sinh viên Huế hồi đó, theo Trần Hữu Lục ở bài viết vừa dẫn link thì bản thảo đã được chuẩn bị ngót nghét 20 năm trước năm xuất bản (cuốn sách in năm 2005). Bìa sách là tranh của Bửu Chỉ, còn bức ảnh Hoàng Phủ Ngọc Tường là bức thứ nhất trong 50 bức in vào cuối sách, và được chú thích như sau: "Chúng tôi thách đố mọi sự đàn áp (Tổng thư ký Tổng hội SV Huế Hoàng Phủ Ngọc Tường tuyên bố trước cổng trường Quốc học Huế, 1966)".

Jan 11, 2010

Đi từ đâu đến đâu?

Những con số đôi khi không phản ánh được đầy đủ một tình trạng. Người ta có thể nghĩ gì khi biết rằng ở Việt Nam hiện nay văn học dịch áp đảo văn học trong nước về số lượng (và cả chất lượng), và ở Mỹ tổng lượng sách dịch chỉ ở mức vài phần trăm rất nhỏ, thậm chí có nguồn còn nói chưa tới 1% thị trường sách? Rằng Việt Nam không có nền văn học nội địa, và nước Mỹ cố thủ boong-ke không buồn nhìn ra bên ngoài?

Tất nhiên là điều đó không đúng. Văn học Việt Nam có biết bao nhiêu tác phẩm làm say đắm người Việt Nam. Chưa nói gì đến tác phẩm “cao cấp”, thị trường văn học nội địa bình dân lúc nào cũng sôi nổi, các kỷ lục về phát hành trong văn học luôn thuộc về tác phẩm nội chứ không phải tác phẩm dịch. Còn nước Mỹ vẫn có ngành nghiên cứu văn học thế giới, văn học so sánh cực kỳ phát triển.

Jan 7, 2010

Sách (IV) Nếu lỗi không là tại sách? Thì lỗi tại đâu?

Đợt hiu hiu lạnh này ối người ở cái đất Hà Nội máu lửa đổ đi tìm mua bộ sách Tam Quốc diễn nghĩa 13 tập, một bộ sách đặc biệt tái bản nhân dịp kỷ niệm 50 năm NXB Phổ Thông ở Hà Nội cho in, tức là dịp Bùi Kỷ đã hiệu đính bản dịch của Phan Kế Bính có từ trước đó. Theo Kiều Thanh Quế khi tổng kết về tình hình dịch thuật Việt Nam vào khoảng đầu những năm 1940, Phan Kế Bính trong văn tiểu thuyết Tàu có cỡ như là Trần Trọng Kim trong thơ Tàu (tập Đường thi của Trần Trọng Kim đã ra đời hồi đó, NXB Tân Việt, đẹp lung linh, bìa trông không khác gì tủ sách NRF của Gallimard, chắc cũng có chút ăn cắp ý tưởng).

Hồi này tình thân Việt Nam-Trung Quốc rất đậm đà, thành thử bộ sách ghi rõ đã hiệu đính theo bản tiếng Trung mới nhất tính tới thời điểm ấy, thậm chí còn thân tình hơn, các bạn Trung Hoa đã gửi trước cho Phổ Thông lời giới thiệu rất tỉ mỉ còn đang lên khuôn chưa kịp in vào sách Tàu.

Jan 5, 2010

Sách (III) phụ đề: Giết :)

Nghe cũng kinh các bác nhẩy. Toàn văn còn kinh hơn: Giết chết một con chim mốc-kinh. Dĩ nhiên đây chính là bản dịch quyển To Kill a Mockingbird mà nhiều người miền Bắc giờ đã giề từng đọc.

Nhân trên báo đang có tranh luận về phiên âm hay không phiên âm, vì vẫn chưa cho ra đời được cái Phiên âm (II) nên tranh thủ tiện tay có quyển sách mới bới được tôi bèn xuống tay liền hehe. Bìa sách vẽ một cái hình hơi giống bao cao su nhưng thật ra là một người bị trùm đầu kín mít chỉ hở đôi mắt, vẽ cách điệu, phía trên đằng sau là mấy cái chấn song đại diện cho nhà tù. Hình người màu trắng toát, hẳn là có ý tạo tương phản với người da đen là nhân vật được "Lời giới thiệu" cho là trung tâm của cuốn tiểu thuyết.