Apr 30, 2012

Giá kể là Tây


Càng ngày tôi càng nhìn thấy nhiều hơn trên đường phố Hà Nội cảnh tượng này: những nam thanh nữ tú tóc vàng mắt xanh, rồi cả những người nước ngoài đã đứng tuổi, đi xe máy dạo mát ngoài đường, miệng cười hớn hở vui tươi phơi phới ngắm nghía phố xá và con người, trông thật vui mắt, nhưng họ lại không đội mũ bảo hiểm. Giờ đây nhiều người nước ngoài ở Hà Nội đã bớt phần rón rén khi đi bộ trên phố, qua đường cũng băng rất nhanh ở bất kỳ chỗ nào chứ không đợi đến được đoạn có dải đường dành riêng, cũng không bị các tay lái ô tô, xe máy của Hà Nội “uy hiếp” để mãi mà không dám bước chân từ vỉa hè xuống lòng đường nữa.

Và hơn thế nữa, về mặt tâm lý, người nước ngoài ở Hà Nội hiện nay đã rất tự tin, họ biết rằng Hà Nội về bản chất là một thành phố an toàn về nhiều mặt, mức sống cũng không quá cao nếu biết cách luồn lách, uống bia vỉa hè ở đoạn phố Tạ Hiện giao với Hàng Giày cũng mát mẻ và thú vị, người dân về cơ bản lại rất niềm nở, thân thiện. Họ cũng biết rằng khi họ cầm lái xe máy trên đường phố, rất ít khi có chuyện cảnh sát giao thông “động” đến họ.

Thế là, một mặt thì ngày càng có nhiều hơn những lời chỉ trích của người nước ngoài hướng vào chất lượng ngành du lịch Việt Nam, đăng tải thôi thì đủ mọi chỗ, từ báo chí cho đến facebook, blog cá nhân (những chỉ trích cũng rất hữu lý), một mặt khác, không ít người nước ngoài đi xe vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm hoặc chở nhiều người trên xe. Cảnh sát giao thông Hà Nội, vốn rất tích cực chặn phạt người vi phạm luật, nhất là trong quãng thời gian mấy tháng gần đây (có những hôm một trạm giao thông đông đến hàng chục nhân viên nhằm xử lý triệt để tình hình rối loạn giao thông), lại chẳng mấy khi chạm đến những người nước ngoài phạm luật. Thậm chí tôi còn từng chứng kiến không ít lần cảnh sát giao thông cười rất tươi với các anh Tây chị Tây không đội mũ bảo hiểm, cứ như thể đó là một việc gì thú vị lắm.

Đây cũng chỉ là một biểu hiện của hiện tượng người nước ngoài ở Việt Nam, biểu hiện bề mặt, dễ nhìn thấy hơn cả.

Dường như trong xã hội chúng ta hiện nay, có một sự phân biệt ngầm nào đó, không cần tinh ý lắm cũng có thể thấy. Vào quán ăn hay quán cà phê, nếu là người nước ngoài bạn sẽ được phục vụ tốt hơn, được ân cần niềm nở nhiều hơn. Đến nơi nào mà “xịn xịn”, nếu muốn kiểm chứng điều này, bạn hãy làm một bài test nho nhỏ: hãy thử nói bằng một thứ tiếng nào khác tiếng Việt, sao cho nhân viên nghĩ rằng bạn là một người nước ngoài, rồi xem thái độ phục vụ và thời gian giải quyết công chuyện có nhanh hơn so với nếu bạn nói bằng tiếng Việt hay không.

Điều này là đáng vui hay đáng buồn, tôi không biết, chỉ biết rằng ngay cả những người có học vấn cao cũng mang trong đầu một sự phân biệt nhất định nào đó, một điều gì đó rất có thể chỉ là vô thức nhưng gặp dịp là thể hiện ra bên ngoài. Một người nổi tiếng như nhà văn, ca sĩ, người mẫu có thể rất khó tính, kiêu kỳ với phóng viên người Việt Nam, nhưng lại hết sức vồn vã không chỉ với phóng viên nước ngoài mà cả với bất kỳ người nước ngoài nào mà họ gặp.

Và những lúc đang mải mê vừa đi trên phố vừa suy nghĩ cho bài sắp tới cho mục “Nhìn ngược, Nhìn xuôi” này, lỡ tay vượt đèn vàng, bị cảnh sát tuýt còi, tôi lại thầm nghĩ giá kể mình là “Tây” thì khỏe biết bao nhiêu.

Đương đầu với đơn giản

Nhà văn người Pháp Frédéric Beigbeder, một “tay chơi” có danh tiếng lẫy lừng trong nhiều ngón nghề, từng khẳng định: “Sau ba năm, một cặp đôi phải bỏ nhau, tự sát, hoặc sinh con, đó là ba cách xác nhận kết cục của họ”. Một mối tình kết thúc bằng việc hai con người hoặc lủi thủi hoặc hằm hè chia tay nhau, điều này rất không đáng bị coi là lạ. Mối tình có đoạn kết là một cú nhảy từ trên cầu xuống sông, lao vào đầu máy xe lửa, hoặc tanh bành hơn nữa là có mùi vị của thuốc ngủ quá liều hay thuốc súng đủ liều, phim ảnh văn chương cũng chẳng hiếm khi cung cấp ví dụ. Điều lạ ở đây là Beigbeder xếp ngang hàng việc có con với bỏ nhau và tự sát.

Trong mọi trường hợp xuất hiện “người thứ ba” xen vào giữa một cặp yêu nhau, chắc chắn một đứa trẻ con ít gây nghi kỵ nhất. Chẳng ai nghĩ đến chuyện so sánh đứa bé với nỗi nguy hiểm từ một gã đàn ông sát gái mặt đầy sẹo nhưng tâm hồn bay bổng, một cô gái xinh đẹp mềm mại buồn nhưng lại rất cứng rắn trong công cuộc gây thương nhớ, hoặc thậm chí một bà mẹ chồng tai quái quyết chí chiếm trọn chỗ trong trái tim đứa con trai. Thế nhưng câu chuyện tình yêu vẫn cứ rẽ ngoặt vào lúc khả năng hoặc thực tế về một đứa trẻ xuất hiện.


Apr 27, 2012

10 sách tháng Năm 2012

Một tờ tạp chí nhờ tôi đưa ra danh sách 10 cuốn sách mà tôi thấy là đáng đọc, hai tháng một lần. Danh sách này thuần túy có tính chất cá nhân và nằm trong phạm vi hiểu biết của tôi. Đây là danh sách 10 cuốn in thời gian gần đây.


1. Chết ở Venice, tiểu thuyết, Thomas Mann, Nguyễn Hồng Vân dịch, NXB Trẻ, “Tủ sách Cánh cửa mở rộng”, 149 tr., 56.000 đ.

2. Tôi, Charley và hành trình nước Mỹ, tiểu thuyết, John Steinbeck, Tuấn Việt dịch, NXB Trẻ, “Tủ sách Cánh cửa mở rộng”, 423 tr., 125.000 đ.

3. Trốn chạy, tập truyện ngắn, Alice Munro, Trần Thị Hương Lan dịch, Nhã Nam & NXB Văn học, 450 tr., 90.000 đ.

4. Gối đầu lên cỏ, tiểu thuyết, Natsume Soseki, Lam Anh dịch, Phương Nam & NXB Hội Nhà văn, “Tủ sách Tinh hoa văn học”, 226 tr., 56.000 đ.

5. Độc chiếm hoa khôi (Tam ngôn Nhị phách), tiểu thuyết cổ Trung Hoa, Phạm Thị Hảo dịch, Phương Nam & NXB Hội Nhà văn, “Tủ sách Tinh hoa văn học”, 320 tr., 78.000 đ.

6. Ôn nhu nhất đao, tiểu thuyết kiếm hiệp, Ôn Thụy An, tập đầu của “Thuyết anh hùng thùy thị anh hùng hệ liệt”, Hồ Tiến Huân dịch, Nhã Nam & NXB Văn học, 622 tr., 130.000 đ.

7. Ăn cơm mới, nói chuyện cũ: Hậu Giang-Ba Thắc (chứng tích, nhân vật, đất đai thủy thổ của Miền Nam cũ), tức hồi ký tiếp theo Hơn nửa đời hư, Vương Hồng Sển (di cảo), NXB Trẻ, 315 tr., 110.000 đ.

8. Mưa thu, Ngọc Giao (in lại), Phương Nam & NXB Văn học, 175 tr., 45.000 đ. [đây là một trong những cuốn khó tìm nhất của Ngọc Giao; ngoài đó ra, Ngọc Giao còn có một bản thảo tự đốt không lâu sau 1954]

9. Các quy tắc của phương pháp xã hội học, Émile Durkheim, Đinh Hồng Phúc dịch, Trần Hữu Quang giới thiệu, NXB Tri thức, “Tủ sách Tinh hoa”, 314 tr., 65.000 đ.

10. Theo đuổi tri thức (Học giả, Địa vị & Văn hóa Học thuật), Deborah Rhode, Bùi Thanh Châu dịch, Mai Sơn hiệu đính, Phạm Quốc Lộc giới thiệu, ĐH Hoa Sen & NXB Thời đại, 394 tr., 95.000 đ.

Apr 26, 2012

Ra quân


Chúng ta không “làm xong một công việc”, mà chúng ta nói mình “hoàn thành một nhiệm vụ”.

Ở đây, tôi rất hiểu, rằng để trỏ cùng một sự việc người ta có rất nhiều cách nói. Cũng chính điều này làm nên sự phong phú của ngôn từ, và qua đó là sự phong phú của cuộc sống. Cũng ở đây, ta có thể thấy ngôn từ có tác động đến đời sống như thế nào. Cuộc gặp gỡ và sự tác động ngôn từ-cuộc sống không chỉ đi theo một hướng, không chỉ là cuộc sống tác động vào ngôn từ để phát sinh các hiện tượng ngôn ngữ từ thú vị đến khó hiểu, từ nhẹ nhàng vui vẻ đến khó chịu nặng nề. Ngôn từ cũng tác động ngược lại một cách mạnh mẽ, tuy rằng khó nhìn hơn. “Hãy nói cho tôi biết ở tình huống như vậy bạn sử dụng thành ngữ gì, tôi sẽ nói bạn là ai…”


Apr 23, 2012

Những gì không chết

Thomas Mann, đó là “Buddenbrook” đồ sộ về một gia đình, là “Núi thần” (Der Zauberberg), câu chuyện kỳ lạ lừng danh về Hans Castorp, đó còn là một người chống chủ nghĩa phát xít (ở lĩnh vực này thì ông không nổi tiếng bằng người anh trai Heinrich), nhưng Thomas Mann cũng là tác giả của một tiểu thuyết ngắn cho đến giờ vẫn được đọc rất nhiều, còn được dựng thành một bộ phim danh tiếng dưới bàn tay của Visconti, “Der Tod in Venedig”, vừa có bản dịch tiếng Việt mang tên “Chết ở Venice”, Nguyễn Hồng Vân dịch từ nguyên bản tiếng Đức, NXB Trẻ ấn hành trong tủ sách “Cánh cửa mở rộng”.

Như bản tường trình về tâm hồn phức tạp của một nghệ sĩ lớn, “Chết ở Venice” (xuất hiện lần đầu cách đây đúng 100 năm) thể hiện mình là một tác phẩm “cổ điển” điển hình cứ nhất định thật chậm chạp trong nhịp điệu riêng của nó. Cho tới tận khoảng trang 50 của cuốn tiểu thuyết chưa đầy 150 trang này, nhân vật chính Gustav Aschenbach mới đến được cái đích Venice vốn nằm ngay ở nhan đề. Tuồng như các nhà văn cổ điển không bao giờ gặp vấn đề về thời gian, thời gian đối với họ thực sự là để sống chứ không là thứ gấp gáp đuổi sau lưng con người.

Apr 19, 2012

Trò chuyện với Linda Lê

Linda Lê (sinh năm 1963) là nhà văn gốc Việt viết văn bằng tiếng Pháp, với những tác phẩm nổi tiếng: Phúc âm tội ác, Ba nữ thần số mệnh, Cronos... Tiểu thuyết của bà gây kinh ngạc vì sự u tối, văn chương đẹp dị thường và những suy tư ám ảnh. Linda Lê còn là một nhà phê bình văn học nổi tiếng với những bình luận sắc sảo về nhiều nhà văn lớn trong quá khứ. Tại Việt Nam, tiểu thuyết Vu khống và tập truyện ngắn Lại chơi với lửa đã được ấn hành trong mấy năm trở lại đây. Gửi đứa con mà tôi sẽ không sinh (À l’enfant que je n’aurai pas) là tác phẩm mới nhất của bà, được viết dưới dạng một lá thư.

Với tôi, Gửi đứa con mà tôi sẽ không sinh chứa đựng nhiều đặc tính của một tác phẩm thuộc truyền thống “tiểu thuyết bằng thư” [roman épistolaire] vốn có dấu ấn đậm đà trong lịch sử văn học Pháp (ví dụ như “Julie” của Rousseau hay “Những mối quan hệ nguy hiểm” của Laclos), nhưng bức thư của bà trên thực tế lại không phải là một “tiểu thuyết bằng thư” đúng nghĩa. Bà nghĩ thế nào về nhận xét này?

Bức thư này có thể được coi như một tác phẩm hư cấu, mặc dù tôi đã cho người kể chuyện mang một số nét của con người tôi. Đây là câu chuyện về một người phụ nữ nhìn lại một giai đoạn trong quá khứ của mình, vào lúc cô lựa chọn là sẽ không sinh con. Tuy nhiên đây không phải là một “tiểu thuyết bằng thư”, vì người phụ nữ này gửi thư cho một nhân vật không tồn tại và vì bức thư của cô sẽ không có được tiếng vọng nào.

Apr 17, 2012

Kim Lăng thập tam thoa

Nam Kinh. Tháng Chạp năm 1937.

Nếu dòng chữ trên đây xuất hiện ở “xen” mở đầu một bộ phim, người xem sẽ hiểu ngay rằng những gì họ sắp thấy không chỉ không hề dễ chịu, mà còn là một thảm họa thực thụ mà càng ngày người ta càng phải điều chỉnh lại nhận thức về độ rộng lớn và mức độ dã man.

Điện ảnh dĩ nhiên không bỏ qua sự kiện này. Ai từng xem bộ phim “Nanking” (2007), dù chỉ là vài cảnh, cũng sẽ không bao giờ quên nổi. Bộ phim ấy làm về những gì diễn ra trong “khu an toàn” của thành phố Nam Kinh dưới sự chiếm đóng của quân đội Nhật Bản.

Cuốn tiểu thuyết “Kim Lăng thập tam thoa” của Nghiêm Ca Linh (Lê Thanh Dũng dịch, Phương Đông & NXB Văn học) cũng lấy bối cảnh cùng khoảng thời gian với phim “Nanking”, nhưng không phải trong khu an toàn của những người ngoại quốc bị mắc kẹt lại Nam Kinh mà là bên ngoài, tại một nhà thờ Mỹ đơn độc dưới sự điều hành của linh mục Engman, một khoảng không gian theo quy ước lẽ ra phải là trung lập đối với các bên tham chiến và được lính cả hai phe tôn trọng. Thế nhưng cũng như “khu an toàn” không hề an toàn cho phụ nữ ở trong đó, nhà thờ đã không trung lập vì tiếp nhận mấy người lính Trung Quốc thoát được khỏi súng đạn và lưỡi lê của quân Nhật, và đến cuối cùng cũng không được lính Nhật tôn trọng.

Cảm ơn và xin lỗi

Tôi cảm ơn bất kỳ ý kiến nào của bất kỳ ai chỉ ra những chỗ sai, nhầm lẫn, cẩu thả của tôi, không chỉ là trong các bản dịch mà ở bất kỳ công việc nào khác. Với người chữ nghĩa, không gì quý bằng điều đó. Mỗi sai lầm đều phải trả giá, mỗi vấp váp là một bước tiến của nhận thức.

Thời gian vừa qua, tôi đã chăm chú xem lại Bản đồ và vùng đất, tôi công nhận là có những sai lầm, có cả những chỗ thực sự tôi cũng không hiểu tại sao lại có thể nhầm lẫn vô cớ và ngớ ngẩn như vậy.

Xem xét kỹ, tôi thấy rằng có chừng bốn, năm chỗ do quá ỷ vào trí nhớ mà tôi đã không tra cứu thêm, dẫn đến hiểu sai, cùng một số chỗ nhìn nhầm các từ có tự dạng tương đối giống nhau và vài chỗ nhìn sót mất chữ. Ngoài ra, nhiều chỗ khác nên sửa để tốt hơn.

Tôi không nói đến từng chi tiết nữa, mặc dù có những chỗ người chỉ trích tôi chưa hẳn là hoàn toàn chuẩn xác, mà tôi coi đây là một cơ hội, một dịp để xem lại, điều chỉnh toàn diện hơn cho công việc cá nhân. Đây cũng là cơ hội để hoàn thiện hóa bản dịch Bản đồ và vùng đất.

Một lần nữa, tôi cảm ơn những người đã chỉ trích tôi, và xin hiểu là tôi thực sự cầu thị trước mọi ý kiến tâp trung vào cách hiểu, ngữ nghĩa, hành văn và mọi khía cạnh khác của ngôn ngữ.

Tôi xin lỗi độc giả vì còn để những sai sót, khiến cho sự tiếp nhận, cảm nhận một tác phẩm văn học bị khuyết thiếu, làm giảm đi hứng thú của việc đọc.

Tôi chỉ xin nói thêm vài điều: tôi đã không hề cẩu thả trong quá trình dịch Bản đồ và vùng đất, tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần (theo tôi nhớ lại là bốn lần) sau khi đã hoàn thành bản dịch cũng như sửa chữa lại xong xuôi. Sai lầm lớn nhất của tôi là không chú trọng được đúng vào những chỗ có khả năng sai sót, và những lần đọc lại sau này không đối chiếu đầy đủ với bản gốc.

Một nhà văn có ý thức mỗi khi viết một tác phẩm đều nghĩ mình nỗ lực viết ra một cái mà Roberto Bolaño gọi là "tác phẩm lỗi lạc". Một người dịch nhiều ý thức mỗi lần dịch một tác phẩm cũng đều làm hết sức để cho bản dịch của mình thực sự hoàn hảo, không thể chê trách. Kết quả rất thường xuyên không được như mong muốn, vì chữ nghĩa có yếu tố chủ quan rất lớn, nhưng nếu không luôn luôn sẵn sàng để nỗ lực thì sẽ chẳng bao giờ làm được việc gì.

Xem xét lại bản dịch của tôi, một điều tôi thấy ấm lòng là không một lúc nào vì vấp phải một đoạn văn quá khó mà tôi tìm cách vòng tránh, "ăn bớt", làm méo mó nội dung một cách chủ ý để công việc được dễ dàng hơn; tôi cũng nhìn lại được nhiều đoạn, nhiều chi tiết tôi đã tìm hết cách để tra cứu, suy nghĩ, vật lộn mà hiểu và tìm ra cách diễn đạt tương đối thích hợp.

Nói rộng hơn, tôi tham gia xuất bản và dịch thuật ở Việt Nam vào cuối một giai đoạn và ở đoạn mở đầu một thời kỳ khác. Chính vì biết được những giai đoạn khác từng như thế nào mà tôi, cùng nhiều người nữa, đang nỗ lực rất lớn, để thay đổi, mặc dù biết rằng công việc ấy không hề dễ dàng.