May 27, 2013

Trẻ con thì là trẻ con thôi

(mồng một tháng Sáu, post lại bài mồng một tháng Sáu viết cách đây 5 năm)



+ Èn fái nồn ly :) những ngày thứ Sáu cùng bạn Nhị Linh hehe (đây là "lời mào đầu" hồi ấy, và hồi ứng của bạn Khuê việt đẹp trai như sau: "Btw, “Èn fái nồn ly” không hiểu nghĩa là rì but it kills me" hehe)


Mồng một tháng Sáu, ngày của các cháu, mà lại viết về cuốn truyện Bắt trẻ đồng xanh (Nhã Nam và NXB Văn học, 2008, Phùng Khánh dịch), hẳn nhiều người nghĩ tôi là người phản giáo dục.

Thì đã hẳn Holden Caulfield thuộc hàng top các nhân vật của lịch sử văn học về tần suất chửi rủa. Nó chửi trong khi trò chuyện với bạn, và nhất là nó chửi trong những suy nghĩ riêng của mình. Và cũng không sai chuyện ở bên Mỹ cuốn sách hết được đưa vào rồi lại bị đưa ra khỏi chương trình học nhà trường sau những tranh cãi nảy lửa. Ông tác giả Salinger còn làm khó hơn cho việc bình thường hóa sự chấp nhận cuốn tiểu thuyết vì cứ nhất định trốn biệt tăm khỏi giới truyền thông. Quả thật ông khác tuyệt đại đa số các đồng nghiệp, họ không bỏ qua cơ hội nào để nâng cấp cho tác phẩm nhiều khi xoàng xĩnh của mình bằng cách chất đống vào vô số ý nghĩa chân thiện mỹ đầy vẻ bong bóng xà phòng, hoặc ít ra thì cũng là một thái độ bí hiểm đánh đố (hay được mỹ từ hóa thành “có sức khơi gợi”) nào đó.

May 21, 2013

ai đem phân chất một mùi hương

Con người ta liên thông với thế giới bằng các giác quan, còn mối quan hệ với quá khứ chắc chắn là phức tạp hơn rất nhiều.

Tôi nhớ đến bộ phim “Johnny Got His Gun”, một bộ phim rất đặc biệt của lịch sử điện ảnh thế giới. Cuốn tiểu thuyết cùng tên được xuất bản năm 1939, đúng vào những ngày đầu tiên của Thế chiến thứ hai, và bối cảnh câu chuyện xảy ra vào cuối Thế chiến thứ nhất. Tác giả cuốn tiểu thuyết, Dalton Trumbo, đồng thời cũng là tác giả kịch bản, và không những thế còn làm nốt nhiệm vụ đạo diễn. Bộ phim được trình chiếu vào năm 1971, ngay lập tức được vinh danh nồng nhiệt ở festival Cannes và trở thành một trong các biểu tượng văn hóa mạnh mẽ của phong trào chống chiến tranh (hồi đó dĩ nhiên là chiến tranh Việt Nam). Xem bộ phim này chắc chắn những người từng khóc khi xem đến đoạn các chàng cao bồi mặt sẹo ngã xuống trong một vụ đọ súng hay nàng nọ biết tin chàng kia tử trận, chắc chắn phải khóc đến cả một bể nước. Ngay cả những người ít dành nước mắt cho phim ảnh (xét cho cùng là phù phiếm - “xa nhau không hề rơi nước mắt”, cần phải thế!) cũng khó tránh khỏi rơm rớm.



May 18, 2013

Phụ nữ

nốt bài này xong là chỉ còn ba bài nữa :p ngay từ bây giờ bác nào muốn thế chỗ tôi thì cứ mạnh dạn xung phong đi :p



Bữa trước, còn chưa xa ngày này lắm, đang đi bộ trên phố bỗng tôi nhìn thấy ở vỉa hè đối diện mối tình đầu của tôi.

Về sau này, tôi lý giải hành động trốn ngay vào ngõ không lấy gì là hào hùng của mình lúc ấy như sau: Tôi ngại đối diện với quá khứ (niềm hoài nhớ không phải điều dễ chịu, dĩ nhiên), tôi lại sợ quá khứ đuổi kịp tôi (trong khi cứ nghĩ mình đã đi rất nhanh, đã tách khỏi mọi ràng buộc tơ mành xưa cũ). Nhưng trốn tránh đến mức nào thì tôi cũng phải đối diện với điều căn cốt nhất: tình đầu thật ra chưa bao giờ giống như ta từng ra sức cố công mà tưởng tượng.

May 12, 2013

Ngô Đình Nhu và Thư viện, Thư tịch

Quyển sách này:


in năm 1972, chứa đựng một ít thông tin về vai trò của Ngô Đình Nhu đối với ngành Thư viện, Thư tịch Việt Nam.

May 9, 2013

Chuyện ở nông trại: Thực tế Orwell ở Trung Quốc


Tiếp tục "vệt" này:


(courtesy NTT)

George Orwell trong đời sống dịch thuật và nghiên cứu tại Trung Quốc

NSNB (dịch và tổng hợp)


May 7, 2013

Hoàng Hải Thủy và Nổ như tạc đạn

Hoàng Hải Thủy (tức Công Tử Hà Đông) rất đặc biệt, và là nhà văn vô cùng được mến mộ. Ông từng thế chỗ Vũ Mộng Long tức Duyên Anh tức Thương Sinh, một thần tượng khác của miền Nam một thuở, tại báo Con Ong, lúc Duyên Anh chuyển sang làm cho tờ Tuổi Ngọc; cả Con Ong lẫn Tuổi Ngọc đều là những ấn phẩm từng "sáng dội miền Nam", đến nay vẫn còn sinh động trong tâm trí rất nhiều độc giả.

Hoàng Hải Thủy đứng đúng ở giữa hai lĩnh vực: sáng tác và dịch thuật, bởi phần quan trọng nhất trong văn nghiệp Hoàng Hải Thủy là phóng tác.

Đây có lẽ là tác phẩm phóng tác hay được nhắc đến hơn cả của Hoàng Hải Thủy (tình trạng sách chỉ còn được vậy thôi):


May 4, 2013

Dịch thuật Việt Nam: Hình ảnh và tư liệu

Cái xứ này, cái thời này, con người ta quá bị mờ mắt bởi cái ngọn nhọn hoắt lóng lánh đính đèn nhấp nháy, mà cố tình quên đi rằng, làm gì có cái gì được xây nên từ hư vô, mà không có gốc rễ. Làm gì có chuyện ai cũng có thẩm quyền về mọi thứ, láng cháng rẽ qua cấu trúc xã hội, sờ tí nhà nước, vuốt lưng giá vàng, bình luận bóng đá, mông má dân chủ, thổi tù và ngôn từ, ưỡn ngực fallacy.

Dịch thuật Việt Nam, nếu chưa sờ vào hàng trăm, hàng nghìn "cặp" như những bức ảnh dưới đây, thực sự sờ vào, giở ra, nghiền ngẫm nhiều năm, thu thập tư liệu, tìm cách hiểu, tra cứu, tham vấn nhiều nguồn... thì chỉ là nói khoác, là bốc phét.

Dưới đây là một phần sinh động lịch sử dịch thuật Việt Nam. Những bức ảnh này có được từ một "trận thi đấu" giữa vài người mê sách sống ở khắp nơi tại Việt Nam. Cuộc chơi vui vẻ ấy thật ra còn đóng góp cho công cuộc tìm hiểu dịch thuật Việt Nam từ bản chất đến các biểu hiện hơn nhiều so với những trò điêu trá xuất hiện trên báo chí thời gian gần đây.

Một phần tư liệu là của tôi, nhưng còn có sự tham gia của các bạn: NTT, VHT, MRN, HTN, LVT, TQT.


May 3, 2013

Hiểu đám đông


Suốt một thời gian rất dài, ở Việt Nam dường như người ta quá yên tâm là đã hiểu “đám đông” và “quần chúng” nghĩa là gì, nắm vai trò (tuyệt đối quan trọng) ra sao, và cũng suốt một thời tiếng nói của quần chúng hướng lối cho cuộc sống, kể cả ở những phương diện rất riêng tư. Rồi lại đến thời bùng nổ của cái nhìn cá nhân, cá nhân trở thành “ngôi sao” trong suy tư của xã hội. Mấy năm trở lại đây, “đám đông” bỗng lại trở thành đối tượng được săn đón và đầu tư trí tuệ của giới trí thức, mà kết quả trước tiên có lẽ là: người ta nhận ra mình không hiểu nổi đám đông. Trước khi đà xoay của lịch sử hướng tinh thần quay lại với cá nhân (biết đâu đấy), đã có thể làm một tổng kết nho nhỏ về đối tượng đám đông thông qua một số cuốn sách được xuất bản gần đây.

Nhiều nhà tư tưởng lớn trong lịch sử đã tìm cách cắt nghĩa cái đối tượng kỳ cục là đám đông này, trong số những cắt nghĩa nổi tiếng (tức là có nhiều ảnh hưởng về sau chứ không hẳn là vì hoàn toàn đúng đắn, vì thật khó nói đến “đúng đắn” khi nghiêm túc bàn về “đám đông”), xếp bên cạnh Tâm lý đám đông của Gustave Le Bon hay Crowds and Power (Đám đông và quyền lực) của Elias Canetti, từ hơn nửa thế kỷ nay luôn luôn có mặt Đám đông cô đơn (Thiên Nga dịch từ nguyên bản tiếng Anh The Lonely Crowd, Nhã Nam & NXB Tri thức, 2012). Đấy là còn chưa nói đến hai bộ sách mới xuất bản ở Việt Nam nhưng đã được bàn đến rất nhiều, có chủ đề tương đối gần (“polis”), là Cộng hòa của Plato và Chính trị luận của Aristotle.

May 1, 2013

Dịch thuật Việt Nam: Trần Dần đã dịch những tác phẩm nào?

Như đã nói, Trần Dần còn là một dịch giả có lượng dịch phẩm không thể coi nhẹ, góp thêm vào tổng sự nghiệp của ông. Như tôi cũng đã nói, trong di cảo của Trần Dần, có các bản dịch.

Về câu chuyện Trần Dần dịch sách, cũng từng có người đi tìm hiểu, ví dụ như bài viết ở đây.

Nhưng rõ ràng, cần đẩy vấn đề đi xa hơn nữa: Trần Dần đã thực sự dịch những tác phẩm nào? Liệu ta có thể thống kê đầy đủ những gì Trần Dần từng dịch in thành sách không?

Tôi đã đeo đuổi hướng tìm kiếm này từ nhiều năm, và đến giờ tạm có thể kết luận mình đã biết được đầy đủ phương diện "Trần Dần dịch giả".

Thứ nhất: ở các bản dịch của mình, Trần Dần ký tên gì? Tổng cộng có bốn cái tên: 1) Trọng Kha 2) Vũ Văn Kha 3) không ký tên 4) Trần Dần (ở các bản dịch in lại sau này, kể cả khi Trần Dần còn sống lẫn sau đó).

Tình hình các dịch phẩm cụ thể thì như sau:

Hai bản dịch được nhắc đến nhiều nhất là Những người chân đất và bộ sách của Jules Vallès.


Dịch thuật Việt Nam: Trần Dần dịch giả

Sưu tầm sách mảng dịch thuật khó ngang với hai "ngạch" khác: sưu tầm báo tạp chí và sưu tầm truyện tranh. Nhiều bộ tạp chí có khi mất nhiều năm không sao bổ sung nổi vài ba số còn thiếu, và dân ghiền truyện tranh có thể phát điên phát rồ vì thiếu mất mấy tập truyện.

Ví dụ, tôi muốn biết Bonjour tristesse của F. Sagan từng có bao nhiêu bản dịch tiếng Việt. Thế thì phải đi tìm, phải tự tìm, hỏi thêm nhiều người. Đến nay tôi tạm có kết quả là từng có bốn bản dịch tiếng Việt. Thứ nhất là bản của Nguyễn Vỹ, thứ hai là bản của Lê Huy Oanh, sau 1975 thì có bản Quang Vinh và bản Vũ Đình Bình. Bản Nguyễn Vỹ có vẻ chưa bao giờ in thành sách, chỉ đăng dài kỳ trên tờ tạp chí Phổ thông. Bốn bản dịch này chưa hẳn đã chắc là đủ được, vẫn có thể có thêm một/một vài bản nữa xuất hiện theo một cách thức khó kiểm soát hơn, mà đấy là tôi đã "vét trí nhớ" của vài chuyên gia có thẩm quyền rồi.

Cái gì cũng phải tham khảo chuyên gia. Những người hay lên báo nói chuyện dịch thuật ở Việt Nam đều không phải chuyên gia. Ví dụ, muốn biết Steinbeck từng được dịch ở Việt Nam như thế nào, nhanh nhất là hỏi bạn NTT, bạn NTT chỉ cần cung cấp một bức ảnh này là xong luôn, vì bạn NTT mới là chuyên gia.