Sep 30, 2011

nú vồ rịt


Những người đang yên đang lành bỗng nhiên giàu, dĩ nhiên họ rất mừng, và chúng ta cũng nên mừng cho họ. Nhưng đổi môi trường sống tất yếu cũng dẫn tới những hệ lụy, mà một hệ lụy lớn là đã giàu rồi tất yếu những người đó muốn sang. Ai tên là Giàu thường trong nhà có anh em tên Sang, điều ấy ai cũng biết cả rồi.

Giàu rồi thì phải cải thiện bữa ăn. Đạm bạc thì cũng phải đồ Ý đồ Mễ, hoặc kéo nhau đi ăn buýp phê khách sạn năm sao, ưu điểm là ăn một tặng một nên phải đi chẵn số người, ưu điểm lớn nữa là không phải gọi món đỡ lo bị bồi bàn cười thầm chửi nói ngọng. Sang trọng thì khăn ăn cỡ tiêu chuẩn 38x38 xăng ti mét đặt trên đùi thẳng thớm dao dĩa sáng choang mà cao lương mỹ vị. Thế nhưng họ nhanh chóng nhận ra những foie gras những nấm truffe mang tiếng đắt là vậy nhưng phải cố lắm mới không nhăn nhó khi ăn, tên lại còn khó đọc, mãi chẳng nhớ được, nói méo cả miệng, mà nói thật hàu Úc hộp xốp chuyển thẳng từ Melbourne hay rau chân vịt hai đô một cọng ăn vào có khả năng khỏe như thủy thủ Popeye xét cho cùng kể ra cũng là đắt vô lối. Thế là các nouveau riche của chúng ta ra đường thì ăn rõ sang, về nhà thì lén lút ăn nhộng rang cà bát canh cua ký hiệp ước hòa bình với dạ dày tiêu chuẩn Việt Nam.

Sep 28, 2011

Italo Calvino, lịch sử và sự chơi


Càng nhiều tác phẩm của Italo Calvino được dịch sang tiếng Việt, ta càng có cơ hội chiêm ngưỡng tài năng độc đáo của một dạng nhà văn dường như chỉ nước Ý mới biết cách sinh ra, những người như Luigi Pirandello, Leonardo Sciascia hay Umberto Eco. Ở những nhà văn này, kiến thức đồ sộ không hiểu bằng cách nào lại có thể đi đôi được với giọng văn nhẹ nhõm trong một kết hợp hết sức nhuần nhuyễn.

Chạm đến đề tài lịch sử, hoặc người ta ưa coi đó là cái đinh để móc câu chuyện, thả sức sáng tác về tâm lý người có thực, đưa thêm vào nhân vật hư cấu, hoặc người ta sẽ trung thành hết mức với các sự kiện và bảng phả hệ, thuần túy thực hiện một công việc sắp xếp lại nhiều khi vô cùng khéo léo và tinh tế. Calvino lại không đi theo hai con đường ấy mà chọn một cách khác hoàn toàn, một dòng chảy nhỏ hiếm có, đặc biệt là trong bộ ba tiểu thuyết Tổ tiên của chúng ta, hiện đã có hai cuốn, Nam tước trên câyTử tước chẻ đôi, đều do Vũ Ngọc Thăng dịch (Nhã Nam và NXB Văn học).

Sep 25, 2011

tái xuất giang hồ :pp

đây, cái sự tái xuất giang hồ của bác Nguyễn Việt Hà như thế này đây :p các bác đọc thấy liên văn bản vãi chưởng không hề hề



tái xuất giang hồ

Đây là một mẫu câu hung hiểm kinh điển, thường chỉ được đắc địa khi dùng cho đàn ông, còn tại sao ở đàn bà ít dùng thì giải thích sau. Nó xuất hiện khá nhiều trong những trường ca chiến trận từ thời lỗi lạc thi hào Homer cho đến tận thời các trường thiên võ hiệp của nhị vị đại gia tuyệt đại song hùng Kim Dung, Cổ Long. Ở đây, khái niệm “giang hồ” nên hiện đại khoáng đạt hiểu, không chỉ có giới dao búa võ lâm mà còn cả giới kinh doanh showbiz, nơi mà những thảm án kinh hoàng luôn trùng trùng điệp điệp. Còn nghĩa cả câu thì cực kỳ đơn giản, khi một đại hiệp lừng danh nào đó, một ma đầu khét tiếng nào đó, thậm chí một nhạc sĩ hoặc một ca sĩ ầm ĩ nào đó, sau một hồi bằn bặt im hơi lặng tiếng bỗng nhiên tự dưng lại thò đầu ra lộ diện. Trước đó họ mất tích (chữ dùng cho trường hợp Nhạc và Ca) hoặc quy ẩn (dùng trong trường hợp Hiệp và Ma) với vô vàn lý do vừa phi thường vừa vớ vẩn. Hoặc nhân văn siêu hình theo kiểu ngộ đạo, chán đến tận cổ nỗi thảm máu chảy thành sông thây chất thành núi bèn bải hoải buông dao đi tìm Phật. (Ở những “ca” này thường họ bỏ đi một mình). Hoặc dung tục cụ thể theo kiểu đời thường, bị đồng nghiệp dìm hàng bị bầu sô quỵt bạc, ngao ngán đen trắng thói đời đành miễn cưỡng tìm chỗ núp. (Ở những “ca” này thường họ bỏ đi với người tình).

Trước khi “ẩn” hay “núp”, đa phần bọn họ đều tổ chức một lễ gọi là “rửa tay gác kiếm”. Nếu không đủ tiền làm ở khách sạn 5 sao thì đương nhiên phải tổ chức tại gia ví như trường hợp Lưu Chính Phong trong bộ “Tiếu ngạo giang hồ”, vốn xuất xứ là đệ nhị cao thủ của phái Hành Sơn thuộc Ngũ Nhạc kiếm phái. Nghi lễ đại loại có một chậu bằng vàng đựng nước mưa long lanh tinh sương, để cạnh là binh khí tùy thân như đao thương giáo mác. Và do chưa hẳn là sát thủ nên nhạc sĩ có thể chỉ để đàn cạnh chậu, ca sĩ chỉ có thể để “míc”. Trước đông đảo quan khách, khổ chủ sẽ đọc vài lời tạ từ thảm thiết giải thích tại sao mình phải rút khỏi chỗ đẫm “mầu” như thế, nơi có không biết bao nhiêu bọn thèm lớn đang khao khát xông vào. Rồi cao thủ sẽ bẻ kiếm rửa tay vào chậu vàng, nhạc sĩ sẽ đập đàn đút tay vào túi quần, còn ca sĩ sẽ vụt tan micờrô chùi tay vào khăn mùi soa. Tất tất được rưng rưng diễn ra trên nền nhạc kiểu lâm khốc hao hao như “Tình thôi xót xa” hoặc tủi thân dịu dàng gần giống như “Còn ta với nồng nàn”. Việc “xuất” thế là xong.

So với việc “xuất” để “núp”, việc “xuất” để “tái” mang nguyên nhân động cơ ly kỳ rắc rối hơn nhiều. Có trường hợp như Achilles, đại anh hùng Hy Lạp trong trường ca “Odyssey” mà dựa vào đó Hollywood đã làm phim cực kỳ ăn khách “Cuộc chiến thành Troy”. Tráng sĩ này võ công siêu cao thiên hạ vô đối nhưng vì tự ái với sếp, nên dỗi, quyết định rửa tay gác kiếm. Achilles có một thằng “đệ” là Patroclus, tuổi còn trẻ nên máu lắm, thích mượn quần áo của anh hung hăng ăn diện đi lại trên rừng võ. Thế rồi trong một lần tao ngộ chiến, anh ta bị dũng sĩ Hector, hoàng tử thành Troy, không những đâm chết mà còn trấn luôn cả bộ cánh hàng hiệu. Nghe tin thảm, vừa tiếc em và cũng có đôi phần tiếc của, Achilles tái xuất giang hồ. Cú xuất hiện lại của chàng làm toàn thể võ lâm rúng động, thậm chí lịch sử chiến tranh của nhân loại còn quẹo hẳn sang hướng khác. Việc Achilles hở hang gót chân bị bắn chết đã trở thành một điển cố được giới showbiz ưa dùng khi phải mô tả một cảnh ngớ ngẩn kiểu như một thập thành đại gia nhỡ sa vào tay một ngây thơ người mẫu.

Tuy nhiên, chuyện hở gót của Achilles xưa quá. Gần đây, cú tái xuất của một nam ca sĩ hở gần hết mới thật sự chấn động. Anh này khi còn hành hiệp biểu diễn trên sân “thảo” khấu thường được vỉa hè trân trọng ví với đại danh ca người Mỹ “Mai Cồ Rách Sơn”. Rồi anh “Sơn” Việt đi núp, hình như lý do là giữ gìn trinh tiết. Đột nhiên vào một ngày đột ngột anh ta đột “xuất tái” với tuyên ngôn kinh hoàng “Tôi thắp hương cầu Trời cầu Phật mỗi ngày và sẵn sàng cho nửa gia tài nếu có ai đó lấy được trinh tiết đời mình” (Tiền Phong ra 28/08/2011). Với cú sát chiêu đẫm đầy chân thành này, anh “Rách Sơn” thật sự là người lành. Quần hùng hai đạo Hắc Bạch đồng thanh hoan hô anh.

Việc tái xuất giang hồ hiếm hoi có ở đàn bà đã được tác giả Con Sâu trên tờ “TT và VH” số ra 06/08/2011, lý giải. Phụ nữ thường khó có thể làm đi làm lại một cái gì lâu, ví như viết văn chẳng hạn, bởi do bọn họ “hơi ngắn”. Lý luận này phảng phất chịu ảnh hưởng từ tâm pháp võ học phái Võ Đang, một phái võ của đám đạo sĩ chuyên nâng cao võ công bằng cách luyện khí. “Dở hơi” là không đủ khí, còn ngắn hơi là “đoản khí”. Người mà hơi ngắn khí đoản thì đương nhiên võ công thấp, miễn cưỡng tái xuất giang hồ là việc rất không nên, hung hiểm vô chừng.

Nói cho cùng, giang hồ tái xuất là một chuyện đại sự, thiên nan vạn nan. Nó khác xa với việc một văn sĩ quèn giữ mục cho một tờ báo rồi vì những lý do nào đấy nghỉ viết vài ba số. Đến khi viết lại thì anh này ngấm ngầm coi mình đã “tái xuất giang hồ”.

Đáng thương thay, thực chất của việc này cũng chỉ là một thứ “đình công đòi tăng lương” vô cùng vớ vẩn.

                                                                                                                             nguyễn việt hà

Đối mặt cõi đời

Mấy số gần đây của tờ Đàn Ông, bỉnh bút Nguyễn Việt Hà vắng mặt, chuyên mục “Chuyện quanh tách trà” của ông để trắng. Nhiều tin đồn ác ý nói rằng nhà văn dừng bút để đình công đòi tăng lương, khiến các đồng nghiệp của ông xôn xao người ủng hộ kẻ bài xích, lại có tay ngấm ngầm bực bội vì đình công mà không rủ đồng đội.

Nhưng không phải. Lý do để Nguyễn Việt Hà dừng viết là vì ông muốn trở thành ẩn sĩ, xa lánh cõi đời nhiều bàn nhậu và thị phi. Tới số này thì ông quay lại, làm một cuộc “tái xuất giang hồ”. Tại sao? Là vì ông mới đọc một cuốn tiểu thuyết khiến ông rùng mình toát mồ hôi suốt một buổi chiều trong phòng máy lạnh. Đọc cuốn sách, nhà văn Nguyễn Việt Hà hiểu ra rằng cõi đời này thản nhiên lạnh lẽo vậy thôi, nhưng đâu có nhẹ nhàng mà thoát ra nổi.

Sep 24, 2011

sau dấu chấm

Đọc sách, nhiều khi những thành phần phụ lại hấp dẫn hơn bản thân nội dung chính của cuốn sách. Có người đọc thấy dở quá thì gấp sách lại, cũng có người bắt gặp một câu, một từ hay quá thì lặng lẽ bỏ sách xuống bàn, mặc quần áo ra bờ sông dạo mát cho nguôi bớt những sôi nổi phát sinh trong lòng. Lại có những người chỉ quan tâm bìa sách hình thù ra sao, nhan đề dùng font chữ gì, người ta tán dương nó thế nào ở lời tựa, lời bạt và bìa sau, rồi đề từ, đề tặng, lề sách rộng hay hẹp, trang “xi nhê” viết có cẩn thận không… Sự đọc là muôn hình vạn trạng.

Tất tật những chi tiết phụ mà không phụ ấy, thuật ngữ chuyên môn gọi là “cận văn bản”, ở gần văn bản và lăm le xâm chiếm mối quan tâm của độc giả. Nghe đâu có một lý thuyết gia nước ngoài viết hẳn một quyển sách rõ dày bàn về lĩnh vực “cận văn bản” này, cuốn sách bán chạy hơn cả tiểu thuyết trinh thám.

Sep 22, 2011

(ghi chép biên tập) Dịch giả Nguyễn Khánh Long

Tôi giở lại các email cũ với anh Nguyễn Khánh Long. Tôi chưa bao giờ gặp (thật ra không phải gặp, vì tôi chưa gặp Nguyễn Khánh Long bao giờ, mọi việc đều qua email, tổng cộng chưa đến 50 cái, gần như thuần các chi tiết kỹ thuật) một ai khó tính và tỉ mỉ như anh Nguyễn Khánh Long nhưng cùng lúc lại rất dễ chịu trong trao đổi, bàn luận như vậy.

Có lẽ điều duy nhất ngoài phạm vi công việc cụ thể (việc biên tập bản dịch tiểu thuyết Vu khống và tập truyện ngắn Lại chơi với lửa) là lần tôi hỏi trước đây anh Nguyễn Khánh Long đã bao giờ in gì trong nước chưa. Câu trả lời là chưa bao giờ.

Đọc lại email cũ mới nhớ ra, hồi in Vu khống đã xảy ra vấn đề, kết quả là phải chuyển từ nhà xuất bản này sang nhà xuất bản khác để xin giấy phép. Những việc như thế không phải ngày nào cũng gặp, nhưng cũng không phải quá hiếm ở đây. Trong suốt khoảng thời gian kéo dài ấy anh Nguyễn Khánh Long cũng cực kỳ kiên nhẫn, sự kiên nhẫn giống hệt khi anh tỉ mẩn xem từng chỗ tôi đề nghị sửa chữa trong mấy bản dịch.

Sự cẩn thận của anh Nguyễn Khánh Long lớn đến mức nó tạo ra một áp lực mơ hồ, đến mức tôi đã thở phào khi đọc thấy câu cuối cùng trong email anh gửi cho tôi để trao đổi về công việc biên tập Vu khống: "Các trường hợp khác thì tôi thuận theo ý anh".

Sep 19, 2011

Trong vòng một cuộc đời

Năm năm gần đây, Philip Roth, một trong những nhà văn lớn nhất của nước Mỹ, thích viết tiểu thuyết ngắn. Trong số bốn tiểu thuyết ngắn viết trong giai đoạn này, Người phàm (Everyman) (2006) đã ra mắt bạn đọc Việt Nam (Thùy Vũ dịch, Nhã Nam & NXB Văn học, 2011).

Tài năng của Philip Roth không chỉ được thể hiện bằng danh sách giải thưởng dài đến khó tin (chỉ còn thiếu Nobel Văn chương) mà còn bằng một điều tiên quyết để một nhà văn thực sự trở thành vĩ đại: tài nắm bắt cuộc sống ở những điểm cốt yếu nhất. Philip Roth làm việc này với sự chuẩn xác và bình thản của một con người nhiều trải nghiệm, biết bỏ qua những nhao nhác thông thường của cuộc đời, bỏ cả hình thức tiểu thuyết đồ sộ trước đây từng giúp ông thu hoạch danh tiếng (nhất là loạt sách về nhân vật Zuckerman) để đến với một hình thức tiểu thuyết vô cùng gọn nhẹ và bình dị, nhưng làm người đọc hiểu rằng sự hiểu đời của ông sâu sắc đến khó ngờ.

Sep 17, 2011

đầy đủ cho một sự mưng mủ tuyệt vọng

Đến bài thứ mười rồi: mười ăn tám, mình mà oánh chứng khoán giờ phải giàu như anh Vượng anh Vũ rồi :p Các bác có đề tài nào hay không gà cho tôi đi, sắp hết zồi :((

-----------

Đọc báo, thấy một chuyên gia ngôn ngữ nói rằng tiếng Việt ngày càng dở. Mùa thu, mưa lạnh đã đủ khó thở, lại còn bao nhiêu vụ án rùng rợn xảy ra ở đây, ở kia, chưa biết chừng ở ngay bên cạnh nhà, rồi thật lắm điều khổ sở khác, giờ lại còn hở ra thêm thế này nữa: thứ ngôn ngữ ngày nào cũng phải dùng để nói năng hóa ra vô cùng dở. Mới trước đây không lâu thôi, một nhà ngôn ngữ học khác bảo tiếng Việt ngày càng dài, nôm na là không nén, mà rất “bở”, rất “xổi”. Không khoan nhượng nữa, mặt trận đã mở, và ta thấy nở tứ tung trên mặt báo từng xấp bản án nghiệt ngã hướng thẳng vào cái thứ đã trở nên rất khả nghi: tiếng Việt của ngày hôm nay, của một hiện tại vô cùng dở.

Đến là nhiều ý kiến của chuyên gia như vậy thì chắc là đúng rồi. Lòng đầy lo ngại, giải pháp khẩn cấp của tôi là đi ra quán bia ngồi uống hết cốc này đến cốc khác và không nói năng gì. Năng lực phòng chống sự xấu xí được tăng cường tối đa, tôi hài lòng oai vệ trong im lặng giữa láo nháo thực khách ẩm giả vung vít bao nhiêu ngôn từ là ngôn từ, dĩ nhiên toàn những ngôn từ rất dở.

Sep 16, 2011

Tâm sự của nước độc

khai quật đồ cổ :p

Những ngày cuối năm này bỗng nhiên thấy nhớ ông Nguyễn Tuân. Tôi bèn trang trọng kính mời tôi đi tìm ông ở trên giá sách. Nói nhớ ông Nguyễn Tuân là không chính xác, tôi chỉ nhớ Chùa Đàn, nơi có câu đề từ “Ai hát hay mà ai hay nghe hát” lấy lại từ một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ.

Lay lắt một tập Chuyện nghề (NXB Tác phẩm mới, 1986; tôi vẫn thích nhìn vào trang xi nhê của sách in hồi đó, thường xuyên là các số có năm chữ số: lần này là “In 10.100 cuốn khổ 13×19”, rất không giống sách của bây giờ, nhiều khi chỉ có đìu hiu ba chữ số) nằm bên cạnh tập Mưa Thuận Thành. Tập thơ này tôi còn nhớ rất rõ mình đã mua nó (hay là cứu nó?) từ một gánh hàng đồng nát nào đó tình cờ gặp trên đường. Chắc là tôi cũng đã không mua nó, nếu như ở trang đầu tiên không có dòng chữ “Thân tặng” và chữ ký ở dưới đọc rất rõ là “Hoàng Cầm”, ghi thêm ngày tháng “1/91”. Giá của tập thơ này hình như chưa đến 500 đồng, nếu tính thị giá tương đương của bây giờ thì cũng rất rẻ mạt. Trong lịch sử văn học hiện đại, đã có chuyện Paul Theroux vì tình cờ phát hiện sách mình đem tặng Naipaul xuất hiện cả lố tại một hiệu sách mà đã trở thành một kẻ tử thù của “Sir”. Chắc là tôi cũng sẽ đỏ mặt một chút hoặc là cười một chút khi chính mình rơi vào cảnh tượng ấy. Rất may (hay không may) là tập Mưa Thuận Thành tôi tìm thấy trên vỉa hè lần ấy không ghi rõ tên người nhận của lời đề tặng.

Sep 14, 2011

Sách (XLIV) Thơm mãi

Hai quyển sách mới, rất là mới.

Thứ nhất là bản in lại cuốn sách rất ông cụ: Sử kí Thanh Hoa (Le Parfum des humanités). Bản dịch của Nguyễn Văn Vĩnh, Đông Tây & NXB Lao động. Sách song ngữ, dĩ nhiên.

Nghĩa là in lại quyển này.

Bản 2011 này có "Lời giới thiệu" của GS Chương Thâu, dài hai trang.

Tôi thử giở cái trang mô phỏng bìa sách cũ, thấy ngay tên Xử lý Toàn vụ Toàn quyền Monguillot bị chép lại thành Mongullot. Điềm gở đây, mặc dù ngay trong trang bên cạnh có ghi rất rõ ràng đàng hoàng: "Tái bản theo đúng bản in lần thứ nhất".

Trang tiếp là tiếp tục lỗi: "A monsieur Maurice Monguillot [à chỗ này lại viết đúng tên Xử lý Toàn vụ Toàn quyền] Résident Supérieu [sic] au Tonkin Gouverneur Général P.I. de l'Indochine est dédié cet auvrage [sic] qui n'aurait pas été entrepris sans ses conseils et sans ses encouragements. E. V"

Mấy chữ mà hai lỗi.

Sep 12, 2011

CNHTXHCN [tiếp]

Sau Hội Nhà văn thì đến một cột chống khác của đời sống văn học nghệ thuật chúng ta trong suốt nhiều chục năm: chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Các bác nên đọc bài dưới đây cùng bài đăng trên blog của bác Hoa Sơn luận kiếm.

Bài gốc: Jérôme Bazin, “Le réalisme socialiste et ses modèles internationaux”, Vingtième siècle. Revue d’histoire, 109, jan.-mar. 2011, p. 73-87.

Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa và các mô hình quốc tế của nó

Jérôme Bazin

Một thứ nghệ thuật cộng sản quốc tế được xây dựng ở phạm vi như thế nào và đâu là các mô hình của nó? Tác giả tìm cách trả lời những câu hỏi đó bằng cách tập trung vào phân tích các môn nghệ thuật tạo hình của Đông Đức. Thông qua nghiên cứu các catalogue triển lãm, nhiều tài liệu lưu trữ đa dạng và các cuộc phỏng vấn, ông cho thấy vai trò cốt yếu của “các chủ nghĩa hiện thực ngoại vi” (hội họa Ý và Pháp và nghệ thuật tranh tường Mexico) trong việc xây dựng một thứ nghệ thuật cộng sản.


“Nghệ thuật thuộc về quần chúng. Phải bám rễ càng sâu càng tốt vào các khối quần chúng lao động. Phải được quần chúng lao động thấu hiểu và yêu mến[1]”. Những lời châu ngọc mà Clara Zetkin bảo là của Lênin đã được nhắc đi nhắc lại ở rất nhiều vùng trên thế giới trong thế kỷ XX. Vừa hống hách vừa thiếu chính xác, những lời này đặt ra các câu hỏi nhiều hơn là ấn định một thứ giáo điều. Chúng lại càng mơ hồ hơn vì phải được áp dụng vào mọi hình thức biểu hiện nghệ thuật (văn học, âm nhạc, nghệ thuật hội họa, v.v…) và không hề cung cấp một chỉ thị bắt buộc nào (ngay cả khi người ta biết rằng Lênin rất thích nghệ thuật hàn lâm thế kỷ XIX). Vậy là các phong trào nghệ thuật rất khác nhau tự khoác lên cho mình sứ mệnh hồi ứng những lời hiệu triệu của Lênin: từ chủ nghĩa xây dựng [constructivisme] của những năm 1920 cho tới một số tác phẩm trình diễn những năm 1960 và 1970, rồi chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa.

Như vậy đường hướng chính của nghệ thuật cộng sản là đòi hỏi đáp ứng “quần chúng”, mong muốn của nó trong việc xử lý các mối liên hệ xã hội. Ngoài nguyên lý này dần dà còn có thêm các đặc điểm khác nữa: một sự sùng bái biểu tượng [iconographie] (hình tượng con người tranh đấu và hình tượng công nhân, khung cảnh công nghiệp, lá cờ đỏ, v.v…), các thực hành nghệ thuật (lao động với những người không chuyên và với những người xa lạ với thế giới nghệ thuật), các thái độ chính trị (lòng trung thành với đảng và công khai bày tỏ thiện cảm với đảng) và cuối cùng là một hình thức tạo hình, chủ nghĩa hiện thực, cái kể từ những năm 1930 đã trở thành hình thức duy nhất được các đảng cộng sản bảo vệ. “Chủ nghĩa hiện thực” được ấn định như là thuật ngữ chứa đựng đòi hỏi tiên quyết là phải đi sâu vào quần chúng.

Sep 9, 2011

không biết làm gì thì


Khi không biết làm gì, có người rất ầm ĩ như là đi vào quán karaoke hoặc ra đường đua xe, có những người yên tĩnh như là đọc sách hoặc thậm chí rất yên tĩnh: im lặng không làm gì cả. Những điều đó tôi hiểu được, mặc dù khi không biết làm gì, thường thì tôi đi uống bia. Tôi cũng đã quen với cách xử lý của đạo diễn phim truyền hình Việt Nam, những lúc cô gái thôn quê trong phim không biết làm gì (tức là đạo diễn không biết phải làm gì - và điều này rất hay xảy ra), cầm chắc là ngón chân cái của cô di di trên mặt đất, cô sẽ cúi đầu mắt chớp chớp mân mê cái gấu áo hoa cổ cánh sen cài khuy giữa, rồi cô từ từ (cũng có lúc rất đột ngột - tùy tâm trạng của cô, hay nói đúng hơn là tùy ngẫu hứng của đạo diễn) ngẩng đầu lên nhìn xa xăm, rồi bỗng hiện lên một dòng sông thật là mênh mang, rồi mấy câu hò chèo đò thật là tha thiết.

Nhưng cũng trên truyền hình, còn có một cách khác rất phổ biến để xử lý những lúc “không biết làm gì”. Cũng là đồng nghiệp với nhau, nhưng cách thức giải quyết thời gian chết của những người dẫn chương trình trò chơi truyền hình khác hẳn kiểu cô thôn nữ nhiều e ấp và sôi nổi sóng ngầm trong lòng kia. Các trò chơi trên truyền hình Việt Nam (ôi nhiều vô kể) rộn ràng không chỉ vì có rất nhiều món hàng cần đoán cho đúng giá, rất nhiều ô chữ cần giải vừa nhanh vừa chính xác, mà còn vì một sáng kiến rất vĩ đại.

ồ ồ

Trời đang yên tĩnh, bỗng bĩnh một cái, nước ồ ồ chảy xuống. Mưa.

Các bạn đừng có cười, tôi quyết định tập viết văn đấy. Khởi đầu dĩ nhiên là phải khó khăn rồi, nhưng qua được gian nan lúc đầu thế nào cũng đến được xán lạn tương lai :p

Lâu toàn làm việc nghiêm túc, hôm nay quyết định làm một cái gì đó bớt nghiêm túc, con người ta làm việc bằng đầu óc nhất thiết phải tri túc tri chỉ :) Nghĩ đi nghĩ lại thì thấy tốt nhất là vào trang văn hóa của tờ báo "có mục văn hóa khá" theo lời nắc nỏm của ông Trần Hữu Dũng.

Thấy có một bài về Marcel Proust, hehe đùa chứ nhìn thấy là biết ngay có cái để cười rồi. Để làm sang lấp liếm cho vô số bài viết theo kiểu hẹ hẹ của mình, tờ báo "có mục văn hóa khá" thỉnh thoảng lại đăng lên một bài rõ dài về các đại văn hào, lần nào cũng như lần nào, tiêu diệt từ Balzac đến Tolstoy, không tha một ai hết cả.

Bài về Marcel Proust ấy đây, niềm vui trong ngày của tôi ấy đây.

Hí hí ông bố của Marcel Proust cách vài dòng đã từ Adrien biến thành Louis. Rồi "đại lộ Hausmann", rồi "dưỡng bệnh tại Evitan", rồi "nhà văn Sidonie - Cabrielle Colette". Cái tờ báo này luôn luôn gặp vấn đề khi viết tên riêng. Nhưng vấn đề lớn nhất của nó là lúc nào cũng bịa đặt trắng trợn, quàng xiên: dám bảo quyển đầu của À la recherche du temps perdu in năm 1913 là tập hai chứ không phải tập một. Vớ vỉn thật, Gide vứt bản thảo "Swann" vào sọt rác của Gallimard nhưng nó vẫn chính là tập đầu tiên của bộ và cũng là tập đầu tiên được in, bên Grasset. Năm 1919 tập hai (Dưới bóng những cô gái tuổi hoa) ra đời, lần này thì lại là Gallimard, và đó là quyển được giải Goncourt.

+ Cái laptop của tôi mấy hôm nay bị một cái bệnh rất lạ nhé: trang nào cũng vào được hết, trừ báo Tuổi trẻ. Thử kiểu gì cũng không được, mà nghe nói bên í mới đăng mấy bài long giời lở đất lắm. Hức hức tôi nói thật đấy, không phải bịa ra để giễu gì đâu. Bác nào biết cái bệnh này giúp tôi sửa cái, tôi cảm ơn.

+ Thôi đi tập viết văn tiếp đây :p

+ Bài về Hội Nhà văn đã kết thúc rồi nhé, tuy là đoạn mới thêm chưa được nhẵn lì cho lắm, và các chú thích còn chưa xử lý, ngại quá :( Trang web của Hội Nhà văn Việt Nam có xin về đăng hong :ppp

Sep 7, 2011

(Brand New Ones) Russell Banks

Hic không biết bác NSC đi đâu lâu thế, giá kể có bác ấy ở đây giúp "mở rộng phạm vi đấu tranh" :p

Mở rộng phạm vi…

Cho tới rất gần đây, một nền văn học lớn như văn học Mỹ hiện diện ở Việt Nam thật ra rất mỏng và lệch. Nếu không phải Cuốn theo chiều gió thì độc giả Việt Nam thường sẽ nghiêng về hai thái cực: say đắm các nhà văn “cánh tả” như Ernest Hemingway hay Jack London và cả nhà văn tương đối trung bình O. Henry, hoặc nếu không thì sẽ theo dòng rất mực giải trí gồm tác phẩm của những người như Sydney Sheldon, Stephen King hay John Grisham.

Điều này hẳn là có nguyên do lịch sử, nhưng có thể nói rằng ngoài một số hiện tượng đột xuất như Trên đường (Jack Kerouac), Giết con chim nhại (Harper Lee) hay Bắt trẻ đồng xanh (Salinger) từng có bản dịch từ cách đây nhiều chục năm, cả miền Bắc và miền Nam đều không dịch nhiều văn chương Mỹ, mặc dù ở miền Bắc đã sớm có Chữ A màu đỏ (Hawthorne) và miền Nam đã dịch rất công phu Moby Dick (Melville) ở ngay đầu sự tồn tại của Việt Nam Cộng hòa. Với sự xuất hiện của các nhà văn như Saul Bellow, Don DeLillo, Raymond Carver và Philip Roth, dòng chủ lưu của văn chương Mỹ (tạm gọi là “cao cấp”) mới bắt đầu được đưa dần vào Việt Nam.

Sep 6, 2011

Của các bác đây

Cho các bác hâm mộ bạn Ngốc (tên nó trong nguyên bản tiếng Tây Ban Nha là Imbécil, trong bản tiếng Pháp thì gọi là "Le Bêta"). Warning là đừng đọc truyện sau đây khi đang ăn hoặc đang uống nhé :p, nhìn chung kiểu hài hước của các bác Latinh hay như thế này lắm.

Những đứa trẻ màu xanh lơ

Sự thật có thật duy nhất mà mẹ tôi từng nói kể từ khi chúng tôi quen biết nhau (sắp được mười năm rồi) là Ngốc là đứa trẻ ít ngăn nắp nhất hành tinh. Nó khát khi không có nước, nó buồn ngủ khi không có giường, đói khi không có gì ăn, và muốn đi ị khi không có phòng vệ sinh. Và nó không bao giờ biết chờ đợi. Nếu nó khát, chúng tôi phải vào ngay quán cà phê đầu tiên nhìn thấy; nếu nó đói, phải mua bánh ngọt cho nó; nếu nó đánh mất cái ti giả, phải đến hiệu thuốc nào còn mở cửa dù đã là bốn giờ sáng và, nếu nó muốn vào phòng vệ sinh, điều duy nhất nó biết làm là để hai tay ra đằng sau mông, mặt đỏ lựng lên và, như mẹ tôi vẫn nói, điều gì đến sẽ đến. Chúa mới biết chúng tôi phải chạy với tốc độ nào để lên khỏi tàu điện ngầm và tìm cho ra một gốc cây! Nó đã tiến bộ: hồi ba tuổi, nó tụt quần xuống ngay giữa phố, bây giờ nó nhịn được cho đến quán cà phê gần nhất. Tuy nhiên, không muốn cũng phải tin thôi, nó vẫn luôn luôn có cái tính sốt ruột như trước. Nếu muốn một cái kem, nó sẽ gào lên và, chừng nào mẹ tôi còn chưa mua cho nó, nó sẽ vẫn cứ tiếp tục. Tôi, trên thực tế, điều này thật ra tôi thấy ổn, vì nhờ những lần gào thét của nó mà tôi cũng có quyền được một cái kem miễn phí, từ lâu nay, tôi vẫn hay khuyến khích nó khóc lóc một chút để làm cho mẹ tôi dịu xuống. Nhưng nếu như mà cái thằng bợm ấy không cảm thấy muốn ăn kem, thì bạn có thử làm cái thủ thuật nho nhỏ để mua chuộc nó, nó vẫn chẳng buồn cố gắng gì hết cả đâu. Tôi lại gần nó và thì thầm vào tai nó: “Nào, làm đi, sau đó anh sẽ cho em đi cùng anh và Tai To ra công viên”, thế mà nó, nó sẽ bắt đầu hát, ngó lơ đi chỗ khác như thể tôi không tồn tại. Nó là một đứa trẻ rất tàn bạo.

Thế nên khi nhìn thấy nó trong một góc phòng thử đồ, trong trang phục màu xanh lơ kiểu sành điệu, hai tay để đằng sau mông, tôi bắt đầu nổi cáu:

- Mày đừng có làm cái gì đó vào trong cái quần không thuộc về chúng ta chứ.

- Bé em ỉa.

Bé em ỉa. Câu của nó đấy. Tôi thì tôi thấy với một đứa bé tí như thế câu nói này hơi bị mạnh mẽ quá, nhưng không có cách nào dạy nó được một câu khác. Một lần, tôi đã mất đúng một tuần để nhắc đi nhắc lại với nó:

- Em phải nói là em đi ị, vì những đứa bé như em không nói là đi ỉa đâu.

Thế là nó nhìn tôi và nói với tôi, vẻ mặt của nó là vẻ mặt của một đứa bé thiên thần:

- Bé em đi ị.

Tôi vỗ tay hoan hô và cho nó một trong những bức ảnh của tôi làm phần thưởng. Cũng phải trả giá thì tôi mới trở thành huấn luyện viên của nó được đấy. Tôi cho nó hết bức ảnh này đến bức ảnh khác. Nhưng điều khó tin nhất là, khi thời điểm của sự thật xảy đến, khi nhu cầu của nó đã trở nên bức bách lắm rồi, nó vẫn lặp lại cùng sai lầm ấy, thông báo với chúng tôi như sau:

- Bé em ỉa.

Kết quả của toàn bộ câu chuyện đó là tôi đã phải chuyển sang cho nó cả bộ sưu tập ảnh của tôi mà những giờ rèn giũa kiểu Anh quốc vẫn cứ xôi hỏng bỏng không. Để dàn xếp mọi chuyện, mẹ tôi thò đầu vào qua cánh cửa phòng bếp nói với tôi:

- Để cho nó yên ngay lập tức, theo như mẹ biết thì con có phải là viện sĩ hàn lâm về ngôn ngữ đâu.

Bạn thấy đấy, tôi thì ra sức cố gắng làm mọi thứ cho em trai tôi, nhưng mẹ tôi thì cứ lao vào ngăn cản.

Trong góc phòng thay đồ, mặt Ngốc mỗi lúc một đỏ hơn, cũng giống hệt như mọi khi. Bác Luisa lo lắng vì không nghe thấy chúng tôi nói gì, bởi từ vài phút em trai tôi và tôi chỉ thì thầm với nhau.

- Bọn trẻ, bọn trẻ, bác vừa nói vừa gõ cửa, có chuyện gì thế, mở cửa ra, bác không hề tin tưởng một chút nào vào các cháu đâu.

Bạn sẽ hiểu đây là những thời khắc vô cùng căng thẳng. Tôi nói với Ngốc:

- Xin mày đấy, đừng có làm thế.

Vì tôi biết là với nó, cứ cố khăng khăng cũng chẳng ích gì. Một tiếng động khả nghi vang lên.

- Một quả rắm nhỏ, Ngốc nói.

Nó ưa giải thích, đề phòng bạn có chút nghi ngờ nào đó.

- Hai rồi, tôi thông báo khi nghe thấy một tiếng động nữa.

Không khí trong phòng thay đồ trở nên xám xịt, tôi không nói quá lời đâu. Thật may mắn vì cửa phòng không bịt kín lên tận trần. Nếu chúng tôi dang ở trong thang máy thì tôi tin mình đã bắt đầu kinh sợ nỗi thiếu dưỡng khí. Tôi bắt tay vào việc. Tôi cởi cái quần xanh lơ kiểu sành điệu ra, đó là thứ khiến tôi lo ngại hơn cả, rồi tôi bảo nó là chúng tôi sẽ chạy thật nhanh đến chỗ phòng vệ sinh.

- Bé em không đến được đấy đâu.

- Được mà, bé em làm được mà, rồi bé em sẽ thấy: mày phải thít vào như thế này này, mạnh vào, thật mạnh, đến nỗi phải nhắm tịt mắt vào ấy, rồi mày sẽ thấy mọi chuyện khá hơn nhiều.

Nó làm theo mọi động tác mà tôi dạy cho, nó bắt chước thật là giống, trừ một chi tiết quan trọng mà tôi quên biến mất: tôi bảo nó thít, nhưng là vào phía trong. Thế nhưng nó lại thít ra phía ngoài. Mặt nó không còn đỏ lựng như trước, và nó nhìn tôi với vẻ mặt đứa trẻ thiên thần. Trông nó rất nghiêm túc.

- Được rồi. Ra rồi.

Tất cả những điều đó chúng tôi nói thật nhỏ để bác Luisa, vẫn tiếp tục dùng móng tay gãi cánh cửa, không nghe thấy gì.

- Mày bị đần hay sao đấy hả? tôi gằn giọng nói với nó.

Nó bắt đầu rung rung cái cằm như khi sắp khóc. Nhưng không giống như những lần nó bật ra những tiếng hét, không, mà đây là những giọt nước mắt đặc biệt, câm lặng, những giọt nước mắt làm tất cả chúng tôi ở nhà phát khóc, vì nỗi đau đớn mà chúng gây ra cho chúng tôi.

- Nào, đừng có khóc, để tao thu xếp vụ này.

Tôi tự thấy mình đang đảm trách vai trò người anh trai cứu thế. Người anh trai đưa đứa em thoát khỏi nhà tù; người anh trai sẽ đi tìm đứa em say rượu nằm thẳng cẳng trên hè phố; người anh trai trả những món nợ cho đứa em. Người anh trai cứu thế: tôi là vậy đấy. Tôi cởi quần cho nó, gắng hết sức để không hít thở, tránh cái mùi ấy chạy vào mũi tôi. Cứt nằm trong quần sịp của nó, tôi bọc cả lại khéo léo hết mức có thể. Tôi luồn cái gói xuống khe cửa để đẩy sang phòng bên cạnh. Thoát được khỏi bằng chứng phạm tội rồi, chúng tôi mở cửa và tôi nói với bác Luisa:

- Quần áo vừa lắm ạ.

- Mãi mới thấy ra. Bác chờ các cháu được nửa tiếng rồi đấy.

Bác thò đầu vào phòng thử đồ và ném một cái nhìn dò xét vẻ rất sát nhân.

- Sao mà trong này mùi kinh thế!

- Ngốc vừa thả hai quả rắm nhỏ đấy ạ.

- Chúa ơi, đồ con lợn! bác vừa nhìn tôi vừa nói.

Đó chính là sự thật về cuộc đời tôi đấy: em trai tôi làm những trò lợn và tôi là người phải gánh chịu.

- Thế tại sao cái thằng này lại trần truồng? bác Luisa hỏi.

- Đấy là vì mẹ cháu đấy ạ, sáng nay mẹ cháu quên mặc quần sịp cho nó, tôi đáp bằng một phản xạ mau chóng đến mức ngay chính bản thân tôi cũng thấy ngạc nhiên.

- Mẹ gì mà lại thế!

Bác Luisa mua quần sịp cho chúng tôi. Cho cả hai, vì bác nhất quyết muốn xem quần của tôi, và rồi bác phát hiện là nó bị thủng. Bác cho chúng tôi mặc những thứ đồ mới toanh, rồi bác dẫn chúng tôi vào phòng vệ sinh, dấp nước lên tóc chúng tôi và chải ngược ra đằng sau. Đây là lần đầu tiên chúng tôi mặc những chiếc sơ mi cứng như vậy. Có thể nói rằng chúng tôi không có cổ. Chúng tôi thấy rất ngượng khi phải ra phố trong bộ đồ như thế. Đây quả đúng là một siêu thị tạo biến đổi mạnh mẽ. Các cô bán hàng bảo sao mà chúng nó xinh thế, chúng xinh quá đi và, trong khi bác Luisa trả tiền, tôi và Ngốc đứng tạo dáng người bị liệt bên cạnh mấy thằng bé ma nơ canh cho tới lúc không thể nhịn cười được nữa. Bác Luisa cầm lấy tay chúng tôi và bảo chúng tôi, bây giờ, bác rất thích cùng chúng tôi đi ra phố, còn trước đây chúng tôi là những đứa trẻ làm người khác phải hổ thẹn. Trong khi đi xuống các cầu thang cuốn, chúng tôi nghe thấy những tiếng hét của một người vừa bước ra khỏi khu phòng thử đồ, nói rằng ai đó đã ị và để lại cứt ở bên trong.

- Thật là chẳng biết phép tắc gì nữa, bác Luisa nói, vẻ rất ghê sợ, bọn họ đi ị ở trong phòng thử đồ, tè ở ngoài đường, nôn vào các góc phố. Thế giới này điên mất rồi. Các thiên thần bé nhỏ của bác, bác nói, giờ đây đã vô cùng tự hào vì chúng tôi, những đứa trẻ màu xanh lơ, chúng ta phải sống ở trong một cái thế giới như vậy đấy.

Và chúng tôi, hai đứa trẻ mới, chúng tôi mỉm cười với bác như thể chưa từng bao giờ gây điều xấu cho một con ruồi.

Sep 5, 2011

Ô trọc quá :p


Mấy chú khiêng cáng lực lưỡng đặt ông tôi lên giường, trong lúc đó thì ông cứ kêu: “A, a, a…”, vì đó là một người ông vừa thoát khỏi trạng thái gây mê. Tôi và Ngốc muốn lật chăn lên để xem liệu vết rạch mà người ta làm cho ông có thẳng được như lấy thước kẻ mà kẻ hay không, bởi nếu không chúng tôi sẽ đòi ngay sổ góp ý, nhưng mấy chú khiêng cáng lực lưỡng đã đặt những bàn tay to tướng của các chú lên vai chúng tôi, làm chúng tôi sợ chết lên được, và bảo chúng tôi rằng phải giữ cho ông thức mà không được chạm vào ông. Hai giây sau họ đã biến mất và chúng tôi bắt đầu nhận ra thật khó làm sao khi phải ở với một người ông mà không chạm vào, vì chúng tôi là những đứa trẻ luôn luôn trèo lên người khác để giẫm đạp và bằng cách ấy mà thể hiện chúng tôi trìu mến họ đến như thế nào.

Ông làm chúng tôi khổ lắm bởi, ngoài chuyện cứ kêu “A…” suốt không ngừng, ông lại còn muốn ngủ mà chúng tôi thì không để ông ngủ; chúng tôi nói vào tai ông:

- Đừng ngủ, ông ơi, đừng ngủ, nếu không ông sẽ gặp nguy hiểm chết người đấy.

Nhưng ông có thèm nghe chúng tôi nói gì đâu. Mẹ tôi đã đi gọi điện ở bốt điện thoại công cộng vì mẹ đã làm hết pin cái điện thoại di động, và chúng tôi quyết định chỉnh đầu giường cao lên để ông tôi không thể không mở mắt ra. Chúng tôi hỏi xin một đồng nữa của cái ông bị ốm và bật tivi lên cho ông tôi, cái giường đã trở thành giống như một cái ghế phô tơi. Ông không nói: “A” nữa, mà ông nói: “Ái!”. Ông ở giường bên bấm nút một cái chuông ở ngay bên cạnh cái bàn nhỏ của ông, cái lão chỉ điểm xấu tính ấy, và thế là cô y tá khổng lồ xuất hiện ở bậu cửa.

- Cô nhìn xem chúng nó làm gì con người tội nghiệp kia kìa.

Đúng là người ông tôi vẹo hẳn đi và có vẻ rất sợ hãi, miệng há hốc và đầu ngật sang một bên.

Cô y tá hỏi ai dạy dỗ chúng tôi kém thế để mà chúng tôi bây giờ trở thành những đứa trẻ đao phủ của những người ông như thế này, thế là Ngốc trả lời “Mẹ cháu đấy”, đi kèm với nụ cười mà nó vẫn luôn luôn có trên môi mỗi khi nói đến mẹ, vì tôi tin rằng nếu mà có thể, Ngốc và mẹ tôi sẽ tống cổ tất tật chúng tôi ra khỏi nhà, cả bố tôi nữa, để rồi hai người ấy sống với nhau như là hai người yêu nhau.

Cô y tá ấn thật mạnh vào chỗ điều khiển giường lên xuống, cái giường ngay lập tức quay trở về chiều nằm ngang, ông tôi dài thượt ở trên. Chúng tôi nghe thấy tiếng ông nói bằng một cái giọng rất nhỏ:

- Ái!

Ông cùng phòng nói:

- Rồi đây chúng nó sẽ giết chết ông ấy.

Cô y tá đáp lời ông ta, chẳng buồn nhìn lấy một mảy may:

- Ông im mồm đi!

Mẹ của Ngốc, “mẹ của nó”, như nó vẫn thích nói, cái người dường như không ý thức được rằng tôi mới là đứa xuất hiện trên hành tinh này trước và rằng mẹ cũng là mẹ tôi, vậy là mẹ của nó đứng trước cửa, và cả hai chúng tôi bắt đầu run lên bởi, trên đời này nếu còn có gì tồi tệ hơn một cô y tá cho bệnh nhân uống thuốc độc, thì đó chính là mẹ của bạn, khi mẹ tức giận. Nhưng, vì mẹ của Ngốc là người không thể đoán trước, thay vì mắng chúng tôi trước mặt người khác như mẹ vẫn làm, gần như là luôn luôn, lần này mẹ lại bảo vệ chúng tôi:

- Các thiên thần bé nhỏ… Chúng làm tất cả những chuyện đó là vì chúng yêu ông của chúng lắm đấy.

- Có những tình yêu giết người đấy, thưa chị, cái ông bị ốm ở giường bên lên tiếng, tôi tin là cái ông ấy ghét chúng tôi thậm tệ.

- Tốt hơn hết là chị dẫn chúng đi đi, cô y tá cao lớn nói, đừng đưa chúng nó trở lại trước khi ông đây hồi phục được một chút.

- Hôn ông đi, mẹ bảo Ngốc.

- Nhẹ nhàng thôi, người phụ nữ khổng lồ nói.

Tôi và Ngốc tiến lại gần ông.

- Ông ơi, bọn cháu phải đi đây, vì họ không muốn bọn cháu ở lại đây. Bọn cháu thì sẵn sàng ở lại lắm, nhưng họ bảo bọn cháu làm phiền ông.

Ngốc không muốn bị nhấc lên, nó tóm lấy một cái ghế, tự mình trèo lên. Nó cứ như thế đấy, những lúc lên cơn đòi sự độc lập.

- Ông không có tuyến tiền liệt, ông đang bị đau.

Ngốc chẩn đoán như vậy bên tai ông tôi đấy.

Ông gật đầu.

- Ông lấy cái ti giả của bé em nhé.

Ngốc rút nó ra từ trong túi rồi nhét xuống dưới gối.

Chỉ chúng tôi, tức là mẹ và tôi, hiểu được tầm quan trọng của món quà mà Ngốc vừa tặng đi. Nó đã cho ông cái ti giả to của nó: cái mà tôi từng vứt qua cửa sổ vào ngày sinh nhật nó rồi phải chạy xuống phố để tìm; cũng chính là cái bị rơi vào bồn cầu vì nó rất thích nhìn ngay sản phẩm nội tạng của mình để xem có to hay không, rồi một ngày cái sản phẩm đó to đến nỗi em trai tôi thốt lên: “Ồ ồ ồ!” và thế là cái ti giả rơi khỏi miệng nó, sau đó mẹ đã định vứt nó đi nhưng nó khóc lóc đến nỗi mẹ đành phải đun nó trong nước sôi rồi trả lại cho nó; cái ti giả có thâm niên cao nhất trong bộ sưu tập của nó, gần như là một đồ vật trưng bày trong bào tàng, cái mà chúng tôi đều gọi là “titi”; cái mà con Boni từng có lần ăn cắp tha về ổ của nó, rồi bác Luisa mang trả cho chúng tôi, bác bảo mẹ tôi là Ngốc có thể lây bệnh cúm sang cho con Boni; cái mà nó từng nhúng vào mọi loại nước xốt, chỉ nhúng một tí ti phần đầu ti, như thể nó là một đầu bếp 3 sao; cái mà tối nào vào lúc mười giờ, sau bữa tối, nó cũng đi tìm, rồi sau đó ngậm vào mồm nằm trên ghế sofa mà thốt ra những tiếng “gônhô, gônhô, gônhô” lừng danh của nó; cái ti giả khiến nó khóc rống lên như bò mỗi khi đánh mất ở đâu đó; cái ti giả mà chúng tôi lùng tìm khắp nhà, nhiều lần còn xuống tận nhà bác Luisa, rồi trước cửa khu nhà, tại quán Tropezón, bởi chúng tôi sợ nếu không tìm thấy thì nó sẽ hú hét suốt cả đêm mất; cái ti giả từng làm bố tôi phải về nhà ngủ một đêm thứ Hai vì nó bị rơi xuống ghế chiếc xe tải khi chúng tôi trèo lên chào tạm biệt bố; bố tôi đã phải lái xe gần bốn trăm cây số để Ngốc có thể ngủ được đêm hôm ấy, và khi xuống khỏi xe thì bố có vẻ mặt của một người rất tức giận, một bộ mặt mà cả tôi lẫn Ngốc đều chưa bao giờ nhìn thấy, và khi sau đó bố lại gần chúng tôi, chúng tôi sợ kinh khủng, rồi bố rút cái ti giả ra khỏi túi, vừa rút vừa hét:

- Thằng nào làm rơi nó vào trong xe của bố hả?

Cả hai đứa chúng tôi bắt đầu run lên vì chưa bao giờ thấy bố biến thành cái con quỷ đứng trước mặt chúng tôi kia. Ngốc khóc òa lên, và cả tôi cũng vậy, để nhỡ đâu việc ấy có thể giúp ích gì đó, và thế là bố mới bảo đây chỉ là một câu nói đùa thôi. Nhờ cái ti giả của Ngốc, chúng tôi không bao giờ còn tin vào tiết mục người bố đáng sợ nữa. Cũng nhờ cái ti giả này, chúng tôi mới có bố ở nhà vào một buổi tối thứ Hai. Mẹ vừa cười vừa nói:

- Nếu mà biết thế này thì chính em đã để cái ti giả lên ghế xe để anh ở nhà mọi buổi tối thứ Hai.

Đấy, cái ti giả mà Ngốc nhét xuống dưới gối của ông là cái ti giả như thế đấy. Để bạn hình dung được một chút giá trị của món quà. Nó gần đáng giá bằng tấm huy chương tình yêu ngày lễ mẹ, hoặc một viên kim cương. Mắt người mẹ của Ngốc ướt rượt, mắt tôi cũng thế, nhưng tôi giấu chúng đi vì tôi muốn để Ngốc ghi thêm điểm nữa ngoài những điểm mà nó đã giành được.

- Ông ơi, tôi nói với ông, ông có muốn cháu lắp răng giả cho ông trước khi bọn cháu đi không?

- Hiện tại thì ông không cần răng đâu.

Mẹ của Ngốc cầm tay chúng tôi, bảo mẹ sẽ dẫn chúng tôi đến nhà bác Luisa. Chúng tôi rời bệnh viện, cổ họng thắt lại đến nỗi gần như không nuốt nổi nước bọt.

Sep 3, 2011

Sách (XLIII) Sách đọc mùa thu

Hai đóng góp lớn nhất của những người tên "Chi" trong nghiên cứu dân tộc học tại Việt Nam:


Quyển bên tay phải (NXB Tri Thức) là in lại (lần đầu tiên trong lịch sử) Mọi Kontum huyền thoại (in lần đầu năm 1937, bây giờ gần như không ai có nữa cả). Hồi Nguyễn Kinh Chi (công chức nhà nước bảo hộ, nghề bác sĩ) lên Kontum vào năm 1933, ông đã gọi em trai mới 18 tuổi Nguyễn Đổng Chi lên cùng và sau này Mọi Kontum đã ra đời, được Andrew Hardy (Trường Viễn Đông Bác cổ, giờ không biết còn làm ở đó nữa không) nồng nhiệt khen ngợi.

Quyển bên tay trái là Vũ trụ Mường, NXB L'Harmattan, 1997. Nhà dân tộc học Nguyễn Từ Chi là con trai Nguyễn Kinh Chi. Con trai Nguyễn Đồng Chi thì là giáo sư Nguyễn Huệ Chi.

Tôi còn mấy quyển in lâu lắm rồi của Nguyễn Đổng Chi (tất nhiên không phải bộ cổ tích) mà lười chưa lục.

Trong Người Ba-na ở Kontum, ngoài phần chính văn còn có phụ lục là mấy bộ ảnh chụp trên Kontum, chợt nhớ không biết trong cuốn tiểu thuyết nào có nhân vật nghĩ National Geographic đúng là một dạng khiêu dâm trá hình :)

Sep 1, 2011

Tủ sách không phải là nhà xuất bản

Trong những gì báo chí viết về tủ sách "Cánh cửa mở rộng" mà tôi đọc được, không thấy có một ý kiến nào đặt ra vấn đề về tính chất của tủ sách.

Thật ra những người thực hiện tủ sách này (chủ chốt là GS Ngô Bảo Châu và TS Phan Việt) có lẽ đã không hề suy nghĩ đến tính chất của một "tủ sách". NXB Trẻ, nơi "đăng cai" dự án tủ sách này, với tư cách chuyên nghiệp, lẽ ra phải có những điều chỉnh cần thiết.

Theo dự định, đợt đầu của "Cánh cửa mở rộng" sẽ có mấy đầu sách, mấy đầu sách này coi như là đi theo đủ mọi hướng, không hiểu tiêu chí chung là gì.

Có ba tiểu thuyết, đều của các nhà văn tương đối cổ điển, trong đó một tiểu thuyết ngắn (của Thomas Mann), một tiểu thuyết dành cho thiếu nhi (của Selma Lagerlöf), một tiểu thuyết của nhà văn có thể gọi là "du lịch", Victor Segalen.

Có hai tập truyện ngắn, một của nhà văn cổ điển (Norman McLean), tập còn lại của một nhà văn hiện còn sống (Tobias Wolff).

Nếu là một tủ sách văn học thì cũng còn có lý, nhưng sau đó lại có thêm một khảo luận triết học của Michael Sandel và một cuốn sách toán của Mark Levi.

Những đầu sách như thế này không thể nằm chung trong một tủ sách được, vì tủ sách không phải là một nhà xuất bản. Nếu muốn làm rộng như vậy, lẽ ra nhóm thực hiện có thể mở một lúc mấy tủ sách thì mới hợp lý.

Ý kiến nữa

lần này thì đến Văn nghệ trẻ; thiếu mỗi Quân đội nhân dân nữa là đủ bộ :p

“Chỉ là điểm sách”…

Trong ý thức của các nhà phê bình văn học hiện nay của Việt Nam, tuy có rất nhiều điều mù mờ, không thống nhất (chẳng hạn như khi liên quan tới việc nhìn nhận lại một giai đoạn, đánh giá một văn nghiệp hay sự dùng dằng dính dáng tới chủ nghĩa hậu hiện đại) nhưng dường như có một sự phân biệt rất sắc nét: phê bình thì khác với điểm sách. Điều này ta đọc thấy một cách hiển ngôn từ nhà phê bình có thâm niên cao cho tới nhà phê bình mới góp mặt nhẹ nhàng trên văn đàn: họ đều dai dẳng phàn nàn rằng trên báo chí những bài liên quan đến văn học hiếm khi là bài phê bình mà “chỉ đạt trình độ bài điểm sách”.

Với tất cả sự có lý bề mặt của nó, lời khẳng định này lái sự chú tâm của chúng ta trở lại những vấn đề muôn thuở của khoa bình luận văn học, rằng cái gì có giá trị cái gì không, giờ đây lan sang cả địa hạt tưởng chừng nằm hẳn bên ngoài vòng phân định ấy. Và đẩy suy nghĩ đi xa hơn một chút, với toàn bộ sự sắc nét và rõ ràng của nó, ý kiến ấy lại đặt ra một số câu hỏi: về thực chất phê bình và điểm sách khác nhau như thế nào? “phê bình” (trong sự khác biệt có thể có với điểm sách, dĩ nhiên) có cao hơn điểm sách hay không? và trong thời điểm hiện nay, tại sao điểm sách lại có vẻ như đang lấn át phê bình (“phê bình chân chính”, như các nhà phê bình theo “phái” này sẵn sàng nói, cũng như “văn học chân chính” trong diễn ngôn của những nhà văn tự cho là mình thoát hoàn toàn khỏi văn chương “câu khách”, “rẻ tiền”).