Feb 27, 2011

Lịch sử thì bất công và cay đắng

Ta hãy thử tưởng tượng các saga Aixơlen được viết bằng tiếng Anh. Tên những nhân vật chính của chúng hẳn ngày nay sẽ quen thuộc với chúng ta giống y như tên của Tristan hay don Quichotte; đặc trưng thẩm mỹ đặc biệt của chúng, chao đảo giữa biên niên và hư cấu, hẳn sẽ khơi gợi cả đống lý thuyết; hẳn người ta sẽ tranh cãi để quyết định xem liệu có thể coi chúng là những tiểu thuyết đầu tiên của châu Âu hay không. Tôi không muốn nói là người ta đã lãng quên chúng; sau nhiều thế kỷ thờ ơ, chúng đã được nghiên cứu tại các trường đại học trên toàn thế giới; nhưng chúng thuộc về “khảo cổ học chữ nghĩa”, chúng không ảnh hưởng tới văn chương sống động.

Vì người Pháp không mấy quen với việc phân biệt quốc gia với Nhà nước, tôi thường xuyên nghe thấy người ta gọi Kafka là nhà văn Séc (quả thực là từ năm 1918 ông là công dân Tiệp Khắc). Tất nhiên, đó là một điều vớ vẩn. Kafka chỉ viết, cần nhắc lại, bằng tiếng Đức và tự coi mình, một cách thẳng thừng hết sức, là một nhà văn Đức. Thế nhưng, ta hãy thử tưởng tượng ông viết sách của mình bằng tiếng Séc. Nếu thế thật, ngày nay sẽ có ai biết đến ông? Trước khi áp đặt được Kafka vào ý thức của thế giới, Max Brod đã phải vận đến những nỗ lực khổng lồ, trong suốt hai mươi năm, và với sự trợ sức của những nhà văn Đức lớn nhất! Ngay cả khi một nhà xuất bản Praha xuất bản được những cuốn sách của một Kafka người Séc theo giả định, thì cũng không ai trong số đồng bào của ông (nghĩa là không người Séc nào) có đủ thẩm quyền cần thiết để làm được thế giới biết tới những văn bản kỳ lạ viết bằng ngôn ngữ của một đất nước xa xôi “of which we know little”. Không, tin tôi đi, ngày nay sẽ không ai biết đến Kafka, không ai hết, nếu ông là người Séc.

Ferdydurke của Gombrowicz được in bằng tiếng Ba Lan năm 1937. Phải chờ mười lăm năm nó mới được đọc và bị một nhà xuất bản Pháp từ chối. Và phải chờ nhiều năm nữa người Pháp mới có thể thấy nó trong các hiệu sách.

(MK)

+ "a far away country of which we know little": câu nói của Chamberlain tại Munich 1938: bốn nước lớn, Đức, Ý, Pháp, Anh, họp để quyết định số phận Tiệp Khắc; về vấn đề cấu trúc thế giới văn chương với các trung tâm và vùng ngoại vi, cũng như sự đột phá của những người như Kafka hay Gombrowicz, xem thêm Nền cộng hòa văn chương thế giới, Pascale Casanova; đoạn trên đây là ngay trước khi Kundera bước vào phân tích Weltliteratur (văn chương thế giới), cái khái niệm lừng danh do Goethe đặt ra

Feb 25, 2011

Lẽ sống

Don Quichotte giải thích cho Sancho rằng Homère và Virgile không miêu tả các nhân vật “như họ vốn có, mà như họ phải trở thành để có thể được lấy làm những tấm gương về đức hạnh cho các thế hệ sau này”. Thế nhưng bản thân don Quichotte lại không hề là một tấm gương để noi theo. Các nhân vật tiểu thuyết không đòi hỏi người ta ngưỡng mộ họ vì những đức hạnh của họ. Họ đòi người khác hiểu họ, và đây là một điều hoàn toàn khác. Những người anh hùng trong sử thi chiến thắng hoặc, khi thất bại, cho đến hơi thở cuối cùng họ vẫn gìn giữ được sự lớn lao của mình. Don Quichotte đã thất bại. Mà không có chút lớn lao nào. Bởi, ngay lập tức, mọi thứ đều rõ ràng: đời người đúng như bản chất của nó là một thất bại. Điều duy nhất còn lại với chúng ta khi đối diện với thất bại không thể tránh khỏi đó, mà người ta gọi là cuộc đời, là tìm cách hiểu nó. Đó là lẽ sống của nghệ thuật tiểu thuyết.

(MK)

Feb 23, 2011

Lọt zồi :)

Tin chính thức rồi nhé: Milan Kundera sẽ vào La Pléiade, tháng Ba tới đây, nghĩa là sắp sửa rồi. “Vào La Pléiade” nghĩa là vào tủ sách danh tiếng nhất nước Pháp, của nhà xuất bản Gallimard. Tủ sách de luxe này chủ yếu in toàn tập, hiện nay đâu như đã có hơn 500 đầu. Da dê, giấy Kinh Thánh ôi xời ôi trông mỏng tang nhưng tuyền là nghìn, hai nghìn trang.

Cái tủ sách í đây. Kinh nhỉ, tác giả bán chạy nhất của bộ này là Saint-Exupéry, 340.000 bản.

Mới chỉ có rất ít nhà văn còn sống mà đã có toàn tập in trong La Pléiade, toàn nhà văn Pháp trăm phần trăm: André Gide (bác này thì khỏi nói, coi như sáng lập viên, thủ lĩnh tinh thần của Gallimard rồi, muốn tìm hiểu thêm về vấn đề truyền nhân của Gide hiện nay thì mới có bài phỏng vấn này), Paul Claudel, André Malraux, Henri de Montherlant hay Roger Martin du Gard.

Đùa chứ, bác nào rất muốn tặng quà cho tôi thì khỏi cần nghĩ nữa nháaaaaaaaaa ;d

Nhân dịp này ta đọc lại bài “Tiểu thuyết gia không phải thằng hầu của các sử gia”, một bài rất nổi tiếng. Từ 1985 Kundera không nhận trả lời phỏng vấn nữa, bài trên đây là trả lời qua thư cho L’Express, nhân dịp in Vô tri ;p

Thêm nữa là những gì Philippe Sollers nói về Kundera, ngắn gọn nhưng hiểm ác ;) Bao giờ có thời gian tôi nói về mối hiềm khích giữa hai bác này, một vụ vô cùng lắt léo. Hồi này là năm 2000, Sollers công khai nói đến sự xa cách giữa hai người, sau một khởi đầu tốt đẹp hai mươi năm về trước, khi mà tờ tạp chí L’Infini (tức là kế tục của tờ Tel Quel danh tiếng, bắt đầu ra vào năm 1982) đăng nhiều bài của Kundera. Công nhận Kundera là một trong những nhà văn lớn nhất hiện nay, nhưng Sollers cũng nói đến một chứng phobia ở ông bạn cũ.



đời tôi chưa bao giờ đi xin chữ ký kiểu như thế này :))

Feb 21, 2011

Brand New Ones: etc etc

Incipit hai quyển mới in gần đây, chắc rất ít người biết:

Thứ nhất là Marco Mancassola, tiểu thuyết có cái tên kỳ cục La Vita erotica dei supernomini (Cuộc sống tình dục của các siêu nhân), một satire dày hơn 500 trang với chủ đề bọn siêu nhân thì sinh hoạt tình dục ra làm sao ;d Bản tiếng Pháp in trong tủ "Du monde entier" của Gallimard, Vincent Raynaud dịch:

"Autrefois, c’était le centre du monde : un bouquet de tiges en béton plantées dans le granit, un dédale de rues dont les bouches d’égouts dégageaient en permanence lavapeur du rêve. Autrefois, c’était sa ville, l’endroit où il accomplissait ses hauts faits, où il projetait ses exploits, où sa femme l’aimait sans réserves et où la moindre phrase prononcée sonnait comme une réplique parfaite.

En bas, Manhattan brillait comme un mirage dans l’éclat de cette fin de matinée. Red Richards passa une main sur son front. Il observait la ville à travers la verrière du sauna panoramique, au vingt-neuvième étage du George Hotel. La température augmentait et sa peau laissait filtrer la transpiration, ainsi qu’une inquiétude fluide, insaisissable, qu’il n’aurait su décrire. Il plissa les yeux. Voici New York. Voici sa ville, lumineuse et distante, derrière la vitre du sauna d’un hôtel de luxe."

Tiếp sau là Gary Shteyngart, cái tên rất khó nhớ nhưng cuốn tiểu thuyết xuất bản tại Việt Nam thời gian gần đây thì cũng dễ nhớ: Cộng hòa phi lý. Tên quyển mới này cũng kỳ cục không kém quyển của Mancassola: Super Sad True Love Story:

"June 1

Rome-New York

Dearest Diary,

Today I’ve made a major decision: I am never going to die.

Others will die around me. They will be nullified. Nothing of their personality will remain. The light switch will be turned off. Their lives, their entirety, will be marked by glossy marble head-stones bearing false summations (“her star shone brightly,” “never to be forgotten,” “he liked jazz”), and then these too will be lost in a coastal flood or get hacked to pieces by some genetically modified future-turkey.

Don’t let them tell you life’s a journey. A journey is when you end up somewhere. When I take the number 6 train to see my social worker, that’s a journey. When I beg the pilot of this rickety United-ContinentalDeltamerican plane currently trembling its way across the Atlantic to turn around and head straight back to Rome and into Eunice Park’s fickle arms, that’s a journey.

But wait. There’s more, isn’t there? There’s our legacy. We don’t die because our progeny lives on! The ritual passing of the DNA, Mama’s corkscrew curls, his granddaddy’s lower lip, ah buh-lieve thuh chil’ren ah our future. I’m quoting here from “The Greatest Love of All,” by 1980s pop diva Whitney Houston, track nine of her eponymous first LP."

tiếng Anh củ chuối hic

Feb 18, 2011

Cô đơn như ngọn hải đăng

Virginia Woolf tạo ra cho hậu thế cả một “folklore” vây quanh mình. Các đạo diễn phải làm phim về cuộc đời bà và chuyển thể tiểu thuyết của bà lên màn ảnh, không chỉ một lần. Mrs Dalloway trở thành hình tượng về người phụ nữ ở tầng lớp cao trong xã hội, thanh lịch, trau chuốt và cao quý cả trong cái chết. “Dòng ý thức” rồi mối tình đồng tính được thuật lại trong “Orlando”, hình ảnh “tự đi mua hoa cho mình” và câu nói bất hủ “để viết văn, một người phụ nữ cần có tiền và một căn phòng”… Edward Albee từng viết vở kịch danh tiếng “Who’s Afraid of Virginia Woolf”. Người ta cũng nói rằng Woolf chính là một đối cực của James Joyce, rằng chắc hẳn bà sẽ nhăn mặt ghê tởm khi đọc đến đoạn Bloom rán món thận cho bữa sáng, nhưng lại gần gũi với Marcel Proust. Các vĩ nhân của giai đoạn đầu thế kỷ XX dường như yêu ghét thật rạch ròi và khẳng định chỗ đứng trong lịch sử của mình không chỉ bằng tài năng mà còn bằng trang phục và ý kiến.

Virginia Woolf, đại diện nổi bật cho nữ quyền luận giai đoạn đầu tiên, đại diện cho chủ nghĩa hiện đại trong văn chương, cũng lại là một nhân vật không thể bỏ qua khi bàn về dòng văn chương nữ của nước Anh, những Jane Austen, George Eliot, Katherine Mansfield…, sau tập tiểu luận “Căn phòng riêng” đã có thêm một bản dịch tiếng Việt mang tên “Tới ngọn hải đăng”, Nguyễn Thành Nhân dịch, Hà Thế & NXB Hội Nhà văn. Cuốn tiểu thuyết này là một đặc trưng cho phong cách viết văn của Woolf và là một khởi đầu rất tốt cho những ai muốn đi vào thế giới riêng của Virginia Woolf.

Cũng như văn chương Anh truyền thống, câu chuyện của Woolf mở ra bằng thời tiết: “Ừ, dĩ nhiên, nếu ngày mai trời đẹp” - câu nói của bà Ramsay, một “Mrs” nữa trong tập hợp các quý bà tinh tế rợn người mà Woolf từng tạo ra trong các tác phẩm của mình, Woolf, quý bà của nhóm Bloomsbury danh tiếng quy tụ những người như Lytton Strachey, Clive Bell, Leonard Woolf chồng Virginia, và có cả sự giao du của nhà kinh tế học vĩ đại John Maynard Keynes. Ba phần của cuốn tiểu thuyết, “Khung cửa sổ”, “Thời gian qua” và “Ngọn hải đăng” gồm vô số những cảnh nhỏ của đi dạo, chuyện trò, bữa ăn và đặc biệt là suy nghĩ. Woolf nhích mình khỏi Jane Austen của thế kỷ XIX (mà bà từng viết tiểu luận phê bình - các tiểu luận của Woolf có tầm quan trọng không thua kém tiểu thuyết của bà) chính ở điểm này: những “tea party” liên tu bất tận của Austen tập hợp các miêu tả nhân vật gọn gàng, chính xác ở hình dung bên ngoài và động tác cử chỉ, với tầm quan trọng đặc biệt lớn của những câu nói, còn ở Woolf, điều đáng chú ý nhất nằm trong đầu các nhân vật: mọi thứ đã nằm ở đó, chờ đợi nhà văn kéo chúng ra, nhưng điều này cần đến rất nhiều tỉ mỉ và can đảm. Con người theo kiểu Austen có thể hiểu nhầm về nhau nhưng rồi sẽ nhìn ra bản chất đích thực sau khi vượt được những thử thách cuộc sống, còn con người kiểu của Woolf nghĩ nhiều về người khác nhưng ý thức được rằng mình chẳng hiểu được ai cả.

Woolf cũng không hẳn xa lạ với dòng văn chương gô-tích đậm đà dấu ấn trong lịch sử văn chương Anh, nhất là ở miêu tả những gì tối tăm, âm u: “Dường như không có gì có thể thoát khỏi cơn lũ bóng tối tràn trề đang luồn vào những lỗ khóa và khe hở” (tr. 177) hay “… đêm vẫn tiếp nối đêm. Mùa đông gom cất chúng và phân phát chúng đồng đều, với những ngón tay không mệt mỏi” (tr. 179). Nhưng cuốn tiểu thuyết của Woolf, dù kín đáo, vẫn liên hệ trực tiếp với thời cuộc, nhất là với cuộc chiến tranh. Trong “Mrs Dalloway” đã có ánh mắt kinh hoàng của người lính trẻ trở về từ mặt trận, còn ở đây mọi thứ đều tan nát vì chiến tranh, cả ngôi nhà, cả những mối liên hệ giữa một nhóm nhỏ thành viên trong một gia đình và một cộng đồng người khiêm tốn. Người đọc cũng tìm ra được dấu vết của một hiện tượng rất đặc trưng của thời ấy: hiện tượng các họa sĩ (trường phái ấn tượng) đổ xô về những chốn bờ biển để vẽ, qua câu chuyện của cô họa sĩ Lily Briscoe và hình ảnh họa sĩ Paunceforte khai mở một cái “mốt” mà ta thấy mơ hồ tương đồng với Gauguin và địa danh Pont-Aven.

Nhưng con người của Woolf cứ cô đơn như thế, mối cô đơn gọn gàng tinh tế giữa thời đại giết chóc và giữa những mối quan hệ thân thiết nhưng không mấy thân mật, như “ngọn hải đăng cổ kính mộc mạc” mà Mrs Ramsay cùng Tansley nhìn thấy khi ra tới bờ biển (tr. 41). Hình ảnh ngọn hải đăng hẳn không phải một điều ngẫu nhiên, và nhiều nhà văn cũng chọn nó để miêu tả sự cô đơn của con người, như gần đây là Roberto Bolaño, người đã để nhân vật Buba trong một truyện ngắn của mình cảm thán trong tâm tưởng: “Tôi thấy mình cô đơn như một ngọn hải đăng”.

Nhị Linh

+ bản dịch tiếng Việt sa vào một thói thường gặp khi dịch giả Việt Nam đối mặt với một dạng văn có quá nhiều câu dài: cắt ngắn bớt câu, và các trạng từ thường được dịch rất máy móc thành "một cách+xxx"

Feb 16, 2011

Cũ rích

loay hoay lục lại được hai bài viết lâu lắm rồi :p


Nước Pháp và Việt Nam


Không phải chỉ từ năm 1858 mối liên quan giữa Pháp và Việt Nam mới bắt đầu trở nên chặt chẽ, trong cả sự cảnh giác, dè chừng và gần gũi. Cuốn sách Người Pháp và người Annam, bạn hay thù, Ngô Văn Quỹ d., NXB Tổng hợp TPHCM, 2006, 95.000đ của Philippe Devilliers đi ngược lại lịch sử, đến tận bản Hiệp ước 1787 (ký giữa Nguyễn Ánh và vua Louis XVI). Từ tài liệu lưu trữ, tác giả tìm ra được “lỗi tại Montigny”, viên chỉ huy Pháp tại Thượng Hải trong những năm 1850. Được cử sang Annam, vì không khôn khéo trong ngoại giao, ông ta đã gây xích mích nghiêm trọng với triều đình Huế, và kể từ đó, các quân bài đô mi nô tiếp theo sẽ đổ thành một dây chuyền, kéo dài suốt gần một trăm năm lùng nhùng trong những trận chiến và mưu toan chính trị của cả hai bên.

Có hai điều đáng tiếc trong cuốn sách bằng tiếng Việt: thứ nhất, quãng thời gian mà cuốn sách thật sự viết về không được ghi rõ ở bìa sách: trên thực tế, trong tựa nguyên bản có viết rõ quãng thời gian đó: 1856-1902. Năm 1902, đồng thời với những biến động xã hội lớn ở “chính quốc”, quá trình thực dân hóa (thực chất là thuộc địa hóa) tại Việt Nam đã được hoàn thành, với những đô thị lớn và cơ sở hạ tầng. Và đó cũng là lúc trường Viễn Đông Bác Cổ lừng danh (EFEO, do toàn quyền Doumer thành lập năm 1898) bắt đầu có những bước phát triển đáng ngưỡng mộ trong công việc nghiên cứu văn hóa lịch sử Đông Dương). Điều đáng tiếc thứ hai là không có tiểu sử Philippe Devilliers, một trong hai người Pháp đầu tiên có những nghiên cứu thành công về Việt Nam sau 1945. Sau 50 năm sưu tầm tư liệu, cuốn sách của Devilliers mới được xuất bản tại Pháp gần đây, vào năm 1998. Người thứ hai là Jean Lacouture, từng có mặt ở Việt Nam trong đội quân của tướng Leclerc, khi còn là một ký giả trẻ; Lacouture là tác giả của cuốn tiểu sử lừng danh về Hồ Chí Minh (1967) và cuốn sách Việt Nam giữa hai kỳ hòa bình (1965). Trong cuốn sách tự thuật gần đây của mình (Seuil, 2005), Une Vie de rencontres (Một đời gặp gỡ) (chưa có bản dịch tiếng Việt), Jean Lacouture cũng dành một chương để kể lại những năm tháng tại Việt Nam, cùng với nỗi xúc động khi được tiếp xúc với “tướng Giáp”.

Cũng trong mạch sách nghiên cứu đáng tin cậy này là tác phẩm được trông đợi của tiến sĩ Emmanuel Poisson, Quan và lại ở miền Bắc Việt Nam – Một bộ máy hành chính trước thử thách (1820-1918), NXB Đà Nẵng, Đào Hùng và Nguyễn Văn Sự d., 2006, 90.000đ, một cuốn sách hết sức thuyết phục và chu đáo về hệ thống quan lại triều Nguyễn, đồng thời có một bổ khuyết quan trọng về phần lại, sau khi phần quan đã quá được “thiên vị” trong các nghiên cứu từ trước đến nay. Cuốn Bảo Đại hay những ngày cuối cùng của vương quốc An Nam, NXB Phụ Nữ, Nguyễn Văn Sự d., 2006, 58.000đ của Daniel Grandclément lại đi vào một cuộc đời nằm ở hồi kết của những ảnh hưởng trực tiếp của Pháp đến Việt Nam.

Ở một khía cạnh khác, như một câu trả lời của giới học giả Việt Nam trước các tác phẩm của các tác giả Pháp, Phan Ngọc mới cho xuất bản cuốn sách nhỏ Sự tiếp xúc của văn hóa Việt Nam với Pháp, NXB Văn hóa Thông tin và Viện Văn hóa, 2006, 31.500đ, bao gồm những ý kiến sáng tỏ từng được đăng rải rác nhiều nơi, giờ được tập hợp lại thành một hệ thống. Cuốn sách đưa ra những gợi ý đặc biệt có ý nghĩa với những người làm trong ngành ngôn ngữ và dịch thuật, mà quan trọng hơn cả là chương VII, “Sự tiếp xúc ngôn ngữ giữa Việt Nam và Pháp”, nơi chúng ta hiểu được (với nhiều ví dụ) sự chuyển dịch của các yếu tố ngữ nghĩa và phong cách thành các yếu tố ngữ pháp. Và cũng biết được quá trình hình thành mạo từ, giới từ, ngữ liên từ “do áp lực” của ngữ pháp tiếng Pháp. Chúng ta sẽ biết tại sao ngày nay chúng ta lại buồn cười khi nghe những cụm như “ngõ hầu” hoặc “gia dĩ”. Theo Phan Ngọc, quá trình biến đổi từ một ngôn ngữ tổng hợp thành một ngôn ngữ phân tích cũng đã từng diễn ra trong cặp quan hệ tiếng Latinh-tiếng Pháp.

Quan điểm ngữ pháp Việt Nam sao phỏng ngữ pháp châu Âu (cụ thể là Pháp) một lần nữa được trình bày công khai trong một cuốn sách này khiến chúng ta nín thở chờ xem phản ứng của giới ngôn ngữ học, vì đã từ lâu, quan điểm đó giữ vị trí “minh tinh” nhưng chưa bao giờ thiếu lời chỉ trích. Dù sao, quan hệ và tiếp xúc giữa Pháp và Việt vẫn chưa bao giờ là đơn giản. Mặc dù vậy, có vẻ như là nhà ngôn ngữ học của chúng ta, tuy đưa ra lý thuyết không thể nói là không có rất nhiều yếu tố thuyết phục, ở nhan đề sách lại không dùng một mô phỏng phổ biến theo lối “giữa... và” mà lại dùng “của... với”; những người không chuyên về ngôn ngữ học rất khó hiểu đó là một cách nói sẵn có trong tiếng Việt, hay là một mô phỏng theo kiểu khác hẳn hoặc từ một nơi khác.

Không hẳn là những cuốn sách bàn trực tiếp về mối quan hệ giữa Pháp và Việt Nam, trong dòng sách hư cấu, một cuốn tiểu thuyết xuất sắc của người nước ngoài viết về Việt Nam của David Bergen vừa được Nhã Nam và NXB Văn học ấn hành: Ở lưng chừng thời gian, Nguyễn Tuệ Đan d., 2007, 48.000 đ. Không nhiều chính trị như Một người Mỹ trầm lặng của Graham Greene, cũng không nặng nề tính chất “saga” như Saigon của Anthony Grey, cuốn tiểu thuyết của nhà văn Canada có thể coi như là cuốn sách lấy bối cảnh Việt Nam đậm màu sắc văn chương nhất từng được viết ra.

Năm 2006, khi khai mạc bảo tàng Branly đồ sộ ở Paris (một trong những sự kiện văn hóa lớn của thành phố, bởi sau khi tòa nhà thư viện quốc gia François Mitterand được xây xong cách đây vài chục năm, bảo tàng Branly do kiến trúc sư Jean Nouvel vẽ mẫu mới là một công trình lớn đầu tiên của Paris), khu trưng bày đặc biệt dành phần lớn diện tích cho những bức ảnh về Georges Condominas cùng các hiện vật ông thu thập được trong cuộc nghiên cứu người dân tộc thiểu số Việt Nam của nhà dân tộc học tài năng. Nước Pháp có thêm được một nhà dân tộc học lớn nhờ “chất liệu Việt Nam”, và Việt Nam dần hiện diện ở Pháp thoát ra ngoài những hình ảnh cũ mèm về đấu xảo thuộc địa và những cô gái mắt xếch.



Roland Barthes tạo ra huyền thoại


Thử tưởng tượng một việc đầy tính chất phiêu lưu thế này: tự viết ra những huyền thoại của thời chúng ta sống. Những gì thường ngày nhất, ăn nhập nhất với nhịp điệu cuộc sống hiện tại. Việc này liên quan đến thay đổi một chút (thật ra là khá nhiều) lối nghĩ thông thường: đã là huyền thoại thì phải là Hy Lạp, cũng như đã là kiếm hiệp thì phải là Kim Dung, hay đã là tháng Tư thì phải là hoa loa kèn. Điều kiện: những huyền thoại đó phải thật sự được rất đông đảo người ta biết đến (nếu không dám hy vọng là tất cả mọi người). Chắc cũng đã xa rồi con trâu, cánh đồng, Giang Minh Sài. Ngày nay nếu chọn 33 huyền thoại phổ biến nhất, hẳn trong danh sách sẽ có xe Matiz (thay cho xe Phượng Hoàng và xe Dream), các quán cà phê Highlands (thay cho cà phê Trung Nguyên), dẫn chương trình truyền hình Lại Văn Sâm, tủ văn phòng Hòa Phát, phim truyền hình dài tập Cảnh sát hình sự, cầu thủ bóng đá Văn Quyến, băng vệ sinh Kotex, ca sĩ Tuấn Ngọc và  Dương Trung Quốc (đã đàng hoàng thế chỗ Lê Văn Lan như đại diện ưu tú của giới sử học trên các - đúng hơn là tất cả - loại phương tiện truyền thông đại chúng).

Ý tưởng đó của tôi không phải tự dưng mà có. Đảo chiều suy nghĩ thông thường không bao giờ là chuyện dễ dàng cả, rất nhiều khi phải nhờ đến gợi ý ở đâu đó. Con số 33 cũng không phải là vô tình (đừng nghĩ ngay đến bia - bia 333 ngày nay nhất định không còn nằm trong danh sách chung khảo short list các huyền thoại gần gũi nữa; nó đã phải nhường chỗ cho bia tươi Đức - ăn kèm xúc xích to tổ chảng - của phố Vũ Ngọc Phan hoặc tầng hai tòa nhà Hàm Cá Mập, nếu chưa tính đến Sư Tử Vàng phố Thái Thịnh). Đó là danh sách mà tờ báo Le Nouvel Observateur (Người quan sát mới) đưa ra trong số của tuần thứ ba tháng Ba 2007.

33 tác giả thuộc hàng “gần huyền thoại” (trong số đó, nói cho đúng, có những người đã thực sự là huyền thoại, như các nhà văn Philippe Sollers, bậc trưởng lão của văn học Pháp và Frédéric Beigbeder, nhà văn thành công nhất của thế hệ trẻ ngoài phạm vi ảnh hưởng của cả Thế chiến thứ hai và cuộc cách mạng tình dục năm 1968) viết về 33 thứ đồ vật/nhân vật/khái niệm mà họ cho là điển hình hơn cả của cuộc sống Pháp ngày nay. Những bài viết ngắn đó đều hết sức nghiêm túc, dù chủ đề không hẳn là lúc nào cũng nghiêm túc theo một cách nhìn nào đó. Nhà văn Jean-Paul Dubois chọn món sushi của Nhật Bản, nhà phê bình nổi tiếng Charles Dantzig chọn các series phim truyền hình nhiều tập. Máy định vị GPS lắp trong xe hơi dưới cái nhìn của Beigdeber có ý nghĩa như thế này: “Giọng đều đều của cái máy không có giáo dục cho lắm (nó không nói “xin vui lòng” hay “cám ơn”) nhưng người ta vẫn răm rắp làm theo các mệnh lệnh của nó, vì biết là nó chứa đựng sự thật”.

Nhà báo Didier Jacob cung cấp cho tin nhắn điện thoại di động một chức năng hết sức quan trọng, đó là làm cho con người “quay trở về làm người, nghĩa là giống như con vật” bởi vì ngôn ngữ bị cắt vụn mà tin nhắn sử dụng không còn là ngôn ngữ đầy đủ và hoàn thiện bình thường nữa. Jacob còn tưởng tượng ra cảnh Marcel Proust loay hoay thu gọn những câu văn dài dằng dặc lừng danh của mình để nhét vừa một cái tin nhắn trên điện thoại Nokia. Một huyền thoại, theo một nhà nhân học tham gia chuyên đề của tờ Le Nouvel Observateur, “không đơn giản là một truyện kể. Nó giả định sự tồn tại của một vũ trụ với những nền tảng không thể hiển nhiên hơn.”

Ngoài những gì rất gần gũi với cuộc sống của những người viết các huyền thoại đó, “quá Pháp” để chúng ta có thể nhanh chóng hiểu được (như chương trình thời sự lúc 20 giờ mỗi tối, nữ chính trị gia Ségolène Royal hay cô diễn viên Emmanuelle Béart), một số đồ vật khác chung cho cả thế giới ngày nay: hàng không giá rẻ, blog, cái “tóm tắt hoàn chỉnh nhất con người điện toán” hay dụng cụ tìm kiếm Google, “con nhện trên Mạng”.

“Các huyền thoại năm 2007”, tên chuyên đề của tuần báo, cũng không phải là ý thích bất chợt. Đây là một hồ sơ đặc biệt để kỷ niệm 50 năm ra đời cuốn sách nhỏ của Roland Barthes. Cuốn Mythologies (Các huyền thoại) in năm 1957 có đầy đủ các yếu tố để gây sốc. Khi đó đang là một nghiên cứu viên mới vào nghề, viết báo “tay trái”, Roland Barthes đi vào những khía cạnh bất ngờ nhất: mốt quần áo, xe ôtô Citroën, món beef-steck, cuộc đua xe đạp vòng quanh nước Pháp Tour de France, như những đối tượng hết sức nghiêm túc của công việc nghiên cứu. Và cũng nhờ xuất phát theo hướng đó, lý thuyết gia văn học xuất sắc sẽ đưa ra những nền móng cho bộ môn ký hiệu học. Nghĩ đó là một sự nhập thế hay dấn thân thì hẳn là cũng có phần đúng, nhưng có lẽ là quá sức đơn giản. Roland Barthes thuộc vào những người không chịu tự nhốt mình và để người khác nhốt mình vào những thứ hạng có sẵn. Nếu không phải là nhà phê bình Pháp lớn nhất của thế kỷ XX, thì nhất định ông cũng là nhà phê bình đa dạng nhất, và, kèm theo đó một cách lôgic, độc đáo nhất. Ở Việt Nam hiện nay, ngoài bản dịch xuất sắc Độ không của lối viết (nhà văn Nguyên Ngọc), chưa có tác phẩm nào của Roland Barthes được giới thiệu rộng rãi. Ngay cả Độ không của lối viết (tác phẩm đầu tay của Barthes - 1953) cũng chỉ tìm được độc giả trong một phạm vi trí thức với số lượng tương đối nhỏ.

Roland Barthes viết về huyền thoại, và sau này chính ông cũng trở thành huyền thoại. Năm 1980, khi ông bị tai nạn ôtô chết, cả khu trí thức nhộn nhịp Saint-Germain-des-Prés của Paris đã lặng đi. Đến nay đã có vô số sách viết về ông và tác phẩm của ông. Và ngay cả một cuốn sách nhỏ như Các huyền thoại cũng được báo chí tưng bừng kỷ niệm vào năm 2007 này. Bài học mà Barthes cho chúng ta là: chuyện nhỏ không phải là chuyện không nghiêm túc, tuy rằng nghiêm túc chưa phải lúc nào cũng đảm bảo là lớn... chuyện.

Feb 15, 2011

Sách (XXVII) Đại học

Thấy mình động đến từ "Đại học" chắc là bạn Quách nữ sĩ mừng lắm vì nghĩ mình đã bắt đầu chịu cúi đầu đi theo con đường Đại học-Trung dung. Hic muốn nhắm nhưng chả làm được í, mới cả sống mà không extreme nghĩ cũng buồn, nhỉ:

Vẫn dám tiêu hoang cho đến hết
Ngày sau ra sao rồi sẽ hay
Ngày mai xán lạn màu non nước
Cốt nhất làm sao tự buổi này

Như thế cho nó máu ;p

Đại học ở đây là như thế này:


Tờ tạp chí này (của Viện Đại học Huế) nằm ở giai đoạn đầu tiên của nền giáo dục Việt Nam Cộng Hòa, nền giáo dục mà các bác có thể tham khảo một cách tổng quan trong bài viết của GS Lê Xuân Khoa ở đây.

Tạp chí là tình yêu nhớn của đời tôi :p chẳng hạn như Mr. Tin Văn muốn biết ngày xưa đã từng viết gì về Nguyễn Công Hoan trên Thời Tập hoặc Nguyễn Đăng Thường muốn xem lại bài thơ "Bây giờ trên quê hương chúng ta" trên Trình Bầy thì tôi tìm ra được ngay ;p

Còn đây là một ấn bản do Đại Học xuất bản, nhân vật Nguyễn Nam Châu đợt trước được nhắc tới trong vụ Nguyễn Vy Khanh:


quyển này xấu nhỉ, hình như được cứu thoát khỏi một cái bếp lò hic, nhưng mà tôi còn có nhiều quyển còn xấu thậm tệ hơn ;d kệ chứ, tốt gỗ hơn tốt nước sơn hehe

Feb 13, 2011

mọc nhọt ở khu m.

bao dân trong khu m. mơ thành người sông Lô
(VC)

để tôi kể các bạn nghe chuyện này nhé, bình thường chẳng bao giờ tôi kể chuyện đời tôi vì cứ nghe thấy "chuyện đời tôi" là tôi nhớ ngay đến vở kịch cùng tên ngày xưa có cô Lan Hương đóng, mà nhìn chung, các vở kịch của Tuổi Trẻ thì chỉ thích hợp cho một thời tuổi trẻ xa xôi mà thôi ;p

tôi rất ít đi đám ma (cả đám cưới nữa), gần như không bao giờ đi, nhưng hôm trước tôi đến viếng ông Hoàng Ngọc Hiến, mặc dù tôi gần như không quen ông Hiến, hôm ấy đông người lắm, có điếu văn Hữu Thỉnh nghe phát ớn các thứ, ai ở đó hoặc đọc báo chắc đều biết rồi

cách đây đã nhiều năm, giữa tôi và ông Hiến có một cuộc tranh luận nho nhỏ, tuy nho nhỏ nhưng cũng không phải là không nặng lời, tuy nhiên sau này những lần hiếm hoi gặp nhau, ông Hiến lúc nào cũng cư xử rất bình thường với tôi

điều này tuy nhỏ nhặt nhưng sống trên đời, các bác rồi sẽ biết, không phải ai cũng làm được như thế, tôi từng chùi mặt nhiều lần trước những quả nhổ nước bọt vô hình từ cả những con người vốn danh tiếng chí sĩ trí thức sĩ phu nhà văn thi sĩ ì xèo đủ cả vì một điều này hay một điều khác, mặt tôi đã đủ cứng như Vạn Lý Trường Thành, mà ngay từ đầu tôi cũng đã chẳng có nhu cầu tí ti về tụ bạ văn nghệ sĩ hay quần cư chém gió với bất kỳ ai, nhất là một bọn loser mặt giặc

bọn loser í, kinh hãi lắm, chúng dựa hơi người khác và chúng cảm động đến phát điên khi được phỉ nhổ người khác, chúng lấy nỗi vui của người khác làm đau khổ tột cùng của chúng và lấy niềm bất hạnh của người khác làm hạnh phúc đỉnh cao của chúng

tôi đến viếng đám tang ông Hoàng Ngọc Hiến để ông biết rằng tôi hiểu người như ông xét cho cùng là hiếm có ở trên đời, mặc dù tôi không có gì chung với ông

sống ở đời, giữa những ẹo ọ nhỏ mọn của lũ loser, ta nên làm gì? làm một con chim bay lên trên trời, free as a bird, vì nhỏ mọn thì vẫn là nhỏ mọn mà thôi, và loser thì vĩnh viễn vẫn phải là loser

làm một con chim, ta còn có thể làm như thế này hehe:

"sống dễ lắm, cứ nhìn vào mắt bọn trẻ con mà sống"
(Nguyễn Huy Thiệp)

Feb 11, 2011

Sách (XXVI) The Dalkey Archive


Đấy thấy chưa, đã bảo ở hiền gặp lành thì hay được tặng sách mà :d Hai quyển trong tổng số năm tiểu thuyết của Flann O'Brien nhá, hai quyển hay nhất, hai quyển đều có nhân vật khoa học gia dở người De Selby nhá. Và cả hai đều có xe đạp (với cả bơm xe đạp - đọc The Third Policeman thì sẽ biết cái bơm xe quan trọng như thế nào trong một vụ giết người kinh hãi).

De Selby (khi mới xuất hiện ở đây thì viết là de Selby, sau này ở The Dalkey Archive mới thành De Selby) trong The Third Policeman không xuất hiện mà chỉ là một reference, nhân vật chính không ngớt nhắc đến, trích dẫn. Ở The Dalkey Archive thì De Selby là nhân vật chính, nhà khoa học hâm hấp muốn tách oxygen ra khỏi không khí, và sử dụng máy thời gian (time machine) để làm rượu whiskey vụt một cái trở thành lâu năm hơn. Nhà khoa học điên rồ như là Dr. Strangelove của Kubrick í nhờ, hoặc là như hai quả amateur dở người Bouvard và Pécuchet.

Dalkey Archive cũng là tên một nhà xuất bản chủ yếu sống dựa vào đóng góp tài chính từ nhiều nguồn:

www.dalkeyarchive.com

Dalkey Archive cũng xuất bản bản dịch tiếng Anh Bouvard et Pécuchet. Cho đến giờ vẫn chưa ai vượt được Flaubert cái khoản miêu tả sự ngu dốt của con người. Còn bản thân Flann O'Brien thì được cho là đã viết ra được thứ văn chương ngang ngửa với Tristram Shandy của Laurence Sterne.

Còn Flann O'Brien thì là một con nghiện rượu thứ thiệt, một người Ailen chân chính. Nhà lại giàu nữa. Đùa chứ, những ai nhà giàu mà đi viết văn, thấy cứ thương thương nhỉ, chẳng khác gì học sinh nghèo vượt khó :p

Feb 10, 2011

hơ hơ

Tên tuổi nó ám vào người đấy các bác ạ. Trong Đỏ và đen có nhân vật Baron Baton buồn cười thế, hồi bé tôi đọc nhớ mỗi chi tiết ấy với cả chi tiết Julien Sorel rút súng bắn đoàng một phát trong nhà thờ. Kết luận: funny, violentreligious bám rễ ăn sâu thật đấy ;p

Trong lịch sử văn học Pháp, có tờ tạp chí Combat (Albert Camus các thứ) nghe là biết rồi. Chủ nghĩa lãng mạn thì có "la bataille d'Hernani", cuộc chiến xung quanh vở kịch của Victor Hugo, kể từ đó Chateaubriand mất ngôi chủ soái phong trào vào tay Hugo. Nhưng có một người ngay cái tên đã là chiến đấu, oánh nhau, vật lộn rồi: Georges Bataille.

Bataille thì nhiều thứ lắm, nhưng một thứ cực hấp dẫn là tập La Littérature et le Mal (Văn chương và cái ác) viết về tám nhà văn, trong đó đưa ra định đề là văn chương thì dính liền với cái ác. Chủ đề này gần đây có thêm một khảo luận lớn nữa của Pietro Citati, Le Mal absolu (Cái ác tuyệt đối) dày kồm kộp và rất là chi tiết về văn chương Âu Mỹ thế kỷ XIX. Quyển này thì mình ăn ở hiền lành nên đã được tặng, nhưng hồi năm ngoái dự định đưa Citati sang đây nói chuyện về Italo Calvino bị đổ bể hic.


Các ấn bản sau này của La Littérature et le Mal không in lại đủ cái bìa bốn của bản đầu tiên, 1957 (Gallimard). Cùng năm 1957 ấy Bataille còn in Le Bleu du ciel bên Jean-Jacques Pauvert và L'Érotisme bên Minuit. Hai tình yêu kia thì nói sau nhá :d, còn đây là bìa bốn của bản đầu tiên:

"Người khác thú ở chỗ họ quan sát những gì bị cấm, nhưng những gì bị cấm thì mù mờ. Họ quan sát chúng, nhưng họ cũng phải vi phạm chúng. Vi phạm những điều cấm không phải vì họ ngu dốt: việc ấy đòi hỏi một sự can đảm nhất quyết. Với con người, sự can đảm cần thiết cho việc vi phạm chính là một thành tựu. Đặc biệt, đó là một thành tựu của văn chương, với thách thức là sự chuyển động chính yếu. Văn chương chân chính có tính chất Prométhée. Nhà văn chân chính dám làm những gì đi ngược lại các luật lệ nền tảng của xã hội hiện hành. Văn chương đặt vấn đề về những nguyên lý của sự quy định, sự thận trọng cốt yếu.

Nhà văn biết mình là thủ phạm. Anh ta có thể công nhận những lầm lỗi của mình. Anh ta cũng có thể đòi được hưởng một cơn sốt, đó chính là dấu hiệu của sự đặc tuyển.

Tội lỗi, sự buộc tội, nằm ở đỉnh cao.

Trên con đường đi của tám nhà văn được nghiên cứu trong cuốn sách này, Emily Bronte, Baudelaire, Michelet, William Blake, Sade, Proust, Kafka, Jean Genet, chúng tôi đã dự cảm được cái khuynh hướng nguy hiểm này, nhưng cái khuynh hướng ấy xét về mặt con người thì lại có tính chất quyết định, cho một thứ tự do tội lỗi."

chiến nhỉ :p

Trong một ghi chú, Bataille giải thích vì sao không có Lautréamont trong tập sách này (Lautréamont thì tôi đã nhắc tới khi bàn về sự xuất hiện của  Phạm Công Thiện):

"Ở tập hợp này thiếu mất một nghiên cứu về Les Chants de Maldoror. Nhưng hiển nhiên là xem xét một cách nghiêm ngặt thì làm việc này sẽ là thừa. Về tập Poésies thì chỉ cần nói rằng nó thích ứng hoàn toàn với vị thế của tôi. Poésies của Lautréamont, đó không phải là thứ văn chương "biện hộ cho tội phạm" ư? Tập thơ ấy gây ngạc nhiên, nhưng người ta có thể hiểu được nó thì không phải là nhờ quan điểm của tôi hay sao?"

Còn đây là những gì Swinburne viết về Sade, được Bataille trích dẫn:

"Ở ngay giữa bản hùng ca đế chế ồn ã ấy ta nhìn thấy bừng bừng cháy khuôn mặt sét đánh đó, khuôn ngực rộng chằng chịt ánh chớp đó, con người-dương vật, vẻ mặt trông nghiêng đầy vẻ uy nghi và vô sỉ, cái nhăn nhó của vị Titan đáng sợ và trác tuyệt; ta cảm thấy lưu chuyển ở trong những trang viết bị nguyền rủa ấy một cơn rùng mình của vô biên, rung động trên cặp môi bốc cháy như một hơi thở của cái lý tưởng giông bão. Hãy lại gần, bạn sẽ nghe thấy phập phồng bên trong cái xác thối đầy bùn đất và đẫm máu đó những động mạch của linh hồn vũ trụ, những đường mạch căng tràn máu thần linh. Cái chốn dơ bẩn ấy lại ngập bầu trời; trong chuồng tiêu đó lại có cái gì đó của Chúa. Hãy bịt tai lại trước tiếng lách cách lưỡi lê, tiếng ùng oàng của đại bác; hãy quay đi khỏi vũng lầy chuyển động của những trận chiến thua hay thắng; khi ấy bạn sẽ thấy nổi bật lên trên cái nền tối đó một bóng ma khổng lồ, chói sáng, không sao diễn tả nổi; bạn sẽ thấy vươn cao lên trên cả một thời kỳ lấp lánh những tinh tú hình tượng kỳ vĩ và chết chóc của hầu tước de Sade."