Apr 29, 2011

Sách (XXXIII) Hoài cổ gãy cổ

Ý các bác muốn xem sách miền Bắc là như thế này phải không (xời, cái này mà lai rai tôi phải kéo được khoảng vài trăm năm ;p)


NXB Tác phẩm mới, 1986. Ơ, Tác phẩm mới có phải là tiền thân của NXB Hội Nhà văn không nhỉ?

Tập thơ này chán kinh ;d


Nhưng mà cổ ra phết, NXB Văn học, 1973.

Các bác nghe thấy tên ông Nam Mộc bao giờ chưa?


Một thời cùng Vũ Đức Phúc là hai kiện tướng sản xuất gang thép đấy :) NXB Văn học, 1978.

Quyển này thì cổ lắm í, rất cổ:


Tên nhà xuất bản Nghiên cứu, các bác nghe thấy bao giờ chưa :) Hoàng Xuân Nhị là anh em họ của Hoàng Xuân Hãn, sau này có gặp nhau, nghe giai thoại kể là cãi nhau luôn.

Quyển này thì cứ tưởng cổ thì lại là rất mới này:


NXB Đồng Nai, 1995.

Nhân gió-o đang mổ lợn ăn mừng kỷ niệm, tặng các bác (cái bìa) sách ngày xưa của một yếu nhân của các bác này :)


Lửa Thiêng, 1973.

Yơxta Becling của chị So chắc cũng chỉ cũ đến thế này :) (NXB Văn học và Sở Văn hóa Thông tin Nghĩa Bình, 1986, Hoàng Thiếu Sơn dịch), mà hóa ra là nhớ nhầm, đây là cả một cuốn tiểu thuyết hic:



Còn đây là vì căm hận tiền bối B. hehe:

Apr 27, 2011

Bi

Đọc cậu ấm ngây thơ “tường thuật” cuộc chiến xung quanh Bi! Đừng sợ.

Đến khi xuất hiện những bộ phim như Bi! Đừng sợ mới thấy Việt Nam có cái nền phê bình điện ảnh gớm thật. Luồng ý kiến từ phía “bảo thủ” thì thôi chả cần nói đến, nhưng ngay cả giới “cấp tiến” cũng ấp úng lúng búng và nhanh chóng rơi vào cái bẫy của sự diễn giải thô thiển. Đặc biệt nổi bật ở trong đó là xu hướng tán lai rai từ cái tên phim. Hâm thật, trong việc đặt tên tác phẩm nghệ thuật có nhiều chiến lược chứ có phải bị bó buộc phải theo kiểu “thực trạng và giải pháp” đâu :p có chân thật Những người nông dân ăn khoai tây thì cũng có điêu ngoa Cái này không phải là cái tẩu hay bí hiểm Catch-22. Đọc bài bình luận Bi! Đừng sợ nào mà cứ lẩn thẩn suy đoán từ cái tên là tôi thấy muốn tức thở. Phê bình điện ảnh ở Việt Nam hoàn toàn không có khả năng đi vào kỹ thuật và chiến lược hình ảnh của các bộ phim “lạ” (là lạ so với những cái không lạ :d), bạn cậu ấm ngây thơ nói đến phê bình ấn tượng chủ nghĩa, một sự bất tương thích khổng lồ, theo tôi là chính xác.

Còn bản thân bộ phim thì sao? Người ta cứ nhấn đi nhấn lại vào sự trau chuốt của Phan Đăng Di “ở từng cảnh”, tôi lại thấy không phải. Phan Đăng Di thất bại rất nhiều so với dự định và hình dung ban đầu. Dự định ban đầu không phải là cái gì bất biến và khuôn mẫu, nhưng trong quá trình làm Bi! Đừng sợ tôi có thể chắc chắn được (thể hiện ngay trong bộ phim) là Phan Đăng Di không giữ được một tâm trạng ổn định cần thiết và thường xuyên loay hoay không biết giải quyết cụ thể ở từng cảnh như thế nào. Có những cảnh lẽ ra phải làm lại vì chất lượng quá tồi, nhất là cảnh đám ma; chắc là đạo diễn chán quá chẳng đủ sức bắt diễn viên diễn lại nữa :) Nhưng Phan Đăng Di vẫn làm ra được một bộ phim mà Trần Anh Hùng ở giai đoạn sa vào nhạt nhẽo và công thức này không thể làm được. Bộ phim sắp tới mới là thực sự khó hehe.

Apr 25, 2011

Sách (XXXII) Sách vẫn còn của một thời đã mất ;p

Sến theo khuôn khổ, giống cái anh gì ngày xưa hay đeo kính hát ;d


NXB Kim Đồng 1986. Hoa Xuân Tứ bị cụt cả hai tay, nhân vật thời ấy chắc ai cũng biết.

Quyển này thảm thương:


Thảm thương vì đọc quá nhiều lần. Hết con chó này chết đến con chó khác chết hic. NXB Hà Nội 1988.

Apr 21, 2011

Đàn ông thì đáng ghét


Pierre Bourdieu, lý thuyết gia khởi nguồn của khái niệm “trường văn học” (champ littéraire) ngày càng được nhiều nhà khoa học xã hội trẻ tuổi của Việt Nam nâng niu, cũng là tác giả tác phẩm kinh điển “Các quy tắc nghệ thuật” (Les Règles de l’art) cùng vô số thuật ngữ hữu dụng, đã bước vào đời sống sách vở Việt Nam dưới hình ảnh một nhà bình luận đầy sắc sảo về giới qua cuốn sách nhỏ “Sự thống trị của nam giới” (Lê Hồng Sâm dịch, NXB Tri Thức, “Tủ sách Tinh Hoa”). Bourdieu đã qua đời năm 2002 và ngày nay giới xã hội học cũng như triết học Pháp đang ở “pha” nghiền ngẫm, phê phán tác phẩm của ông.

Trong giới xã hội học Pháp từ nhiều chục năm nay người ta nói đến sự đối đầu giữa hai nhân vật xuất chúng và danh tiếng, cũng kỳ thú không kém sự đối đầu trí tuệ giữa Jean-Paul Sartre và Claude Lévi-Strauss trước đây: Pierre Bourdieu có một “địch thủ” rất xứng tài cân sức là Alain Touraine (ở Việt Nam tác phẩm “Phê phán tính hiện đại” của ông do Huyền Giang dịch được NXB Thế giới in trong loạt “sách tham khảo” đầy bí hiểm vào năm 2003 đã tạo ra một mối quan tâm nhất định từ phía những người thích tham khảo). Cùng là cựu học sinh trường Sư Phạm phố Ulm nhưng hai người như nước và lửa với nhau, tạo nên sự sôi động không ít phần gay gắt, và người ta quan tâm nhiều đến cả trí tuệ của hai ông lẫn bản thân cái sự không ưa nhau ấy. Cạnh tranh về trí tuệ thì hấp dẫn, và dù sao cũng không gây ra bạo lực trực tiếp, hoặc nếu có bạo lực thì cũng là “bạo lực tượng trưng” hay “bạo lực êm ái”, các khái niệm mà Bourdieu dùng để dẫn dắt chúng ta vào công cuộc khảo cứu truy vấn cái vị thế đáng sợ (hoặc đáng ghét) nhưng lại rất đỗi đương nhiên của đàn ông, ở khắp nơi nơi và khắp mọi quãng thời gian lịch sử.

Apr 20, 2011

well well


Những quyển sách không có giá trị bằng nhau đồng loạt (cũng giống như mọi thứ), nên cách ứng xử với mỗi cá thể trong biển sách mênh mông mà người xưa rồi người nay bày ra trước chúng ta đương nhiên cũng cần phải khác. Nếu ghép lý thuyết của hai chuyên gia đáng tin cậy (cũng như mọi lĩnh vực, ở lĩnh vực đọc sách cũng có các mức độ tin cậy không giống nhau) là Italo Calvino và Pierre Bayard lại, ta sẽ rút ra được một chiến lược ngõ hầu thoải mái và tự tin hơn trong quá trình đọc cá nhân. Chiến lược này không hẳn là thích hợp với bất kỳ ai, nhưng cũng là thêm một gợi ý cho những ai thực sự coi đọc sách là một công việc quan trọng ở đời.

Trước tiên, Calvino, trong Nếu một đêm đông có người lữ khách (1979), thực hiện công việc phân chia, xếp loại “sách bạn chưa bao giờ đọc” rất hữu dụng. Sách chưa đọc cũng có vô số loại, chỉ cần thông qua ấn tượng thị giác ban đầu cũng đã loại trừ được vô số quyển sách chẳng mấy có ích. Những cái nhãn mà Calvino đặt ra: “sách bạn không cần đọc”, “sách làm ra cho những mục đích khác ngoài đọc”, “sách bạn chưa mở ra thì cũng đã đọc rồi bởi vì chúng thuộc loại sách chưa viết ra thì người ta đã đọc rồi”, “sách bạn cũng có ý đọc nhưng có những sách khác bạn phải đọc trước đã”, “sách hiện giờ quá đắt nên bạn sẽ chờ đến khi nào chúng được bán hạ giá”, v.v…

Apr 19, 2011

Sách (XXXI) Bắt đầu nhé :b

Chưa đến kỳ mở mùa kỳ ghét Đồ Sơn ;p nhưng đã bắt đầu một mùa hè nóng bức.

Đổi chỗ (Changing Places) của David Lodge. Cách đây 6-7 năm tôi đã muốn nhìn thấy David Lodge trong tiếng Việt. Giờ thì đã được :)

Philip Swallow và Morris Zapp, giáo sư văn chương của Đại học Rummidge bên Anh và Đại học Euphoria bên Mỹ (tất nhiên là mấy cái tên bịa ra, nhưng có nguyên mẫu là Birmingham và California) đổi chỗ cho nhau và... ta có Đổi chỗ. Trong cuốn tiểu thuyết này xuất hiện một trò chơi sách vở quái đản hạng nhất: trò humiliation.

Giễu cợt đời sống của các giáo sư đại học và giới nghiên cứu, được gọi là các campus novel, David Lodge có thể sánh ngang với Roberto Bolaño (phần đầu tiên của 2666).

Cuộc săn cừu hoang thì đã nói rồi.

Còn đây: Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa 1847-1885, luận án tiến sĩ của Giáo sư Yoshiharu Tsuboi (Đại học Waseda) bảo vệ tại Pháp năm 1982, một trong những công trình nghiên cứu huyền thoại về Việt Nam, in tiếng Việt lần đầu năm 1990.

Trong sách có "Lời giới thiệu" của Trần Văn Giàu, "Tựa" của Georges Condominas (giáo sư hướng dẫn luận án của Tsuboi), "Bạt" của Nguyên Ngọc (Nguyễn Đình Đầu, Bùi Trân Phượng và Tăng Văn Hỷ dịch).

Apr 18, 2011

Viết văn và mặc cảm Caliban

lại một bài lục lại ;p

Một trong những giới thuyết lạ lùng nhất về viết văn, tiểu luận “Mặc cảm Caliban” của Linda Lê thực hiện một khám phá đi sâu dần vào khoảng bóng tối chứa chấp đầy hiểm nguy ngự trị ở người sáng tạo. Vở kịch The Tempest (ở Việt Nam thường được biết đến dưới cái tên Bão táp) của Shakespeare đặt vào trung tâm nhân vật Prospero ông chủ của hòn đảo hoang, con người thông thái, chúa tể của ngôn từ, cùng tả hữu phụng sự Ariel, phần ánh sáng và Caliban, kẻ hoang dã. Luận đề xuất phát của Linda Lê là: cũng giống như Theseus không thể tìm ra được bí mật mê cung nếu không chạm trán quái vật Minotaur, Prospero không thể vượt trội hơn được nữ phù thủy Sycorax chủ cũ của hòn đảo nếu không nhìn thấy được ở sự tối tăm của Caliban một phần của chính mình.

Nhà văn viết bằng thứ tiếng không phải ngôn ngữ mẹ đẻ sẽ rất giống Caliban: Caliban được Prospero dạy để nói được bằng một thứ tiếng không phải của mình. Một mặt thuần phục (một cách tạm bợ) ông chủ, một mặt nuôi trong mình tham vọng lật đổ, nhà văn ở tình huống này muốn trở thành như Caliban đạt tới được đỉnh cao nghệ thuật của Prospero. “Nhà văn lưu vong chọn viết bằng tiếng Pháp phải chịu mặc cảm Caliban”, Linda Lê viết; trong sự tận tụy với ngôn ngữ của nhà văn ấy pha trộn không ít thì nhiều “tà giáo”. Một trong những hậu quả của điều này là nhà văn lưu vong “không có chỗ ở bất kỳ đâu”, cả ở đất nước trước đây của mình (bởi anh ta đã mất đi cái mà Kafka gọi là “hơi thở âm vang của tổ quốc”) cũng như tại mảnh đất đã đón nhận anh ta. Nhà văn lưu vong là một vị khách đáng ngờ, một kẻ xâm nhập, vĩnh viễn ở trong mối mâu thuẫn nội tại.

Apr 16, 2011

Phất phơ giới từ

Thấy Kapuściński so sánh người Âu và người Phi ở quan điểm thời gian và quan điểm ma quỷ, tôi nghĩ đến sự khác nhau trong cái sự giới từ.

Hồi nhỏ, học tiếng nước ngoài tôi không làm sao hình dung nổi “trèo lên cây” lại nói thành “monter dans l’arbre”. Chẳng thể hiểu nổi làm sao lại nói “in the tree”/“dans l’arbre” chứ không phải “trên cây”. Rõ ràng hai đằng quan niệm về định hướng khác nhau một trời một vực. Chắc bởi vậy mà định hướng xã hội cũng khác nhau, một đằng định hướng bao la một đằng định hướng lung tung :p

Thậm chí sự khác biệt này có lúc còn đi đến chỗ ngược hẳn với nhau: bên nói “ngồi lên ghế”, bên kia lại nói “ngồi xuống ghế”. Định hướng (và kích cỡ) của mông rất là khó đoán, vì nó mông lung.

Rồi “ngoài phố” vs “trong phố”, nhất là “trên tivi” vs “trong tivi”. Tôi luôn luôn thấy lạ khi người Việt Nam mà lại nói “xem/đọc trong báo” thay vì “xem/đọc trên báo”.

Nhưng phe “trong báo” rất là đông đảo, trong đó có cả nhà ngôn ngữ học kiệt xuất Hoàng Phê :p

[Một thời kỳ dài chúng ta hay đọc tạp chí Người đưa tin Unesco; nhưng phụ san Một cửa sổ nhìn ra thế giới nghe không được ổn nhỉ, lẽ ra phải là vào chứ.]

Apr 13, 2011

Đi vào tâm hồn sự vật

“Điều tôi trách cứ cuốn sách của ông, là cái thiện quá thiếu vắng”, Sainte-Beuve nói trong bài phê bình Bà Bovary. Tại sao, ông tự hỏi, trong cuốn tiểu thuyết này không có “dù chỉ một nhân vật có bản tính ngõ hầu an ủi, làm người đọc ngơi nghỉ nhờ một cảnh tượng tốt đẹp?”. Rồi, ông chỉ ra cho tác giả trẻ tuổi con đường cần theo: “Tôi biết ở hẻo lánh một tỉnh miền Trung nước Pháp, có một người phụ nữ còn trẻ, thông minh vượt bậc, trái tim nồng nhiệt, đang buồn chán; lấy chồng mà không được làm mẹ, không có đứa con nào để nuôi nấng, để yêu, cô ấy làm gì để nguôi bớt trí tuệ và tâm hồn quá đầy tràn của mình? […] Cô ấy trở thành một người làm ơn tích cực […]. Cô ấy dạy đọc và dạy luân thường đạo lý cho lũ con nhà dân làng, thường là sống rải rác cách xa nhau. […] Có những tâm hồn như thế trong cuộc sống tỉnh lẻ và nông thôn: tại sao không cho người ta thấy cả họ nữa? Cái đó đỡ đần, cái đó an ủi, và cái nhìn của nhân loại chỉ có thể là hoàn chỉnh thêm mà thôi” (tôi nhấn mạnh những chỗ quan trọng).

Tôi thấy mình bị cám dỗ phải châm biếm bài học đạo đức này, cái nhắc tôi theo lối thật khó cưỡng nhớ tới những hô hào rao giảng của “chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa” ngày nào. Nhưng, bỏ ra ngoài các kỷ niệm, xét cho cùng việc nhà phê bình Pháp nhiều uy tín nhất thời ấy hô hào một tác giả trẻ “đỡ đần”, “an ủi” bằng một “cảnh tượng tốt đẹp” độc giả của ông, những người, cũng như tất cả chúng ta, xứng đáng được hưởng một ít thông cảm và khích lệ, có thật lệch lạc đến thế hay chăng? Mặt khác George Sand, gần hai mươi năm sau đó, trong một bức thư, nói với Flaubert gần như là cùng điều ấy: tại sao ông lại che giấu “tình cảm” mà ông cảm thấy đối với những nhân vật của mình? tại sao trong cuốn tiểu thuyết của mình ông không trình bày “học thuyết cá nhân” của ông? tại sao ông lại mang đến cho độc giả “nỗi ngao ngán”, trong khi bà, Sand, thích “an ủi” họ hơn? Đầy thân ái, bà khuyến dụ ông: “nghệ thuật không chỉ là phê phán và đả kích”.

Apr 11, 2011

Sách (XXX) Cơ hội của nhờ bấu văn huớ

Sự khốn cùng của con người, đấy là cơ hội của (điền vào chỗ trống) hehehe.

Thử khai quật một sự kiện cách nay đã tròm trèm mười năm xem ra sao :P

Các bác xem nhá, giống nhau không:


Thì là vì giống nhau thật mà.

Nhưng cũng không hẳn là giống hoàn toàn, bìa sau nó mới khác:

Apr 10, 2011

Khác nhau

“Người châu Âu và người châu Phi có khái niệm hoàn toàn không giống nhau về thời gian, họ nhìn nhận nó khác nhau, có mối liên hệ khác nhau với nó. Trong suy nghĩ của người châu Âu thời gian tồn tại ngoài con người, tồn tại một cách khách quan, dường như ở bên ngoài chúng ta, có các đặc điểm tuyến tính và đo lường được. Theo Newton, thời gian là tuyệt đối: “Thời gian toán học, thực hữu, tuyệt đối trôi qua chính nó và bằng bản chất của chính nó, đều đặn, không phụ thuộc vào bất cứ sự vật bên ngoài nào”. Người châu Âu cảm thấy mình là nô lệ của thời gian, anh ta phụ thuộc vào nó, bị nó cai trị. Để tồn tại và hoạt động, anh ta phải tuân theo các quy luật sắt bất di bất dịch, những nguyên tắc và luật lệ cứng nhắc của nó. Anh ta phải tuân thủ các kỳ hạn, ngày tháng, giờ giấc. Anh ta di chuyển trong sự khắt khe của thời gian và không thể tồn tại ngoài chúng. Chúng áp đặt cho anh ta các kỷ luật nghiêm ngặt, những đòi hỏi và tiêu chuẩn của mình. Giữa con người và thời gian tồn tại mối xung đột không thể giải quyết, luôn kết thúc bằng thảm bại của con người - thời gian hủy diệt con người.  

Những người bản xứ, người châu Phi hiểu thời gian theo cách khác. Đối với họ thời gian là một khái niệm lỏng lẻo, rộng mở, mềm dẻo và chủ quan hơn nhiều. Là con người có ảnh hưởng đến sự hình thành của thời gian, đến dòng chảy và nhịp điệu của nó (tất nhiên, con người hành động với sự đồng ý của tổ tiên và thánh thần). Thời gian thậm chí còn là thứ mà con người có thể tạo ra, ví dụ sự tồn tại của thời gian được biểu hiện qua một sự kiện, mà sự kiện có xảy ra hay không là phụ thuộc vào con người. Nếu hai đạo quân không tham chiến thì trận đánh sẽ không xảy ra (nghĩa là thời gian sẽ không thể hiện sự có mặt của mình, sẽ không tồn tại).

Apr 7, 2011

Sách (XXIX) Bọt biển

Đã có Thế Nguyên, nhưng vẫn còn có Thế Uyên thời ấy.



Lý Chánh Trung thì đặt tên sách là Bọt biển và sóng ngầm, còn Thế Uyên thì Những ý nghĩ của bọt biển.

Quyển sách này bất ngờ chưa:

Apr 5, 2011

Sách (XXVIII) Mùa của kiệt tác

Sau những ngày chán ốm người vì sách vở toàn thứ chán ốm người, Tết nhất cũng đã qua được một lúc lâu lâu rồi, giờ là lúc dạ dày còm cõi của ta chuẩn bị xơi tái những kiệt tác.

Calvino, Bolaño, Kapuściński, Le Carré, Carver, Roth, hòm hòm thế đã.

Còn đây là một đoạn trong Sự thống trị của nam giới, Pierre Bourdieu (La Domination masculine, Lê Hồng Sâm dịch, NXB Tri Thức, "Tủ sách tinh hoa"):

"Toàn bộ đạo đức học của chúng ta, không nói đến mỹ học của chúng ta, nằm trong hệ thống các tính từ chủ yếu, cao/thấp, thẳng/vẹo, cứng rắn/mềm mại, mở/đóng kín, v.v..., mà một bộ phận lớn cũng chỉ rõ các tư thế hoặc các ý hướng của thân thể, hoặc của bộ phận này bộ phận kia của thân thể - "ngẩng cao đầu", "cúi mặt"." (tr. 36)

Ở lĩnh vực này người Pháp chắc chắn là đi rất xa phía sau người Mỹ, French Theory đi sau Théorie Américaine, thành thử ngay từ đầu Pierre Bourdieu đã trích dẫn Judith Butler, cụ thể là khái niệm "performance" (Madame Sâm dịch là "thực hành", nhưng từ này giờ bắt đầu hay được gọi là "biểu hành").

Để biết thêm ngọn nguồn khái niệm habitus của Bourdieu: tham khảo Norbert Elias, cũng là người đặt ra khái niệm "processus de civilisation". Tạp chí Vingtième Siècle số 106, Avril-Juin 2010 đi hẳn một chuyên đề lớn về Elias.

Apr 4, 2011

Qua tay

Phải qua tay mấy người như thế này thì cuốn sách mới được in, nhiều khi còn bị vầy vò chết thôi :) Trích mấy đoạn nhận xét của Jean Paulhan do PA25 chép lại từ một cuộc triển lãm về Gallimard tại Thư viện Quốc gia Pháp. Đây là công việc nội bộ của một nhà xuất bản, nhân dịp trăm năm này mà đem ra trưng bày công cộng.

Idol của mình nói năng oách thế chứ ;d

[Về Henri Michaux] "Không đáng ghét, mặc dù đôi khi tối mù. Anh ta có sự kiên nhẫn, có sự tinh tế và rất nhiều toan tính nồng nhiệt trong việc bắt ép câu từ. Cũng có cả những lời nói đùa nho nhỏ, chỉ hơi thô tục một chút. Tôi thấy thích hợp cho bộ "Une oeuvre, un portrait". Rồi sẽ tới ngày Michaux viết được những thứ rất đẹp đẽ; có thể đây đã là một trong số đó" (14//10/1925)

[Về L'Étranger của Albert Camus] "Một cuốn tiểu thuyết có chủ đề dạng dạng như "M. bị xử tử vì tội đi ra rạp xem phim sau ngày mẹ hắn chết" có vẻ giống như thật, và cuốn hút, dù chỉ chút ít, đã là đủ lắm rồi. Đây là một cuốn tiểu thuyết đẳng cấp rất cao mở đầu như Sartre và kết thúc như Ponson du Terrail. Nhận ngay không chần chừ" (11/1941)

[Về Thomas l'obscur của Maurice Blanchot] "Tôi không nghĩ anh ta sẽ có nhiều độc giả. Nhưng chắc chắn anh ta xứng đáng được in. Một khi đã chấp nhận được anh ta, thì sẽ có thể đọc bằng niềm đam mê".

Hồi đó Jean Paulhan có biệt danh Éminence Grise (Mưu sĩ), không chỉ cho nhà xuất bản Gallimard mà còn là của cả nền văn chương Pháp.

Apr 2, 2011

Covers

Có khi chỉ mấy cái bìa sách cũng kể được cả một câu chuyện: