Jan 29, 2011

Trình bày

các bác tìm hiểu mối quan hệ giữa tác giả và nhân vật qua trường hợp Manolito Mắt Kính nhá :)


Hôm trước, ở cửa hàng thịt, mẹ của Óscar Mayer nói với mẹ tôi thế này:

- Tôi sẽ mua cho Óscar nhà tôi một cái máy vi tính xách tay để nó viết lại cuộc đời nó. Xét cho cùng, những gì Manolito nhà chị kể chẳng có gì đặc biệt hết cả.

- Tốt thôi, nhưng làm thế thì sẽ phải sẵn sàng mà chịu nhiều rủi ro lắm đấy. Manolito nhà tôi đã phải thú nhận ngay từ đầu rằng nó bị gọi là Mắt Kính; con trai chị sẽ phải ký tên là Óscar Mayer [một nhãn hiệu xúc xích ở Tây Ban Nha], viết hoa từng chữ một.

- Không có chuyện đó đâu nhé, nó tên là Óscar Sandoval chứ.

Thế là mẹ tôi đáp lại ngay:

- Chị hãy công nhận là ở Carabanchel này, chẳng ai biết nó tên là Óscar Sandoval cả.

Và tất cả các bà cùng đồng thanh:

- Công nhận đi, công nhận đi!

Ở khu phố của tôi mọi chuyện cứ diễn ra như vậy đấy, người dân thích nói thẳng toẹt mọi thứ vào mặt nhau; ở đây, không ai có thể lừa ai hết.

Cậu bạn Óscar Mayer của tôi sẽ không bao giờ viết về cuộc đời mình bởi mẹ nó sẽ không bao giờ để nó bắt đầu cuốn tiểu sử tự thuật của mình bằng câu: “Tôi tên là Óscar Sandoval, nhưng tất tật lũ bạn tôi đều biết đến tôi dưới cái tên Óscar Mayer, ông vua xúc xích”.

Phải nói rằng phải can đảm lắm thì mới viết được một tiểu sử tự thuật. Mỗi lần một tập mới trong bộ bách khoa toàn thư vĩ đại về đời tôi được in, tôi lại thấy vô cùng xấu hổ khi ra đường, bởi mọi người đều biết rõ về những điều sâu kín hết mức của chúng tôi, và không chỉ có tôi, mẹ cũng rất xấu hổ khi đến chợ để rồi bác Martín bán cá nói với mẹ:

- Trời ơi, Catalina, chị đừng có đét Manolito nhà chị như thế nữa chứ; đét thế rồi đến trường thì làm sao mà học hành được.

- Cái đó thì đúng đấy, một bà lợi dụng cơ hội để nói xen vào, tôi ấy à, con trai tôi, nếu phải đét nó, thì tôi đét vào đít, lấy giày đi ở nhà mà đét chứ, để nó không bị đau mà tôi cũng không bị đau.

Trong các quán bar cho dân lái xe tải, những người phục vụ hỏi bố tôi như sau:

- Thật ra thì Manolo ơi, con trai anh nó nói anh còn phải trả nợ cho cái xe bao nhiêu tiền nữa nhỉ?

Bác Luisa cũng không thích mọi người biết bác Bernabé hay có xu hướng thả khí độc trong bụng ra, không thích mọi người biết bác đội một bộ tóc giả. Thế nhưng mẹ tôi vẫn tìm cách nói lý với bác ấy:

- Nhưng mà này, sao chị lại cứ muốn mọi người không biết anh ấy đội tóc giả trong khi mỗi Chủ nhật anh ấy lại đội một bộ có màu khác nhau nhỉ; thôi được rồi, về câu chuyện thải khí độc trong bụng… ta cũng biết nhiều người như thế mà.

Ông tôi thì chẳng thấy hề hấn gì khi mọi bí mật của mình đều bị phanh phui:

- Người ta có biết tất cả đống răng của tôi đều là răng giả thì cũng có làm sao đâu, biết tôi có vấn đề về tuyến tiền liệt thì cũng có làm sao đâu, biết tôi ngáy như kéo bễ và cả ngày cứ ngồi lì ở quán Tropezón thì cũng có làm sao đâu… Từ khi các bà già ở Câu lạc bộ Hưu trí biết mọi khiếm khuyết của tôi, họ bổ nháo bổ nhào vào tôi như một đàn ruồi. Giờ đây, các bà ấy còn thích tôi hơn trước đây, cái hồi họ cứ tưởng tôi chính là hiện thân của một ông già hoàn hảo.

Ngốc cũng vui sướng, mặc dù nó không hề thích gì chuyện tên thật của nó xuất hiện trong tập hai. Nó thì chỉ muốn cứ tiếp tục làm đứa trẻ bốn tuổi theo kiểu cổ điển, với một điều bí ẩn cần che giấu thôi.

Thôi được rồi, nói gì thì nói, ngay cả khi Óscar Mayer đã sẵn sàng kể những chuyện đáng xẩu hổ nhất trong đời nó, thì để viết ra được cuộc đời ấy, có một cái máy vi tính xách tay đâu đã đủ, vì sự thật là tôi chưa bao giờ viết những gì mà bạn đang đọc đây. Người đã viết là cái có tên ở trang bìa ấy. Chúng tôi gặp nhau lần đầu tiên cách đây đã nhiều năm, bà ấy tìm kiếm trẻ con trên phạm vi toàn hành tinh và, rốt cuộc, bà ấy đã chọn tôi. Bà ấy đến nhà tôi, đặt một chiếc máy ghi âm lên bàn và bắt tôi nói, chẳng chút xót thương nào hết. Trong suốt khoảng thời gian đó, bà ấy cứ liên hồi nhét vào miệng những cái bánh ngọt mà mẹ tôi mua từ cửa hàng bánh của Bà Porfiria mang lên. Mẹ tôi và bác Luisa quan sát bà ấy qua khóe mắt. Khi bà ấy đã đi, bác Luisa bảo:

- Sao mà cái bà ấy ăn lắm…!

Với bà ấy, tôi đã kể rất nhiều chuyện, thậm chí là cả những chuyện lẽ ra không bao giờ tôi nên kể, theo lời mẹ tôi. Khía cạnh tốt trong câu chuyện này là chúng tôi, nhà García Moreno, chúng tôi đã trở nên nổi tiếng toàn thế giới, khía cạnh tệ là điều đó chẳng giúp gì được cho chúng tôi, bởi nó không mang lại cho chúng tôi một xu nào, dù cho có người nói bà ấy đã trở nên vô cùng giàu có bằng những đồng đô la kiếm được nhờ các câu chuyện của tôi.

Cách đây chưa lâu lắm, bà ấy gọi điện đến. Mẹ tôi nói:

- Kìa, lại là bà ta quay trở lại để kiếm cho đầy túi đấy.

Lần này, chúng tôi hẹn gặp ở quán Tropezón. Chúng tôi có nghĩa là mẹ tôi, bác Luisa, ông tôi, tôi và Ngốc… và máy ghi âm đặt ngay giữa bàn, như mọi khi. Cái bà có tên ở trang bìa ấy hỏi mẹ tôi và bác Luisa liệu hai người có thể sang ngồi ở bàn khác hay không:

- Để thằng bé không bị rối trí quá…

Và khi chúng tôi chỉ còn lại hai người với nhau, ấy bảo tôi phải kể những gì tôi chưa bao giờ kể về cuộc sống trong gia đình tôi và về các bạn của tôi. Bà ấy nói những câu chuyện của chúng tôi đang cạnh tranh với các chương trình thịt tế [cháu nó nhầm ;p] trên tivi, phim tình dục và vấn đề bạo lực.

- Nào, xả cho cô những thứ bí mật khó nói đi nào.

- Đồng ý, nhưng với một điều kiện…

- Điều kiện gì nào? Cô chấp nhận tất, bà ấy nói, ở thời điểm căng thẳng tột cùng như lúc này.

- Cháu muốn trên bìa sách tên cháu phải to hơn tên cô, và tên cô phải thật là nhỏ, để ai ai cũng nghĩ rằng cháu mới là người viết cuốn sách. Hoặc cô chấp nhận như vậy, hoặc cô sẽ không có gì hết.

Bà ấy suy nghĩ trong năm phút, năm phút đáng nguyền rủa.

- Được rồi, cô đồng ý.

Tôi cũng đòi các chữ cái trong tên tôi phải sáng lên rồi tắt đi, nhưng bà ấy đáp về mặt kỹ thuật điều đó là không thể.

Rồi tôi uống một ngụm rượu từ cốc whisky thứ hai của mình (thật ra là cốc Coca-Cola thứ hai) và bắt đầu kể cho bà ấy nghe những chương câu chuyện đời tôi, những chương còn chưa bao giờ vượt qua các bức tường Carabanchel, giờ đây chúng đang ở ngay trước mắt bạn. Ông tôi nói để an ủi tôi:

- Đừng lo lắng gì hết, Manolito ạ, ông chưa bao giờ biết một gia đình nào không có bí mật khó nói phải che giấu đâu.

Người phụ nữ ấy đi khỏi cùng cuộn băng cát xét và sau một thời gian, bà ấy gửi cho tôi cuốn sách này, tức là cuốn sách thứ ba.

Tôi không biết liệu bà ấy có trở lại hay không bởi, sau ba tiếng ghi âm, lúc bà ấy tiến lại gần quầy bar để trả tiền, bác Ezequiel đã nói với bà ấy:

- Mười một nghìn đồng.

Trên thực tế, mặc dù bà ấy không hề biết, bố tôi, bác Bernabé, ông của Yihad, Yihad, Tai To, Melody Martínez, Susana, bạn trai của mẹ Tai To, mẹ của Tai To, Bà Porfiria, cô Asunción, Mù Tạt, Melanie, Jessica trước đây từng béo ị, Paquito Medina và Boni (nó đã ăn mấy con tôm) đều đến dự bữa tiệc. Người phụ nữ nín thở, rồi sau đó rời khỏi Tropezón mà gần như không cả chào tạm biệt.

- Mẹ có nghĩ là bà ấy giận không? tôi hỏi mẹ.

- Kệ bà ấy chứ; bà ấy nợ chúng ta mà, với toàn bộ số tiền mà bà ấy kiếm được nhờ chúng ta…

Và chúng tôi, các nhân vật của cuốn sách khủng khiếp này, chúng tôi chạm cốc với nhau, chẳng buồn nghĩ gì đến bà ấy nữa.

Jan 26, 2011

Đúng là Ba Tê thật

Hôm trước nói đến khả năng có thêm một Ba Tê, thế mà đúng luôn. Nhiều người câu cá sát cá, nhiều người sát châu chấu, lại có nhiều người sát gái, còn tôi có lẽ là sát sách :d Quyển í đây:


Nhà xuất bản Hiện Đại, 1970 (trong mục "Tủ sách" của talawas cũng đã có văn bản, cùng Bếp lửa và một số tác phẩm khác). Phần thể loại ghi là "truyện tình" :)) Tranh bìa là của Nguyên Khai, lúc đầu nhìn tôi lại cứ tưởng tranh của Ngọc Dũng.

Đoạn đầu có chỗ này rất gứm: "Cuối cùng để chấm dứt cơn tỉnh táo mê muội bao giờ tôi cũng phải cầu cứu đến "thói xấu" mới mong được nghỉ ngơi. "Thói xấu" với ai khác không biết, riêng với tôi đó có thể là "thói tốt". Khi thân xác lả đi sau cơn giật động trơ trọi, đầu óc trở nên trống rỗng. Mối buồn bã trở nên dịu dàng cùng sự nguội lạnh lan thấm, xua đuổi những mơ mộng cuồng loạn. "Thói xấu" hay "thói tốt" trừ khử trí tưởng, mở hoác tôi như một hành lang dài oang oang những tiếng câm tẻ ngắt." Rồi: "Em rực rỡ, em xấu xí, em viển vông, em gần gũi, em đầy trong anh, em ở xa tuốt luốt. Em chỉ là tiếng kêu ngậm kín trong những đêm lõa lồ tanh tưởi. Tôi ngồi chòm hỏm như con ếch, da cũng nhơ nhớp sần sùi, tôi có thể lăn lộn trên chiếu trải, lăn lộn khắp gian gác như con sâu róm bầy nhầy. Tôi có thể bò lê bò càng như con thú bốn chân, như con chó ghẻ, chúi nhủi đầu, chổng mông cho cơn điên thổi suốt từ hậu môn qua miệng đầy rớt rãi. Tôi có thể... tôi có thể... cái gì cũng có thể như "thói xấu" hóa thành "thói tốt". Riêng với tôi chắc chắn là "thói tốt". Ít nhất nó giúp tôi khỏi phải rời chỗ ẩn náu, khỏi phải ra ngoài, tìm đến các ngõ hẻm khuất khúc, chui vào những gian phòng hôi hám tối tăm, gặp bọn gái điếm nhơ nhớp lỳ lợm. Tôi yên ổn, tránh được bất trắc hiểm nguy. Hơn nữa, đôi khi nó còn có thể cho tôi những rung động mù tít không sao có được với người đàn bà chung chạ."

À, Thanh Tâm Tuyền làm thơ cũng có lần dùng từ "vô tri" đấy :p


"Hòn đá vô tri tim tĩnh mịch
Biết gì về tình yêu, anh, đâu biết gì về tình yêu

Đi đâu? Em đâu? Đây một mình anh
Một mình anh tôi mọi lũ một mình
Hoang vu phập phồng trong trái tim rỗng tuếch"

(Tặng vật)

Căn cứ vào từ "biết" ở câu thứ hai thì dường như "vô tri" ở đây có nghĩa là "không biết" ;pp

Tức một cái là quyển Tiếng động này sắp chữ ẩu quá, nhiều câu đọc chả hiểu gì cả hic.

NB. Cố tình chụp ảnh quyển sách trên bàn phím cái laptop để ghi nhớ ra Tết phải cố kiếm tiền thay cái của nợ dùng quá đát bao nhiêu lâu rồi. Càng ngày mình càng giống Kurt Wallander, ông í thì có mỗi con Peugeot cũ quá mà mấy tập truyện còn chưa thay được cái xe mới huhu.

Jan 24, 2011

Vô bất phi hợp thức tri giác bất giác không biết gì

Hồi tuần trước, tôi nhận được qua e-mail giấy mời có nội dung như sau:


GIẤY MỜI
Cà phê Sách Trung Nguyên trân trọng kính mời Ông/Bà tới dự buổi nói chuyện của Nguyễn Thị Từ Huy về tiểu thuyết L'Ignorance (Sự không biết) của nhà văn Milan Kundera.
Thời gian: 17:00 ngày Thứ Ba, 25/01/2011
Địa điểm: Cà phê Sách Trung Nguyên, 52 Hai Bà Trưng, Hà Nội
Rất hân hạnh được đón tiếp.

Trước đó, tôi hoàn toàn không hay biết về ý định tổ chức cuộc nói chuyện này. Chị Nguyễn Thị Từ Huy là người tôi có quen biết. Tôi thấy ngạc nhiên vì sau nhan đề tiếng Pháp L'Ignorance, trong dấu ngoặc đơn là Sự không biết. Tiểu thuyết L'Ignorance của Milan Kundera do tôi dịch đã xuất bản có tên chính thức là Vô tri, như nhiều người đã biết. Chỉ nhìn thấy tờ giấy mời này thôi, cảm giác đầu tiên của tôi là chị Nguyễn Thị Từ Huy dường như muốn phủ nhận toàn bộ bản dịch của tôi, en bloc, như người ta vẫn nói. Theo tôi làm như thế là không hợp thức.

Mấy hôm sau, vì phản ứng của tôi (thật ra cũng không có gì ghê gớm, tôi chỉ hỏi lại bên gửi giấy mời - không phải chị  Nguyễn Thị Từ Huy, mà là ban tổ chức - tại sao trong dấu ngoặc đơn lại viết như thế, và sau đó nói thêm nếu thấy làm như thế là được thì tùy thôi), trên tờ Tia Sáng (bản online) xuất hiện một đoạn tin. Đoạn tin này cũng có thể là cách để thông báo về buổi nói chuyện, nhưng tôi tin là có xuất phát từ phản ứng của tôi, ít nhất là một phần. Trong đoạn tin này, TS Nguyễn Thị Từ Huy nói "không đồng tình với cách dịch tiêu đề L'Ignorance thành Vô tri" và bên dưới giải thích cho ý kiến của mình. (L'Ignorance ở đây không phải "tiêu đề", mà là "nhan đề", xin nói luôn).

Tôi không thấy có vấn đề gì khi bị phê phán là tôi dịch sai, dịch không chuẩn etc. Nhưng việc đã phát ra giấy mời rồi sau đó mới có thông tin trên báo chí là không hợp thức. Những người đã nhận gấy mời không biết bao nhiêu phần trăm hiểu đề tài buổi nói chuyện là về cuốn tiểu thuyết Vô tri?

Nhưng những gì TS Nguyễn Thị Từ Huy phát biểu trên mặt báo thì thật là đáng nói. Đọc một lần tôi đã thấy khó tin, một người nói những điều không chính xác như thế này mà dám chắc như đinh đóng cột, không "theo tôi", "tôi nghĩ", "quan điểm của tôi là" gì hết. Đọc lần thứ hai, tôi bắt đầu hình dung ra thao tác tư duy của TS Nguyễn Thị Từ Huy, áp dụng cho cả lời giải thích về tiếng Pháp, tiếng Việt lẫn tiếng Hán. Cả ba lời giải thích đều rất đáng ngờ.

Thao tác ấy là: sử dụng từ điển dạng phổ thông (hoặc cách hiểu cá nhân) để giảng giải về từ ngữ. Tranh luận về chữ nghĩa thì làm thế đâu có được.

TS Nguyễn Thị Từ Huy viết: "chỉ có tính từ "inanimé", không có danh từ tương ứng". Tôi giở từ điển Petit Robert 2009 thì quả thực chỉ có tính từ "inanimé", nhưng giở đến một từ điển lớn hơn là Émile Littré (ấn bản của tôi là ấn bản 2003, 7 tập), thì lại khác: có mục từ "Inanimation", chú nghĩa như sau: "s. f. Manque d'animation". Và tại sao TS Nguyễn Thị Từ Huy buộc "vô tri" vào luôn với "inanimé"? Theo tôi là vì TS Nguyễn Thị Từ Huy đã tra một từ điển Pháp-Việt hoặc Việt-Pháp nào đó, chẳng hạn như ở đây. Nếu TS Nguyễn Thị Từ Huy chịu khó tìm một từ điển Pháp-Việt tốt hơn, như cuốn của Đào Duy Anh, thì hẳn chị đã không đến nỗi sai lầm như thế.

Cách TS Nguyễn Thị Từ Huy giải thích về "vô tri" trong tiếng Việt, theo tôi sai hoàn toàn. Cách giải thích mà TS Nguyễn Thị Từ Huy trình bày giống với Từ điển Tiếng Việt của Hoàng Phê. Như tôi đã nói, tranh luận về chữ nghĩa mà dựa hoàn toàn vào từ điển phổ thông thì không được. "Vô tri" nó có nghĩa khác nghĩa mà TS Nguyễn Thị Từ Huy nói nữa chứ. Trong các từ tổ ghép với "vô" ở từ điển Hán-Việt Đào Duy Anh, có "vô tri", được Đào Duy Anh chú nghĩa: "Không biết gì", rồi sau đó mở ngoặc đơn, trong ngoặc đơn là... "ignorant". Đúng cái từ chúng ta đang bàn ở đây. Tôi nhờ một bạn chuyên gia Hán-Nôm tra thêm từ điển của Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm thì thấy tương tự. TS Nguyễn Thị Từ Huy không thể khẳng định "vô tri" chỉ có nghĩa như chị nói.

Đến đoạn về chữ Hán thì chán luôn. Tôi có học tiếng Hán, tuy chỉ abc thôi nhưng cũng hiểu các nét nghĩa của những từ ghép với "bất", "vô" (và "phi"). Thật ra điều này rất căn bản. TS Nguyễn Thị Từ Huy chắc không thể không biết câu "Bất tri tam bách dư niên hậu". Các từ tổ ghép với "bất" thường tạo ra dạng động từ, và thường đòi hỏi bổ ngữ. "Vô tri" là một tính từ, đúng vậy, nhưng khẳng định nó nhất định là tính từ thì lại sai, ngay chuyện cứ phân biệt rạch ròi từ loại trong tiếng Việt đã là một tư duy không chuẩn xác. "Vô tri" trong nhan đề cuốn tiểu thuyết tôi dùng theo ý (Sự) vô tri, chỉ trạng thái vô tri; ở nhiều chỗ "sự" là không cần thiết, có thể lược bớt, và tôi đã lược bớt - đây là một nhan đề tiểu thuyết, nó cần ngắn gọn, bởi nhan đề gốc cũng rất ngắn gọn. Ở đây tôi đã chọn Vô tri vì về nghĩa nó diễn đạt được gần nhất hàm nghĩa của L'Ignorance, lại đảm bảo được tính symétrie trong chuyển dịch.

Thêm một điều nữa, để cẩn thận hơn, tôi nhờ các bạn bên Hán-Nôm tra hộ (cám ơn các bạn), xem thử bên Trung Quốc họ dịch nhan đề L'Ignorance ra sao, thì kết quả là... Vô tri. Điều này trước đây tôi chưa biết.

Vẫn thêm một điều nữa, TS Nguyễn Thị Từ Huy đã quá liều lĩnh khi đề xuất Bất tri làm nhan đề (theo TS, ít ra nó hơn Vô tri, nhưng tất nhiên vẫn không bằng được cái Sự không biết của chị). Đến đây thì không chỉ TS Nguyễn Thị Từ Huy sai, mà còn đi ngược lại với thao tác của bản thân chị: tại sao chị không đi tra từ điển nhỉ, xin thưa là trong Từ điển Hoàng Phê không có mục từ "bất tri", và ở đây Đào Duy Anh cũng đồng ý với Hoàng Phê, trong Từ điển Đào Duy Anh không có "bất tri" mà chỉ có "bất tri bất giác".

Bên gửi giấy mời cho tôi ngỏ ý mong tôi đến dự buổi nói chuyện. Sau tất cả những chuyện như trên, thêm một cái nữa là diễn giả trong quá khứ chưa bao giờ chứng tỏ được credit về lĩnh vực này, tôi thấy tôi hoàn toàn không có nhu cầu. Cám ơn.

Làm như thế mà cũng làm được hic.

+ Vẫn liên quan đến nhan đề Vô tri: dưới đây là một vụ tôi biết đã từ lâu, đã định không nhắc tới vì không cần thiết, lại còn rất là funny, nhưng tiện đây nhắc luôn.

Bài viết "Ký ức giữa nhớ và quên" của Phạm Xuân Nguyên đăng trên damau.org thật ra là lời tựa in trong tập truyện ngắn Người đàn bà khác của Trịnh Y Thư mới in ở Việt Nam (tập truyện này tôi đọc xong hai truyện đầu thì bỏ, fiction thì cũng đừng fake đến thế chứ). Trong lời tựa này có đoạn:

"Thì ngay ở cái truyện đầu tiên, Tự truyện của kẻ đi tìm quá khứ, anh đã dẫn dắt trích đoạn khá nhiều từ tác phẩm mới nhất của MK Ignorance (TYT dịch đưa vào truyện là Bất tri, còn bản dịch của Cao Việt Dũng đã in thành sách đề là Vô tri, nhưng một dịch giả khác thì cho hai cái tên sách dịch vậy không đúng, mà phải dịch là Chẳng biết gì; biết thế để hiểu thêm MK và tìm một cách đọc TYT)."

Lẽ ra ở một chỗ thế này, tên người phát biểu cái nhận xét kia cần phải được nêu rõ ràng, thì nó mới hợp thức được, cá nhân tôi thì rất muốn biết người đó là ai để được nói với ông/bà ấy là ông/bà chẳng biết gì :)) Cách dịch "Bất tri" thì tôi đã nói rõ ở trên kia rồi, không cần nhắc lại nữa.

Nói như thế mà cũng nói được hic.

Như vậy là cùng với vụ Ngô Huy Liễn trên tienve.org đợt trước, xung quanh quyển Vô tri này thật có lắm tranh cãi và nhiều chuyện. Văn kiện đại hội gọi như thế là "tạo được dư luận" :ddd

+ Server của trang web Tia Sáng hình như đang hỏng. Cái tin nói trên có thể đọc tại đây. Nội dung thì tôi paste luôn xuống đây:


TS Nguyễn Thị Từ Huy nói chuyện về tiểu thuyết "L’Ignorance" của Milan Kundera

TS Nguyễn Thị Từ Huy sẽ có buổi nói chuyện về tiểu thuyết L’Ignorance của Milan Kundera, tác phẩm mà chị cho rằng qua đó nhà văn “tiếp tục trở lại với nỗi băn khoăn từ bao đời nay đã ám ảnh những kẻ suy tư và tìm cách giải đáp câu hỏi: con người có thể biết gì?”

Buổi nói chuyện diễn ra vào 17 giờ, thứ Ba ngày 25/01/2011 tại Cà phê Sách Trung Nguyên, 52 Hai Bà Trưng, Hà Nội. Chương trình vào cửa tự do.

Tác phẩm này đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt qua bản dịch Vô tri của Cao Việt Dũng, Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2010.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Thị Từ Huy cho biết, chị không đồng tình với cách dịch tiêu đề L’ignorance thành Vô tri.

“Vì nghĩa của từ ‘vô tri’ trong tiếng Việt đã được xác định rất rõ: không có năng lực tri giác. Vô tri được dùng để chỉ tất cả những vật chất ở trong tình trạng không có khả năng tri giác, như sỏi đá… hay là những đồ vật không có linh hồn, không có khả năng nhận biết, tri giác: bàn, ghế… Vì thế ‘vô tri’ còn có từ đồng nghĩa là “vô tri vô giác”. Và vô tri được dùng như là tính từ, thường phải nói là ‘vật vô tri’, thông thường bản thân từ ‘vô tri’ không đứng một mình. Trong tiếng Pháp cũng vậy, chỉ có tính từ “inanimé”, không có danh từ tương ứng, người Pháp cũng nói ‘objet inanimé’ [vật vô tri]. Cuốn tiểu thuyết của Kundera không đề cập tới tình trạng vô tri này, mà đề cập đến tình trạng không biết của con người. Các nhân vật có đầy đủ tri giác, tâm hồn, trí tuệ, cảm xúc, nhưng họ, hoặc là không biết đến quá khứ, hoặc là không biết đến hiện tại, hoặc là không biết tương lai, do vậy cũng có thể không biết cả ba thứ này. Nếu dịch từ l’ignorance của Kundera tôi sẽ chọn từ ‘sự không biết’”, TS Nguyễn Thị Từ Huy giải thích. Ngoài ra, theo chị, nếu muốn dùng cấu trúc hán ngữ để dịch từ l’ignorance thì phải dùng chữ “bất tri”.

Tuy nhiên, chị nhấn mạnh, “Cần phải nói rõ rằng dù tôi không tán thành cách dịch tên tác phẩm, thì điều này không hề có nghĩa là tôi đánh giá thấp bản dịch. Để có thể đánh giá chất lượng bản dịch cần đối chiếu cẩn thận với văn bản gốc…”

Jan 23, 2011

Roth

Đọc Philip Roth lúc nào cũng ảm đạm, nhỉ, bất kỳ cái gì viết ra cũng ảm đạm hết, toàn những tình cảm đen tối của con người, không phải indignation một cách trừu tượng thì cũng là humain stain vừa cụ thể vừa trừu tượng, động đến nước Mỹ thì nhất định phải là có một plot chống lại nước Mỹ. Không biết ngoài đời ông í có phải là một ông già khó chịu không, khổ thân :)

Everyman, cái nhan đề trông bình thường (nhưng cực tham vọng) như thế, cũng mở ra bằng một đám ma, thê thiết kinh.

May mà Hà Nội bớt lạnh rồi.

+ Cái vụ ấy xong xuôi cả rồi đấy nhỉ, đường sá bớt tắc hẳn, mấy hôm nữa chắc để comment lại được rồi, đợt vừa rồi nhớ các bác phết đấy ;p nhưng vì chưa biết rõ tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tr. "nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn" thế nào nên sẽ tạm thời để chế độ duyệt trước nhá.

Jan 20, 2011

Naoko

hôm qua đề về nhiêu? có phải 90 không nhỉ? ;d


Naoko không có bí mật

Với những ai đã đọc “Phía sau nghi can X”, cuốn tiểu thuyết của Higashino Keigo mới được xuất bản tại Việt Nam (“Bí mật của Naoko”, Uyên Thiểm-Trương Thùy Lan dịch, Nhã Nam & NXB Thời đại) giữ người đọc trong một sự chờ đợi đầy lo âu từ đầu tới cuối rằng nhất định sẽ có một biến nào đó vô cùng bi thảm xảy đến ở trang tiếp theo. Nhưng sự bi thảm mà câu chuyện về Naoko mang lại còn lớn hơn những chi tiết bi thảm cụ thể, vì toàn bộ “Bí mật của Naoko” là hiện thân của sự bi thảm.

Không phải vì cuốn tiểu thuyết mở ra bằng một sự kiện bi thảm: Hirasuke, một công nhân học vấn bình thường thích xem vật sumo và bóng chày trên tivi một hôm về nhà mở tivi lên và thấy vợ con mình thuộc danh sách nạn nhân của một vụ tai nạn xe buýt đường dài. Một trong hai người đã chết trong vòng tay Hirasuke, nhưng người còn lại thì Hirasuke không bao giờ biết chắc được rằng đó là Naoko vợ anh hay Monami đứa con gái chừng mười tuổi sắp học hết cấp I.

Sự bi thảm cũng không bắt nguồn từ chấn thương hậu thảm họa, những khó khăn về tâm lý phải vượt qua. Lại càng không phải những hành động thái quá, tội phạm xuất phát từ một tình trạng chông chênh về căn cước cá nhân và các chứng bệnh tâm thần như thủ pháp thường thấy của những nhà văn dám dấn thân vào con đường trinh thám và kinh dị.

Hirasuke sẽ vẫn đi làm, được thăng chức lên quản đốc, nói chuyện với bạn đồng nghiệp, tham gia cuộc đấu tranh đòi bồi thường từ hãng vận tải, đôi khi thèm muốn tình dục, từng mua tạp chí tươi mát về xem, đặt chân tới nhà thổ và rất để ý tới Hishamoto cô giáo chủ nhiệm lớp học của con gái. Cô con gái thì vẫn lớn lên bình thường. Nhưng cũng chính vì vậy mà Higashino Keigo làm đảo lộn mọi trông chờ của người đọc - một độc giả chân chính của tiểu thuyết trinh thám không bao giờ thụ động để cho tác giả dẫn dắt mà thường trực đoán trước, nhiệt tình tham gia một cuộc đua trí óc, để thoải mái mà sung sướng khi đoán trước được kết cục.

Nhưng, cũng như “Phía sau nghi can X”, “Bí mật của Naoko” lại một lần nữa thể hiện tài nghệ bậc thầy của Higashino Keigo: ông cho thấy là ngay từ đầu đã biết người ta chờ đợi và đoán định những gì để mà từng chút một làm phá sản những toan tính được vượt trội từ phía độc giả. Trong trận đấu sumo mang tên “Bí mật của Naoko”, thêm một lần nữa, người bước ra khỏi vòng tròn trong tư thế chiến thắng vẫn là tác giả.

Thế nhưng Higashino Keigo lại làm được điều này với một thủ pháp hết sức kỳ cục mà không mấy ai nghĩ là thích hợp với thể loại trinh thám, kinh dị: ở “Phía sau nghi can X” ta đã thấy rất rõ khả năng giữ chất “đạm” xuyên suốt cuốn truyện, từ những cuốc dạo bộ nhàm chán của thiên tài toán học cho tới những cuộc trò chuyện loanh quanh giữa các nhân vật, cùng vô số chào hỏi, cúi đầu chậm rãi. Tính chất Nhật Bản này càng hiện rõ hơn ở “Bí mật của Naoko”, nhất là khi nó đi sâu vào cuộc sống của những người công nhân nghèo và của những học sinh nhỏ tuổi. Không cần thay đổi nhịp điệu một chút nào từ đầu đến cuối, “Bí mật của Naoko” vẫn cứ làm người đọc thấy ngộp thở. Sự bi thảm của cuốn tiểu thuyết, một cách thật nghịch lý, xuất phát chính từ chỗ tác giả kiên quyết từ chối rơi vào cuộc chơi của sự bi thảm. Còn trong cuộc chơi của ngôn từ và ý tưởng, rõ ràng Higashino Keigo đã giành phần thắng, khi mà chỉ cần dùng tới rất ít chiêu thức mà vẫn đạt tới được một kết quả khó ngờ. Điều quan trọng có lẽ nằm ở “nội công Nhật Bản”, giống như những bộ phim không thể đơn giản hơn của Ozu trước đây.

Không che giấu một điều gì kể từ đầu truyện, không tạo ra bí mật nào, có cảm giác như nhiều khi Higashino Keigo còn để mặc cho tiến trình các sự kiện cứ thế xảy ra, không dụng công sắp xếp, thậm chí một số nhân vật đầy tiềm năng gây bùng nổ lại biến mất hoàn toàn, không một dấu vết, thế nhưng chắc chắn “Bí mật của Naoko”, bằng toàn bộ sự thanh đạm của nó, sẽ làm người đọc cảm thấy bất ổn lâu hơn rất nhiều những tiểu thuyết trinh thám bắn đến cả tấn thuốc nổ hay có một tên giết người hàng loạt sẵn sàng phanh thây đến cả một con mèo lỡ rơi vào tay hắn.

Nhị Linh

Jan 18, 2011

thả một con lô

số Xuân tờ "Thể thao & Văn hóa cuối tuần", bạn Nguyễn Trâm Anh phỏng vấn nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn, giật tít "Văn học Việt Nam đang phải trả giá", thử đọc xem trả giá cái gì, có nhiều không, liếc một phát thì thấy hai đặc điểm to đùng của phê bình Nguyễn Thanh Sơn

thứ nhất là "phê bình luận anh hùng", kiểu "bạn bè ngồi quanh, tuốt đũa sáng choang": "Nguyễn Bình Phương là một nhà văn mà tôi đánh giá rất cao", "Tác phẩm của Thuận thì tôi không thích lắm. Chị Thuận chơi rất thân với tôi, là cùng ở Nga về, nhưng mà... "xảo quá hóa vụng"", "Chị [Đoàn Minh] Phượng thì làm được chuyện ấy [chuyện ấy tức là "nhà văn phải ngây thơ như một đứa trẻ"]", "Thuận thiếu cái sự an nhiên như trẻ con", "Nguyễn Việt Hà thì tạm [tức là tạm hài hước]", "Bùi Ngọc Tấn, có lúc làm được chuyện ấy [chuyện ấy này thì lại là chuyện "Cái cười nó giúp chúng ta vượt lên cao và chiến thắng nhiều thứ"]", "Trong tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh có tình yêu"

phát này là một mũi tên bắn trúng mấy đích, những cái đích nào thì các bạn tự phân tích, trong đó hay nhất chắc là chuyện lựa chọn của các đồng chí tay ngang dạng như thế này, để chuyển sang đặc điểm thứ hai hấp dẫn hơn nhiều, tức là chuyện ấy [chuyện ấy ở đây nó là cái chuyện lô đề]:

"... văn học Việt Nam đang phải trả giá cho một giai đoạn khủng hoảng từ những năm trước, những năm 1980, 1990. Thế hệ nhà văn lẽ ra phải viết sung sức nhất là thế hệ nhà văn khoảng 30 tuổi, thế hệ nhà văn sinh vào những năm 1980, nhưng theo quan điểm của cá nhân tôi, đó lại là một thế hệ mất niềm tin, mất các giá trị. Chúng ta muốn viết hay, muốn phấn đấu cho điều gì thì phải tin vào những giá trị, còn thế hệ 8X là thế hệ không có giá trị. Họ không biết giá trị của họ ở đâu, không biết giá trị của văn chương, của nghệ thuật ở chỗ nào. Họ không xác định được giá trị cho họ. Chính vì thế nên bây gờ nền văn học phải trả giá."

và một lúc sau thì nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn bày tỏ kỳ vọng vào "các bạn trẻ thế hệ 9X", chủ yếu là vì "Các bạn trẻ bây giờ có Internet, những tác phẩm văn học hay được dịch nhiều hơn"

hay một cái là cách đây dăm bảy năm, nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn từng lên báo "đặt cược" cho thế hệ 8X, mà vì sao lại đặt cược? chính là vì đó là một thế hệ ảo tưởng, rồi thất vọng (bài này vẫn còn tìm được trên Internet đấy các bạn trẻ 9X ạ)

cứ phê bình đặt cược, phê bình lô đề thế này, dăm năm nữa lại tiếp tục đặt phát nữa, cứ thế chắc cũng còn phải được dăm ba nhát, đẩy lên OX rồi 1X rồi 2X etc.

lâu lâu ta thả một con lô, trúng thì oách, sai thì hờ hờ hờ

Jan 17, 2011

O me, my heart, my rising heart! but, down!

Recommend sách đọc cho các bác nhé: Bí mật của Naoko, Higashino Keigo, Uyên Thiểm-Trương Thùy Lan dịch, Nhã Nam & NXB Thời đại.

Higashino Keigo là tác giả của Phía sau nghi can X, tiểu thuyết trinh thám xuất sắc. Bí mật của Naoko nếu xét về mức độ bất ngờ, lập luận logic, trò chơi trí tuệ thì không bằng Phía sau nghi can X, vì đơn giản là nó không đi theo hướng đó :d Nhưng giọng văn, cách xử lý toàn thể, vân vân và vân vân, thì Bí mật của Naoko hơn đứt Phía sau nghi can X.

Bài của Mr. Nguyễn Chí Hoan về Những ngã tư và những cột đèn

(sau gần nửa thế kỷ từ ngày hoàn thành mới được công bố xuất bản, tiểu thuyết này hiện ra không một chút xa lạ với văn chương tiểu thuyết đương đại, nếu không nói nó vẫn tiếp tục là một bậc thầy vượt trội)

Bài của cùng tác giả, về Phía sau nghi can X, từ ngày xưa ;d

Jan 14, 2011

Xuất bản sách văn học ở Việt Nam

Khậc khậc, đã định giấu nhẹm cái này đi rồi kẻo mang tiếng tiếp tay cho báo Tết nhiều quá ;d



Việt Nam hiện nay hằng năm xuất bản nhiều sách không kém một số nước có ngành xuất bản nổi tiếng và lâu đời, đặc biệt là lượng đầu sách. Điều này không lạ, vì ham muốn hội nhập trong mọi lĩnh vực và nhu cầu thực tế về đọc sách ngày càng tăng lên. Vấn đề của hôm nay không còn là thiếu sách đọc, mà nằm ở các yếu tố tế nhị, khó nhìn hơn: tất nhiên có yếu tố chất lượng sách, yếu tố chọn sách, yếu tố hướng dẫn độc giả giữa rất nhiều sách, và cả một yếu tố còn chìm khuất hơn: trong sự nhiều vẫn lấp ló tính chất thiếu hụt. Điều này liên quan nhiều đến lịch sử.

Dù có là thời nào thì chúng ta cũng thường xuyên nghe những người nhiều ưu tư than phiền ở Việt Nam sách dở thì nhiều sách hay thì ít, sách ái tình nhảm nhí kiếm hiệp ba xu thì thượng phong mà sách khảo cứu, nghiên cứu chuyên sâu thì lạc hậu, bị bỏ bê. Chắc hẳn ai cũng nhìn ra vấn đề trình độ người viết, gu thẩm mỹ và tiếp nhận của người đọc, nhưng đó cũng chỉ mới là một mặt của hiện tượng. Nếu ngay từ đầu các cơ sở xuất bản đã đặt cho mình mục đích mang lại những gì có chất lượng, “đào tạo độc giả” thay vì chỉ “đáp ứng độc giả” thì mọi chuyện có lẽ đã khác.

Và ngay cả ở mảng sách nghiêm túc, tính chất nghiêm túc của nhiều bộ sách cũng rất đáng bàn. Một ví dụ dễ thấy là cuộc tranh luận diễn ra cách đây chưa lâu về các bộ “Toàn tập”: một bộ sách được gọi là “Toàn tập” rất nhiều khi lại không hề toàn tập, vì đơn giản là nó thiếu quá nhiều. Năm 2006 đã xuất hiện Toàn tập Vũ Bằng do nhà văn Triệu Xuân thực hiện gồm bốn tập (NXB Văn học), tổng cộng khoảng 3.500 trang, thế nhưng chỉ vài năm sau, người ta đã thấy có thêm những cuốn sách khác công bố thêm rất nhiều tác phẩm của Vũ Bằng chưa hề xuất hiện trong “Toàn tập”, như Vũ Bằng các tác phẩm mới tìm thấy (Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn, NXB Văn hóa Sài Gòn, 2010) hay Hà Nội trong cơn gió lốc (Võ Văn Nhơn sưu tầm và biên soạn, NXB Phụ nữ, 2010). Rõ ràng các bộ sách mệnh danh “Toàn tập” không hề xứng đáng với cái tên mà chúng mang, và hẳn hiện tượng này không chỉ đúng với Vũ Bằng.

Một điều nữa cũng dễ nhìn ra là các bộ sách dày tập hợp nhiều tài liệu lại rất hiếm khi có được một bài dẫn nhập công phu, xác đáng (công việc này thời bao cấp được tiến hành tốt hơn rất nhiều so với hiện nay, tuy cách nhìn nhận của giai đoạn đó vẫn cần bàn nhiều). Lẽ ra đó chính là cơ hội để các chuyên gia về từng mảng hướng dẫn, giải thích và giới thiệu cho người đọc, thì rất thường xuyên những bộ sách vài nghìn trang khổ lớn lại chỉ đơn thuần đi kèm vài trang viết đặt ở đầu, chủ yếu là để “trân trọng giới thiệu với độc giả” và “xin được chỉ giáo để tái bản tốt hơn”. Các nhà biên soạn nhiều khi tự loại trừ năng lực nghiên cứu của mình mà chỉ nắm lấy vai trò sưu tầm đơn thuần.

Lĩnh vực văn học dịch (xuyên suốt lịch sử xuất bản Việt Nam là tính chất trọng dịch thuật) cũng vậy, ta thấy thiếu dù vẫn biết là đã thừa. Một trong những đặc điểm cho thấy mức độ ít nghiêm túc của xuất bản tại Việt Nam là số lượng tác giả thế giới được dịch ra tiếng Việt rất lớn, nhưng rất ít tác giả, kể cả tác giả cổ điển, được dịch tương đối đầy đủ tác phẩm. Không thể tiến hành các nghiên cứu có chất lượng cao ở mảng này một khi sinh viên và học viên cao học, nghiên cứu sinh tiến sĩ sống trong môi trường thiếu hụt tài liệu lại không mấy khi được người hướng dẫn yêu cầu biết ngoại ngữ để đọc tác phẩm trong nguyên bản.

Ngay các tác giả rất lớn của thế giới cũng có sự hiện diện thiếu hụt, xộc xệch: cho đến giờ, chúng ta mới chỉ kể ra được một vài trường hợp đáng mừng hiếm hoi, như bộ Tấn trò đời 16 tập của nhà xuất bản Thế giới (Lê Hồng Sâm chủ biên) với nhiều tác phẩm được dịch trọn vẹn và các tiểu thuyết khác được trích dịch hoặc tóm tắt nội dung, hoặc Trung tâm Đông Tây trước đây từng nỗ lực mang lại Dostoievski ở dạng hoàn chỉnh nhất có thể.

Tolstoi: một trường hợp

Hội thảo “Lev Tolstoi và sự tiếp nhận di sản của ông ở Việt Nam” do Viện Văn học phối hợp với một số cơ quan, tổ chức khác tiến hành hồi tháng trước đã đem lại một cái nhìn tổng kết về dịch thuật và nghiên cứu Tolstoi ở Việt Nam trong suốt lịch sử. Sẽ không có nhà văn nước ngoài thứ hai nào tiêu biểu hơn cho cách thức tiếp cận, dịch và giới thiệu văn học thế giới như Tolstoi, bởi ngay từ đầu, mọi nhân vật chính trị quan trọng thuộc bất kỳ phe phái nào đều tỏ lòng kính phục Tolstoi: Nguyễn Ái Quốc tự coi mình là người học trò nhỏ của Tolstoi, Nguyễn An Ninh viết về Tolstoi, và ngay Phan Khôi cũng có bài viết nổi tiếng “Cái thế lực của nhà văn hào” đăng Đông Pháp thời báo năm 1928 về Tolstoi. Một cái nhìn sâu vào trường hợp Tolstoi sẽ gợi ý rất nhiều cho sự hiểu của chúng ta về dịch thuật tác phẩm thế giới nói chung ở Việt Nam.

Tham luận “Lev Tolstoi trong công cuộc hiện đại hóa văn học Việt Nam (giai đoạn trước 1945)” của PGS. TS Đào Tuấn Ảnh cho biết năm 1939, nhà sách Đông Phương đã in cuốn Tolstoi 147 trang của Nguyễn Phi Hoanh và năm 1942 cũng tác giả này cho ra đời cuốn Văn hóa Tolstoi do nhà Tân Việt ấn hành dày 191 trang. Cùng năm 1942, nhà xuất bản Tân Việt cho ra cuốn Một ngày của Tolstoi của Kiều Thanh Quế kèm Phụ lục là bài viết nhan đề Tự truyện của Stefan Zweig do ông chuyển ngữ. Trước 1945, tiểu thuyết Phục sinh rất được các nhà văn Việt Nam ưa chuộng, và bản dịch An na Kha Lệ Ninh của Vũ Ngọc Phan là một dấu mốc thật đáng ghi nhớ của lịch sử dịch thuật Việt Nam giai đoạn trước 1945 (sau này, nhà sách Khai Trí ở Sài Gòn tái bản An na Kha Lệ Ninh, in từ 1970 đến 1972, ở tên dịch giả ngoài Vũ Ngọc Phan còn có Vũ Minh Thiều). Cũng đã có người chỉ ra sự tương đồng của nhân vật Duy trong Con đường sáng của Hoàng Đạo và Levin trong Anna Karenina.

Thế nhưng mặc dù cả miền Bắc và miền Nam trước 1975 đều cho ra đời không ít bản dịch tác phẩm Tolstoi, tất cả vẫn là những công việc manh mún, nhỏ lẻ. Trong khi các nhà xuất bản nước ngoài thường xuyên tập hợp, hiệu chỉnh các bản dịch, hoặc dịch mới, nhằm đưa ra một phiên bản toàn tập hoặc tuyển tập quan trọng, cơ sở đáng tin cậy cho công việc nghiên cứu, thì ở Việt Nam các bản dịch đều có dấu hiệu tự phát, được đến đâu hay đến đó, có tập hợp lại thì cũng sẽ mất rất nhiều công sức biên soạn.

Đó là Tolstoi, các tác giả khác còn có số phận kém xa. Đặc điểm nổi bật ở Việt Nam là đa số nhà văn nước ngoài nổi tiếng (đặc biệt là nhà văn được giải Nobel) đều có xuất hiện, nhưng thường là lẻ tẻ, không hình thành được một khối lượng dịch thuật tương đối đầy đủ: một hoặc một vài tác phẩm chưa thể nói lên nhiều điều về một sự nghiệp văn chương lớn, đấy là còn chưa nói tới sự thiếu hụt mảng sách tiểu sử, nghiên cứu vô cùng quan trọng luôn luôn đi kèm với các nhà văn lớn tại nhiều nước.

Vẫn sẽ thiếu, tuy đã thừa

Công việc hướng dẫn độc giả định hướng, tìm đến và thưởng thức sách hay không chỉ thuộc về các nhà phê bình và những người làm công việc điểm sách, mà nên và cần được khởi động ngay từ khâu xuất bản. Một trong những công cụ hữu hiệu nhất là các tủ sách. Thế nhưng, nhìn lại lịch sử xuất bản Việt Nam, rất ít tủ sách của các nhà xuất bản có lượng sách phong phú, sức sống lâu dài. Đặc điểm này khiến xuất bản Việt Nam rất khác với các nền xuất bản uy tín trên thế giới: khi mà lượng đầu sách và lượng bản sách ấn hành đã không còn thua kém các nước khác, thì trình độ chuyên sâu và mức độ cam kết của các cơ sở xuất bản Việt Nam (khác với xuất bản từng cuốn sách, việc hình thành và duy trì một tủ sách nghiêm túc cho thấy khả năng định hướng và khả năng hoạt động lâu dài) phải nói là rất thấp, ngày nay cũng như trong lịch sử.

Khi viết lại lịch sử xuất bản Việt Nam, hẳn sẽ rất khó có cái nhìn tổng quát và chi tiết về các tủ sách. Điều này không dễ vì các lý do: các tủ sách thực thụ không có nhiều, không rõ nét, không có các đặc điểm riêng biệt, nhiều tủ sách chỉ lèo tèo dăm đầu sách và hình như chúng cũng không thực sự có ảnh hưởng lớn lên một công chúng độc giả đông đảo. Hơn thế nữa, rất nhiều tủ sách gần như là “tủ sách ma” với lời giới thiệu ban đầu rất hứa hẹn nhưng sau này các đầu sách được liệt kê với lời quảng cáo “sẽ xuất bản” gần như đều không thấy xuất hiện: ví dụ như trước 1945, Nguyễn Mạnh Tường với tủ sách “Construction de l’Orient” (Xây dựng Đông phương) tại NXB của Đông Dương tạp chí và Sài Gòn trước 1975, Phạm Công Thiện với nhà xuất bản Phạm Hoàng của mình tuyên bố sẽ dịch hết tác phẩm của Nietzsche, nhưng kết quả thực tế rất nghèo nàn.

Một số tủ sách có thể kể tên đây đó: “Tủ sách nghệ thuật” của Quốc học thư xã, “Tủ sách biên khảo” của nhà xuất bản Thanh Tân, tủ sách “Những mảnh gương” của NXB Tân Việt, tủ “Sách khảo cứu” của NXB Tân Việt, “Tủ sách Nghiên cứu và phê bình văn học” của NXB Trình Bầy, trong dòng sách dịch nhà Khai Trí có một tủ sách khá đa dạng đặt tên là “Loại gió bốn phương”, trong đó in lại không ít dịch phẩm đã xuất bản trước 1945 (như An na Kha Lệ Ninh đã nói ở trên). Ngoài ra còn có các tủ sách gắn liền với những tờ tạp chí, hoặc chính bản thân tạp chí thực chất cũng là một dạng tủ sách hoàn chỉnh, như trường hợp Phổ Thông bán nguyệt san hoặc Văn Mới của Hàn Thuyên. Trong môi trường xuất bản tư nhân, thậm chí ta còn thấy xuất hiện các tủ sách của riêng một cá nhân, như “Tủ sách sưu khảo Phương Lan” của Phương Lan Bùi Thế Mỹ. Đây là một khía cạnh đặc biệt của lịch sử xuất bản Việt Nam, nhưng chắc chắn còn phải chờ nhiều thời gian nữa mới có những công trình nghiên cứu riêng về nó.

Định hình được các tủ sách và kiên trì theo đuổi chúng cho đến những kết quả lâu dài nên là một cách thức mà các cơ sở xuất bản Việt Nam chọn và áp dụng. Xét cho cùng, những quyển sách hoàn hoàn cũng có thể không trường tồn, vì chỉ những cuốn sách tốt mới có cơ may sở hữu được khả năng kháng cự lại thời gian, và nhiều chưa chắc đã là một dấu hiệu tốt.

Tại sao?

Năm nay tôi làm một việc tày đình: tiếp tay duy trì hủ tục báo Tết ở Việt Ham hic. Không những thế lại còn đi phỏng vấn nữa mới đau :( Nhân vật ở đây là Hoàng Anh Tuấn, người thực hiện quyển Tư liệu Đông Ấn. Năm nay đói kém quá nên phải thế :( nhìn sang đại gia 5xu thấy cũng kiếm tiền bằng báo Tết, tự dưng thấy đỡ tủi thân hẳn há há.



Tại sao lại là các Công ty Đông Ấn?

Tôi xin trả lời dài dòng một chút. Công việc nghiên cứu của tôi khởi đầu bằng đề tài nghiên cứu ở bậc đại học và cao học về hoạt động thương mại biển của Vương quốc Chămpa thế kỷ VII-X trong bối cảnh quan hệ thương mại và giao lưu văn hóa khu vực. Tiếp sau đó là một cơ duyên: năm 1998, Chính phủ Hà Lan dự định tổ chức đại lễ kỷ niệm 400 năm thành lập Công ty Đông Ấn Hà Lan (VOC) vào năm 2002. Họ muốn hoạt động này thực sự có chiều sâu, gắn liền với khoa học và đào tạo, nên đã lập Chương trình TANAP và giao cho Đại hoc Leiden tổ chức đào tạo tiến sĩ cho khoảng 20 nhà nghiên cứu trẻ của các nước phương Đông (nơi VOC từng có quan hệ buôn bán). Tôi may mắn là một trong số những người đó, sang Leiden từ năm 2002 và đến năm 2006 tôi hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh. Vì vậy, có thể nói rằng tôi đã mở rộng hướng nghiên cứu hải thương của mình từ người Chăm sang người Việt nói chung, trong mối quan hệ với nước ngoài.

Tại Đàng Ngoài, Hà Lan thành công hơn Anh

Các Công ty Đông Ấn (ngoài Công ty Đông Ấn Hà Lan thành lập năm 1602, tồn tại cho tới năm 1799 còn có Công ty Đông Ấn Anh - EIC - xuất hiện cùng khoảng thời gian) có thể coi là những huyền thoại trong lịch sử châu Âu, nhưng rõ ràng đây là đề tài rất mới đối với giới sử học Việt Nam.

Thành tựu nghiên cứu gắn liền với các Công ty Đông Ấn ở các nước phương Tây rất nổi bật, nhưng đây quả là một hướng đi tương đối mới mẻ tại Việt Nam. Nói tương đối mới mẻ là vì việc đặt nền móng cho hướng nghiên cứu này đã được tiến hành từ những năm 90 của thế kỷ trước. Ngay sau Hội thảo quốc tế về Hội An, vào những năm 1990, GS. Phan Huy Lê và GS. Nguyễn Quang Ngọc đã được Đại học Leiden mời sang nghiên cứu để khảo sát kho tư liệu Hà Lan về Việt Nam. Trong dịp này, hai giáo sư đã thu thập và mang về nước được một số phim chụp về tư liệu VOC, bản đồ cổ… Đặc biệt, GS. Nguyễn Quang Ngọc đã sang tận Thư viện Quốc gia Anh để trao đổi với cố TS. Anthony Farrington về khối tư liệu EIC về Việt Nam. Trên cơ sở những quan hệ hữu hảo đó, vào năm 2002, hai Giáo sư đã giới thiệu để tôi sang Đại học Leiden học tập và nghiên cứu. Đến thời điểm đó, bên cạnh một số bài viết, đã có ít nhất hai công trình nghiên cứu quan trọng liên quan đến VOC-Đại Việt: luận án tiến sĩ Công ty Đông Ấn Hà Lan và Đàng Trong: Mối quan hệ giữa Hà Lan và Annam trong thế kỷ XVII của Wilhelm Buch (1929) và chuyên khảo Công ty Đông Ấn Hà Lan ở Đông Dương cũng do Buch công bố trên tạp chí của Trường Viễn đông Bác cổ (BEFEO, 1936/7).

Thế nhưng, nếu đọc cuốn sách Tư liệu các Công ty Đông Ấn Hà Lan và Anh về Kẻ Chợ - Đàng Ngoài thế kỷ XVII do anh biên soạn vừa được ấn hành (NXB Hà Nội), thì Công ty Đông Ấn Hà Lan có quan hệ chủ yếu với Đàng Ngoài chứ không phải Đàng Trong…

Đúng vậy, cũng không rõ tại sao Buch lại chọn hướng nghiên cứu đó, vì xét về mặt thống kê, tài liệu của VOC liên quan đến Đàng Trong ít hơn nhiều, lại không được liên tục về mặt thời gian. Chúng ta cũng chỉ có thể phỏng đoán về lý do lựa chọn của Buch. Tuy nhiên, như đã nói, trong chuyên luận trên BEFEO, Buch có đề cập đến cả Đàng Ngoài, dù chủ yếu là điểm lại dưới dạng biên niên hoạt động của VOC ở Kẻ Chợ chứ chưa khảo tả và phân tích chi tiết về mặt định lượng. Cuốn sách của Buch cũng từng được các nhà nghiên cứu Việt Nam tham khảo, như trong công trình Về ngoại thương Việt Nam hồi thế kỷ XVII, XVIII và đầu thế kỷ XIX (1961) của Thành Thế Vỹ.

Công ty Đông Ấn Hà Lan và Công ty Đông Ấn Anh đều hoạt động ở Việt Nam trong thế kỷ XVII nhưng người Hà Lan thành công hơn nhiều so với người Anh, tại sao? (Chúng ta biết rằng người Anh lập Công ty Đông Ấn trước người Hà Lan).

Theo tôi, nguyên nhân cần được nhìn rộng hơn mức độ các sự kiện đơn thuần diễn ra trong phạm vi Đại Việt. Khởi đầu của người Hà Lan tại Việt Nam không hề thuận lợi: ở Đàng Trong người Hà Lan thiệt hại cả trăm người và hàng vạn ghin-đơ trong khi ở Đàng Ngoài khó khăn và tổn thất cũng luôn luôn thử thách họ. Thế nhưng họ lại nhanh chóng thiết lập được thương điếm, duy trì quan hệ với Đàng Ngoài suốt 64 năm và có được những thành công không nhỏ, mặc dù Đàng Ngoài là một trong những xứ khó buôn bán bậc nhất ở phương Đông, do đặc điểm của hệ thống quan liêu, cũng như tổ chức xã hội có nhiều đặc thù phức tạp. Tất nhiên, nhu cầu của Phủ Chúa về tiền bạc và vũ khí trong thời gian nội chiến đóng một vai trò quan trọng nhưng trong nghiên cứu lịch sử thương mại, rất nhiều yếu tố cần phải tính đến. Người Hà Lan biết tổ chức một mạng lưới buôn bán liên hoàn. Người Hà Lan lại rất chặt chẽ, kỷ luật, kiên nhẫn và khôn ngoan, trong khi người Anh tổ chức công việc buôn bán ở phương Đông tương đối lỏng lẻo. Hơn nữa, chiến lược thương mại của mỗi bên cũng khác nhau; ở quãng thời gian đó, tiềm lực của Anh tại khu vực Đông Nam Á nhỏ hơn so với Hà Lan.

Người Hà Lan thậm chí còn thành công đến mức Carel Hartsinck (giám đốc thương điếm Đàng Ngoài từ 1637 đến 1641) còn được chúa Trịnh Tráng nhận làm con nuôi, một câu chuyện hiếm thấy.

Đây tất nhiên là một câu chuyện thú vị, cho thấy sự cởi mở nhất định của họ Trịnh (các chúa Nguyễn ở Đàng Trong còn cởi mở hơn thế). Tuy nhiên, đây cũng có thể chỉ nên được coi là một cử chỉ ngoại giao, bằng chứng là mối quan hệ giữa ông con nuôi và ông bố nuôi chẳng mấy suôn sẻ. Điều đáng để suy nghĩ ở đây là: các nghiên cứu theo hướng này khiến chúng ta cần nhìn lại định kiến về sự “co cụm”, “đóng cửa”, “yếm thế”… của Việt Nam trong lịch sử thương mại và bang giao khu vực. Thêm nữa, vị trí và vai trò của Việt Nam trong hệ thống thương mại khu vực và quốc tế hồi đó không đơn thuần là một sự may mắn, mà có sự chủ động nhất định từ phía chính quyền. Cấu trúc thương mại về cung-cầu ở khu vực cũng luôn luôn cần được tính tới: chẳng hạn như Nhật Bản có nhu cầu lớn về lụa trong khi sản lượng tơ lụa Trung Quốc lại sụt giảm do thay đổi triều chính Minh-Thanh nên Việt Nam có điều kiện trở thành nhà cung cấp tơ lụa lớn. Việt Nam cần được đặt vào bức tranh chung: muốn nghiên cứu thương mại của nước ta gắn liền với VOC thì nhất thiết phải đồng thời nghiên cứu hoạt động của VOC tại đại bản doanh Batavia, Nhật Bản, Đài Loan, xa hơn là biến động chính trị tại Trung Quốc, thay đổi thương phẩm tại Bengal (Ấn Độ), thay đổi sở thích của người Anh ở London và người Hà Lan ở Amsterdam… và rộng hơn là đặt Đại Việt trong cấu trúc thương mại toàn cầu ở thời kỳ này.

Nghiên cứu lịch sử thuộc địa không thể bỏ qua lĩnh vực thương mại

Rõ ràng các nguồn tư liệu mới đã đánh động nhận thức của chúng ta về lịch sử thuộc địa: khi thành tố thương mại được thêm vào bên cạnh những thành tố đã được nghiên cứu rất nhiều như chính trị, quân sự, tôn giáo, ngôn ngữ, mối quan hệ thực dân-thuộc địa đã không còn thuần túy là những cuộc xâm chiếm, mà phức tạp và tế nhị hơn thế. Rồi thương mại lại dẫn tới chính trị và quân sự, như chúng ta đã thấy Phủ Chúa rất muốn xây dựng một liên minh quân sự với VOC…

Ở đây có lẽ nên nhắc tới những quan điểm tương đối đa chiều trong giới nghiên cứu cả trong và ngoài nước. Không ít người cho rằng khi tới phương Đông, người phương Tây đã sẵn có trong đầu mưu đồ thực dân. Tuy nhiên, nếu nhìn vào lịch sử thương mại gắn liền với các Công ty Đông Ấn, thì có thể chắc chắn rằng ít nhất cho tới nửa đầu thế kỷ XVIII khó có thể nói đến mưu đồ thực dân như cách hiểu hiện đại sau này. Mối quan hệ thương mại có thể đi trước mọi thứ khác. Giới nghiên cứu gần đây cũng tranh luận nhiều về cách hiểu từ “soldat” (lính) trong cách dùng của Cố Alexandre de Rhodes: các nhà truyền giáo tới Việt Nam tự coi mình là những “người lính” theo nghĩa đen hay thực chất cần phải hiểu từ này theo nghĩa ẩn dụ? Tôi thiên về cách hiểu thứ hai hơn. Điều nên tránh là để cho mối quan hệ thương mại-thực dân bị chi phối bởi “tình cảm dân tộc”.

Nghiên cứu lịch sử theo hướng thương mại có bị “chán” không, khi mà ở mảng này hình như vai trò của các cá nhân khá là mờ nhạt, ta hiếm khi thấy những nhân vật nổi bật như ở lĩnh vực chính trị hoặc quân sự?

Cũng có những nhân vật hấp dẫn đấy. Một ví dụ tiêu biểu là trường hợp nhân vật Hoàng Nhân Dũng (người Hà Lan gọi là Ongiatule: Ông già Tư Lễ), một hoạn quan hồi thế kỷ XVII, đã tìm cách “lobby” Phủ Chúa hòng thâu tóm, lũng đoạn toàn bộ hoạt động xuất nhập khẩu của người Hà Lan ở Kẻ Chợ. Thậm chí ông ta còn dựa vào thế lực của thế tử và phối hợp với thương nhân Nhật Bản Resimon để thực hiện mưu đồ của mình.

“Hết tơ lụa thì chuyển sang gốm sứ, hết gốm sứ thì chuyển sang xạ hương…”

Dù sao thì ngành nghiên cứu của anh cũng rất mới mẻ và hứa hẹn.

Tôi đã thực hiện thống kê và nhận thấy rằng trong 50 năm (1954-2004), tạp chí Nghiên cứu Lịch sử rất mỏng ở lĩnh vực thương mại, bang giao ở giai đoạn người châu Âu bắt đầu xuất hiện. Tôi gọi đây là một khoảng lặng, tạo nên một sự mất cân đối khá nghiêm trọng nếu so với mảng nghiên cứu về ruộng đất, thể chế, quân sự… Nguyên do chính là thiếu tài liệu nước ngoài, bởi các bộ thông sử ghi chép rất ít về thương mại, nhất là ngoại thương, trong khi việc tiếp cận tư liệu phương Tây lại hết sức khó khăn trong thời điểm đó. Nguồn tài liệu từ nước ngoài, đặc biệt là tư liệu phương Tây, vì vậy trở nên đặc biệt quan trọng và cần được khai thác triệt để hơn nữa.

Nhưng làm thế nào để hợp tác có hiệu quả với nước ngoài trong nghiên cứu lịch sử?

Các đơn vị nghiên cứu nước ngoài đã hỗ trợ rất lớn cho công việc đào tạo và tiếp cận tư liệu trong khoảng mười năm qua. Hiện nay, Khoa chúng tôi vẫn còn ba cán bộ đang học tiến sĩ và thạc sĩ tại Đại học Leiden (Hà Lan) và hứa hẹn sẽ bổ trợ cho hướng nghiên cứu này. Tuy nhiên, phải nói một cách khách quan rằng không thể chỉ dựa vào hỗ trợ của nước ngoài. Phía bạn có thể hỗ trợ đào tạo và nghiên cứu ngắn hạn. Các nghiên cứu mang tính trường quy và quy mô lớn dựa trên việc khai thác tư liệu phương Tây vẫn rất cần có sự đầu tư kinh phí tương xứng từ trong nước. Có như vậy chúng ta mới có thể khai thác được triệt để nguồn tư liệu quý đó để soi sáng nhiều khía cạnh của lịch sử dân tộc thời kỳ này.

Nhìn vào con đường nghiên cứu khoa học của anh, có thể thấy rất rõ là anh đi chuyên sâu hoàn toàn vào một chủ đề. Ngay cả khi dịch sách, anh cũng chọn các tác phẩm của William Dampier (Một chuyến du hành đến Đàng Ngoài năm 1688, NXB Thế giới, 2007) và Samuel Baron (Mô tả vương quốc Đàng Ngoài, 1683, NXB Hà Nội, 2010) là những nhân vật có liên quan nhiều đến các Công ty Đông Ấn Anh và Hà Lan.

Có lẽ cá nhân tôi phần nào chịu ảnh hưởng của “trường phái Leiden” vốn đề cao việc khai thác các nguồn sử liệu gốc để tập trung tìm hiểu sâu một lĩnh vực cụ thể, sau đó mới bắt đầu nhìn rộng ra một chút để tìm hiểu các mối liên hệ đa chiều ở phạm vi khu vực hoặc rộng hơn nữa là hệ thống toàn cầu.

Đã đi một chặng đường dài với các Công ty Đông Ấn, anh có nghĩ đến việc quay trở lại với Chămpa thế kỷ VII-X, đề tài nghiên cứu ban đầu của anh không?

Chắc là không thể, cho dù tôi vẫn luôn luôn quan tâm đến Chămpa nhưng ở giai đoạn muộn hơn (thế kỷ XVI-XVIII) vì tài liệu của Anh và Hà Lan cũng có đề cập không ít tới Chămpa trong bối cảnh của các mối quan hệ chính trị và thương mại đa chiều khu vực Đông Nam Á lục địa. Con đường đi của tôi sẽ nhất quán như vậy: hết tơ lụa thì chuyển sang gốm sứ, hết gốm sứ thì chuyển sang xạ hương hoặc quế… Tôi quan niệm rằng sự chuyên sâu không loại trừ khả năng nhìn rộng bởi những nghiên cứu cụ thể luôn cần được đặt trong quan điểm so sánh khu vực và thế giới, chừng nào chúng ta còn có thể sử dụng các nguồn sử liệu gốc phong phú và cập nhật được các thành tựu nghiên cứu của sử học khu vực và quốc tế.


Đọc nốt Don DeLillo

Bác PA25 vừa cho biết một tin động trời: lần đầu tiên có quyển tiểu sử Malaparte: Malaparte, vies et légendes (Maurizio Serra, Grasset, 608 trang, 22,5 euros). Nhà hảo tâm nào bên Pháp ơi :ppp

Jan 12, 2011

How to get high baby?

Người chiến thắng luôn luôn là như thế

Dù cho người ta có thực hiện một cuộc siêu giải phẫu thẩm mỹ cho ông tôi, làm cho mặt ông trở nên nhẵn lì mềm mại như cặp mông nhỏ xíu của Ngốc, thì tôi vẫn cứ nhận ra ông giữa đám đông một nghìn người dân của Hành tinh này, ấy là bởi ngay cả khi muốn trốn bằng mọi giá, ông vẫn không thể qua được một bài sát hạch then chốt lúc nào cũng làm ông bị lộ ở giây phút cuối cùng, cái bài sát hạch còn đáng tin hơn cả một vết sẹo bí mật (mà thật ra là ông có):

Bạn bật một cái băng cát xét chơi điệu twist, bạn đứng trước đám người rồi cứ thế mà hồi hộp chờ đợi kết quả thôi. Sẽ luôn luôn có một người vừa nhảy nhót vừa tách ra khỏi đoàn người, nụ cười tươi tắn trên môi và hai tay để ở tư thế đúng như là đang ôm một cô gái vô hình và vô cùng bốc lửa. Cái người ấy sẽ là, không thể sai lệch được, Nicolás Moreno: ông tôi. Ông biết điều ấy, ông còn công khai thừa nhận nữa:

- Cứ nghe thấy một điệu twist là chân ông đã bắt đầu tự nhảy nhót rồi.

Nơi nào có một dàn nhạc, thì bạn cứ yên tâm là chắc chắn có ông tôi. Vài buổi sáng Chủ nhật, ông lén lút cùng Ngốc đi xuống phố. Ông không nói là đi đâu. Mẹ tôi, chắc mẹ là một người bà con xa của James Bond, nói:

- Ông con đang đi đến chỗ mấy tay có con dê đấy.

Mấy tay có con dê, đó là mấy người hay mang một con dê cùng một cái đàn ác-coóc-đê-ông đến chơi các bản twist ở Công viên Cây Treo cổ vào các ngày lễ. Mẹ tôi và tôi ra chỗ cửa sổ, chúng tôi thấy ngay ông đang nhảy, trên tay bế Ngốc. Mẹ nói:

- Không, sao lại thế được cơ chứ!

Thế là bố tôi đáp lời ngay:

- Để bố thoải mái tự nhiên đi, cứ để bố nhảy múa như là bố thích đi.


Một lần, mẹ tôi, một người rất bạo dạn, nhoài hẳn người ra cửa sổ đến mức hai chân nhấc lên khỏi mặt đất, gào thật to:

- Bố ơi, lạy Chúa, bố không biết ngượng à?

- Có con không biết ngượng ấy, Catalina ạ, hàng xóm ai cũng nghe thấy con hét.

- Hàng xóm nghe thấy thì có làm sao: Bốốốốốốốố!

Nhưng ông tôi say sưa với món nhạc twist đến mức không nghe mẹ nữa. Chỉ có Ngốc còn để ý là chúng tôi đang nhìn hai người từ trên nhà, thành thử mỗi vòng nó lại giơ cái ti giả lên vẫy chào chúng tôi. Mẹ tôi hét tiếp, nhưng chẳng ích gì. Tôi thấy rất rõ mỗi lần mẹ dồn sức để hét thì hai chân mẹ lại nhấc lên cao hơn khỏi mặt đất, nhưng vì mẹ không thích bị xen ngang mỗi khi đang mải hành động, nên tôi không nói gì để tránh hậu họa. Thế rồi, thiếu chút nữa tôi đã mất đi một người mẹ. Đột nhiên, mẹ bật ra một tiếng hét kinh hoàng; bố tôi vội nhảy dựng dậy khỏi ghế sofa như một người điên, chạy tới túm lấy hai cổ chân mẹ. Mẹ tôi ngồi phịch xuống đất, mẹ òa khóc vì sợ quá.

- Catalina, em mà còn làm như thế nữa là sẽ có ngày em rơi khỏi cửa sổ, rồi thì anh sẽ chết vì lên cơn nhồi máu đấy.

Viễn cảnh khiếp thật; mất cả bố cả mẹ cùng một lúc, ngay trước mũi. Sau đó bố mẹ lại còn bảo được rằng nếu tôi có mơ thấy ác mộng hay lên cơn chập mạch thì đó là vì tôi xem ti vi quá nhiều. Ở nhà tôi, thực tế vượt quá mọi chương trình tin tức đẫm máu nhất.

Chắc bạn cứ tưởng rằng sau sự cố kinh khủng ấy, mẹ tôi đã bình tĩnh lại để mà thôi đứng ở cửa sổ hét gọi ông tôi. Bạn nhầm đấy. Mẹ vẫn tiếp tục hét, nhưng giờ đây mẹ cẩn thận lắm. Mẹ nói với bố:

- Manolo, giữ hộ váy cho em để em hét.

Thế là bố tôi và tôi túm lấy váy mẹ để mẹ hét.

- Con còn muốn gì nữa nào, hả Manolito, bố thà bị lố bịch như thế này còn hơn là để mẹ con tự giết mình.

Cả tôi cũng thà như vậy còn hơn, nói thật lòng.

Bố tôi ủng hộ việc để cho người khác tự do mà sống, còn mẹ tôi ủng hộ việc không để cho ai sống hết. Nhất là giờ đây mẹ ngượng vì người ta bắt đầu đặt biệt danh cho ông tôi là “Travolta của khu Carabanchel”. Mẹ không muốn là con gái của Travolta. Tôi thì ngược lại, tôi vô cùng tự hào. Quá hay luôn. Bạn cũng thấy rồi đấy, trong nhà García Moreno lúc nào sự bất hòa cũng ngự trị.

Tôi đã chuẩn bị trước tinh thần cho bạn rồi nhé, bạn khỏi phải quá ngạc nhiên khi biết rằng vào ngày lễ thánh Pedro, ngày trọng đại của khu Carabanchel, ông tôi, tôi và Ngốc, chúng tôi xuống ngồi ở Công viên Cây Treo cổ, hai tiếng trước khi các nhạc công của Dàn nhạc Lớn Thiên Đường tới nơi, và toàn bộ việc ấy là bởi ông Nicolás của tôi rất thích xem người ta dựng sân khấu. Và đặc biệt ông thích thấy cô ca sĩ trèo lên xe tải để thay quần áo rồi sau đó đi ra, khác hoàn toàn, trong một bộ váy sáng lóng lánh theo tiếng nhạc.

Mẹ tôi đã bảo ông phải đưa chúng tôi về nhà vào lúc mười một giờ.

- Con nói mười một giờ rồi đấy nhé!

- Nhưng vậy là con không tin tưởng vào bố của con phải không, hả Catalina?

- Không!

Mẹ tôi là thế đấy: sự thật được ưu tiên trước hết, ngay cả khi là sự thật đau đớn.

Dù thế nào đi nữa, không thể có chuyện bất kỳ ai làm hỏng đi ngày hội của chúng tôi. Dẫu sao thì ngày hội tuyệt đỉnh thánh Pedro chỉ diễn ra một lần mỗi năm. Bác chủ quán Tropezón đã dựng một quầy bar ngoài trời. Chúng tôi là những người đầu tiên tiến tới chỗ quầy. Ông tôi nói:

- Hai thằng bé này và tôi, lấy đồ như thường lệ.

Hai thằng bé này chính là tôi và Ngốc, bởi tôi cần phải giải thích mọi thứ. Đó chính là những cốc Coca-Cola đầu tiên và ly rượu vang đỏ đầu tiên của buổi tối.

Cho tới khi Dàn nhạc Thiên Đường bắt đầu chơi, ông tôi đã mua cho chúng tôi ít nhất là hai cốc Coca nữa. Tôi không thích uống một mình. Thế là Ngốc và tôi, chúng tôi đã tập trung vào trong bụng mình nhiều ga đến mức chúng tôi chơi được tới năm ván trong cuộc thi đánh rắm lừng danh của mình. Tôi công nhận, ngay cả khi điều này làm tôi bực bội, rằng trong môn nghệ thuật này Ngốc là số một. Tôi sẽ còn nhớ mãi một lời khuyên của ông tôi:

- Trong đời, cần phải biết thua. Về vụ này thì chúng ta, người nhà García Moreno, chúng ta là các chuyên gia.

Những người đầu tiên của cả khu Carabanchel bắt đầu nhảy múa là ông tôi, tôi và Ngốc. Tôi làm việc này một phần cũng là vì cô ca sĩ: thật buồn khi chẳng ai chịu nhảy khi cô hát cả. Thật may mắn, ở bài hát thứ ba, mọi người cũng bắt đầu nhúc nhích; tôi đã có thể quay trở lại quầy bar Tropezón để tiếp tục uống Coca-Cola với Tai To, cái thằng này thì lúc nào cũng dính chặt lấy quầy bar. Thỉnh thoảng ông tôi và Ngốc rời khỏi chỗ nhảy để rồi quay lại đó ngay, như thường lệ. Tôi cũng không biết là bao nhiêu chuyến đi-về nữa. Theo một số phiên bản thì là mười, theo một số phiên bản khác thì là mười hai… Và chuyện cứ thế, mặc cho lệnh cấm ngặt nghèo của mẹ cùng đội ngũ bác sĩ nhi của mẹ, cấm Ngốc uống Coca-Cola, bởi uống vào rồi nó sẽ như bị điện giật, rồi thì chúng tôi sẽ phải lấy dây trói nó vào thanh chắn của cái nôi để nó chịu nằm im mà ngủ.

Nghe này, điều tôi vừa nói với bạn, rằng chúng tôi trói Ngốc vào các thanh chắn, không phải là thật đâu đấy. Chỉ thiếu mỗi một điều là bạn tin như thế để rồi đi tố cáo ở chỗ sở cảnh sát gần nhất nữa thôi.

Có thể nói rằng ông tôi và Ngốc là những ông vua của bữa tiệc. Tai To và tôi thì ở chỗ quầy bar mà nhìn hai người nhảy: một bài hát của The Beatles, một điệu salsa, một điệu twist. Đôi khi Ngốc nhảy phắt lên, những lúc khác nó lại đòi được bế, thế là mọi người truyền nó qua tay nhau hoặc tung bổng nó lên không trung. Nó thích thế lắm: được làm ngôi sao. Nhưng vẫn còn chưa sinh ra ở trên đời cái người có khả năng đứng được đến mắt cá chân Travolta của khu Carabanchel những lúc ông ở đỉnh cao phong độ, và vào buổi tối ấy Travolta có phong độ kinh khiếp lắm.

Chuyện xảy ra sau đó, người ta vẫn còn nhớ mãi trong mọi quán bar và trên mọi đường phố của Carabanchel. Cô ca sĩ bắt đầu hát La Chica yeyé. Ông tôi, sau khi viếng thăm quầy bar trong chốc lát để rót cho đầy kho trữ đồ uống của ông, như lời chính ông nói, dần tiến lại gần chỗ mọi người đang nhảy. Người ta rẽ ra cho ông tiến lên, không một ai cả gan đối đầu với con người phàm tục nhưng được các vị thần truyền cảm hứng này. Họ tạo thành một vòng tròn xung quanh ông và bắt đầu vỗ tay. Ông tôi ném cái mũ bê-rê lên trời và oằn mình trông hệt như một nghệ sĩ uốn dẻo người Trung Quốc mà người ta có thể nhìn thấy trên ti vi.

Tai To bảo tôi:

- Ông cậu mà biểu diễn trong một bài hát của Michael Jackson thì chắc là sẽ tuyệt lắm.

Đúng rồi; nhưng làm sao để nói được điều này với Michael Jackson đây? Tôi không có địa chỉ lẫn số điện thoại của anh, còn anh thì lại không có thói quen đến Carabanchel.

Ta hãy quay trở lại với chuyện nhảy nhót. Tai To và tôi, chúng tôi đứng trên một cái ghế đẩu, nhưng dù cho có làm như vậy thì tôi vẫn chỉ nhìn thấy thấp thoáng ông tôi, vì nhiều người vây quanh ông quá. Không thể nghi ngờ gì nữa: đó là một khoảnh khắc vĩ đại trong cuộc đời ông Nicolás Moreno, ông tôi. Nhưng lúc nào cũng phải có ai đó tới phá hỏng những giây phút hạnh phúc trong cuộc đời chúng tôi. Đột nhiên tôi nhìn thấy một người phụ nữ, người không xa lạ gì với tôi hết, dùng những cú huých cùi chỏ rẽ một lối đi giữa đám đông đang vây quanh ngôi sao. Người phụ nữ này không xa lạ gì với tôi bởi đó là… mẹ tôi! Mẹ không túm lấy tai ông mà vặn, nhưng cũng gần như thế. Bác Luisa và mẹ mỗi người giữ một cánh tay của ông, như áp giải một tù nhân, còn hai người ấy là cảnh binh. Ông tôi chống trả:

- Xin con đấy, Catalina, con gái yêu, bố xin con đấy: bố chưa bao giờ rời khỏi một bữa tiệc mà chưa nhảy bài La Española cuando besa


Mọi người ai ai cũng biết rằng không có ông bữa tiệc sẽ không còn giống như trước nữa. Tai To, tôi và Ngốc đi theo cặp nữ cảnh binh với tư cách nhân chứng. Ông tôi ngoái đầu lại thì thầm vào tai tôi:

- Manolito, chàng trai của ông, cháu cố tìm cho ông bộ răng giả nhé, chắc là nó đã rơi trong khi ông nhảy, cháu biết rõ là ông không muốn chết mà thiếu nó rồi đấy.

Trông ông thật là nhợt nhạt, ông làm tôi lo lắm. Mẹ tôi giận đến nỗi còn không nhận ra là tôi vẫn ở lại trong công viên.

Tôi chui vào giữa đám đông để tìm bộ răng giả, nhưng người ta cứ không ngừng giẫm lên người tôi. Tôi nói chuyện ấy với bác Ezequiel, chủ quán Tropezón, bác là người có nhiều uy quyền nhất mà tôi biết. Bác nắm lấy tay tôi, rồi chúng tôi cùng trèo lên bục sân khấu của các nhạc công. Nhạc ngừng lại và bác Ezequiel nói:

- Các bạn hàng xóm thân mến: trong các bữa tiệc của khu phố chúng ta đã có nhiều nhẫn, hoa tai, kính áp tròng bị mất… nhưng lần đầu tiên trong lịch sử của chúng ta có người bị mất một bộ rằng giả. Tôi đề nghị các bạn tìm ở dưới đất nụ cười của Travolta khu Carabanchel.

Tôi sẽ không bao giờ quên cảnh tượng mà tôi nhìn thấy từ trên sân khấu: mọi người cúi xuống tìm kiếm nụ cười của ông tôi.

Đột nhiên, Tai To hét lên:

- Cháu tìm thấy rồi, cháu tìm thấy rồi!

Mọi người vỗ tay hoan hô rần rần. Tôi không thích lắm. Thật không dễ dàng gì cái việc ăn mừng chiến thắng của người bạn thân nhất của mình.

Tai To đưa bộ răng giả và bác Ezequiel nói thêm:

- Với tư cách là tổ trưởng tổ dân phố, tôi nghĩ sẽ là đúng đắn nếu hàng xóm của chúng ta, ngài Nicolás Moreno, được nhận một huy chương marathon vì tất cả những gì ông ấy đã làm trong buổi tối hôm nay và vì tất cả những gì đang chờ đợi ông ấy ở nhà.

Tôi đi về trước tòa nhà của chúng tôi với bộ răng giả và tấm huy chương trong túi. Tôi gọi vào điện thoại nội bộ, mẹ tôi đáp:

- Con làm gì ở đó thế, con chưa đi ngủ à?

Thật khó tin. Họ chẳng nhớ gì đến tôi hết cả. Có những khoảnh khắc trong đời bạn không biết nên cười hay nên khóc nữa.

Ông tôi chưa chết, ông chỉ cần không khí để thở. Tôi tin là ông bất tử.

Sau khi cho ông uống hai tách cà phê và mấy viên thuốc, bố mẹ tôi đi ngủ, còn tôi rút bộ răng giả ra khỏi túi, tôi thổi thổi một chút để bớt đất bám vào rồi bỏ nó vào cốc đựng dung dịch rửa răng giả. Sau đó tôi nâng đầu ông lên, đeo cho ông tấm huy chương, rồi tôi chui vào giường nằm bên cạnh ông.

- Mọi người đều vỗ tay hoan hô ông, ông ạ, mẹ sẽ phải im lặng khi nhìn thấy ông đã giành được huy chương. Bằng đồng thật đấy.

- Chiến thắng bao giờ cũng là như vậy, Manol…

Đầu ông rơi bịch sang bên cạnh, chui sâu vào giữa hai vai. Một người nào đó khác hẳn sẽ nghĩ là ông đã chết; nhưng tôi thì tôi biết rõ hơn bất kỳ ai mọi tiếng động và cử chỉ của ông tôi, chiều nào tôi cũng nhìn thấy ông kéo cưa trước tivi, tôi biết là ông đã ngủ.

Brand New Ones: Mathias Enard

Những người bất tử đầy thù hận


Làm nhà văn ở Pháp không dễ. Nhất là nhà văn trẻ lớn lên trong sự thống trị của Tiểu thuyết mới và trong bầu không khí xã hội tiêu dùng cùng ảnh hưởng rõ rệt của “lối sống Mỹ”. Thế nhưng một thế hệ mới của những người sinh trong những năm 1960 và 1970 đang đưa văn chương Pháp khỏi cái vòng nhỏ hẹp hay được gọi là “quẩn quanh lỗ rốn” của những tự thuật tràn ngập bản thân, dù là cái bản thân bị yêu thái quá hay được hưởng sự phân tích đầy căm ghét cũng thái quá.

Năm nay, Claro (sinh năm 1962) xuất bản cuốn tiểu thuyết CosmoZ được tờ Le Matricule des anges đánh giá là “một trong những cuốn sách gây choáng váng nhất trong những năm gần đây, sản phẩm của cả một cuộc đời cống hiến cho văn chương”. Claro đã viết rất nhiều sách, dịch còn nhiều hơn. Người ta chưa thể quên Những kẻ thiện tâm của Jonathan Littell (sinh năm 1967) in năm 2006 đã lôi cả thế giới vào một cuộc tranh luận lớn về lịch sử Đức Quốc xã. Một nhân vật trẻ tuổi hơn Claro và Littell cũng đã góp phần to lớn đưa văn chương Pháp trở lại quỹ đạo của những tác phẩm tầm vóc là Mathias Enard (sinh năm 1972).

2008 là năm xuất hiện cuốn tiểu thuyết kỳ lạ của Enard được giới phê bình Pháp đón chào nồng nhiệt: Zone, chỉ gồm một câu văn duy nhất dài hơn 500 trang, với đề tài chiến tranh (giải thưởng Tháng Chạp 2008 và giải thưởng Inter 2009). Những kẻ thiện tâmZone thể hiện tham vọng rất lớn của các nhà văn trẻ có một tiểu sử khá gần nhau như Littell và Enard: Littell từng có chín năm đi các điểm nóng trên thế giới trong các chương trình nhân đạo, còn Enard là chuyên gia tiếng Arập, nhiều năm sống ở Trung Đông. Tiểu thuyết của Littell thì học theo cấu trúc âm nhạc của Bach, còn tác phẩm của Enard lại là các “khúc ca” mô phỏng Iliade của Homère.

Giống như Jonathan Littell, Mathias Enard hiện sống ở Barcelona. Sau trường giang tiểu thuyết Những kẻ thiện tâm, Littell trình làng toàn tác phẩm rất ngắn, trong đó có Le Sec et l’Humide (Khô và ẩm) về nhân vật Léon Degrelle từng xuất hiện trong Những kẻ thiện tâm, En pièces (Thành nhiều mảnh) và sắp cho in một cuốn tiểu luận về tác phẩm hội họa của Francis Bacon. Gần như đi theo bước Littell, tác phẩm mới nhất của Enard cũng ngắn hơn hẳn tiểu thuyết đầu tay: Parle-leur de batailles, de rois et d’éléphants (Hãy nói cho họ về những trận đánh, các ông vua và lũ voi, Actes Sud, 2010) chỉ dày quãng 150 trang khổ nhỏ. Sau khi có những câu và đoạn rất dài trong Những kẻ thiện tâm, câu văn của Littell ngắn hẳn lại, còn ở trường hợp Enard, đã bỏ lại sau lưng “câu văn bất hủ” dài 500 trang, Hãy nói… chủ yếu gồm những câu văn ngắn và thường xuyên giản dị hết mức (mặc dù nhan đề đặc biệt dài). Có vẻ như đã thoải mái hơn hẳn sau khi cho ra đời được những biệt lệ về hình thức, sau những cơn sáng tạo có phần cuồng loạn và vô cùng tập trung, các nhà văn trẻ mặc sức thử nghiệm những gì mới mẻ với chính họ, trong khi chuẩn bị cho những cuộc sáng tạo lớn mới.

Hãy nói… cũng có một đề tài không ít tham vọng: lịch sử thời Phục hưng nhìn từ một góc độ khác, qua một con người cụ thể. Nhưng con người ấy không phải là bất kỳ ai, bởi đó chính là Michelangelo thiên tài ở thời điểm vừa ngoài ba mươi tuổi (và đã có bức tượng David lừng danh), bất bình với sự keo kiệt của Giáo hoàng Jules II. Vừa đúng thời điểm nhận được lời mời của vị sultan Thổ Nhĩ Kỳ Bajazet II, Michelangelo quyết định bỏ sang phương Đông. Sultan muốn mời Michelangelo sang để vẽ và tổ chức xây dựng một cây cầu; trước đó vị chúa này đã từ chối các bản vẽ của Leonardo da Vinci. Ở Constantinople (tháng Năm 1506), Michelangelo chỉ lo vẽ ngựa và vẽ voi, cũng như ngập ngừng tham gia cuộc sống nơi đây, những thú vui xác thịt cũng như phong cảnh lạ lùng.

Hãy nói… là một điều bất ngờ trong mùa tiểu thuyết năm vừa rồi tại Pháp. Nó đã nhận được giải Goncourt hạng mục do học sinh trung học bầu chọn. Cuốn tiểu thuyết được khen ngợi vì một câu chuyện lịch sử nuột nà, hấp dẫn và cái nhìn tinh tế. Nó cũng không ngần ngại đưa ra một phiên bản tâm hồn không mấy tốt đẹp về những con người bất tử: Michelangelo không chỉ chất chứa thù hận vì cách đối xử của Jules II mà còn nuôi dưỡng cái nhìn không đẹp đẽ về những người bất tử khác cùng thời, với Michelangelo của Mathias Enard, da Vinci là một lão già không hiểu giá trị của điêu khắc, “Bramante tay kiến trúc sư chỉ là một thằng đần và Raphaël tay họa sĩ là một kẻ cao ngạo”. Những góc khuất của nội tâm này, chỉ văn chương mới đủ khả năng soi rọi được.

Jan 11, 2011

Sách (XXV) Đã có hoa

Hà Nội đang lạnh kiểu như thế này này: có hai người đi bộ gặp nhau ngoài đường, một người hỏi: "Dạo này khỏe không bác?" Người kia lúi húi tháo găng tay len mua ở chợ Đông Kinh thọc vào túi áo ba đờ xuy một lúc rồi mới nói: "Bác nói gì? Rét quá tôi tháo tai cất vào túi, nếu cứ để đó thế nào cũng rụng vì lạnh". Sợ chưa? Có thơm quắt tai (bún chả) thì cũng có lạnh rụng tai.

Hôm qua bad mood cho đến lúc cà phê về đến phòng, thấy ngay trên bàn làm việc đã để sẵn cái này:


Đùa chứ chỉ mất công than phiền một câu trên blog mà đã được ngay quả này, đúng là mình ở hiền gặp lành nhiều người thương miến (câu này là irony đấy) :p Sau rồi mình cũng biết thủ phạm í lộn hung thủ í vẫn lộn tác giả hành động thiện tâm này là ai, thank you nhá. Thế là đỡ bad mood hẳn, từ quả irony của Lennon đã chuyển sang cái khác liền: "Nhưng thôi em ơi đấy chỉ là lời ru trong giấc ngủ/Anh thương em đây anh lại êm đềm/Làm con ong vàng đến ngủ giữa tóc em/Con ong xanh có đôi mắt đen/Con ong trắng là con ong thương nhớ/Con ong đỏ chính niềm tin ấp ủ/Còn hạnh phúc cuối cùng là tiếng hát chú ong nâu".

Chi tiết duy nhất hơi ấy ấy là quyển Mrs Dalloway tôi bị mất là bản tiếng Pháp, nay quá lãi, thu ngay được bản tiếng Anh há há, ở trong tủ sách "Film Classics" tức là những quyển tiểu thuyết được chuyển thể thành phim (nhân tiện, ở đây đã có bác nào xem hết cả The Hour lẫn hai phim Mrs Dalloway chưa nhể?), trong tủ sách này cũng có A Clockwork Orange của Anthony Burgess.

Hôm qua lại thêm một ngày được mùa sách vở, tối đến vợt ngay thêm được Giáo sĩ thừa sai và chính sách thuộc địa của Pháp tại Việt Nam (1857-1914), thuộc loại sách không hiếm lắm nhưng chẳng hiểu sao bao nhiêu lần tôi nhìn thấy đều vợt trượt hết cả. Rồi lại có một bạn gọi điện, thế là nhiều khả năng lại có thêm một Ba Tê nữa :)

Còn sách mới hẳn vừa thổi vừa xoa (mùa đông rất cần mấy cái này, cũng như cần ngoài phố mùa đông đôi m. em là đốm lửa hồng hehe): Lịch sử tôn giáo Nhật Bản, Sueki Fumihiko, Phạm Thu Giang dịch, Phạm Hồng Thái hiệu đính, Alphabooks & NXB Thế giới.

Một đoạn Todorov viết về trinh thám nhá:

"Kiệt tác văn chương thường lệ, theo một nghĩa nào đó, không nằm trong bất kỳ thể loại nào nếu không phải là thể loại của chính nó; nhưng kiệt tác của văn học quần chúng lại chính là cuốn sách phù hợp nhất với thể loại mình. Tiểu thuyết trinh thám có những chuẩn mực của nó; làm "tốt hơn" những gì mà các chuẩn mực ấy đòi hỏi, là đồng thời làm "kém đi": người nào muốn làm cho tiểu thuyết trinh thám "hay hơn", là người đó đang làm "văn chương", chứ không phải tiểu thuyết trinh thám. Tiểu thuyết trinh thám tuyệt nhất không phải là cuốn tiểu thuyết vi phạm các quy tắc của thể loại, mà là cuốn tiểu thuyết tuân theo những quy tắc này"

("Loại hình của tiểu thuyết trinh thám" trong Thi pháp văn xuôi, Đặng Anh Đào và Lê Hồng Sâm dịch, NXB Đại học Sư phạm, 2004)

Ý Todorov là đánh giá văn học thông thường và văn học bình dân phải khác nhau: kiệt tác văn học nói chung vừa vi phạm thể loại của nó vừa lập ra một thể loại mới, trong khi trinh thám muốn là kiệt tác thì điều tiên quyết là không được phép vi phạm thể loại.

Jan 10, 2011

Everything is clear in my heart



Raymond Chandler nối tiếp Dashiell Hammett (nhất là The Maltese Falcon) trong dòng trinh thám hard-boiled, dòng trinh thám đi lệch khỏi trinh thám truyền thống (Poe và Doyle) có một vụ giết người cho trước và nhiệm vụ của thám tử (Holmes) là tìm ra kẻ giết người đó. Trinh thám của Hammett, Chandler và rất nhiều người sau này (tuy có nhiều biến thể nhưng trinh thám của Mankell cũng thuộc dạng này) không coi việc tìm ra thủ phạm là một cái đích, mà chỉ là một cái cớ.

Trinh thám truyền thống theo Calwelti kiểu gì cũng phải có 1) giới thiệu thám tử 2) tội ác và các manh mối 3) điều tra 4) thông báo và giải pháp 5) giải thích và giải pháp 6) gỡ nút. Không truyện trinh thám nào thiếu được các yếu tố cơ bản này, dù cho có cực ngắn hay dài đến như Thung lũng khủng khiếp.

Quyển Farewell My Lovely này vừa tìm được ở Nhà sách Nguyễn Huệ :p

John Lennon trông thế thôi mà cũng có khi mỉa mai ra phết: "Oh my love for the first time in my life/My eyes are wide open/Oh my lover for the first time in my life/My eyes can see/I see the wind/Oh I see the trees/Everything is clear in my heart/I see the clouds/Oh I see the sky/Everything is clear in our world/Oh my love for the first time in my life/My mind is wide open/Oh my lover for the first time in my life/My mind can feel/I feel the sorrow/Oh I feel dreams/Everything is clear in my heart/Everything is clear in our world/I feel the life/Oh I feel love".

Oh My Love

Jan 9, 2011

Một góc văn học sử

Đây là bông hoa :)


Không có giáo sư linh mục Thanh Lãng thì chắc giờ nhiều vấn đề văn học sử vẫn chưa biết phải làm như thế nào.

Đây cũng lại là hoa, Phạm Thế Ngũ, một ông thầy giáo khác:



Hai vị này thì rất độc đáo, chính là người bị Thanh Lãng tố giác cọp pi ăn trộm tài liệu trong Phê bình văn học thế hệ 1932. Bộ Thi nhân Việt Nam thế hệ 1954-1973 này có nhiều bài thơ chán đến kinh hoàng ;d

Và một vài quyển lẻ nữa. Tất tật mới chỉ là một góc cực nhỏ mà ngành văn học sử từng sản xuất ra:

Jan 8, 2011

Lo-Lee-Ta

Hồi ký của Nabokov, bản tiếng Pháp (Yvonne Davet, Mirèse Akar và Maurice Couturier) và nguyên bản tiếng Anh:


Quyển Autres rivages (Những bến bờ khác) vẫn ghi rõ ngày mua: 10 tháng Chín 2002, tại boulevard de l'Hôpital, còn Speak, Memory (Ký ức, nói đi; ban đầu Nabokov định đặt tên sách là Speak, Mnemosyne theo tên nữ thần Hy Lạp, nhưng nhà xuất bản ở Anh can, vì các "little lady" chắc chắn sẽ không mua sách có nhan đề không thể đánh vần được :p) thì mua ở... Hà Nội :)

Ada or Ardor và Sebastian Knight lại là những sự vụ kiểu khác:


Và đây, Lolita, bản tiếng Pháp của Kahane:


"Lolita, ánh sáng của đời tôi, ngọn lửa nơi hạ bộ của tôi. Tội lỗi của tôi, tâm hồn của tôi. Lo-lee-ta: đầu lưỡi lướt xuống ba bước nhỏ dọc vòm miệng, khẽ đập vào răng ba tiếng, Lo, Li, Ta.

Buổi sáng, em là Lo, ngắn gọn là Lo thôi, đứng thẳng cao một mét bốn mươi sáu, chân đi độc một chiếc tất. Mặc quần thụng trong nhà, em là Lola. Ở trường học, em là Dolly. Trên dòng kẻ bằng những dấu chấm, em là Dolores. Nhưng trong vòng tay tôi, bao giờ em cũng là Lolita."

Thêm Woolf này, hai bản dịch tiếng Pháp:


Orlando có vị trí trong chuyên ngành lesbian tương đương với Corydon của Gide bên chuyên ngành gay :d

Mất Mrs. Dalloway tự đi mua hoa cho mình rồi :(

To the Lighthouse

Jan 6, 2011

Ouf Woolf

Làm tí minh họa nhỉ :)


Nhìn chung nghiên cứu tiểu sử Woolf thì quyển của Quentin Bell (con trai Clive Bell và Vanessa Bell, tức gọi Virginia Woolf là dì ruột) là đầy đủ. Quentin Bell được coi là người chép biên niên về "Bloomsbury" (trong Tới ngọn hải đăng ở "Giới thiệu" của dịch giả cứ một mực ghi thành "Bloomsburry", quái thế).

Moments of Being là các tác phẩm tự thuật. The Waves thì là tiểu thuyết. The Essays of Virginia Woolf thì là các essay ;p Hai quyển tiếng Việt thì nhiều người biết rồi.

Bonus ảnh nhá:


Có đề tặng, chữ ký của dịch giả nhá :d

Hic thông cảm ảnh xấu quá, Hà Nội đợt này thời tiết không thuận lợi cho bộ môn nhiếp ảnh, lạnh khắm khú.