Dec 30, 2012

Trường An là Trường An nào

Từ lúc sinh ra đến giờ, nếu mà có một bài thơ dài dài tôi thuộc được từng mặt chữ, “đọc trầm” được từ đầu đến cuối, thì đó là “Trường hận ca”. Ngay “Tỳ bà hành”, chỉ cần đến “Chủ nhân há mã khách tại thuyền” là bắt đầu ngắc. “Trường hận ca” hay từ một câu một từ một chữ một nét hay đi, “Dưỡng tại thâm khuê nhân vị thức”, đến “Ôn tuyền thủy hoạt tẩy ngưng chi” thì ôi thôi là rung động, rụng rơi từng tế bào. “Tôi tưởng tôi là Đường Minh Hoàng/Trong cung nhớ nàng Dương Quý Phi”, thế cho nên “Hậu cung giai lệ tam thiên nhân” thật là tuyệt đỉnh, phong lưu thì phải thế chứ, có những thứ nếu mà không đến mức không thể tưởng tượng nổi, không phải là đặc dị bí hiểm thì thôi đừng gọi ra làm gì, ví dụ như hoang phí, như khảm kha bất bình, như tài năng. “Hồi khan huyết lệ tương hòa lưu”, “Thánh chủ triêu triêu mộ mộ tình”, và “Hàm tình ngưng thế tạ quân vương” hẳn là nguồn gốc câu “Ngàn trùng e lệ phụng quân vương”… ôi trời ơi là trời ơi :p

(xong đoạn mở đầu tà đạo, giờ vào phần chính há há)

Dec 28, 2012

Sài Gòn và Hà Nội

Sài Gòn và Hà Nội khác nhau không chỉ ở chỗ một đằng thì gọi “chanh đá” một đằng thì gọi “đá chanh”, và hình như cũng không phải cứ đi đến tận cùng thì thằng nào con nào cũng giống nhau hết (mà tận cùng là cái gì vậy ta?) :p

Bắt đầu từ hồi năm ngoái, nhìn Sài Gòn của Catinat Đồng Khởi, Sài Gòn của những vùng ven, tôi thấy rõ chỉ Sài Gòn mới đích thực là một thành phố. Hà Nội của tôi (nói cho oai, chứ có mà “của tôi” khối, có con mẹ nào Hà Nội gốc nghe thấy nó lại chửi cuốc mả lên :p) là một thị trấn, mãi mãi là một thị trấn, có to lên thế này hay to lên thế nữa thì nó vẫn cứ là một thị trấn, một thị trấn to lên to mãi. Cũng đã có một thời hồi tôi còn là thanh niên mới nhớn, Hà Nội rất có vẻ muốn trở nên một thành phố, nhưng hào hứng chóng tắt cơn say chóng tỉnh, Hà Nội lại dập dìu mười giờ tối tắt đèn đi ngụ.

Dec 27, 2012

danh ca

không ngờ lại đến cái ngày như thế này, ngày sợ ra quán ngồi vì biết thế nào cũng nghe thấy Bằng Kiều hát, quán nào cũng bật Bằng Kiều

nam danh ca duy nhất mà Hà Nội sản sinh được trong suốt bao năm nay, giọng ca đặc biệt nhất từng làm nên những thời khắc đáng nhớ nhất của ca nhạc miền Bắc

giờ vật đổi sao dời, cũng giống những người hát underground giờ lên sân khấu trông như mấy con gà rù cú mèo thấy mà thương, cái giọng từng đẹp thế khi chỉ cho vài người, thậm chí một người duy nhất nghe, giờ loãng toẹt pha xi rô chữa ho còn chẳng nổi (bài hát cho anh giờ đã hát cho mọi người)

quán cà phê Hà Nội luôn luôn dã man, làm cho ai có cảm tình nhất với Bằng Kiều giờ cũng đâm ra căm thù

tôi vốn dĩ chẳng bao giờ thuộc nổi lời bài hát thế mà giờ cũng cực rành:

- chỉ còn gần em một giây phút thôi
một giây nữa thôi là xa nhau rồi
người theo cánh chim về vui với đời

- môi em lạnh để cho tình mình ấm
trời đang Tết hay lòng mình đang Tết

- khi tôi trao em linh hồn tôi
như ngôi sao băng qua đêm dài

- em có nghe mùa thu mưa giăng lá đổ

- rơi vào tim này muôn ngàn thương yêu

- vẫn biết đôi ta chia tay nhưng trong lòng còn mê say

nhất là khi lại còn cộng thêm giọng của em gì như cháo tim gan ngực to tướng (Mộng Tuyết thì phải) thì đúng là căm hận

trước đây mới chỉ có một ca tương tự, là James Blunt you have been the one :p

Dec 25, 2012

Buồn chán

Tôi ngại những lời tự khai của nhà văn, họa sĩ hay nhạc sĩ, kể cả khi được hỏi lẫn lúc chẳng ai buồn hỏi, phát biểu rằng họ sáng tác “bằng cả tấm lòng”. Giật gân như thế dễ gây tủi thân cho những ai tự xét thấy mình chỉ làm “các thứ” bằng một nửa, hoặc một phần tư, thậm chí chỉ một mẩu nhỏ của tấm lòng.

Tôi cũng ngại những đánh giá về một ai đó, bảo rằng người ấy làm một công việc gì đó với rất nhiều “tâm huyết”. Lưu lượng máu qua tim hẳn lớn (hết đợt này lại tới đợt khác) nên có những người lúc nào cũng tâm huyết, muôn thuở ở trong một sự bừng bừng khí thế nóng bỏng và gay cấn. Đến chiến sĩ ra trận đêm xuống còn lạnh xìu đi, nhưng nhiều nhà sáng tạo gây cảm giác lúc nào cũng giống y như một lò lửa lớn.

Dec 23, 2012

Xấu, Xóa mù và Xoắn

Xấu: nhan đề tiếng Việt quyển tiểu thuyết Grotesque lừng danh của Natsuo Kirino. Cuốn này được độc giả rộng rãi bên ngoài nước Nhật biết đến sau Out; Out là một câu chuyện đặc biệt phức tạp. Tác phẩm của Kirino dài, dữ dội, dã man, quỷ quyệt và chẳng bao giờ chịu nương tay trước bất kỳ cái gì. Yuriko trong Xấu là thêm một nhân vật nữ đẹp quái đản và quái đản xấu xa, nuôi quỷ trong lòng. Nhưng Xấu, từ sự quỷ quái của Yuriko, tham chiếu lên đó, chỉ ra những quỷ quái bên trong những con người khác thường được mặc định là không quỷ quái, nếu không tốt đẹp thì ít nhất cũng “bình thường”.

Xóa mù: không ít tác phẩm văn chương Hàn Quốc đã được dịch thời gian vừa rồi ở Việt Nam, nhưng đến Kim Young-ha thì tôi mới thực sự tìm được một “lối vào”, thấy mình bớt xa lạ với kiểu văn chương ấy. Tác phẩm của Kim sắp có bản tiếng Việt là I Have the Right to Destroy Myself (Tôi có quyền hủy hoại bản thân). Cuốn tiểu thuyết rất ngắn, khác hẳn dung lượng đồ sộ các tác phẩm của Natsuo Kirino, nhưng độ dã man thì không kém gì. Nó đi từ các tác phẩm nghệ thuật (ví dụ bức tranh Marat nằm chết trong bồn tắm, tay cầm bức thư vừa được Charlotte Corday đưa cho) đến một nhân vật làm nghề giúp người khác tự sát, một nghệ sĩ và một lái xe taxi (loại “bullet taxi”), và nhất là nhân vật nữ cũng nuôi quỷ trong lòng. Mấy bức tranh là một sự khiên cưỡng của tác giả, có lẽ vì muốn điểm trang một chút cho câu chuyện chết người của mình.

Xoắn: Trường An loạn của Hàn Hàn đã in xong: nếu mà thấy không nhẫn được nữa thì thôi đừng cố mà nhẫn nữa :d

Viết xong mấy cái ích xì trên đây mới nhận ra thế là đủ mặt cả Nhật, Hàn, Trung, cả khối “Đông Á” đồng văn mà Việt Nam rất muốn nhét mình vào :p; lẽ ra phải thêm vào một quyển truyện tiếng Việt, gọi là xợm :)

Dec 21, 2012

Georges Boudarel

Giữa hai quyển sách của Georges Boudarel là quyển về tướng Giáp và quyển dưới đây, lẽ dĩ nhiên quyển dưới đây hấp dẫn hơn nhiều :p


(Trăm Hoa Nở Trong Đêm Việt Nam)

Quyển về tướng Giáp, mặc dù rất nhiều lời khen ngợi, giống một "brochure" tiểu sử Võ Nguyên Giáp với nhiều hình ảnh (đẹp) hơn là một cuốn sách sử đúng nghĩa.

Georges Boudarel từng có một thời gian dài sống ở Việt Nam, gần gũi nhiều nhân vật, nhưng trong cuốn sách, liên tục có các chi tiết bị Văn phòng Đại tướng chỉnh lý vì không đúng, ví dụ lý do Võ Nguyên Giáp bị đuổi học là vì ông tổ chức biểu tình bãi khóa phản đối vụ đuổi học Nguyễn Chí Diểu chứ không phải như Boudarel nói; VNG từng bị giam ở Thừa Phủ chứ không phải Lao Bảo; Lê Đức Thọ chưa từng học ở trường tư thục Thăng Long, Hà Nội hay VNG đã về Việt Nam hoạt động từ năm 1941 chứ không phải 1942 như Boudarel viết trong sách. Đặc biệt, đã ở Việt Nam lâu nhưng Boudarel lại viết Võ Nguyên Giáp từng học cùng Nguyễn Thị Quang Thái (trong khi một người ở bên Quốc Học, một người bên Đồng Khánh).

Nói chung, quyển sách rất nhiều đoạn tả cảnh và miêu tả tâm trạng rất kịch tính nhưng khó tin.

Có những lúc, sử gia tạo cho tôi cảm giác họ đang che giấu lịch sử chứ không phải chép sử hay viết lại sử, ví dụ đoạn này trong "Lời giới thiệu" của Dương Trung Quốc:

"Nếu như G. Boudarel đã có nhiều đóng góp tích cực giúp Việt Nam đánh thắng chủ nghĩa thực dân thì ông lại không thành đạt khi ở lại Việt Nam tham gia vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Vì thế, cũng đến lúc ông phải chia tay với Việt Nam, nơi ông đã dành trọn tuổi thanh xuân cho một cuộc đấu tranh chính nghĩa không chỉ cho nhân dân Việt Nam mà cho chính cả nước Pháp Tổ quốc của ông" (tr. 8).

Cũng liên quan đến Georges Boudarel:


(ảnh mượn tạm trên mạng Internet :p)

Dec 19, 2012

Sempé và Tati

Những mối liên hệ cảm thấy được, bỗng chốc khi nào thấy ai đó cũng nói, sướng tỉnh cả người :p

Như tôi luôn thấy Sempé và Tati chung một tinh thần, hôm trước thấy trong một bài phân tích cũng nói vậy. Thậm chí Tati còn gặp Sempé rồi nói ông giống tôi thế nhỉ.

Sempé vẽ tranh Le Petit Nicolas (nhóc Nicolas), tưởng đóng vai phụ cho Goscinny nhưng thật ra Nicolas mang nhiều dáng dấp của Sempé hồi bé hơn nhiều so với Goscinny. Sempé cũng từng nói hồi bé chỉ ông chứ không phải Goscinny mới đá bóng và từng đi trại hè.

Cuộc đời Sempé giống như một ước mơ trở thành hiện thực: Sempé thần tượng các nhà minh họa của tờ The New Yorker và đã sướng điên người khi được tờ báo nhận tranh để in. Cho tới giờ Sempé đã vẽ khoảng 500 cái bìa cho The New Yorker. Mỗi khi có tờ này, cái đầu tiên tôi xem cũng là tranh cartoon, rồi mới tới mục "Profiles" hay "Critics". Sempé từng mua tranh gốc của một thần tượng để treo trong nhà, bao nhiêu năm vẫn không tin nổi đó là sự thực.

Tranh Jean-Jacques Sempé là những đám mây vui (thật ra thế giới các nhà vẽ tranh kiểu này rất u ám, nhiều trầm uất và nhiều vụ tự sát thê thảm), phim của Jacques Tati cũng nhẹ bẫng một niềm vui thanh thoát. Và cả hai đều thực sự rất Pháp.

Dec 17, 2012

Tên của đóa hồng

Cách đây nhiều năm, tôi đọc Tên của đóa hồng, đọc truyện. Giờ, tôi lại đọc Tên của đóa hồng, đọc sách. Hehe, vào đề thế cho nó oách thôi chứ thật ra giữa hai chuyện đâu có gì khác nhau mấy.

Đọc lần này là để kiểm chứng một điểm tôi đã mơ hồ nhận thấy: tương ứng của Kim Dung bên Tây là Umberto Eco (tôi chả ham gì cái món Đông Tây y biện biệt hay Đông Tây y kết hợp chủ toàn với cả chủ biệt, nhưng có những cái nhìn ra được, quan trọng hơn là nói ra được).

Dec 12, 2012

Đỏ

Nhìn thấy quyển sách sắp sửa "ra" đến nơi, bồi hồi khó tả.



Đây là một trong các phác thảo bìa, không phải bìa chính thức. Tên tác giả cũng chưa chính thức; tên chính thức là một tổ hợp từ kém một so với tổ hợp từ ở đây :p

Đỏ, một tác phẩm đầu tay, với tôi có điều rất lạ. Nhà văn trẻ thường hấp dẫn người ta vì sự chông chênh, sự cực đoan, sự quá đà. Nhưng Đỏ lại vô cùng cân bằng. Đọc đi đọc lại và nghĩ mãi mới hiểu tại sao lại có sự cân bằng ấy, sự cân bằng mà qua trò chuyện tôi biết là tác giả hoàn toàn ý thức được.

Sự "người lớn" trong văn chương không phải vì cái gì mà có, mà nó tự nhiên như thế, có sẵn ngay từ đầu. Không phải cứ gọi "Hương Đầu Mùa" là hy vọng sang mùa khác có hương khác, đầu mùa cuối mùa có thể vẫn chỉ một thứ hương.

Với bản thân tôi, quyển sách này là cả một ý nghĩa. Một nhà xuất bản đúng nghĩa phải xuất bản được tác giả trong nước, nhất là tác giả mới. Cho đến giờ, các tác giả đã "qua tay" tôi: Nguyễn Nguyên Phước, Thuận, Ngô Phan Lưu hay Nguyễn Thúy Hằng (và sắp tới là Nguyễn Ngọc Tư), tôi đều "hưởng sái" từ thành quả những người đi trước. Cách đây vài năm tôi đã rất tiếc vì không in được tác phẩm đầu tay cho Nguyễn Nhật Minh, một cuốn tiểu thuyết có những đoạn theo tôi là tuyệt bút. Lúc nào làm lại nhé.

("Người môi giới" mà tôi đặc biệt cảm ơn: Vũ Phương Nghi. How things? :p)

-----------

Cúc cu miền Tây nhìn thấy cái ảnh dưới đây thì "á" lên một tiếng nhé :)

Câu đề từ nhé: "Nào ai ru được/Ba nghìn mắt mở chong chong...". Ức hong? :p

Dec 11, 2012

Nào :)

Văn xuôi của Nguyễn Bình Phương.


Hai quyển này cùng in vào năm 1991, Bả giời trước Vào cõi chừng nửa năm, trang xi-nhê của Bả giời 91 này có dòng chữ chết người: "In song và nộp lưu chiểu tháng 6/1991" (sic) :p

("Ngày gặp mặt trời, đêm chạm trán với trăng, hắn không thoát khỏi vòng tròn quái dị đó" - Vào cõi)

Dec 9, 2012

Sách (LIX) Sách của bạn


Janine Gillon ngày xưa cùng Phan Thế Hồng dịch Số đỏ sang tiếng Pháp. Sau này tôi mới biết thật ra Janine có bằng cấp rất cao. Nói chuyện với tôi, Janine chỉ kể mình là một trong khoảng hơn chục sinh viên của cái séminaire của Roland Barthes sau này có kết quả là quyển S/Z.

Janine đã qua đời vài tháng nay. Quyển sách của Vallejo này, Janine tặng tôi cách đây khá nhiều năm, nói rằng nhà văn này rồi đây sẽ khá lắm. Hồi ấy Vallejo chưa mấy nổi tiếng, giờ quả nhiên đã khá nổi tiếng rồi.

Dec 7, 2012

Hồ Thị Thu Hồng là một nhà báo giỏi

Vụ việc blogger Beo tức nhà báo Hồ Thị Thu Hồng đang có đầy đủ mầm mống cho một vụ ném đá tập thể ghê rợn, có thể là ghê rợn hơn cả trong lịch sử Internet tiếng Việt.

Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là: dù có thế nào đi nữa, người ta cũng không được quên rằng Hồ Thị Thu Hồng là một nhà báo giỏi. Thời của Hồ Thị Thu Hồng, tờ Thể thao & Văn hóa thực sự là một tờ báo mạnh, một tờ báo rất đáng kể, một tờ báo đầy bản lĩnh. Từ một phụ trương èo uột ăn theo Espagna 1982, Thể thao & Văn hóa đã trở thành một đế chế báo chí hùng mạnh; đế chế ấy giờ đã vô cùng yếu ớt, trên con đường đổ dốc thẳng vào sự suy sụp, sau khi không còn được bản lĩnh của Hồ Thị Thu Hồng giúp sức nữa.

Dec 6, 2012

Cốt nhục tình thâm

Một tác phẩm nổi bật của Lê Vĩnh Hòa (Đoàn Trọng Hối):


Dec 4, 2012

Sách (LVIII) bưng mặt


xin trao thi sĩ vòng hoa tặng/chúng ta đã thắng giữa cuộc đời :)

Một tập thơ thường là, và luôn luôn nên giống như một món quà mà những người bạn của nhà thơ tặng nhà thơ. Tôi đứng ra làm quyển này nên thay mặt nhà thơ Nguyễn Thúy Hằng cảm ơn: Dương Tường, Nguyễn Chí Hoan, Trần Tiễn Cao Đăng, Vũ Hoàng Giang, Vũ Minh, Lý Trần Quỳnh Giang, Nhã Thuyên (vì đã có lúc nói với tôi đại ý là đừng bỏ cuộc; tất nhiên là tôi không bỏ cuộc, nhưng có một lời nói vẫn hơn nhiều), Dương Tất Thắng (vì sự kiên trì in hai tập trước của Nguyễn Thúy Hằng).

Dec 2, 2012

Võ Phiến trên Sáng Tạo

Thỉnh thoảng tự đặt ra một câu hỏi thuộc lĩnh vực văn học sử rồi tìm cách trả lời. Câu hỏi là: Võ Phiến có bao giờ cộng tác với tạp chí Sáng tạo hay không?

Câu trả lời là: Có, một lần duy nhất, đó là truyện ngắn "Kể trong đêm khuya" dưới đây, trên hai số Sáng tạo, số 20, tháng Năm 1958 và số 21, tháng Sáu 1958. Còn có một lần xuất hiện thoáng qua nữa, và từng có hai tác phẩm của Võ Phiến được Sáng tạo viết bài điểm sách, về tập Chữ tình và tập Người tù.

Tổng mục lục Sáng tạo do nhà văn Dương Nghiễm Mậu lập có thể tìm được trên Internet.


Nov 30, 2012

Thanh Tâm Tuyền về Quách Thoại





Hình như đây là tập thơ duy nhất từng in của Quách Thoại, nhà thơ yểu mệnh, người từng được Thanh Tâm Tuyền viết tặng những câu thơ rất nổi tiếng: "Xin trao thi sĩ vòng hoa tặng/Chúng ta đã thắng giữa cuộc đời". Hai câu này ở trong tập Tôi không còn cô độc, còn trong Liên Đêm mặt trời tìm thấy cũng có bài thơ Thanh Tâm Tuyền tặng Quách Thoại, trong đó có câu "Người thi sĩ bay vào miền đất lạ".

Tập thơ trên đây do tạp chí Văn Nghệ (ra được tổng cộng 24 số) ấn hành, người phụ trách tờ này là Lý Hoàng Phong, tác giả Sau cơn mưaNgười giết người, anh trai của Quách Thoại. Phí Ích Nghiễm trên đây là tên thật của nhà văn Dương Nghiễm Mậu.

Bài ai điếu/tưởng niệm/khóc bạn của Thanh Tâm Tuyền thì mới thấy Dương Nghiễm Mậu trích vài đoạn trong tiểu luận về Thanh Tâm Tuyền và nhóm bạn hữu. Dưới đây là toàn văn bài viết ấy, đăng Sáng tạo (tờ này thì ra được 31 số bộ cũ và chừng 7 số bộ mới). Nhiều người đã chỉ ra tính chất hung bạo ở Thanh Tâm Tuyền; tôi còn thấy sự bồn chồn bứt rứt không bao giờ yên.





Thoại ơi! Thoại ơi! Không biết khóc

Khi người ta nghĩ không thể nào mang lại hạnh phúc cho người mình yêu, người ta sẽ làm những điều tàn ác với hắn. Không phải người ta hết tình yêu trong lòng. Trái lại đó là sự biểu diễn của một thứ tình bất lực. Chúng tôi mang thứ tình bất lực ấy đối với Quách Thoại. Thoại nghèo, Thoại bệnh, Thoại thi sĩ. Chúng tôi chẳng thể thay đổi được những điều ấy ở Thoại. Và tàn ác chúng tôi đã ước mong cái chết của Thoại.

Nhật ký của tôi còn ghi ngày 22 tháng 7 năm 1956 những dòng này: “Và chính bây giờ tôi có ý tưởng Thoại nên chết thì hơn. Sống khốn nạn và hắt hủi thì chết còn nhẹ.

Một nhân vật của Dostoievski thắc mắc: Có thể nào có một người được quyền phán đoán kẻ khác, quyết định kẻ nào đáng sống và kẻ nào không đáng sống chăng? Câu trả lời: Người ta có quyền ước mong cái chết của kẻ khác. Chúng tôi đã ước mong cái chết của Thoại. Và bây giờ thì Thoại đã chết.

Ước mong mới chỉ là khởi đầu sự tàn ác trong tâm hồn. Sự tàn ác ấy có thể nhập vào hành động. Tôi hiểu tại sao Plisnier đã để cho một nhân vật của ông bắn chết người vợ đau khổ yêu quý của y. Vì y không mang lại hạnh phúc cho người vợ đau khổ mà y yêu hơn thân mình nên một buổi sáng kia y nói những lời âu yếm với vợ và nổ đạn vào ngực người đàn bà khốn nạn.

Thì chúng tôi cũng đã tàn ác không kém với Thoại. Chúng tôi bỏ rơi, chúng tôi quên Thoại trong những ngày cuối cùng của đời chàng. Thoại chết bao giờ, ở đâu? Cho đến khi viết những dòng này tôi cũng chẳng hay. Chỉ nghe kể lại sau ba ngày không ăn uống, Thoại đã từ biệt vĩnh viễn cuộc đời trong một bệnh viện Trung hoa ở Chợ lớn. Không một người bạn đưa Thoại tới nơi an nghỉ. Người anh của Thoại, anh Lý hoàng Phong, lo chôn cất em và dấu [sic] kín tin tức về cái chết ấy. Khi chúng tôi biết thì Thoại đã ngủ yên ở một nghĩa địa nào ngoài Phú Thọ. Có thể anh Lý hoàng Phong không muốn làm phiền mọi người vì cái chết được ước mong ấy. Có thể đó là ý muốn của Thoại.

Ngày tôi gặp Thoại, chúng tôi - Doãn quốc Sỹ, Nguyễn sỹ Tế, Trần thanh Hiệp và tôi - đang làm những số Người Việt đầu tiên. Thoại trao cho tôi tập thơ dày của Thoại để tôi giới thiệu trên báo. Tôi đưa Thoại vào làm chân sửa bài ở nhà in. Nhưng Thoại không đến được vì bệnh. Một buổi chiều Thoại tìm tôi, dưới những bóng cây lớn, nói cho tôi hay chứng bệnh nguy hiểm và nhờ tôi chạy một món tiền vào nằm nhà thương. Anh em Người Việt góp được hơn một ngàn đồng và Thoại vào nằm ở một nhà thương bên Thị Nghè. Thỉnh thoảng Thoại vẫn phải ra phố tìm gặp tôi vì hẹn tôi vào thăm chẳng bao giờ thấy tôi cả. Tôi lười và bận công việc. Thoại tả cho tôi nghe chỗ giường nằm của Thoại với cửa sổ cao nhìn lên trời, gác chuông nhà thờ, đồng rộng, bà Phước hiền từ mà Thoại yêu ngông cuồng của thi sĩ (Phải tôi có biết bà Phước đó!). Người Việt ra đến số 3 thì lực lượng kiệt quệ, chúng tôi quyết định ra số đặc biệt rồi tạm đình bản. Một buổi trưa nắng Thoại tìm tôi ở nhà in Thanh Long đưa cho tôi bài thơ “Còn Sáng tạo ta hãy còn Sáng tạo” để đăng vào số Sáng Tạo của Người Việt và Thoại sửa soạn về Huế vì hết tiền nhà thương.

Lỡ một mai tôi chết trần truồng không cơm áo

Bây giờ không còn là lỡ nữa. Đúng là Thoại chết trần truồng không cơm áo. Và chúng tôi chẳng thể làm gì hơn cho Thoại được. Nhưng ngày ấy tôi đã viết cho Thoại, tự dối mình và dối bạn:

Không chết trần truồng, không thể được
Chúng tôi đập vỡ những hình hài

Và tôi hy vọng:

Xin trao thi sĩ vòng hoa tặng
Chúng ta đã thắng giữa cuộc đời

Bài thơ ấy tôi gửi ra Huế cho Thoại trước khi đăng báo. Không bao giờ tôi trao tặng Thoại vòng hoa nào cả, dù là một vòng hoa phúng viếng.

Ít lâu sau Thoại trở vào Saigon khỏe mạnh hơn trước. Mọi người đều vui mừng. Những số hấp hối của Người Việt được đánh dấu bằng cuộc triển lãm của Duy Thanh và Ngọc Dũng. Chúng tôi đã sống những giờ vui nhất với nhau. Không ngày nào chúng tôi không có mặt quây quần trong cái quán nước đặc khói trong ngõ hẻm Phạm ngũ Lão sau nhà in Dân Chủ. Chúng tôi ăn những cái bánh gọi là ngói, nhìn ngõ hẻm ra ngoài đời. Những ngày triển lãm chúng tôi la cà tụ họp ở đường Tự Do ngồi trong phòng ngó ra thiên hạ. Phòng triển lãm đóng cửa. Người Việt đóng cửa. Và chúng tôi trở thành những kẻ thất nghiệp gặp nhau hằng ngày: Duy Thanh, Quách Thoại và tôi. Quách Thoại dự định in thơ, Ngọc Dũng chạy nhà xuất bản và tôi viết tựa. Nhưng cuộc sống thất thường làm cho bệnh Thoại nặng trở lại. Một buổi sáng chủ nhật tôi được tin đêm trước Thoại thổ ra huyết. Khi ấy Thoại ở khách sạn Đại Nam đường La Somme gần chợ Bến Thành. Tôi không xuống thăm Thoại ngay mà ngồi nhà ghi nhật ký: “Và chính bây giờ tôi có ý tưởng Thoại nên chết thì hơn. Sống khốn nạn và hắt hủi thì chết còn nhẹ.

Buổi trưa tôi xuống gặp Duy Thanh. Thanh đã ngồi suốt buổi với Thoại và cản tôi vào vì Thoại ngủ. Ngọc Dũng đạp xe từ Hòa Hưng mang lên cho Thoại một ống thuốc. Chúng tôi tính một món tiền thuốc nhưng không thành. Tôi thất nghiệp, kết quả tài chính cuộc triển lãm của Thanh và Dũng không được khả quan. Buổi chiều chúng tôi kéo nhau ra bờ sông uống rượu như khi thất tình. Tôi về viết tựa cho tập thơ Thoại sợ Thoại chết. Và tôi viết bài thơ “Tĩnh vật Duy Thanh Quách Thoại Tôi” mà khi đăng báo theo lời yêu cầu của Mai Thảo chỉ còn vỏn vẹn là “Tĩnh vật”:

Người nhổ muôn ngàn giấc máu ra khỏi ngực
Là tĩnh vật
Kẻ đi ngoài kia la vào mồm
Sống

Tôi đã ghi trong nhật ký rằng tôi muốn chửi tục để kết luận bài thơ ấy.

Nhưng Thoại không được in thơ mà tôi in thơ. Và Thoại không chết. Tôi có nói ý nghĩ muốn Thoại chết với Thoại và Thoại cười. Trong những tháng này có một đứa con gái, tôi không biết tông tích, Thoại bảo người miệt Hậu Giang, mê thơ Đông Hồ và về chăm sóc giặt rũ [sic] cho thi sĩ Quách Thoại. Những buổi chiều tối mở cửa phòng tôi gặp Thoại đứng xoay lưng nhìn xuống đường chuyện trò với đứa con gái. Đứa con gái ấy thường mặc quần áo trắng và im lặng như một cái bóng. Tôi không muốn thi vị hóa mà gọi đấy là bà tiên hay vị thiên thần của đời Thoại, vì nếu biết đứa con gái ấy tầm thường như thế nào chắc có kẻ dám khinh Thoại. Vì người con gái tử tế nào lại tình nguyện chung sống với một thằng thi sĩ ho lao ngông cuồng là Quách Thoại - Đứa con gái ấy - hiểu tại sao tôi gọi bằng đứa - đến với Thoại không vì tiền, Thoại không có tiền ở khách sạn là nhờ [sic], cũng không vì thú vui xác thịt, Thoại bệnh, chỉ vì một lẽ giản dị: nó nhìn thấy Thoại là thi sĩ.

Thời kỳ ngặt nghèo ấy qua khỏi, Thoại không chết. Và chúng tôi quên điều ước mong. Cho đến hôm nay nghe tin Thoại chết chúng tôi sửng sốt đến nỗi không thể cảm động. Cái chết đến với Thoại khi chúng tôi không nghĩ tới nữa, chúng tôi quên Quách Thoại. Đó là một thứ tàn nhẫn của tâm hồn con người.

Tôi gặp Thoại lần cuối tại nhà tôi một buổi trưa khi tôi sửa soạn đi dạy học. Thoại lại về Huế lần nữa và mới trở vào. Thoại mặc áo cà sa và mang theo tập “Những bài thơ tình đầu tiên” hy vọng tìm một nhà xuất bản. Thoại giảng cho tôi nghe phép tu luyện “yoga”, dạy tôi cách đi bộ hai tay mở ngửa để có thể đi xa đi nhanh không mệt. Thoại dự định học tiếng Phạn để sang Ấn Độ. Tôi đưa xe Thoại lên Saigon và đến trường. Và tôi quên Thoại, quên một cách tàn nhẫn.

Tôi ước mong Thoại chết, và Thoại chết:

Có kể gì tôi ăn mày
Có kể gì anh bệnh hoạn
Những người chết đi là chết đi
Em tôi thành hoàng hậu
Giữa đô thành Paris

Thoại đã “ngủ một giấc không nhớ lại tý gì”.

Điều ân hận nhất trong đời Thoại là Thoại đã không được in thơ. Tôi nhớ khi còn sống tôi với Thoại đã giao ước: kẻ nào chết trước, sau một năm, sẽ được kẻ sống lập một giải thưởng thơ để kỷ niệm. Tôi không hiểu tôi có giữ trọn lời ước với Thoại không?

Có một điều là tôi sẽ phải viết lại bài tựa cho tập thơ của Thoại vì bài tựa trước hình như Thoại chưa hài lòng. Dù viết lại tôi cũng không bỏ ý này:

Giả thử không có Quách Thoại cuộc đời của chúng ta cũng chẳng thay đổi chút nào. Những Quách Thoại đã có mặt và chúng ta sẽ chẳng bao giờ cởi bỏ được sự có mặt ấy. Thế giới Quách Thoại vây lấy chúng ta. Và tiếng nói Quách Thoại đã ném vào vĩnh viễn mãi mãi còn là những gì thân yêu quen thuộc.

Với chủ quan của một người bạn, tôi chẳng ngại ngần gì không bảo: cái chết của Thoại không những chỉ làm đau đớn bằng hữu của chàng là chúng tôi mà còn là một cái tang lớn cho văn học trong mười năm trở lại đây!

(Sáng tạo số 16, 1/1958, tr. 12-15)

-----------

Còn đây là một tập thơ theo "kiểu hung bạo" khác; càng ngày tôi càng thấy nhiều chất Lautréamont ở Phạm Công Thiện.



Lautréamont và những khúc ca của Maldoror: sự hung bạo của những huyền ảo và cái ác.

Sang đến Antonin Artaud, tính chất hung bạo này đã khác nhiều, vì còn có mối liên hệ của một yếu tố mới: cơ thể, xác thịt (Nhẫn thạch của Ratiq Rahimi có đề từ là mấy câu thơ của Artaud thể hiện khá rõ điều này). Hung bạo bằng xác thịt, dắt díu nhau không rời của tác phẩm và cơ thể. Đây là Artaud: Nơi nào người ta đề xuất những tác phẩm thì tôi lại chỉ hé lộ tinh thần tôi. Artaud không chấp nhận tác phẩm tách rời (détaché) mà là máu thịt của cơ thể người sáng tạo: không có sáng tạo tách rời riêng rẽ, cũng như không có tinh thần tách rời khỏi cơ thể. "Chacune de mes oeuvres, chacun des plans de moi-même, chacune des floraisons glacières de mon âme intérieure bave sur moi" (L'Ombilic des Limbes). Mọi thứ từ nội tâm đổ ụp xuống, phun trào lên cơ thể người sáng tạo, và đó là tác phẩm.


Nov 28, 2012

Bạn



(oán ân trên cõi giang hồ/chẳng qua là cái hỏa lò con con)

Mấy củ bạn này, vừa cá nhân vừa điển hình. Lưỡng lự rồi tôi quyết định không nói tên ra, một số người hiểu là được rồi.

Đại khái tôi từng lê qua một số chốn hay được gọi là tinh hoa trí tuệ gì gì đó, gây thù chuốc oán cũng nhiều mà kết giao bằng hữu cũng không ít. Chuyện thù oán thì thôi không nói, tôi cũng không để ý mấy, mệt khười.

Bạn thứ nhất nhà thơ kiêm nhà báo. Thơ hay, thuộc hạng nhất của một giai đoạn, viết báo thì lèo phèo kiếm ăn qua ngày. Bạn cực kỳ mau mắn viết bài khiến giang hồ hai đạo hắc bạch đều sửng sốt, vì ai cũng biết bạn và tôi hữu hảo xưa nay. Như tụi Bùi Dũng hay Thủy Phạm vợ nhà Dương Thụ (chẳng hiểu sao căm hận tôi đến nỗi qua mặt cả ban biên tập cốt để xiên tôi được một nhát; mà Kiều Phong cũng đâu hiểu nổi một số mối hận lưu niên) thì còn đi một nhẽ, đằng này lại là bạn. Thật ra vụ này có nguyên ủy chỉ bạn và tôi biết, nhưng thôi tôi sẽ không nói. Sau đó nhiều người bảo bạn nợ tôi một lời xin lỗi, nhưng bản thân tôi thì không cần.

Tôi chỉ muốn bạn hiểu tại sao xưa nay tôi cứ lạnh nhạt không ứng lại nỗi nồng nhiệt quấn quýt của bạn, ấy chính là vì bạn nồng nhiệt theo kiểu lick ass quá, tôi ngại.

Bạn thứ hai, tên tuổi vang lừng toàn cõi Internet tiếng Việt, không thiếu mặt ở bất kỳ chầu vui cuộc chiến nào suốt hơn chục năm qua. Bạn và tôi từng có cái thời lấy trêu chọc nhau làm vui, tuy chưa từng gặp mặt nhưng đại khái là có chút nể trọng quý mến từ xa với nhau.

Sau này không được như trước nữa, tôi cũng chẳng ưa bạn, bạn cũng chẳng ưa tôi. Tôi chấp nhận được hết mọi sự chửi xéo, chửi thẳng, chê bôi, cạnh khóe từ phía bạn, chỉ hơi ngạc nhiên là tại làm sao phải thế. Đời mình không được như ý, những ước vọng cao xa không đạt được thì là tại mình chứ có phải là tại ai đâu, nhất là một cái thằng chưa bao giờ gặp và cũng chẳng có liên quan gì?

Nhưng bạn vẫn chơi cái trò ngày xưa từng chơi, bạn đưa ra một số fact và làm như thể vì chúng ta quen biết nhau nên bạn biết được mà người khác không biết. Bạn vẫn cái tính đàn bà như thế. Sống ở một cái chốn thiên hạ vẫn bảo là văn minh, mà bạn chưa hiểu như thế là phỉ báng, vu khống người khác à?

Bạn thứ ba thì có sẵn một cái tên, một cái khuôn rất vừa: Nhạc Bất Quần. Loại này thật ra rất tinh vi, khó nhìn thấu, có thể lừa người ta ròng rã suốt nhiều năm và nói cho đúng thì phần tốt cũng rất nhiều, phần kém và phần độc rất ít, nhưng cực độc, cực kém.

Tôi đã chứng kiến cảnh bạn loay hoay giữa đám loạn lạc. Cũng khổ sở, tôi biết. Bạn không muốn làm tôi mất lòng, nhưng lại cũng không muốn bọn khác mất lòng. Này, những lúc như thế, nếu không đủ bản lĩnh thì phải im đi. Bản chất con người bộc lộ ra ở trong khoảnh khắc, những thời điểm ngặt nghèo, và lộ rõ lắm, với cả sống trên đời, muốn làm vừa lòng hết thảy, muốn keep cool mọi lúc mọi nơi thật ra lại là phường hương nguyện đấy. Sau đó tôi cũng biết bạn hối, bạn loay hoay làm đủ mọi cách, những cái ấy tôi cũng ghi nhận, nhưng cái gì chứng kiến thì cũng đã chứng kiến xong rồi.

Bạn thứ ba chắc chắn sẽ đọc cái này ngay, như thường lệ. Đọc, và nhiều khi bắt chước nữa. Cố lên, thỉnh thoảng cũng khá giống đấy.

Nov 26, 2012

Nói tiếp chuyện Trần Nhã Thụy



(bởi từ lâu chúng ta không thể ngửi)

Vũng nhầy văn chương Việt Nam càng nhầy thêm nữa vì có những thứ thoáng nhìn qua thì hào kiệt đường đường chính chính lắm nhưng thật ra là “phường hương nguyện”, hay nói theo ngôn ngữ hiện đại là sặc mùi double-standard.

Riêng cái chuyện Trần Nhã Thụy đưa tôi vào mấy thứ văn chương ễnh ương, tôi chẳng lý làm gì, đời mà chịu vài thứ bửn bửn kể ra cũng chẳng sao, khéo còn hơn là vô trùng tuyệt đối, với cả tôi cũng gớm cái trò “đời trọc ta trong” từ lâu lắm rồi, nhưng cái kiểu của Trần Nhã Thụy, nhìn tổng quát, thì tôi thấy rất đáng nói.

Tôi chưa bao giờ thực sự viết về văn chương Trần Nhã Thụy, giờ lại càng không, viết gì bây giờ cũng sẽ bị nghĩ là có dây dưa ba chuyện lẻ tẻ khác, mặc dù bản thân tôi biết mình đủ sức tách bạch mọi thứ. Nabokov khi trả lời phỏng vấn Playboy đã nói đến chuyện ông ghê tởm phê bình văn học vì nó luôn luôn lẫn lộn tình cảm riêng tư vào. Với tôi đó là một bài học lớn, một nguyên tắc nhất quyết phải theo. Nhiều bạn nhà văn của tôi, tôi chưa từng viết đến để khen, nhiều người tôi không ưa tôi vẫn có thể viết mà không chê, hoặc tránh không viết. Tôi hoàn toàn có thể chỉ cần 500 từ là bình luận xong văn chương của Trần Nhã Thụy, nhưng tôi chưa bao giờ làm, cũng chẳng thèm làm, mặc dù mấy thứ ấy tôi chẳng bỏ sót, Sự trở lại của vết xước đến Chàng trẻ măng ở phố treo đầu cho tới cả Mùi vân vân và vân vân. Ngắn gọn, văn chương Trần Nhã Thụy, rất ra vẻ nhưng là một thứ fake nhạt nhẽo, kỹ thuật kém, tinh thần và cảm xúc nghèo nàn. Tản văn hay tạp văn thì đơn giản là Trần Nhã Thụy không biết viết, mà điểm sách thì chưa từng có bài nào viết không có lỗi này lỗi kia. Mở tờ Tuổi Trẻ ra, hai mảng tôi quan tâm nhất là sách và phim, phần nhiều đều phải gấp lại ngao ngán.

Mà khi bị tôi chỉ trích công khai, lẽ ra có thể dùng tư cách nhà báo hay nhà phê bình để trả lời, thì Trần Nhã Thụy lại dùng tư cách nhà văn để đi bôi nhọ tôi. Có nhiều tư cách nhưng luôn dùng tư cách tréo nhoe, đó là cách thức không chỉ của Trần Nhã Thụy, mà còn của nhiều người nữa, chẳng hạn như Nguyễn Thanh Sơn. Không trả lời thẳng thắn được thì im đi cũng chẳng sao, đằng này lại làm đủ mọi trò cắn chỗ này cắn chỗ kia (hình như trước đây Nguyễn Thanh Sơn có một cái nick liên quan đến chuột thì phải).

Trong ngôi nhà tinh thần cá nhân, đương nhiên có vị trí tôn nghiêm để bày cái bài vị viết dòng chữ “dĩ hòa vi quý”, nhưng lắm lúc cứ phăng cho một phát cho đỡ bực còn hơn.

Mấy vị ấy tóm lại là không có nguyên tắc. Tôi chẳng phải loại người tử tế gì, nhưng tôi có nguyên tắc. Không bao giờ lẫn lộn riêng tư là một, không bao giờ chửi đểu ai là hai, không bao giờ hùa vào những cuộc ném đá tập thể là ba. Ném đá tập thể là trò mọi rợ, đơn giản thế thôi, là lúc để bọn chẳng biết gì mượn cớ để tranh thủ giở ba cái trò lăng nhăng nhằm trả mối tư thù hoặc ấm ức nào đó. Đời tôi, mỗi khi thấy có chuyện như thế, hoặc nếu không làm được gì thì im đi, hoặc nếu có tư cách nhất định nào đó thì phải nói ngược lại, kể cả khi nạn nhân là người vốn mình cũng chẳng ưa. Lớn như vụ NBC, PHT, nhỏ như vụ LNL, mình mà lên tiếng thì đám đông man rợ kia cũng khựng lại phần nào. Đó là cách hành xử của Jesus khi đứng ra trước đám đông mà hỏi kẻ nào trong các ngươi không có tội. Đó là tiếng nói của lương tri tối thiểu. Không biết được thì đừng có nói cái gì khác nữa. Thần chú trong những hoàn cảnh như vậy là đây: Antigone.

Trần Nhã Thụy, nhỉ, đi bôi nhọ nhưng đồng thời cũng phải lick ass cái thứ bình thường mình vẫn tỏ ra khinh thường lắm, kể ra thì cũng cú, nhỉ.

Chung quy lại, xét cho đến cùng, tài năng lớn thì đi cùng đạo hạnh lớn. Trong những ngày ấy, Bảo Ninh là người nhất định tìm gặp tôi, gặp rồi thì nói: “À ông, thấy ông thế này tôi mừng quá”, và trong buổi sáng hôm ấy, tôi tin mình đã được nghe những điều ít ai được nghe, những gì không lẫn chút cồn nào.

Địa ngục là thế đó, thứ mà cả lũ già đầu nhưng vẫn chưa lõi đời cũng mắc, là sự “sa chước cám dỗ”. Tôi luôn luôn cố ngăn chặn mọi cuộc ném đá vào người khác, vì tôi biết không phải ai cũng đủ sức chịu đựng. Còn bản thân tôi thì, hề hề.

(như thường lệ, ký tên thật ghi trên chứng minh thư: Cao Việt Dũng)

Nov 24, 2012

bởi từ lâu chúng ta không thể ngủ


nó thiêng quá, vừa nghĩ đến xong, vừa nghĩ đến cái "bởi từ lâu chúng ta không thể ngủ" xong thì nó nhắn tin

nó bảo đã cầm sách rồi, lại còn cười hí hí, chột hết cả dạ, hỏi lại thật rõ ràng xem nó có hài lòng với quyển sách không, nó bảo là có mới thở phào một cái :p

nhan đề "bởi từ lâu chúng ta không thể ngủ" bạn Nguyễn Thúy Hằng gửi tin nhắn cho mình vào lúc ba giờ sáng đã xa lắc xa lơ, kèm với ba cái tên nữa, bắt mình chọn hộ; cái mình chọn bạn đã không lấy làm tên chính thức, nhưng mình còn nhớ nó rất rõ :)

sau "thời hôm nay khoái cảm và điên rồ hợp lý", sau "bởi từ lâu chúng ta không thể ngủ", giờ bạn Nguyễn Thúy Hằng đã có thêm một tập, tên là "họ. bột hư ảo", công lao chúng ta lắc lư suốt hai năm ròng mới in ra được

nói thật là in được sách cho bạn mình vui lắm, bao nhà thơ thuở ấy mọc lên như nấm rồi xẹp như bong bóng xì hơi, nhiều người quãng ấy giờ mình chỉ còn đọc để xem còn có thể viết tệ đến mức nào nữa, còn bạn đúng là thi sĩ đích thực của cái thời cấm khẩu này, bạn cũng đã đi qua bao nhiêu thứ, cả cái thứ phê bình mà bạn từng gọi rất chính xác là "đê tiện", giờ kệ bố chúng nó, nhỉ :p

mình khá là kinh ngạc vì thấy trong "họ. bột hư ảo" có một bài có hình bóng của mình hí hí, một thời đã qua cũng có thể để lại dấu ấn như vậy, nhỉ, thời của Hà Nội mùa đông của cà phê của rượu, và sách và tranh, không phải lúc nào trở thành nhân vật của ai đó cũng dễ chịu đâu, ví dụ như mình từng bị Trần Nhã Thụy đưa vào cái gì đó, đọc muốn ói

chính vì thế nên chúng ta mới không thể ngủ, nhỉ :p

Nov 23, 2012

Sách (LVII) Thơ

Có những ngày buồn bã, những buổi chiều không biết cất vào đâu:


Còn đây, đã đầy đủ sạch bách chưa người ơi :d


:p

Niềm vui của chúng ta thì đây:




(ngủ dậy mồm miệng hôi rình/lao ngay vào mạng uống bình thông tin)

Nov 22, 2012

Hư cấu

bài thứ ba trong loạt




Trong tập đoàn người bực mình với thế giới, nhiều người đã nuôi lòng cay đắng mà trở thành nhà văn. Một số người bực mình đến nỗi miêu tả thế giới đúng như nó vốn có, để chọc quê thế giới (cứ nhìn chăm chăm vào một cái gì đó mãi thì cái thứ ấy rồi sẽ trở thành rất xấu, hình như Flaubert từng nói thế). Nhưng những người bực mình nhất thì bịa luôn ra một thế giới khác và bằng cách đó làm một cử chỉ rất quyết liệt và khá “theo kiểu Effenberg” về phía thế giới nằm sẵn đó kia.

Lẽ dĩ nhiên, cũng có những nhà văn phởn phơ và nhẹ nhõm lắm, chẳng nuôi dưỡng mấy bực bội trong lòng, những gì họ viết ra nhiều khi cũng được đón nhận rộn ràng từ các tâm hồn ngấm ngầm thèm khát sự ve vuốt êm ái. Nghịch lý (hay đúng hơn, sự tất yếu) nằm ở chỗ dễ nhớ thì dễ quên, dễ nồng đượm thì dễ chia phôi, dễ trôi vào miệng thì dễ tiêu, đúng như tinh thần của cái câu quái ác này: “Easy come, easy go”. Tuy nhiên, nếu đẩy tiếp nghịch lý trên con đường oái oăm và chỉ chăm chăm chơi xỏ của nó, thì lại còn có điều sau đây nữa: mức độ đau khổ, dù có là tột cùng, không đương nhiên đảm bảo một văn chương lớn lao.

Trong cái thế giới văn chương nhìn chung chẳng có gì dễ dàng và đảm bảo này, thời gian vừa rồi người ta bất chợt rất quan tâm đến một món vốn tồn tại xưa nay nhưng là tồn tại theo một lối khó hình dung tròn trịa sắc nét: món ấy là “tiểu thuyết lịch sử”. Ở Việt Nam thì có hẳn một cuộc hội thảo đầy uy tín và một cuốn sách viết về tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Xuân Khánh, tác giả bộ ba tiểu thuyết dày tổng cộng đến ngót hai nghìn trang: “Hồ Quý Ly”, “Mẫu Thượng ngàn” và “Đội gạo lên chùa”. Còn ở thế giới bên ngoài, giải Man Booker thuộc hàng uy tín hàng đầu năm châu bốn bể trong vòng ba năm trao tới hai giải cho Hilary Mantel, tác giả hai cuốn tiểu thuyết lịch sử về một nhân vật Cromwell danh tiếng (giải thưởng này không được trao chỉ vì Cromwell là một con người kiệt xuất của lịch sử nước Anh). Hai tiểu thuyết đó lần lượt mang tên “Wolf Hall” và “Bring Up the Bodies”.

Cả Nguyễn Xuân Khánh lẫn Hilary Mantel đều từng viết tiểu thuyết không lịch sử nhưng đều thực sự thành danh nhờ tiểu thuyết lịch sử. Căn cứ vào những gì họ từng viết trước đây thì cả hai đều thuộc vào nhóm người nuôi nhiều bực mình với thế giới (Nguyễn Xuân Khánh từng viết “Trư cuồng” rất giận dữ còn Hilary Mantel hồi nhỏ từng có lần đối mặt với quỷ rồi sau này trường kỳ chống chọi những căn bệnh tâm thần), vậy cơn cớ gì khiến họ không bằng lòng với với việc “bịa ra một thế giới” để chống lại thế giới sẵn có một cách thoải mái mà lại buộc mình vào một thể loại rất xa cách với “bịa”, vì Hồ Quý Ly không thể sống ở thế kỷ XIX và Cromwell khó lòng được mang sang bên kia biển Manche?

Trong bài báo quan trọng mang tên “The Dead Are Real, Hilary Mantel’s Imagination” (Những người chết đều có thực, trí tưởng tượng của Hilary Mantel) trên tờ “The New Yorker” số 15/10/2012, Larissa MacFarquhar cho rằng Hilary Mantel, hay người viết tiểu thuyết lịch sử nói chung, tự “làm khó” mình ở chỗ họ viết những gì mình tưởng tượng nhưng lại phải dẫn tới một kết cục biết trước: toàn truyện người ta biết rồi nhưng nhà văn phải tự buộc mình thực sự cảm nhận rằng nhân vật dưới ngòi bút của họ kia đang hành động một cách mù quáng, không biết gì hoặc gần như không hay biết hành động của mình sẽ dẫn tới kết cục ra sao, phải thực sự hình dung được cái dẫn dắt sự kiện là lịch sử hay câu chuyện, chứ không phải định mệnh. Thoát khỏi “định mệnh thuyết” trong viết lịch sử là một việc rất khó nhưng là cốt tử để tiểu thuyết lịch sử đúng là tiểu thuyết lịch sử; điều này Hilary Mantel đã làm được một cách tuyệt vời, còn Nguyễn Xuân Khánh làm được đến chừng nào thì phải bàn - điều này hình như đã không được bàn đến trong kỳ hội thảo và in ấn liên quan đến mấy bộ tiểu thuyết của ông vừa rồi.

Và tại sao nhà văn lại thôi tra tấn thế giới bằng cách dùng một cái nhìn khác, ở một nơi mọi điều là có thể, tha hồ cho nhân vật lên rừng xuống biển hoặc làm những chuyện điên rồ, để mà chuyển sang tra tấn lịch sử, đụng vào cái thứ tưởng chừng như trăm nghìn pho sách sử đã trình bày cho người ta đầy đủ lắm rồi? Câu trả lời có thể là: giống như thế giới, lịch sử có thể cũng rất thiếu sót, và hơn thế nữa, cũng như thế giới, lịch sử cũng có thể chán ngắt.

Nhị Linh

Nov 20, 2012

Một thế giới đực

Cũng như trong thế giới Anh-Mỹ, thêm một bản dịch văn học Mỹ Latinh sang tiếng Việt là một chiến công. Bên đó, New Directions và New Letters đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc đưa các nhà văn như Cesar Aira, Roberto Bolaño đến tay độc giả. Ở Việt Nam, không có nhiều tác phẩm văn chương Mỹ Latinh được dịch từ nguyên ngữ.

Thành phố và lũ chó (Mario Vargas Llosa) được dịch từ tiếng Tây Ban Nha và là một cuốn tiểu thuyết đậm đặc "đực tính". Thế giới Latinh, kể cả Mỹ Latinh, luôn luôn nặng tính đực, nhưng hiếm khi nào cái đực tính ấy rõ ràng, đặc quánh, tràn trề như ở một số tiểu thuyết, trong đó có Thành phố và lũ chó. Tác phẩm đầu tay của Vargas Llosa là nơi ông phô bày đặc tính này một cách hào phóng hơn hết, nhưng lại đậm màu khắc kỷ của một môi trường kỷ luật nghiêm ngặt (một trường thiếu sinh quân toàn nam sinh, nghiệt ngã đến từng chi tiết ngủ dậy đánh răng xếp hàng).

Trong Thành phố và lũ chó đã có đầy đủ các yếu tố kỹ thuật viết văn sau này sẽ đưa Vargas Llosa lên hàng bậc thầy văn chương thế giới. Cho đến gần cuối cùng, tôi vẫn bị tác giả đánh lừa ở một vài chi tiết, mặc dù đã hết sức cẩn thận và ý thức rất rõ về cách bài binh bố trận chữ nghĩa và phương thức trần thuật ở văn chương Vargas Llosa.

Và nhất là đực tính trong cuốn tiểu thuyết, nhiều lúc đến mức gây khó thở, hơn nhiều so với Dì Hulia và nhà văn quèn, hơn nhiều cả so với Trò chuyện trong quán Catedral.

Và cũng đặc biệt gần với Jean-Paul Sartre. Nhờ đọc Thành phố và lũ chó tôi mới biết câu "Tôi sẽ đập vỡ mặt kẻ nào bảo tuổi hai mươi là cái tuổi đẹp nhất" là của Paul Nizan chứ không phải của Robert Brasillach như xưa nay vẫn nghĩ. Nizan là bạn thân của Sartre từ bé, trông rất giống nhau, cũng bé nhỏ gầy gò, nhưng chết sớm, đặc biệt giống Sartre ở khuôn mặt, và giống hơn nữa là cũng lác (có điều Sartre và Nizan lác ngược bên nhau).

Cũng như dịch giả Nguyễn Khánh Long, dịch giả Lê Xuân Quỳnh cũng mới qua đời. Bản dịch Thành phố và lũ chó này tuy đã xong xuôi nhưng chưa hẳn là đã hoàn chỉnh. Anh Cao Đăng và tôi đã cố gắng chu toàn việc sửa chữa cho bản dịch.

Đây là bài viết về một bản dịch khác của Lê Xuân Quỳnh.

Nov 16, 2012

propos

Xưa cứ gặp nhau người ta hay hỏi: "Đi đâu đấy?"

Nay, cầm cái điện thoại lên là hỏi: "Đang đâu đấy?"

Sao lại cần biết cái điều đó để làm gì nhỉ?

Làm tôi nhớ đến một bộ phim của Ozu, tên là gì quên mất rồi.

Nov 14, 2012

YXINEFF 2012: tôi thích :)

Xem hết 15 phim dự hạng mục giải thưởng quan trọng nhất của Liên Hoan Phim (ngắn) YXINEFF năm nay, thấy ngay có vài bộ phim cực kỳ chuyên nghiệp, chỉn chu. Nhưng chuyên nghiệp chưa phải là tất cả, tôi muốn nói đến những gì làm tôi thích, những "coup de coeur" một cách chóng vánh, gần như "coup de foudre", trực tiếp, làm người ta gục ngã ngay lập tức, khỏi cần biết đến lý trí hay suy luận, khỏi cần biết người khác có thích hay không :) (hơi giống màn mở đầu kinh điển của Amélie nhá):

- Tôi thích những đứa trẻ chạy trong các ngõ phố Sài Gòn để bán tờ kết quả xổ số trong 16: 30. Sao Sài Gòn có thể trông exotic đến thế được.

- Tôi thích cái cách đạo diễn pastiche phim cũ trong Abbie.

- Tôi thích cảnh ăn tối mặt đối mặt giữa anh thanh niên dạy học cho bọn trẻ con ở quê và đứa trẻ, cứ lặp đi lặp lại trong Aua-Jao.

- Trong Photo Booth, tôi thích hình ảnh mấy tấm ảnh rơi xuống từ trong khe, làm tôi nhớ những lần đi chụp ảnh Photomaton.

- Tôi thích người phụ nữ thái thân chuối và người đàn ông đeo một sợi dây quanh mình buộc đầy những cái bình để trèo dừa ở làng quê Campuchia trong Two Girls Against the Rain.

- Tôi thích cô bé học sinh cởi cúc áo sơ mi của cậu bạn trong Trực nhật với Thư Kỳ, nhưng ngay sang đến khoảnh khắc tiếp theo, cảnh chụp ảnh cùng nhau, thì tôi thấy bớt thích rất nhiều.

- Người đàn ông trong bể cá có cảnh mở tủ lạnh và bên trong có mấy quyển sách; tôi biết nhiều người sẽ thấy dở hơi, nhưng tôi không thấy dở hơi, vì tôi cũng từng cho sách vào tủ lạnh :p tôi cũng kịp nhìn thấy quyển Cộng hòa phi lý ở trong đó; hình như có chút sai accord: trên kệ sách trong nhà lúc đầu ngoài cùng là quyển Đèn không hắt bóng, đoạn cuối lại thấy Bay trên tổ chim cúc cu, phía bên trong là Vượn trần trụi, nhưng tôi vẫn thích :p tôi cũng thích chất sensual của bộ phim, tính chất sensual không hiểu sao hoàn toàn vắng bóng trong các bộ phim khác năm nay.

- Tôi thích cô bé học trường mẫu giáo diễn một mình bằng nét mặt rồi cuối cùng òa khóc khi mãi không hiểu nổi tại sao 1 cộng 1 lại bằng 2 trong Little Pupil, tôi cũng thích nhiều chi tiết tinh tế trong bộ phim này.

- Tôi thích những cảnh đi tàu điện ngầm trong Dawn, chúng làm tôi nhớ đến những chuyến tàu điện ngầm mình đã đi cùng vào giờ đó, nhớ cả cảm giác khủng hoảng những lần như thế, tôi hiểu các hành khách kia cô đơn đến như thế nào.

- Tôi thích hai đứa trẻ nói chuyện với nhau về con chó trong Iva.

- Tôi thích cách người quay phim cắt nửa mặt nhân vật ở nhiều cảnh trong Hai chú cháu.

- Và tôi thích lúc đứa bé chui ra khỏi bụng mẹ nó trong bộ phim hoạt hình Les deux vies de Nate Hill.

-----------

Còn những điều tôi không thích:

Thôi chả nói :p

-----------

PA25 cũng đã phải bình luận về chuyện Philip Roth ngừng viết văn. Điều này thật ra gây bối rối lớn vì thật ra người ta có thể ngừng sáng tạo được không? một khi đã khởi sự?

Nov 11, 2012

Đọc báo ngày chủ nhật

Mình rất thích :p


Philip Roth đã chính thức tuyên bố không viết văn nữa. Cùng ý này, Roth đã nói không ít lần, nhưng có vẻ kỳ này là thật.

Khởi nguồn là ở đây, một bài Philip Roth trả lời phỏng vấn cho tờ Les InRocks (hóa ra tờ này vẫn còn; báo chí Mỹ có vẻ mới biết và đang đưa tin rầm r), trong đó Roth nói Nemesis sẽ là cuốn tiểu thuyết cuối cùng của ông.

Về cuộc đời, Roth cho rằng "mọi thứ đều là vấn đề may mắn hay không may mắn" và đưa ra một ví dụ: bà vợ đầu của ông hóa ra lại là tội phạm, cứ ăn cắp suốt không ngừng, và như vậy nghĩa là ông đã không may cưới phải một bà vợ như thế.

Về chuỗi tác phẩm gần đây nhất, Roth cho biết ông đề cập đến cái chết từ các góc độ khác nhau. Ở cả bốn cuốn tiểu thuyết này, nhân vật đều phải đương đầu với "nemeses" của mình (từ này rất thông dụng ở Mỹ, nghĩa là một thứ định mệnh, sự đen đủi, một thứ lực không thể vượt qua, nhè trúng đầu ta mà giáng xuống).

"Tiểu thuyết được làm ra là để đặt ra các câu hỏi, chứ không phải mang lại những câu trả lời. Tôi không viết sách triết học."

"Tất tật những gì thực sự thu hút tôi, tất tật những gì tôi biết làm, là kể một câu chuyện". Roth cũng nói mình rất buồn ngủ mỗi khi câu chuyện nào xoay sang hướng trừu tượng.

"Với tôi, viết vẫn luôn luôn là một việc rất khó. Vấn đề nằm ở chỗ hồi còn nhỏ tôi đã đem lòng say đắm văn chương. Sau này, tôi tự nhủ mình có thể trở thành nhà văn. Thế là tôi bèn thử và cũng ổn, ở một mức độ nào đó. Tin tôi đi, nếu mà làm được việc gì khác tốt hơn thì tôi đã sẵn sàng làm rồi! Nhưng lúc đầu thì viết văn kích thích ghê lắm, nên tôi đã tiếp tục."

Và đây là tuyên bố: "[...] tôi không có ý định viết văn trong vòng mười năm tới. Nếu bạn muốn biết rõ, tôi đã xong xuôi hết rồi. Nemesis sẽ là cuốn sách cuối cùng của tôi [...] tôi, người từng viết hết cuốn sách này đến cuốn sách khác, từ ba năm nay tôi đã không viết gì."

Việc sắp tới mà Philip Roth định làm là thu thập tài liệu cá nhân để cung cấp cho người sẽ viết tiểu sử cho ông, Blake Bailey, vì "nếu tôi chết đi mà không để lại cho ông ấy cái gì, thì ông ấy biết bắt đầu từ đâu?"

Roth cũng cho biết sau khi Bailey sử dụng xong giấy tờ, người ta sẽ phải hủy hết chúng đi chứ không cho phát tán khắp nơi. Thật là một tin buồn cho giới sưu tầm sách báo thủ bút toàn thế giới. Bản thảo của Roth thì đã nằm cả ở Thư viện Quốc hội từ những năm 70.

Những lời này thật buồn bã và cay đắng: "[...] tôi đã quyết định mình kết thúc với văn chương. Tôi không muốn đọc gì viết gì nữa, thậm chí còn chẳng muốn nói đến văn chương. Cả đời mình tôi đã cống hiến cho tiểu thuyết, đã nghiên cứu nó, giảng dạy nó, viết nó và đọc nó. Ngoài ra gần như chẳng có gì khác nữa. Thế là đủ lắm rồi! Tôi không còn cảm nhận thấy sự cuồng nhiệt mình từng cảm thấy suốt cuộc đời."

Vậy là tôi đã review những cuốn sách thực sự cuối cùng của Philip Roth.

thêm thông tin

Nov 9, 2012

Linda Lê: Sóng Ngầm

Lame de fond của Linda Lê đã không được Goncourt, sau khi đã vào rất sát nút. Thật là đáng tiếc.

Ý tôi nói thật là đáng tiếc cho Giải Goncourt :)

Sau đây là đoạn mở đầu cuốn tiểu thuyết của Linda Lê, chương mang tên "Giữa đêm". Đây là độc thoại của ông bố, "Van". Trong truyện còn có cô con gái, người vợ và người tình của người đàn ông này nữa.

-----------


Lúc còn sống tôi chưa từng lắm lời. Giờ nằm trong cỗ quan tài rồi, tôi tha hồ mà lảm nhảm. Kể từ khi nắp áo quan đóng lại, tôi chỉ còn một mong muốn: tự biện minh, định rõ vai trò của mình trong các sự kiện đã xảy tới, đưa vài manh mối để hiểu đầu cua tai nheo của dù chỉ một chuyện vặt vãnh. Tôi không mang thiên hướng ham tiếc nuối, nhưng tôi cần kiểm điểm lương tâm, dù cho kể từ giờ việc ấy thật vô ích. Ký ức bản thân mà tôi để lại là ký ức về một kẻ chuyên có những giải pháp lập lờ, hay trì hoãn, lo không làm ai mếch lòng, sao cho không làm mọi sự tồi tệ thêm vì thiếu khéo léo. Tôi không phải một lão cú mèo già chỉn chu, cũng không phải kẻ gây rắc rối lúc nào cũng nghĩ mình ở trên thiên hạ. Không hề, tôi chăm chắm để không làm người thân bực bội, không chỉ vì hãi hùng những bất hòa trong nhà mà còn vì tôi không phải loại người hay gây chuyện. Với tôi không gì quý hơn sự bình yên của tâm trí, và tôi hết sức ham muốn đạt tới trạng thái an lành mặc cho những đòn đau phải nhận. Những bão bùng hỗn loạn trong đầu óc, tôi đã biết quá nhiều rồi. Chắc ở tiền kiếp tôi đã gây nghiệp lớn lắm nên kiếp này phải gánh nợ suốt năm mươi năm sống trên đời. Tôi chẳng tin gì, không tin vào một ông Chúa nhân từ mà cũng không tin một kẻ Mặc Khải đầy lòng khoan dung. Kinh kệ đạo Phật đã chẳng giúp được gì cho tôi, nghiên cứu Những Bài Thuyết giáo của Bossuet tôi chỉ học được mấy lối hành văn. Mặc dù không theo đạo nào, chiều hướng ưa chuộng duy linh luận ở tôi đã dẫn tôi đến chỗ đặt lên hàng tối cao những vấn đề vượt quá tầm hiểu biết con người. Tôi từng cố công xuyên thủng màn bí ẩn của thuyết mục đích, đòi các nhà duy cảm chủ nghĩa mang lại cho tôi khoái cảm mỹ học, đòi các nhà lãng mạn phú cho tôi niềm khát khao tới cái vô hạn. Tôi đã hút lấy cốt tủy của những thứ văn chương bổ dưỡng nhất nhằm chiếm giữ lấy tâm hồn nhưng, giống con rắn cứ cắn đuôi mình, tôi đã đổi những nghi ngờ để nhận về một thứ khoa học chẳng giúp được tôi mấy trong việc soi tỏ những tan nát của mình. Tôi đã rất chuyên cần bồi bổ văn chương với hy vọng tìm thấy ở đó nếu không phải hạnh phúc thì ít nhất cũng là một sở thích cháy bỏng với những sáng tạo đáng kinh ngạc. Chỉ còn lại vài mẩu lẻ tẻ, những ngôi sao xa xôi còn nhấp nháy sáng - trong dải ngân hà ấy, Vautrin ở cạnh Bà Verdurin, Molloy với Bardamu, AQ với Sganarelle, Achab với Salomé, Philoctète với Ophelia… Danh sách chưa đầy đủ, còn cần thêm vào những nhân vật phụ mà tôi từng thích thú xếp loại (một công việc tỉ mẩn tuyệt đối vô tích sự). Nhưng mọi thứ đã rối tinh lên trong cái đầu khốn khổ của tôi.

-----------

Trước tôi đã nói, giờ vẫn thấy đúng: Linda Lê quá cỡ không chỉ cho độc giả Việt Nam, mà nhất là cho nhà văn Việt Nam.

Nov 7, 2012

1Q84: Tiếp tục

1Q84 tập một, theo miệng lưỡi của một số con người tinh tế, cần mang biệt danh “Tinh hoàn truyện”. Tập hai này, tôi đặt tên luôn, để cho mấy con người tinh tế kia nghỉ việc ngay từ đầu :p Nó có bí danh “Giao hợp truyện” hehe.

Nov 4, 2012

Julian Barnes luận phụ nữ

Dưới đây là trích đoạn từ Đoạn kết đã thấy, tiểu thuyết của Julian Barnes (The Sense of an Ending), Nghiêm Quỳnh Trang dịch. Cũng như Philip Roth khi về già, lúc đã già Julian Barnes thật là hiểm hóc ở mức độ ý tưởng trong một hình thức không thể giản dị hơn. Nhà văn già thật là ghê gớm :)

Quyển Booker 2011 này sẽ ra trước quyển Booker 2010. Thêm một điều khiến cho mọi sự còn loạn lên nữa: Booker 2012 lại rơi vào tay Hilary Mantel tức là người đã giành Booker năm 2010 (tiểu thuyết Wolf Hall về Cromwell) và Bring Up the Bodies của năm nay là phần hai của Wolf Hall, rồi lại sẽ rất sớm có thêm một quyển nữa cho đủ bộ ba, một trilogy hoàn chỉnh. Đùa chứ chạy theo đúng là tướt bơ :p

Bộ sách của Hilary Mantel tạo ra một sự chú ý hiếm thấy của giới phê bình văn học thế giới về tiểu thuyết lịch sử. Trên The New Yorker, một số gần đây, có một bài quan trọng của Larissa MacFarquhar, "The Dead Are Real, Hilary Mantel's Imagination" chỉ ra tiểu thuyết lịch sử là một kẻ đỏng đảnh giữa lịch sử và hư cấu, người viết tiểu thuyết lịch sử phải chấp nhận những người chết vẫn còn sống, vẫn rất thực, vẫn gây phiền nhiễu. Và thêm điều này nữa: một cuốn tiểu thuyết lịch sử viết đúng y hệt lịch sử không chỉ là một cuốn tiểu thuyết kém, tiểu thuyết thất bại, mà còn nói dối. Thế mới phiền.

Nhà văn đúng nghĩa bịa ra một thế giới, còn nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử đúng nghĩa bịa ra một lịch sử.

-----------



Margaret hay nói rằng có hai loại đàn bà: một loại rõ ràng, một loại bí ẩn. Và đấy là điều đầu tiên một người đàn ông cảm nhận được, cũng là điều đầu tiên hấp dẫn anh ta, hoặc không. Có những người đàn ông bị hút hồn vào một loại, có những người vào loại kia. Margaret - bạn chẳng cần tôi phải kể cũng biết - là loại rõ ràng, nhưng đôi khi cô ấy cũng ghen tị với loại sẵn có, hoặc tạo ra được một dáng vẻ bí ẩn.

“Anh thích em đúng như con người em,” có lần tôi nói với cô ấy.

“Nhưng bây giờ anh biết em quá rõ rồi còn gì,” cô ấy đáp. Chúng tôi đã cưới nhau sáu hay bảy năm rồi. “Chẳng phải anh vẫn thích hơn nếu em… khó đoán biết hơn một chút sao?”

“Anh không muốn em là một người đàn bà bí ẩn. Anh nghĩ anh sẽ ghét chuyện đó. Dù cho đấy chỉ là một bề ngoài, một trò chơi, một kỹ thuật để bẫy đàn ông, hay người phụ nữ bí ẩn ấy là một bí ẩn thậm chí đối với chính cô ta đi nữa, mà cái đó là tệ nhất đấy.”

“Tony, anh nói nghe như một người đàn ông đích thực trên đời vậy.”

“Ờ thì, anh không phải như thế,” tôi nói - mặc dù ý thức được, tất nhiên, rằng cô ấy đang trêu mình. “Anh chưa được biết nhiều phụ nữ đến thế trong đời đâu.”

“‘Anh không biết mấy về phụ nữ, nhưng anh biết anh thích gì’?”

“Anh có nói thế đâu, mà cũng không có ý đó. Nhưng anh nghĩ đấy là vì anh biết tương đối ít nên anh biết anh nghĩ về họ thế nào. Và anh thích gì ở họ. Nếu biết nhiều hơn, anh sẽ bị bối rối hơn.”

Margaret nói, “Bây giờ em chẳng biết là phải vui hay không nữa.”

Chuyện này xảy ra trước khi cuộc hôn nhân của chúng tôi sa lầy, tất nhiên. Nhưng chắc nó sẽ chẳng bền lâu hơn nếu Margaret bí ẩn hơn, tôi có thể chắc chắn với bạn - và với cô ấy - về chuyện đó.

[…]

Khi người ta nói, “Cô ấy là là một phụ nữ ưa nhìn,” người ta thường có ý, “Cô ấy từng là một người phụ nữ ưa nhìn.” Nhưng khi nói như vậy về Margaret, tôi có ý đó thật. Cô ấy nghĩ - cô ấy biết - rằng mình đã thay đổi, và cô ấy có thay đổi thật; nhưng với tôi thì cô ấy thay đổi ít hơn với bất cứ ai khác. Tự nhiên thôi, tôi chẳng thể nói thay cho tay chủ quán ăn được. Nhưng tôi sẽ nói thế này: cô ấy chỉ nhìn thấy những gì đã mất, còn tôi chỉ nhìn thấy những gì vẫn còn như trước. Tóc cô ấy không còn ngang lưng hay cuốn cao lên thành búi kiểu Pháp nữa; giờ đây nó ngắn sát đầu và tóc bạc lộ ra. Những cái váy thụng quê mùa cô ấy vẫn mặc đã nhường chỗ cho áo thun len và quần cắt rất khéo. Mấy cái tàn nhang tôi vẫn yêu giờ đã gần với đồi mồi. Nhưng đó vẫn là đôi mắt ta soi vào, chẳng phải sao? Ta đã nhận ra nửa kia của mình trong đó, và giờ vẫn thấy. Vẫn đôi mắt ấy trên khuôn mặt ấy lần đầu chúng tôi gặp nhau, khi ngủ với nhau, khi cưới, khi đi trăng mật, khi chung khoản vay thế chấp mua nhà, khi đi chợ, khi nấu ăn và đi nghỉ, yêu nhau và có con với nhau. Và cũng vẫn thế cả khi đã chia tay.

Nhưng không chỉ có đôi mắt. Cấu trúc xương vẫn vậy, cũng như những cử chỉ bản năng, rất nhiều cách khác nhau để cô ấy vẫn là chính mình. Và cái kiểu cô ở bên tôi ấy, dù sau bao lâu và bao xa cách.

“Thế tất cả chuyện này là thế nào, Tony?”

Tôi cười to. Chúng tôi chỉ vừa xem thực đơn xong, nhưng tôi không thấy câu hỏi ấy hấp tấp. Margaret là như thế. Khi anh nói anh không chắc về chuyện có thêm con thứ hai, có phải ý anh là không chắc về chuyện có con nữa với em không? Sao anh lại nghĩ ly dị nghĩa chẳng qua là đổ lỗi? Anh định làm gì với phần đời còn lại của anh bây giờ? Nếu anh thực sự muốn đi nghỉ với em, thì đã đi đặt mấy cái vé ấy rồi chứ? Và thế tất cả chuyện này là thế nào, Tony?

Có những người thấy bất an về những người tình cũ của nửa kia của mình, như thể họ vẫn còn đe dọa vậy. Margaret và tôi được miễn chuyện đó. Không có nghĩa là trong trường hợp của tôi có một đoàn lũ lượt bạn gái cũ xếp hàng nào cả. Và giả như cô ấy có tự cho phép đặt tên nhạo cho họ, thì cũng là quyền của cô ấy, chẳng phải sao?

“Thực ra, chẳng phải ai, ngoài Veronica Ford.”

“Bánh hoa quả á?” Tôi biết ngay cô ấy sẽ nói vậy, nên cũng chẳng cau mày. “Có phải cô ta trở lại, sau chừng ấy năm? Anh không còn dính dáng gì tới chuyện đó nữa rồi, Tony.”

“Anh biết,” tôi đáp. Có khả năng là khi rốt cuộc đã tìm cách kể được cho Margaret về Veronica rồi, tôi đã lợi dụng chuyện đó một chút, làm mình nghe có vẻ hơn cả một kẻ bị lừa, và Veronica có vẻ mất cân bằng hơn nàng hồi đó. Nhưng chính vì tôi mà đâm ra có cái tên nhạo này, tôi chẳng thể dễ dàng phản đối nó được. Tất cả những gì tôi có thể làm là không tự mình dùng nó thôi.

Tôi kể cho cô ấy đầu đuôi câu chuyện, tôi đã làm gì rồi, tôi đã tiếp cận mọi thứ thế nào. Như tôi nói, có cái gì đó ở Margaret đã lây sang tôi dần qua năm tháng, có lẽ vì thế mà cô ấy gật đầu đồng tình hoặc động viên đôi chỗ.

“Anh nghĩ vì sao mẹ Bánh hoa quả lại để cho anh 500 bảng?”

“Anh chẳng mảy may nghĩ ra cái gì.”

“Thế anh nghĩ ông anh trai chỉ dắt mũi anh thôi?”

“Ừ. Hoặc ít nhất, thì cũng chẳng tự nhiên gì với anh.”

“Nhưng anh có quen anh ta tí nào đâu, phải không?”

“Anh chỉ gặp anh ta có một lần, đúng thế. Anh đoán hẳn là anh nghi vấn cả cái gia đình ấy.”

“Thế anh nghĩ tại sao bà mẹ rốt cuộc lại có cuốn nhật ký?”

“Anh không nghĩ ra.”

“Có lẽ Adrian để lại cho bà ấy bởi cậu ấy không tin Bánh hoa quả?”

“Cái đó vô lý.”

Có một khoảng lặng. Chúng tôi ăn. Rồi Margaret gõ dao của cô ấy lên đĩa của tôi.

“Và nếu quý cô giả sử vẫn-chưa-chồng Veronica Ford thế nào mà lại đi vào quán cà phê này và ngồi xuống bàn ta, thì quý ông ly-dị-đã-lâu Anthony Webster sẽ phản ứng ra sao?”

Cô ấy vẫn luôn biết đích xác chuyện này, chẳng phải sao?

“Anh không nghĩ là anh sẽ đặc biệt sung sướng nếu gặp cô ta.”

Cái gì đó trong cái giọng nghi thức của tôi khiến Margaret mỉm cười. “Rối trí rồi hả? Bắt đầu xắn tay áo và tháo đồng hồ ra?”

Tôi đỏ mặt. Bạn chưa thấy một ông hói độ trên sáu mươi đỏ mặt sao? Ôi, chuyện đó có đấy, cũng như với một cậu mặt tàn nhang rậm tóc tuổi mười lăm thôi. Và bởi vì hiếm hoi hơn, nó đưa người đỏ mặt lộn nhào lại cái thời mà cuộc đời cảm giác như chẳng hơn gì một chuỗi những ngượng nghịu xấu hổ.

“Anh ước là giá mà chưa kể với em.”

Cô ấy xiên một dĩa đầy xa lát cải và cà chua.

“Anh chắc là không còn… ngọn lửa nào chưa được dội nước trong ngực anh đấy chứ, ông Webster?”

“Anh khá là chắc chắn.”

“Thế thì, trừ phi cô ta vẫn giữ liên lạc với anh, em sẽ bỏ qua. Rút tiền đi, đưa em đi nghỉ một kỳ vừa túi tiền, và quên đi. Hai trăm năm mươi mỗi người là chúng mình có thể đến tuốt tận đảo Channel ấy.”

“Anh thích khi nào em trêu anh đấy,” tôi nói. “Dù là sau ngần ấy năm.”

Cô ấy nghiêng qua và vỗ nhẹ vào tay tôi. “Thật hay khi chúng mình vẫn còn yêu quý nhau. Và thật hay khi em biết là anh sẽ chẳng bao giờ làm được cái việc đặt trước cho cái kỳ nghỉ ấy cả.”

“Chỉ bởi vì anh biết em không có ý vậy đâu.”

Cô ấy mỉm cười. Và trong một thời khắc, cô ấy trông gần như khó hiểu. Nhưng Margaret không thể tỏ ra khó hiểu được, đó là bước đầu để trở thành loại Phụ nữ Bí ẩn. Nếu cô ấy muốn tôi trả tiền kỳ nghỉ cho cả hai, cô ấy sẽ nói. Vâng, tôi nhận ra đó chính xác là điều cô ấy đã nói, nhưng…

Nhưng dẫu có vậy. “Cô ta lấy cắp đồ của anh,” tôi nói, có lẽ là hơi cao giọng than thở.

“Làm sao anh biết anh muốn thứ đó?”

“Đấy là nhật ký của Adrian. Cậu ấy là bạn anh. Cậu ấy từng là bạn anh. Nó là của anh.”

“Nếu bạn anh muốn anh có nhật ký của cậu ấy, cậu ấy hẳn phải để lại cho anh bốn mươi năm trước rồi, và bỏ qua ông trung gian. Hoặc bà trung gian.”

“Đúng.”

“Anh nghĩ trong đó có gì?”

“Anh không biết. Nó vẫn là của anh.” Lúc đó tôi nhận ra một lý do khác khiến tôi quả quyết như vậy. Cuốn nhật ký là bằng chứng; đó là - có thể lắm - là chứng thực. Nó có thể phá tan cái lặp đi lặp lại tầm thường của ký ức. Nó có thể khởi động điều gì đó - dù tôi không rõ là gì.

“Ờ thì, anh luôn có thể tìm ra nơi Bánh hoa quả ở mà. Họp mặt Bạn cũ, danh bạ điện thoại, thám tử tư. Đến, bấm chuông cửa, đòi cái thứ của anh.”

“Không.”

“Vì thế mà có một vụ đột nhập,” cô ấy hào hứng gợi ý.

“Em đùa à.”

“Thế thì bỏ qua đi. Trừ phi anh có, như người ta nói, các vấn đề từ quá khứ mà anh cần phải đối diện để còn có thể sống tiếp được. Nhưng như thế không giống anh mấy, phải không Tony?”

“Không, anh không nghĩ thế,” tôi trả lời, khá thận trọng. Bởi một phần trong tôi tự vấn, bỏ qua chuyện huyên thuyên về tâm thần học, liệu có chút sự thật nào trong đó hay không. Một khoảng lặng. Đĩa của chúng tôi đều hết. Margaret đọc vị tôi chẳng khó khăn gì.

“Thật cảm động khi anh cứng đầu đến thế. Em cho đấy là một cách thức nhằm theo kịp thời cuộc khi ta đã đến tuổi này rồi.”

“Anh không nghĩ hồi cách đây hai mươi năm anh sẽ phản ứng khác.”

“Hẳn là không.” Cô ấy vẫy tay gọi thanh toán. “Nhưng để em kể anh nghe một chuyện về Caroline. Không, anh không biết cô bạn này. Đấy là bạn em sau khi ta đã chia tay. Bạn ấy có một ông chồng, hai đứa con nhỏ và một cô giúp việc mà bạn ấy thấy không yên tâm lắm. Bạn ấy chẳng có nghi ngờ gì kinh khủng cả. Cô bé chủ yếu rất lịch sự, bọn trẻ con không kêu ca gì. Chỉ có điều Caroline cảm thấy bạn ấy không thực sự rõ là mình để bọn trẻ con lại cho ai. Thế là bạn ấy hỏi một người bạn - bạn gái - không, không phải em đâu - xem cô ta có lời khuyên gì không. ‘Xem qua đồ đạc của nó,’ cô ta nói. ‘Gì cơ?’ ‘Ờ thì, cậu rõ ràng là đang bị quay cuồng vì chuyện này mà. Đợi đến tối con bé được nghỉ, ngó qua phòng nó, đọc thư từ của nó xem. Mình thì mình sẽ làm vậy.’ Thế là lần sau lúc cô giúp việc được nghỉ, Caroline xem qua đồ đạc của con bé. Và tìm thấy nhật ký của nó. Và bạn ấy đọc. Và có đầy những câu lăng mạ, như là “Mình đang làm việc cho một mụ bò thực sự” và ‘Tay chồng cũng khá - đã bắt gặp hắn đang nhìn mông mình rồi - nhưng mụ vợ thì đúng là đồ ngu ngốc.’ Và ‘Liệu mụ ta có biết là mụ đang làm gì bọn trẻ tội nghiệp không nhỉ?’ Có những thứ thực sự, thực sự khó nuốt trong đó.”

“Thế rồi chuyện gì xảy ra?” tôi hỏi. “Bạn em có đuổi con bé giúp việc không?”

“Tony,” vợ cũ của tôi đáp, “đấy không phải là ý nghĩa của câu chuyện đâu.”

Tôi gật đầu. Margaret xem hóa đơn, rà góc thẻ tín dụng xuống qua từng món.

Có hai điều khác cô ấy từng nói trong những năm tháng ấy: rằng có những phụ nữ chẳng bí ẩn một tí tẹo nào, mà chỉ trở thành như thế do đàn ông bất lực trong việc hiểu được họ. Và như thế, theo cách nhìn của cô ấy, những miếng bánh hoa quả nên bị đóng kín trong những hộp sắt có hình khuôn mặt Nữ hoàng trên nắp. Đáng lẽ tôi cũng nên kể cho cô ấy chi tiết này trong phần đời Bristol của tôi nữa mới phải.