Dec 31, 2017

Sao cho trong ấm

Nhân vật của tôi trong năm 2017 tất nhiên (ai cũng thấy ngay) là Balzac. Và thế là, chúng ta lại tiếp tục công trình Vở kịch con người, chắc hẳn là trong nỗi khiếp sợ của không ít độc giả :p nhưng đúng thế, đọc rất cần nỗi sợ hãi. Đọc mà không sợ chưa chắc đã đúng là đọc.

Nói tóm lại, đây, Sao cho trong ấm, là tác phẩm thứ 17 (sang trọng hơn: XVII) của bộ Vở kịch con người. Sắp tới ta sẽ tiếp tục một số tác phẩm đang lưng chừng. Đây cũng chính là tác phẩm mà tôi dùng để kết thúc vòng thứ hai (còn ai nhớ vòng thứ nhất nghĩa là gì không?); vòng thứ hai nhỏ hơn vòng thứ nhất, đấy là vì các vòng tròn hẹp dần lại, đấy là vì mọi sự đi theo xoáy trôn ốc. Nhát thứ 18, mở đầu vòng thứ ba sẽ là một tác phẩm hết sức đặc biệt: có ai đoán ra ngay từ bây giờ không?

Dec 30, 2017

Trịnh Hữu Ngọc

Thời gian gần đây, giới sưu tầm tranh hay nói đến một tác phẩm đặc biệt: một mặt là Lê Phổ, một mặt là Trịnh Hữu Ngọc, nó đã "lọt ra ngoài thị trường", đi kèm với vài điều khác tương đối gây kích thích, nhất là cho các nhà sưu tầm. Tất nhiên, câu chuyện rẽ từ đó sang nhiều hướng khác, nhưng khi nghe câu chuyện, điều duy nhất mà tôi tự hỏi, không mấy để tâm đến những thứ khác chắc hẳn không kém phần hấp dẫn, là không biết mình từng nhìn thấy nó chưa, cách đây đã ba mươi năm.

Dec 28, 2017

Đẹp và bị chà đạp

Tiếp tục câu chuyện Dostoievski.

Có một cách, rất dễ, để thấy trong số (rất đông) những người hay nhắc đến Dostoievski những người nào không hề biết gì về Dostoievski (tôi nghĩ tỉ lệ phải ở mức trên chín mươi phần trăm): những ai nhắc đến cái câu có "cái đẹp" và "cứu rỗi" (hoặc cứu vớt) và "thế giới" và mở ngoặc nói đó là câu của Dostoievski. Nhìn chung hơn, có các căn cứ không bao giờ sai, theo cách tương tự (tất nhiên ở mỗi trường hợp đặc biệt lại có khác biệt về sắc thái), để nhìn thấy đám giả vờ đọc, chẳng hạn, Nietzsche, Deleuze, Foucault, Wittgenstein, Heidegger hay Schopenhauer (à, hình như với nhân vật cuối cùng thì tôi cũng đã làm rồi).

Dec 25, 2017

Caillois về Montesquieu

Tôi sẽ không để năm 2017 kết thúc mà chưa đưa được vào mục "đọc lý thuyết" một nhân vật: Roger Caillois.

Mất nhiều năm tôi mới bắt đầu nhìn nhận được một cách rõ ràng hơn về bộ ba Roger Caillois-Michel Leiris-Georges Bataille. Tôi nghĩ đương nhiên trong bộ ba này, Georges Bataille (cũng xem thêm ở kia) phải là nhân vật duy nhất, cho đến giờ phút này, từng xuất hiện tại Việt Nam. Bởi vì trong "bộ ba" ấy, Bataille kém rất xa Leiris và Caillois. Trong mọi khả năng, trí thức Việt Nam luôn luôn chọn những gì kém nhất (sắp tới đây tôi sẽ tập trung vào chủ đề Georges Bataille, từ L'Expérience intérieure đến La Part maudite; cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi xuất hiện trong tiếng Việt lại là La Littérature et le Mal, tức là Văn chương và cái ác, cuốn sách rất kém, kém cả so với chính Bataille).

Dec 22, 2017

Giữa A & B

Trước tiên, xem ở kia.

Có một quyển sách đuổi theo tôi, từ mấy tháng nay. Đuổi mãi mà không gặp, thành thử có những lúc chuyện thành ra giống như tôi đuổi theo quyển sách ấy. Cũng có thể vì tôi di chuyển (đúng hơn, chuyển động) nhiều quá. Tóm lại, từ mấy tháng nay có một quyển sách được gửi cho tôi, nhưng vì một sự huyền bí nào đó - cũng có thể vì những con ma trong không khí, những con ma kafkaïen - nó vẫn chưa đến được tay tôi, trong một nỗi sốt ruột to lớn: đó là bản tiếng Pháp mang nhan đề Amère patrie, cuốn sách di cảo của W. G. Sebald, một trong rất ít nhà văn (gần đây) mà tôi thấy là tuyệt đối phải đọc không sót một thứ gì. Một cuốn sách posthumous: rất giống quyển chứa cái bài ở kia, đó là Thomas Bernhard; Amère patrie đã được gửi cho tôi từ lâu, nhưng mãi mà nó vẫn chưa chịu đến.

Dec 20, 2017

Thành Thế Vỹ

Cũng như nhân vật mới đây, hoặc nhất là nhân vật cách đây một thời gian (xem ở kia), Thành Thế Vỹ thuộc vào số những người ngày nay gần như không còn được biết đến.


Dec 18, 2017

Thái Phỉ

Thái Phỉ tên thật là Nguyễn Đức Phong; tiểu sử Thái Phỉ dường như hiện nay không còn khó tìm, thế cho nên sẽ không nhắc đến nữa. Vì tên là "Phong", cho nên khi cần chọn bút hiệu, ông ấy đã chọn "Phỉ". Ai còn chưa hiểu ngay tại sao lại như vậy thì cứ nêu thắc mắc, nếu nữ sĩ Quách Hiền có tình cờ đi qua đây, thế nào cũng sẽ giải đáp cho :p

Dec 17, 2017

Cuốn sách của năm (nay)

A, tôi không hề định tạo ra một cái lệ hằng năm nói đến một cuốn sách nổi bật nhất, hay nhất, thế này hay thế nọ nhất, tôi không hề định làm cái việc là hòa chung không khí lóng lánh của các bảng danh sách đáng ghê tởm.

Nhưng, nếu làm một cái gì đó giống như là "lệ" nhưng thật ra lại là phá lệ thì có lẽ cũng nên.

Dec 16, 2017

Một đế chế

trước tiên, xem ở kia

Tôi bắt đầu đọc Adalbert Stifter một cách có hệ thống thì thấy là cần phải đọc một cuốn sách mà nhiều năm tôi lần lữa không chịu đọc, một cuốn sách của Claudio Magris: Huyền thoại và Đế chế (Il Mito Absburgico), cuốn sách về triều đại Habsburg.

Dec 13, 2017

Thơ và nhà thơ

Sẽ như thế nào nếu ta nhìn nhận thơ (và cả nhà thơ) không phải ở mức độ nội dung, tức là cái nội dung (theo hình dung thông thường) nằm bên trong một hình thức nào đó, mà bản thân cái nội dung của hình thức: tức là hình thức không phải với tư cách cái chứa lấy nội dung - "bên trong": một bên trong vô cùng đáng ngờ - mà bản thân hình thức đã có sẵn nội dung của riêng nó, một nội dung thứ nhất?

Ta lấy, chẳng hạn, Nguyễn Duy, với tư cách nhà thơ, thì Nguyễn Duy, ở phương diện ký hiệu, có thể như thế nào? Đây cũng chính là cách nhìn của một bài gần đây của tôi (xem ở kia). Đầu tiên tôi do dự giữa hai nhân vật: Nguyễn Duy và Hoàng Hưng (xem thêm ở kia), nhưng rồi tôi quyết định chọn Nguyễn Duy.

Dec 12, 2017

Sociologie và socio-logique

Nhân một sự kiện nho nhỏ, chúng ta lại tiếp tục Roland Barthes.

Và đây sẽ là Roland Barthes ở tư cách độc giả của Claude Lévi-Strauss (điều này đã nói qua ở kia). Tất nhiên, phải là Lévi-Strauss: tinh thần của thế kỷ 20 có được hay không là nhờ vài người, trong số đó, Lévi-Strauss. Muốn hiểu bất kỳ điều gì, điều không thể khác là phải đọc Lévi-Strauss, và đọc tất tật, đọc cho đến cả những cuốn ít được biết đến như Histoire de Lynx, La Voie des masques, cả đến cuốn sách viết rất muộn, về mặt trăng, nhân dịp đi Nhật Bản, trong đó Lévi-Strauss kể hồi bé mình say mê sưu tầm những món đồ nhỏ bé của nước Nhật như thế nào.

Dec 10, 2017

Honorer Honoré

Chơi chữ tí thôi, hơi giống ở kia: ta cần phải "honorer" một người tên là Honoré (trong số các tác phẩm thuộc Vở kịch con người, có một tác phẩm ngắn tên là Honorine). Vì Honoré de Balzac chính là một giới hạn của văn chương, và khi đó là giới hạn của văn chương, đó chính là văn chương. Và độc giả vĩ đại nhất của Balzac là ai? cùng Gaston Bachelard, đó chính là Roland Barthes, với S/Z là trung tâm.

Một người bạn của Balzac: Léon Gozlan. Độc giả của Balzac nhiều lần thấy Balzac nhắc đến Gozlan, và đây là một phần trong những gì Gozlan từng viết về Balzac:


Dec 9, 2017

McDonald's ở Bờ Hồ Hà Nội

Một điều gì đó rất ngu xuẩn chợt chạy qua óc tôi,  nói rằng: Có một điều gì đó rất ngu, nhưng xét cho cùng lại không thực sự ngu. Tôi không hoàn toàn hiểu được, ít nhất là không hiểu được ngay. Quá nhanh, và cũng quá mơ hồ. Điều gì nhỉ? xét cho cùng cũng không có gì: một góc phố (Hàng Bài cắt với Hàng Khay, tức là cuối phố Tràng Tiền, tức là Paul Bert: Bert là một toàn quyền Đông Dương xưa kia, xưa kia của một quãng "Đông Dương thuở ấy"), mấy thanh gỗ thưa ghép lại bằng mấy thanh gỗ đặt theo chiều dọc, trên đó có dòng chữ "MCDONALD'S" và hình hai đường cong màu vàng (giống viền mắt con vịt Donald, rất có thể, nhưng cũng không hoàn toàn). Ở Trung Quốc, đó là "Jin Gong Men"; từng có thời điểm McDonald's ở sát sạt Thiên An Môn gây ra rất lắm chuyện; một bản tin gần đây cho thấy, đã có 2.500 quán McDonald's ở Trung Quốc, và theo dự định, từ nay đến 2022, mỗi năm sẽ có thêm 500 quán mới.

Vậy là quán cà phê Ciao đã xóa sổ: quán cà phê dường như đã làm nên chủ đề cho một bài hát thuộc thể loại pop trước đây. Ciao nhường chỗ cho McDonald's, ở đúng đối diện (xiên chéo qua một ngã tư đặc biệt tấp nập) với nơi đặt những câu khẩu hiệu đặc trưng nhất cho Hà Nội một thời. Nhìn toàn thể, không có gì đáng nói. Nhưng không, đã có một cái gì đó được hoàn thành. Một cái gì đó hoàn thành, đủ một biểu nghĩa rất lớn - ít ra là không nhỏ: cuối phố Tràng Tiền là McDonald's, còn đầu phố Tràng Tiền? Dĩ nhiên là Nhà Hát lớn Hà Nội.

Dec 8, 2017

Cái nhìn của

Ta sẽ nói, một cách hết sức ngắn gọn, đến một điều, mà Roland Barthes nhắc đi nhắc lại nhiều lần: "trách nhiệm của hình thức".

Điều gì làm cho "phong trào triết học" tại Việt Nam (buộc thêm vào đó là ý luận, chùm ý luận của "cấp tiến", "khai minh", "liberalism" etc.) trong vòng trên dưới mười năm vừa rồi ngớ ngẩn từ trong yếu tính của nó trở đi đến như thế? Ở mức độ, thêm một lần nữa, bi kịch đã biến thành hài kịch (mau chóng khủng khiếp). Đó là vì cái nhìn.

Dec 7, 2017

Mặc Đỗ: một César

Tôi sẽ nói, ngay lập tức (d'emblée, d'entrée en jeu, sans ambages, sans vergogne) một điều báng bổ: trong số tất cả các bản dịch Balzac trong tiếng Việt đã in thành sách, đâu là cái xứng đáng nhất với Balzac? đó là một bản dịch của Mặc Đỗ; tất cả các bản dịch khác không so được đến mắt cá chân bản dịch này.

Và chẳng ai biết đến nó. Sau khi làm cho Nhượng Tống, Phan Du, Trương Chính quay trở lại, xem ở kia (thật ra thì nhiều hơn thế nhiều, nhưng giờ chưa phải lúc làm bản kết toán, cộng sổ) - cứ như là các nhân vật của Balzac quay trở lại từ tiểu thuyết này qua tiểu thuyết khác - giờ đến lúc tôi làm điều tương tự với Mặc Đỗ, tức là Mặc Đỗ-Balzac.

Dec 4, 2017

Marcel Proust viết thư

Sau khi đã mở ra được cả một mục mới, thì chỉ còn mỗi một việc để làm: tiếp tục :p

Đây là ba tập thư của Proust:


Dec 3, 2017

Phong cách của Marcel Proust

Leo Spitzer là thêm một nhân vật lớn nữa của phê bình và lý thuyết văn học rất giống một số nhân vật khác (xem thêm ở kia về Jean-Pierre Richard; à, tôi mới nhớ ra, tôi từng có lần nhắc đến một nhân vật khác nữa của "trường phái Genève", Jean Starobinski, xem ở kia; cả Starobinski lẫn Richard hiện vẫn còn sống): có được nhắc đến ở Việt Nam, nhưng chẳng nhà nghiên cứu Việt Nam nào đọc Spitzer bao giờ.

Như vậy, tôi đã đi được vào hai phương diện của cái mà tôi nghĩ có thể gọi là âm bản của đọc: ngoài không đọc, còn có không biết đọc (xem ở kia). Vẫn còn một phương diện nữa: không biết đọc , điều này tập trung vào một số nhân vật ở Việt Nam, mà nổi bật hơn cả là Nguyên Ngọc (tất nhiên, ở Nguyên Ngọc có đủ cả ba phương diện chứ không chỉ một); tôi vẫn hay tự hỏi, Nguyên Ngọc có quyền năng huyền bí như thế nào, mà đủ sức chạm vào bất kỳ cái gì là tức khắc cái đó trở nên đần độn như vậy.

Dec 2, 2017

Hạnh phúc và săn hạnh phúc

Tôi từng đọc, trong một cuốn sách bằng tiếng Việt, một chương về "trường phái Genève" trong phê bình văn học. Tôi cũng từng đọc, và cũng trong tiếng Việt, một nhà biên khảo hải ngoại viết về đúng "trường phái Genève". Giữa hai cái đó có thể có một số khác biệt, nhưng tuyệt đối giống nhau ở chỗ: cả hai tác giả viết về "trường phái Genève" nhưng chưa bao giờ đọc cái gì của "trường phái Genève".

Các nhà nghiên cứu văn học trong nước và các nhà biên khảo hải ngoại giống nhau hơn mức người ta có thể tưởng. Rất thường, họ viết về một cái gì đó chỉ vì đúng một lý do: để không đọc chính cái đó. (Rất đông đảo nhà nghiên cứu không đọc gì khác ngoài dạng sách "introduction", nhưng sách "introduction" trong nghiên cứu, mọi ngành nghiên cứu, tuyệt đối tương đương với dạng sách "abc xyz for dummies".)

Dec 1, 2017

Le Spleen de Paris

Đã có cái mốc năm mươi năm, rồi lại đã có cái mốc một trăm năm, nhưng năm nay không thể kết thúc trước khi đến với một cái mốc nữa: mốc một trăm năm mươi năm, bởi vì Baudelaire chết năm 1867, tức là cách đây tròn một trăm năm mươi năm.

Vả lại, đang trong cùng lúc bồng bềnh ở một thành phố tên là Paris, không thể không nhớ đến ông hoàng của toàn bộ nỗi buồn chán và bất hạnh của cả một thành phố. Không thể không nhớ đến Le Spleen de Paris của Baudelaire.