May 31, 2011

bỉ :)

Jasselin và Hélène là cặp vợ chồng xuất hiện ở phần ba (phần cuối) Bản đồ và vùng đất. Jasselin là cảnh sát, phụ trách điều tra vụ Michel Houellebecq bị sát hại.

-----------------

Ông được đón tiếp bởi những tiếng sủa của con Michou, nó nhảy nhót tán loạn trong vòng ít nhất mười lăm phút, và bởi mùi món cá tuyết nấu kiểu Galicia - Hélène đang tìm cách đa dạng hóa các vị, từ kiểu Bourgogne sang kiểu Alsace, từ phong cách Provence sang phong cách vùng Tây Nam; bà cũng rất thạo các món Ý, Thổ và Maroc, và vừa ghi tên theo học một lớp dạy nấu đồ Viễn Đông do tòa thị chính quận V tổ chức. Ông ôm hôn bà; bà mặc một chiếc váy lụa rất đẹp. “Mười phút nữa là xong, nếu anh muốn…” bà nói. Bà có vẻ thoải mái, hạnh phúc, như mỗi khi không phải đến trường trong ngày - kỳ nghỉ lễ Toussaint vừa bắt đầu. Mối quan tâm đến kinh tế học của Hélène giảm đi rất nhiều theo năm tháng. Càng lúc, các lý thuyết tìm cách giải thích những hiện tượng kinh tế, dự báo tiến triển của chúng, đối với bà càng trở nên gần như là thiếu nhất quán, đầy mạo hiểm, càng lúc bà càng có xu hướng đồng nhất chúng với việc nói lăng nhăng thuần túy và đơn giản; thậm chí còn rất đáng kinh ngạc, đôi khi bà tự nhủ, khi người ta lại đi trao giải Nobel kinh tế, cứ như thể cái ngành này có chung được cùng sự nghiêm túc về phương pháp luận, cùng tính chất nghiêm ngặt trí tuệ như hóa học hay vật lý vậy. Mối quan tâm của bà đối với giảng dạy, cả nó nữa, cũng đã giảm rất nhiều. Xét về toàn thể giới trẻ không còn hấp dẫn bà lắm nữa, sinh viên của bà có trình độ tri thức thấp đến đáng sợ, thậm chí thỉnh thoảng người ta còn có thể tự hỏi điều gì đã thúc đẩy họ bước vào con đường học hành. Câu trả lời duy nhất, trong thâm tâm bà biết, là họ muốn kiếm tiền, càng nhiều tiền càng tốt; mặc cho cũng có một vài kỳ làm nhân đạo ngắn hạn, thì đó vẫn là điều duy nhất thực sự thôi thúc họ. Cuộc đời nghề nghiệp của bà nhìn chung có thể được tóm tắt ở việc dạy những điều ngớ ngẩn mâu thuẫn cho những kẻ ngốc đầy tinh thần cơ hội, dù cho bà tránh nói rõ ra như vậy. Bà dự tính sẽ nghỉ hưu sớm ngay khi chồng bà rời Đội Trọng án - ông thì không rơi vào trạng thái tinh thần như thế, ông vẫn luôn luôn yêu quý công việc của mình, với ông cái ác và tội ác vẫn là những chủ đề có mức độ cấp thiết, cốt yếu giống y như khi ông bắt đầu, cách đây hai mươi tám năm.

-----------------

May 26, 2011

Làng quê thì


Thật ra thì tôi cũng có số báo tai tiếng này, và tất nhiên cũng thấy ngay là mất béng cái mông từ lúc đầu tiên nhìn thấy :)

Vụ này đã được bác Lam Điền làm một bài trên Tuổi trẻ. Từ ngày được tình cờ gặp uống nước chè với bác Lam Điền đâm ra tôi rất lấy làm hâm mộ hàm én mày ngài của bác í. Nhưng mà cũng nhờ việc này mà hình như lần đầu tiên Tuổi trẻ nhắc đến Văn nghệ :p

Mấy hôm sau nghe tin hội viên Hội Nhà văn phản ứng dữ lắm, không phải vì cái sự "mônh"-"mông" (mục "dọn vườn" của tờ Văn nghệ còn đầy lỗi cơ mà, hội viên quen quá rồi hihi) mà họ phản ánh nội dung truyện này ám chỉ kinh quá, nói xấu các thứ. Ngay một vài vị chức sắc của Hội cũng gật gù, bảo xem ra cũng có vấn đề. Khổ thân bác Ngô Phan Lưu, cứ liên tiếp dính hết vụ này đến vụ khác. Cách đây một hai năm Ngô Phan Lưu viết báo Tết đã bị giới văn nghệ Phú Yên phản ứng lắm rồi.

Điều tôi thấy hay nhất là "Làng quê thì mênh mông" đã xuất hiện từ lâu lắm rồi, thậm chí đã in vào sách (tập Xoa tay và cười - vụ này thì tôi rõ lắm, vì tôi làm quyển sách đó :p) Vậy thì vấn đề ở đây là gì? là tại làm sao người ta lại quy kết lung tung cho một truyện ngắn theo tôi là hết sức xuất sắc như "Làng quê thì mênh mông" à? hì, không, vấn đề là ở chỗ hội viên Hội Nhà văn hình như chỉ đọc mỗi báo Văn nghệ.

May 24, 2011

Lạch xạch

Ô chẳng hiểu blogspot lỗi kiểu gì mà cái này lại lộn lên trên đầu, cái entry mới là cái ở dưới này cơ hic:


Michel Houellebecq cũng có lúc dễ thương phết :p

“Từ đam mê đột nhiên lướt qua óc Jed, và trong thoáng chốc anh thấy mình lùi lại mười năm, trong kỳ cuối tuần cuối cùng với Olga. Đó là ở sân hiên lâu đài Vault-de-Lugny, Chủ nhật lễ Pentecôte. Sân hiên nhìn ra khu vườn rộng mênh mông, với những cây cối lay động trong một cơn gió nhẹ. Bóng tối buông xuống, nhiệt độ ở mức mát mẻ lý tưởng. Olga như thể chỉ còn mải ngắm nhìn món tôm hùm rưới nước xốt của cô, và cô đã không nói gì trong vòng ít nhất một phút, rồi cô ngẩng đầu lên, nhìn thẳng vào mắt anh và hỏi:

- Trong thâm tâm anh có biết tại sao phụ nữ lại thích anh không?

Anh lầm bầm một câu trả lời nghe không rõ.

- Bởi vì phụ nữ thích anh, Olga vẫn tiếp tục, em cứ nghĩ anh đã có cơ hội nhận ra điều đó rồi cơ. Anh cũng khá đẹp trai, nhưng không phải vậy, vẻ đẹp gần như chỉ là một chi tiết thôi. Không, mà là một thứ khác…

- Nói cho anh đi.

- Đơn giản lắm: vì anh có một cái nhìn mạnh mẽ. Một cái nhìn say mê. Và chính cái đó, trước mọi thứ khác, là cái phụ nữ tìm kiếm. Nếu họ đọc được trong cái nhìn của một người đàn ông sức mạnh, một niềm đam mê, tức thì họ thấy anh ta quyến rũ.

Để mặc anh suy nghĩ về lời kết luận này, cô uống một ngụm Meursault, nếm món khai vị. “Dĩ nhiên là…” một lúc sau cô nói với một nỗi buồn nhè nhẹ, “khi niềm đam mê này không dành cho họ, mà là cho một tác phẩm nghệ thuật, thì họ không có khả năng nhận ra được… ban đầu ấy.”

Mười năm sau, trong lúc nhìn Houellebecq, Jed nhận thức được là cả trong cái nhìn của ông ta cũng có một niềm đam mê, thậm chí một cái gì đó được soi sáng. Hẳn ông ta đã khơi dậy được những đam mê yêu đương, có thể là rất mãnh liệt. Phải, theo tất cả những gì anh biết về phụ nữ, rất có khả năng một số người đã yêu say đắm cái đống nát bươm bầm dập lúc này đang lúc lắc đầu trước mặt anh, ngốn ngấu những lát patê đồng quê, rõ ràng đã thờ ơ với mọi thứ có thể thuộc về một mối quan hệ yêu đương, và nhiều khả năng là với mọi mối liên hệ con người.”

[…]

“Olga thật dịu dàng, cô thật dịu dàng và thu hút, Olga yêu anh, anh nhắc lại càng lúc càng thấy buồn hơn và cùng lúc anh nhận ra không còn gì có thể xảy ra giữa họ, sẽ không bao giờ nữa có thể xảy ra giữa họ, cuộc sống đôi khi cho bạn một cơ may anh tự nhủ nhưng khi người ta quá hèn nhát hoặc quá thiếu cả quyết nắm bắt lấy nó thì cuộc sống bèn tịch thu lại hết, có một thời điểm để làm mọi thứ và để bước vào một hạnh phúc khả dĩ, cái thời điểm ấy kéo dài vài ngày, đôi khi vài tuần hoặc thậm chí vài tháng nhưng nó chỉ xảy ra một lần duy nhất, và sau này chỉ đơn giản là không thể nào quay trở lại được nữa, không còn chỗ cho niềm hào hứng, sự tin tưởng và lòng tin, chỉ còn lại một sự nhẫn nhục mềm mại, một niềm thương hại lẫn nhau và rất buồn, cảm giác vô ích và đúng đắn rằng một điều gì đó lẽ ra đã có thể xảy ra, rằng người ta đã chỉ đơn giản là tỏ ra không xứng đáng với món quà được tặng. Anh làm thêm một tách cà phê nữa, nó đuổi đi hoàn toàn những sương mù của sự buồn ngủ, rồi định để lại vài chữ cho Olga. “Chúng ta phải suy nghĩ”, anh viết, trước khi gạch đi rồi viết: “Em xứng đáng hơn anh nhiều.” Anh lại gạch câu đó đi, viết lại: “Bố anh sắp chết”, rồi nhớ ra mình chưa bao giờ nói với Olga về bố, anh bèn vò tờ giấy rồi ném nó vào sọt rác. Anh sắp đến cái tuổi của bố anh khi sinh anh; với bố anh, việc có một đứa con đồng nghĩa với sự chấm dứt của mọi tham vọng nghệ thuật và nhìn rộng hơn, sự chấp nhận cái chết, hẳn là cũng giống như với nhiều người khác nhưng ở trường hợp bố anh thì rõ ràng hơn nhiều. Anh lại đi qua hành lang về phòng ngủ; Olga vẫn đang ngủ đầy yên bình, người co lại.”

Chia chác

Dưới đây là đoạn mở đầu Bản đồ và vùng đất, cuốn tiểu thuyết mới nhất của Michel Houellebecq. Jed Martin là một họa sĩ đương đại, cảnh mở đầu này mô tả một bức tranh (thuộc thời kỳ sơn dầu của Martin, sau thời kỳ nhiếp ảnh và trước thời kỳ video art) vẽ Jeff Koons và Damien Hirst, tên của nó là "Damien Hirst và Jeff Koons chia nhau thị trường nghệ thuật". Bức tranh này rồi sẽ bị Martin phá hủy. Trong Bản đồ và vùng đất, Houellebecq tự cho mình một sự xa xỉ rất lớn là sử dụng cả một cốt truyện SF lẫn một cốt truyện trinh thám, nhưng đều là đưa ra mà không buồn giải quyết vấn đề :) Cái kết thì thực sự làm tôi nhớ đến Trăm năm cô đơn.

-----------

Jeff Koons đứng bật dậy khỏi ghế, hai cánh tay vung về phía trước trong một cơn hứng khởi. Ngồi trước mặt ông trên một cái ghế sofa bằng da màu trắng một phần phủ vải lụa, hơi thu mình lại, Damien Hirst như thể sắp thốt nên một lời phản đối; khuôn mặt ông ửng đỏ, sầu muộn. Cả hai đều mặc com lê đen - bộ của Koons có các đường sọc mảnh - một chiếc sơ mi trắng và một cà vạt đen. Giữa hai người, trên cái bàn thấp là một giỏ đựng những thứ trái cây dầm mà không ai chú ý đến; Hirst uống một lon Budweiser Light.

Sau lưng họ, một ô kính lớn mở xuống một khung cảnh toàn những tòa nhà cao tạo thành một sự chằng chịt kiểu Babylon những hình đa diện khổng lồ, trải dài đến tận chân trời; đêm thật sáng, không khí trong suốt. Như thể đang ở Qatar, hoặc Dubai; trang trí của căn phòng trên thực tế lấy cảm hứng từ một bức ảnh rút ra từ một quảng cáo Đức rất xa xỉ, khách sạn Emirates ở Abu Dhabi.

Trán Jeff Koons hơi sáng bóng lên; Jed lấy bút lông đánh mờ đi, rồi lùi lại ba bước. Chắc chắn là có một vấn đề với Koons. Hirst về cơ bản thì dễ nắm bắt: có thể làm ông trở nên tàn bạo, vô sỉ, theo kiểu “tôi ngồi trên đống tiền của tôi ị vào các người”; cũng có thể biến ông thành nghệ sĩ nổi loạn (nhưng dù sao thì vẫn giàu) theo đuổi một tác phẩm đầy hoang mang về cái chết; cuối cùng, ở khuôn mặt ông có cái gì đó như tứa máu và nặng nề, điển hình kiểu Anh, trông rất giống một người hâm mộ [có bác nào biết “fan de base” chính xác là gì không?] câu lạc bộ Arsenal. Nhìn chung là có các khía cạnh khác nhau, nhưng có thể kết hợp được trong bức chân dung thuần nhất, có thể tái hiện, về một nghệ sĩ Anh điển hình của thế hệ ông. Còn Koons thì như thể mang trong mình cái gì đó có tính chất kép, giống như một điều mâu thuẫn không thể vượt qua giữa sự mưu mô thông thường của địa hạt kỹ thuật-thương mại và sự xuất thần của người khổ hạnh. Đã ba tuần nay Jed bỏ công sửa sang biểu hiện của Koons đang đứng bật dậy khỏi ghế, hai cánh tay vung về phía trước trong một cơn hứng khởi như thể đang cố thuyết phục Hirst; việc này cũng khó y như khi phải vẽ một nhà văn theo phái Mormon chuyên viết văn khiêu dâm. 

Anh có những bức ảnh chụp Koons một mình, chụp với Roman Abramovitch, Madonna, Barack Obama, Bono, Warren Buffett, Bill Gates… Không bức ảnh nào diễn đạt được dù chỉ một mảy may tính cách của Koons, thoát được ra khỏi cái vẻ ngoài một tay bán xe ôtô mui trần Chevrolet mà ông đã chọn khoác lên mình để đối mặt với thế giới, thật là đáng bực, mặt khác từ lâu nay các nhiếp ảnh gia đã làm Jed phát bực, đặc biệt là các nhiếp ảnh gia lớn, với cái sự ngạo nghễ làm hé lộ được trong những bức ảnh của mình sự thật của những người làm mẫu cho họ; họ chẳng hé lộ được cái gì hết, họ chỉ làm mỗi một việc là đứng ra trước mắt bạn và nhấn nút kích hoạt động cơ chiếc máy của họ để chụp lấy hàng trăm bức ảnh, sung sướng nhỏ mọn, thốt ra những tiếng cục cục trong cổ họng, và sau này họ chọn lấy những bức đỡ tệ nhất của cả loạt, đó chính là cách họ tiến hành, không có ngoại lệ, tất cả những tay tự cho mình là nhiếp ảnh gia lớn ấy, Jed quen biết cá nhân một số trong đó và chỉ cảm thấy một niềm khinh bỉ đối với bọn họ, anh xem tất tật bọn họ có khả năng sáng tạo gần gần ngang bằng với một cái máy Photomaton.


Trong bếp, vài bước chân đằng sau lưng anh, hệ thống đun nước nóng liên tục phát ra những tiếng lạch xạch khô khốc. Anh đứng lặng, tê liệt. Đã là 15 tháng Chạp.

May 22, 2011

Thạo việc chịu đựng


Khi Picasso vẽ bức tranh lập thể đầu tiên của mình, ông hai mươi sáu tuổi; trên toàn thế giới, nhiều họa sĩ khác cùng thế hệ ông gia nhập cùng ông và đi theo ông. Nếu khi ấy một người lục tuần tiến tới để bắt chước ông mà vẽ theo chủ nghĩa lập thể, thì ông ta sẽ có vẻ rất thô kệch (điều này là đích đáng). Bởi tự do của một người còn trẻ và tự do của một người đã già là những lục địa không gặp được nhau.

“Khi còn trẻ, bạn có nhiều người bên cạnh, còn về già, bạn cô độc”, Goethe viết (Goethe về già) trong một bài thơ trào phúng. Quả thực, khi những người trẻ tuổi bắt tay vào tấn công những tư tưởng được công nhận, những hình thức đã được thiết lập, họ thích tụ tập lại thành các băng nhóm; khi Derain và Matisse, hồi đầu thế kỷ, cùng nhau trải qua những tuần dài trên các bãi biển Collioure, họ vẽ những bức tranh giống nhau, nổi bật bởi cùng thẩm mỹ dã thú; tuy nhiên, cả hai đều không cảm thấy mình bắt chước người kia - và, quả thực, cả hai người đều không phải như vậy.

Trong một sự đoàn kết đầy vui vẻ, vào năm 1924 những người siêu thực chào đón cái chết của Anatole France bằng một bài cáo phó-châm chích ngu ngốc đến đáng nhớ: “Những người giống như ngươi, xác chết kia, chúng tôi chẳng yêu quý gì!” Eluard viết, khi ấy ông hai mươi chín tuổi. “Cùng Anatole France, một chút sự quỵ lụy của con người cũng ra đi. Cầu cho đó là một bữa tiệc, cái ngày người ta đem chôn sự khôn khéo, chủ nghĩa truyền thống, lòng yêu nước, chủ nghĩa cơ hội, sự ngờ vực, chủ nghĩa hiện thực và sự thiếu tấm lòng!” Breton viết, khi ấy ông hai mươi tám tuổi. “Cầu cho cái người vừa chết đi kia […] đến lượt mình ra đi trong làn khói! Còn lại rất ít thứ của một con người: vẫn còn thật đáng tức giận khi hình dung về người ấy, rằng dù thế nào đi nữa thì ông ta cũng từng tồn tại”, Aragon viết, khi ấy ông hai mươi bảy tuổi.

Những từ của Cioran quay trở về với tôi nhân nói tới những người còn trẻ và nhu cầu của họ về “máu, những tiếng hét, sự hỗn loạn…”; nhưng tôi phải vội vã nói thêm rằng các nhà thơ trẻ tuổi đi tiểu vào xác chết của một tiểu thuyết gia lớn ấy không vì thế mà ngừng là những nhà thơ đích thực, những nhà thơ đáng ngưỡng mộ; thiên tài của họ và sự ngu xuẩn của họ trào ra từ cùng một nguồn. Họ gây hấn một cách dữ dội (một cách trữ tình) đối với quá khứ và tận tụy, kèm thứ bạo lực (trữ tình) ấy, với tương lai mà họ coi mình được đảm nhiệm, mà họ thấy được thứ nước tiểu tập thể vui tươi của mình chúc phúc.

Rồi đến lúc Picasso cũng già. Ông một mình, bị băng đảng của mình bỏ rơi, cũng bị bỏ rơi bởi lịch sử hội họa khi ấy đã rẽ sang hướng khác. Không chút tiếc nuối, với một khoái cảm của người theo chủ nghĩa hoan lạc (chưa bao giờ hội họa của ông tràn ngập hào hứng đến như vậy), ông đến ngụ trong ngôi nhà của nghệ thuật ông, biết rằng cái mới không chỉ nằm ở phía trước, trên con đường lớn, mà còn cả ở bên trái, bên phải, bên trên, bên dưới, đằng sau, ở mọi hướng có thể của cái thế giới không thể bắt chước của ông, chỉ thuộc về một mình ông (bởi sẽ không ai bắt chước ông: những người trẻ tuổi bắt chước những người trẻ tuổi; những người già thì không bắt chước những người già).

Thật không dễ để một nghệ sĩ trẻ thích cách tân quyến rũ được công chúng và làm cho mình được yêu quý. Nhưng khi sau này, có cảm hứng từ tự do tuổi già của mình, lại thêm một lần nữa anh ta chuyển hóa phong cách của mình và rời bỏ cái hình ảnh người ta vẫn có về anh ta, thì công chúng sẽ do dự trong việc đi theo anh ta. Gắn liền với giới trẻ của điện ảnh Ý (nền điện ảnh vĩ đại không còn tồn tại nữa), Federico Fellini đã được hưởng trong một quãng thời gian dài sự ngưỡng mộ của tuyệt đại đa số; Amarcord (1973) là bộ phim cuối cùng của ông với vẻ đẹp thơ ca khiến mọi người phải đồng lòng nhất trí. Rồi, sự phóng túng của ông còn xổ tung thêm nữa và cái nhìn của ông sắc bén hơn; thơ ca của ông trở nên phản trữ tình, chủ nghĩa của ông trở nên phản hiện đại; bảy bộ phim trong mười lăm năm cuối đời ông là một bức chân dung không thương xót về thế giới nơi chúng ta sống: Casanova (hình ảnh về một tính dục phô bày, đạt tới những giới hạn thô kệch của nó); Prova d’orchestra; Thành phố của phụ nữ; E la nava va (vĩnh biệt châu Âu mà con tàu đã ra đi về phía hư vô, với những bản air của opera làm nền); Ginger và Fred; Intervista (lời chào vĩnh biệt lớn với điện ảnh, với nghệ thuật hiện đại, với nghệ thuật nói ngắn gọn); La Voce della luna (lời vĩnh biệt cuối cùng). Trong những năm ấy, tức tối cả trước thẩm mỹ đòi hỏi hết sức cao của ông và trước cái nhìn chán nản mà ông đặt xuống cái thế giới đương đại của họ, các phòng khách, báo chí, công chúng (thậm chí cả các nhà sản xuất) quay lưng đi với ông; không còn nợ nần gì ai nữa, ông nhấm nháp “sự thiếu trách nhiệm vui tươi” (tôi trích lời ông) của một tự do mà cho tới khi ấy ông còn chưa biết đến.

Trong mười năm cuối đời, Beethoven không còn gì để chờ đợi từ Viên, từ giới quý tộc của nó, từ các nhạc sĩ vinh danh ông nhưng không còn nghe ông nữa; mặt khác ông cũng không còn nghe họ nữa, không chỉ bởi vì ông đã bị điếc; ông đã ở đỉnh cao nghệ thuật của ông; các bản xô nát và tứ tấu của ông không giống với cái gì hết cả; bởi sự phức tạp trong cấu trúc của chúng, chúng đã ở rất xa chủ nghĩa cổ điển mà vẫn không gần với tính chất bột phát dễ dãi của những nhà lãng mạn trẻ tuổi; trong sự tiến hóa của âm nhạc, ông đã chọn một hướng đi không được ai theo; không môn đồ, không người kế nghiệp, tác phẩm của tự do tuổi già ông là một sự kỳ diệu, một hòn đảo.

(MK)

May 19, 2011

Sống mãi rồi cũng gặp thần chết

Các bác bắt đầu kỷ niệm, ăn mừng đi nhá :)

“Sống mãi rồi cũng gặp thần chết”, hay văn hoa hơn, “sống là để chết”, rồi “sống là một liều thuốc độc đặc biệt hữu hiệu chắc chắn dẫn tới cái chết” vân vân và vân vân là những trò chơi nghịch dụ và trùng ngôn, tựu trung lại là quẩn quanh trong phạm trù tu từ học; thế nhưng, cái chết thì hành động, chứ không vướng mắc chuyện tu từ, và có những lúc thần chết hoạt động hết công suất, như ở những giai đoạn nhất định của Thế chiến thứ hai, theo mô tả của cuốn tiểu thuyết “Kẻ trộm sách” (Markus Zusak, Cao Xuân Việt Khương dịch, dtbooks và NXB Trẻ).

Thần chết, nhân vật của “Kẻ trộm sách”, kể về một ngày tháng Sáu năm 1942: “Họ liên tục nuôi dưỡng tôi. Hết phút này sang phút khác. Hết buổi tắm này sang buổi tắm khác” (tr. 367), và với vị thần chết hay gọi tên Chúa (vị thần chết mẫn cán và cả, điều này xét cho cùng cũng không thực sự quái lạ, rất từ tâm), bầu trời ngày hôm ấy “có màu của những người Do Thái”, và vị thần chết có trí nhớ phi thường của một người “cường ký” “sẽ không bao giờ quên ngày đầu tiên ở Auschwitz, lần đầu tiên ở Mauthausen”.

Ngay lập tức, ta hiểu là mình đang đọc một cuốn tiểu thuyết có nỗ lực lớn lao về một cách nhìn nhận độc đáo, nó kể chuyện chiến tranh và giết chóc, cuộc đời và tình yêu từ cái nhìn của thần chết đan xen với cái nhìn của cô bé Liesel trên phố Thiên Đàng ở thị trấn Molching thuộc ngoại ô Munich. Liesel đến sống với gia đình Hubermann sau khi tách rời khỏi những bi kịch của gia đình trước đó (bố, mẹ và em trai), chơi thân (và có thể nói là yêu) cậu bạn Rudy, che giấu và gần gũi (và cũng có thể nói là yêu) Max Vandenburg người Do Thái, nhưng chủ yếu Liesel sở dĩ được thần chết quan tâm đặc biệt, thậm chí còn giữ trong túi của mình cuốn sổ ghi chép của cô bé, là bởi mối liên hệ của cô bé với những quyển sách, trong đó không ít là sách “ăn trộm”.

Cuốn tiểu thuyết, tuy vậy, còn hơn một nỗ lực về sự độc đáo, khi mà tính chất độc đáo của nó thực sự được giữ gìn từ đầu đến cuối, dưới bàn tay của một nhà văn khăng khăng không từ bỏ trong suốt một chặng đường dài cái nhìn dịu dàng với mọi nhân vật (lẽ dĩ nhiên người ta có thể làm như vậy một khi đã nâng niu cả đến nhân vật thần chết); nhân vật của Markus Zusak thoạt nhìn qua ai cũng đáng sợ, nhưng thật ra đều không phải vậy, ở bên dưới bề mặt luôn luôn “có một cái gì đó khác”, chẳng hạn bà vợ ông thị trưởng hay bà mẹ nuôi Rosa của Liesel. Trong điều kiện chiến tranh, cái vỏ đáng sợ bên ngoài là tấm mai bảo vệ con người ta trong cuộc tranh đấu vì sự tồn tại.

“Kẻ trộm sách”, với cách tái hiện khung cảnh đời sống trong chiến tranh của nó, có thể so sánh với bộ ba tác phẩm kỳ lạ của Agota Kristof từng làm sửng sốt độc giả thế giới: cùng chọn nhân vật trung tâm là những đứa trẻ con, “Kẻ trộm sách” cũng như “Cuốn vở lớn”, “Bằng chứng” và “Lời nói dối thứ ba” của Kristof có thể mang lại những cảm giác và nhận xét rất khác so với những gì từng có về cuộc thế chiến ghê gớm ấy. Liesel và Rudy của “Kẻ trộm sách” hẳn cũng đáng nhớ trong lịch sử văn học như hai anh em sinh đôi Claus và Klaus trong ba cuốn tiểu thuyết vừa kể tên. Ở một phương diện nhiều “nghiêm túc” hơn, “Kẻ trộm sách” thuộc vào những tác phẩm quan trọng về cuộc sống người dân Đức tại các thành phố nằm dưới những trận mưa bom của máy bay Đồng Minh, chẳng hạn như cuốn tiểu thuyết viết năm 1947 của Hans Fallada mang tên “Jeder stirbt für sich allein”, hay được biết đến trong tiếng Anh với cái tên “Ai cũng chết một mình” hoặc “Một mình ở Berlin”, kể về cuộc sống của một tòa nhà trên phố Jablonski, Berlin. Cũng như ở đây, trong “Kẻ trộm sách”, điều nổi bật là cuộc sống ấy sắp xếp để nạn nhân lúc nào cũng sống cạnh đao phủ, và không ai thực sự biết hàng xóm của mình là nạn nhân hay đao phủ.

Nét tươi sáng, tích cực trong đời sống mỗi lúc một cực khổ hơn, về thực chất là hết sức đen tối, của người dân một thị trấn nhỏ trong chiến tranh, nằm ở những quyển sách. Những quyển sách mà cô bé Liesel phải rất chật vật lắm mới đọc được sau rất nhiều phiêu lưu nguy hiểm và cố gắng không ngưng nghỉ, không chỉ có giá trị tinh thần; trên thực tế chúng còn cứu sống cô, “theo lối vật chất”: vào cái đêm thị trấn bị ném bom, cô bé Liesel đọc sách dưới tầng hầm nên thoát chết, khi được tìm thấy, cô bé “đang nắm giữ một cách tuyệt vọng lấy những từ ngữ đã cứu sống” mình (tr. 520).

Nhị Linh

May 17, 2011

Đọc lại Cơ hội của Chúa

Những cuốn sách đọc ở tuổi hai mươi, nếu còn nhớ, thì hoặc là chúng làm mình tưởng ra là ngộ thấy một điều gì đó quan trọng lắm, cốt tử lắm, hoặc mình thấy phăn lỳ chết thôi.

Hoặc cũng có lúc, như khi Đọc cơ hội của Chúa, thì thấy giời ạ hóa ra trên đời cái thể loại dở hơi như mình cũng không phải là duy nhất :p Cũng có đồng chí dập dìu sách vở, lên những cơn chập cheng ra phết. Và hóa ra là cũng chui ra chui vào suốt cái chốn Thư viện Quốc gia ấy.

Thư viện Quốc gia của những ngày ấy bao nhiêu thương nhớ không hề giống như bây giờ. Chỉ có thể đi vào từ cổng phía phố Tràng Thi, chếch chếch hiệu cắt tóc mậu dịch và Machinoimport. Chẳng biết bây giờ sửa lại xây thêm, đứng từ mấy cái gốc cây nhìn lên còn thấy tên Toàn quyền Émile Pasquier lờ mờ trên fronton mặt tiền không nữa. Thư viện Quốc gia ngày ấy đi thẳng thì vào đến phòng đọc ghế gỗ dài bóng lên vì bao nhiêu bộ mông của nhiều thế hệ, rẽ phải là một nơi rất quan trọng, cái toa lét, mà đúng hơn là cái chuồng tiêu, nhưng thường thì người ta rẽ sang trái, để đến một tụ điểm thú vị chết thôi, là quán nước anh Hợi. Nơi này các trí thức tương lai thi nhau rít thuốc lào, chém gió và uống trà đá, hoặc oánh cờ tướng. Sau này nhiều phần rẽ ngoặt sang thành con buôn, nghe nói một nhân vật nay trở thành trùm giặt giũ bao tiêu hết ga trải giường khách sạn ở Hà Nội. Một phần không nhỏ trở thành nhà báo lắm chữ nói gì cũng lung tung hết cả.

Thư viện ngày ấy vĩ nhân chen lẫn thường nhân, Đỗ Minh Tuấn suốt một thời gian dài ôm hai tập Mĩ học của Hegel, khuôn mặt quyết liệt cho thấy đọc sách là bể khổ. Huyền thoại quán nước nói Vương Trí Nhàn hay giật phích những cuốn khó tìm. Bác Vương Trí Nhàn hình như cũng có vào đây đọc, xin nói luôn đấy là zin bản đồn đại thôi, chắc cũng như mọi huyền thoại khác, đành thở dài không rõ thực hư. Giờ toàn tra sách bằng máy vi tính, nói đến phích may lắm thì các cháu nhi đồng tưởng là phích nước Rạng Đông. Một đặc trưng nữa của kho sách ở đó là rất nhiều sách đóng dấu Võ Tá Hân. Mà toàn sách bộ nhưng lại thiếu tập mới đau. Mới gần đây tôi mới đọc báo thấy viết ông Võ Tá Hân cứ cặm cụi đi khắp thế giới ai người ta cho sách là lôi về tặng lại cho Thư viện Quốc gia, thế thì đủ bộ kể cũng khó. Đọc xong chuyện ấy thì tôi lén lút rút lại niềm căm hận xưa cũ :p Thêm bạn bớt thù là xu hướng chung của tuổi già, nó thể hiện sự trưởng thành và cả sự nhùi nhụt của ý chí chiến đấu.

Quên mất là đang nói về Cơ hội của Chúa đấy :d Đó là cái thời suốt một thời gian dài văn chương Việt Nam chán lắm, suốt ngày ông gì tên là Tuấn tác giả Cù lao Chàm chán kinh lên được. Hào hứng được quãng vài năm, Nỗi buồn chiến tranh, Bến không chồng với cả Mảnh đất lắm người nhiều ma, rồi lặng lẽ như nhà thờ ngoài giờ lễ mixa, bỗng đâu xuất hiện một ông Nguyễn Việt Hà, cả cuốn tiểu thuyết dày khộp chả một chữ nói đến chiến tranh (à cũng có, có xuất hiện ngày 30 tháng Tư năm 1975 để đối chiếu với ngày tốt nghiệp của nhân vật Tâm).

Nó không chiến tranh, mà nó nói ba cái chuyện tình yêu, rượu (mà nghĩ cũng kinh, cái thời í cognac đã là đỉnh cao danh vọng rồi, gớm thế :d) và Chúa. Câu "anh yêu em" và "em yêu anh" nhiều ngang câu "nói có Chúa".

Thỉnh thoảng tôi nói đùa Nguyễn Việt Hà viết Cơ hội của Chúa bằng tâm lý của một kế toán viên, sợ kiểm toán nó làm thịt nên sổ sách rất chi ly, chuyện gì cũng kể hai lần :) Chuyện đã kể rồi thế nào cũng có đoạn nhật ký (của Tâm, Nhã, Thủy) tua lại một vòng, cho chắc. Nói đùa thế thôi, vụ đắp bờ truyện kể ấy, sâu xa mà nói, là một cách thể hiện của sự buồn bã, một chân thực cảm động. Có quen với bọn đàn ông Bắc Kỳ, nhất là Hà Nội đặc xịt, bụng dạ khó dò, mặt trơ như cái thớt, thì mới hiểu cái sự chân thực cảm động ấy.

Tuy biết rằng bọn nhóc con hai mươi tuổi ngày nay chẳng thể nào đọc cuốn tiểu thuyết này theo kiểu ấy được, nhưng tôi vẫn in lại. Vì đọc lại nó vẫn nhiều phấn hương vương vấn lắm :) chỉ có sửa mấy chỗ chẳng hạn như là rượu "Ararate" thành Ararat, thuốc lá "Cabinette" thành Cabinet, rồi thì sau khi tham khảo ý kiến chuyên gia thì đã biết hãng hàng không "Interfluc" chính là "Interflug" và diễn viên "Gocomitic" là Gojko Mitić (Những đứa con của gấu mẹ vĩ đại).

May 16, 2011

Sách (XXXV) trật tự để chịu đựng sự thật




Một số tác giả:

Xuân Ba, Nguyễn Văn Bổng, Vũ Cao, Hồng Chương, Đoàn Văn Cừ, Hồ Đắc Di, Quang Đạm, Phan Huỳnh Điểu, Tô Hải, Tế Hanh, Tô Hoài, Xuân Hoàng, Nguyên Hồng, Chính Hữu, Ngụy Như Kon Tum, Nguyễn Lân, Thế Lữ, Đặng Thai Mai, Dzoãn Mẫn, Lương Xuân Nhị, Bàng Sĩ Nguyên, Mạc Phi, Bùi Huy Phồn, Như Phong, Vũ Đức Phúc, Hằng Phương, Võ Huy Tâm, Hoài Thanh, Phùng Bảo Thạch, Nguyễn  Đình Thi, Phạm Huy Thông, Bửu Tiến, Mạnh Phú Tư, Hồng Vân

May 14, 2011

Từ đông sang hè

Tình hình gạo châu củi quế, chờ đợi ròng rã từ đông sang hè, đến lúc đậm đà mùa hè rồi thì mới thấy có đêm đông hic. Nhưng rốt cuộc thì cũng đã có.

Lâu lâu viết một cái bìa sách mới thấy thích thú như thế:

"Một cái kết mở thì rất nhiều nhà văn giỏi đã làm, nhưng một cái mở không tiến lên, thậm chí không kết, thì hình như chỉ một người như Italo Calvino mới dám biến thành trò chơi tiểu thuyết của mình. Làm cho một cuốn tiểu thuyết “đi tới” trong sự tiến triển hợp lý và đẹp đã là khó, nhưng giữ cho một cuốn tiểu thuyết hoàn chỉnh đứng yên ở ngưỡng bắt đầu còn khó hơn nhiều lần.

Nếu một đêm đông có người lữ khách nhốt câu chuyện ngập ngừng trong vẻ tươi mới của sự khởi đầu trong suốt mấy trăm trang sách, buộc người đọc liên tục hào hứng với không ngớt những bước chân đầu tiên, dự cảm đầu tiên, đoán định đầu tiên. Cuốn tiểu thuyết từ khi ra đời đã giữ chân bao độc giả lòng vui sướng thỏa mãn ở ngay điểm xuất phát, và cũng là nguồn khai thác dồi dào cho không ít lý thuyết gia văn học nhìn thấy ở đây một trò chơi tài tình và một suy tư sâu sắc về bản chất của tiểu thuyết và văn chương."

Có nguyên một quyển sách viết về mở đầu của tiểu thuyết (tức là incipit), của Andrea Del Lungo,  tên là L'Incipit romanesque, NXB Seuil, tủ sách "Poétique", 2003, ảnh ở đây. Trong sách, Del Lungo cũng nói rõ mình lấy cảm hứng chủ yếu từ Nếu một đêm đông có người lữ khách của Calvino.

Calvino thì ngay tiếp theo đây sẽ là Tử tước chẻ đôi, cùng bộ ba với Nam tước trên cây; quyển còn lại là một cuốn tiểu thuyết về hiệp sĩ.

May 10, 2011

Sách (XXXIV) Hai ông cụ

Có những quyển sách cũ, và có những quyển sách rất là cổ, chẳng hạn như hai quyển này :p

Thứ nhất là quyển kinh điển của kính điển Le Parfum des humanités, tên tiếng Việt là Sử ký Thanh Hoa, của Émile Vayrac, Nguyễn Văn Vĩnh dịch, NXB Trung Bắc Tân Văn, 1925. Quyển này được in trong tủ sách mang tên "Lectures Tonkinoises", kèm lời chú "Collection publiée sous les auspices de M. Résident supérieur Monguillot", tức là dưới sự chủ trì của Monguillot, "Xử lý thường vụ Toàn quyền", hay "Quyền Toàn quyền Đông Dương", đứng đầu Đông Dương vào năm 1925, cũng năm này Monguillot lập ra Hội đồng Phụ chính do Tôn Thất Hân đứng đầu (chuẩn bị cho Bảo Đại hồi loan, sự việc sẽ xảy đến vào năm 1932).






Quyển thứ hai dưới đây cũng rất cổ và có một ý nghĩa khác: in năm 1933, Phê bình và Cảo luận của Thiếu Sơn Lê Sĩ Quý vẫn được xem là cuốn sách phê bình văn học đầu tiên của Việt Nam.




Phê bình và Cảo luận có lời giới thiệu của Phan Khôi, trong sách cũng có bài phê bình Phan Khôi.

Cuộc đời Thiếu Sơn sau này cũng nhiều thăng trầm, gần đây người ta đã in lại phần lớn trước tác của Thiếu Sơn.

May 5, 2011

Ngọc Giao trong Một đêm vui



Quyển sách có các trang xếp được như bộ tú lơ khơ hic. NXB Hương Sơn, Hà Nội, 1951, in lại từ Phổ thông bán nguyệt san, 1937. Được một bạn bên sử học tặng :)

Bìa sau quảng cáo Tiểu Nhiên Mị Cơ:


--------------


Một đêm vui tập hợp 12 truyện ngắn in trên Phổ thông bán nguyệt san năm 1937; Ngọc Giao viết và đăng những truyện này trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy trước đó. Cả Phổ thông bán nguyệt sanTiểu Thuyết Thứ Bảy đều là ấn phẩm của nhà Tân Dân do Vũ Đình Long làm chủ. Trước 1945, Ngọc Giao đặc biệt gắn bó với Tân Dân, ông từng là thư ký tòa soạn cho Tiểu Thuyết Thứ Bảy, và trong Hà Nội cũ nằm đây mới in gần đây, Ngọc Giao đã kể lại nhiều câu chuyện liên quan đến Tân Dân, Vũ Đình Long cũng như những người có liên hệ mật thiết với nhóm này. Có thể coi Tân Dân của Vũ Đình Long là một đối trọng quan trọng phá vỡ thế “độc quyền” của Tự Lực Văn Đoàn: trong suốt một thời gian dài giữa các ấn phẩm thuộc hai nhóm đã xảy ra tranh luận, đụng độ nhiều khi gay gắt, được thể hiện rất rõ ràng trong tập sách 13 năm tranh luận văn học của Thanh Lãng.

Tập Một đêm vui được Hương Sơn tái bản tại Hà Nội vào đầu năm 1951 (vẫn in kèm Lời đầu sách của Phùng Tất Đắc, ở cuối lời đầu sách này ghi rõ “Nam Định, ngày 6 tháng 7 năm 1936”); kể từ đó tập sách này không thấy được in lại nữa và trở nên rất khó tìm. Tuy nhiên, đây lại là tác phẩm rất quan trọng để biết về văn phong cũng như suy tư, cách nhìn nhận của Ngọc Giao giai đoạn khởi đầu sự nghiệp.

Đọc những tác phẩm sau này của Ngọc Giao, ta thấy ông quan tâm nhiều đến việc miêu tả cuộc sống người lao động bình thường, những cảnh sống ở Hà Nội và những gì gắn bó với bản thân ông, nhưng Một đêm vui lại đi vào một Hà Nội khác hẳn, và thể hiện thái độ sống của ông. Điều này đã được Lãng Nhân Phùng Tất Đắc chỉ ra ngắn gọn: “Giới thiệu tập này của ông Ngọc Giao, tôi chỉ muốn chú ý đến một đặc tính của hầu hết các truyện ông Ngọc Giao viết: đặc tính về luân lý.” Nhìn chung, trong Một đêm vui, Ngọc Giao miêu tả những mặt khuất, thậm chí là những mặt tiêu cực của đời sống con người, nhất là đời sống những con người Hà Nội.

Mọi truyện ngắn trong Một đêm vui (“Một đêm vui”, “Lòng mẹ”, “Dĩ vãng”, “Đôi mắt đẹp”, “Ảo ảnh”, “Bỏ giấc mơ hoa”, “Lệ vui”, “Hà Thành”, “Chim lồng”, “Đời nó thế!”, “Chợ chiều”, “Những đoạn tình”) đều có câu chuyện buồn bã, nhiều thất vọng về sự lật lọng, thiếu luân lý và đạo đức của con người. Đặc biệt, Ngọc Giao thường xuyên sử dụng thủ pháp ghi chép lại hồi ức, từ một điểm nhìn của hiện tại để nhìn lại những gì đã xảy ra trong quá khứ, và rất hay dùng những bức thư.

“Một đêm vui” là bức thư của một người chị gái gửi em trai. Người chị gái kể cho cậu em tên “Thanh” của mình về những bước đường cuộc đời mình: từ chỗ được cha mẹ gả chồng lên sống ở Lạng Sơn, yêu chồng và cũng được chồng yêu, vì ghen tuông mù quáng mà gây ra thảm cảnh, để rồi bị cả chồng lẫn gia đình mình đuổi đi, phải dấn thân vào đời giang hồ của một cô gái bán hoa lê la sàn nhảy, phòng tiệc, “hò hét, cười đùa, đập chai, ném cốc” (tr. 16). Trong những bước mỗi lúc một đi xuống sâu hơn ấy, điều duy nhất còn lại khiến người chị gái được thanh thản và lưu giữ niềm tin vào cuộc sống là nỗ lực kiếm tiền giúp đứa em trai thành đạt trong học hành, rồi lấy vợ. Ngày cưới của người em, chị ta lên Hà Nội, mua một bó hoa rồi đứng ở ngoài bữa tiệc cưới, sau cùng giẫm nát bó hoa rồi ra đi, bụng thầm hỏi: “Gió, mưa… ta biết ngủ nơi nào, đêm nay” (tr. 20).

Truyện thứ hai của tập, “Lòng mẹ”,cũng ở dạng một bức thư của con trai một “bà lớn” gửi cho mẹ. Suốt nhiều năm, đứa con trai này bị người mẹ vứt bỏ, sống cực khổ với bố mẹ nuôi, rồi với cha ruột, bị đặt ra ngoài xã hội quyền quý vì thân phận đứa con hoang sinh ra trong cuộc tình vụng trộm. Đến cuối truyện thì “bà Án”, sau khi nhận được lá thư nói trên, đã bảo con gái lớn của mình đến tìm đứa con trai, và câu chuyện kết thúc có hậu: “Trong lòng Tâm nhẹ nhàng, vui sướng, vì từ đây Tâm biết lòng người mẹ thương mình… vì từ đây Tâm sẽ được trở nên một người dân lương thiện trong khi cắp sách đến học đường để thâu thái cái học vấn uyên thâm cao quí của loài người” (tr. 35). Đến đây thì ta hiểu nhận định của Phùng Tất Đắc về văn chương Ngọc Giao trong Một đêm vui: “Ông Ngọc Giao ưa tìm tòi khám phá trong tâm lý. Ông muốn dõi theo sức bồng bột của tình cảm, nhưng trước sau, vẫn không quên rằng truyện mình viết là để đăng trong Tiểu Thuyết Thứ Bảy, tập báo của gia đình”. Ngọc Giao không đẩy quá các miêu tả để chúng quá mức chi tiết, và luôn luôn dành kết cục cho những tình cảm đẹp. Điều này thể hiện rõ nhất trong truyện thứ tư của tập, “Đôi mắt đẹp” kể về sự đoàn tụ gia đình sau những “lạc lối” của người chồng, hay truyện thứ tám, “Chim lồng”, nơi người vợ lầm lạc bị người chồng trừng phạt đầy khổ sở nhưng đến phút cuối cùng thì được “tha bổng” vì người chồng, sau rất nhiều mưu mô lập ra để trả thù người vợ hư hỏng, không đành lòng làm đứa con của mình mất đi người mẹ; điều này đúng như Phùng Tất Đắc viết: “ngòi bút của ông [Ngọc Giao] không dám quyết đi theo những cuộc mông lung của tình cảm, rút lại bao giờ cũng lấy cứu cánh là bổn phận, cái bổn phận khắc khổ vạch ra bởi luân lý nghìn xưa”. Đây là đặc trưng, điểm mạnh, nhưng đồng thời cũng là điểm yếu của ngòi bút Ngọc Giao, vì thường xuyên dừng lại ở những tình cảm đẹp mà không đẩy tiếp cho các sự việc đi hết logic của mình.

Trong Một đêm vui, còn có mấy truyện ngắn đáng lưu ý nữa, và ở đây bắt đầu xuất hiện một Ngọc Giao quyết liệt hơn trong xử lý số phận nhân vật của mình, không còn đi theo mô hình chung như Phùng Tất Đắc nhận định nữa: “Nhân vật của ông [Ngọc Giao] không có những tình cảm sôi nổi, không gặp những sự kích thích quá nồng nàn, nên đến chung cục vẫn rập theo khuôn mẫu của luân lý, không mấy khi đi chệch ra ngoài”. Đó là các truyện ngắn “Dĩ vãng” và “Chợ chiều”. “Dĩ vãng” vẫn là truyện Ngọc Giao sử dụng cái nhìn hồi cố, lần này là qua lời kể của nhân vật “lão Xương” cho nhân vật xưng “tôi”, một cậu bé mới lớn. Cuộc đời lão Xương chỉ toàn biết đến đau khổ và lừa gạt, cuộc tình say đắm hồi trẻ của lão trên đất Ai Lao là một sự mỉa mai lớn, và đến kết cục, lão bỏ mạng trong cơn say thuốc phiện, giữa đống đổ nát hoang tàn của đời mình. “Chợ chiều” lại có cốt truyện có thể nói là “giật gân”: cuộc tình tay ba giữa hai mẹ con và một chàng thanh niên. Sự đàng điếm, trụy lạc của một giới người Hà Thành được Ngọc Giao miêu tả sinh động, và cái khuôn khổ luân lý mà ông luôn luôn tuân thủ đã dẫn ông tới chỗ để cho mọi thứ trong cuộc sống hai mẹ con Hoàng và Hạnh sụp đổ, Hạnh bỏ ra đi trong mưa gió bão bùng.

Ngọc Giao đặc biệt chỉ trích lối sống Âu hóa vội vã, dẫn tới sự đàng điếm, băng hoại về đạo đức, xói mòn các nếp sống cũ từ xa xưa. Điều này Phùng Tất Đắc cũng đã lưu ý: “tác phẩm của ông Ngọc Giao có thể để trong tay mọi người được, không đến nỗi di hại như một vài thứ quà mới mà những kẻ hiếu kỳ, không suy xét kỹ, vội đem nhập cảng vào xã hội ta”. Truyện “Chợ chiều” như đã nói ở trên là một minh chứng rõ ràng, nhưng nổi bật hơn cả ở phương diện này trong Một đêm vui là truyện “Hà Thành” (tr. 92-tr. 101).

Nếu đã quen với một Ngọc Giao hoài cổ, say đắm với những nét vẻ xa xưa đẹp đẽ của một thành phố hào hoa như Hà Nội, thì độc giả có thể tìm thấy một Ngọc Giao rất khác ở câu chuyện này, câu chuyện nói đến khả năng tha hóa con người của Hà Thành. Người con gái tên Khanh từ Huế ra Hà Nội đã gặp những điều không một ai mong muốn cho một cô gái trẻ. Viết dưới dạng bức thư mà Khanh gửi cho người bà ở Huế, câu chuyện cho chúng ta biết Khanh là “cháu một vị đại thần đã bỏ mình vì nạn nước, thời vua Thành Thái dời ngôi. Nó là con một người cha đã tòng chinh sang mẫu quốc rồi bị tử thương trong hồi Pháp-Đức chiến tranh” (tr. 94). Cô con gái danh giá ấy đã cầu xin bà mình như sau: “lạy bà, xin bà tha cho cháu tội dối lừa bà, cái tội bôi nhọ một dòng danh giá, quí tộc, cái tội làm đĩ ở ngoài xứ Bắc, tỉnh Hà thành”, và tiếp theo là một loạt miêu tả không mấy tốt đẹp: “Hà thành! Một tỉnh cháu thèm thuồng, mong ước thấy bộ mặt rực rỡ, huy hoàng của nó. Một tỉnh mà nghe người ta ca tụng, cháu cứ yên trí là nơi đô hội có nền văn hóa cao siêu” (tr. 94-95); “Nhưng Hà thành ác nghiệt làm sao! Hà thành đã dần dần làm biến đổi lòng dạ, tâm hồn của cháu, Hà thành luôn luôn có một điệu âm nhạc say vui chẳng tận, Hà thành luôn luôn có một vẻ kiêu sa, dâm dật, cảm người. Mà vẻ kiêu xa dâm dật ấy, nó hiện rõ ràng trong cách trang sức, trong lối đi dáng đứng, trong khóe mắt đầu mày, trong sử đụng chạm không ngượng nghịu của bày trai, gái trẻ trung” (95-96); “Bản âm nhạc làm vui sinh hoạt của Hà thành là một bản âm nhạc phóng đãng, rộn ràng, loạn sạ, tưởng như còn che đậy bao tiếng khóc, lời than của sự xấu xa, giả dối” (tr. 96). Mặc cho cô gái ấy đã rất nỗ lực “chống trả” để thoát khỏi sự quyến rũ của những phù du: “Lạy bà, bà đừng tưởng cháu không chống cự với ái tình kia, với chàng trai trẻ nọ, với Hà thành gớm ghiếc, hung tàn ấy, và cũng đừng tưởng cháu không dùng hết lực để đi theo mục đích tốt tươi của sự học hành” (tr. 97), nhưng cuộc sống ấy vẫn nuốt chửng lấy cô gái, đẩy cô vào một cuộc sống đầy thăng trầm bất trắc, cho thấy đầy đủ hơn về một thành phố Hà Nội nhiều góc cạnh, phương diện cần được văn chương tìm đến, miêu tả, phân tích.

Đọc tập truyện ngắn Một đêm vui, ta có thể thấy được những sự vụng về của hành văn Quốc ngữ ở giai đoạn còn chưa thực sự thành hình, cũng như thấy được sự non nớt trong ngòi bút của Ngọc Giao thời trẻ tuổi luôn luôn tìm đến những cốt truyện éo le, nhiều khi phi lý, nhưng ta cũng thấy sự tận tâm với văn chương của ông, nhất là một tinh thần sử dụng văn chương phục vụ cho lý tưởng đạo đức mà ông thực sự coi trọng, cùng những nền tảng cho một sự nghiệp văn chương đồ sộ trong tương lai.

May 4, 2011

(Brand New Ones) Con voi và châu Phi

Lại mở một project mới, project nào đổ thì lại thay bằng project khác, cứ thế chứ thế, cho nó máu :p

----------

Ryszard Kapuściński, tác giả Du hành cùng Herodotus, có lẽ là người cuối cùng “cả gan” đem sự ngây thơ của cá nhân mình ướm lên thế giới, gợi cho ta nhớ tới một cuốn du ký kinh điển mang tên The Innocents Abroad (Những kẻ ngây thơ ra nước ngoài), khi Mark Twain thực hiện chuyến đi về Cựu Lục địa trên con tàu Quaker City vào thế kỷ XIX. Trong Du hành cùng Herodotus, Kapuściński cũng từng khẳng định rằng với ông, cả tin là một phẩm chất trong khi đa nghi lại là một khiếm khuyết của tính cách.

Chính thái độ này, chứ không phải chất lượng viết (bất kỳ ai từng đọc Kapuściński cũng ngưỡng mộ và choáng ngợp trước tài năng văn chương của ông) khiến cho cuốn sách về châu Phi của ông (Heban trong tiếng Ba Lan, nghĩa là Gỗ mun, 1998; bản dịch tiếng Anh mang tên The Shadow of the Sun - Bóng của mặt trời) nhận được những lời bình luận hết sức trái ngược. Trong khi tờ Guardian cho rằng “ông mang tới sự miêu tả cuộc sống trên hành tinh chân thực nhất, ít thiên vị nhất, toàn diện nhất và sống động nhất” thì tờ The Economist đơn giản là sử dụng một giọng văn chế giễu, ví ông như là một kỵ binh Ba Lan vung thanh gươm tiến vào châu Phi, nhận định các tường thuật chính trị của ông là sai lầm, không những thế ông lại còn chọn những con đường dài hơn các thông tín viên khác, có khi đi theo hai cạnh của một tam giác chứ không theo đường thẳng.

Lời chê trách phổ biến nhất đối với Gỗ mun là ông đã tạo dựng một châu Phi của riêng ông, miêu tả những gì ông cảm thấy chứ không phải những gì thực sự diễn ra, có ở đó. Điều này, tuy nhiên, lại cũng chính là điều Kapuściński nói ngay từ đầu tác phẩm: với ông, châu Phi là một thực thể quá phức tạp và đa dạng, rằng không tồn tại một “châu Phi” như một danh xưng thuần nhất, và không thể võ đoán mà áp đặt hiểu biết của mình vào nơi đây, như cách các nước châu Âu từng làm trong cuộc chia chác thuộc địa hồi cuối thế kỷ XIX, khiến cho bản đồ châu Phi trở nên khác biệt, gồm toàn những đường biên giới thẳng tắp và vuông góc với nhau.

Trong những gì từng xảy đến và nhất là đang xảy đến với châu Phi, có lẽ vậy, những nhận xét và cảm giác đầy “ngây thơ” của Kapuściński ngày càng tỏ ra có sức sống và chạm đến những gì nằm sâu sắc (với bề ngoài hết sức đơn giản) trên châu lục kỳ lạ này. Là thông tín viên của Hãng Thông tấn Ba Lan (PAP), bỏ ra hàng chục năm ở châu Phi và coi đây là cơ hội cả cuộc đời phóng viên của mình, Kapuściński từng viết riêng một cuốn sách về Haile Selassie, hoàng đế cuối cùng của Ethiopia. Trong Gỗ mun, ông đã nhìn từ khoảng cách rất gần những biến động chính trị liên miên ở khắp nơi: Tanganyika, Tanzania, Uganda, Zanzibar, Ethiopia, Kenya, Mali, Nigeria…

Bằng cái nhìn của một nhà văn, Kapuściński cố gắng hiểu những gì diễn ra trước mắt ông, nhất là những cuộc nồi da nấu thịt tại Zanzibar, tại Rwanda hay Nigeria. Hẳn không một ai kể chuyện về những kẻ khát máu (đồng thời ngốc nghếch): Amin ở Uganda hoặc cuộc chiến tay ba Doe-Johnson-Taylor ở Liberia được như Kapuściński. Trong những câu chuyện kể của ông, châu Phi thường trực một không khí “Macbeth” của máu và tội lỗi, của những kẻ giết vài trăm nghìn người nhưng không cả biết đến chỉ huy một đội quân nhỏ xíu. Cách Kapuściński miêu tả vũ khí quân trang ngồn ngộn (và vô ích) ở Ethiopia cho ta thấy sự phi lý đến tận cùng mà chốn sa mạc đóng góp cho sự phi lý ở tầm vóc phổ quát hơn, nơi sự độc lập bày ra nhiều vấn đề hơn cả dưới thời thuộc địa.

Và cái nhìn của Kapuściński không dừng ở chính trị, nó chú mục vào một cái hố giữa đường cái quan hay bầy gián khổng lồ, tập tính của những con muỗi và ý nghĩa thực thụ trong những câu nói của người châu Phi. Châu Phi trong con mắt của ông giống như một con voi (hình ảnh xuất hiện hai lần, ở đầu và cuối tập sách), một linh hồn khó hiểu: trong rất nhiều năm, “nghĩa địa voi” là một điều bí mật của người châu Phi. Điều quan trọng là phải dấn thân tìm hiểu điều bí ẩn đó. Sự ngây thơ của Kapuściński, rất có thể, lại chính là cái khiến ông nhìn được tận sâu vào thế giới châu lục này, hơn bất kỳ bộ óc giỏi phân tích tinh vi nào khác.