Dec 7, 2018

Nguyễn Văn Vĩnh: ba chương ngự lâm

Trước tiên xem ởkia.

Cũng xem ởkia.

Đã đến lúc cũng cần phải thực sự biết Nguyễn Văn Vĩnh dịch Les Trois Mousquetaires như thế nào: d'Artagnan được gọi là "Đắc-ta-nhan" và một số lúc còn được gọi là "Đắc công-tử".

"Bà-đầm Bô-na-xiêu" chính là nàng Constance de Bonacieux, vợ chủ nhà trọ của d'Artagnan, cũng là tình nương đầu tiên của d'Artagnan. Chính thông qua nhân vật ấy mà các ngự lâm quân bước vào con đường phụng sự hoàng hậu (tức là Anne d'Autriche: đây là triều đại Louis XIII, mà Nguyễn Văn Vĩnh gọi là Lô-y Thập-tam - Louis XIII là con trai của Henri Đệ tứ và Marie de Médicis, lên ngôi sau khi Henri Đệ tứ bị ám sát, trở thành vua Pháp thứ hai của nhà Bourbon); Tử tước de Bragelonne thì có bối cảnh triều đại người con trai của Louis XIII, tức là Louis XIV).

Dưới đây là chương ("hồi") XVIII, XIX và XX của Ba người ngự-lâm pháo-thủ bản dịch Nguyễn Văn Vĩnh. Tôi đặc biệt chọn ba chương này vì chúng nói lên tinh thần Nguyễn Văn Vĩnh ở tư cách dịch giả rất rõ (thậm chí có thể nói rằng một số chỗ, như thể Nguyễn Văn Vĩnh lên đồng); đây là ba chương cao trào của Les Trois Mousquetaires (trong lúc dịch Le Vicomte de Bragelonne, tôi cũng đã có lần phân tích cách xử lý câu chuyện của một nhà văn như Alexandre Dumas, tương hợp với các đòi hỏi của tiểu thuyết feuilleton). Ở ba chương ấy, d'Artagnan cùng ba người bạn ngự lâm quân lên đường sang Anh - trường đoạn thuộc hàng nổi tiếng nhất của Les Trois Mousquetaires cũng như của toàn bộ lịch sử kiếm hiệp (roman de cape et d'épée).

Trong bản dịch Bragelonne của tôi (tôi dịch cuốn tiểu thuyết ấy để mô phỏng Nguyễn Văn Vĩnh dịch Les Trois Mousquetaires), đoạn mào đầu "Sách này không phải là một áng văn-chương tuyệt-tác" etc. tôi thuần túy lấy lại những câu mà Nguyễn Văn Vĩnh đặt ở đầu bản dịch ngự lâm của mình, chỉ cải biến tí chút.


Một số từ trong bản dịch của Nguyễn Văn Vĩnh không quen thuộc (điều đó là tất nhiên); những chỗ khác biệt so với chính tả ngày nay cũng được để yên không sửa.





HỒI THỨ XVIII
PHU-QUÂN THẾ, TÌNH-LANG THÌ THẾ

Bà-đầm Bô-na-xiêu mở cửa ngang ra, Đắc-ta-nhan trên gác vội xuống, đi vào mà rằng:
- Bà ơi! bà cho phép tôi nói rằng, bà đã chẳng may vô cùng mà gặp phải thằng chồng như thế, đáng khinh bỉ quá.
Mụ có ý lo sợ, nhìn Đắc-ta-nhan mà hỏi rằng:
- Vậy ra công-tử đã nghe biết truyện rồi ư?
- Thưa bà, không lọt ngoài tai tôi nửa tiếng nào.
- Trời ơi! chẳng hay ông làm thế nào mà nghe được?
- Thưa bà, đó là một phép riêng của tôi. Nhờ có phép ấy mà ngày nọ tôi đã nghe được hết những câu chuyện bà ứng đối với bọn lính cảnh-sát. Câu chuyện hôm ấy mới dữ chứ!
- Ông đã nghe hết chuyện thì ông hiểu ra làm sao?     
- Thưa bà, tôi hiểu sự lắm. Trước hết tôi hiểu rằng đức ông chồng của bà là một thằng ngốc, thằng dại. Đó cũng là một cái may cho bà hôm nay. Sau nữa tôi hiểu rằng bà đương có một việc khó tính. Đó thì là một cái may cho tôi, bởi vì có thế tôi mới được một cơ hội hầu bà. Số là chỉ có trời với tôi biết cái lòng tôi thế nào mà thôi. Giá bây giờ tôi phải nhảy vào đống lửa cho bà, tôi cũng xin nhảy ngay tức khắc. Sau nữa tôi lại hiểu rằng, Đức Hoàng-hậu ta bây giờ đương cần một người can đảm, khôn ngoan, mà lại tận tâm giúp chúa, để ngài sai sang Luân-đôn. Thưa bà, trong ba nết ấy thì ít ra tôi cũng được hai, cho nên tôi xin vào ứng tuyển đây ạ.
Bà-đầm Bô-na-xiêu không trả lời, nhưng trống ngực bấy giờ đánh thình thình, trong lòng mừng rỡ, đầy những hi-vọng, lộ ra hai con mắt sáng như gương. Nhưng còn hỏi:
- Dám thưa công-tử, thế thiếp giao việc này cho công-tử, thì công-tử có chút gì gọi là để thiếp làm tin hay không? 
- Thưa bà, tôi có tấm lòng yêu mến này làm tin. Thôi thôi. Việc chi xin cứ nói, tôi lập tức ra tay.
Bà-đầm Bô-na-xiêu hãy còn nghi-ngại, lẩm nhẩm rằng:
- Trời ơi, trời ơi! chẳng hay tôi có nên đem cái việc bí-mật này mà phó-thác tại tay công-tử hay không? Công-tử còn thanh niên lắm.
- Tôi hiểu rồi. Bà muốn có người nào đứng-đắn bảo-lĩnh tôi với bà phải chăng? 
- Thiếp cũng biết vậy là không phải lắm, nhưng việc tối quan-trọng. Giá được thế thì lòng thiếp được vững muôn phần.
- Bà có biết anh A-tố tôi hay không?
- Không.
- Thế Bô-tố?   
- Cũng không.  
- A-la-mĩ? 
- Không. Những người ấy là ai đó?
- Ba người ấy là lính ngự-lâm pháo-thủ. Vậy thế bà có biết ông Tê-vinh là quan đại-úy coi cơ Ngự-lâm pháo-thủ chăng?
- Người ấy thì thiếp biết lắm. Không phải là đã được gặp, được thấy người, nhưng là bởi ai ai cũng nói rằng người ấy là một bậc rất trung-nghĩa, rất chính-đính.
- Người ấy thì hẳn bà không ngờ cho là vì Giáo-chủ mà bội-phản được Đức Hoàng-hậu.
- Quyết hẳn là không.
- Nếu vậy thì bà khá đến nói hết sự-do với bá-tước, rồi hỏi bá-tước xem có thể tin cậy được ở tôi chăng?
- Ngặt vì sự bí-mật ấy không phải quyền thiếp được ngỏ cùng ai. 
- Vậy mà xuýt nữa thì bà đã đem sự bí-mật ấy mà gửi trong tay ông Bô-na-xiêu! Đắc-ta-nhan nói câu ấy có ý hờn mát. 
- Dám thưa công-tử, ví dù thiếp có đem sự này kí-thác ở tay người ấy, thì khác nào như đem một phong thư kín mà gửi vào cái hốc cây, cái cánh con bồ-cu, hoặc là cái vòng đeo cổ con chó vậy mà thôi.
- Bà coi đó mà coi, thì biết rằng lòng tôi yêu mến bà là chừng nào.
- Công-tử nói thế thì thiếp hay rằng thế.
- Tôi là một người có giáo-dục, có lễ phép.
- Tôi cũng tin như thế.
- Phần can-đảm tôi cũng chẳng kém ai.
- Điều ấy thì tôi chắc rồi.
- Vậy thì bà thử sai tôi đi, xem có được việc không?
Bà-đầm Bô-na-xiêu hãy còn ngần ngại một chút, mới nhìn công-tử một lần nữa, thì thấy hai con mắt Đắc-ta-nhan trong sáng như gương, nghe giọng nói thành thực quá đỗi, không còn có thể hồ nghi được chút nào nữa. Vả cái tình cảnh lúc đó lại là tình cảnh người phải quyết liều sống chết một bề. Như Hoàng-hậu mà thất thế cũng bởi đa nghi là phần nhiều, mà bởi cả bụng tin người thì là phần ít. Vả lại tấm lòng phụ-nữ, nom thấy anh chàng lanh lợi, có khí-tượng đấng anh-hùng cũng đã hơi xiêu, cho nên dẫu có dụt dè đôi chút chẳng qua cũng lại là làm gái. Sau rồi cũng đến phó thác một bề. 
- Thôi, âu là chàng nói thế, thiếp cũng cả tin như thế. Nhưng thiếp nguyện có Thiên-chúa trên đầu soi thấu, hễ chàng mà phụ bạc với thiếp sau này, dầu bao nhiêu kẻ oán hờn thiếp đều dung thứ cho cả, thiếp cũng ngậm oán chàng mà tự tận.
Đắc-ta-nhan nói:
- Tôi cũng xin viện có Bề trên làm chứng mà thề rằng nàng sai tôi đi việc này, ví dù muôn một mà quân kia có bắt được tôi, thì thân này xin thí bỏ, chứ không dám làm điều gì, hoặc nói ra câu gì để làm lụy được đến ai.
Khi đó Bà-đầm Bô-na-xiêu mới chịu ngỏ cho Đắc-ta-nhan biết câu chuyện bí mật của Hoàng-hậu mà tình cờ mình đã nom nghe thấy ở trước bức tượng Đức Thánh Bà, trong cung Hoàng-hậu.
Đó là cách hai bên tự tình với nhau, trăm năm từ đấy. 
Đắc-ta-nhan mừng mà hớn hở, vẻ vang mà hớn hở. Một việc bí-mật quan trọng như thế này đã ở tay ta; một người đàn-bà ta yêu mến như thế này cũng đã ở tay ta; người ta tin cậy mình, người ta yêu mến mình, thì dẫu mình có năm bộ mà tưởng chừng như đã lớn bồng lên bằng một pho tượng Khổng-lồ. Nói rằng:
- Tôi xin đi. Tôi xin đi ngay tức thì.
- Đi thế nào lại đi được như thế? Vậy còn việc quân tại ngũ, còn phận sự mình, thì bỏ cho ai?
- Ờ nhỉ, chết nỗi! Thế mà tôi quên đi đứt rồi. Phải, phải, âu là ta kíp vào dinh quan úy, để xin phép nghỉ mười ngày.
Bà-đầm Bô-na-xiêu tần ngần người ra mà rằng:
- Đó lại là một mối ngăn trở nữa!
Đắc công-tử nghĩ một lát rồi đáp:
- Cái ngăn trở đó thì xin nàng chớ ngại. Ta sẽ vượt qua như bỡn.
- Vượt qua làm sao?
- Ta vào hầu ngay Tê-vinh bá và ta cậy ngài xin phép hộ cho ta với quan trung-úy E-xa là em vợ ngài, thì chắc phải được.
- Giờ lại còn một điều nữa.
Đắc công-tử thấy bà-đầm Bô-na-xiêu ngần ngại chẳng nói, bèn hỏi:
- Điều gì? 
- Có lẽ công-tử không có tiền?
Đắc công-tử mỉm cười mà rằng:
- Hai tiếng “có lẽ” là thừa.
Bà-đầm Bô-na-xiêu liền mở một cái tủ, kéo ra một cái túi, chính là cái túi của lão Bô-na-xiêu phô với vợ một nửa giờ về trước, đưa cho Đắc-ta-nhan mà rằng:
- Xin công-tử cầm lấy túi tiền này.
Đắc-ta-nhan phì cười, rồi nói:
- Tiền của Giáo-chủ!
- Phải, tiền của giáo-chủ, mà nhiều chứ không ít đâu.
- Nếu vậy vui lòng cho ta quá! Dùng tiền Giáo-chủ mà cứu Hoàng-hậu, thật là sướng lại thêm sướng!
- Chàng đã có lòng sông biển, lại còn có tính vui cười, thật là đáng yêu đáng phục. Xin chàng cứ cố đi cho Đức Hoàng-hậu, ngài sẽ nhớ ơn ngày sau.
- Thưa nàng, công tôi chưa lập mà đã có thưởng rồi. Tôi yêu nàng. Nàng để vậy cho tôi nói rằng yêu. Đó đã là một cái hạnh-phúc lúc nẫy tôi còn chưa dám ước.
Lúc ấy thì bà-đầm Bô-na-xiêu hơi giật mình mà rằng:
- Im.
- Cái gì vậy?
- Có tiếng người nói xì-xào ngoài cửa.
- Đó là tiếng…            
- Tiếng chồng tôi. Chính phải rồi!
Đắc-ta-nhan vội chạy ra cửa, sẽ kéo then cửa đóng lại mà rằng:
- Để tôi đi ra khỏi đã, rồi nàng hãy mở cửa cho gã vào.
- Chàng đi, thiếp cũng phải đi mới được. Nếu thiếp ở lại một mình, thì khó nói, vì đâu mà túi tiền không còn trong tủ nữa. 
- Nàng nói phải đó. Âu là đôi ta cùng tháo.
- Tháo thì tháo làm sao? Lão đứng ngoài cửa kia rồi.
- Xin mời nàng lên trên phòng tôi.
- Thiếp nghe cái tiếng chàng nhủ câu ấy mà ngại.
Bà-đầm Bô-na-xiêu nước mắt chạy quanh mà đáp lại câu ấy, Đắc-ta-nhan bụng cũng bồi hồi, động tâm mà quì xuống:
- Tôi lấy lời nhà quí-phái mà đoan với nàng rằng, nàng vào phòng tôi lúc này, vững hơn là vào chỗ giáo-đường.
- Vâng, thôi thì thiếp xin đem mình phó thác.
Đắc-ta-nhan liền mở cửa phòng ra, rồi hai người nhẹ nhàng như hai cái bóng lùi vào trong một cái ngõ, rón bước trèo lên thang gác, vào trong phòng Đắc-ta-nhan mà đóng chặt cửa lại, rồi lại lấy bàn ghế và những đồ nặng mà chặn lại cho thật kĩ. Đoạn rồi ra chỗ cửa sổ, nhìn khe cửa ra ngoài đường thì thấy lão Bô-na-xiêu đương nói chuyện với một người khoác áo tơi, Đắc-ta-nhan vừa nom thấy người ấy thì nhảy lùi trở lại, tuốt nửa gươm ra, định chạy ngay ra phía cửa.
Người ấy vốn là người y đã gặp ở ấp Mương ngày trước. 
Bà-đầm Bô-na-xiêu giật mình mà hỏi:
- Chàng chạy đi đâu vậy. Định hại ta sao?
- Tôi đã thề rằng giết chết người này.
- Nhưng mà tính-mạng của chàng đương lúc này đã đem tận hiến rồi, không phải là của mình có quyền vong-xả đi được nữa. Vậy thì thiếp thay lời Đức Hoàng-hậu mà truyền cho chàng không được vô cố mà xông pha vào chỗ nguy hiểm nào, ngoại giả những việc nguy hiểm vì công việc của ngài đã ủy thác đôi ta.
- Đó là lời Đức Hoàng-hậu. Thế còn lời nàng thì nàng phán truyền làm sao?
- Về phần thiếp thì trăm nghìn thiếp lạy tình-quân… Nhưng thôi im để nghe họ nói gì? Nghe họ nói gì? Nghe như họ nói chuyện tôi.
Đắc-ta-nhan lại ra phía cửa sổ mà lắng tai nghe.                     
Lão Bô-na-xiêu lúc ấy vừa mở cửa ra, dòm vào trong nhà thấy không có ai, lại trở ra mà rằng:
- Nó đi rồi. Chừng nó vào điện rồi.
- Nhưng lúc ông đi, chắc nó không nghi ngờ gì ông chứ?
Bô trưởng-giả lên mặt mà rằng:
- Tôi nào lại để cho nó nghi được. Vả, vợ tôi nó nông nổi lắm.
- Thế còn anh lính thị-vệ nhỏ tuổi ở trên này, có nhà hay không?
- Nghe như không, cửa đóng kín cả, mà trong phòng không có đèn lửa chi hết, tất là y đi vắng.
- Tuy nhiên cũng xem có chắc thế không?
- Làm thế nào mà xem được?
- Khó gì, ông thử lên gọi cửa.
- Phải để tôi lên gọi hỏi thằng nhỏ của hắn xem.
- Ông lên đi.
Lão Bô-na-xiêu vào ngay trong nhà, trèo lên thang gác đến chỗ cửa phòng Đắc-ta-nhan mà gõ. Không ai thưa cả. Số là hôm ấy Bô-tố đặt tiệc mời bạn, lại mượn Đắc-ta-nhan thằng Ba-lăng-sê để hầu hạ khách cho thêm sang trọng. Còn Đắc-ta-nhan thì ở trong phòng cứ ngậm miệng phăng phắc. Lúc lão Bô-na-xiêu gõ cạch cạch vào cửa thì ở trong hai người cùng trống ngực đánh thùm thùm. Lão Bô-na-xiêu gõ cửa không thấy ai thưa, thì nói rằng:
- Chẳng có ai trong phòng gã hết.
Người khoác áo nói rằng:
- Ta hãy cứ vào nhà ông, kín hơn là ở chỗ bậc cửa này.
Bà-đầm Bô-na-xiêu bảo thầm Đắc-ta-nhan:
- Thôi họ vào trong nhà, thì ta không còn nghe được câu gì nữa.
- Họ vào trong nhà thì ta nghe lại càng rõ lắm.
Đắc-ta-nhan lấy ngay ba bốn viên gạch lát gác, rồi trải một cái đệm phục vị xuống, ra hiệu bảo Bà-đầm Bô-na-xiêu cũng ghé tai xuống mà nghe, thì nghe thấy hai người nói chuyện như sau này:
- Ông chắc trên nhà hắn không có ai chứ?
- Tôi chắc.
- Thế còn vợ ông thì…?
- Nó về trong Điện rồi.
- Trước khi về Điện ông chắc bà ấy không có nói với ai nữa chứ?
- Tôi chắc không.
- Đó là một điều rất quan-trọng, ông nghe ra không?
- Vậy ra cái tin tôi trình ngài đó là một tin có giá-trị?
- Giá-trị to lắm, ông ạ. Tôi xin nói thật để ông biết.
- Nếu vậy thì rồi Đức Giáo-chủ sẽ bằng lòng tôi.
- Hẳn thế.
- Đức Hồng-y Đại Giáo-chủ!
- Thế trong khi bà ấy nói chuyện với ông, bà ấy có nói đến tên ai hay không?
- Nghe như không?
- Mụ không nói gì đến bà Sơ-vơ, đến ông Bức-kinh-gam, đến bà Vê-nê, à?
- Bẩm không. Nó chỉ bảo nó muốn sai tôi sang Luân-đôn để làm việc gì cho một bậc người lớn mà thôi, không nói rõ ai.
Mụ Bô-na-xiêu nghe qua lỗ hổng được mấy câu ấy, lẩm bẩm chửi chồng:
- Đồ bội-phản!
Đắc-ta-nhan vội nắm lấy tay nàng mà sẽ bảo rằng:
- Im đừng nói.
Người khoác áo lại nói:
- Ông thật là dại quá. Như người ta cứ giả vờ nhận lấy mà đi, có phải nay đã nắm được cái thư ở trong tay rồi không, có phải cứu được nước, mà về phần ông thì…
- Về phần tôi thì làm sao?
- Thì Giáo-chủ đã dâng sớ phong thế-tước cho rồi không?
- Ngài có nói thế à?
- Ngài vẫn định ra đặc ân ấy cho ông.
- Nếu vậy thì xin tôn-ông cứ chắc ở tài mọn này. Vợ tôi nó yêu tôi lắm. Giờ cũng còn kịp vớt lại được sự sai lầm.
Bà-đầm trên này dẫu muốn ngậm miệng, cũng phải lẩm bẩm:
- Thằng ngốc!
Đắc-ta-nhan lại nắm chặt tay mà sỗ nói:
- Im!                
Người khoác áo rằng:
- Còn kịp! ông định làm thế nào mà còn kịp?
- Khó gì việc ấy. Để tôi chạy vào trong Điện, tôi gọi vợ tôi ra, tôi bảo nó tôi đã nghĩ lại rồi, đưa thư đây tôi mang đi cho. Thư nó đưa ra, tôi liền chạy vào hầu Đức Giáo-chủ. Thế là gọn thon lỏn chứ gì?
- Được, thế thì ông chạy ngay đi. Lát nữa tôi lại đến tìm ông đây, để xem tin tức ra làm sao?
Người khoác áo nói thế rồi đi ra. Bà-đầm Bô-na-xiêu tức điên ruột mà chửi thầm chồng rằng: Đồ khốn! Đắc-ta-nhan lại nắm tay chặt nữa mà sẽ bảo: Im!
Giữa lúc ấy thì nghe tiếng rú lên ở từng dưới. Thì ra lão mở tủ thấy mất túi bạc, la làng rằng mất kẻ trộm. Bà-đầm Bô-na-xiêu đã sợ lão kêu như thế, làm cho cả xóm sắp đổ lại, thì nguy hiểm cho mình. Lão kêu lâu lắm. Ngặt vì những việc lôi thôi phải kêu làng nước, ở phố ấy, người hàng xóm đã quen tai, ai có nghe thấy cũng làm thinh chẳng cựa. Vả lại cái nhà Bô-na-xiêu mấy bữa nay lại có tiếng là chốn nguy hiểm cho nên chẳng ai muốn bước chân vào. Bô trưởng-giả kêu mãi mà chẳng thấy ai đến cứu, bèn mở cửa đi ra đường, mà miệng cứ kêu, rồi tiếng kêu mỗi ngày thấy một xa, về phía phố Bến-đò. Khi ấy bà-đầm Bô-na-xiêu mới bảo Đắc-ta-nhan rằng:
- Bây giờ lão đi khỏi rồi, đến lượt công-tử phải đi rồi đây. Thôi thì thiếp xin chàng cố gắng ra đi, cốt là phải giữ gìn từng thí; chớ để lỡ làng điều gì cả nhé. Công-tử ra đi hôm nay, xin nhớ rằng đi việc Quốc-mẫu ta đó, không phải là chuyện chơi đâu.
- Việc là việc Hoàng-hậu, mà lại là việc của nàng. Vậy thì cứ xin nàng một niềm vững dạ. Tôi đi về dám quyết rằng sẽ được xứng đáng với lòng nhớ ơn của chúa, và xứng đáng với tình yêu mến của nàng.
Nàng không nói chi hết, chỉ đỏ hai má lên hồng hồng. Cách một lát thì Đắc-ta-nhan cũng ra, vai cũng khoác một cái áo tơi, lại có thanh gươm đeo ở thắt lưng, vén áo tơi lên một góc, coi thật là giỏi-giang.
Bà-đầm Bô-na-xiêu tiễn ra tận cửa, rồi đứng mà nhìn theo cho đến khi gã tới đầu đường phải rẽ, thì nàng quì xuống mà cầu nguyện rằng:
- Chúa tôi! Chúa tôi! xin Chúa tôi phù hộ cho Hoàng-hậu, phù hộ cho thân phận gái này.






HỒI THỨ XIX
PHƯƠNG-LƯỢC CỦA ĐẮC CÔNG-TỬ

Đắc-ta-nhan đi thẳng đến dinh Tê-vinh bá. Cũng đã nghĩ ra rằng trong vài phút đồng-hồ nữa thì cái mưu cơ của Hoàng-hậu tất Giáo-chủ hay, do cái người khoác áo mà mình gặp mấy lần. Bởi vậy cũng biết rằng việc là việc gấp lắm đây, chớ nên trì-hoãn một phút nào mà lỡ công chuyện.
Tuy nhiên trong lòng vẫn nức nở mừng. Cơ hội này thật là một cơ hội làm nên vinh hiển mà lại có lắm bạc tiền. Việc chưa làm đã được món thưởng tốt, là sự làm thân được với người gái yêu kia. Thành ra trong bụng ước ao có một, hình như trời đã cho ngay những hai phần rồi.
Tê-vinh bá khi đó ở trong phòng khách thường vẫn tiếp những người quí-phái, Đắc-ta-nhan vốn trong nhà ai cũng đã biết là người thân, cho nên vừa bước vào trong dinh, đi thẳng ngay vào phòng làm giấy, rồi cho người bẩm với bá-tước rằng có việc cần kíp vào hầu. Đắc công-tử chỉ ngồi chờ trong năm phút, thì Tê-vinh bá ra. Bá-tước đưa mắt một cái, thấy mặt mũi Đắc-ta-nhan hớn hở, thì hiểu ngay rằng tất có tin gì hay lắm đây. 
Số là trong khi Đắc-ta-nhan đi từ nhà tới đó, trong bụng vẫn băn khoăn tính mãi, chuyện bí-mật này, chẳng hay có nên ngỏ cùng Tê-vinh bá-tước hay không, hay là nên xin với bá-tước cứ cho đi được việc, cứ yên trí cho là việc nghĩa mà cho đi, chứ đừng hỏi han chi hết. Nhưng mà lại nghĩ Tê-vinh bá xưa nay đối với ta thật là tử tế, đối với vua cùng Hoàng-hậu thật là trung nghĩa, đối với Giáo-chủ thật là thù ghét, thì quyết chí nói ngỏ hết sự đó cho ngài rõ. Bá tước vào mà hỏi rằng:
- Công-tử hỏi ta có việc chi?
- Dạ. Tôi có mạn phép một chút. Xin quan lớn tha thứ cho. Vả khi nào quan lớn biết vì việc gì mà tôi đến đây quấy quả, thì hẳn rằng quan lớn miễn trách cho ngay.
- Việc gì, công-tử cứ nói tôi nghe.
Đắc-ta-nhan sẽ ghé vào tai bá-tước mà rằng:
- Bẩm quan lớn việc này quan hệ đến danh-tiết, đến tính-mệnh Hoàng-hậu ta, chứ không phải vừa.
Bá-tước cũng đưa mắt nhìn quanh mình xem chỗ ngồi nói có tiện hay không rồi lại hỏi:
- Công-tử nói làm sao?
- Bẩm quan lớn, tôi tình cờ mà biết được một việc bí-mật… 
- Nếu việc bí-mật, thì công-tử dẫu muốn chết cũng phải giữ lấy một mình mà thôi chứ?
- Dạ, giữ với ai thì phải giữ, mà phải ngỏ cùng quan lớn, vì duy chỉ có ngài mới có thể giúp tôi thi-hành được cái việc khó khăn của Mẫu-hậu ngài ủy-thác này.
- Nhưng việc bí-mật ấy là của công-tử hay của ai?
- Thưa không phải của tôi, là sự bí-mật của Hoàng-hậu.
- Thế Đức Hoàng-hậu ngài có cho phép công-tử được ngỏ cùng ta chăng?
- Thưa chẳng những ngài không cho, mà ngài lại còn dặn dò khẩn khoản rằng chớ để tiết-lộ cho ai biết.
- Nếu vậy sao công-tử dám trái lời ngài dặn đối với ta?
- Bởi vì phi tay quan lớn giúp cho, thì tôi không thể làm gì được hết. Mà nếu tôi không ngỏ duyên-do cho ngài nghe, thì chắc rằng ngài không giúp.
- Nếu vậy thì sự bí-mật công-tử lựa phải nói ra, ý muốn ta làm gì giúp thì xin cứ nói.
- Dạ, tôi muốn quan lớn xin phép với quan thiếu-úy E-xa cho tôi được nghỉ lấy mười lăm ngày.
- Đi, thì bao giờ mới đi?
- Bẩm, ngay từ đêm nay. 
- Công-tử đi ra ngoài Ba-lê?
- Bẩm tôi phải đi xa.
- Đi đâu, có thể nói được chăng?
- Bẩm đi sang Luân-đôn.
- Thế có ai là người có lợi phải ngăn trở không cho công-tử tới nơi chăng?
- Bẩm có Giáo-chủ, chừng như phải nhường quyền quốc-chính đi, mà ngăn được đường tôi thì cũng nhường.
- Vậy mà công-tử đi một mình?
- Tôi đi một mình.
- Nếu vậy thì ta chắc rằng công-tử không đi được khỏi Bông-đy đâu.
- Sao vậy?
- Họ giết công-tử ở dọc đường mất.
- Dầu họ có giết chết, tôi cũng cam rằng vì việc nghĩa mà chết chứ sao?
- Đành vậy, nhưng còn công việc của Đức Hoàng-hậu ngài ủy-thác, thì có phải lỡ mất không?
- Bẩm, có thế.
- Tôi nói công-tử khá nghe lời. Những việc như việc này, phải đi bốn người, họa may có một người tới.
 - Bẩm quan lớn ngài dạy chí phải. Nhưng A-tố, Bô-tố, A-la-mĩ, ba người ấy có dùng được chăng? Duy có ngài biết mà thôi.
- Dùng được, nhưng dùng mà không cho biết việc bí-mật của Hoàng-hậu. Ta đây cũng không muốn biết.
- Bẩm quan lớn, bốn anh em chúng tôi đã một lần thề rằng mãn đại đồng tâm kết nghĩa, nhắm mắt tin nhau, muôn chết cũng cứu nhau. Vả, giá lại được một lời quan lớn truyền bảo cho ba anh tôi hay rằng quan lớn cũng có lòng tin cậy, thì chi mà ba anh tôi chẳng giúp hộ cho tôi.
- Nếu vậy, để ta phát cho mỗi người một cái giấy phép mười lăm hôm. A-tố thì để đi tĩnh-dưỡng nơi có nước suối Pho-giờ (Forges). Bô-tố và A-la-mĩ thì để đi theo bạn mà thuốc thang cho bạn. Ta cho phép nghỉ, tất là họ hiểu rằng ý ta muốn họ đi theo công-tử.
- Vạn tạ, vạn tạ, quan lớn thật có lòng quảng-đại, có lượng cao-minh.
- Thôi, thế công-tử đi tìm bạn ngay đi, để nội đêm nay thượng lộ. À quên, trước khi đi, công-tử hãy viết cái đơn xin nghỉ với E-xa thiếu-úy, rồi đưa cho tôi đã. Kẻo nữa Giáo-chủ có sai người thám thính, mà biết rằng công-tử vào đây tối nay, ngài có hỏi vì cớ gì, thì tôi sẽ có lời mà nói.
Đắc công-tử viết đơn. Tê-vinh bá nhận lấy, mà hẹn rằng trong hai tiếng đồng-hồ, bốn cái giấy cho phép nghỉ sẽ mang đến tận nhà bốn người.
- Cái giấy nghỉ của tôi, thì xin quan lớn cho mang đến nhà A-tố, vì tôi không về nhà, e nữa gặp sự chẳng hay.
- Vâng, xin y lời như thế. Thôi, thôi từ-giã công-tử và chúc cho công-tử đi đường may mắn. À quên…      
Đắc-ta-nhan đã đi ra lại quay trở lại. Bá-tước hỏi:
- Công-tử có tiền chăng?
Đắc-ta-nhan vỗ vào cái túi vàng bỏ trong túi áo.
- Đủ chứ?
- Bẩm có ba trăm bích-tôn.
- Nếu vậy được. Số tiền ấy trong bọc, có thể đi được đến cùng thế-giới. Thôi, thế công-tử đi.
Đắc-ta-nhan chào Tê-vinh bá. Tê-vinh bá đưa tay ra cho mà bắt. Đắc-ta-nhan nắm lấy tay ngài một cách kính trọng và tạ ân vô cùng. Số là Đắc công-tử từ khi đến Ba-lê, thấy ngài bụng dạ kẻ cả, mà hâm phục quá. Đắc-ta-nhan ở đó ra, đến ngay nhà A-la-mĩ.
Nguyên từ tối hôm Đắc-ta-nhan đi theo hút bà-đầm Bô-na-xiêu đến hôm ấy, Đắc-ta-nhan chưa lại thăm bạn lần nào, mà từ hôm ấy mỗi lần Đắc-ta-nhan có ý nhìn bạn, thì thấy mặt bạn buồn rầu quá đỗi. Tối hôm ấy, khi Đắc-ta-nhan tới nơi cũng lại thấy bạn có vẻ u sầu, Đắc-ta-nhan hỏi duyên-cố làm sao mà u sầu thì A-la-mĩ nói rằng đương lo phải soạn một bài bàn nghĩa về chương thứ mười-tám kinh Thánh Âu-cúc-sĩ-tinh, ra tiếng La-tinh, hạn trong tuần lễ phải xong mà khó lắm, cho nên lo buồn nghĩ ngợi.
Hai anh em bạn đương nói chuyện, vừa được một lát, thì có một tên đứa ở của Tê-vinh bá đem một phong thư vào, A-la-mĩ hỏi: Chi vậy? - Tên đứa ở thưa rằng: Đó là giấy phép của tôn-ông xin đã được. 
- Tao có xin phép bao giờ? Đắc-ta-nhan nói: Xin anh cứ im đi mà lĩnh lấy. Còn thằng kia, thì tao cho tiền đi uống rượu đây. Mi về bẩm lại với bá-tước rằng ông A-la-mĩ đa tạ quan lớn nhé. Đi. Tên đứa ở được nửa bích-tôn cúi lạy xuống tận đất rồi đi ra. A-la-mĩ hỏi Đắc-ta-nhan:
- Thế này nghĩa là làm sao? 
- Anh khá tức chỉnh hành trang, để đi xa vắng trong mươi lăm bữa, rồi đi theo tôi.
- Nhưng đương lúc này, tôi không thể vắng Ba-lê được. Trước khi đi, tôi cần phải biết…
- Anh còn cần phải biết nàng đi đâu rồi, phải chăng?
- Nàng là ai?
- Nàng là người ở đây hôm nọ. Nàng là người có mu-xoa thêu, chứ nàng là ai. 
A-la-mĩ mặt tái mà hỏi:
- Ai bảo anh, có người đàn bà ở đây hôm nọ?
- Đệ nom thấy, chứ ai phải bảo.
- Anh có biết đó là ai chăng?
- Nghe như em biết.
- Anh ơi, anh biết nhiều điều như thế, thì em hỏi anh có biết người ấy bây giờ đâu rồi chăng?
- Em nghe chừng người ấy giờ đã về Tua rồi.
- Về Tua rồi. Phải. Nếu vậy thì ra anh biết thật. Vậy thế sao nàng về Tua mà lại chẳng bảo cho ta biết?
- Bởi nàng vội đi, kẻo ở lại thì phải bắt.
- Sao nàng không viết thư cho em?
- Bởi nàng sợ lụy tới anh.
A-la-mĩ mừng mà rằng:
- Anh ơi, nếu vậy anh cải tử hoàn sinh cho em đó. Em vẫn cứ tưởng người ta khinh em. Em thấy nàng về thì em vui mừng khôn xiết. Vậy mà em cũng biết trong bụng rằng không phải vì em mà nàng xông pha nguy hiểm về đây. Em đang nghĩ mãi chẳng phải vì em thì không biết vì ai, cớ gì mà nàng về đây hôm nọ. 
- Anh em ta đêm nay phải lên đường sang Anh-quốc cũng vì một duyên-cố.
- Duyên-cố ấy, là duyên-cố nào?
- Điều ấy có ngày kia anh sẽ biết. Còn như hôm nay thì anh cho phép em cũng kín đáo như cháu quan nghè khoa Thần-học.
A-la-mĩ nghe câu ấy lại nhớ đến câu chuyện mình bày đặt hôm nọ để dối bạn, bèn mỉm cười mà rằng:
- Nếu vậy. Nếu nàng không còn ở Ba-lê nữa, mà anh lại biết chắc như thế rồi, thì em không có lẽ gì phải ở lại nữa. Em xin đi theo chân anh. Thế giờ ta đi đâu?
- Giờ ta hãy đi đến A-tố. Ví bằng anh có thuận thì xin anh vội vàng một chút, bởi vì chúng ta hơi chậm trễ mất rồi. À anh ơi, anh phải bảo thằng Ba-danh cho nó biết.
- Thằng Ba-danh, phải đi theo chúng ta sao?
- Có lẽ phải cho nó đi theo. Nhưng giờ ta hãy cứ bảo nó sang nhà A-tố.
A-la-mĩ gọi Ba-danh, bảo nó rồi phải theo sang hầu bên nhà A-tố. Đoạn rồi bận áo khoác, đeo gươm, giắt ba khẩu súng tay vào mình, mở ra đóng vào ba bốn cái ngăn kéo, chừng để tìm xem có sót đồng tiền nào chăng. Khi đã chắc không còn đồng xu nhỏ nào cả, mới bước ra đi mà rằng:
- Thôi ta đi.     
Vừa đi vừa nghĩ mãi không biết bởi đâu người bạn thiếu-niên này ở nhà-quê ra mà thông thuộc việc mình như thế. Nàng là ai thì bạn cũng tỏ bằng mình. Nàng ở đâu thì ra bạn lại tỏ hơn mình!
Khi ra đến đường cái, A-la-mĩ lại vỗ cánh tay Đắc-ta-nhan, nhìn thẳng vào tận mặt mà hỏi:
- Anh ơi, thế chuyện người đàn-bà ấy, anh chưa nói cho ai biết đấy chứ?
- Thưa anh tôi chưa nói với ai hết.
- Với A-tố, Bô-tố, anh cũng chưa nói à?
- Em không ngỏ nửa lời.
- Nếu vậy may quá.
A-la-mĩ từ đó mới yên lòng mà đi cùng với Đắc-ta-nhan, chỉ trong một lát thì cùng tới nhà A-tố. Đến nơi thì thấy A-tố một tay cầm cái giấy phép, một tay cầm một phong thư của Tê-vinh bá, mà hỏi lại bạn rằng:
- Hai anh có thể cắt nghĩa cho tôi biết cái giấy phép này với cái thư này là làm sao không?
Thư rằng:
“A-tố quí-hữu. Quí-hữu vì trọng thương mà yếu đau như thế, cần phải nghỉ trong mười lăm ngày. Vậy thì tùy ý quí-hữu, hoặc đến nghỉ ngơi chỗ suối nước Pho-giờ, hay là nơi nào khác, tùy ý. Chúc cho quí-hữu chóng khỏi đi. Bạn chí thân của quí-hữu Tê-vinh bái bút.”
- Cái thư ấy với giấy phép ấy, nghĩa là tôn-huynh phải sắp sửa mà đi theo đệ.
- Đến nơi tĩnh-dưỡng Pho-giờ?
- Đến đó hay là đến nơi khác.
- Vì việc nhà vua mà đi à?
- Việc vua hay là việc Hoàng-hậu cũng là phận-sự chúng ta chứ sao?
Giữa lúc ấy thì Bô-tố vào, to tiếng mà hỏi rằng:
- Kì quái chưa! chẳng hay từ bao giờ đến giờ có cái lệ mới, lính ngự-lâm ta không xin phép mà được nghỉ?
Đắc-ta-nhan đáp:
- Từ khi chúng ta có bạn xin phép hộ cho, chứ từ bao giờ.
- À! Nếu vậy ở đây có sự chi lạ đây!
- A-la-mĩ nói: Phải, có sự lạ. Chúng ta phải đi đây.
- Đi đâu?
- A-tố nói: Tôi cũng không biết. Anh hỏi anh Đắc-ta-nhan.
- Đắc-ta-nhan nói: Anh em ta sang Luân-đôn.
- Bô-tố hỏi: Đi Luân-đôn! Anh em ta đi Luân-đôn mà làm gì?
- Câu đó thì em không thể nói cho ba anh biết được. Vậy em xin ba anh cứ nhắm mắt mà tin em.
- Bô-tố nói: sang Luân-đôn phải có tiền, mà tiền thì tôi không có xu nhỏ.
- A-la-mĩ: Tôi cũng không có tiền.
- A-tố: Tôi cũng không.
- Đắc-ta-nhan lôi túi tiền trong áo ra, đặt xuống bàn mà rằng: Em có tiền. Trong cái túi này có ba trăm bích-tôn. Âu là bốn anh em ta mỗi người lấy bảy mươi lăm bích-tôn vừa đi vừa về thì đủ. Vả lại xin các anh cứ yên dạ rằng chúng ta đi bốn người, vị tất đã tới nơi cả bốn, mà ngại ít tiền.
- Sao vậy?
- Bởi vì, em nghe chiều thì có một vài người trong bọn chúng ta phải ở lại dọc đường.
- Vậy ra chúng ta đi việc quân hay sao?
- Việc quân, mà là một việc quân rất nguy hiểm.
- Bô-tố hỏi: Nếu vậy, nếu chúng ta phải đem tính-mệnh đi bỏ liều như thế, thì em tưởng ít ra anh Đắc-ta-nhan cũng phải cho chúng ta biết vì ai, vì nghĩa gì mà đi chết chứ?
- A-tố nói: Anh biết được câu ấy thì phỏng có hơn lên được câu gì không?
- A-la-mĩ nói: Tuy nhiên. Em cũng một ý với anh Bô-tố. 
- Đắc-ta-nhan nói: Em xin hỏi ba anh thế Kim-thượng xưa nay sai ta đi đâu, ngài có phải cáo trình cho ta biết vì cớ gì chăng? Hay là ngài chỉ phán bảo: Chư-tướng! có trận đánh ở Gát-sĩ-côn, hay là ở xứ Phi-lăng, các tướng kíp lên yên ra trận. Thì là anh em ta đi thẳng, chứ còn ai quay cổ lại mà tâu hỏi duyên cố vì đâu mà đánh nhau?
- A-tố nói: Đại-huynh dạy thế chí phải đó. Vả ba tờ giấy phép đây là của Tê-vinh bá gửi lại cho ta. Còn ba trăm bích-tôn này tất cũng do đâu mà tới, vậy là ta đủ hiểu, cứ đi mà chết chỗ nào hay chỗ ấy. Đời người phỏng có bõ bấy nhiêu câu hỏi hay không? Đại-huynh ơi, đệ sẵn lòng đi theo đây rồi.
- Bô-tố: Đệ cũng vậy.
- A-la-mĩ: Đệ cũng vậy. Vả đệ cũng cần phải đi khỏi đất Ba-lê một độ, mà ngao-du cho tiêu-khiển.
- Đắc-ta-nhan nói: Cuộc tiêu-khiển thì chắc rằng rồi không hiếm, ba anh khá tin lời ở em.
- A-tố hỏi: Thế bao giờ ta đi?
- Đi ngay bây giờ. Chúng ta không có dư một phút nào cả.
Vừa nói đoạn, bốn người cùng la đứa ở. Ghi-mô! Ba-lăng-sê! Mốt-cơ-tông! Ba-danh! bốn đứa đâu, bay đánh giầy chúng tao cho bóng, rồi lập tức lên trại lau yên, đóng ngựa đem đây.
Số là mỗi người có hai con ngựa kí ở tầu ngựa trại ngự-lâm, một con của mình, một con của đầy tớ.
Bốn đứa ở vội vàng chạy đi. Trong khi ấy thì Bô-tố bàn với bạn rằng:
- Giờ ta hãy bày chiến-lược ra coi thử với nhau nào. Trước hết ta đi ngả nào?
- Đắc-ta-nhan: Đi Ca-lê. Vì đây sang Luân-đôn, đường ấy là đường thẳng nhất.
- Bô-tố lại bàn rằng: Bốn người cùng đi với nhau tất ai cũng phải nghi. Âu là Đắc-ta-nhan anh khá dặn riêng ba chúng tôi, người nào việc nấy. Rồi tôi đi trước theo con đường Bưu-luân để thăm dò đường đất. Cách hai giờ thì anh A-tố theo đường A-miêng mà đi. Anh A-la-mĩ thì cứ con đường Nôi-dong mà đi sau chúng tôi. Còn anh Đắc-ta-nhan thì bận áo thằng Ba-lăng-sê mà đi đường nào thì đi sau rốt. Thằng Ba-lăng-sê thì bận áo của chủ mà cùng đi với chúng ta. Kế ấy, ba anh nghĩ thế nào?
- A-tố nói: Tôi nghĩ rằng ta không nên để quân đứa ở được can dự vào cuộc này. Nhà quí-phái thì lỡ một đôi khi có kẻ đem sự bí mật mà tiết lộ ra ngoài. Còn quân nô-bộc mà giao cho nó một sự bí mật thì chắc hẳn là nó đem đi bán dong lập tức.
- Đắc-ta-nhan nói: Vả tôi nghĩ cái kế của Bô huynh không thể sao thi-hành được. Trước nữa tôi không có câu gì mà dặn ba anh hết, vì tôi cũng không biết gì cả. Tôi mang một phong thư đi. Công việc chỉ có vậy mà thôi. Thư ấy niêm kín, tôi không có thể sao ra ba bản mà đưa cho mỗi người một bản được. Vậy thì anh em ta nên đi cùng với nhau. Thư ở trong túi áo tôi đây. Ví bằng đi đường xẩy nạn, tôi mà chết thì một anh móc túi tôi lấy phong thư này, rồi lại cùng nhau đi thẳng. Xẩy việc gì nữa, người mang thư mà chết, thì lại trao tay người khác. Quí-hồ trong bốn ta sống sót lấy một người là thư phải đến nơi.
- A-tố reo lên mà nói: Cao đó! giỏi đó! Em cũng theo ý anh đó. Vả chăng ta làm điều gì cũng phải có lý mới được. Em đây thì có bệnh, đi tĩnh-dưỡng chỗ suối nước Pho-giờ, còn ba anh thì đi cùng với em cho vui. Ta không muốn dùng nước Pho-giờ, ta dùng nước biển, ai có bảo làm sao được. Ví dù có ai ngăn đón ta mà hỏi, bấy giờ em giở cái thư của Tê-vinh bá ra, mà ba anh thì giơ giấy phép ra. Bằng giơ cả rồi mà người ta đánh, thì ta đánh lại, đó là bảo thủ tính mệnh chi quyền. Sau dầu ta có phải lên đến nơi luật-phép, thì ta cứ thế mà cãi, ai mà làm tội được ta. Vả bốn người đi ra bốn ngả, không có thế lực chi hết. Bốn người đi làm một bọn, ấy là một toán quân. Bốn đứa ở thì ta phát cho mỗi thằng một khẩu súng tay và một khẩu súng ngắn. Có đạo quân nào đánh ta, ta cũng giao-chiến nổi, thế nào mà chẳng còn sót lấy một người để mang cái thư đi cho đến chốn.
- A-la-mĩ khen: Thật lời cẩm tú! Anh A-tố ơi, anh thì ít nói lắm, nhưng khi nào anh đã nói ra, thì khác nào Đức Thánh Giu-ông kim-thiệt. Các anh thế nào? Em, thì em chịu kế của anh A-tố đó. Bô-tố, anh nghĩ sao?
- Nếu anh Đắc-ta-nhan chịu, thì tôi cũng chịu, anh Đắc-ta-nhan mang thư trong mình, tất là tướng chúng ta trong việc này. Vậy xin tướng-quân quyết định, chúng tôi sẽ tuân vâng.
- Đắc-ta-nhan rằng: Ta quyết định rằng theo chiến lược của A-tố. Trong nửa giờ nữa thì chúng ta khởi hành.
- Ba người hô lên: Phụng tướng lệnh!
Rồi mỗi người thò tay vào cái túi đếm lấy bảy mươi lăm bích-tôn, rồi chỉnh đốn hành trang, để đính giờ thì lên ngựa.





HỒI THỨ XX
HÀNH-TRÌNH

Đúng hai giờ đêm hôm ấy, bốn người mạo hiểm đi qua cửa ô Thánh Đơ-ni mà đi ra ngoài kinh-địa. Đêm còn khuya lúc nào thì bốn miệng còn câm. Hình như bốn anh em vô tình mà chịu cái ảnh-hưởng của trời u-ám đen xì. Mắt nhìn hai bên đường, hình như chỗ nào cũng có thấy người mai phục.
Nhưng khi vừng đông vừa rạng, thì lưỡi thắt tự dưng ai cổi ra cho. Tính vui vẻ tự nhiên của bốn người cùng với mặt trời mà về. Coi dạng vẻ bốn anh em khi ấy, chẳng khác nào những bậc mãnh-tướng trước hôm sắp ra trận. Trong lòng phấn chấn, hai con mắt tươi cười, hình như bây giờ mới hiểu cái cuộc đời có dễ mình sắp từ bỏ này, là một cuộc cũng hay kia đó.
Nhìn toán quân kéo đi bấy giờ thật là dữ dội. Ba người ngự-lâm thì cưỡi ba con ngựa ô lực lưỡng, đi đều nhau xan xát. Ví thử không ăn bận quần áo lính mà đi, ai mới thoạt nhìn cũng phải biết là ai rồi.
Bốn tên đứa ở thì cưỡi ngựa theo sau, phòng-thủ từ chân cho lên đến tận đầu. Từ kinh-thành cho đến Săng-ti-di (Chantilly) đường bình yên cả. Độ tám giờ sáng thì đi đến đó. Bụng đói, phải nghỉ lại ăn cơm. Bốn anh em bèn xuống ngựa trước một cái quán trọ, ngoài cửa treo một cái biển hiệu, vẽ Đức Thánh Mạc-tanh xẻ áo cho một kẻ nghèo nàn. Trước khi vào thì bảo đầy tớ không được tháo ngựa, để ăn xong lại đi liền. Bảo xong, vào trong buồng ăn, hò chủ quán dọn bữa.
Giữa lúc ấy, thì có một người quí-phái vừa đi qua đường Đô-mạc-tanh mà tới, cũng vào ngồi một bàn gọi đồ ăn. Trong khi ăn, người ấy gạ chuyện. Trước còn nói trời mưa trời nắng, rồi sau xin uống rượu chúc thọ. Bốn người này cũng đáp lễ. Đến lúc ăn xong, thằng Mốt-cơ-tông vào trình rằng ngựa đã sẵn sàng cả, thì người kia gạ với Bô-tố uống một cốc rượu chúc thọ Đức Giáo-chủ. Bô-tố đáp rằng xin vâng, nhưng khách phải uống một cốc chúc thọ Hoàng-thượng nữa, thì mới chịu. Khách rằng khách chẳng biết trong nước có vua nào, ngoài Đức Hồng-y Giáo-chủ cả. Bô-tố bảo khách rút ngay gươm ra. A-tố hiểu duyên do, bèn ghé vào tai Bô-tố mà rằng:
- Anh khờ rồi! Thôi, nhưng đã trót thì trét. Phải cố mà giết chết thằng này đi, rồi đi theo chúng tôi sau.
Nói đoạn, ba người lên ngựa phóng nước đại, bỏ một mình Bô-tố ở lại mà thách đâm xổ ruột người vô quán. Khi đi cách xa được chừng năm trăm bộ, A-tố bảo bạn rằng:
- Thế là mất một.        
- A-la-mĩ hỏi: Sao người ấy lại gây chuyện với Bô-tố, không gây chuyện với anh, với tôi, hay là với Đắc-ta-nhan?
- Đắc-ta-nhan nói: Bởi vì Bô-tố to tiếng hơn cả, người ấy đồ cho là tướng chủ đảng của chúng ta.
- A-tố gật đầu mà khen rằng: Ta vẫn bảo em út chúng ta đây là một cái giếng học, có tài cao đoán lắm!
Rồi giục ngựa cho đi mau.
Đi đến Bô-vê nghỉ lại hai giờ, phần thì cho ngựa nghỉ, phần để chờ Bô-tố. Nhưng chờ mãi không thấy Bô-tố đến, lại lên yên mà đi thẳng.
Cách Bô-vê chừng một dặm, đến một quãng đường hẹp, hai bên có bờ cao, ở giữa đá lát long ra nhiều chỗ, thì thấy chín mười người đương lấy sẻng quốc mà đào đường lên, làm như là phu đương sửa đường lại.
A-la-mĩ sợ lấm giầy, mới hò thét bọn ấy tránh ra, rồi chửi bới, mắng bọn ấy sao vô ý. A-tố muốn ngăn bạn lại, mà lỡ sự mất rồi. Bọn phu làm đường đã chẳng tránh mà còn nhạo báng, làm cho ba người cùng nổi giận lên, đến A-tố tính khí xưa nay khoan hòa bình tĩnh như thế, cũng phải tức lên mà giật cương ngựa cho nó xô vào những quân kia.
Lúc ấy thì bọn làm đường lùi xuống hai bên rãnh, mỗi người cầm lấy một khẩu súng vắn, rồi bắn như mưa vào ba anh em này. A-la-mĩ bị một viên đạn bắn suốt vai, thằng Mốt-cơ-tông thì bị một phát vào sườn, ở phía dưới chỗ quả thận. Thằng Mốt-cơ-tông ngã ngựa mà thôi. Đắc-ta-nhan rằng:
- Đó là quân mai phục, ta đừng kháng cự lại mà uổng thuốc đạn. Đi mau.
A-la-mĩ tuy phải thương đau mà một tay vẫn nắm chặt lấy bờm ngựa cố đi theo cho kịp. Còn con ngựa của thằng Mốt-cơ-tông thì cứ chạy theo sau, trên lưng không có người cưỡi.
- A-tố nói: Thế ta càng lợi được thêm con ngựa thay đổi.
- Đắc-ta-nhan nói: Giá được thừa cái mũ thì hay hơn, vì mũ của em bị đạn chúng bắn rơi mất rồi, cũng may mà cái thư em không gài lên trên mũ.
- A-la-mĩ nói: Chết nỗi! Thế này thì đến khi anh Bô-tố đi qua nó giết chết mất. 
- A-tố nói: Nếu Bô-tố đứng vững được cả hai chân thì đã theo kịp ta rồi. Ý chừng thằng say rượu khi ra đấu võ đã tỉnh rượu.
Tuy ngựa khi ấy đã nhọc lắm, mà còn chạy được trong hai giờ nữa. Ba anh em với ba tên đầy tớ còn lại, bỏ đường thẳng, đi vào đường tắt, để phòng có quân đi đuổi theo. Đi đến Kê-vê-cơ (Crèvecoeur) thì A-la-mĩ kêu rằng đau quá không thể gượng được nữa. Giở thương ra coi mới biết đi theo được đến đó đã là can đảm lắm. Mặt cứ tái ngắt đi từng hồi, hai bạn phải giơ tay nâng mới ngồi được vững trên yên ngựa. Đến một cái quán thì hai người vực A-la-mĩ vào nghỉ đó, để cho thằng Ba-danh ở lại mà hầu hạ chủ. Vả cho nó theo chỉ quẩn cẳng mà không được việc gì. A-la-mĩ xuống, hai người lại đi, định đến A-miêng thì mới nghỉ lại. Khi ra khỏi quán, A-tố nhìn lại, chỉ còn thấy có hai thầy với hai tớ mà thôi, thì nói rằng:
- Từ rầy mà đi thì chúng ta không bị chúng lừa những miếng ấy nữa. Miệng này thề rằng ai chửi cũng không mở, mà gươm này ai ghẹo cũng không rút ra ngoài vỏ nữa, từ đây cho đến phố Ca-lê. Ta thề như thế đó…
- Đắc-ta-nhan can rằng: Xin anh chớ thề. Thúc ngựa cho nó cố đi mau được bước nào hay bước ấy thì hơn.
Nói đoạn, hai người thúc gót giầy có đóng cựa vào sườn ngựa, ngựa đau phải tế nước đại. Nửa đêm thì tới A-miêng, hai anh em đến gõ cửa tiệm Hoa Bách-hợp Vàng
Chủ-tiệm ra dáng người thật thà tử tế lắm, một tay cầm cây nến, một tay cầm cái mũ bô-nê bằng bông ra mà tiếp đón khách vào. Mời khách dùng hai cái phòng lịch-sự lắm, ngặt vì phòng ở tận đầu nhà, khách vội ngủ ngay, sáng mai tảng sáng phải đi, cho nên khách không chịu. Chủ-tiệm nài rằng trong quán duy có hai phòng đó là xứng đáng với quí-khách. Khách cũng không nghe, đòi ngủ ở phòng chung của khách, trải nệm xuống gạch mà nằm cũng được. Hai bên kèo cò mời chối nhau mãi, sau chủ-tiệm phải tùy ý khách.
Hai người vừa kiếm được hai cái đệm quăng xuống đất, đã đóng kín cửa lại, lấy đồ đạc chặn vào, sắp sửa nằm thì thấy có tiếng gõ cạch cửa sổ. Hỏi ai thì là hai thằng nhỏ. Thằng Ba-lăng-sê ghé vào cửa sổ mà thưa rằng:
- Bẩm hai thầy việc giữ ngựa một mình anh Ghi-mô tôi cũng đủ. Hai thầy cho phép con nằm ngang chỗ cửa vào này để canh gác cho hai thầy ngủ yên, thì chắc hơn.
Đắc-ta-nhan hỏi có đệm đâu mà nằm thì nó vứt ra một bó rơm mà rằng: Thưa thầy giường của con đây. Đắc-ta-nhan thấy thằng ở tinh ý, khen mà bảo rằng:
- Phải đấy, cho mày vào đây. Phải đấy. Ta thấy cái mặt lão chủ-quán tươi cười lễ phép quá như thế, ta cũng sinh nghi.
- A-tố nói: Tôi cũng nghi lắm anh ạ.
Ba-lăng-sê bèn leo qua cửa sổ vào trong phòng, trải đống rơm ngang cửa vào mà nằm, chặn ngang cửa lại. Trong khi ấy thì thằng Ghi-mô đi vào chuồng ngựa ngủ, đoan rằng trước năm giờ sáng, bốn ngựa sẽ đóng sẵn sàng.
Cả đêm không có việc gì hết. Duy lúc độ hai giờ sáng, có người đến cạy cửa phòng, nhưng Ba-lăng-sê nằm trong cất tiếng hỏi: ai đấy? thì thấy ngoài thưa rằng lẫn cửa, rồi bỏ đi.
Độ bốn giờ sáng thì phía chuồng ngựa nghe tiếng ồn ào. Số là Ghi-mô dậy sớm quá đánh thức những đứa hầu chuồng ngựa dậy thì chúng tức mình xúm lại đánh cho một trận. Hai thầy mở cửa ra coi thì thấy đứa ở nằm thẳng cẳng không cục cựa, đầu vỡ toang ra một miếng tướng.
Ba-lăng-sê thấy vậy, tất tả chạy xuống, định đóng ngựa thay cho bạn, thì thấy ngựa, con nào cũng khuỵu chân xuống không đi được nữa. Duy chỉ còn có một con ngựa của thằng Mốt-cơ-tông được đi mình không hôm trước, may ra còn dùng được. Ngờ đâu thầy thú-y, chủ tiệm mời đến ban đêm để chích máu cho con ngựa khác, lại lầm lẫn thế nào, đè ngay con ngựa của Mốt-cơ-tông mà chích máu. 
Bấy nhiêu việc cũng có lẽ là tình cờ mà sinh ra, nhưng cũng có lẽ là có kẻ âm-mưu mà làm ra như thế. A-tố, Đắc-ta-nhan nghĩ đến thế, thì đã hơi lo. Hai người ra đường cái, còn thằng Ba-lăng-sê thì đi hỏi thăm xem lối xóm có ai bán ba con ngựa. Trước cửa quán thì thấy có hai con ngựa khỏe mạnh lực lưỡng, yên cương đóng sẵn sàng cả, mà chẳng biết đứng chờ ai. Ba-lăng-sê hỏi thăm xem ngựa của ai, thì họ nói rằng chủ ngựa cũng trọ trong tiệm đêm mới rồi, hiện đương tính tiền với chủ tiệm để ra đi.
A-tố cũng vào tìm chủ tiệm tính tiền. Trong khi ấy, thì thầy trò Đắc-ta-nhan đứng nhìn hai con ngựa ngoài trước cửa. Chủ tiệm thì ngồi trong một cái phòng thấp mà sâu như thể cái hang. A-tố thấy người nhà trỏ vào đấy, thì cũng vô tình mà vào vứt hai bích-tôn ra để trả tiền hàng. Chủ-tiệm ngồi có một mình ở bàn giấy, ngăn kéo để hé ra, A-tố đưa tiền trả, thì y nhặt lấy hai đồng tiền, lật sấp lật ngửa ngắm đi ngắm lại một hồi, rồi kêu bạc giả, để trình quan bắt cả hai người.
A-tố nổi giận lên đùng đùng, nhảy xổ vào định lôi thằng vô lễ ra mà đánh một trận. Giữa lúc ấy thấy bốn người lạ mặt cầm gươm giáo, mở cửa ngang mà chạy vào đánh mình. A-tố biết ý ngay, bèn đem hết sức ra mà thét một câu cho Đắc-ta-nhan ở ngoài nghe tiếng:
- Anh ơi, tôi mắc bẫy rồi. Anh chạy đi cho nhanh. 
Nói rồi, giơ súng tay ra bắn liền hai phát. Thầy trò nhà Đắc-ta-nhan không để phải giục hai lần, sẵn hai con ngựa chờ đó, cổi phăng ngay dây buộc ra, nhảy tót lên mà tế nước đại, vừa chạy vừa hỏi đầy tớ:
- Mày có biết ông A-tố sống chết thế nào?
- Thưa thầy, ông bắn hai phát súng, thì hiện mắt con trông thấy hai người ngã, rồi ông rút gươm đánh nhau với những người kia.
- Tội nghiệp cho anh ta! can-đảm như thế mà ta đành phải bỏ không cứu. Vả chăng cách đây hai bước đường nữa, có lẽ ta đây cũng lại gặp sự chẳng lành. Nhưng mà ta cứ tiến hoài đi, được đến đâu hay đến đó. Tiến. Ba-lăng-sê! Thầy khen cho con cũng là thằng có dũng đó.
- Thưa thầy, con vẫn đã có lời thưa trước với thầy rằng người đất Bi-ca-đi con, ai có dùng mới biết được giá. Vả đây là miền quê nhà con rồi đây. Con được thấy cảnh vật quê nhà, thì hình như thấy lòng lại thêm phấn chấn.
Thầy tớ nói chuyện với nhau như thế, rồi thúc ngựa cho tế một thôi thẳng đến tận Thánh Ô-me (St Omer). Đến đó thì nghỉ chân cho ngựa thở, nhưng cương ngựa cầm liền ở tay, không dám buông ra, sợ nữa lại xảy việc gì trắc trở nữa chăng. Thầy trò kêu nhà hàng đem đồ ăn ra tận đường cái, mà ăn đứng ở giữa lối đi. Ăn xong ba miếng vội vàng rồi lên ngựa đi liền.
Đi chỉ còn trăm bộ nữa đến Ca-lê, thì con ngựa của Đắc-ta-nhan ngã khuỵu xuống, nâng làm sao nó cũng không dậy nữa, mũi nó, mặt nó, đổ máu ra. Còn con ngựa của thằng Ba-lăng-sê thì cũng đứng lại, đánh thế nào nó cũng không chịu bước tới.
Phúc làm sao! Chỉ còn độ trăm bước chân nữa thì tới cửa ô. Thầy trò bèn bỏ ngựa đó mà chạy vào hải phòng. Ba-lăng-sê giơ tay trỏ cho thầy một người quí-phái lạ mặt cũng ở đâu vừa tới, đi trước mình chừng năm mươi bước mà thôi.
Thầy trò đi dảo cẳng đến gần người ấy mà coi, thì thấy dáng bộ vội vàng lắm. Giầy ủng thì đầy những bụi. Người ấy đi thẳng xuống bến tàu, rồi thăm xem có tàu nào chạy ngay sang Anh-quốc không?
Một người chủ tâu đáp rằng:
- Tàu buồm tôi sẵn sàng cả, chỉ còn việc kéo neo lên mà đi. Song sáng nay có lệnh quan truyền rằng cấm không cho ai đi đâu hết, trừ ai có giấy thông-hành của Giáo-chủ thì mới được đi mà thôi.
Người quí-phái giơ ngay một tờ giấy ra mà rằng:
- Nếu vậy thì ta có giấy thông-hành đây.
- Xin ngài hãy đem lên lấy chữ quan Trấn-phòng, rồi xuống đây đi thuyền tôi.
- Quan Trấn-phòng ở đâu?
- Quan hiện ở ấp.
- Ấp của quan ở về phía nào?
- Ở cách đây chia tư một phần dặm mà thôi. Kia kìa, đứng đây cũng nom thấy, cái nhà lợp bằng đá đen ở trên cái gò đất kia.
- Được, được.
Người quí-phái liền đi đến ấp quan Trấn-phòng, sau lưng có thằng đầy tớ đi theo hầu. Đắc-ta-nhan cùng với thằng ở cũng đi theo luôn ngay sau lưng, chỉ cách độ năm trăm bộ. Ra đến khỏi cửa ô, thì Đắc-ta-nhan bước nhanh cho kịp người quí-phái. Chỗ ấy đường vào ấp quan Trấn-phòng, qua một cái rừng nhỏ, đường không quãng vắng, chẳng có ai đi nữa hết. Đắc-ta-nhan bèn gọi người kia mà hỏi:
- Tôi coi bộ tôn-ông hình như vội lắm nhỉ?
- Thật, thưa ngài.
- Nếu vậy khá tiếc, bởi vì tôi đây lại vội hơn, cho nên phải xin cùng tôn-ông thi ân cho tôi một chút.          
- Việc chi, thưa ngài?
- Tôi muốn xin ngài nhường bước cho tôi đi trước.
- Điều ấy thì không sao được. Tiểu-đệ đây vừa vượt qua sáu mươi dặm trong bốn mươi tư giờ, mà đến trưa mai thì tiểu-đệ phải tới Luân-đôn rồi.
- Thưa tôn-ông, tiểu-đệ đây cũng vừa vượt qua sáu mươi dặm, mà đi trong bốn mươi giờ thôi. Mà sáng mai mười giờ đúng, đệ đã phải tới Luân-đôn rồi.
- Xin tôn-ông tha trách cho, đệ đến trước đệ phải đi trước.
- Xin tôn-ông cũng tha trách cho, đệ đến sau mà lại phải đi lên trước.
- Ta đi có việc nhà vua!
- Ta đây đi có việc của ta!
- Nếu vậy, túc-hạ chí gây chuyện với ta đó à?
- Túc-hạ coi đó thì biết, chứ lại còn gì?
- Ý túc-hạ muốn chi?
- Túc-hạ muốn biết à?
- Tôi muốn biết hẳn chứ.
- Nếu vậy, tôi xin trình thật. Tôi muốn cướp lấy cái giấy thông-hành ở trong mình túc-hạ, vì tôi đây cần phải sang Luân-đôn mà không có giấy.
- Dễ túc-hạ nói rỡn!
- Đệ không nói rỡn bao giờ.
- Thôi, xin túc-hạ lui để ta đi.
- Túc-hạ không đi được với ta.
- Túc-hạ là người mạo-hiểm anh-hùng thật, nhưng tôi thế phải đập vỡ đầu túc-hạ đây. Lưu-ban, mi đưa súng tay ra đây cho ta.
- Ba-lăng-sê, mi giữ thằng ở, để ta địch với thằng thầy.
Ba-lăng-sê đương hăng hái sẵn, thầy vừa thét một tiếng, nhẩy xổ ngay vào thằng ở nhà kia, bóp cổ đè ngã ngửa ra, rồi tì gối vào ngực mà rằng:
- Thưa thầy việc con, con làm xong rồi. Còn việc của thầy nữa mà thôi.
Người quí-phái thấy vậy rút gươm ra, nhẩy vào đâm Đắc-ta-nhan, chẳng ngờ lại gặp phải tay cứng quá. Chỉ trong ba giây đồng-hồ, Đắc-ta-nhan đâm được ba mũi gươm, mũi thứ nhất nói rằng: Mũi này là của A-tố! Mũi thứ hai: Mũi này là của Bô-tố! Mũi thứ ba: Mũi này của A-la-mĩ! Đến mũi thứ ba thì người kia ngã xuống, Đắc-ta-nhan tưởng là chết rồi, không chết thì cũng ngất đi rồi, bèn đến gần để móc túi mà lấy giấy thông-hành. Không ngờ giữa lúc giang tay thò vào túi, thì người kia tay vẫn nắm chặt gươm, dí ngay mũi gươm vào ngực mình, đâm thẳng một nhát mà rằng:
- Mũi này là của ngươi!
Đắc-ta-nhan đau nhói, tức giận nổi lên, cắm ngay một lưỡi gươm thứ tư nữa vào ngực anh chàng, gươm suốt qua người mà cắm xuống đất. Vừa đâm vừa nói rằng:
- Mũi này mới là của ta! Vậy ra sự đi sau vẫn lợi!
Lần này thì người quí-phái nhắm mắt lại mà thiếp đi. Đắc-ta-nhan lần túi lấy được cái giấy thông-hành ra. Xem giấy thì thấy tên là Hòa-đa bá-tước (comte de Wardes).
Trước khi bỏ cái xác người niên-thiếu nằm trơ tại đó, Đắc-ta-nhan đưa mắt nhìn con người tráng kiện, tuổi chỉ độ hai mươi lăm trở lại, thì thở dài một tiếng mà than cái cuộc thế lạ lùng, nó xui cho người cùng một giống với nhau, không có thù riêng ghét riêng chi nhau bao giờ, mà tự dưng đâm cổ mổ họng nhau. Nói rằng vì vua kia chúa nọ, mà vua chúa nhiều khi đối với ta là một người dưng, không biết mặt biết tên ta thế nào cả. Than ôi! hai chữ trung-nghĩa, cao thay! mà thiển cận thay! Nó làm cho người ta to lớn thay! mà cũng nhỏ nhen thay!…
Đắc-ta-nhan đương ngậm ngùi nghĩ như thế. Chưa đạt hết cái tư tưởng ra, thì nghe tiếng thằng ở ngoài kia, tên là Lưu-ban, thấy thầy ngã xuống, kêu trời kêu đất rầm rĩ cả lên. Thằng Ba-lăng-sê vội lấy tay chẹn vào họng nó, định bóp cho chặt để nó mất kêu. Nhưng chẳng lẽ giữ mãi được như thế, nó ngần ngại không biết tính thế nào bèn kêu với thầy rằng:
- Thưa thầy, con giữ như thế này được lúc nào thì nó im lúc ấy. Nhưng đến khi con buông nó ra, thì chắc rằng nó lại la làng. Con coi bộ thằng này con biết nó là người xứ Nô-mân-đi. Người xứ ấy dai lắm, thưa thầy ạ.
Mà thằng bé dai thật. Bị bóp cổ như thế còn cố kêu hoài. Đắc-ta-nhan nói: Thong thả. Rồi móc túi lấy ra một cái khăn tay, vo tròn mà nhét vào miệng thằng bé. Ba-lăng-sê lại nói rằng:
- Giờ thầy đã nhét rẻ vào miệng nó rồi, thì con xin đem trói nó vào gốc cây nữa là xong.
Nói rồi, thầy trò loay hoay làm liền. Họ trói xong đứa ở vào gốc cây rồi họ kéo cái thây chủ, bấy giờ còn thoi thóp, mà để lại gần. Chỗ ấy đồng không quãng vắng, trời lại đã xâm xẩm tối, thì chắc là thầy trò chẳng may ấy còn phải ở đó suốt đêm cho đến sáng mai họa mới có người nom thấy.
Đắc-ta-nhan bảo đầy tớ:
- Giờ ta hãy vào dinh quan Trấn-phòng.
- Thưa thầy, ngực thầy bị thương chảy máu kìa.
- Không hề chi. Ta hãy lo việc vội trước. Khi nào yên cả những nỗi nguy cấp rồi, bấy giờ ta sẽ nhớ đến cái thương này cũng được. Vả xem ra cũng không trúng chỗ hiểm mà sợ.
Nói đoạn, thầy trò tiến thẳng vào ấp quan Trấn-phòng; Đắc-ta-nhan tới cửa, sai ngay lính vào bẩm có Hòa-đa bá-tước xin vào hầu. Quan cho mời vào lập tức, Đắc-ta-nhan chưa nói gì, quan đã hỏi:
- Bá-tước có giấy thông-hành của Đức Giáo-chủ?
- Bẩm có, giấy đây.
- Xin lĩnh coi. Được. Giấy má đâu đó cả. Vả lại có lệnh truyền riêng cho thiểm-chức đây.
- Dạ, bẩm tiểu-tướng đây vốn là bậc khuyển mã của ngài.
- Thiểm-chức cũng chưa biết việc chi, nhưng coi chừng thì là Đức Giáo-chủ ngài sai túc-hạ đi, để ngăn cấm một người nào sang Anh-quốc thì phải.
- Túc-hạ thật là cao đoán. Người muốn sang Anh-quốc, mà tiểu-tướng đây đi ngăn đánh ấy, tên gọi Đắc-ta-nhan, người thiếu-niên ở đất Bê-an, từ Ba-lê cùng đi với ba người bạn nữa, để vượt biển sang Luân-đôn.
- Bá-tước có biết mặt biết người gã ấy chăng?
- Biết mặt ai thưa ngài?
- Gã Đắc-ta-nhan ấy mà?
- Bẩm tôi biết lắm.
- Nếu vậy bá-tước nên kể cho tôi biết đại khái để ngộ tôi có gặp thì tôi gìn giữ.
- Khó chi điều ấy. Đắc-ta-nhan bèn kể dáng người nét mặt của Hòa-đa bá-tước.
Quan trấn phòng lại hỏi người ấy đi có đứa ở theo hầu chăng?
- Bẩm có, một thằng nhỏ tên gọi Lưu-ban theo hầu.
- Cám ơn bá-tước. Để tôi xin cho giữ gìn cẩn thận. Hễ tóm được người ấy thì tôi xin cho lính mang khí giới giải thầy trò nó về đến tận Ba-lê.
- Nếu túc-hạ làm được như thế, thì lập được công to với Giáo-chủ đó.
- Bẩm thế tướng-quân đi rồi về có vào hầu ngay Đức Giáo-chủ không?
- Thế nào mà tiểu-tướng chẳng phải đến hầu ngài ngay.
- Nếu vậy, thì phận nhỏ này dám cậy tướng-quân một việc, là trình với ngài biết cho thiểm-chức đây là một người tôi tớ rất thảo ngay, rất tôn kính của ngài.
- Xin lĩnh ý túc-hạ.
Quan trấn phòng được mấy lời ấy lấy làm thỏa chí, liền cho chữ vào thông-hành rồi nộp lại Đắc-ta-nhan. Đắc-ta-nhan không mất thì-giờ thi-lễ cho lắm, cúi chào ngay quan trấn-thủ, rồi đi ra. Thầy trò ra khỏi ấp, chạy một mạch cho nhanh, đi theo đường mà vào trong thành phố. Về đến chỗ bến tàu, vẫn thấy chiếc thuyền sắp chạy, chủ thuyền thì đứng trên bờ mà đón hai người khách. Vừa nom thấy Đắc-ta-nhan thì vội hỏi: Thế nào? - Đắc-ta-nhan đưa giấy thông-hành ra. Chủ thuyền còn muốn đợi cả người kia, để cùng chở một chuyến, Đắc-ta-nhan biết ý, bảo rằng:
- Ông kia chừng còn ở lại, không đi hôm nay. Vả người có tiếc chuyến tàu, thì đây ta trả cho hai suất, kéo neo đi đi.
- Nếu vậy, thì con xin đi liền.
- Đi liền.
Thầy trò nhẩy tót xuống chiếc xuồng, chỉ năm phút là thầy trò ra tới tàu, cho tàu lên buồm mà chạy. May quá, thuyền vừa đi ra xa được chừng nửa hải-lí, thì Đắc-ta-nhan thấy trong trấn phòng có hỏa hiệu đốt sáng trưng, rồi lại nghe một tiếng súng lớn. Đó là hiệu-lệnh bế cảng, không cho tàu bè nào xuất nhập nữa. Khi đó Đắc-ta-nhan mới nhớ đến chỗ thương đau. Giở ra xem thì quả không nặng. May làm sao cái mũi gươm của Hòa-đa bá-tước, đâm vào trúng ngay một cái xương ngực, rồi theo dọc xương mà trượt ra ngoài chỗ hiểm. Đến khi mũi gươm rút ra, thì cái áo lót mình trắng bết ngay vào, thành ra máu không chảy mấy. Nhưng mà Đắc-ta-nhan nhọc lắm, mình mẩy như rần. Vừa trải cái nệm xuống ván tàu, nằm lên là ngủ liền. Sáng sớm tinh sương hôm sau, mở mắt ra thì thấy mình chỉ cách đất Anh độ vài bốn hải-lí nữa mà thôi. Cả đêm hôm ấy trời ít gió quá, nên chi mười giờ sáng tàu mới bỏ neo ở bến Đô-vê (Douvres). Mười giờ rưỡi thì Đắc-ta-nhan giẫm chân lên đất nước Anh mà reo lên rằng:
- Vậy ra ta đến bến rồi!
Nhưng mà đến bến, nào đã là hết. Lại còn phải từ bến lên Anh-kinh nữa. Bên nước Anh thời ấy các trạm ngựa chỉnh đốn đâu đấy lắm. Hai thầy trò thuê hai con ngựa với một người lính trạm chạy trước. Đi trong bốn giờ thì tới cửa ô.
Đắc-ta-nhan chưa sang Luân-đôn bao giờ, mà tiếng nước Anh lại không biết. Nhưng chỉ viết tên Bức-kinh-gam quận-công vào một mảnh giấy, đem giơ cho người ta mà hỏi thăm đường, thì ai cũng biết mà trỏ nẻo cho.
Tới nơi thì quận-công đã đi phù giá Hoàng-thượng ngự săn ở Huynh-xô (Windsor) mất rồi. May sao trong dinh quận-công lại có một người, nguyên đã nhiều lần theo hầu quận-công sang bên Pháp, cho nên tiếng Pháp nói thông. Đắc-ta-nhan bèn cho gọi người ấy mà bảo rằng từ Ba-lê đã hỏa tốc chạy sang, cốt để tìm quận-công mà nói một chuyện sống chết, vậy thế nào cũng phải tìm ngay quận-công mà bày tỏ việc gấp.
Ngươi Ba-trích (đó là tên thân-nhân của quan thừa-tướng ấy), Ba-trích nghe tiếng Đắc-ta-nhan nói rắn giỏi, ra dạng thành-thực, thì cũng tin ngay. Tức thì sai đóng hai con ngựa, mình cưỡi một con và mời Đắc-ta-nhan cưỡi một con đi. Còn gã Ba-lăng-sê thì phải người vực xuống ngựa mới được, khi tới nơi gã nhọc quá cứng đờ người trên yên, không sao cựa được mình nữa. Còn Đắc-ta-nhan thì người vẫn cứng như sắt vậy.
Đi đến chỗ đền Vua ngự bắn, hỏi các quan hầu thì nói rằng ngài cùng quận-công, ngự ra săn cách đó chừng đôi ba dặm. Ba-trích rủ Đắc-ta-nhan đi theo liền ra đó, thì nghe tiếng quận-công đương gọi chim mồi. Ba-trích hỏi:
- Tôi bẩm tướng-công có ai hỏi bây giờ?
- Đắc-ta-nhan nói: Xin tôn-ông cứ bẩm có một chàng niên-thiếu, một hôm kia đã gây chuyện với ngài ở trên Cầu-mới, trước nhà thờ Đức Bà Xa-ma-ri-ten, thế là đủ.
- Cách xưng danh đâu có cách xưng danh lạ!
- Xin tôn-ông cứ vậy mà bẩm, rồi xem cách ấy có kém cách xưng danh khác chút nào.
Ba-trích để Đắc-ta-nhan đứng đó, rồi tế ngựa ra chỗ quận-công đương quần ngựa, cứ như lời mới rồi mà bẩm.
Quận-công nghe nói biết ngay là Đắc-ta-nhan, đoán ngay ra rằng tại Pháp có tin gì khẩn cấp đem sang, vội vã hỏi đâu, khi trông đàng xa thấy hình thù Đắc công-tử, thì vội vàng tế ngựa lại. Ba-trích thủ lễ đứng tránh ra một bên xa. Quận-công vừa tới, hốt hoảng mà hỏi ngay một câu, tóm hết nỗi lòng:
- Thưa ngài, chẳng hay đức Hoàng-hậu ta có việc chi bất-hạnh đó?
- Dám bẩm tướng-công, tôi nghĩ ngài cũng không có việc chi bất-hạnh, nhưng nghe chừng thì ngài gặp cơn nguy cấp lạ lùng chi đó, duy chỉ có tướng-công là gỡ được cho.
- Tôi! Tôi được việc cho Hoàng-hậu! Trời ơi! Vậy ra ta đây có cái hạnh-phúc to dường ấy! Hoàng-hậu dùng được đến ta có việc chi? Xin túc-hạ mau mau khá tỏ. Phải tát biển hay là phải đạp non đó, túc-hạ?
- Đây có thư ngài, xin tướng-công nhận xem cho. 
- Thư này! Thư này là thư của ai đây!
- Nghe là thư của đức Hoàng-hậu tôi đó.
- Thư của ngài! Quận-công vừa run vừa hỏi câu ấy. Trong lòng nửa phần mừng rỡ, nửa phần lo sợ. Đắc-ta-nhan đã e ngài lặng đi mà ngã xuống đó.
Quận-công khai niêm ra. Đương khai thì nom thấy trên phong thư có một chỗ thủng bèn hỏi:
- Sao thư ngài lại thủng một chỗ thế này? 
- Đắc-ta-nhan cũng giật mình mà thưa: A này lạ! Vậy mà tôi bây giờ mới biết. Vết đó là vết mũi gươm của Hòa-đa bá-tước muốn đâm suốt ngực tôi, mà hóa ra suốt phong thư này.
- Vậy ra tướng-quân bị thương?
- Lạy Tướng-công, không hề chi cả. Xầy da có một chút mà thôi.
Quận-công đọc xong thư, la lên rằng:
- Trời hỡi! tin đâu như sấm sét ngang đầu. Ba-trích đâu, ngươi khá chạy cho mau, ra quì tâu Bệ-hạ, xin Cửu-trùng lượng thứ cho ta, có việc gấp phải về ngay Luân-đôn, không kịp tâu trình xin phép trước. Tướng-quân đi theo ta.




Dumas:

Tử tước rồi bá tước (Monte Cristo)
Alexandre Dumas: Tử tước de Bragelonne (4) (từ đầu chương XXII cho đến chương XL)
Alexandre Dumas: Tử tước de Bragelonne (3) (từ đầu chương X cho đến hết chương XXI)
Alexandre Dumas: Tử tước de Bragelonne (2) (từ đầu chương IV cho đến hết chương IX)
Alexandre Dumas: Tử tước de Bragelonne (1) (từ đầu cho đến hết chương III)

Les Trois Mousquetaires
Hai mươi (tức Hai mươi năm sau)



Nguyễn Văn Vĩnh:

Trung Bắc
Nguyễn Văn Vĩnh trả lời phỏng vấn
Nguyễn Văn Vĩnh là ai
Sử ký Thanh Hoa


3 comments:

  1. văn chương rất có chí-khí. thật tiếc cho bọn nam giáo-chủ không biết dùng người. mà bọn nam hoàng-hậu thì lại chỉ thích sụt sịt. nên chăng thật tiếc cho con người này vậy.

    ReplyDelete
  2. "Nếu vậy thì sự bí-mật công-tử lựa phải nói ra, ý muốn ta làm gì giúp thì xin cứ nói."
    "lựa phải nói ra" có phải là "đừng nói ra" không chú?

    ReplyDelete
  3. tức là: giữ bí mật đi, không phải nói lộ ra, nhưng cần ta giúp gì, thì cứ nói

    ReplyDelete