Dec 14, 2018

Tư Mã Thiên của họ

Trước tiên xem ởkia.

(đã tiếp tục:
+ Tại sao École de Genève (1)
+ Eichendorff (và nhân vật vô tích sự)
+ Một câu chuyện Tiệp Khắc
+ Kiệt tác (không người biết) Trăng nước Đồng Nai của Nguyễn Hoạt)

Tôi rất nhớ một bài báo tiếng Pháp về Mạc Ngôn (Mojan), gọi Mạc Ngôn là "Rabelais của họ". Tôi rất nhớ bài ấy vì đối với tôi Mạc Ngôn có thể là bất kỳ cái gì chứ không bao giờ là Rabelais.

Giờ, ta sẽ đến với nhân vật thứ hai, xứng đáng so sánh với John Ruskin trong thế giới đọc của Marcel Proust. Chỉ Saint-Simon mới xứng đáng so sánh với Ruskin ở tầm quan trọng đối Proust.



Trên đây là ba tập đầu bộ Hồi ký (Mémoires) của Saint-Simon.

Chỉ đọc đến tập 3 thôi tôi đã quên khuấy mất tên ông bố vợ Saint-Simon là gì. Vậy để nói bộ sách khủng khiếp đến thế nào.

Dưới đây là ba tập tiếp:



Và trên đây vẫn chưa đến một phần ba cả bộ.


xem thêm về một bộ Hồi ký còn cổ xưa hơn ởkia



Một điều rất quan trọng (điều làm nên sự hấp dẫn lớn, đồng thời cũng gây ra một khó nhọc không nhỏ) ở câu chuyện đọc văn chương Marcel Proust chính là: Proust đọc gì và đọc như thế nào; trong thế giới đọc của Proust (Proust còn là một lý thuyết gia avant la lettre của đọc - điều này, tôi sẽ sớm trở lại, trong một "chuỗi" riêng) độc giả của Proust cần phải (điều này là tối thiểu) biết được rất chính xác một số vị trí then chốt, cũng như phân tầng của những sự đọc ấy. Saint-Simon và John Ruskin làm nên một Proust ở tầng sâu (điều này hoàn toàn có thể rỗng nghĩa, vì cụm từ "ở tầng sâu" đã bị dùng quá nhiều đến nỗi nhợt nhạt hết cả nghĩa, nhưng nếu hiểu rất chính xác như vậy, theo đường lối cụ thể chứ không ẩn dụ thì vẫn có thể nắm bắt được). Nói tóm lại, bởi là độc giả của Ruskin và Saint-Simon (và là độc giả đến tận mức độ có thể gọi là thiết thân) mà - ít nhất ở nhiều khía cạnh - văn chương Proust trở nên giống như chúng ta đã biết (bản thân cụm "như chúng ta đã biết", tất nhiên, cũng hoàn toàn có thể trở nên đặc biệt mù mờ bởi đủ loại cách dùng: nhưng biết làm sao được). Khi Proust thực hành nhại, một trong các nhân vật trở thành đối tượng chính là Saint-Simon (về điều này, xem ởkia). Người ta chỉ làm một số việc (trong đó có nhại) khi đối tượng là thiết thân.

Saint-Simon, trong suốt mấy thế kỷ, nhất là kể từ khoảng giữa thế kỷ 19 (vì bộ sách của Saint-Simon có số phận xét cho cùng không khác mấy so với bộ sách của Tư Mã Thiên, không hề suôn sẻ và đòi hỏi một thời độ rất đặc biệt thì mới thực sự đi vào tồn tại) có vô số độc giả thượng thặng, trong đó tôi chỉ muốn nhắc đến một người: Debord, đúng, chính là Guy Debord.

Thời độ của sự đọc Saint-Simon cũng mênh mông như bản thân sự mênh mông bộ sách của Saint-Simon. Cái họ cũng gây rất nhiều gay cấn: thánh Simon, ta nghĩ ngay đến hai anh em chài lưới Simon và André trên bờ biển vùng Galilée, hai tông đồ đầu tiên của Jesus Christ. Sẽ có thêm một tông đồ nữa trong nhóm mười hai đầu tiên, sau đó, trùng tên Simon, nên một trong hai phải đổi tên, từ đó mà có ông thánh đặc biệt nổi tiếng Pierre (tức Peter). Đó là những câu chuyện đã quá lừng danh. Tất nhiên công tước de Saint-Simon của chúng ta (tên riêng thường gọi Louis, giống vua) chẳng có gì liên quan đến thánh Simon (hoặc nếu có thì cũng không biết được).

Nhưng có rất nhiều sự trùng tên. Ở Việt Nam có một Saint-Simon đặc biệt nổi tiếng, được rất nhiều người biết đến mặc dù chắc hẳn phần lớn cũng không rõ đó là ai. Ấy là Saint-Simon bá tước, con người chủ yếu của cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19 (Auguste Comte hồi còn rất trẻ - chưa đầy hai mươi tuổi - làm thư ký cho Saint-Simon này), đó là Saint-Simon của cái truyền thống bị Karl Marx và Friedrich Engels phê phán mãnh liệt (chính vì thế, ở đây nhiều người biết tên), cái truyền thống hay được gọi là "không tưởng" (Chủ nghĩa xã hội từ không tưởng đến khoa học: đại khái đó là nhan đề một tác phẩm có vô cùng nhiều độc giả ở Việt Nam). Saint-Simon bá tước ấy có họ với Saint-Simon của chúng ta, nhưng không trực hệ.

Saint-Simon tác giả bộ hồi ký (và là tác giả hết sức quan trọng đối với chẳng hạn Marcel Proust) sinh năm 1675, tức là khi vua Louis XIV đã rất phương trưởng chứ không còn èo oặt như hồi trước đó phải nương tựa vào Mazarini tức hồng y Mazarin (Mazarin từng là đệ tử của Richelieu, và đó là một trong những nhân vật trở thành hồng y mà chưa từng bao giờ được thụ phong linh mục - ta thấy rằng cả trong hệ thống phẩm trật của Thiên chúa giáo cũng có hiện tượng con ông cháu cha hoặc tương tự).

Tôi bỗng nảy ra một ý: so sánh Balzac với Proust ở riêng phương diện đọc. Balzac không hẳn là một độc giả vĩ đại, ít nhất thì không giống như Proust, nhưng cũng có nhiều đối xứng có thể chỉ ra: Balzac cũng có một nhà văn đảo rất quan trọng, đó là Walter Scott (còn đối với Proust, tất nhiên đó là Ruskin); kịch tác gia gây nhiều sung sướng hơn cả cho Balzac hẳn là Molière, trong khi đối với Proust đó phải là Racine (tức là mỗi người rút được từ thế kỷ 17 một phần của sân khấu kịch). Thực hành nhại như đã nói ở trên là một "đặc sản" của Proust, nhưng không hẳn là Balzac thua kém, ở địa hạt này: Balzac từng viết lại một số câu chuyện, đáng nhớ nhất là Melmoth réconcilié, thuộc các "ê-tuýt triết học", và chính Bông huệ trong thung là cách Balzac viết lại (vừa viết lại vừa đồng thời chế giễu) cuốn tiểu thuyết Volupté của Sainte-Beuve. Chắc chắn, Proust mở rộng ra với văn chương nước ngoài hơn nhiều so với Balzac (vả lại, thời của Proust, người Pháp đặc biệt cosmopolite); ít nhất thì Proust có thể dịch Ruskin từ tiếng Anh, và biết tiếng Đức không tệ (nhóm bạn trung học của Proust là những người đầu tiên thực hiện công việc "intro" Nietzsche vào Pháp, nhất là Daniel Halévy) - Balzac thì đặc biệt mê một nhà văn Đức, E.T.A. Hoffmann (tôi sẽ đặc biệt đến với mối quan hệ Balzac-Hoffmann).

Tức là, giữa Balzac và Proust có thể thấy nhiều đối xứng. Nhưng có một điều không thể có đối xứng được; điều đó nằm ở chỗ: Proust là độc giả của Balzac (đối với tôi, cùng Roland Barthes, Marcel Proust thuộc vào số những độc giả vĩ đại nhất của văn chương Balzac) trong khi không có chiều ngược lại - tất nhiên.

Là độc giả lớn hết sức quan trọng. Không phải là do ảnh hưởng (tôi không nghĩ là có tồn tại ảnh hưởng), mà sự quan trọng có thể nói ngắn gọn như sau: khi là độc giả đích thực của Balzac chẳng hạn, Proust nhập vào được với chuyển động của Balzac, ít nhất là thấy chuyển động ấy.

Vậy nên, với tư cách độc giả thượng thặng của Saint-Simon, Proust cũng làm được điều tương tự. Chi tiết này hết sức quan yếu đối với một phương diện văn chương Proust, phương diện của những cái tên riêng.



Bộ Hồi ký của Saint-Simon gây cho tôi nỗi rối trí lớn đến mức tôi quyết định đi tìm một số hỗ trợ. Tại thư viện đã nhắc đến ởkia, tôi tìm được một cuốn sách (rất lớn - tôi muốn nói là khổ lớn và rất dày) về Saint-Simon, tác giả là một sử gia có cái tên hết sức nổi tiếng, Emmanuel Le Roy Ladurie (có cả "Le Roy" trong cái tên dài, như một sự bảo chứng). Nhưng tôi nhanh chóng nhận ra cuốn sách ấy (tuy Le Roy Ladurie thuộc vào trường phái Annales mà tôi tương đối rành và thấy mình gần gũi) chẳng giúp ích được gì. Thậm chí tôi còn thấy nó dở như hạch.

Bỗng xuất hiện, vào một thời điểm, một cuốn sách - tôi không thực sự rõ bằng cách nào mà nó hiện ra, đùng một cái nó ở đó. Nó đây:


Trước đây, tôi chưa hề biết La Varende; và cuốn sách về Saint-Simon cùng "Vở kịch con người" của công tước tuyệt đối là cái mà tôi cần: cũng phải khi đã đọc cuốn sách trên đây của La Varende, tôi mới thực sự biết là tôi cần gì. Tôi cần một cái nhìn khác, nó gỡ các yếu tố của bộ Hồi ký ra và xếp lại theo một trật tự khác. Một bộ sách có những khi cần được các sách khác giúp đỡ theo cách như vậy.

Kể từ đó (tức là kể từ khi phát hiện La Varende), tôi đã tìm thêm được vài cuốn sách khác; nhát dưới đây cũng xuất hiện hết sức tình cờ:


Tôi còn tìm được cả một cuốn sách của La Varende viết về Flaubert, thuộc tủ "par lui-même" nhưng tạm thời nhét vào đâu mất chưa tìm ra.

Rồi một trợ giúp nữa lại xuất hiện, lần này từ một nhà văn Ý, Carlo Emilio Gadda:


Les Louis de France (về các "Louis" nước Pháp) của Gadda lại đích xác là cái mà tôi cần (và cũng phải khi đã đọc cuốn sách ấy rồi tôi mới hiểu điều đó): thêm một lần nữa, điều mà tôi cần là một cái nhìn, lần này là một cái nhìn nước ngoài. Người nước ngoài nhìn vào lịch sử nước Pháp sẽ đặc biệt để ý đến Louis XIII, Louis XIV, Louis XV, trong khi người Pháp thì không hẳn; tất nhiên họ cũng đặc biệt chú tâm vào ba ông vua đó, nhưng Michelet sẽ đặc biệt lừng danh vì viết về các Louis khác, trước bộ ba kia (đố ai nói được ngay, Louis XV là gì của Louis XIV?)

Một cái nhìn, một cái nhìn, rồi lại một cái nhìn. Carlo Emilio Gadda cũng sẽ sớm trở thành "một người" của tôi.




(còn nữa)




Tư Mã Thiên: một lần nữa
Ra một cái đề thi (văn)
Tạ Chí Đại Trường: một lần nữa
Quang Trung và Tần Thủy Hoàng
Nhượng Tống và Sử ký
Sử ký


1 comment:

  1. mạc-ngôn thì đúng là bất kỳ cái gì đó. so sánh mùi vãi. ký ức phải trở thành vĩ đại, theo gương Ngũ Kinh; bằng ko nó sẽ thổi phồng mấy chuyện ngồi lê cùng các ảo tưởng.

    ReplyDelete