Dec 18, 2020

Préliminaire-(b) Anh và Pháp

tiếp tục chuẩn bị (cũng đã tiếp tục luôn kỳ "préliminaire" trước)


Trong câu chuyện thuộc địa (và thực dân), lấy bộ khung (thêm một bộ khung, cùng "trăm và nghìn" - rất có thể sẽ còn một số bộ khung khác nữa) Anh & Pháp là một điều hơi quá hiển nhiên. Thậm chí là colosi (tức là cổ-lỗ-sĩ). Nhưng cái nhìn này không phải là không có những điều hay.

Một ai đó (bỗng nhiên tôi quên mất cụ thể là người nào) từng nói, muốn nhìn vào sự khác nhau giữa thái độ (và tâm trạng) của người Anh và người Pháp - ở mức độ rộng lớn, mức độ của tập thể, cộng đồng, xã hội - trước thuộc địa, thì tốt hơn cả là nhìn vào cách mà hai cuốn tiểu thuyết trình hiện cái hiện tượng ấy. Cuốn tiểu thuyết của Anh là Moll Flanders (Daniel Defoe) còn cuốn tiểu thuyết Pháp là - tất nhiên - Manon Lescaut (xem ởkia, ởkiaởkia). Trong khi đối với Manon Lescaut (và các nhân vật trong cùng cuốn tiểu thuyết), thuộc địa nghĩa là hiểm nguy, bất trắc, lưu đày, đen tối, tội phạm, và cả cái chết, thì cuốn tiểu thuyết bên kia biển Manche lại hình dung thuộc địa như là một cơ hội lớn, là tương lai, mọi thứ xán lạn, thậm chí phẩm hạnh và cuộc đời mới, sự sống mới.

Nếu nhớ ra được ai là người nêu lên so sánh vừa nói, tôi sẽ còn trở lại.


Tất nhiên, nếu quá tập trung vào nước Anh và nước Pháp (cùng các thuộc địa của mỗi bên) thì sẽ dễ quên mất là trong một giai đoạn nhiều trăm năm, châu Âu nói chung có tính cách thực dân rộng lớn hơn vậy rất nhiều: Hà Lan, Bỉ (king Léopold, nếu muốn ngắn gọn), Bồ Đào Nha, etc. và thời gian mấy chục năm trở lại đây, chính mảng thuộc địa của Đức lại được đặc biệt quan tâm.

Thực dân, sự hình thành các thuộc địa (colonie) là một truyền thống. Rất rõ với La Mã, nhưng cả Hy Lạp. Thực dân, trước hết là một hiện tượng diễn ra trên chiều ngang (sự mở rộng). Khi người Pháp xuất hiện ở Viễn Đông và bắt đầu nhìn thấy khả năng chiếm lấy một mảnh đất mới làm thuộc địa, thì điều đó cũng đồng nghĩa với sự đâm sầm vào nhau của hai truyền thống - hoặc cũng có thể nói, hai hệ thống. Và sự mở rộng của châu Âu luôn luôn có nhiều tính cách tôn giáo: các cuộc Thập tự chinh (Giáo hoàng Urbain II - nếu muốn ngắn gọn), etc.

Nhưng cụ thể, cái gì đâm sầm vào cái gì? Ta có thể nói ngay - rất dễ dàng - sự mở rộng dưới hình thức thực dân tìm kiếm thuộc địa đâm vào một truyền thống không chấp nhận các yếu tố bên ngoài. Nhưng không chỉ có vậy, vì cuộc đối đầu giữa nước Pháp bắt đầu chế độ Đệ nhị Đế chế và Đại Nam còn là đối nghịch của hai trật tự: đó là khi ý thức va vào tồn tại.

Ai nói ý thức thì cũng nói lý trí và ý luận, nhưng vẫn còn một yếu tố lớn nữa: mặc cảm. Con người có ý thức bất hạnh bởi vì ý thức bị tha hóa? không, mà bởi vì con người bất hạnh chính vì có ý thức. Món quà kèm theo (và phải nhận) khi có ý thức là mặc cảm. Con người soi gương là vì mặc cảm. Mặc cảm thúc đẩy người ta thoát khỏi chính mình. Sự mở rộng còn có ý nghĩa ấy. Câu chuyện thực dân là một câu chuyện của mặc cảm. Thoát khỏi chính mình, nhưng cũng là thoát khỏi một thế giới cũ. Nếu tin vào các sử gia mới, những người nhấn mạnh vào sự dài, thời Trung cổ châu Âu không hề kết thúc ở Phục hưng (vả lại, càng ngày người ta càng thấy rõ hơn, khái niệm Renaissance chẳng đúng mấy). Để thoát khỏi một thế giới cũ (dẫu không phải "Dark Age" đi nữa thì cũng đã trở nên quá mức bí bách), cần có không gian mới.

Khi Pháp và Việt Nam dưới triều Nguyễn đâm sầm vào nhau, ta có một bên mang đặc tính: cái gì cũng ghi chép, còn bên đối diện thì ngược lại.


Thực dân-thuộc địa: yếu tố then chốt bao giờ cũng là đất, lãnh thổ (vậy nên các từ được dùng nói lên rất rõ: "colonie", "concession") - yếu tố đó luôn luôn là trọng điểm, đến mức rất nhiều khi che mờ đi nhiều yếu tố khác, trong đó (nhất là) yếu tố người.

Một từ dài (không chỉ các sử gia Pháp, mà những người khác nữa, chẳng hạn cf. Raymond Williams, The Long Revolution) thôi cũng mở ra rất nhiều viễn kiến mới. Thuộc địa, ở Việt Nam (Indochine) không hề kết thúc ở thời điểm 1946, hay thậm chí 1954: nó tiếp tục. Trên bình diện rộng lớn hơn cũng vậy. Rất nghịch lý, nhưng chính sự mở rộng đã nói lại dẫn tới hệ quả là một chiết trung văn hóa. Mà chiết trung văn hóa, có đại diện nào khác lớn hơn so với UNESCO đây? Trong các tiểu thuyết Balzac, ta thấy chính vào lúc bourgeois nở rộ thì yếu tố quý tộc lại trở nên rõ rệt hơn bao giờ hết; chính trong quá trình "giải thực dân", thì chủ nghĩa thực dân lại thực sự hoạt tác hơn bao giờ hết. Đi kèm với đó là các hoạt động được gọi là "hợp tác văn hóa", cùng những thiết chế dạng tổ chức văn hóa.

Điều này sẽ không quá mức phi lý (và khó hiểu) nếu ta nghĩ đến Phan Khôi: ởkia đã nhắc một bài báo lớn của Phan Khôi; giờ cần nhắc đến một bài báo lớn khác: cái bài đã gây ra rất nhiều tranh cãi, trong đó khẳng định trên lịch sử Việt Nam không hề có chủ nghĩa phong kiến. Nhưng tôi nghĩ Phan Khôi rất đúng chính vào thời chúng ta, cái gọi là phong kiến mới rõ hơn mọi khi khác: các nhà tài phiệt nuốt lấy đất (lại chuyện đất đai - không khác gì trong chủ nghĩa thực dân); đến cả một nhà báo đi tán gái cũng khoe mình có mấy héc-ta đất ở quê (Hà Tĩnh), và còn nói rõ, là đất trồng rừng. (ta sẽ không hề lạ khi cũng chính nhà báo ấy, những lúc cần, sẵn sàng luôn mồm lải nhải mấy thứ idiom như "thượng tôn pháp luật" etc.)


(nhân vật nhà báo nói trên, ngoài những thứ khác, còn nói lên một điều: văn sĩ tuột xích thì có thể tới cỡ nào)

Chủ nghĩa thực dân không ngừng lại, bởi vì sự mở rộng cứ tiếp tục, chẳng gì ngăn được. Rất nhiều thứ tưởng đã không còn, nhưng chúng vẫn ở đó, chỉ hơi khuất đi một chút, bị những thứ khác che lấp - chẳng qua vì có quá nhiều thứ sặc sỡ. Chiết trung văn hóa nhiều khi là sự lỡ trớn của tolérance: từ tolérance đến éclectisme, chỉ có một bước chân. Rất nhiều thứ sát gần nhau: à deux doigts de. Thêm nữa, éclectisme - lại thêm một nghịch lý - bao giờ cũng đi cùng élitisme, mà élitisme: còn ở đâu nó nở rộ hơn được so với trong môi trường thực dân-thuộc địa hay không? Khỏi cần phải nói cụ thể, vì ai cũng đã quá biết, tại xã hội Việt Nam mấy chục năm nay, những ai cứ mở miệng là elite elite.

Chiều của sự dài (và kèm với đó, rộng - mở rộng) như vậy là rõ đến mức không thể hồ nghi. Chỉ cần xác định thêm chiều đứng nữa là mọi sự hoàn toàn rõ ràng. Làm thế nào để nhìn ra được vertical trong câu chuyện thuộc địa (và hơn thế, dẫu chỉ một chút)?



(còn nữa)




Préliminaire-(a) Trăm và nghìn

Đông Dương thuở ấy (7)

Đông Dương thuở ấy (6) Maison Cité U

Đông Dương thuở ấy (4) l'Huma

(Cái) Tương lai của Bắc Kỳ

Báo năm 1919

Nguyễn Văn Vĩnh

Hội Trí Tri

Đông Dương thuở ấy (3) Các cò mi

Đông Dương thuở ấy (2) Léopold Cadière

Đông Dương thuở ấy (1) BAVH

Đông Dương ấy, Đông Dương này

Dien Bien Fou

Ngày 19 tháng Chạp năm 1946


3 comments:

  1. Xem chừng tình hình "tọa đàm" trở lại bình thường, được phép hội họp tụ tập lại rồi. Mong là anh sẽ tiếp tục chuẩn bị.

    ReplyDelete