Dec 28, 2022

Nguyễn Văn Vĩnh là

cũng giống, khi đã đi (đủ) một vòng thì quay trở lại ban đầu (ít nhất là gần như): đây

(tiếp tục SomeDeuil)


Nguyễn Văn Vĩnh là nhà lập pháp. Cũng giống các législateur/legislator đích thực, như Solon, đặt ra xong thì cần phải biến mất. Chính sự vắng mặt làm cho mọi thứ đi được vào tồn tại: sự đi khỏi đảm bảo cho điều đó; có những lúc, hiện diện thì ngăn cản. Legislatoris thì không ở đây.



Và giờ thì đã có một sự quay lại. Sự quay lại ở đây là sự quay lại với chính nó (đây cũng là một trong những thème chính của cái đó). Sở dĩ quay lại được như vậy là vì đủ thời độ.


Nguyễn Văn Vĩnh - điều này ai cũng đã thấy, nếu đọc các vở kịch Molière, Gil-Blas, Tê-lê-mặc hay Ngự-lâm - trước hết, là chuyện ngôn ngữ. Không phải ngôn ngữ này thì có thể tương ứng với ngôn ngữ khác, hoặc ít nhất, có rất ít cái gì như thế: vấn đề nằm ở chỗ, bản thân ngôn ngữ, sự chính nó của ngôn ngữ. Không phải có những từ mang khả năng làm cái này hay cái kia, mà là: bất kỳ từ nào cũng có thể. Molière hoàn toàn có thể viết bằng tiếng Việt: đấy là một trong những article trong bộ luật (các table) mà Nguyễn Văn Vĩnh đề ra, ở tư cách nhà lập pháp.


Trong số các text mà Nguyễn Văn Vĩnh từng động vào (các text của Nguyễn Văn Vĩnh - điều này nằm trong bản tính, hay nói đúng hơn, chức năng và sứ mệnh của nhà lập pháp - không phải là những lựa chọn, vì không có lựa chọn nào hết: luật là phổ quát) chính Tê-lê-mặc là cái nối tôi vào với đó. Hồi tôi còn nhỏ, Les Aventures de Télémaque: tôi đã lấy nó ra, tôi nghĩ, với rất nhiều ảo tưởng, là tôi có thể biến nó thành của tôi, bằng cách dịch nó ra. Chỉ vì tôi biết Télémaque: một truyện được kể bằng tranh rơi vào tay tôi nhiều năm trước đó đã khiến tôi biết câu chuyện về Télémaque. Những bức tranh rất xấu, nhưng nhờ vậy tôi biết rõ có bao nhiêu prétendant ở Ithaque, Pénélope đã làm gì, và bữa tiệc khi tất cả rút gươm.

Tôi đã đi được đến vài trang đầu tiên của Télémaque, tất nhiên trong lúc không hề biết Nguyễn Văn Vĩnh đã làm gì với nó, từ trước đó rất lâu.


Nếu muốn biết Nguyễn Văn Vĩnh đã có một tồn tại như thế nào, ta có thể so sánh (ở một số khía cạnh) với một tồn tại khác: tồn tại của Tôn Thất Thuyết. Tôi muốn nói đến chuyện tên đường (phố): ta thấy có Tôn Thất Đạm, Tôn Tất Thiệp nhưng không thấy Tôn Thất Thuyết, thì hết sức tương tự, ta không thấy Nguyễn Văn Vĩnh, nhưng lại thấy - chẳng hạn - Phan Kế Bính. Nhưng Phan Kế Bính, một trong những người thuộc các vệ tinh của Nguyễn Văn Vĩnh, đâu phải là một nhân vật lớn, cũng không phải một học giả lớn. Vị trí của Phan Kế Bính như ta thấy hiện nay chỉ đơn thuần xuất phát tự sự không biết đọc của nhiều thế hệ editor Việt Nam.

Nguyễn Văn Vĩnh càng không được biết đến từ chính những người lẽ ra phải biết: con cháu của Nguyễn Văn Vĩnh (tức là, lại câu chuyện ấy). Nếu ta nghĩ đến chuyện, một người như Khái Hưng, mà lại có hậu duệ là một nhân vật như Trần Lực, thì mới có thể hiểu mọi sự có thể đổ nát đến mức nào. Con cháu của Nguyễn Văn Vĩnh làm hại Nguyễn Văn Vĩnh nhiều hơn cả, và điều mỉa mai là, họ làm như vậy chính trong lúc làm ra vẻ xiển dương Nguyễn Văn Vĩnh. Ở một phía khác, một hậu duệ của Nguyễn Văn Vĩnh, đương kim trưởng khoa văn trường Tổng hợp Hà Nội, nhiều lần nói, Phạm Quỳnh giỏi hơn Nguyễn Văn Vĩnh nhiều. Tôi tin nhân vật đó nghĩ thế thật. (lẫn lộn hàng giả với authentique: như đã nói)

Nhưng cặp authentique-hàng nhái không thấy ở đâu với một mức độ cao như ở Trần Dần. Một nghệ sĩ authentique lại sinh ra những thứ nghệ sĩ dởm ("những" là vì phải tính luôn hàng đính kèm).


Một cái gì đó quay trở lại được với chính nó: không cần đến Hegel - nhưng nhất là với Hegel - ta biết (ít nhất là đoán được) vậy thì quan trọng như thế nào. Sự quay trở lại của một cái gì về chính nó làm cho một cái gì tồn tại, trong toàn thể: tức là đúng nó. Với Nguyễn Văn Vĩnh, không chỉ là chuyện về lập pháp (trong đó, quan trọng hơn cả là trên địa hạt ngôn ngữ) mà còn là một điều khác rất quan trọng. Vấn đề chỉ còn lại ở một điểm duy nhất: thời độ nào?

Nguyễn Du là nhân vật cần nhìn vào khi câu hỏi ấy được đặt ra. Cũng chính Nguyễn Văn Vĩnh nhìn thấy điều đó: thời điểm Nguyễn Văn Vĩnh là thời điểm sự kiện Nguyễn Du quay trở lại với chính nó, và thực sự trở thành kiệt tác (kiệt tác là sự kiệt cùng, theo cả nghĩa của thời gian: thời độ đúng). Một trăm năm và một trăm năm.


Cách đây một thời gian, khi tôi nêu lên chuyện, những gì xung quanh Nguyễn Văn Vĩnh mà người ta đã làm trong thời gian vừa rồi (khá nhiều thứ, sách, phim, etc.) có chất lượng rất tồi tệ - thể hiện ở chỗ, không làm cho Nguyễn Văn Vĩnh hiện ra, thì - khi tôi nói vậy - từ phía con cháu của Nguyễn Văn Vĩnh có phản ứng ngay, trên một trang web dành riêng để xiển dương cho tiền nhân.

Thế nhưng, tấn công đó lại muốn nói: tôi có ý định vùi dập một nhân vật như thế, đại khái là dìm hàng. Tôi cho rằng những người chuyên xiển dương thậm chí còn không đủ khả năng hiểu người khác nói gì.

Đồng thời, con cháu nhà ấy thản nhiên lấy luôn một tài liệu mà tôi tìm được, liên quan tới một nhân vật: Nguyễn Dực Văn.

Trên một phương diện khác, trong một chương trình in sách dính dáng đến người Pháp, trong một thời gian dài cái tên Nguyễn Văn Vĩnh được sử dụng (lại nhằm xiển dương). Nhưng điều oái oăm là chương trình đó không giúp một chút nào cho việc biết về Nguyễn Văn Vĩnh. Còn oái oăm hơn nữa, đấy là một chương trình phản đối (thậm chí phản bội) Nguyễn Văn Vĩnh, chính nhân vật patron của nó, ở chỗ tạo ra một đống sách chất lượng rất tầm thường. Thế nhưng, Nguyễn Văn Vĩnh là Nguyễn Văn Vĩnh bởi vì thoát khỏi tầm thường.


Trong đợt in lại các bản dịch Nguyễn Văn Vĩnh của nửa năm vừa rồi, có một điều cần làm cho không thể nhầm lẫn, vì rất dễ nhầm lẫn.

Ấy là, người ta dễ tưởng rằng làm được như vậy là nhờ kho Gallica của Thư viện Quốc gia Pháp.

Nhưng không hề: thậm chí còn không nhờ đến ở đó lấy một dòng.

Đã nói đến kho sách Đông Dương của BNF, cần phải nói một điều: việc mà Nhà nước Pháp cần làm, không phải là số hóa đống sách (và không chỉ sách) có ở đó, mà việc cần làm nằm ở chỗ: nước Pháp cần trả lại cho Việt Nam tất cả kho sách (và không chỉ sách) ấy.


1 comment: