sau ấy thì đến đây
Gertrude Stein kể vô vàn chuyện. Gertrude Stein thích kể chuyện đến mức làm như để cho Alice Toklas viết autobiography nhưng "autobiography of Alice Toklas" lại là do Gertrude Stein viết, và chủ yếu viết về Gertrude Stein. Có cả một phân công lao động rất rõ: các thiên tài (rất nhiều thiên tài - Gertrude Stein cũng là một thiên tài, theo nhận định của chính Gertrude Stein) đến nhà chơi thì nói chuyện với Gertrude Stein, còn vợ của các thiên tài thì nói chuyện với Alice Toklas, chẳng hạn Fernande, vợ Picasso.
Khi một người (bỗng xuất hiện) và trong những gì người ấy nói mình muốn (và có thể) làm, có Gertrude Stein, tôi đã (kinda): à, sao mình lại không nghĩ đến Gertrude Stein từ trước nhỉ.
Đấy là một nhân vật then chốt: còn hơn thế nữa, đó là một phụ nữ then chốt. Đó là một trong những phát hiện lớn nhất của tôi, cách đây tròn hai mươi năm. Gertrude Stein (Lady, nhưng chắc hẳn Madame nhiều hơn: cũng giống Henry James, Gertrude Stein rời khỏi Mỹ, nhưng Gertrude Stein vắng mặt khỏi Mỹ trong một thời gian thực sự dài, rất dài, liền tù tì) và địa chỉ nổi tiếng: 27 rue de Fleurus. Tức là chỉ cách một khu vườn: Jardin du Luxembourg. Đi vào Jardin từ cổng ở boulevard Saint-Michel, cứ thế đi hết, ra bằng cửa đối diện, thì sẽ đến - đấy là sang phía Montparnasse, hay chính xác hơn, boulevard Raspail. Dọc theo hông của Jardin là rue Vaugirard, phía bên đấy là của Sénat. Một mùa thu nọ, tôi từng vào bảo tàng ở đó xem triển lãm René Magritte. Đằng ấy thì không xa Odéon.
Đi vào Jardin du Luxembourg từ bên hông (phía Odéon) là việc quen thuộc của Cioran, người coi đó là khu vườn của riêng mình. Trong Cahier, Cioran kể có lần mình gặp ở (trong) đó Gabriel Marcel, đã rất già.
Gertrude Stein kể thực sự nhiều chuyện: tôi nghĩ những ai đọc Madame sẽ chủ yếu đọc để biết Madame nói gì về những người như Picasso, Braque, Picabia, hay đến cả Juan Gris. Mối quan tâm của tôi nghiêng nhiều hơn về một số nhân vật khác: Gertrude Stein có thể nói gì về Natalie Barney, chẳng hạn. Hoặc Carl Van Vechten hay Thornton Wilder.
Dẫu vẻ ngoài trông có là như thế nào, Gertrude Stein là một Mama, không chỉ Madame:
(sẽ quay trở lại với Mama Stein ở bên dưới)
Và những con chó. Tức là Gertrude Stein kể về những con chó của Gertrude Stein. Rất có thể đây chính là những câu chuyện hay nhất của Gertrude Stein. Gertrude Stein kể rất nhiều câu chuyện về rất nhiều người. Và về những con chó. Trong Ida, cuốn tiểu thuyết, cũng có chó ngay. Gertrude Stein có con chó (caniche) tên là Basket. Bọn trẻ con Pháp rất thích con Basket, và luôn luôn gọi nó là "Monsieur Basket". Một con chó mỹ mãn, nếu chó có thể mỹ mãn.
Rồi Basket chết (trong "The Good Anna" cũng có chó, và không chỉ một con). Cần phải có một con khác thay thế nó. Nhưng có hai ý kiến: Picasso bảo là không được có một con mới giống hệt con cũ. Nhất thiết phải khác đi. Một người khác, Daniel-Rops (chắc chắn là tôi từng có lần nhắc đến Daniel-Rops, nhưng ở đâu nhỉ?) thì lại bảo, con mới cần giống hệt con cũ, để thay thế con chó cũ thì con chó mới không thể không giống hệt nó. Gertrude Stein rút ra kết luận: một người Pháp thấy chó mới cần giống chó cũ, càng giống càng tốt, còn một người Tây Ban Nha thấy chó mới phải khác chó cũ, không thể có chuyện hai con giống nhau (tức là một)
Cuối cùng, Gertrude Stein có một con chó mới, nó giống hệt con cũ, và cũng được đặt tên là Basket (vậy là, Basket II). Bọn trẻ con (Pháp, tất nhiên) vẫn rất thích chơi với con chó mới ấy, nhưng chẳng hiểu tại sao chúng không bao giờ gọi nó là "Monsieur Basket".
Trong số những chuyện Gertrude Stein kể (lần này là về người: tất nhiên Gertrude Stein không chỉ kể chuyện chó), một chuyện đặc biệt hay (chuyện hay thì vô số nhiều, trong những gì mà Gertrude Stein kể) là câu chuyện về một bữa tối, một bữa tối hết sức thành công. Đấy là một bữa tối thành công vì Gertrude Stein nghĩ ra một cách thức: xếp chỗ cho các ông khách sao cho họ chỉ nhìn thấy tranh của mình (vì đó là một bữa tối của các họa sĩ). Suốt bữa, họa sĩ nào cũng chỉ nhìn thấy mỗi tranh của mình, thế cho nên tất tật đều satisfied. Có (hình như duy nhất) một người nhận ra Gertrude Stein đã làm như vậy (cách xếp chỗ, etc.) và hỏi Gertrude Stein có phải là thế không. Người đó là Matisse.
Đọc Gertrude Stein, ta còn biết một điều: những and của một nhân vật tên là Ernest Hemingway, chúng ở đâu ra. Những and tràn lan nhức hết cả mắt (nhưng ngược lại, adjective thì bị kỳ thị).
Hemingway, giữa Gertrude Stein và Sherwood Anderson, nếu chỉ có họ với nhau (entre eux), là một chủ đề vô cùng gây phấn khích. Cả hai đều thấy là mình đã tạo ra Hemingway. Có lẽ chính điều này đã thúc đẩy Hemingway viết những điều vô cùng khó chịu về Sherwood Anderson, tức là Hemingway cảm thấy mình bị nhìn nhận như vậy. Nhưng Hemingway lại chính là yếu tố quan trọng trong việc Gertrude Stein in sách: rất lâu, Gertrude Stein không thực sự nghĩ đến việc đó.
Madame (nhưng cần phải đúng hơn; đúng hơn thì phải là: Mademoiselle) Gertrude Stein kể về chiến tranh. Gertrude Stein đã trải qua cả hai cuộc Thế chiến ở châu Âu. Chiến tranh 14-18: một chuyến sang Anh, rồi quay về. Chiến tranh 1939 chỉ vừa kết thúc thì Mademoiselle qua đời.
Trong chiến tranh là câu chuyện Gertrude Stein lái xe phục vụ cho một hội của Mỹ giúp đỡ thương binh Pháp. Vậy là có câu chuyện về những cái xe ô tô của Gertrude Stein. Bởi vì không chỉ có chó. Gertrude Stein cũng có tận hai cái xe chứ không chỉ một, giống với con chó caniche, và cả hai đều là xe Ford, giống hai con Basket. Chiếc xe Ford đầu tiên có tên là "la vieille tante", vì nó già nua, khổ não và hay hỏng.
tại sao Gertrude Stein trước đây không có kỳ “ở Việt Nam” nào?
ReplyDelete