Apr 12, 2009

Orhan Pamuk: Ngài Flaubert, đó là tôi!

Orhan Pamuk là một nhà văn lớn, điều đó không phải bàn cãi, nhưng ông còn lớn hơn danh hiệu “nhà văn lớn” một chút nữa. Pamuk thuộc vào nhóm rất nhỏ các nhà văn đồng thời là nhà viết tiểu luận xuất sắc, cái nhóm gồm những người như Eliot, Borges, Gracq hay Coetzee. Tập tiểu luận của Pamuk in gần đây với nhan đề dịch sang tiếng Anh Other Colors (Những màu sắc khác) cho thấy tài năng ấy ở dạng thuần khiết nhất. Diễn từ nhận giải Nobel của ông (2006), “Chiếc vali của cha tôi” (bản tiếng Việt của Trần Tiễn Cao Đăng trên Vietnamnet) cũng để lộ chiều sâu tư tưởng và vẻ đẹp của suy tư ở Pamuk. Mới hơn một tuần trước, nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ lại có dịp chứng tỏ đẳng cấp tại lĩnh vực này nhân dịp được Đại học Rouen (Pháp) trao bằng tiến sĩ danh dự, trong một bài phát biểu-tiểu luận mang một cái tên đầy ý nghĩa: “Ngài Flaubert, đó là tôi!” (Monsieur Flaubert, c’est moi!)

Rouen là một thành phố nhỏ vùng Normandie, quê hương của Flaubert nhưng cũng là quê hương của một tác gia kiệt xuất nữa, nhà viết kịch Corneille. Maupassant cũng đã từng trải qua một phần tuổi trẻ mình ở nơi đây (việc Maupassant thân thiết với Flaubert và thường xuyên đến Croisset thăm người thầy tinh thần của mình đã khiến nảy sinh lời đồn đại cho rằng ông chính là con trai của Flaubert, nhưng điều này hoàn toàn không có căn cứ xác thực). Nhưng Rouen, đặc biệt là địa danh ven Rouen mang tên Croisset, gắn chặt với tên tuổi của Flaubert, người có biệt danh “con gấu Croisset”. Đến nơi đây nhận bằng tiến sĩ danh dự, Pamuk đã hết sức khéo léo khi chọn đề tài cho bài phát biểu đọc trước các giáo sư và sinh viên Đại học Rouen là tác giả tiểu thuyết Madame Bovary.

Nếu trong diễn từ Nobel, Pamuk quay trở lại với những kỷ niệm sâu kín với người cha để từ đó nói lên ý nghĩa của văn chương, thì lần này ông phân tích Flaubert, thể hiện sự ngưỡng mộ dành cho nhà văn của Rouen, nhất là cái “sức mạnh tâm hồn” đã từng nâng đỡ chính ông hồi còn trẻ, vẫn còn tập tành làm nhà văn. Ở nhiều nơi khác, Pamuk cũng đã từng nói đến tầm quan trọng của Flaubert trong văn nghiệp của mình, chẳng hạn như trong cuốn tiểu thuyết giàu tính tự truyện Istanbul. Bất cứ lúc nào cũng có nhiều điều hết sức thú vị khi một nhà văn lớn viết về một nhà văn lớn khác.

Từ những năm 1970, chưa đầy ba mươi tuổi, Pamuk đã nghĩ là mình có thể giống được như Flaubert, nghĩa là “lánh xa cuộc đời, các thành công dễ dàng, xã hội và những kẻ có quyền lực”. Lần này ở Rouen, ông khẳng định một lần nữa ý muốn được đồng hóa, được “là Flaubert” của mình.

Flaubert từng đến Istanbul trong chuyến hành trình sang phương Đông cùng người bạn Maxime Du Camp. Và tại đây, trong lúc bị chứng giang mai hành hạ, Flaubert đã viết một lá thư cho mẹ, một bức thư có ý nghĩa đặc biệt với Pamuk, vì trong đó ông nhận ra được toàn bộ đặc trưng và giá trị của con người (“những quy tắc sống”) và nhất là giọng văn của Flaubert.

Từ bức thư này, Pamuk rút ra hai nguyên lý của “đạo đức văn chương” thuộc “chủ nghĩa hiện đại”: thứ nhất là phải “giữ khoảng cách với cuộc sống tư sản và những thứ mồi nhử của nó”, và thứ hai là phải biết cách tự đồng nhất mình với các hình mẫu, những con người vĩ đại đi trước. Chính vì vậy mà Pamuk sẽ phát biểu ở cuối bài: “Ngài Flaubert, đó là tôi!”, để ám chỉ tới câu nói nổi tiếng của Flaubert: “Madame Bovary, đó là tôi” khi xưa. Với Pamuk, câu nói của Flaubert thể hiện khả năng thấu hiểu nhân vật của chính mình ở ông, cái khía cạnh “tình cảm” của nhà văn lớn. Nhưng khía cạnh này đi song song với tính chất dữ dội, cơn thịnh nộ lừng danh của Flaubert dành cho giai cấp tư sản và sự ngu xuẩn của con người. Không có một ngày nào trong đời Flaubert quên chế giễu, mỉa mai cuộc sống của giới tư sản.

Được vinh danh tại quê hương thần tượng văn chương của mình, đến lượt mình Pamuk đã vinh danh nhà văn mà ông ngưỡng mộ một cách nhiệt thành nhất, điều này lại càng chứng tỏ rõ hơn vị trí đặc biệt của Flaubert trong lịch sử: ông là một trong những nhà văn của các nhà văn đúng nghĩa nhất. Trước Pamuk, đã từng có những người như Tolstoi, Henry James, Nabokov hay Georges Perec tự xếp mình vào tập hợp các nhà văn tôn sùng Flaubert. Pamuk hóm hỉnh kết thúc bài phát biểu của mình như sau: “Trong bức thư gửi mẹ viết từ Istanbul vào năm 1850, Flaubert nhận xét rằng việc có được bằng tiến sĩ nằm trong số những điều đã dẫn người bạn thân hồi trẻ của ông, Ernest, đến chỗ lấy vợ, tự tư sản hóa và quá nghiêm túc. Xét về tuổi tác, tôi có thể nói rằng tôi không còn vấp phải mối nguy đó nữa, và bởi vậy tôi xin nhiệt thành cảm ơn Ngài Hiệu trưởng, các vị khách quý, các giáo sư và sinh viên Đại học Rouen, về tấm bằng tiến sĩ danh dự này, được trao dưới sự bảo trợ của Flaubert.”

8 comments:

  1. Thứ nhất là đồng chí bác có biết cách chỉnh font chữ không? (Mặc định font này nhìn nhức mắt chết thôi)
    Thứ hai là đồng chí bác nên dọn dẹp nhà cửa đi dần dần. (nên thế thì hơn)

    Terkichan. =__=''

    ReplyDelete
  2. Bác vào Customise, chọn tab Layout (tab thứ 3), sau đó trong mục Layout chọn tab Fonts and Colours (cái thứ 2) rồi kéo xuống dưới, mặc định hết font (ko phải chọn màu đâu nhé) là Arial hoặc Verdana, có như vậy người dùng Internet explorer bình thường mới đọc được bài của bác.

    Cái blog trước của bác cũng tình trạng tương tự vậy, dùng Internet explorer bình thường (nếu người đọc dùng Firefox hay IE 7 trở lên thì ok) mà đọc thì sẽ bị lỗi font, chả đọc được cái gì hết.

    Và thằng blogspot này nó có chế độ import blog đấy thì phải. ;)) Bác còn giữ các bài trên blog cũ ở trong máy thì import nhanh lắm.
    ---
    Regards

    ReplyDelete
  3. he he, em add cái mục follow vào blog mình rồi đấy. Bác vào đó nhấn follow. Gần như là add friends (như 360 ấy) kiểu blog spot. :D

    ReplyDelete
  4. "thứ hai là phải biết cách tự đồng nhất mình với các hình mẫu, những con người vĩ đại đi trước."

    Em hơi thắc mắc ý này. Em tưởng trong văn chương, càng khác biệt và có tiếng nói riêng càng tốt chứ nhỉ? Và người ta không thích nói hoặc nghe nhận xét rằng họ bị ảnh hưởng bởi ai đó, dù có là thần tượng đi nữa?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Mạn phép anh Nhị Linh, em muốn nêu ý kiến trả lời của em về thắc mắc trên của bạn Bảo Anh, mà có lẽ giờ chắc bạn Bảo Anh cũng có thể đã tự có câu trả lời: "tự đồng nhất mình với các hình mẫu, những con người vĩ đại đi trước" là tự đồng nhất về cốt cách, phẩm chất, quan điểm sống, con đường sống, mà cụ thể điển hình ở đây là "“giữ khoảng cách với cuộc sống tư sản và những thứ mồi nhử của nó”, chứ còn văn chương - cũng như tất cả các nghệ thuật khác, đều cần sự sáng tạo và khác biệt.

      Delete
  5. Anh ơi, em vừa đọc xong Ba truyện kể, 2 trong 3 truyện ấy gây nên những cơn rùng mình ớn lạnh.
    Em rất muốn đọc Flaubert, nhưng không thể vượt qua được mặc cảm "không thể đọc nổi Madame Bovary", như lần gặp anh thấy anh đọc Flaubert em đã thốt lên là em không thể đọc nổi ông này :p
    Giờ, lại đọc được Ba truyện kể, tiếp theo nên là gì của Flaubert ạ?

    ReplyDelete
  6. ở đây thì không có La Tentation de Saint-Antoine, quyển nên đọc nhất sau Trois Contes, thôi Xa-lăm-bô đi

    ReplyDelete