* Đâm ra là mình cũng viết xã luận (từ mà báo chí hồi đầu thế kỷ dùng là gì nhỉ? "xã thuyết" à?) Các bạn yêu màu tím thông cảm thông cảm nhá :)
Có lẽ hiếm ở đâu như Việt Nam, giới xuất bản không lo lắng nhiều về việc tìm tác giả tốt, tác phẩm hay, chiến dịch tuyên truyền hiệu quả, bằng ngại ngần đối với giới làm sách giả. Người ta còn đồn đại rằng một số chủ nhà sách tư nhân đã chọn cách bắn tiếng trực tiếp với những tay làm sách giả lớn để “xin tha” hoặc “nương tay” cho một đầu sách được kỳ vọng mang lại doanh thu tốt.
Ngành xuất bản đã tồn tại và phát triển ở Việt Nam từ rất lâu, ngay đầu thế kỷ hai mươi các nhà in đã có khả năng in được số lượng sách không nhỏ, thế nhưng cho tới một trăm năm sau, một tình trạng hết sức khó tin vẫn tiếp tục diễn ra: sách giả lấn lướt sách thật. Nhiều chục năm trước đây, người Bỉ trở nên lừng danh vì chuyên làm sách giả nhái lại sách thật do người Pháp xuất bản, nhưng vấn đề này đã chấm dứt nhờ nâng cao dân trí và nhất là nhờ luật pháp.
Rõ ràng là luật pháp chính là nơi giới xuất bản cần phải trông cậy nhiều nhất, nhưng thật ngược đời vì khi sách giả xuất hiện, tự các cơ sở xuất bản tại Việt Nam phải nghĩ ra những hình thức để đối phó, thậm chí nhiều khi là giảm giá sách của mình xuống mức ngang với giá sách giả - tất nhiên là chịu lỗ. Ở trường hợp này, vai trò của cả lập pháp lẫn hành pháp đều rất đáng đặt câu hỏi.
Sách giả đang trở thành vấn đề đau đầu nhất của ngành xuất bản Việt Nam, bởi tỉ lệ đầu sách bị làm giả không cao, nhưng sách giả đều nhằm vào những đầu sách bán chạy, được thị trường hồ hởi chấp nhận. Hiện tượng này đánh thẳng vào triết lý chung của các đơn vị làm sách tại Việt Nam hiện nay: chấp nhận thu lời ít hoặc thậm chí lỗ vốn ở một số đầu sách nhằm liên tục tạo sự hiện diện của thương hiệu, và bù lại là đầu tư và trông chờ nhiều về mặt tài chính ở một lượng nhỏ đầu sách nhất định. Hiện nay không lạ gì khi những đầu sách “khét tiếng” như Harry Potter hoặc Chạng vạng, tác phẩm của Cecilia Ahern… bị làm giả ngay lập tức sau khi ra đến thị trường (nhiều trường hợp sách giả còn có mặt trên các quầy sách sớm hơn cả sách thật).
Là vấn đề nổi cộm và gây lo lắng hơn cả, nhưng sách giả cũng chỉ là một khía cạnh của toàn bộ ngành xuất bản. Nhìn rộng hơn, không chỉ hành lang luật pháp trong ngành xuất bản còn rất yếu kém, mà cơ chế tổ chức xuất bản nói chung (điều tra mới đây cho thấy cả hệ thống xuất bản nhà nước gần như không mang lại tiền lãi) cũng mang trong mình rất nhiều khiếm khuyết, như một sự tồn tại thách thức mọi lôgic.
Nhiều ý kiến đóng góp cho việc giải quyết các vấn đề của xuất bản đã được nêu lên, nhưng rất nhiều khi chúng không đi đúng vào trọng tâm. Chẳng hạn như người ta thường chê trách tỉ lệ chiết khấu quá cao, chứ không biết rằng tỉ lệ đó là ngang bằng ở mọi nước. Điều quan trọng hơn cả là cần có những quy định rõ ràng cho lĩnh vực phân phối, hạn chế tối đa sự cạnh tranh về giá. Quy định bán đúng giá bìa (hoặc chiết khấu khống chế - chẳng hạn 5%) chính là cách hiệu quả để bảo vệ toàn bộ hệ thống cửa hàng sách nhà nước đang khốn đốn vì không có khách, cũng như đảm bảo công bằng cho mọi thành phần tham gia phân phối sách. Nhìn những cửa hàng sách rất đẹp mới mở ở Hà Nội, tôi tự hỏi chúng sẽ tồn tại được bao lâu, khi tiền thuế và chi phí vận hành khổng lồ khiến chủ cửa hàng không thể giảm giá, thành thử khách hàng sẵn sàng bước vào xem cho… mát, rồi quá bộ đến các cửa hàng giảm giá không xa đó lắm để mua… cho rẻ.
* Cũng xin khai báo là tôi đã mua ủng hộ cho nhà sách Phương Nam trên phố Lý Thái Tổ một quyển Tippi hoang dã, mất 150 khìn.
Ơ, thế mấy anh quản lý thị trường đường lối xã hội chủ nghĩa bận ăn nhậu hay sao mà lại để bạn Nhị Linh vò đầu bứt tai thế này nhỉ?
ReplyDeleteHệ thống thanh tra thanh mẹ không hoạt động à hay bị bịt miệng?
Hay tại chính các nhà xuất bản cũng có vấn đề cần né pháp luật? (lượng bản in chẳng hạn)