Nov 12, 2009

"Hai năm sau"

Lấy hai ví dụ (tôi nghĩ ra, nhưng mô hình thì cũng phổ biến):

VD1: "Mãi hai năm sau tôi mới biết là mình đã nhầm."

VD2: "- Anh sắp làm xong luận án tiến sĩ chưa?/- Chưa, tôi nghĩ là hai năm sau."

Chắc nhiều người cũng đã thấy tôi định nói điều gì. Trong cách dùng ngôn ngữ, có một hiện tượng rất rộng rãi, tôi tạm gọi là "sự lây nhiễm" với một nội hàm rất rộng. Ở VD1, câu văn thuộc loại câu trần thuật, cụm từ "hai năm sau" chắc không ai thấy có vấn đề gì; ở VD2, trong một đối thoại (nghĩa là ngôn ngữ nói), sẽ có một số người thấy "hai năm sau" không được ổn cho lắm. Tôi thuộc loại người nghĩ như vậy, và nghĩ thêm một chút, tôi cho rằng ở đây có sự lây nhiễm từ lối văn này sang lối văn khác (trong ngôn ngữ học có thuật ngữ register of language/registre de langage, không rõ dịch là gì).

Chưa nói gì đến quy kết tội lỗi :) tôi nhận thấy nhiều người thay vì nói "sang năm" lại nói "năm sau", thay vì nói "năm kia" lại nói "hai năm trước". Việc lây nhiễm này còn có thể nằm ở chỗ ngôn ngữ bình dân lọt vào một văn bản được mặc định là nghiêm túc (thuộc một "regime" cao hơn), hoặc các từ chuyên môn, thuật ngữ lại được dùng trong ngôn ngữ hàng ngày (một chị nông dân nói đến "lập trường giai cấp" chẳng hạn). Rất nhiều khi đây là một yếu tố phong cách quan trọng, và sự lây nhiễm cùng có chỗ đứng dưới ánh mặt trời chứ không phải là không.

Mở rộng thêm một chút nữa suy nghĩ này về phía một vấn đề khác, sẽ thấy lý thú hơn nhiều: hiện tượng chêm từ nước ngoài vào câu văn của tiếng Việt.

Ở đây tôi không bàn đến sự lai căng. Tôi không có nhiều định kiến về điều này, vì xét cho cùng ngôn ngữ vay mượn cũng luôn có chỗ đứng hợp pháp à quên hợp thức. Tôi chỉ quan tâm đến một chi tiết: các từ thuộc một số ngôn ngữ phương Tây được người ta cho vào tiếng Việt như thế nào.

Theo tôi sự lây nhiễm là rất trầm trọng khi người ta viết: "Tôi thấy rất bị shocked trước cái tình hình ghê gớm này" hay "Dù sao thì anh vẫn còn nhiều options cơ mà nhỉ". (Kiểu viết thế này tôi thấy ở cả rất rất nhiều người có công việc gắn bó cực kỳ mật thiết với ngôn ngữ, như là nhà văn, và kể cả nhà ngôn ngữ học).

Điều gì là vấn đề mấu chốt ở đây? Sự lây nhiễm đã đạt đến một trình độ rất cao, và gần như được hợp thức hóa, nhưng khi viết thế kia, tức là người ta đã mặc nhiên coi tiếng Việt là ngôn ngữ có biến hình, và các đơn vị từ khi chuyển sang một ngữ cảnh khác vẫn giữ nguyên tính chất của nó ở trong ngữ cảnh nguồn. Viết như vậy không khác nào phủ nhận sự tồn tại của các từ "bị" và "nhiều", coi như là chúng không còn chức năng ngữ pháp nữa. Khi ấy thì thật là không logic; vấn đề là tại sao tiếng Việt không chấp nhận "Dù sao thì anh vẫn còn options cơ mà nhỉ".

Từ tiếng nước ngoài khi đi vào tiếng Việt cũng chịu các quy luật về ngữ pháp như từ có sẵn trong tiếng Việt, nếu không thì thật là khó nghĩ quá đi :)

Đến khi viết "người Persian" chẳng hạn, thì về bản chất đâu có khác lỗi trùng ngôn dạng "người Ý nhân" nữa.

25 comments:

  1. Anh ơi, em có hai câu hỏi như sau ạ:

    1. "và sự lây nhiễm cùng có chỗ đứng dưới ánh mặt trời chứ không phải là không" --> Em không rõ ý này lắm. Có phải ý anh là sự lây nhiễm được sử dụng và được chấp nhận một cách rộng rãi và công khai đúng không? "Có chỗ đứng dưới ánh mặt trời" sao em nghe quen quen, có phải dịch từ idiom "under the sun" không?

    2. "Khi ấy thì thật là không logic": từ "logic" ở đây là từ nước ngoài bị chêm vô đúng không?

    ReplyDelete
  2. cái 1 thì là vì tiếp nối cái ở trên, việc sử dụng cố ý có thể được coi là biện pháp tạo phong cách, theo một định nghĩa về phong cách rất phổ biến của Leo Spitzer: phong cách là sự lệch chuẩn :)

    cái thứ hai thì đã hẳn rồi, nhưng từ này thì có quá khứ xâm nhập tiếng Việt cao, có thể viết "lô-gíc" hay "lô gích" cũng chẳng sao - nhưng không phải "logical"

    ReplyDelete
  3. Bác Nhị giải thích sao việc thơ ca chả theo nguyên tắc ngữ pháp chi mô răng rứa gì cả?

    Bảo tôi dịch một số từ chuyên môn ra tiếng Việt bây giờ lá tôi bó tay toàn tập.

    ReplyDelete
  4. Một lần Joseph vào siêu thị, ông gặp một phụ nữ đang đẩy chiếc xe nôi với hai em bé trong đó.
    "Ồ, các cháu bé thật kháu khỉnh. Các cháu được mấy tuổi rồi chị?"
    "Thằng bác sĩ được ba tuổi, còn thằng luật sư mới lên hai." Người phụ nữ trả lời.

    Chuyện này chả liên quan gì đến bài viết, nhưng không hiểu sao vừa bắt đầu đọc entry bác Nhị lại nhớ đến nó.

    ReplyDelete
  5. Nhị Linh ơi, không khó khăn để "rationalize" những hiện tượng cậu bảo "thật là không logic". Ví dụ, có thể coi hai từ shock và shocked là hai từ mượn, và được sử dụng với các chức năng khác nhau, như "cú shock này làm anh ngã gục" hay "anh ngã gục vì bị shocked". Như thế, vẫn dùng "bị" như trong câu "anh bị đói" hay "anh bị đì". Tất nhiên là cách mượn không chỉ một từ gốc (shock) mà cả các biến thể của nó không phải là cách giải thích gọn ghẽ (parsimonious) cho ngôn ngữ, nhưng nó vẫn ổn về logic.

    Tớ nghĩ trong lịch sử ngôn ngữ, sự vay mượn từ đi kèm theo với cách biến thể của từ vẫn xảy ra. Vì thế mà tiếng Anh gọi là Dresden trong khi tiếng Pháp vẫn gọi là Dresde, hay là tiramisu ngày nay là một cái bánh chứ không phải "pull me up".

    À, người Persian nếu hiểu Persian theo nghĩa "thuộc về Ba Tư" thì giống như "Persian guy" chứ cũng không hẳn đã là "người Ba Tư nhân".

    ReplyDelete
  6. Em phản biện bác Duy Lý cái :D

    Tại sao bác không dùng "anh ngã gục vì bị shock" thay cho "anh ngã gục vì bị shocked".

    Hai ví dụ mà bác đưa ra cũng không thuyết phục lắm, dù em hiểu ý bác là minh họa cho trường hợp bị + adj. Em nghĩ nói "tôi bị đói" là sai ngữ pháp mà phải nói là "tôi đói" mới đúng. Còn "đì" trong "tôi bị đì" là verb chứ không phải adj nếu hiểu đúng chức năng của từ "bị".

    Ý tưởng của bác về việc mượn cả hai từ shock và shocked theo em khá là nguy hiểm :D. Tiếng Việt khác tiếng Anh ở chỗ nó không biến hình (như bác Nhị Linh có nói), do đó không thể mượn cách biến hình từ như của shock với shocked được. Mượn từ vựng thôi chứ mượn cả morphology nữa thì em thấy tiếng Việt đang nguy cấp lắm rồi ;))

    Một vấn đề nữa là theo bác thì "người Persia" với "người Persian" khác nhau ở chỗ nào :D

    Em mới nghe "người Ý nhân" lần đầu. Cái này có phải phiên âm từ chữ Iran không nhỉ? Nếu vậy thì nói "người Ý nhân" đâu có gì là sai.

    ReplyDelete
  7. "người Ý nhân" là ví dụ dễ bị hiểu sai thì lấy ví dụ khác nhé: "người Đức nhân"

    ReplyDelete
  8. VD1: "Mãi hai năm sau tôi mới biết là mình đã nhầm."

    VD2: "- Anh sắp làm xong luận án tiến sĩ chưa?/- Chưa, tôi nghĩ là hai năm sau."

    Mạn phép bác Nhị Linh cho em hỏi tại sao cái VD2 lại "không được ổn cho lắm"? Em thấy cả 2 ví dụ đều hoàn toàn lô-gích.

    Name: Học Dốt.

    ReplyDelete
  9. Ở VD2, dùng "hai năm nữa" thì có ổn không các bác ?

    ReplyDelete
  10. Để trả lời cho các câu hỏi về hai ví dụ đầu tiên, tôi xin hỏi lại các bác là tại sao lại có câu hát "Đợi hai ba năm nữa, quê mình thôi khói lửa", và tại sao trong phim khi dòng chữ tạch tạch tạch trên màn hình "Two Years Later" thì dòng phụ đề cũng phụt ra ngay: "Hai Năm Sau" :)

    ReplyDelete
  11. "Nữa" thường chỉ hơn kém về số lượng, "sau" chỉ thứ tự về thời gian. Thành ra nếu dùng "hai năm nữa" thì là chỉ độ dài thời gian, còn dùng "hai năm sau" thì là chỉ thời điểm, cụ thể là thời điểm sau thời điểm đang nói hai năm. Phát ngôn trong ví dụ 2 hoàn toàn lô-gích và em vẫn hoàn toàn không hiểu ý của bác Linh.

    Name: Học Dốt.

    ReplyDelete
  12. Ở VD 2 của bác NL: "Anh sắp làm xong luận án tiến sĩ chưa?" Em nghĩ nên viết lại như này thì chỉnh hơn: "Anh làm sắp xong luận án tiến sĩ chưa?"

    "Chưa, tôi nghĩ là hai năm sau" thì chắc chắn là không ổn rồi. Theo em thì nên viết lại như này: "Chưa, tôi nghĩ là sau hai năm nữa"

    Nhân đây, các bác so sánh thử ý nghĩa của hai câu sau: "Anh chỉ yêu em" và "Anh yêu chỉ [mình] em."

    ReplyDelete
  13. Nó logic với cái gì, bạn có thể nói được không?

    "nữa" và "sau" (không quan tâm đến không gian, ở đây chỉ nói đến thời gian) sẽ chỉ đến các quy chiếu khác nhau. Ở thời điểm hiện tại của phát ngôn, bạn chưa có đủ quy chiếu về thời gian, mới chỉ có "trước" và "bây giờ" nên "sau" là không logic. Ngược lại, trong văn trần thuật, thời gian đã có độ dài khác trong tương ứng với người quan sát, và đã có đủ cả "trước" lẫn "sau" của một thời điểm nào đó.

    Hiện tượng khác biệt về cách nói thời gian trong văn nói/văn viết hoặc thể trực tiếp/thể gián tiếp này có ở nhiều ngôn ngữ: tiếng Anh phân biệt "in two years" và "two years later", tiếng Pháp cũng phân biệt "dans deux ans" và "deux ans plus tard".

    ReplyDelete
  14. Em không thấy giải thích của bác NL là thoả đáng. Làm sao có "trước" mà lại không có "sau". Và đấy chính là logic mà em thấy.

    Khi phát ngôn là có "trước", có "sau", hay có "tình yêu" thì đâu nhất thiết phải giống với có cái xe, có cái áo hay có cái bánh mỳ. Còn nếu đấy là quy ước riêng trong văn nói và văn viết, chứ không phải logic, thì em sẽ chấp nhận thôi.

    Cảm ơn bác!

    Name: Học Dốt.

    ReplyDelete
  15. Ý tôi muốn nói là có cách dùng từ quy ước thật, nhưng ở đây cách dùng từ đó cũng có logic, ít nhất là logic hơn một số cách dùng từ khác.

    ReplyDelete
  16. Thưa bác Học Dốt, tôi thấy VD2 không ổn vì người ta buộc phải ngầm hiểu "hai năm sau" ấy là sau cái thời điểm hai người nói chuyện. Sự buộc phải ngầm hiểu đó khiến câu văn không rõ ràng. Nếu viết như câu này thì rõ ràng: "Năm 1993 cô ấy lấy chồng, hai năm sau cô ấy sinh con trai.", người đọc có thể biết chính xác là năm 1995 cô ta sinh con.
    Trở lại ví dụ hai, thì thời điểm đang nói chưa được xác định về mặt thời gian, nên câu trên xét ra mơ hồ về logic.

    ReplyDelete
  17. Thế còn vừa sau vừa nữa thì hiểu thế nào, chẳng hạn "Mười năm sau nữa":)

    ReplyDelete
  18. Mười năm sau nữa thì là Tử tước de Bragelone hehe.

    ReplyDelete
  19. Oh chào anh, em là Minh vừa cafe với anh sáng thứ sáu xong :D
    E là sinh viên ngôn ngữ, nên các bác để e góp vui chút
    1 Vấn đề từ "sau"
    Vd1 Tôi trở về sau 2 năm khói lửa(+)
    Tôi trở về khói lửa 2 năm sau (-)
    Tôi trở về 2 năm sau khói lửa (-)
    Vd2 2 năm trướclàng cháy, sau đó thì không (+)
    2 năm trướclàng cháy, đó sau thì không (-)
    Vd3 Sau khi lấy vợ, anh ấy đẹp trai ra (+)
    Khi lấy vợ sau, anh ấy đẹp trai ra (-)
    Ở Vd1 ta thấy rõ ràng "sau + time + vị từ" xuất hiện gần như 1 mệnh đề chỉ thời gian, mà "sau" có nhiệm vụ mở đầu mệnh đề, vị từ bổ nghĩa cho "time", các xáo trộn tiếp theo đều ko hợp lí
    Vd2 sau + đại từ (thay thế về time) cũng ko thể đổi được
    Vd3 sau + mệnh đề thời gian cũng ko đổi dc
    Như vậy cấu trúc "sau + time" là một mệnh đề thời gian chỉ TOÀN BỘ khoảng thời gian diễn ra sau so với 1 mốc thời gian nào đó (Ở vd1 là 2 năm đó khói lửa suốt, ở vd2 điều này rất rõ, ng` nói đề cập đến việc trong suốt 2 năm ko có vụ cháy nào)
    Còn "time + sau" chỉ là 1 THỜI ĐIỂM sao với mốc thời gian gốc. Như vậy dịch "2 years later" là "2 năm sau" hoàn toàn chuẩn, vì 2 NĂM đó ko dc xuất hiện trên màn ảnh, còn THỜI ĐIỂM đó lại dc mở đầu cho cảnh phim.
    Như vậy chỉ cần phức tạp hóa 1 chút (thay 2 năm = cách thêm tính từ, thay thế đại từ, mệnh đề time) là giải quyết dc vấn đề

    Quay lại ví dụ của anh NL
    "- Anh sắp làm xong luận án tiến sĩ chưa?/- Chưa, tôi nghĩ là hai năm sau."
    Câu hỏi dồn trọng tâm vào "SẮP", tức là hỏi THỜI ĐIỂM như vậy câu trả lời trên là phù hợp.
    Còn muốn là "sau hai năm" thì phải hỏi là "Anh làm sắp xong luận án tiến sĩ chưa?" vì câu hỏi này nhấn mạnh vào "LÀM" tức là cả 1 quá trình làm

    Nhìn chung là thế, cái vụ shocked e sẽ hầu chuyện các bác sau, em ăn trưa đã :-j

    ReplyDelete
  20. @ bác HY:

    Cách giải thích của bác HY làm em buồn cười quá!

    VD2 là đối thoại, chứ không phải trần thuật như câu bác viết là "Năm 1993 cô ấy lấy chồng, hai năm sau cô ấy sinh con trai".

    Nếu bác muốn chứng minh VD2 không logic thì chỉ có cách chứng minh là có "trước" mà không có "sau". Điều này cũng như chứng minh đồng xu chỉ có một mặt với lý do là bác mới chỉ kịp nhìn thấy một mặt của đồng xu. :)

    @ bác NL:

    Logic của một phát ngôn chỉ có không và có, chứ không có hơn hay kém. Tức là có thể cả hai phát ngôn đều có logic hoặc không có logic, chứ không ai nói là cái này logic hơn cái kia. :)

    Name: Học Dốt Lắm...

    ReplyDelete
  21. @ bác HDL:

    Đối thoại thì không khắt khe như văn viết nhưng cách nói trong đối thoại cũng có thể được xem xét phân tích dựa trên chuẩn mực, thế mới có chuyện người thì nói năng chính xác, người thì nói à uôm. Nhiều người còn xem cách nói năng để biết người đối diện có học hành tử tế hay không.

    Ở cuộc đối thoại trong ví dụ trên, nói "sau" hay "nữa" thì người nghe vẫn có thể hiểu được nhưng sự khác nhau tinh tế của hai cách hành văn là có. Sự khác nhau này cũng như nhiều sự khác nhau mỏng manh khác trong ngôn ngữ nếu ai phân biệt được thì khả năng phân biệt đó sẽ giúp họ nói chính xác hơn và vì vậy mà hay hơn.

    ReplyDelete
  22. người Việt Nam dùng từ Hồ Ness hay là Hồ Loch Ness vậy anh :P

    ReplyDelete
  23. "hồ Loch Ness" thì là lỗi trùng ngôn rồi, nhưng lỗi này theo tôi không có gì là trầm trọng cả

    ReplyDelete
  24. Bên trường kiến trúc, các thầy đi du học nước ngoài về cứ nói cái view nhìn, rồi sinh viên cũng tập tọe cái view nhìn. Nói ra thì lại thấy mình lạc quẻ với các bạn trong trường, nay mò mò thấy bác có viết bài này đành góp mấy câu, kể xong rồi biến.

    ReplyDelete
  25. chết thật, ở đây có kha khá thầy dạy ở trường kiến trúc đấy :p

    ReplyDelete