Được giận hờn nhau vui sướng biết bao nhiêu
Mối quan hệ giữa yêu đương và hờn giận các bác biết nhiều rồi, thôi tôi chẳng nói nữa :)
Căn bản hôm qua trời nóng, hôm nay đùng đùng mưa, nên mình cũng phải quay ngoắt chủ đề cho nó hợp thời... tiết.
Sau đây là một bài thơ lạ, xuất hiện trong một quyển sách giáo khoa Việt văn (tên chính xác là Tân Quốc-Văn, Tập đọc - Học thuộc lòng do mấy giáo học trường Nguyễn Công Trứ Hà Nội tên là Trần Ngọc Chụ, Nguyễn Quý Bình, Hoàng Đình Tuất soạn, trên sách ghi dòng chữ "Đã được Bộ Quốc-Gia Giáo-Dục duyệt-y làm sách giáo-khoa trong các trường tiểu-học", bản này in năm 1952, lần thứ sáu, nhà in Nam Sơn, Hà Nội), là bài thứ 49 trong phần III mang tên chung "Quốc Gia":
Hận sông Gianh
1 - Đây sông Gianh! Đây biên cương thống khổ!
Đây sa trường! Đây nấm mộ trời Nam!
Đây dòng sông, dòng máu Việt còn loang.
Đây cổ-độ, xương tàn xưa chất đống.
Sông còn đây! Hận phân-ly nòi giống!
Máu còn đây! Cơn ác mộng tương-tàn.
Và còn đây! Hồn dân Việt thác oan.
Bao thế-kỷ chưa tan niềm uất-hận.
2 - Ôi! Việt-Nam cùng Việt-Nam gây hấn,
Muôn ngàn sau để hận cho dòng sông.
Mộng bá-vương, Trịnh Nguyễn có còn không?
Nhục nội-chiến non sông còn in vết,
Ôi! sông Gianh! "Nơi nồi da nấu thịt"
Nơi gươm hồng tàn giết giống Lạc-Hồng
Nơi máu hồng nhuộm đỏ sóng dòng sông.
Máu nhơ bẩn muôn đời không rửa sạch.
Bài thơ này cũng có thấy vài người chép lại trên mạng, nhưng hình như không ai biết thực sự tác giả là ai. Trong cuốn sách giáo khoa Việt văn này cũng chỉ ghi V.T.D. (Dân Việt).
Tôi cũng chưa bao giờ nhìn thấy báo Dân Việt. Báo chí Việt Nam giai đoạn 1945-1954 thật là một vấn đề nan giải, gần như là một khoảng trắng tinh, tuy vô cùng phong phú. Hôm qua chỗ tôi ngồi cà phê một mình đọc Tagore ấy, theo miêu tả của sách vở thì chính là ngay cạnh tòa soạn tờ Giang Sơn trước đây. Tôi e rằng ngay các nhà nghiên cứu lâu năm ở Việt Nam cũng rất ít người từng tận mắt nhìn thấy những tờ như Giang Sơn hay Cải Tạo.
Chưa biết phải làm thế nào để tìm kiếm tiếp hic, cho đến giờ tôi cũng mới chỉ hớt được một vài thông tin lẻ tẻ từ các hồi ký nhà văn, như là hồi ký mang tên Thuở mơ làm văn sĩ của Nhật Tiến, một người bắt đầu bước vào nghề viết văn chính trong giai đoạn này tại Hà Nội.
What to do now?
thú yêu đương vất vả quá ạ! :D
ReplyDeleteNếu Nhị Linh có Thuở mơ làm văn sĩ của Nhật Tiến và vui lòng cho mình mượn thì hay quá.
ReplyDeleteMình chỉ được đọc lõm bõm Hồi ký này trên tờ báo Thiếu Nhi miền Nam cũ xuất bản đâu như 1971-75. Tờ báo này có chủ nhiệm là Nguyễn Hùng Trương (ông Khai Trí) và chủ biên là nhà văn Nhật Tiến.
Đầu thập niên 80 mình may mắn có được một bộ không đầy đủ của báo. Phải nói là một niềm hạnh phúc vô cùng lớn lao đối với một thằng bé Bắc Kì ngày đó. Nội dung của tờ báo rất phong phú: từ truyện tranh Tintin đến truyện đường rừng, chẳng hạn Tiếng hú trên đỉnh cao Chà hoóc của Vũ Hạnh, rồi mục xếp giấy Nhật Bản Origami, đan xen là các sáng tác thiếu nhi, các ô chữ, truyện khôi hài, truyện trinh thám phóng tác của Conan Doyle với Sĩ Lâm và Văn Sơn v.v.. Bìa một thường là tranh của hoạ sĩ Vivi đẹp mê li và bìa 4 có truyện tranh dựa theo phim Walt Disney…
Trong Thuở mơ làm văn sĩ, mình nhớ đoạn 2 chú bé tự in báo tường bằng thạch bản rất thú vị. Rồi lúc Nhật Tiến được đăng bài trên báo Giang Sơn, hình như ông xịt cả phần lọ nước hoa vào tờ báo.
Quá dễ luôn bác, bác thích mượn, photo sẵn ra hay chụp ảnh cả quyển cũng được. Trong sách còn nhắc tới người em trai của Nhật Tiến, thời đó còn nhỏ, tất nhiên chính là Nhật Tuấn "Đi về nơi hoang dã" sau này.
ReplyDeleteChỉ xin bác cho bản photo mấy tờ báo mà bác nói, nếu bác còn giữ được.
quyển hồi ký của NT cũng in trong một tủ sách tuổi nhỏ đấy, tôi không nhớ rõ tên, để đi lục lại
ReplyDeletequyển này do Huyền Trân xuất bản, Sài Gòn, 1973
ReplyDeletetôi từng trích dẫn từ quyển này trong một bài tham luận hội thảo:
http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home/index.php?option=com_content&view=article&id=986:bao-chi-vn-chng-u-th-k-xx-ti-vit-nam-nhin-nhn-t-cp-mo-hinh&catid=85:hi-tho-qua-trinh-hin-i-hoa-vn-hc&Itemid=159
đây là bước đầu tiên trong nghiên cứu lịch sử báo chí VN của tôi, bắt đầu bằng việc đặt câu hỏi về mô hình hoạt động và mối liên quan giữa sách và báo, một mối quan hệ rất đặc biệt ở VN
Cám ơn nhiều. Vậy để hôm nào đẹp giời, mình sẽ móc nối và mượn Thuở mơ làm văn sĩ đi photo 1 bản về đọc cho đã.
ReplyDeleteMình muốn nói rõ hơn về bộ báo Thiếu nhi. Nhà văn Nhật Tiến còn có một ông anh ruột ở HN. Ông này là dịch giả của rất nhiều tác phẩm, đa số là truyện trinh thám, đặc biệt là của James Harley Chase. Ông là bạn học với ông già mình vì thế mình mới may mắn có lô quà quý giá đó. Nhưng bộ báo đó không được may mắn thế. Sau 2, 3 trận mối xông, mình mất toàn bộ bộ báo và cả một đống sách.
Tuy nhiên, cách đây vài năm mình có nhờ mua lại được 1 phần nhỏ bộ báo: 10 cuốn. Chủ yếu là để bồi hồi ngắm lại một người bạn cũ. Và mình có thể photo cho bạn Nhị 10 cuốn này (lưu ý là giấy khá đen nên chất lượng chắc cũng bất cập). Hoặc hôm nào đó, mình đến tổng hành dinh Nhã Nam mua vài cuốn sách cũ. Tiện thể sẽ mang cả bộ báo theo để bạn Nhị ngắm nghía.
tôi lại không biết chi tiết Nhật Tiến còn có một người anh đâu đấy; dịch Chase à? thế thì có khi đã từng làm cho tiền bối B. rồi :d
ReplyDeletetôi chỉ cần bản photo, đen sì cũng được để xem layout các thứ, nhất là nếu có bài vở của các nhân vật tên tuổi thì càng tốt, hy vọng 10 số bác đang sở hữu có mấy cái của Vũ Hạnh. Nhật Tiến
à, bác Tư Hồng có lỡ đọc cái này thì xin đại xá cho tội phạm húy, nhá
:p
xưa nay cứ nghĩ bác midway là một bác gái cỡ tuổi chị So đấy :d
ReplyDeleteHừm, bây giờ "chị So" được lấy làm đơn vị đo độ già cơ đấy! bạn midway chừng 0,5 chiso chứ gì.
ReplyDeletetùy quan điểm thôi ạ, người bi quan sẽ nói như chị, người lạc quan sẽ nói chiso là chỉ số đo mức độ trẻ :p
ReplyDeletechiso là đơn vị đo độ cay chứ? Mà bác nên lạc quan đi, theo mô hình tính toán của em thì bác vào khoảng 0,54545454... chiso. ;P
ReplyDeletebài này mình đọc đầu tiên trong tập thơ chép tay của má mình, khoảng đâu năm cấp 2 gì đó, nhưng cái âm hưởng còn đọng lại đến giờ...
ReplyDeletethích nhất bài này với bài "Mã Chiến Sơn". (Mã chiến sơn buông cương và ngẫm nghĩ....).
hình như trong thơ Việt Nam hiện đại, có một dòng thơ với âm hưởng hào hùng bi tráng rất hay...
"thơ biên tái" chăng? những bài thơ này thường làm theo thể hành, nhiều khi độc vận, sau này có Tô Thùy Yên rất đặc trưng, "Trường Sa hành" chẳng hạn
ReplyDelete"Mã Chiếm Sơn buông cương và ngẫm nghĩ" nếu mình nhớ kg nhầm hình như lại là thơ Tố Hữu!
ReplyDeleteTôi còn nhớ, trước năm 54, ở Hà Nội có mấy tờ báo hàng ngày hay đọc : Giang Sơn, Tia Sáng, Liên Hiệp (hình như Liên Hiệp sau đổi ra Cải Tạo).
ReplyDeleteTòa soạn báo Giang Sơn nay là tòa soạn báo Hà Nội Mới. Số Tết năm 1954 (Giáp Ngọ) có trang bìa in bức tranh sơn dầu Quang Trung đại phá quân Thanh của họa sĩ Nam Sơn.
Tòa soạn báo Tia Sáng có một thời là nhà in tạp chí Học Tập, ở phố Bà Triệu phía trên ngã tư Bà Triệu-Lý Thường Kiệt vài nhà bên số chẵn.
Tòa soạn báo Liên Hiệp hình như ở phố Chợ Đuổi nay là phố Tuệ Tĩnh.
Bài Hận Sông Gianh cùng bài Hận Nam Quan tôi được học năm lớp Nhất (1953-1954) in trong sách Quốc văn giáo khoa thư.
Gần sáu chục năm qua rồi, chẳng biết nhớ có còn đúng không ?
Cảm ơn anh Nhị Linh đã cho tôi được dịp nhớ về một thời thơ ấu.
Cám ơn bác.
ReplyDeleteTạp chí "Học Tập" mà bác nói đến phải là tờ ra sau 1954 chứ, phải không ạ?
Nếu bác biết có sách hay tài liệu nói kỹ về giai đoạn này của Hà Nội thì làm ơn cho tôi biết, hết sức cám ơn.